hay là Vì sao viễn tượng hoà bình tại Trung Đông càng
xa vời
Vào
sáng thứ Hai 28-7 đầu tuần qua, Tổng Thư Ký Liên Hiệp Quốc là ông Ban
Ki-moon đã nhấn mạnh một lần nữa lời kêu gọi của Hội Đồng Bảo An Liên
Hiệp Quốc cho “một cuộc ngưng bắn tức thời và vô điều kiện vì lý do nhân đạo” trong cuộc chiến tại dải Gaza.
Trong
một cuộc họp khẩn cấp kéo dài đến tối khuya Chủ Nhật hôm trước, Hội
Đồng này đã thông qua một lời nhận định mạnh mẽ nhất về cuộc chiến này,
dưới hình thức “một bản thông báo cấp tổng thống” (presidential statement)
lên tiếng yêu cầu đôi bên hãy tức thời ngưng bắn để có thể thực hiện
được một cuộc trợ giúp và cứu trợ cần thiết cho khối dân Palestine khốn
khổ đang nằm trong hai lằn lửa đạn.
Theo
lời của ông Mahmoud Hmoud là phó đại sứ tại Liên Hiệp Quốc của Jordan,
vốn là quốc gia đệ trình bản thông báo này, thì đây là bản lên tiếng
chính thức đầu tiên của Hội Đồng Bảo An liên quan đến cuộc xung đột giữa
Do Thái và Palestine kể từ tháng Giêng năm 2009, khi đưa ra lời kêu gọi
phía Do Thái hãy lập tức ngưng bắn và rút quân ra khỏi vùng Gaza, cũng
sau một cuộc tấn công đẫm máu với lực lượng Hamas.
Trong
quá khứ, cơ quan thẩm quyền tối cao của Liên Hiệp Quốc thường bị chia
rẽ nặng nề trong các hồ sơ liên quan đến hai nước Do Thái và Palestine,
với phần lớn là Hoa Kỳ, quốc gia đồng minh quan trọng nhất của Do Thái,
luôn luôn tìm cách ngăn chặn hoặc dùng quyền phủ quyết để loại bỏ tất cả
những lời thông báo chính thức hoặc những quyết nghị (resolution) do phía Palestine hoặc các quốc gia ủng hộ đưa ra.
Những
bản thông báo cấp tổng thống trở thành văn kiện chính thức của Hội Đồng
Bảo An. Nó mang một tầm mức quan trọng chỉ thấp hơn một quyết nghị,
nhưng phải được nhất trí thông qua bởi tất cả 15 thành viên trong Hội
Đồng. Tuy nó không nêu đích danh Hamas hay Do Thái, nhưng bản thông báo
cũng nêu lên sự quan tâm sâu xa về tình hình nghiêm trọng về số nạn nhân
tử nạn và thương vong, cũng như tình trạng thê thảm cho khối dân gần 2
triệu người đang lâm vào cảnh nguy nan cần phải được cứu giúp.
Điều
trớ trêu là cả hai kẻ thù không đội trời chung này đều bầy tỏ sự đồng
thuận khi cùng lên tiếng chỉ trích bản thông báo này. Theo lời tường
thuật của ký giả Edith Lederer đăng trên bài báo của hãng thông tấn AP
đề ngày 28-7 thì cả Do Thái lẫn Palestine đều cho rằng lời lẽ của bản
thông báo này quá yếu vì đã không mạnh mẽ lên án phía bên kia. Riêng
ông Ban Ki-moon thì kết tội cả Thủ Tướng Benjamin Netanyahu của Do Thái
cũng như thủ lãnh Khaled Mashaal của phía Hamas là những kẻ vô trách
nhiệm và “vô luân” (morally wrong) trong việc để cho dân quân của
cả hai phe đều bị giết chết trong cuộc xung đột này. Ông kêu gọi họ hãy
chứng tỏ một bản lãnh chính trị
và một đức tính chỉ huy có lòng vị tha để có thể chấm dứt sự khổ đau
của những người dân đã quá mỏi mệt vì chiến tranh dai dẳng triền miên.
