Monday, May 6, 2013

Theo Con Đường Dân Tộc Cách Mạng


Trà Giang
Hôm nay ngày 30.4.2013 đánh dấu 38 năm ngày miền Nam Việt Nam hoàn toàn bị sụp đỗ. Là một quân nhân của quân lực VNCH đã chiến đấu bảo vệ nền Tự Do Dân Chủ tại miền Nam, không khỏi ngậm ngùi thương tiếc đến đồng đội đã Vị Quốc Vong Thân.

Tuy nhiên chúng ta luôn hảnh diện và tự hào. Chúng ta đã cống hiến cuộc đời mình trong quân ngũ, hy sinh vì Tổ Quốc, chiến đấu vì toàn dân. Đã có bao lớp người ngã gục để bảo vệ màu cờ chính nghĩa và gìn giữ non sông, để đồng bào ta có được những thời gian năm dài tháng rộng sống trong không khí tự do và ăn no mặc ấm trước 30.4.1975.

Bối cảnh năm 1975:

Nhìn về quá khứ, tình hình chính trị đầu năm 1975 có nhiều điểm bất lợi cho ta. Thế chiến lược ở Đông Nam Á có phần thay đổi. Do đó lực lượng quân đội và ngay cả guồng máy quốc gia từ thế chủ động trở nên thụ động, rồi cuối cùng đi đến thất bại. Hậu quả của sự thất bại đó là hàng triệu người Việt Nam phải sống trong cảnh nghèo đói, lạc hậu và oan ức. Hàng ngàn nhà tù trại giam, trại cải tạo mọc lên sau 30.4.1975. Hàng ngàn người bị gông cùm xiềng xích cũng như bị thanh trừng, bị giết cá nhân hoặc tập thể. Hàng trăm ngàn người đã bị cướp mất nhà cửa và bị đẩy vào rừng sâu nước độc được gọi là vùng kinh tế mới. Hàng trăm ngàn người đã bị xô đuổi ra khơi và hầu hết bị chết chìm trên biển cả mênh mông.

Việt Nam có nhiều cơ hội để phát triển nhưng vì có nhiều chính sách sai lầm của chế độ nên đã đưa cả một dân tộc Việt đến đà suy vong, đã làm cho cả nước chậm tiến nếu không nói là thụt lùi theo thời đại, nhất là biến miền Nam Việt Nam giàu có trở thành nghèo đói, biến xã hội hưng thịnh trở thành một xã hội băng hoại và điêu tàn. Nền văn hoá, thuần phong mỹ tục không còn như xưa. Hầu như tất cả người dân Việt Nam đều sống với tâm lý sợ hải vì thù hằn, nghi kỵ lẫn nhau. Mọi quyền Tự Do, Dân Chủ, Dân Sinh, Dân Quyền và Nhân Quyền là những yếu tố cần thiết để phát triển kinh tế thì đều bị tước đọat và ngăn cấm.

Mối tương quan giữa Cộng sản Việt Nam và Trung cộng:

- Ngày 14.9.1958: Phạm Văn Đồng là Thủ tướng nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hoà đã ký công hàm xác nhận và tôn trọng hải phận 12 hải lý khi TC tuyên bố chủ quyền quần đảo Tây Sa (Hoàng sa) và quần đảo Nam Sa (Trường Sa) thuộc Trung cộng (TC) vào ngày 4.9.1958.
Phóng đồ Hải Chiến Hoàng Sa 19.01.1974

- Ngày 19.1.1974: Từ nhiều năm Trung cộng đã cung cấp, tiếp tế vũ khí đạn dược, quân trang quân dụng, lương thực ngày càng nhiều cho Việt cộng và ngay cả việc TC đưa trên 300.000 quân qua đồn trú tại Bắc Việt để Việt cộng giảm nhẹ sự phòng thủ miền Bắc, rảnh tay, gia tăng áp lực cũng như mở nhiều cuộc tấn công tại miền Nam Việt Nam nhằm làm suy yếu lực lượng VNCH. Lợi dụng tình thế đó vì có chủ đích, Mao Trạch Đông chỉ đạo cho tổ lãnh đạo Trung cộng 6 người gồm Diệp Kiếm Anh, Đặng Tiểu Bình, Vương Hồng Văn, Trương Xuân Kiều, Trần Tích Liên, Tô Chấn Hoa họp ngày đêm để thực hiện kế hoạch chiếm biển Đông. Trung cộng đã dùng một lực lượng phối hợp hải, lục, không quân thật hùng hậu do Phó Đô Đốc Phương Quang Kinh đương kiêm là Tư Lệnh Phó Hạm Đội Nam Hải của TC chỉ huy chiến thuật, gồm có nhiều chiến hạm tối tân ngay cả tàu ngầm và phi cơ chiến đấu của TC để xâm chiếm nhóm đảo Nguyệt Thiềm nằm phía Tây của quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền VNCH vào thời điểm đó.

