Đền Yasukuni, biểu tượng của chủ nghĩa quốc gia Nhật (L) Thiên Hoàng Hirohito viếng thăm đền vào năm 1935 (R) |
Năm nay cũng vậy, hôm qua, 2 bộ trưởng trong chính phủ của Thủ tướng Abe đã đến viếng đền Yasukuni tại Tokyo, được xây dựng từ năm 1896.
Theo AFP, người đầu tiên đến đền thờ cầu nguyện vào khoảng 8 giờ sáng 15/8 là Bộ trưởng Nội chính và Thông tin Yoshitaka Shindo. Ít phút sau, đến lượt Chủ tịch Ủy ban An ninh Quốc gia, Keiji Furuya. Phát biểu trước báo giới, nhân vật này nhấn mạnh: “Việc an ủi linh hồn nạn nhân chiến tranh là một vấn đề thuần túy quốc gia. Các nước khác không nên chỉ trích hay can thiệp vào”.
Ngoài hai bộ trưởng nói trên, phóng viên AFP đã đếm được 90 nghị sĩ đến nghiêng mình trước bàn thờ của đền Yasukuni. Ngoài các chính khách, thường dân, con cháu các quân nhân tử trận cũng đến đây. Phía bên trong khuôn viên ngôi đền, các thành phần bị xem là cực hữu đã vẫy cờ Nhật kêu gọi dân chúng tưởng niệm các tử sĩ.
Bộ trưởng Nội chính
và Thông tin Yoshitaka Shindo và nhiều nghị sĩ tên tuổi Quốc Hội đã đến
viếng đền thờ Yasukuni tại Tokyo, ngày 15/8/2013.
Riêng Thủ tướng Shinzo Abe - như từng tuyên bố trước đây – ông đã không đến cầu nguyện ở đền Yasukuni. Thế nhưng, ông đã cho trợ lý của ông chuyển lễ vật đến đền: Một nhánh cây "thiêng liêng". Phát biểu với hãng tin Nhật Jiji, người trợ lý giải thích là ông Shinzo Abe "thành thật chia buồn với linh hồn cha ông và xin lỗi là đã không đến đền".
Và cũng như mọi năm, ngay lập tức Bắc Kinh hôm nay đã phản ứng ngay, lên án gắt gao việc hai bộ trưởng Nhật đến viếng đền Yasukuni. Bộ Ngoại giao Trung Quốc, trong một thông cáo, đã “lên án mạnh mẽ” một hành động “xúc phạm nặng nề tình cảm người dân Trung Quốc và người dân nước khác trong khu vực”. Bộ Ngoại giao Trung Quốc còn cho biết là đã triệu mời đại sứ Nhật lên để phản đối.
Bộ Ngoại giao Hàn Quốc cũng tố cáo Tokyo là đã “nhắm mắt làm ngơ” trước hành vi xâm lược bạo tàn của Nhật trong nửa đầu thế kỷ 20. Tổng thống Hàn Quốc Park Geun Hye cũng cho rằng “khó có thể xây dựng niềm tin nếu không có sự sẵn sàng đối mặt với lịch sử và xem xét các vết thương gây ra cho người khác”.
Vấn đề là tại sao và năm nào cũng vậy, cứ hễ các quan chức Nhật thăm đền Yasukuni liền bị các nước phản đối?
Quyển Sách linh hồn trong Yasukuni đã liệt kê 2.466.532 lính và thường dân Nhật cũng như một số nước khác chết trong chiến tranh. Không chỉ binh tướng tử vong cho tinh thần ái quốc, 14 tội phạm chiến tranh loại A cũng được thờ trong Yasukuni. Ngôi đền Thần đạo này được xây theo lệnh Minh Trị Thiên hoàng vào tháng 6-1869 để tưởng niệm những người đã ngã gục trong cuộc chiến Boshin. Thoạt đầu được đặt tên Tokyo Shokonsha, ngôi đền sau đó được đổi thành Yasukuni Jinja năm 1879. Từ đó, Yasukuni trở thành nơi tổ chức nghi lễ cũng như thờ cúng vong hồn những người đã hy sinh cho nước Nhật. Không chỉ người Nhật, hiện trong Yasukuni cũng có thờ nhiều người nước ngoài, cụ thể 27.863 người Đài Loan và 21.181 người Triều Tiên. Theo luật, Yasukuni chỉ được phép thờ quân nhân tướng lĩnh từng bỏ mạng vì quốc gia nhưng cũng có ngoại lệ dành cho thường dân nhưng các đối tượng này phải là những người từng phục vụ quân đội, tử vong khi đang làm nhiệm vụ hoặc bị giết trong trại tù kẻ thù. Sinh viên tình nguyện phục vụ thời chiến hoặc y tá thuộc Hội chữ thập đỏ thời chiến bị chết ngoài mặt trận cũng thuộc nhóm đối tượng đặc biệt này. Cần biết thêm, dù danh sách tướng sĩ trận vong luôn được bổ sung trong suốt giai đoạn Thế chiến thứ hai vào mỗi năm nhưng không ai bị giết vào thời binh đao sau khi Nhật ký Hiệp ước San Francisco (chính thức kết thúc hạ màn Thế chiến thứ hai) năm 1951 là được đưa tên vào đền.
