Friday, August 8, 2014

Trần Gia Phụng: Hoàng Sa Và Trường Sa Trong Hội Nghị San Francisco 1951




 
Thế chiến thứ hai chấm dứt năm 1945, nhưng cho đến năm 1951 Hội nghị tại San Francisco (Hoa Kỳ) giữa Nhật Bản và các nước Đồng minh mới diễn ra để Nhật Bản xác định lập trường hòa bình, từ bỏ chủ quyền trên các vùng đất Nhật Bản chiếm đóng trong thế chiến, bàn chuyện Nhật Bản bồi thường cho các nạn nhân và tù binh chiến tranh, cũng như quyết định chấm dứt quân đội nước ngoài chiếm đóng Nhật Bản và trao trả chủ quyền lại cho Nhật Bản.
1.- NHẬT BẢN THẤT TRẬN
Nhật Bản xâm lăng Mãn Châu năm 1931, lập ra Mãn Châu Quốc năm 1932, đưa vị vua cuối cùng của nhà Thanh là Phổ Nghi (Pu Yi, trị vì Trung Hoa 1908-1912) lên làm giám quốc vì nhà Thanh gốc người Mãn Châu. Nhật chiếm Nam Kinh (Trung Hoa) ngày 13-12-1937, gây ra cuộc thảm sát kinh hoàng trong 6 tuần lễ, giết hại khoảng 300,000 dân Trung Hoa.
Ngày 25-11-1936, Nhật ký với Đức hiệp ước chống Đệ tam Quốc tế (Anti Cominter Pact) nhắm vào Liên Xô. Năm sau, Ý gia nhập tổ chức nầy ngày 6-11-1937. Ba nước còn ký Hiệp ước Liên minh tay ba tại Berlin ngày 27-9-1940, thường được gọi là Trục Bá Linh–La Mã–Đông Kinh (Berlin–Roma–Tokyo Axis). Từ đó, trong khi Đức Ý tung hoành ở Âu Châu, thì Nhật bành trướng ở Á Châu.
Nhật đưa quân đến Đông Dương năm 1940, nhưng vẫn để Pháp cai trị Đông Dương. Ngày 7-12-1941, Nhật bất ngờ tấn công Pearl Harbor (Hawaii), tàn phá hạm đội Hoà Kỳ ở Thái Bình Dương, giết hại 2,400 người Hoa Kỳ. Hôm sau (8-12-1941), Hoa Kỳ và Anh tuyên chiến với Nhật Bản. Quân đội Nhật ào ạt đổ bộ lên miền nam Thái Lan (8-12-1941), bắc Mã Lai (8-12), tấn công Manila (8-12), đến quần đảo Luzon (10-12-1941), chiếm Bataan (9-4-1942), và toàn bộ Phi Luật Tân (5-1942).
Trong khi chiến tranh diễn ra càng ngày càng ác liệt tại Đông Á giữa lực lượng Đồng minh (gồm quân đội Hoa Kỳ, Anh và Trung Hoa Quốc Dân Đảng) với quân đội Nhật Bản, thì Liên Xô vẫn tiếp tục bang giao với Nhật Bản vì Liên Xô ký hòa ước bất tương xâm với Nhật Bản từ ngày 13-4-1941. Ngày 6-8-1945, Hoa Kỳ thả quả bom nguyên tử đầu tiên xuống Hiroshima (Nhật Bản). Liên Xô biết chắc chắn Nhật Bản sẽ đầu hàng, liền mời đại sứ Nhật tại Moscow đến bộ Ngoại giao Liên Xô lúc 5 giờ chiều ngày 8-8-1945 và ngoại trưởng Liên Xô Mikailovich Molotov thông báo cho đại sứ Nhật Bản biết rằng Liên Xô quyết định tuyên chiến với Nhật. (Basil Collier, The Second World War: a Military History, Gloucester, Mass: Pater Smith, 1978, tt. 529-530.)
Sáng sớm hôm sau (9-8-1945), Liên Xô tràn quân qua chiếm Mãn Châu và vùng đông bắc Trung Hoa, chỉ vài giờ trước khi Hoa Kỳ dội thêm quả bom nguyên tử thứ hai xuống thành phố Nagasaki. Liên Xô tiến quân chiếm luôn cả miền bắc bán đảo Triều Tiên. Cuối cùng, Nhật hoàng quyết định đầu hàng ngày 14-8-1945. Hiệp ước đầu hàng được ký kết trên chiến hạm Missouri, thả neo trong vịnh Đông Kinh, do đại tướng Mac Arthur chủ trì.
Như thế, Liên Xô dựa vào thời cơ để nhập cuộc trong chiến tranh chống Nhật Bản năm 1945, thiệt hại không đáng kể mà hưởng lợi tối đa ở miền đông bắc châu Á.

