Saturday, May 11, 2013

Chuyến vượt biển tìm tự do

 
http://farm8.staticflickr.com/7331/8722348076_1ea51e9b58_o.jpg      
Hộ Tống Hạm Chi Lăng II, PCE HQ-08.Tốt nghiệp khóa 20 SQHQ ngành Cơ Khí, tôi được gửi đi thực tập trên chiến hạm thuộc Đệ Thất Hạm Đội Hoa Kỳ. Sau khi đi thưc tập trên Đệ Thất Hạm Đội về, tôi được tân đáo Hộ Tống Hạm Chi Lăng II, PCE HQ-08. Năm 1972 tôi được thuyên chuyển về Hải Quân Công Xưởng, Phòng Điều Hành Kỹ Thuật cho đến ngày 30 tháng 4 năm 1975.



Tôi là sĩ quan trực đêm 28 đến sáng ngày 29 tháng 4 năm 1975. Sau khi chào cờ và làm thủ tục bàn giao xong, tôi về nhà ở vùng Tân Đinh để dùng cơm. Trên đường ra cổng, tôi đã thấy lác đác một số sĩ quan cao cấp đang đưa gia đình vào tạm trú trong HQCX hay Cư Xá Sĩ Quan, trại Cửu Long. Khoảng sau buổi trưa thì tình hình Sài Gòn đã bắt đầu thấy nhốn nháo, nhiều xe hơi nhà chở đầy người chạy về hướng phi trường Tân Sơn Nhất, và bờ sông Bạch Đằng. Gia đình tôi gồm ba má, năm đứa em cùng tôi và vợ tôi với cái bụng bầu gần 8 tháng, chất lên chiếc xe nhà tìm đường ra đi vì mẹ tôi là người Bắc di cư nên đã biết thế nào là cái họa Cộng Sản. Xe nhắm hướng chạy vào HQCX để có chút ít hy vọng đưa gia đình lên tàu. Đến gần nút chặn trên đưòng Cường Để, lính gác bắn chỉ thiên chận đường và đuổi chúng tôi đi. Ba tôi chần chừ mãi nhưng thấy không hy vọng được gì nên chán nản lái xe quay về nhà.
Ngày 30 tháng 4 năm 1975, Tổng thống Dương Văn Minh yêu cầu quân đội buông súng và tuyên bố đầu hàng, miền Nam Việt Nam hoàn toàn rơi vào tay đảng Cộng Sản đầy thâm hiểm và khát máu! Những hình ảnh và những gì liên quan đến cuộc đời quân ngũ của tôi đã được lén lút thiêu hủy trong sân nhà.
Tôi đi trình diện và bị nhốt tù chính trị tại Trảng Lớn thuộc tỉnh Tây Ninh, sau đó bị đưa vào Rừng Lá, Trảng Táo, lao động khổ sai cho đến cuối năm 1977 thì được cho về “quản chế”, và làm ruộng tại vùng quê. Trước đó, vợ tôi và gia đình đã bị áp lực phải bỏ nhà bỏ cửa và rời khỏi Sài Gòn đi vùng kinh tế mới để sản xuất. Sau mấy năm đã sống dưới chế độ Cộng Sản, ba mẹ tôi đã biết được rằng chúng tôi không thể nào sống được dưới chế độ vô lương của Cộng Sản nên đã lo cách tìm đường vượt biển cho toàn bộ gia đình.
Sau nhiều lần vượt biên bị thất bại với ba đứa em bị bắt ở tù, tôi đã dùng giấy tờ tùy thân gỉả mạo để xuống Rạch Giá vào khoảng đầu tháng 11 năm 1978. Tôi ra đi một mình, để lại người vợ trẻ yêu thương, con trai lớn mới hơn ba tuổi, và con gái mới sanh. Mẹ tôi mới mất trước đó mấy tháng. Xuống Rạch Giá được một ngày, nằm “ếm mình” trong căn nhà “an toàn” với một số người cho đến khuya, chúng tôi đã được chuyền dần ra ghe lớn nằm ngoài khơi. Ghe lớn là một ghe đánh cá loại Kiên Giang có chiều dài khoảng