Khi Nhật đầu hàng sau Thế chiến thứ hai vào tháng 9-1945, lực lượng chiếm đóng nước ngoài dưới sự cầm chịch Mỹ ra lệnh Yasukuni trở thành một thể chế thế tục thuộc quản lý nhà nước hoặc một bộ phận tôn giáo không thuộc giám sát nhà nước. Yasukuni chọn phương án hai. Từ đó, chỉ tư nhân mới được phép góp quỹ cúng dường cho Yasukuni. Với Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan và một số nước châu Á khác – những nơi từng là nạn nhân phát xít Nhật thời chiến, Yasukuni là hiện thân của chủ nghĩa cực đoan, tượng trưng cho linh hồn phát xít và bóng ma chế độ quân phiệt Nhật. Một số nhóm hoạt động hòa bình Nhật cũng có ý kiến tương tự.
Tại Yasukuni, người ta thấy một tài liệu ghi: “Chiến tranh là điều thật sự kinh khủng nhưng nó cũng cần thiết để chúng ta bảo vệ nền độc lập cho nước Nhật và đem lại thịnh vượng cho các láng giềng châu Á”. Yasukuni có một viện bảo tàng lịch sử Nhật, ca ngợi những người lính đã hy sinh cho đất nước và dân tộc. Website tiếng Anh của Yasukuni còn viết: “Giấc mơ Nhật trong việc xây một Đại Đông Á là cần thiết trong kiến tạo lịch sử và điều đó cũng được nhiều quốc gia châu Á theo đuổi”. Website tiếng Nhật của Yasukuni nhấn mạnh “những phụ nữ giúp vui đã không bị ép buộc phục vụ bởi Đế quốc Nhật. Người Triều Tiên không bị ép buộc thay đổi họ tên theo tên tiếng Nhật” (điều này trong thực tế không đúng). Ngoài ra, Yasukuni cũng nhắc đến nhiều cuộc thảm sát của lực lượng Đồng minh, chẳng hạn sự kiện làm đắm tàu hàng hóa Tsushima Maru khiến hơn 1.500 người chết trong đó có 700 trẻ em tiểu học. Đoạn băng hình tài liệu trình chiếu cho khách thăm Yasukuni đã miêu tả việc Nhật chinh phục Đông Á thời trước Thế chiến thứ hai chỉ là nỗ lực nhằm cứu Đông Á thoát sự đe dọa từ các cường quốc phương Tây.
Khoảng 1.000 tù binh chiến tranh bị hành quyết bởi tội ác chiến tranh thời Thế chiến thứ hai được thờ cúng tại Yasukuni. Điều này không mang tính nhạy cảm chính trị và gây sốc cho các láng giềng châu Á bởi Yasukuni là nơi dành riêng cho nạn nhân hy sinh vì chiến tranh. Tuy nhiên, ngày 17-10-1978, 14 tội phạm chiến tranh loại A – theo phán xét và kết luận của Tòa án quân sự quốc tế Viễn Đông – được bí mật đưa vào Yasukuni và được phong là “những người ái quốc tử vì nước”. Trong 14 nhân vật trên, có Thủ tướng Hideki Tojo (1941-1944). 14 gương mặt tội phạm chiến tranh đã bị xử như sau: Bằng hình thức treo cổ (gồm Hideki Tojo, Itagaki Seishiro, Heitaro Kimura, Kenji Doihara, Iwane Matsui, Akira Muto, Koki Hirota); Bằng hình phạt tù chung thân (Yoshijiro Umezu, Kuniaki Koiso, Kiichiro Hiranuma, Toshio Shiratori); Bằng hình phạt 20 năm tù (Shigenori Togo). Những người còn lại đã chết trước khi có án quyết quốc tế (bởi bệnh hoặc tuổi cao), gồm Osami Nagano và Yosuke Matsuoka. Khi vụ 14 tội phạm chiến tranh bị tiết lộ ngày 19-4-1979, phản ứng kinh khủng tại Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan… đã lập tức bùng nổ. Và cũng chính căn nguyên này đã dẫn đến sự oán giận gay gắt từ các láng giềng châu Á mỗi khi viên chức Quốc hội hoặc thủ tướng Nhật đến viếng Yasukuni như thấy hiện nay.