2.- HỘI NGHỊ SAN FRANCISCO
Sau chiến tranh, đất nước Nhật Bản kiệt quệ, kinh tế suy thoái. Nhật Bản thay đổi chính sách, từ bỏ chế độ quân phiệt, từ bỏ tham vọng đế quốc, ban hành hiến pháp hòa bình ngày 3-11-1946, có hiệu lực từ 3-5-1947. Theo hiến pháp mới, Nhật Bản theo đại nghị chế, Nhật hoàng chỉ còn giữ địa vị tượng trưng. Đặc biệt điều 9 chương II hiến pháp quy định Nhật Bản không có có Hải, Lục, Không quân và chính phủ Nhật Bản từ nay không được quyền tuyên chiến.
Hoa Kỳ là nước có quân chiếm đóng Nhật Bản đồng thời viện trợ cho Nhật Bản tái thiết đất nước. Cuộc thương thuyết giữa Nhật Bản và Hoa Kỳ đưa đến hai hội nghị hòa bình San Francisco từ ngày 4 đến ngày 8-9-1945. Hội nghị thứ nhất gồm có 51 quốc gia tham dự trong đó có cả Nhật Bản, đưa đến Hiệp ước Hòa bình với Nhật Bản (Treaty of Peace with Japan). Hội nghị thứ hai giữa Hoa Kỳ và Nhật Bản đưa đến Hiệp ước An ninh giữa Hoa Kỳ và Nhật Bản (Security Treaty between United States and Japan). Chuyện giữa Hoa Kỳ và Nhật Bản không nằm trong bài viết nầy.
Hội nghị 51 nước tham dự theo thứ tự ABC là: Argentina, Australia, Belgium, Bolivia, Brazil, Cambodia, Canada, Ceylon, Chile, Colombia, Costa Rica, Cuba, Czechoslovakia, Dominican Republic, Ecuador, Egypt, El Salvador, Ethiopia, France, Greece, Guatemala, Haiti, Honduras, Indonesia, Iran, Iraq, Japan, Laos, Lebanon, Liberia, Grand Duchy of Luxembourg, Mexico, Netherlands, New Zealand, Nicaragua, Norway, Pakistan, Panama, Peru, Republic of the Philippines, Poland, Saudi Arabia, Soviet Union, Syria, Turkey, Union of South Africa, United Kingdom of Great Britain and Northern Ireland, United States of America, Uruguay, Venezuela, Viet Nam.
3.- THÁI ĐỘ CỦA CÁC NƯỚC CỘNG SẢN
Trong 51 nước trên đây, có ba nước lúc đó theo chế độ cộng sản là Czechoslovakia (Tiệp Khắc, chưa chia hai), Poland (Ba Lan) và Soviet Union (Liên Bang Xô Viết hay Liên Xô). Cả Trung Hoa Dân Quốc (Đài Loan) lẫn Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa (Trung Cộng) đều không được mời tham dự, vì hội nghị không biết mời ai là đại diện cho Trung Hoa tại hội nghị.
Trong dự thảo hiệp ước, Nhật Bản quyết định từ bỏ quyền hành ở các hải đảo dọc bờ biển Trung Hoa và Việt Nam, nhưng không ghi là giao lại cho ai, vì hải đảo của nước nào thì nước đó đương nhiên nhận lại. Dự thảo nầy được gởi đến các nước để tham khảo và tu chính trước ngày diễn ra hội nghị.