Cuộc
chiến khốc liệt này chỉ tạm ngừng trong vòng 12 tiếng trong ngày thứ
Bảy cho lý do nhân đạo theo như yêu cầu của Liên Hiệp Quốc, để rồi lại
nổ bùng trở lại trong ngày Chủ Nhật. Sau đó, chiến cuộc đã gia tăng
cường độ một cách nhanh chóng và khốc hại hơn nữa với hậu quả có phần
tác hại xấu
cho Do Thái về mặt công luận quốc tế khi đạn pháo của họ bắn trúng vào
một ngôi trường do Liên Hiệp Quốc điều hành làm nơi lánh nạn cho thường
dân, khiến 19 người dân Palestine bị thiệt mạng. Trong lúc đó, Hoa Kỳ
tiếp tục lên tiếng ủng hộ quyền bắn trả của Do Thái, cũng như gia tăng
viện trợ súng đạn cho đồng minh này, càng dễ khơi lại lòng thù hận từ
khối dân Hồi giáo và Ả Rập. Ngay cả trong nội địa nước Mỹ, nhiều cuộc
biểu tình nổ ra từ Los Angeles cho đến thủ đô Hoa Thịnh Đốn, ngay trước
cổng của Toà Bạch Ốc, để phản đối thái độ của Hoa Kỳ cũng như chỉ trích
hành động mạnh tay hiếu chiến của Thủ tướng Do Thái là ông Netanyahu.
Sau
đó, hai phía đã đồng ý một cuộc ngưng bắn dài 72 tiếng bắt đầu từ ngày 1
tháng 8, một sự kiện mà Ngoại Trưởng John Kerry đã gọi là “một cú thở phào nhẹ nhõm”.
Tuy nhiên, chỉ 90 phút sau khi lệnh ngưng bắn được thực hiện, chiến sự
lại khởi động khi quân du kích Hamas bỗng xuất hiện để tấn công lính Do
Thái, giết chết 2 người và bắt một sĩ quan là Hadar Goldin làm con tin.
Sau đó, hoả tiễn của Hamas cũng bắn về phía Do Thái. Để trả đũa, phía Do
Thái cũng quyết định huỷ bỏ lệnh ngưng bắn, mở các cuộc dội bom
tấn công dữ dội, nhất là quanh vùng mà phía Hamas đang giữ tù binh, gây
thiệt mạng ít nhất cho hơn 112 người Palestine.
Cho
đến nay, cuộc chiến đã kéo dài đến 4 tuần lễ, để lại hậu quả thê thảm
cho cả đôi bên. Phía Palestine có hơn 1,700 người bị thiệt mạng, phần
lớn là thường dân. Còn phía Do Thái cũng có 66 quân nhân bị tử thương và
3 thường dân bị thiệt mạng trong đó có một người là công dân của Thái
Lan.
Sự
việc hai phe và các nước quan tâm đã phải rất chật vật để đạt được một
cuộc ngừng bắn tạm thời rất ngắn hạn đã cho thấy viễn tượng đạt được một
cuộc đình chiến lâu dài quả là điều rất mong manh hay vô vọng. Và cứ
mỗi lần có thêm một người ngã gục hay bị thương vong, thì những mầm mống
của hận thù và ngờ vực lại càng được gieo xuống nhiều hơn ở mỗi phía.
Tình trạng này sẽ dẫn đến một cảm nhận bi quan càng ngày càng tăng dần
đối với người dân trên đường phố cũng như
đối với giới lãnh đạo đang cầm quyền ở cả hai phe.
Tuy
không nói ra, nhưng sự bi quan này có lẽ cũng là cảm nhận chung của bộ
tham mưu của Tổng thống Obama, đặt việc mưu cầu một nền hoà bình ổn định
tại vùng Trung Đông như là một trong những ưu tiên hàng đầu trong chính
sách ngoại giao của Hoa Kỳ. Và cũng tương tự như những vị tổng thống
tiền nhiệm từ nhiều thập niên qua, ông Obama cũng thấy rằng đây là một
nan đề nhức nhối mà họ đôi khi cũng
cảm thấy bất lực vì không tìm ra một giải pháp ổn thoả cho cả hai phía.
NGUỒN GỐC CUỘC CHIẾN ĐÃ CÓ TỪ LÂU
Khách
quan mà nói, cuộc chiến giữa Do Thái và
các quốc gia khối Ả Rập đã sớm bắt đầu nẩy mầm ngay sau khi Đại Hội
Đồng Liên Hiệp Quốc đề ra vào tháng 11-1947 kế hoạch phân chia vùng đất
Palestine thành 3 vùng: một quốc gia Ả Rập, một quốc gia Do Thái và một
Vùng Quản Trị Quốc Tế Đặc Biệt để cai quản thành phố Jerusalem. Vào ngày
14-5-1948, thủ lãnh Ben-Gurion tuyên bố thành lập quốc gia tân lập Do
Thái, thì đúng vào ngày hôm sau, các đạo quân của các lân bang Ả Rập đã
mở cuộc tấn công. Cuộc chiến này có thể gọi là cuộc chiến giành độc lập
cho Do Thái, kéo dài trong 10 tháng, với con số thiệt mạng khá cao
(khoảng 6,370 người phía Do Thái và khoảng từ 7,000 đến 20,000 người
phía Ả Rập và Palestine).
