1. Bối cảnh:
Nói
đến con tàu thì chúng ta đều nghĩ ngay đến là vật vô tri vô giác. Tuy
vậy, con tàu đó lại rất nổi tiếng, không những đối với toàn thể người
Việt tỵ nạn cộng sản trên toàn thế giới, mà ngay cả người dân bản xứ,
nơi đâu có người Việt định cư cũng đều biết đến. Có thể nói, con tàu
không những làm cho thế giới rung cảm trước những hành động nhân đạo của
nó vào những năm cuối thập niên 1970 và thập niên 1980 mà nó còn xứng
đáng mang danh là "Con Tàu của Thế Kỷ 20". Đó là Con Tàu cho Việt Nam
(Ein Schiff für Vietnam = A ship for Vietnam). Con tàu đã được nhân
cách hoá như là một ân nhân của người Việt tỵ nạn cộng sản. Đó là con
tàu cứu thuyền nhân trên biển Đông do vợ chồng Dr. Rupert Neudeck cùng
nhà văn Heinrich Böll khởi xướng và thành lập vào tháng 8 năm 1979 và
được Ủy Ban Bác Sĩ Cấp Cứu Người Đức (Deutsches Komitee Not-Ärzte e.V.) thực hiện. (Ghi chú: e.V. viết tắt của những chữ eingetragen Verein, có nghĩa là một Hội có tư cách pháp nhân đã được ghi danh ở toà án và được luật pháp bảo vệ).
Kể
từ 30.4.1975, sau khi chiến tranh Việt Nam chấm dứt, vì không thể sống
dưới chế độ cộng sản, khoảng 1,6 triệu người Việt bỏ nước ra đi bằng
thuyền, ghe mà thế giới gọi là boat people = thuyền nhân. Làn sóng
thuyền nhân bộc phát rầm rộ ở biển Đông. Họ là người Việt Nam giờ đây
phải xa rời tất cả những gì của quê hương, từ tình cảm đến vật chất, bà
con họ hàng, để chạy tỵ nạn cộng sản, vượt biển tìm tự do. Nhưng đoạn
đường đi bằng thuyền ghe đối với biển Đông quá mênh mông, quá nguy hiểm
và niềm hy vọng của họ đến được bờ thật là quá mỏng manh. Theo tin tức
của thế giới cho biết số người vượt biển bị chìm sâu xuống đáy vì bão
tố, ghe chết máy lênh đênh trên biển nhiều ngày rồi chết khát chết đói,
hoặc bị hải tặc Thái Lan cưỡng hiếp, bắt cóc vào các hang động ở ngoài
đảo hoang v.v. có thể lên đến mấy trăm ngàn người. Tính đến năm 1979 Cao
Ủy Tỵ Nạn Liên Hiệp Quốc phỏng đoán có ít nhất là từ 200.000 đến
250.000 thuyền nhân Việt Nam bị chìm sâu xuống đáy biển. Thế giới rất
bàng hoàng trước những tin tức về những cảnh tượng hãi hùng như vậy nên
đã có rất nhiều người thương hại, quan tâm và lo lắng.
2. Tiến trình hình thành Con Tàu cho Việt Nam với Ủy Ban Bác Sĩ Cấp Cứu Người Đức:
Trước
những làn sóng thuyền nhân trên biển Đông như vậy, một số quốc gia ở
tây phương đã có những kế hoạch nhân đạo nhằm giúp đỡ thuyền nhân Việt
Nam tỵ nạn cộng sản.
Pháp quốc là quốc gia đi đầu trong việc thành lập Ủy Ban và Con Tàu Nhân Đạo. Đó là Ủy Ban một Con Tàu cho Việt Nam
”Le Comité Un bateau pour le Vietnam” được thành lập vào tháng 12 năm
1978 để tìm kiếm và cứu vớt người sắp chết chìm trên biển Đông, đã được
mọi tầng lớp dân chúng, đại diện các tôn giáo, chính trị gia và đảng
phái chính trị tại Pháp đã ủng hộ tích cực, ngoại trừ đảng cộng sản
Pháp.
Vào
tháng 2 năm 1979, hành động nhân đạo của Pháp lan truyền đến Đức quốc.
Qua đài phát thanh và truyền hình "WDR" ở tiểu bang Nordrhein Westfalen,
ông Curt Hondrich đã nhanh chóng ủng hộ, lấy chữ ký của đồng nghiệp để
vận động thành lập Con Tàu cho Việt Nam "Ein Schiff für Vietnam".