Trung Cộng không được mời tham dự hội nghị nên ngoại trưởng Trung Cộng lúc bấy giờ là Chu Ân Lai lên tiếng phủ đầu ngày 15-8-1951: “Chính phủ Nhân dân Trung ương nước Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa một lần nữa tuyên bố: Nếu không có sự tham dự của Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa trong việc chuẩn bị, soạn thảo và ký một hòa ước với Nhật Bản thì dù nội dung và kết quả của một hiệp ước như vậy có như thế nào, chính phủ Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa cũng coi hòa ước ấy hoàn toàn bất hợp pháp và vì vậy vô hiệu.” (People’s China, tập IV, số 5 ngày 1-9-1951, do Quốc Tuấn trích dẫn trong bài “Nhận xét về các luận cứ của Trung Hoa liên quan tới vấn đề chủ quyền hai quần đảo Hoàng Sa và Trường sa”, tập san Sử Địa số 29, Sài Gòn: tháng 1-3/1975, tr. 221.)
Lập trường của Trung Cộng là đòi hỏi chủ quyền của Trung Cộng trên các quần đảo duyên hải Trung Hoa và duyên hải Việt Nam. Trung Cộng không tham dự hội nghị, nhưng đòi hỏi của Trung Cộng được đại diện Liên Xô trình bày trong phiên họp ngày 5-9-1951. Andrei Gromyko, đại diện Liên Xô, phản đối bản dự thảo hòa ước vì cho rằng đây là bản dự thảo do Hoa Kỳ và Anh soạn thảo, chưa đáp ứng được những yêu cầu cần thiết cho một nền hòa bình với Nhật Bản. Lời phản đối của Gromyko bị các thành viên khác trong hội nghị la ó. (Xin xem tài liệu đính kèm số 1.)
Lý do đại diện Liên Xô bị hội nghị la ó có thể vì bản dự thảo đã được gởi trước để các nước tham khảo, nhưng Liên Xô không trả lời, mà mãi đến khi hội nghị bắt đầu, mới lên tiếng làm mất thời giờ hội nghị và đại diện các nước không chuẩn bị trước với chính phủ của họ. Cũng có thể các nước Đồng minh biết rằng trong chiến tranh chống Nhật Bản, Liên Xô chờ đợi đến phút chót, Nhật Bản bị sụp đổ, Liên Xô mới tham chiến để chia phần nên các đại biểu không cảm phục.
Sau khi chủ tịch hội nghị can thiệp, kêu gọi tái lập trật tự hội trường, thì Gromyko mới tiếp tục phát biểu, đưa ra trước sau 13 điểm tu chính (sửa đổi 5 điểm cũ và đưa thêm 8 điểm mới), trong đó có một tu chính là sửa đổi khoản (b) và khoản (f), điều 2 chương II, liên quan đến các hải đảo dọc duyên hải Trung Hoa và duyên hải Việt Nam. Andrei Gromyko cho rằng các đảo Paracels (Hoàng Sa) và các đảo khác về phía Nam, được xem là lãnh thổ của Trung Cộng, và yêu cầu bổ sung vào hiệp định là các hải đảo đó thuộc chủ quyền của Trung Cộng. (Xin xem tài liệu đính kèm số 1.) Tuy nhiên, Gromyko không đưa ra bằng chứng cụ thể nào về chủ quyền của Trung Cộng đối với các đảo trên.
Trong cuộc biểu quyết ngày 7-9-1951, tất cả những tu chính của Liên Xô do Gromyko đưa ra, trong đó có cả tu chính khoản (b) và khoản (f) điều 2 chương II, tất cả đều bị hội nghị bác bỏ. Kết quả biểu quyết cụ thể là 46 phiếu chống, 3 phiếu thuận của ba nước cộng sản (Tiệp Khắc, Ba Lan và Liên Xô), 1 phiếu trắng và Nhật Bản không bỏ phiếu. Tỷ lệ bác bỏ là 46/51.
4.- Ý KIẾN CỦA VIỆT NAM