Nhưng
kết quả là chiến thắng lớn của phe Do Thái sau khi họ giữ vững được tất
cả những vùng được chỉ định phân chia theo Quyết Nghị của Liên Hiệp
Quốc, và còn chiếm thêm được khoảng 60% phần đất được chỉ định cắt cử
cho quốc gia Ả Rập. Nhưng không có một quốc gia Palestine Ả Rập nào được
thành hình từ sau cuộc chiến này. Nó cũng dẫn đến những thay đổi về dân
số khá quan trọng trong vùng cũng như trên nhiều nước trong toàn vùng
Trung Đông. Có khoảng 700,000 người dân Palestine đã phải chạy tản cư
hoặc bị trục xuất ra khỏi nơi cư
trú của họ giờ đây đã trở thành vùng đất của Do Thái. Ngược lại, trong
vòng 3 năm sau đó, cũng có khoảng 700,000 dân gốc Do Thái đến nhập cư
tại đây, với 1/3 là những người chạy tản cư hoặc bị trục xuất từ những
nước trong vùng Trung Đông.
Từ
đó đến nay, Do Thái cũng đã trải qua nhiều cuộc đụng độ với các nước
láng giềng Ả Rập, và từ đó đã chiếm thêm nhiều vùng đất như vùng Tây
Ngạn (sông Jordan), bán đảo Sinai (trong khoảng từ 1962 đến 1982),
một phần miền nam của Lebanon (từ 1982 đến 2000), dải Gaza và đồi
Golan. Sau nhiều cuộc điều đình dưới áp lực cũng như sự thúc hối của
phía Hoa Kỳ, Do Thái cũng đã ký những hiệp ước hoà bình với các quốc gia
cựu thù như Ai Cập và Jordan, nhưng cho đến nay, những cố gắng giải
quyết sự xung đột giữa Do Thái và Palestine vẫn tiếp tục lâm vào đường
bế tắc.
Trong
thời Chiến Tranh Lạnh giữa hai cường quốc Hoa Kỳ và Liên Sô thống lãnh
hai khối Tự Do và Cộng
Sản, Hoa Kỳ luôn ủng hộ Do Thái với quân viện dồi dào để giúp cho nước
này có ưu thế vượt trội hòng đối đầu một cách hiệu quả với kẻ thù gồm
nhiều quốc gia đông dân hơn. Tuy vậy, Hoa Kỳ không bị coi là kẻ thù
chung của cả khối các quốc gia Ả Rập và Hồi Giáo. Nhưng kể từ sau ngày
khối Cộng Sản tan rã và Hoa Kỳ mặc nhiên trở thành đại cường quốc trên
thế giới, thì sự oán ghét của các nước Ả Rập và Hồi Giáo lại bỗng nhiên
đổ dồn vào mình, nhất là sau khi Hoa Kỳ cứ luôn luôn ủng hộ Do Thái một
cách gần như tuyệt đối, bất kể phải trái trong cuộc xung đột không cân
xứng giữa một nước Do Thái hùng mạnh và một khối dân Palestine nghèo đói
và tuyệt vọng.
Có
lẽ điều này cũng là một phần của nguyên nhân dẫn đến biến cố khủng bố
của ngày 11 tháng 9 năm 2001 làm thay đổi cục diện của Hoa Kỳ cũng như
của cả thế giới; rồi từ đó dẫn đến cuộc chiến tấn công và sau đó sa lầy
tại Iraq dưới thời TT Bush Con khiến cho người dân Mỹ ngày nay đã cảm
thấy mỏi mệt vì hao tổn quá nhiều công sức, tiền bạc và nhân mạng nhưng
lại chẳng mang về những thành quả khả quan nào cho người dân và quốc gia
Hoa Kỳ. Đó là chưa kể nỗi ám ảnh về một cuộc tấn công khủng bố có thể
nổ
ra bất kỳ nơi đâu và bất cứ lúc nào trong tương lai, làm thay đổi nếp
sống và sinh hoạt trong xã hội.