Nhà văn Heinrich Böll là người đầu tiên giúp đỡ ủy ban, tổ chức một
cuộc họp báo vào ngày 18.4.1979 ở khách sạn Tulpenfeld tại Bonn. Lúc bấy
giờ Bonn là thủ đô của nước CHLB Đức. Trong cuộc họp báo, có sự hiện
diện của sáng lập viên Ủy Ban Pháp quốc, ông André Glucksmann và của Cao
Ủy Liên Hiệp Quốc (UNHCR) đặc trách vấn đề tỵ nạn tại Tân Gia Ba
(Singapore), bà Luise Drüke. Qua cuộc họp báo đó, công chúng Đức đã
biết thêm về hàng trăm ngàn thuyền nhân Việt Nam bị chìm dưới biển khơi
hay làm mồi cho cá mập. Trên đường vượt biển, thuyền nhân chỉ có hy vọng
khoảng 50% được sống sót mà thôi.
Vào
thời điểm nầy người Pháp đã thành lập còn tàu nhân đạo, được trang bị
những dụng cụ của một bệnh viện nổi trên tàu, có cả thuốc men và đoàn
bác sĩ cùng y tá. Họ đã khởi sự hoạt động ở vùng biển trước đảo Poulo
Bidong khoảng 26 hải lý của bờ biển Mã Lai Á vào những tháng đầu năm
1979. Họ cần nguồn tài chánh để trang trải những chi phí. Sau cuộc họp
báo (press conference), Ủy Ban Âu Châu "Con Tàu cho Việt Nam" (Die
deutsche Sektion des europäischen Komittes Ein Schiff für Vietnam), bộ
phận Đức quốc đã chuyển ngay vào trương mục của Ủy Ban Pháp 72.000 DM
(Deutsche Mark = Đức Mã) để phụ giúp trả tiền thuê mướn tàu.
Vài
tháng trôi qua, ngày 12.6.1979, trên tất cả trang báo chí, hệ thống
truyền thanh, truyền hình tại CHLB Đức đồng loạt loan tin lời tuyên bố
của một Bộ trưởng Mã Lai Á rằng, kể từ giờ phút nầy, Mã Lai Á sẽ không
cho phép người Việt tỵ nạn đến bờ biển Mã Lai Á. Mã Lai Á sẽ dùng áp lực
gọi là "Task Force VII" để đẩy thuyền nhân Việt Nam ra lại biển
khơi mặc cho sóng to gió lớn, bão táp và dù cho những chiếc ghe thuyền
bị hư hại hay quá tải như thế nào. Tin tức nầy làm chấn động và bàng
hoàng cả thế gới. Đồng thời tất cả hệ thống truyền thông tại Tây Đức đã
đăng tải liên tục không ngừng nghỉ bi kịch ngoài biển Đông với tựa đề "Verdammt der Meere" (tạm dịch: Phẫn nộ biển khơi), và họ nói thẳng thừng rằng "thế mà chẳng ai giúp đỡ".
Thế
là, một ủy ban đã được thành lập và được dân chúng, bác sĩ, y tá cùng
những người săn sóc bệnh nhân tự nguyện tham gia một cách tích cực. Liên
tục sau đó, vào ngày 17.7.1979, chương trình truyền hình vào mỗi buổi
sáng từ 5:30 giờ đến 9:00 giờ sáng gọi là "Morgenmagazin=Tạp chí buổi
sang", viết tắt MoMa, của đài truyền hình và phát thanh NDR (NordDeutsche Rundfunk)
liên tục tường thuật về mục đích của ủy ban nầy. Vào ngày 24.7.1979 thì
chương trình TV-Magazin ở Baden-Baden cũng đã loan báo về sự thuê mướn
một con tàu để đến biển Đông cứu người vượt biển và săn sóc thuyền nhân
trong các trại tỵ nạn ở các đảo đang gặp phải mọi sự thiếu thốn về thuốc
men, thực phẩm... Ba ngày sau đó, trương mục ngân hàng của ủy ban đã có
được trên 1 triệu DM do ân nhân chuyển vào giúp đỡ. Thế là kế hoạch
thành lập Con Tàu cho Việt Nam đang tiến hành thực hiện.