- Ngày 14.3.1988: Tại quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam, Trung cộng đã bắn giết 64 bộ đội hải quân (HQ) cộng sản Việt Nam (CSVN) và bắn chìm 3 chiến hạm của CSVN mà bộ đội HQ CSVN không được phép bắn trả. Trung cộng đã chiếm đảo Gạc Ma và 5 hòn đảo nhỏ khác. Một số người Việt chúng ta có cả các vị học giả, biên khảo, chính trị gia đã nghi ngờ và cho rằng có thể đó là trận chiến nguỵ tạo giữa cộng sản Việt Nam và Trung cộng để CSVN dâng hiến đảo Gạc Ma và thêm các đảo khác cho TC nhằm để trả nợ trước áp lực của TC. Trận chiến nầy nhà nước CSVN đã ém nhẹm không cho dân Việt Nam biết cho tới khi TC phổ biến tin tức nầy lên liên mạng internet năm 2007 bằng Youtube.

-  Ngày 30.12.1999: Tại Hà Nội, hai ngoại trưởng Nguyễn Mạnh Cầm của Việt Nam và Đường Gia Triền của Trung cộng chính thức ký „Hiệp ước biên giới trên đất liền“, theo đó Ải Nam Quan thuộc về Trung quốc. Qua Hiệp ước nầy, CSVN đã dâng hiến cho Trung cộng nhiều ngàn cây số vuông đất đai ở biên giới Trung-Việt. Bản Hiệp ước này được Quốc hội Trung quốc thông qua ngày 29 tháng 4 năm 2000, và Quốc hội Việt Nam thông qua ngày 9 tháng 6 cùng năm. Việc cắm mốc biên giới bắt đầu từ năm 2001 đến cuối năm 2008 thì xong.  Cột mốc Ải Nam Quan đã được dời vào sâu bên trong biên giới Trung-Việt hướng về phía Việt Nam khoảng 300 đến 400 mét.

-        Ngày 25.12.2000: Hiệp định phân định Vịnh Bắc Bộ là thoả hiệp được ký kết giữa nhà nước CSVN và Trung cộng tại Bắc Kinh nhằm xác định biên giới lãnh hải, thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế trong vịnh Bắc Bộ. Hiệp định này thay thế Công Ước Pháp-Thanh 1887 [1a].  Qua Hiệp định năm 2000, CSVN lại dâng hiến thêm nhiều ngàn cây số vuông biển ở vịnh Bắc Bộ cho Trung cộng. Từ đó, TC có nhiều điều kiện thuận lợi xâm chiếm biển Đông của Việt Nam, cũng như Việt Nam để mất đi nhiều tấn hải sản hàng năm ở vùng biển nầy và chưa kể đến tài nguyên dưới đáy biển và khía cạnh chiến thuật.

Nhiều năm qua, Trung Cộng đã tiếp tục bành trướng ở biển Đông. Chúng dùng tàu hải giám, dùng tàu chiến nguỵ trang tàu đánh cá, đã ngăn cản ngư dân Việt Nam đánh cá, cướp tài sản hải nghiệp của đồng bào ta. Chúng dùng tàu hải giám ủi chìm ghe đánh cá cũng như dùng tàu cảnh sát biển bắn cháy ghe của ngư dân Việt Nam tại nhóm đảo Nguyệt Thiềm của quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền Việt Nam. Chúng cắt dây cáp của tàu Nghiên Cứu Hải Dương của Việt Nam. Ngoài ra chúng xem đất liền, biển đảo của Việt Nam như là của chúng. Chúng còn có những hành động thô bạo đối với công nhân và dân chúng Việt Nam ngay trên đất Việt. Chúng muốn làm gì thì tuỳ tiện, toàn dân Việt Nam rất là than oán mà nhà nước Việt Nam thì thờ ơ và không can thiệp thích đáng để bảo vệ quyền lợi của người dân Việt Nam.

Trước những cảnh tượng đó, câu hỏi được nêu ra là chúng ta phải làm gì trước hiểm hoạ xâm lăng của ngoại bang và đất nước tụt hậu?

Để trả lời câu hỏi đó, trước hết chúng ta phải xác định mình là ai nếu đang định cư ở hải ngoại. Tựu trung, ai ai cũng nói rằng mình là người Việt, là người mang trong người máu đỏ da vàng thuộc dòng giống Rồng Tiên. Vậy thì chúng ta không thể chối bỏ đất nước mà chúng ta đã được sinh ra và lớn lên, đang có khoảng 87 triệu người sinh sống, như cá không thể chối bỏ dòng sông hay biển cả. Chúng ta phải có trách nhiệm đối với đất nước mà từ đó chúng ta đã được nuôi dưỡng và trưởng thành.