trên 10 thước, và chiều ngang khoảng gần ba thước, mang số hiệu KG-0729. Chúng tôi ngồi như cá mòi trong hộp, người đông, con nít đã được cho uống thuốc ho xi rô để ngủ và khỏi la khóc dễ bị lộ. Tôi không biết rõ là có bao nhiêu người được nhét lên ghe, nhưng cũng phải đến hơn trăm người. Ngoài số người đi chính thức do chủ tàu tổ chức thì bọn công an bán bãi cũng còn nhét thêm vào một số người riêng của chúng nữa!
Biển động nhẹ nhưng cũng làm nhiều người ngất ngư say sóng. Ghe chạy được đến tối ngày thứ hai thì bị trở ngại, máy khục khặc nổ, có lẽ do nước theo trục láp chân vịt vào hầm máy. Ghe bị tắt máy trôi lình bình, tàu lắc sóng ngang nên làm cho nhiều người mệt lả, nhất là ăn uống thiếu thốn trong mấy ngày qua. Khoảng 8 hay 9 giờ, trời tối đen, và lất phất những giọt mưa nhẹ hạt, chúng tôi bỗng thấy ánh đèn của một chiếc tàu đánh cá từ đằng xa chạy tới, nhiều người mừng rỡ vẫy gọi kêu cứu. Chúng giảm máy, và cho tàu cập sát lại ghe chúng tôi. Một số người nhẩy qua khi thấy chúng vẫy tay gọi qua, và trong số đó có tôi. Vì ghe chúng tôi qúa đông người nên chúng tôi tưởng là chúng tử tế cho san bớt người qua. Ba hay bốn thằng nhẩy qua ghe của chúng tôi leo lên chỗ tài công. Khi số người đã qua tàu của chúng cũng kha khá đông, chúng cho tàu tách ra, một bà hay cô tôi cũng không rõ vì trời đã tối rồi, nhẩy qua không kịp nên rớt xuống biển, nhiều người la lên nhưng lúc này chúng mới lộ ra những khuôn mặt nanh ác bỏ mặc cho bà kia lóp ngóp dưới nước, kêu la được vài tiếng rồi im bặt và chìm lỉm! Chúng hò hét bằng những tiếng Thái hay Mã Lai mà chúng tôi không biết, tay cầm dao hay những cây gậy bằng những ống nước bằng sắt, và đánh đập thẳng tay những người nào tỏ ý phản kháng hay do không hiểu lệnh lạc chúng muốn nói gì! Chúng chia chúng tôi ra làm hai nhóm, đàn ông riêng và đàn bà riêng, bắt ngồi xuống thành hàng. Ông chủ tàu tổ chức, đứng lên khuyên chúng tôi nên tuân hành theo lệnh của chúng, nhưng thằng cướp đứng phía sau ông lại tưởng là ông có ý phản kháng nên đã đập vào đầu ông bằng một cây gậy bằng sắt, và ông ngã xuống chết tươi. Chúng đạp ông xuống biển, máu từ đầu ông chẩy có dòng kéo ra đến mạn ghe! Chúng bắt đầu gom góp nữ trang và đồng hồ của mấy bà mấy cô. Một bà có chiếc vòng cẫm thạch gỡ mãi không ra, chúng hươi dao định chặt tay để lấy vòng thì may qúa chiếc vòng cẩm thạch tuột rơi ra được. Thấy vậy, tôi lặng lẽ tháo chiếc nhẫn cưới ở ngón tay áp út, thả nhẹ rơi xuống sàn ghe, và lấy chân lùa nhẹ xuống khe hở của sàn tàu. Một ông có chiếc răng vàng bị chúng “dộng” cho một cái để gẫy răng vàng và rớt ra cho chúng lấy. Chúng bắt chúng tôi cởi hết quần áo và chỉ còn độc lại những chiếc quần lót, và gom vào trong một cái bao bố.