Song
vào đó, ủy ban cũng đề cập đến tính gấp rút để có con tàu càng sớm càng
tốt, nhằm cứu vớt thuyền nhân đang lâm nạn trên biển Đông. Ủy ban nghĩ
rằng nếu mướn con tàu từ Hamburg đi đến Tân Gia Ba (Singapore) và biển
Đông cũng mất ít nhất là 4 tuần lễ. Như vậy quá chậm trễ. May mắn thay
cho ủy ban, sau khi tin tức liên tục được phát đi trên các hệ thống
truyền thanh, truyền hình tại Đức, thì đại diện của một Công Ty Chuyển
Vận Đường Thủy "Bauer und Hauschildt" ở Hamburg, ông Hans Voß đã liên
lạc với ủy ban và cho biết công ty của ông đang có một con tàu mang tên Cap Anamur
hiện nằm tại hải cảng Kobe ở Nhật Bản. Con tàu có chiều dài 118 m, bề
rộng 17 m, chiều cao 9 m. Vì là tàu dùng để chở kiện hàng nên trên tàu
đã có thiết trí 3 hệ thống cần trục, rất thuận tiện cho việc cứu vớt
thuyền nhân. Tàu Cap Anamur vừa hạ thủy vào ngày 26.7.1979 từ xưởng đóng
tàu Watanabe Shipbuilding, Hakata, Nhật Bản. Đồng thời, ông Voß cũng
nộp đơn xin chính quyền liên bang và tiểu bang Đức thay đổi mục đích của
con tàu, để có được giấy phép cho tàu Cap Anamur đi cứu người vượt biển
trên biển Đông thay vì dùng để chở kiện hàng thương mại. Ngày 30.7.1979
ủy ban liên lạc và thương lượng với ông Voß về giá cả thuê mướn. Vào
ngày 31.7.1979 ủy ban đến thành phố Hamburg, gặp ông Voß để ký hợp đồng
thuê con tàu Cap Anamur với giá 210.000 DM tiền thuê hàng tháng, cộng
thêm những chi phí cho việc trang bị dụng cụ y khoa và tiền nhiên liệu
để chạy máy. Theo kế hoạch, con tàu phải khởi hành cứu người vượt biển
vào ngày 9.8.1979. Vào ngày 4.8. 1979 đội ngũ y tá và bác sĩ tình nguyện
đầu tiên lên đường để bắt đầu làm việc trên tàu. Để kịp thời gian khởi
hành, trong vòng 4 ngày, từ 5 đến 9.8.1979 họ phải cấp tốc làm việc ngày
cũng như đêm để thiết lập một bệnh viện nổi trên tàu cũng như trang bị
mọi dụng cụ y khoa cần thiết và những chỗ nằm trên boong tàu. Ngoài ra
những trang thiết bị cho vấn đề hàng hải và tiếp cứu cũng được cung cấp
thêm.
Vào
lúc 15.04 giờ ngày 9.8.1979, con tàu Cap Anamur nhổ neo rời hải cảng
Kobe của Japan với sự tham dự của rất nhiều cơ quan truyền thông truyền
hình, báo chí Nhật Bản. Họ đến quay phim và tiễn đưa con tàu ra khơi
hướng về biển Đông. Dưới sự hướng dẫn và điều khiển của thuyền trưởng
(Captain) Klaus Buck, con tàu đã hiện diện tại biển Đông vào ngày
13.8.1979 và bắt đầu đi vào hoạt động.
3. Hoạt động trên biển Đông:
Trong
thời gian đầu, dọc theo bờ biển VN ngoài hải phận quốc tế, tàu Cap
Anamur ít tìm thấy ghe vượt biển. Do đó ủy ban đã thay đổi kế hoạch và
được chính quyền liên bang Đức cho phép vào thả neo ở đảo Anambas trước
trại tỵ nạn Air Raya. Nơi đây, Ủy Ban Bác Sĩ Cấp Cứu Người Đức (Deutsches Komitee Not-Ärzte e.V.) phối hợp với Ủy Ban Âu Châu đang hoạt động với tàu Ile-de-Lumiere và Lysekil
để săn sóc và giúp đỡ cho 35.000 thuyền nhân Việt Nam đang tỵ nạn tại
đó. Các bác sĩ, y tá đã đến các trại tỵ nạn từ đảo Tanjung đến Anambas
để săn sóc y tế cũng như để giúp đỡ người tỵ nạn trong trại qua việc
phân phối gạo, sữa bột cho họ.