Ngạn ngữ Tây phương có câu:
Bạn đừng bao giờ quên cái nôi mà nơi đó bạn được lớn lên
Bạn không thể tìm được quê hương thứ hai như quê hương của bạn

Khi chúng ta hiểu rõ như thế và bắt tay vào hành động thì hy vọng đất nước chúng ta mới tồn tại và thăng tiến. Nhưng muốn hành động đúng, mỗi người trong chúng ta phải có tư tưởng đúng, và muốn có tư tưởng đúng thì chúng ta phải có nhận thức đúng, suy nghĩ đúng. Đó là hệ tư duy của con người để đạt kết quả tốt đẹp. Cấp lãnh đạo của một quốc gia lại hơn ai hết cần phải nắm vững điều đó. Chính quyền chọn định chế chính trị không thích hợp với quần chúng, với ý nguyện toàn dân, thực hiện chính sách sai lầm thì đưa cả nước xuống bờ vực thẳm.

Vậy chúng ta hảy tìm hiểu xem lý do tại sao đất nước chúng ta vào thế kỷ 21 mà người dân vẫn còn bị áp bức, nghèo đói và lạc hậu. Chúng ta có thể nói rằng Con Đường Dân Tộc Cách Mạng mà dân tộc chúng ta tiến hành chưa thành công, đất nước chưa được giải phóng, người dân chưa được Tự Do Dân Chủ, quốc gia chưa có một định chế chính trị pháp quyền thật sự. Nền kinh tế thì tụt hậu, xã hội thì băng hoại, mọi tầng lớp công dân chưa có cơ hội đóng góp cho việc kiến thiết đất nước. Đất nước chúng ta vẫn còn nằm trong vòng luẩn quẩn về chính thể và chậm tiến, trong khi đó chúng ta có 3 triệu người ở hải ngoại với khoảng 400.000 chuyên gia và chuyên viên, và khoảng  87 triệu người trong nước với một nguồn nhân lực dồi dào.

Vậy chúng ta hảy tìm hiểu xem Con Đường Dân Tộc Cách Mạng đã được tiến hành như thế nào để trang bị cho chúng ta một cái nhìn thiết thực nhằm góp phần đấu tranh và xây dựng cũng như canh tân đất nước. Đó cũng là trách nhiệm của toàn dân Việt Nam chứ không riêng gì của một đảng phái, của một lực lượng, tổ chức hay của một nhóm người nào.

Nghĩa là, muốn giải phóng đất nước thoát khỏi lạc hậu và nghèo đói, áp bức oan trái để tái thiết và phục hưng đất nước Việt Nam thì chúng ta phải tiếp nối tiến hành cuộc „Cách Mạng Dân Tộc“.

Thực ra, tinh thần Cách Mạng Dân Tộc này không phải vài chục năm nay mới có hay ngày nay mới bắt đầu, mà chúng ta đang tiếp tục công cuộc Cách Mạng Dân Tộc của các bậc tiền nhân đã bắt đầu từ hơn thế kỷ nay, từ những năm cuối thế kỷ 19.

Nếu chúng ta nhận thấy rõ trang sử đấu tranh oai hùng của dân tộc ta trong thời gian  qua cũng như rút ra những khuyết điểm, thiết tưởng chúng ta đã thấy rõ bổn phận và trách nhiệm của mình ngày hôm nay cũng như chúng ta phải tiếp nối lịch sử như thế nào rồi.

Chúng ta hảy lần lược tìm hiểu một số dữ kiện sau đây:

1)                Cuộc đấu tranh của Dân tộc Việt Nam trong những ngày đầu của chế độ Pháp thuộc
Từ khi Nguyễn Ánh đã bị nhà Tây Sơn đánh lui ra tới Phú quốc, cuối cùng Nguyễn Ánh qua Xiêm La, liên lạc với nhà truyền giáo người Pháp tên là Bá Đa Lộc. Từ đó Nguyễn Ánh dựa vào thế lực của Tây phương, đặc biệt là Pháp để đánh bại nhà Tây Sơn khi nội bộ anh em nhà Tây Sơn bất hoà với nhau. Nguyễn Ánh lên ngôi Vua năm 1802 lấy niên hiệu là Gia Long.
Sau 20 năm trị vì của triều đại nhà Nguyễn, Việt Nam đã bắt đầu rơi vào cảnh lệ thuộc ngoại bang và từ đó dân tộc ta lâm vào hoàn cảnh bị nô lệ lầm than.
Năm 1859, chiến hạm Pháp đầu tiên bắn phá vào Đà Nẵng, bắt đầu quân đội Pháp có mặt trên đất nước ta. Hiệp ước 1884 dưới thời vua Tự Đức, đã nhường cho Pháp nhiều tỉnh và nhiều nơi quan trọng.