Đại diện Việt Nam tại hội nghị San Francisco là thủ tướng chính phủ Quốc Gia Việt Nam (QGVN) Trần Văn Hữu. Chính phủ QGVN do cựu hoàng Bảo Đại làm quốc trưởng. Theo hiệp định Élysée ngày 8-3-1949 Pháp giải kết hòa ước bảo hộ 1884 và trao trả độc lập lại cho Việt Nam. Chính thể QGVN chính thức được thành lập ngày 14-6-1949. Đạo dụ ngày 1-7-1949 chia Việt Nam làm ba phần: Bắc, Trung và Nam Phần. Hai ngày sau, quốc trưởng Bảo Đại bổ nhiệm ba vị thủ hiến phụ trách ba phần, trong đó thủ hiến Trung Phần là dược sĩ Phan Văn Giáo.
Ngày 14-10-1950, khi Pháp quyết định giao lại quần đảo Hoàng Sa cho chính phủ QGVN, thủ hiến Phan Văn Giáo, đại diện chính phủ, đến tận quần đảo Hoàng Sa để nhận bàn giao chủ quyền quần đảo nầy. (Chính Đạo, Việt Nam niên biểu 1939-1975, tập B: 1947-1954, Houston: Nxb. Văn Hóa, 1997, tr. 196.)
Nguyên dưới thời vua Bảo Đại (trị vì 1926-1945), Pháp thiết lập tòa Đại lý Hành chánh quần đảo Hoàng Sa ngày 15-6-1932. Vua Bảo Đại ban dụ số 10 ngày 30-3-1938 sáp nhập quần đảo Hoàng Sa vào địa hạt tỉnh Thừa Thiên, nên năm 1950, thủ hiến Trung Phần Phan Văn Giáo, đại diện chính phủ tiếp nhận việc bàn giao của Pháp.
Ngoài thủ tướng Trần Văn Hữu, phái đoàn chính phủ QGVN còn có các ông: Nguyễn Trung Vinh (tổng trưởng bộ Tài chánh), Nguyễn Duy Thanh (tổng trưởng bộ Kế hoạch và Tái kiến thiết), và Bửu Kính.
Vì sắp theo thứ tự ABC, phái đoàn Việt Nam đứng áp chót, chỉ trước phái đoàn Nhật Bản là nước trong cuộc. Vì vậy phái đoàn Việt Nam được mời phát biểu gần như sau cùng ngày 8-9-1951. Vào cuối phần phát biểu của mình, thủ tướng Trần Văn Hữu nhấn mạnh: “And as we must frankly profit from all opportunities offered to us to stifle the germs of discord, we affirm our right to the Spratly and Paracel Islands, which have always belonged to Vietnam.” Tạm dịch: “Và chúng tôi phải thẳng thắn lợi dụng tất cả các cơ hội dành cho chúng tôi để chận đứng những mầm mống bất đồng, chúng tôi xác định chủ quyền của chúng tôi trên các quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa vốn luôn luôn thuộc Việt Nam.”) (Xin xem tài liệu đính kèm số 2, 3 và số 4.) Lời phát biểu của thủ tướng Trần Văn Hữu không bị đại diện phái đoàn nào trong hội nghị phản đối và được ghi vào biên bản, chứng tỏ hội nghị đồng ý với quan điểm của chính phủ QGVN.
Cuối cùng, hội nghị đi đến việc ký kết bản Treaty of Peace with Japan (Hiệp ước Hòa bình với Nhật Bản) cũng trong ngày 8-9-1951 với 48 phiếu thuận, trừ ba nước cộng sản, đồng minh của Trung Cộng, không chịu ký. Bản hiệp ước có hiệu lực ngày 28-4-1952.
Bản hiệp ước San Francisco gồm 7 chương, 27 điều, trong đó khoản (f), điều 2, chương II, liên hệ đến Việt Nam nguyên văn như sau: “Japan renounces all right, title and claim to the Spratly Islands and to the Paracels Islands.” (United Nations Treaty Series 1952 (reg. no. 1832), vol. 136, pp. 45 – 164.) (Nhật Bản từ bỏ mọi quyền hành, danh nghĩa và đòi hỏi đối với quần đảo Spratly [Trường Sa] và quần đảo Paracels [Hoàng Sa].) (Xin xem tài liệu đính kèm số 5.) Nhật Bản từ bỏ mọi quyền hành, danh nghĩa và đòi hỏi đối với quần đảo Trường Sa và quần đảo Hoàng Sa, nghĩa là Nhật Bản trả hai quần đảo nầy trở về với chủ cũ, mà thủ tướng Trần Văn Hữu đã minh định trước hội nghị và không một ai phản đối.
5.- KẾT LUẬN
Hội nghị hòa bình giữa Nhật Bản và 50 nước trên thế giới tại San Francisco, riêng về vấn đề Hoàng Sa và Trường Sa, liên hệ đến Việt Nam, có thể rút ra hai kết luận:
Kết luận thứ nhứt là từ năm 1951, các nước trên thế giới, trừ các nước cộng sản đồng minh với Trung Cộng, đều phủ nhận đòi hỏi của Trung Cộng là các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc chủ quyền Trung Cộng qua phần phát biểu của đại diện Liên Xô tại hội nghị. Đồng thời các nước tham dự hội nghị không phản đối, nghĩa là chấp nhận và cho ghi vào biên bản lời thủ tướng Trần Văn Hữu xác định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Hồ sơ toàn thể hội nghị cùng lời phát biểu của thủ tướng Trần Văn Hữu được Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ ấn hành ngay sau hội nghị, gởi cho tất cả các nước, cũng không bị nước nào phản đối, trừ Trung Cộng.
Kết luận thứ hai là lời phát biểu của thủ tướng Trần Văn Hữu chứng tỏ chính phủ Quốc Gia Việt Nam luôn luôn tận dụng mọi cơ hội có thể có được, để tranh đấu bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ, chống lại âm mưu xâm lược của nước ngoài và trong trường hợp nầy là Trung Cộng. Trong khi đó, Việt Minh cộng sản luôn luôn tuyên truyền rằng chính phủ Quốc Gia Việt Nam là “Việt gian bán nước”. Việt Minh cộng sản nhồi sọ học sinh bằng những câu thơ như:
“Văn Xuân, Văn Hữu cũng tay bợm già,
Cũng phường cỏng rắn cắn gà,
Rước voi giày mả ông bà tổ tông,
Cha đời lũ bán nước rong!”