Theo
tin tức thế giới, kể từ đầu tháng 2 năm 1980 làn sóng người vượt biển
bắt đầu lan rộng trên biển Đông. Vào ngày 7.2.1980 ủy ban đưa tàu ra
khơi, hoạt động trên tuyến đường từ bờ biển VN đến Thái Lan, Mã Lai Á,
Tân Gia Ba và Nam Dương. Đặc biệt là vùng biển Mekong Delta và vịnh Thái
Lan. Ra khơi lần nầy con tàu đã cứu được 2 ghe vượt biên gồm 65 người,
trước sóng to gió lớn. Khó khăn nhất là, khi biển động mạnh thì tầm nhìn
xa để tìm kiếm ghe vượt biên từ tàu Cap Anamur bị hạn chế vì ghe vượt
biển quá nhỏ, chỉ thấy như một chấm đen. Khi ghe trụt xuống độ thấp của
sóng biển thì những quan sát viên trên tàu không còn thấy gì cả. Do đó,
ủy ban đã quyết định mướn một máy bay trực thăng để bay đi tìm kiếm ghe
vượt biên ở từ xa.
Vì
vậy, kể từ chuyến thứ 2, ủy ban phải trả tiền mướn trực thăng là 40.000
DM cho mỗi lần Cap Anamur ra khơi. Nếu thời tiết cho phép, hàng ngày
trực thăng đều rời boong tàu và bay đi tìm kiếm ghe. Mỗi lần như vậy kéo
dài khoảng 2 giờ rưỡi. Cùng đi với phi công có thêm những đại diện của
đoàn y tế trên tàu. Họ mang theo ống dòm (Ferngläser), kể cả ống dòm
hồng ngoại tuyến để tiện việc tìm kiếm ban ngày cũng như vào đêm. Mỗi
khi trực thăng thấy được ghe vượt biển, phi hành đoàn tức thời thông báo
về cho thủy thủ đoàn hoặc Ủy Ban Cap Anamur trên tàu biết. Lúc đó
thuyền trưởng sẽ chỉ thị tăng tốc độ tàu tối đa để có thể đến địa điểm
chiếc ghe được phát hiện càng sớm càng tốt, nhằm chận đứng mọi bất trắc
có thể xảy ra. Đồng thời trực thăng bay vòng quanh gần ghe để cho biết
thêm tin tức số người trên ghe. Song vào đó phi hành đoàn cũng thông tin
cho thuyền nhân trên ghe biết rằng con tàu nhân đạo Cap Anamur đang
tiến gần đến họ để họ yên tâm.
Nhờ
có được máy bay trực thăng trợ giúp để tìm kiếm thuyền nhân, tính đến
tháng 9 năm 1980, Cap Anamur đã cứu vớt được 3329 người sắp chết đuối và
bị chìm nơi biển Đông.
Để hiểu rõ thêm, xin mời xem bài viết cùng tác giả:Tỵ Nạn và Cuộc Đời _Phần Một: Lần vượt biên sau cùng 23.06.1980:
http://navygermany.gerussa. com/main/van%20nghe/baivo/ LanVuotBien%20sau%20cung.htm
http://navygermany.gerussa.
4. Quảng bá và vận động ân nhân:
Vào
khoảng tháng 8 năm 1980, ở mọi nơi công cộng và nhà ga xe lửa, xe buýt
tại Tây Đức đều có dán, đăng và phổ biến một số tấm hình của thuyền nhân
Việt Nam đã được Cap Anamur cứu vớt ở biển Đông nhằm kêu gọi dân chúng
Đức mở rộng tình người tiếp tục ủng hộ cho Ủy Ban Bác Sĩ Cấp Cứu Người
Đức của Con Tàu Cap Anamur. Nhờ vậy, Cap Anamur đã nhận được rất nhiều
sự hỗ trợ từ tinh thần lẫn tài chánh của mọi giới trong dân chúng Đức,
các hội đoàn từ thiện.v.v.. Họ đã chuyển vào trương mục của ủy ban nhiều
triệu Đức Mã. Nhờ vậy con tàu Cap Anamur đã có thể hoạt động liên tục.
Hai tấm hình tương phản của cuộc đời
do phóng viên báo chí Đức chụp trong chuyến thứ 8 của Cap Anamur I.
do phóng viên báo chí Đức chụp trong chuyến thứ 8 của Cap Anamur I.