Trước nguy cơ mất nước và sự nhục nhã của dân tộc, thành phần sĩ phu và dân chúng đã nỗi lên khắp nơi. Đêm mùng 5 tháng 7 năm 1885, Tôn Thất Thuyết đã tổ chức một cuộc tấn công bất ngờ vào thành Mang Cá ở Huế. Bị thất bại, Tôn Thất Thuyết đã đưa vua Hàm Nghi trốn khỏi kinh thành Huế và di chuyển ra ngoài phía Bắc miền Trung và truyền hịch Cần Vương. Đồng thời kêu gọi toàn dân đứng lên kháng chiến chống Pháp. Đáp lời kêu gọi nầy, nhiều đạo binh Cần Vương đã được thành lập.
Nhưng đến năm 1888 vì có tên Việt gian Trương Quang Ngọc làm phản, chỉ điểm nên vua Hàm Nghi bị bắt. Năm 1896 phong trào Cần Vương cũng bị tan rã sau khi Phan Đình Phùng chết.

Vào thời gian nầy, ngoài Bắc có Nguyễn Thiện Thuật đứng ra lập chiến khu Bãi Sậy làm cứ điểm chống Pháp. Sau đó có Nguyễn Cao từ bỏ chức Bắc Kỳ Tán Lý Quân Vụ về hợp tác với Nguyễn Thiện Thuật. Ông ta rất tích cực trong việc mộ nghĩa binh, trông nom và luyện tập binh lính và thường kéo quân nguỵ trang theo lối du kích, đánh đồn bót của quân Pháp chiếm trú, gây cho Pháp nhiều thiệt hại nặng nề đáng kể.
Cuối năm 1897, cứ điểm Bãi Sậy bị bao vây, Nguyễn Thiện thuật phải bỏ chạy sang Trung Hoa, tìm cách giải cứu căn cứ nhưng không kịp nữa. Căn cứ Bãi Sậy bị hoả công. Sau đó Nguyễn Cao về làng Kim Giản, phủ Ứng Hoà mở trường dạy học. Có sự điềm chỉ nên Pháp biết, cho người đến dụ dỗ ông nhưng ông một mực từ chối và cuối cùng ông cắn lưỡi tự tử.
Chúng ta cũng có thể nhận định rằng, những cuộc kháng chiến như vậy mang tính chất tranh thủ giành lại nền độc lập cho Tổ Quốc, nhưng cũng là để phục hồi một nền quân chủ, phục vụ quyền lợi của một dòng họ.
Để tiếp nối những trang sử oai hùng ấy, sau khi phong trào Cần Vương tan rã, lớp người trẻ đã đứng lên khai phá cho một giai đoạn mới. Đó là giai đọan Dân Tộc Cách Mạng.

2)                Phát khởi công cuộc Dân Tộc Cách Mạng
Trong thời gian nầy đáng kể nhất là Phan Bội Châu, Nguyễn Chu Trinh, Nguyễn Thượng Hiền, Tăng Bạt Hổ…



Phan Bội Châu: Vào đầu thế kỷ 20 và nhất là từ năm 1900 đến 1925, Phan Bội Châu đã giữ một vai trò trọng đại trong nỗ lực giành độc lập cho đất nước. Tiên sinh là nhịp cầu giữa thế hệ sĩ phu nho học và thế hệ trí thức tân học, giữa tư tưởng chính trị nho giáo và các chủ thuyết chính trị cận đại.
Khởi xướng và lãnh đạo bởi Phan Bội Châu, phong trào tranh thủ độc lập mất dần tính cách Cần Vương để trở thành một phong trào Dân Tộc Cách Mạng, mở rộng tiếp thu tư tưởng dân chủ của Tây phương, tư tưởng canh tân của Nhật Bản. Phan Bội Châu đã thành lập nhóm Tân Đảng với mục đích khôi phục cho Việt Nam và xây dựng một chính thể Quân Chủ Lập Hiến [1].
Rồi đến năm 1904, Tân Đảng được cải tổ thành Việt Nam Duy Tân Hội. Đây là lần đầu tiên tại Việt Nam xuất hiện một tổ chức đấu tranh có quy củ. Qua Việt Nam Duy Tân Hội, Phan Bội Châu đã phát động phong trào Đông Du để đào tạo nhân tài cho quốc gia từ nước ngoài, đồng thời mở Đông Kinh Nghĩa Thục để nâng cao dân trí trong nước [2].