(Thơ cộng sản dạy cho trẻ em trước năm 1954)
“Văn Xuân, Văn Hữu” là hai thủ tướng Nguyễn Văn Xuân và Trần Văn Hữu của chính phủ Quốc Gia Việt Nam. Thử so sánh lời phát biểu của Trần Văn Hữu với công hàm Phạm Văn Đồng ngày 14-9-1958 về vấn đề Hoàng Sa, xin quý vị độc giả hãy tự kết luận ai là “lũ bán nước rong”?
TRẦN GIA PHỤNG
(Toronto, 4-8-2014)
TÀI LIỆU ĐÍNH KÈM trích từ:
Conference for the Conclusion and Signature of the Treaty of Peace
With Japan, San Francisco, California – September 4-8-1951, Record of Proceedings
Do Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ ấn hành. Nhận được qua giáo sư THB (California)



TVQ chuyển

Tài liệu 1: Phát biểu của đại diện Liên Xô

Tài liệu 2: Phát biểu của thủ tướng Trần Văn Hữu

Tài liệu 3: Phát biểu của thủ tướng Trần Văn Hữu (tiếp)

Tài liệu 4: Phần cuối lời phát biểu của thủ tướng Trần Văn Hữu
Tài liệu 5: Chương II, điều 2, khoản (f) Hiệp ước Hòa bình với Nhật Bản  

No comments:

Danh sách các Chiến Sĩ Hải Quân QLVNCH đã Hy Sinh Trong Trận Hải Chiến Hoàng Sa 1974:

Số TT Chức vụ Họ tên Đơn vị 1 Trung sĩ Cơ khí Trần Văn Ba HQ-10 2 Hạ sĩ Cơ khí Phạm Văn Ba HQ-10 3 Hải quân đại úy Vũ Văn Bang HQ-10 4 Hạ sĩ...