Chúng lùa đám chúng tôi xuống những khoang hầm chứa cá. Sau này được biết là chúng cứ tuần tự làm như thế cho đến hết người trên ghe của chúng tôi. Chúng lôi những cô gái hay những người đàn bà xinh đẹp lên để hãm hiếp, tiếng kêu la khóc lạy van của những người này vang lên trong biển vắng và dội xuống hầm cá của chúng tôi nghe thật thảm thiết. Người nào chống cự mãnh liệt thì chúng đạp luôn xuống biển. Chúng tôi ở trong khoang hầm cá lạnh run lập cập vì không có quần áo và đứng trên những tảng nước đá để ướp cá dưới chân. Đến thật khuya, chúng mở cửa hầm và kêu chúng tôi lên dẫn ra mạn tàu. Chúng cho tàu chạy đi trước khi không quên cho tàu của chúng húc mạnh vào ngang sườn chiếc ghe Kiên Giang số 0729 của chúng tôi để đánh chìm phi tang vì thấy phía thật là xa có ánh đèn của một chiếc tàu lớn. Chúng đạp chúng tôi xuống biển, hay hốt hoảng có một số người nhẩy theo khi chưa bị đạp xuống, và có lẽ tôi là một trong số những người này. Cũng nhờ vậy mà chỗ tôi nhẩy xuống biển cũng không cách xa ghe của chúng tôi là mấy, khoảng hai hay ba chục thước. Biển đêm đen như mực, trên trời ánh trăng sáng lạnh, tôi xoải tay bơi về ghe của mình. Tôi là một người bơi không khá, bình thường chỉ lóp ngóp được một vài chục sải tay là đã thấy thở hổn hển rồi tuy là một sĩ quan Hải Quân, nhưng không hiểu vì bản năng sinh tồn, một động lực mãnh liệt nào hay Trời Phật hoặc linh hồn của má tôi đã giúp tôi bơi được về đến ghe của mình và leo lên. Một vài người khác cũng bơi được về đến ghe như tôi, nhưng tiếng kêu cứu vẫn thống thiết vang lên trong đêm vắng của những người không bơi về đến nơi được. Những người kém may mắn này là những người không biết bơi hay khi bị đạp xuống biển thì tàu của bọn hải tặc đã chạy ra khá xa. Chúng tôi không biết làm sao hay cách nào để cứu họ, ghe mình thì chết máy trôi lềnh bềnh theo con nước. Trên ghe không một áo phao, không một vật gì đủ khả dĩ nổi như phao để có thể bám lấy bơi ra tiếp cứu họ! Tiếng kêu sau cùng rồi cũng im bặt, chỉ còn tiếng sóng vỗ vào mạn ghe đều đặn, buồn thảm như tiếng ru Hời tiễn đưa những linh hồn kém may mắn vào với biển đen, và những tiếng khóc tức tửi của những người đàn bà bị hãm hiếp. Đồ ăn thức uống của chúng tôi đã bị bọn cướp quăng hết xuống biển. Chúng tôi hoàn hồn được đôi chút, chia nhau lấy giẻ hay quần áo còn sót lại đem chèn vô những chỗ bị lủng để chận nước tràn vào, và thay phiên nhau tát nước ra từ hai bên mạn thuyền.
Chúng tôi hì hục sửa máy trong ánh sáng le lói của mấy ngọn đền cầy, anh thợ máy là một người khá chuyên nghiệp nên đến gần sáng thì máy tàu lạch bạch nổ lại. Số người trên tàu vắng hẳn, chỉ còn lại chừng hơn hai phần ba lúc ra đi, và bây giờ thấy đã có chỗ chen chân đi lại. Chủ tàu đã bị giết trong đêm nên không lấy ai để chỉ huy con tàu. Bản đồ đi biển của chúng tôi chỉ là một trang giấy xé ra từ một cuốn sách Địa Lý thời trung học, không la bàn hay bất kỳ một trợ cụ đi biển nào! Tôi bàn cho anh tài công là cứ nhắm hướng Tây mà đi thì mình có thể sẽ gặp được đất liền từ giải đất của Thái Lan hay Mã lai Á. Buổi sáng cứ nhắm hướng để mặt trời nằm phía sau lái, và buổi chiếu thì cứ nhắm hướng mặt trời lặn mà đi tới. Đúng ngọ thì hơi phiền một tý, nhưng chúng tôi cứ cố giữ đúng hướng độ tương đối bằng cách căn cứ vào góc độ của một miếng vải treo trên mui như một lá cờ nhỏ để định hướng.