Với những nỗ lực đấu tranh trên bình diện văn hoá nầy cùng với tác phẩm Việt Nam Vong Quốc Sử, Phan tiên sinh đã làm bừng dậy lòng yêu nước của nghĩa sĩ Việt Nam và kêu gọi toàn dân vùng lên hành động. Có thể nói rằng Phan Bội Châu là người đầu tiên đã thực hiện một cách quy mô cuộc vận động cách mạng, nghĩa là đã gieo một làn gió mới vào lòng người Việt Nam. Nỗ lực của Phan Bội Châu đã làm thức tỉnh toàn thể dân tộc ta và mở đường cho biết bao công cuộc vận động Cách Mạng của các lực lượng dân tộc sau nầy.

Sau gần mười năm vận động văn hoá, đến năm 1912, do ảnh hưởng cuộc Cách mạng Tân Hợi [3] thành công ở Trung Hoa, Phan Bội Châu và các chiến hữu của Phan tiên sinh đã thành lập Việt Nam Quang Phục Hội để đưa Cách Mạng Dân Tộc sang một giai đoạn mới: Đó là giai đoạn dùng vũ lực để đạt mục tiêu cách mạng là giải phóng quê hương, dành lại Độc Lập Tự Do. Điển hình là cuộc khởi nghĩa Duy Tân và khởi nghĩa Thái Nguyên do Hoàng Hoa Thám tức là Đề Thám lãnh đạo.

Tuy các cuộc khởi nghĩa chưa đưa Cách Mạng Giải Phóng Dân Tộc tới thành công, nhưng đã thổi lên một luồng không khí mới vào tinh thần đấu tranh của dân tộc Việt Nam.
Năm 1913, Phan Bội Châu bị bắt ở Quảng Châu khiến công cuộc Cách Mạng Dân Tộc do tiên sinh chủ xướng cũng bị suy sụp theo.



Phan Chu Trinh: Song song với công cuộc cách mạng do Phan Bội Châu lãnh đạo là một phong trào đấu tranh ôn hoà, đặt nặng vấn đề Dân quyền và Dân chủ do Phan Chu Trinh chủ xướng. Phan Chu Trinh hô hào mở mang dân trí, xoá bỏ những điều hủ lậu, sửa đổi thuế khoá, làm thức tỉnh đồng bào về các quyền tự do dân chủ. Kết quả của phong trào Phan Chu Trinh là cuộc biểu tình đòi giảm sưu, giảm thuế vào năm 1908 tại các tỉnh Quảng Ngãi, Quảng Nam, Nghệ An, Hà Tỉnh…
Cũng như phong trào Cách Mạng bạo động của Phan Bội Châu, cuộc đấu tranh ôn hoà của Phan Chu Trinh cũng không đạt được mục đích, và bản thân Phan Chu Trinh cũng bị bắt và bị đày đi đảo Côn Sơn. 


   
Phạm Hồng Thái: Dầu sao các công trình của Phan Bội Châu và Phan Chu Trinh đã làm thức tỉnh dân tộc Việt Nam để dư âm lan truyền cho tới năm 1924 khi một sinh viên trong phong trào Đông Du, liệt sĩ Phạm Hồng Thái ném bom Sa Điện để ám sát toàn quyền Merlin. Tiếng bom nầy đã làm rung động thế giới khiến dư luận quốc tế phải quan tâm tới thảm trạng Việt Nam và tiếng bom nầy cũng đã đóng góp vào việc thúc đẩy một thế hệ trẻ mới đứng lên nối chí Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh, Phạm Hồng Thái [4].

Đó là thế hệ Nguyễn Thái Học với Việt Nam Quốc Dân Đảng, Trương Tử Anh với Đại Việt Quốc Dân Đảng, Lý Đông A với Đại Việt Duy Tân Đảng…

3) Các lực lượng Dân Tộc Cách Mạng tại miền Bắc:
Nguyễn Thái Học, sinh viên trường Cao Đẳng Thương Mại Đông Dương, với hai chiến hữu Phạm Tuấn Tài và Hoàng Phạm Trần thành lập Nam Đồng Thư Xã. Với Nam Đồng Thư Xã các chiến hữu chuyên nghiên cứu chính trị và phổ biến những tư tưởng mới bất lợi cho thực dân Pháp.

Do đó một thời gian sau, Nam Đồng Thư Xã bị cấm hoạt động. Đó là năm 1927, Nguyễn Thái Học cùng các chiến hữu đã chuyển qua một hướng đấu tranh khác là thành lập Việt Nam Quốc Dân Đảng (VNQDĐ). Chủ trương của VNQDĐ là dùng bạo lực để dành lại độc lập cho Việt Nam và xây dựng một chính thể cộng hoà. Nhờ ở lòng dân đã thức tỉnh và mức độ căm phẩm thực dân, nên VNQDĐ đã bành trướng thế lực mau lẹ, nhất là ở các tỉnh miền Bắc Việt Nam và các vùng phụ cận.