Hình bên trái: Thuyền nhân trên biển khơi. Do
phóng viên báo chí Gerard Klijn theo tàu Cap Anamur, chụp hình gia đình
tác giả (vợ và 2 con) vào cuối tháng 6 năm 1980 trong lúc tàu đang cứu
vớt ghe vượt biển ở vùng tam giác Việt-Mã-Thái trên biển Đông. Người phụ
nữ năm ấy 26 tuổi, đang bế 2 con không còn mảnh áo che thân vì áo quần
ướt hết trong lúc vượt biển. Vào tháng 8 năm 1980, tấm hình nầy được phổ
biến khắp mọi nơi công cộng tại Đức. Người phụ nữ hiện nay dạy nấu ăn
Việt Nam ở các VHS (VolksHochSchule: Bình Dân Học Vụ), Familienbildung
Stätte (Trung Tâm Giáo Dục Gia Đình), hoặc ở các Học viện Institute hay
Academy thuộc lãnh vực Nữ Công Gia Chánh.
Hình bên phải:
Do nhà báo Đức chụp tại phòng đợi của phi trường Frankfurt am Main vào
ngày đầu tiên đến Đức, 15.7.1980, gồm tác giả và 2 con. Tác giả là
thuyền trưởng ghe thứ nhất vượt biên được Cap Anamur I, chuyến thứ 8
cứu vớt. Tấm hình diễn tả một con người hai tâm trạng và nói lên Niềm Vui Mới trước Ngưỡng Cửa của Tương Lai.
Lúc nầy, 2 con có quần áo mới do Cap Anamur cấp phát khi rời khỏi Cap
Anamur ở hải cảng Tân Gia Ba để lên đường đi qua Tây Đức. Năm ấy đứa con
thứ hai (đứng giữa) 18 tháng và hiện nay là bác sĩ y khoa ngành nội
thương, đã có phòng mạch tư năm 32 tuổi. Đứa con thứ nhất (đứng bên
phải) 3 tuổi, hiện giờ là kỹ sư (Dipl.-Ing.) Systemtechnic và Kinh tế,
và là IT-Director. Tác giả là kỹ sư điện (Dipl.-Ing.), chuyên ngành viễn
thông, tốt nghiệp Gerhard Mercator University tại Duisburg năm 1987. Thật là một cuộc đổi đời!
5. Thành quả hoạt động của Cap Anamur:
Những
nỗ lực với lòng nhân đạo tuyệt hảo của vợ chồng nhà báo Dr. Rupert
Neudek và nhà văn Heinrich Böll nói riêng và Hội Bác Sĩ Cấp Cứu Người
Đức cùng với nhiều ân nhân, chính quyền các cấp tại Đức nói chung, con
tàu Cap Anamur đã thực hiện 3 giai đoạn đi vào biển Đông để cứu vớt
11.300 thuyền nhân Việt Nam:
Cap Anamur I: (Sept. 1979-Mai 1982): 9.507 người
Cap Anamur II: (März 1986-Juli 1986): 888 người
Cap Anamur III: (April 1987-Juli 1987): 905 người
Cap Anamur II: (März 1986-Juli 1986): 888 người
Cap Anamur III: (April 1987-Juli 1987): 905 người
6. Những Buổi Lễ Kỷ Niệm:
6.1 Lễ Khánh Thành Bia Tưởng Niệm tại Troisdorf năm 2007:
Trước
năm 2009 thì các buổi Lễ Kỷ Niệm thường được tổ chức tại thành phố
Troisdorf, cứ 5 năm một lần. Một thành phố cách cựu thủ đô Bonn khoảng
20 km, nơi mà ông bà Dr. Neudeck, sáng lập viên con tàu Cap Anamur cư
ngụ. Cũng tại thành phố nầy, chiếc thuyền nan của thuyền nhân Việt Nam
được Cap Anamur II cứu vớt vào cuối tháng 4 năm 1984, đã được chuyên chở
về thành phố Troisorf và được chính quyền thành phố cho phép trưng bày
tại khuôn viên của thành phố Troisdorf vào ngày 27.4.2007. Song vào đó,
Bia Tưởng Niệm cũng được xây dựng tại đây.
Thuyền vượt biển, được tìm thấy và cứu vớt bởi Cap Anamur vào tháng 4 năm 1984 ở biển Đông. Hôm nay nó hiện hữu như một tượng đài tại khuôn viên Troisdorf.