Trong
tinh thần đó, việc mưu cầu một giải pháp hoà bình ổn định tại vùng
Trung Đông cùng lúc với việc rút quân ra khỏi hai chiến trường Iraq và A
Phú Hãn của chính quyền Obama có thể được xem như là một giải pháp khôn
ngoan để giảm bớt mối nguy cho Hoa Kỳ từ khối Ả Rập và Hồi Giáo, để còn
có thể đối phó với nhiều mối nguy khác đến từ nhiều phía như
Trung Cộng (biến động tại Biển Đông), Nga Sô (vụ tranh chấp tại
Ukraine) v.v. . . Dĩ nhiên, những thành phần chống đối quá khích ông
Obama ngay từ ngày đầu thì đã không nhìn những sự việc trên dưới cái
nhìn khách quan, mà chỉ luôn miệng chê bai hoặc chỉ trích với những luận
cứ hoặc thông tin sai lạc như khi cho rằng ông Obama hèn nhát, bất lực,
hoặc tệ hơn nữa, là bắt tay với kẻ thù Hồi-giáo v.v. . .
Trong
bối cảnh khó khăn đầy rẫy hiện nay cho Hoa Kỳ, cuộc
chiến với Hamas lần này quả thật khiến cho chính quyền Obama rất khó
xử. Mặc dù phía Hoa Kỳ vẫn lên tiếng xác nhận sự ủng hộ đối với Do Thái,
cho rằng quân đội này có quyền tự vệ để chống trả lại các đợt phóng hoả
tiễn của phía Hamas, nhưng các viên chức chính quyền Mỹ cũng bầy tỏ sự
lo ngại của họ trước con số các thường dân bị thiệt mạng tại Gaza, trong
đó có nhiều trẻ em. Toà Bạch Ốc cũng nhấn mạnh đến sự kiện ông Obama,
trong một cuộc nói chuyện riêng với ông Netanyahu vào tối Chủ Nhật, đã
nói thẳng rằng Hoa Kỳ đang có sự lo ngại nghiêm trọng càng ngày càng lớn
dần trước tình hình bi thảm cho thường dân tại Gaza. Có lẽ vì vậy mà
phía Hoa Kỳ đã đồng ý ủng hộ trong bản “thông báo cấp tổng thống” của
Hội Đồng
Bảo An Liên Hiệp Quốc yêu cầu đôi bên cùng ngưng bắn tức thời.
Trong
thập niên qua, Do Thái và Hamas đã đụng độ ít nhất là 10 lần trong các
trận chiến lớn nhỏ. Cứ mỗi lần đụng trận là dẫn đến sự thiệt mạng và
thương vong của rất nhiều thường dân vô tội, càng khiến cho những nỗ lực
hoà giải càng khó khăn hơn, và đồng thời cũng dọn đường cho những cuộc
tấn công có thể đẫm máu hơn trong tương lai.
CƯỜNG ĐỘ KHỐC HẠI CỦA CUỘC CHIẾN LẦN NÀY
Theo
nhà báo Oren Dorell, trong một bài phân tích đăng trên tờ USA Today
ngày 24-7 vừa qua thì cuộc chiến lần này mang nhiều tính chất đặc biệt,
nhất là việc
vũ khí đôi bên càng ngày càng tối tân hơn.
*
Hamas tuy là một lực lượng dân quân đạt được sự ủng hộ chính thức của
người dân tại địa phương qua những cuộc bầu cử tự do chính thức để lên
nắm quyền tại dải Gaza, nhưng lại bị Hoa Kỳ coi là một tổ chức khủng bố
nên không thừa nhận. Trong cuộc chiến đối đầu với Do Thái, Hamas dĩ
nhiên không thể ngang nhiên dùng lối chiến tranh quy ước mà phải đi theo
con đường du kích chiến, sử dụng các loại hoả
tiễn để bắn vào các khu dân cư của Do Thái nhằm gây phản ứng bất ổn cho
người dân, tương tự như kiểu của du kích Việt Cộng ngày xưa hay pháo
kích hoả tiễn 122 ly gây hoang mang một thời tại thủ đô Sàigòn.