Năm 1929 VNQDĐ ám sát tên thực dân mộ phu đồn điền Bazin. Sau vụ ám sát nầy, thực dân Pháp rất là lo ngại. Đó là hành động trừng phạt mạnh mẽ của VNQDĐ đối với thực dân Pháp. Trước những đe doạ đó, chúng gia tăng khủng bố và đàn áp dữ dội các tổ chức của VNQDĐ. Trước tình thế nguy cập nầy, Nguyễn thái Học đã phải cấp thời tổ chức tổng khởi nghĩa mà nỗ lực chính nhắm vào một số tỉnh miền Bắc Việt Nam như Yên Bái, Lâm Thao, Hải Dương.

Cuộc khởi nghĩa nầy không thành công, Nguyễn thái Học cùng 12 đồng chí bị bắt và bị xử tử ngày 17.6.1930. Toàn thể dân tộc VN một lần nữa vùng lên đầu chiếc khăn tang.
Cái chết của Nguyễn Thái Học cùng 12 đồng chí đã khiến hàng ngũ VNQDĐ dần dần tan vỡ. Một số đảng viên thoát được màng lưới lùng bắt của thực dân Pháp đã phải lánh ra ngoại quốc.

Mãi đến ngày 10 tháng 3 năm 1938, Trương Tử Anh đã kết hợp nhiều thanh niên trí thức thành lập Đại Việt Quốc Dân Đảng (ĐVQDĐ) với chủ thuyết „Dân Tộc Sinh Tồn“. ĐVQDĐ phát triển mạnh mẽ tại các tỉnh miền Bắc Việt Nam, quyết chống lại cộng sản vào những năm 1945-1946 với một số chiến khu miền Thượng Du Bắc Việt. Sau đó Trương Tử Anh bị cộng sản sát hại vào năm 1946. ĐVQDĐ dần dần bị tan rã [5].

Tiếp nối công cuộc Cách Mạng Dân Tộc của lớp người đi trước, vào năm 1943 Lý Đông A thành lập đảng Đại Việt Duy Tân (ĐVDT). Nhưng vào khoảng tháng 3 năm 1946 Lý Đông A đột nhiên mất tích, đảng ĐVDT cùng suy dần theo.

Ngoài các đảng chính nầy, còn có một số đảng phái khác như Việt Nam Độc Lập Đảng của Nguyễn Thế Truyền, Đại Việt Dân Chính Đảng của Nguyễn Tường Tam, Đại Việt Quốc Xã Đảng của Nguyễn Văn Tiếu .v.v. Tuy nhiên đây chỉ là những thành phần lẻ tẻ, không tạo được ảnh hưởng gì mấy trong đại cuộc Cách Mạng Dân Tộc của Việt Nam.
Song song với những lực lượng Dân Tộc Cách Mạng miền Bắc thì ở miền Nam cũng có những lực lượng được hình thành.

4) Các lực lượng Dân Tộc Cách Mạng tại miền Nam:
Ở miền nam có 2 lực lượng quan trọng nhất là Phật Giáo Hoà Hảo và Cao Đài.

4.1) Phật Giáo Hoà Hảo: Nguyên thuỷ là Bửu Sơn Kỳ Hương do đức Phật Thầy Tây An sáng lặp năm 1849. Mãi đến năm 1939, tại xã Hoà Hảo, Đức Giáo chủ Huỳnh Phú Sổ chấn chỉnh lại nền đạo, đổi tên thành Phật Giáo Hoà Hảo. Đức Huỳnh Phú Sổ vừa là Giáo chủ lãnh đạo một tôn giáo và cũng là một lãnh tụ cách mạng. Ông đã sáng lập Việt Nam Dân Chủ Xã Hội Đảng. Năm 1947, Giáo chủ Huỳnh Phú Sổ đã bị cộng sản sát hại [6].
Lê Quang Vinh tức Ba Cụt (1923-1956) là biệt danh của một thủ lĩnh quân sự của giáo phái Hoà Hảo chống lại thực dân Pháp và Việt Minh vào những năm cuối thập niên 1940 và đầu thập niên 1950. Ông cũng là một trong những thủ lãnh ly khai của Hòa Hảo chống lại chính quyền Thủ tướng Ngô Đình Diệm  vào những năm 1954-1956, sau đó bị bắt sống và bị xử tử.