Bia
Tưởng Niệm được xây dựng tại khuôn viên Troisdorf nói lên lòng tri ân
của thuyền nhân Việt Nam đối với chính quyền và nhân dân Đức, đặc biệt
Dr. Ernst Albrecht - cựu Thống đốc Tiểu bang Niedersachsen, West
Germany, là tiểu bang đầu tiên nhận người Việt tỵ nạn cộng sản và Ủy Ban
Cap Anamur đã cứu vớt 11.300 thuyền nhân Việt Nam, đặc biệt là sáng lập
viên Dr. Rupert Neudeck.
Là
thuyền nhân được Cap Anamur cứu vớt, mỗi lần có tổ chức Lễ Kỷ Niệm ngày
thành lập con tàu tại Troisdorf hay ở bất cứ nơi đâu tại Đức quốc thì
gia đình tôi đều đi tham dự. Trước hết, để gặp lại các vị ân nhân người
Đức cũng như gặp quý đồng hương để cùng hồi tưởng lại những đoạn đường
vượt biển đầy gian lao khổ cực và rất nguy hiểm trước lưỡi hái tử thần
ngoài biển khơi.
6.2 Bia Tri Ân và Tưởng Niệm của Thuyền Nhân Việt Nam tại hải cảng Hamburg:
Vào
năm 2009, để đánh dấu 30 năm kỷ niệm con tàu Cap Anamur ra khơi cứu
thuyền nhân Việt Nam, người Việt tỵ nạn cộng sản đã xây dựng tấm bia tại
hải cảng Hamburg để tỏ lòng biết ơn nhân dân Đức, chính quyền liên bang
Đức, chính quyền thành phố thương mại Hamburg - nơi xuất phát của các
con tàu Cap Anamur, đã tiếp nhận người Việt tỵ nạn cộng sản. Cùng tri ân
Ủy Ban Cap Anamur do Tiến sĩ Rupert Neudeck sáng lập, đã cứu vớt 11.300
thuyền nhân Việt Nam. Đồng thời để tưởng niệm các đồng hương tỵ nạn
cộng sản đã bỏ mình trên đường vượt biển tìm tự do.
Trong
buổi Lễ Khánh Thành có sự tham dự của sáng lập viên, cộng tác viên "Con
Tàu Cho Việt Nam", Dr. Neudeck và nhiều chính khách, chính trị gia, nhà
báo và đại diện các tôn giáo… Đặc biệt, có sự tham dự của Dr. Philipp
Rösler, là người Đức gốc Việt, chủ tịch đảng FDP, Phó Thủ tướng nước
CHLB Đức kiêm Bộ trưởng Bộ Kinh tế thời bấy giờ.
6.3 Lễ Kỷ Niệm 35 Năm Một Con Tàu Cho Việt Nam:
Vào
cuối tháng 5 năm 2014 tôi nhận được Thư Mời của anh Nguyễn Hữu Huấn,
trưởng ban tổ chức Lễ Kỷ Niệm 35 Năm Một Con Tàu Cho Việt Nam gởi đến để
vận động đồng hương hỗ trợ tài chánh cho việc tổ chức cũng như mời đến
tham dự đông đủ vì có thể là buổi Lễ Kỷ Niệm cuối cùng vì sáng lập viên
Con Tàu Cho Việt Nam, ông Dr. Neudeck khá lớn tuổi và sức khoẻ ngày càng
yếu kém theo thời gian. Buổi lễ được tổ chức tại Bia Tưởng Niệm Thuyền
Nhân Việt Nam tại hải cảng Hamburg vào ngày 9.8.2014. Vợ chồng tôi rất
vui và sắp xếp ngay thời giờ, công việc để đi Hamburg tham dự buổi lễ.
Từ
nơi tôi ở đến Hamburg cũng không xa mấy, khoảng 550 km. Tôi để đồng hồ
báo thức lúc 5:00 giờ để kịp khởi hành lúc 6:00 sáng. Trời xui đất
khiến, đồng hồ reo hết pin lúc 3:00 giờ sáng. Thế là đồng hồ đứng yên.