Yasukuni tiếp tục gây sốc khi đưa ra một quan điểm khá tiêu cực. Trên một tài liệu, Yasukuni ghi: “Khoảng 1.068 người Nhật, bị kết án sai như những tội phạm chiến tranh bởi tòa án Đồng minh, đã được thờ tại đây”. Website tiếng Anh của Yasukuni viết rằng 1.068 người này là những nạn nhân “bị xử thô bạo và không công bằng với qui kết tội phạm chiến tranh bởi một tòa án đạo đức giả của lực lượng Đồng minh”. Sau vụ rùm beng năm 1979, Nhật hoàng Hirohito ngưng đến thăm Yasukuni (trở thành tiền lệ trong nguyên tắc hành xử của Hoàng gia Nhật đến tận nay). Tuy nhiên, không ít người tiếp tục ủng hộ việc viếng thăm Yasukuni, trong đó có Shintaro Ishihara, người ngồi ghế thống đốc Tokyo từ năm 1999, một trong những nhân vật ái quốc cực đoan nổi tiếng nhất của Nhật. Ngày 15-8-2004, Shintaro Ishihara công khai bày tỏ thỉnh cầu Nhật hoàng Akihito đến Yasukuni như một nghi thức thông lệ hàng năm. Ngày 27-6-2005, Shintaro Ishihara lại nói với hãng tin Kyodo News: “Nếu Thủ tướng (Junichiro Koizumi) không đến Yasukuni năm nay, tôi nghĩ nước Nhật sẽ mục rữa từ bên trong và sụp đổ”. Đến nay, có ba thủ tướng Nhật đã đến Yasukuni: Yasuhiro Nakasone năm 1985, Ryutaro Hashimoto năm 1996 và đặc biệt Junichiro Koizumi, người đến Yasukuni mỗi năm trong suốt nhiệm kỳ (2001-2006). Một tháng trước khi đồng ý với Chủ tịch Trung Quốc Giang Trạch Dân và Thủ tướng Chu Dung Cơ rằng mình sẽ đến cây cầu Marco Polo ở ngoại ô Bắc Kinh (nơi tưởng niệm binh sĩ Trung Quốc chết trong cuộc chiến Nhật-Trung) vào tháng 9-2001, Koizumi đã khiến Bắc Kinh tức ứa gan khi đến đền Yasukuni!
Đền Yasukuni là nơi thờ phụng những người lính tử trận vì đã chiến đấu cho Thiên hoàng và cho quốc gia. Đến tháng 10 năm 2004, đã có 2.466.532 lính Nhật Bản và thuộc địa của Nhật Bản (chủ yếu là Triều Tiên và Đài Loan ) được ghi tên trong đền Yasukuni. Hiện nay, đền Yasukuni trở thành một địa điểm gây tranh cãi không chỉ trong xã hội Nhật Bản mà cả ở một số quốc gia đã từng bị Nhật Bản chiếm đóng trong Chiến tranh thế giới thứ hai, vì trong 2.466.532 người lính trên có cả những người tham gia lực lượng phát xít Nhật và bị coi là những tội phạm chiến tranh
Trung Quốc chỉ trích Nhật 'đi lễ bái quỷ' ở đền Yasukuni
Ngày 15/8, Nhật Bản đã long trọng tổ chức một buổi lễ tưởng niệm dành các binh sĩ thiệt mạng nhân ngày kết thúc Chiến tranh thế giới thứ hai, hay như một số nước châu Á vẫn gọi là ngày “Nhật Bản thua trận”.
Buổi lễ diễn ra tại một nhà thi đấu võ thuật Budokan gần ngôi đền Yasukuni. Đông Kinh Tới dự có Nhật hoàng cùng Hoàng hậu, Thủ tướng Shinzo Abe, nhiều quan chức cấp cao chính phủ cùng 4.700 cựu chiến binh từng phục vụ quân đội trong Chiến tranh thế giới thứ hai.
Phát biểu trong buổi lễ, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe tuyên bố nước này luôn sẵn sàng hợp tác và cùng phát triển với các nước, cùng xây dựng một thế giới hoàn mỹ.
Phát biểu này của ông Abe sau đó đã gây nên một làn sóng phản đối mạnh mẽ trên báo chí Trung Quốc và Hàn Quốc. Báo chí Hàn Quốc tố ông Abe không hề nhắc tới việc Nhật Bản đã gây ra thiệt hại lớn cho các nước lân cận, đồng thời chỉ trích rằng ông là vị thủ tướng đầu tiên kể từ năm 1994 không đọc “lời thề không chiến tranh” trong ngày lễ thường niên này. .Chuyến viếng thăm đền Yasukuni của khoảng hơn 50 quan chức Nhật Bản sau buổi lễ cũng bị lên án dữ dội. Trung Quốc và Hàn Quốc luôn cho rằng những lần thăm của quan chức Nhật Bản đến ngôi đền Yasukuni đều là “đi lễ bái quỷ”.
Nam Yết chuyển
No comments:
Post a Comment