4.2) Cao Đài: Cao Đài là một tôn giáo do Đức Hộ Pháp Phạm Công Tắc sáng lập từ năm 1920. Đạo Cao Đài phát triển mạnh ở miền Đông Nam Việt Nam như ở Tây Ninh, Hậu Nghĩa v.v. Ngoài tổ chức tôn giáo còn có tổ chức chính trị là Việt Nam Phục Quốc Hội với lực lượng võ trang là Quân Đội Cao Đài. Đáng chú ý hơn cả là Tổ Chức của tướng Trịnh Minh Thế.
Ông tổ chức và lập chiến khu chống thực dân Pháp lẫn cộng sản Việt Nam, phát triển Dân Tộc Cách Mạng qua Mặt Trận Quốc Gia Kháng Chiến.
Người quốc gia có tinh thần dân tộc đang gặp phải nỗi khó khăn như đứng ở giữa ngã ba đường. Trịnh Minh Thế bị tử thương trong một cuộc hành quân tại cầu Tân Thuận năm 1955. Do đó con đường Cách Mạng Dân Tộc của ông cũng bị gián đoạn [7].

Nhìn chung các cuộc đấu tranh của những Lực Lượng Dân Tộc Cách Mạng đều bị thất bại. Chúng ta hảy kiểm điểm lại xem với những lý do, những nguyên nhân nào đưa đến sự thất bại đó hầu mong các đảng phái Cách Mạng hiện nay tránh những khuyết điểm trong quá khứ nhằm đưa cuộc Cách Mạng Dân Tộc sớm đến thành công.

5) Kiểm điểm các khuyết điểm:
Chúng ta có thể tóm tắt một số khuyết điểm chính yếu sau đây:

5.1) Không nhận diện chính xác kẻ thù và không phơi bày được đầy đủ tội ác của kẻ thù một cách rõ rệt, thực tế. Chúng ta không nắm vững được chúng ta có những gì để lâm trận như khí giới, lương thực tiếp tế, nhân lực…và cũng không hiểu được rằng ta lâm trận với ai, ai là thù, ai là bạn, là đồng minh [8].
Do đó cuộc đấu tranh không có hướng đi rõ rệt để trở thành phiêu lưu, nhất thời, tuỳ hứng, thiển cận bất nhất và luôn luôn bị động bởi hoàn cảnh [9].

5.2) Chúng ta thiếu một tổ chức thống nhất đấu tranh quy tụ mọi thành phần Dân tộc Việt Nam.
Trong quá khứ chúng ta có quá nhiều tổ chức, nhưng đa số hữu danh vô thực phân tán chia rẻ. Chúng ta có nhiều dân sự mà thiếu nhân sự, nghĩa là thiếu cán bộ. Do đó cuộc đấu tranh có tính cách lẻ tẻ rời rạc thiếu chiều sâu [10].

5.3) Chúng ta xem nhẹ việc vận động tổ chức quần chúng, chỉ chú ý vào một số thành phần trí thức khoa bảng, trưởng giả.
Do đó, trong quá khứ nhiều tổ chức chỉ như là một bức tượng gỗ mục được phủ lên lớp sơn son thiếp vàng. Nó sẽ bị đỗ vỡ theo thời gian dù không gặp một tác động nào.

5.4) Chúng ta không theo sát được mọi biến chuyển của tình hình, đặc biệt là tình hình quốc tế.
Đây là thiếu sót cực kỳ tai hại vì tình hình quốc tế vào thế kỷ 20 đã ảnh hưởng sâu xa đến tình hình quốc nội của các quốc gia. Sau Đệ Nhị Thế Chiến một số quốc gia bị trị đã được độc lập nhờ vào những vận động chính trị khôn khéo của các quốc gia thuộc địa.
Các Lực Lượng Cách Mạng luôn bị kèm kẹp bởi 2 thế lực: Một bên là cộng sản Việt Nam với sự hỗ trợ đắc lực của quốc tế cộng sản đứng đầu là Nga và Tàu, một bên là thực dân xâm lược Pháp. Để giải toả thế kìm kẹp nầy, các lực lượng chỉ giải quyết trên bình diện quốc gia, trong phạm vi quốc gia, chứ không giải quyết trên bình diện quốc tế. Do đó khi tạm liên kết với thực dân đế quốc xâm lược địa phương để chống cộng sản thì mất chính nghĩa đấu tranh. Nhưng nếu tạm liên kết với cộng sản thì bị cộng sản ngấm ngầm liên kết với thực dân tiêu diệt các đảng phái quốc gia.

6) Tạm kết:
(Hội Nghị Thành Đô (Tứ Xuyên) năm 1990. Bên trái là Giang Trạch Dân và Lý Bằng. Đứng giữa Giang Trạch Dân (Chủ tịch nước TC) nắm tay Nguyễn Văn Linh (Tổng Bí thư đảng CSVN). Bên phải là Đỗ Mười và Phạm Văn Đồng)

Hơn 100 năm trôi qua là chứng tích của suốt một hành trình đầy máu và nước mắt đầy thất bại và tan vỡ của các Lực Lượng Dân Tộc Cách Mạng của toàn dân Việt Nam. Những sự thất bại đó đã đưa dân tộc Việt Nam đến thảm hoạ diệt vong. Có thể nước Việt Nam sẽ bị xoá tên trên bản đồ thế giới. Theo Wikileaks, qua hội nghị ở Thành Đô (Tứ Xuyên), Trung cộng năm 1990, những điều bí mật bị rò rỉ, có thể Việt Nam sẽ trở thành một tỉnh lỵ của Trung cộng. Như vậy, nếu toàn dân Việt nam không vùng lên đấu tranh đòi Tự Do Dân Chủ thì chuyện gì sẽ xảy ra?.