Nhưng trong cái xui cũng có cái may cho tôi, bà xã là người có bản tính
hay lo lắng về giờ giấc, đã đánh thức tôi dậy lúc 4:45 giờ. Có lẽ bà ta
sợ trễ giờ nên mất ngủ chăng? Thế là chúng tôi khởi hành đúng giờ giấc
dự định. Chúng tôi đến địa điểm tổ chức khoảng 12:00 giờ trưa. Ở đó,
chúng tôi gặp một số người đồng hương là thuyền nhân và bạn bè cùng
chung đại học ở Duisburg là một cựu sinh viên du học có vợ là một người
Việt tỵ nạn cộng sản bằng đường bộ. Lúc tôi vào đại học thì bạn ấy làm
PhD cũng thuộc ngành viễn thông. Gặp nhau, anh ta hỏi tôi rằng tôi có
đọc bài mới của anh viết chưa?. Tôi chưa kịp trả lời thì anh nói với bà
xã của anh: "Đây cũng là cây viết của Hải quân đó". Tôi chỉ biết cười và
nói: "Tôi mà viết lách gì anh" và tôi tiếp: "Rất là lạ, anh với tôi đều
là dân kỹ thuật mà thấy anh viết kiếm hiệp sử luận, đọc rất hấp dẫn, đó
mới là đáng ngưỡng mộ. À, tôi sẽ gởi bài mới viết "Hải đồ Mercator" của
tôi để anh xem và nhớ lại danh xưng Đại học Gerhard Mercator mà
chúng ta đã có một thời đi ăn ở Mensa của phân khoa Điện / Viễn Thông
(Elektrotechnik / Nachrichtentechnik)''. Ngoài ra tôi còn gặp thêm rất
nhiều bạn bè khác, tay bắt mặt mừng.
NV Phảy và vợ chồng Prof. Dr.- Ing. Vương Thế Anh và là cây viết về kiếm hiệp sử luận
Vợ
chồng tôi rất vui mừng khi thấy Lễ Kỷ Niệm Một Con Tàu Cho Việt Nam năm
nay đã thu hút rất nhiều bà con thuyền nhân Việt Nam, có khoảng trên
1000 người đến tham dự. Có rất nhiều đồng hương, mặc dù không được Cap
Anamur cứu vớt cũng hiện diện trong buổi lễ. Thêm vào đó có rất nhiều
đồng hương đến từ nhiều quốc gia khác trên thế giới.
Về
phía người Đức có sự hiện diện của sáng lập viên Con Tàu cho Việt Nam,
Dr. Neudeck và Ủy Ban Bác Sĩ Cấp Cứu Người Đức cùng các nhà báo, đại
diện tôn giáo, chính quyền thành phố Hamburg. Song vào đó có những chính
khách, chính trị gia như cựu Phó Thủ tướng (FDP) Dr. Rösler, hiện là
Chủ tịch Diễn Đàn Kinh Tế Thế Giới tại Thuỵ Sĩ, cựu Phó Phủ tướng (SPD)
ông Muterfering, ông Freimut Duve, Dân biểu Quốc Hội Liên Bang, Luật sư
Burgkhard Müller-Söncksen, cựu Dân biểu Quốc Hội Liên Bang; ký giả Frank
Alt, Giám đốc chương trình truyền hình Baden Baden, Dr. Med. Hans-Georg
Tafel, cựu Bác sĩ cấp cứu trên tàu Cap Anamur và Bà Dr. Luise Druke
thuộc đại học Havard cùng nhiều ân nhân khác đã đến tham dự.
Về
phía Việt Nam, ngoài sự hiện diện của các vị lãnh đạo tinh thần của các
tôn giáo còn có những đại diện các tổ chức đoàn thể không những tại
CHLB Đức mà còn đến từ Hoa Kỳ như Ca Nhạc sĩ Nam Lộc, đại diện cho Trung
Tâm Asia và đài truyền hình SBTN; ông bà Dương Phục và Thanh Thủy, Giám
đốc đài phát thanh Việt Nam tại Texas, là những người đã từng tích cực
phục vụ trên tàu Cap Anamur. Các ông Nguyễn Thành Công và ông Võ Thành
Nhân, phóng viên đài SBTN. Ngoài ra còn có phái đoàn đại diện Liên Hội
Người Việt Canada và Chủ tịch Ủy Ban Xây Dựng Viện Bảo Tàng Thuyền nhân
tại Ottawa cũng dành nhiều thời giờ quý báu để qua Hamburg, Đức quốc
tham dự buổi lễ.
Sau
phần chào mừng và giới thiệu của ông Nguyễn Hữu Huấn, trưởng ban tổ
chức, là phần phát biểu của Dr. Neudeck với lời mở đầu tràn đầy tình
thương dành cho người Việt: "Tôi cũng là Người Việt Nam = Ich bin auch ein Vietnamese".
Tiếp theo là phần phát biểu của các quan khách Đức. Ngoài ra, có anh
John Nguyễn Khánh Hưng (đảng FDP) một thanh niên trẻ thế hệ thứ hai,
sinh trưởng tại Đức đã nói về sự hội nhập của người Việt vào xã hội Đức.