Cứ chạy như thế cho đến chiều thì chúng tôi đã thấy đất liền. Khoảng 7 giờ chiều thì chúng tôi vào được đến gần bờ, đã thấy lác đác có một vài người đi dạo trên bãi. Bãi rất lài và ghe chúng tôi bị sóng xô vỡ đáy và đẩy lên trên một cồn cát ngầm ngoài biển cách bờ khoảng trên dưới trăm thước. Chúng tôi kêu gào khản cả cổ nhưng mọi người như vô cảm, nhìn ra ghe của chúng tôi như những vật vô hồn, không thấy bận tâm! Một vài người, trong đó có tôi nhẩy đại xuống bơi vào bờ, bơi thì ít mà sóng đẩy vào bờ thì nhiều. Lên bờ chúng tôi mệt lả người vì thiếu ăn và thiếu uống cùng những nỗi kinh hoàng vừa xẩy ra trong đêm. Một người đàn bà Mỹ đứng trên bờ cát đã nói với chúng tôi là yên trí vì chồng của bà đã chạy đi báo cho cảnh sát. Một lúc sau ông chồng của bà cùng xe cảnh sát chạy đến và có mang theo ít chiếc phao. Tôi phụ đem phao bơi ra cho những người còn lại trên chiếc ghe vỡ nát. Cuối cùng chúng tôi cũng đem được hết cả mọi người lên bờ. Người đàn bà Mỹ tốt bụng và ông chồng người Anh của bà trong lúc đi dạo buổi chiều trên bãi biển sau bữa ăn tối đã thấy chúng tôi và ra tay cứu giúp. Vùng bờ biển chúng tôi ghé vào là vùng Terengganu thuộc phía Đông Bắc Mã Lai Á.
Chúng tôi được cảnh sát Mã Lai đem về một cái garage bỏ trống để ngủ qua đêm, và sáng hôm sau thì được chở qua trại tỵ nạn ở đảo Pulau Bidong. Gia tài của tôi cũng như đa số những người đàn ông khác trên ghe chỉ còn độc lại một chiếc quần xà lỏn trên người. Tất cả mọi thứ khác đều đã bị bọn đầu trâu mặt ngựa trên tàu đánh cá Thái Lan (đã biến thành bọn cướp biển) trấn lột chúng tôi trong đêm. Tôi nằm ở khu F, khu trên đồi, của đảo Bidong, được sự giúp đỡ của anh chị Đăng Văn Đệ (Hàng Hải Thương Thuyền), và sau đó tôi có gặp lại được một số các bạn đồng khóa. Tôi tình nguyện vào đội trật tự trên đảo để được phát cho hai bộ đồ cũ.
Sau khi tôi đến được bến bờ tự do, cô em gái út vượt biển cùng với gia đình bên vợ tôi cũng đến được bờ biển Đông Nam của xứ Mã Lai. Đầu năm 1979, hai đứa em trai ra đi tìm tự do trên một con thuyền nhỏ, và cũng đến được đảo Galang của Nam Dương. Tháng 6 năm 1979, tôi được qua Mỹ đến thành phố Baton Rouge, Louisiana đoàn tụ với đứa em trai đã du học từ trước năm 1975.
Ít lâu sau thì ba tôi đã “móc nối” được với một người Pháp quen biết từ trước để được giúp đỡ phần gia đình còn lại rời khỏi Việt Nam đến định cư tại Côte d’Ivoire, một thuộc địa cũ của Pháp tại Phi Châu. Ba tôi có việc làm lại vì trước kia đã đi tu nghiệp về quan thuế tại Pháp.
Nhờ ơn trên che chở, sau đó mọi người trong gia đinh tôi được đoàn tụ tại vùng đất mới và sẽ chỉ trở về Việt Nam khi không còn Cộng Sàn. Chuyện thảm nạn của chiếc ghe vượt biên của chúng tôi mang số Kiên Giang 0729 đã được viết và đăng tải trên báo Mỹ: “The tragedy of the KG-0729, Far Eastern Economic Review, December 22, 1978.”
Lưu Ngọc Quang

Nam Yết chuyển

No comments:

HƯƠNG GÂY MÙI NHỚ… Tản Mạn - Nhất Hùng

Truyện Kiều của Nguyễn Du có câu thơ rất ý nhị: “Mành tương phơn phớt gió đàn, Hương gây mùi nhớ trà khan giọng tình”