Vậy chúng ta, người Việt Nam trong và ngoài nước hảy nghĩ đến tiền đồ của đất nước, kiên trì đấu tranh đưa cuộc Cách Mạng Dân Tộc tiến đến thành công để Canh Tân Con Người và Canh Tân Đất Nước. Đó là nguyện vọng của Toàn Dân Tộc Việt Nam.

Trà Giang

Chú thích:




[1a]  Công ước Pháp-Thanh 1887 còn có tên là Công ước Constans 1887 được thực hiện giữa chính quyền thuộc địa của Pháp và triều đại nhà Thanh của Trung Hoa nhằm thi hành Điều khoản 3 của Hoà Ước Thiên Tân năm 1885.

[1] Nền Quân Chủ Lập Hiến có nghĩa là một chế độ Quân Chủ nhưng có Hiến pháp. Ví dụ như  Đại Nghị Chế ở Anh Quốc. Quân Chủ Lập Hiến là một hình thức tổ chức Chính Quyền mà trong đó tồn tại Vua nhưng không nắm thực quyền. Quyền lực thường nằm trong tay Quốc Hội do đảng phái chính trị chiếm đa số ghế đứng đầu qua cuộc bầu cử của toàn dân. Đảng này cũng có quyền tự mình hoặc liên minh với đảng khác để thành lập Chính phủ có Thủ tướng là thành viên đảng đó do Hiến Pháp quy định.

[2] Phong trào Đông Du đưa sinh viên, người có học sang Nhật Bản học những cái hay của Nhật Bản dưới thời Minh Trị Thiên Hoàng để về xây dựng và canh tân đất nước.

[3]  Tháng 10 năm 1911 do Tôn Dật Tiên chủ xướng với thuyết Tam Dân: Dân Tộc, Dân Quyền và Dân Sinh. Tôn Dật Tiên có bút hiệu là Tôn Văn. Học trò của Tôn tiên sinh là Tưởng Giới Thạch.
[4] Phạm Hồng Thái ném trái bom tại Trung Hoa nhằm giết toàn quyền Pháp Merlin. Sau đó Phạm Hồng Thái nhảy xuống sông tự tử vì tránh không kịp sự rượt bắt của lính bảo vệ Pháp.
[5] Năm 1934, Trương Tử Anh, người Phú Yên, ra Hà Nội theo học Luật khoa Viện Đại Học Đông Dương. Là một người có tinh thần dân tộc, trong thời gian học tập, ông chú ý nghiên cứu nhiều về các triết thuyết, các chủ nghĩa chính trị đang thịnh hành trên thế giới thời bấy giờ. Tháng 3 năm 1946 cộng sản VN ký hiệp ước với Pháp để mời quân viễn chinh Pháp vào Bắc Việt để cùng CSVN truy quét các đảng phái quốc gia chống cộng và chống thực dân.

[6] Một lần nữa cho người dân Việt Nam thấy rằng, cộng sản VN với sự tiếp tay giúp đỡ của quốc tế cộng sản đã ngấm ngầm tiêu diệt tất cả những thành phần quốc gia.

[7] Khi đạo Cao Đài cộng tác với Pháp thì tướng Trịnh Minh Thế ly khai. Theo như tài liệu khác dẫn chứng lời người mẹ cũng như con trai của tướng Trịnh Minh Thế đang định cư tại Canada cho biết thì tướng Trịnh Minh Thế bị ám sát bằng 2 phát đạn bắn vào màng tang và sau ót tại cầu Tân Thuận.

[8] Tiền tuyến đánh đuổi thực dân nhưng sau lưng cộng sản sát hại tiêu diệt các lực lượng quốc gia chống Pháp. Cộng sản len lỏi vào hàng ngũ quốc gia. Việt gian len lỏi vào tổ chức…

[9] Kẻ thù đánh đuổi thì nỗi dậy chống lại mà không nắm vững thực lực trước khi lâm trận.

[10]  Từng chiến khu kháng chiến riêng rẽ, không đồng nhất, không có tổng khởi nghĩa của đại chúng toàn dân.

PN Germany chuyển

No comments:

Hình Ảnh Hội Cửu Long Cử Hành Tưởng Niệm Ngày Hoàng Sa Jan 19 2025

  https://photos.app.goo.gl/xyeih9uC9VaU3eGx6