Anh hy vọng rằng những người trẻ tuổi người Đức gốc Việt cần giữ cả hai
nền văn hóa và nên theo đuổi lãnh vực chính trị để sau này có cơ hội giúp quê hương Việt Nam. Xen
kẽ những lời phát biểu của quan khách là những phần trình diễn các màn
vũ cùng những bản hợp ca do các hội đoàn tại Đức trình diễn để giúp vui.
Buổi
Lễ Kỷ Niệm 35 Năm Con Tàu Cho Việt Nam tại hải cảng Hamburg rất thành
công, chấm dứt lúc 16:00 giờ. Sau đó mọi người cùng đến tham dự đêm văn
nghệ được tổ chức vào lúc 19 giờ tại hội trường Đại học Quân sự
Helmut-Schmidt Universität tại Hamburg-Jenfeld.
Dr. Rupert Neudeck, vị ân nhân của thuyền nhân Việt Nam, sáng lập viên Ủy Ban Cap Anamur và là Chủ Tịch Hội Mũ Xanh
Hiện
diện tại buổi lễ: Cựu Phó Thủ tướng (FDP) Dr. Rösler, cựu Phó Thủ tướng
(SPD) ông Muterfering, và sáng lập viên Con Tàu Cho Việt Nam, Cap
Anamur Dr. Neudeck.
7. Thuyền nhân từ quan điểm của khoa học:
Nói
đến con tàu của thế kỷ 20 - thế kỷ của thuyền nhân tỵ nạn cộng sản cũng
là đề tài mà một số chuyên gia trên thế giới đã dày công nghiên cứu từ
quan điểm của khoa học để làm sáng tỏ trên cơ sở những câu chuyện về
cuộc sống của họ, cũng như hiện tượng của khả năng phục hồi. Về điểm nầy
ông Nathan Caplan, sinh năm 1930, nhà tâm lý học người Mỹ, là giáo sư
đại học Michigan đã đóng góp công sức thật hữu ích. Ông đã nghiên cứu
các gia đình thuyền nhân Việt Nam đang định cư tại hải ngoại và nhận
thấy rằng họ đặt giá trị gia đình rất mạnh mẽ. Thuyền nhân Việt Nam đã
đề cao sự giáo dục. Điều nầy được giải thích và chứng minh rằng nhiều
trẻ em trong số con cái của họ đã mang lại kết quả học hành rất tốt,
trên trung bình.
Trong
bối cảnh của Châu Âu, khoa học gia ngành giáo dục, ông Olaf Beuchling
cũng đã khảo sát sự hội nhập của người Việt tỵ nạn tại Đức trong nghiên
cứu rất giá trị của mình với tựa đề "Từ một thuyền nhân trở thành một
công dân Đức": Di dân, hội nhập và thành công ở học đường trong một cộng
đồng người Việt lưu vong. Ông cũng đã nhấn mạnh tầm quan trọng của giá
trị văn hóa và nó đã mang lại cho họ những kinh nghiệm.
8. Tạm kết:
Nhân Lễ Kỷ Niệm 35 Năm Một Con Tàu Cho Việt Nam, tôi xin ghi lại vài nét về con tàu Cap Anamur, là ân nhân của tôi và gia đình nói riêng cũng như toàn thể thuyền nhân được Cap Anamur cấp cứu nói chung để tỏ lòng tri ân đến chính quyền liên bang, tiểu bang
và nhân dân Đức, cũng như sáng lập viên ông bà Dr. Rupert Neudeck, nhà
văn Heinrich Böll và toàn thể Ủy Ban Cap Anamur cùng các chính khách,
chính trị gia, các hội đoàn từ thiện, các tổ chức tôn giáo, các hệ thống
truyền thanh truyền hình, phóng viên báo chí, đã giúp đỡ và tạo điều
kiện cho con tàu Cap Anamur cứu vớt chúng tôi ngoài biển Đông cũng như tiếp nhận và giúp đỡ chúng tôi xây dựng một cuộc sống mới tại một xứ tự do dân chủ, nhân bản và pháp quyền. Đó là Con Tàu của Thế Kỷ 20.
KS Nguyễn Văn Phảy
Mùa hè 2014 tại Đức Quốc
http://navygermany.gerussa.com
Mùa hè 2014 tại Đức Quốc
http://navygermany.gerussa.com
No comments:
Post a Comment