Nhưng
lần này, Hamas đã cho sử dụng các loại hoả tiễn có tầm xa đến 100 dặm,
coi như có thể ảnh hưởng đến đời sống tại nhiều thành phố lớn cũng như
trung tâm văn hoá và tài chánh là Tel Aviv hoặc ngay cả thủ đô
Jerusalem. Theo lời của Trung tá Peter
Lerner là phát ngôn viên của quân đội Do Thái thì lần này phe Hamas đã
được tăng cường một loại hoả tiễn do Syria chế tạo có tầm xa rất cao,
được coi là một ưu thế đáng ngại. Vào tuần trước, một hoả tiễn đã tiêu
huỷ một căn nhà ở Yahud, nằm sát phi trường quốc tế Ben Gurion, cũng
khiến cho tất cả các chuyến bay từ Hoa Kỳ và một số từ Âu Châu cũng phải
bị đình chỉ, một điều chưa hề xảy ra sau khi có cuộc chiến tại vùng
Vịnh Ba Tư lần đầu vào năm 1991.
Ngoài
ra, các lực lượng du kích cũng thủ đắc được những loại vũ khí chống
chiến xa, khiến cho việc đổ bộ binh sĩ Do Thái lên vùng này để tiêu diệt
quân Hamas trở nên khó khăn hơn.
*
Ngược lại, phía Do Thái cũng được tăng cường bởi một màn lưới chống phi
đạn rất tối tân và hiệu nghiệm được mang tên là Vòm Sắt (Iron Dome).
Đây là hệ thống phi đạn có nhiệm vụ được phóng lên để tiêu diệt các phi
đạn tấn công đang nhắm
hướng đến Do Thái. Hệ thống này đã được triển khai trong những cuộc
chiến Hoa Kỳ tấn công Iraq trước đây để phòng ngừa việc Iraq cho quân
phóng phi đạn sang Do Thái nhằm gây bất ổn. Hệ thống này giờ đây khá tối
tân để có thể chặn đứng đến 90% các hoả tiễn của Hamas nhắm bắn vào Do
Thái. Nó còn tinh vi đến mức có thể xác nhận xem hoả tiễn nào đang nhắm
tiến đến các khu dân cư để có thể phóng ra phi đạn để huỷ diệt, trong
khi để cho các hoả tiễn khác rơi xuống đất ở những nơi không có dân cư
để đỡ phí đạn một cách vô ích!
Theo
lời nhận định của ông Aaron David Miller, một cựu viên chức phụ tá cho
các ngoại trưởng Mỹ trước đây, thì ưu thế của Vòm Sắt này đã giúp cho
chính quyền của ông Netanyahu có thêm thì giờ để có thể rộng tay hoạt
động trong trường hợp cuộc chiến kéo dài.
*
Vì phải chủ trương theo đường lối du-kích-chiến, phía Hamas, cũng như
tổ chức Hezbollah ở Lebanon, bắt
buộc phải sử dụng hệ thống các đường hầm trong việc vận chuyển vũ khí
và quân lính, tựa như hệ thống địa đạo ở Củ Chi mà phía Việt Cộng thường
hay khoe khoang sau này. Chính Ngoại trưởng John Kerry cũng xác nhận
rằng những toán du kích của Palestine được trang bị vũ khí đầy đủ đã bị
chặn bắt tại nhiều đường hầm xâm nhập vào các thị trấn có cư dân Do Thái
cho thấy là bọn chúng có mang theo cả những thuốc mê và còng tay, với ý
đồ bắt cóc nhiều người Do Thái để làm con tin.
Theo
ông Miller thì tuy đã biết từ lâu về hệ thống địa đạo và đường hầm như
là một phần chính yếu trong chiến lược của Hamas, nhưng phía Do Thái lần
này quả thật kinh ngạc trước sự lớn mạnh và tinh vi của hệ thống đường
hầm này. Để đối phó lại, Do Thái đã quyết định mở cuộc hành quân đổ bộ
dọc theo biên giới dài khoảng 2 dặm để tiêu diệt các ổ xâm nhập này.
Nhưng giải pháp này có thể mang lại nhiều hậu quả bất lợi và rủi ro cho
Do Thái vì các binh sĩ dễ dàng bị thiệt mạng trong khi phe dân quân
Hamas có thể trà trộn lẫn với cư dân trong vùng để có thể tấn công bất
cứ lúc nào.
* Thiệt mạng đôi bên.
Trong
những cuộc chiến giữa hai phía Do Thái và Palestine, Do Thái được coi
như là anh khổng lồ với ưu thế vượt trội về vũ khí, trong khi phe
Palestine dựa vào tinh thần quyết chiến của các đội cảm-tử-quân, sẵn
sàng “thí mạng cùi”. Trong chiều hướng đó,
sự thiệt mạng về binh sĩ của Do Thái phải coi như là một thiệt hại đáng
kể, tựa như sự thiệt mạng của quân nhân Hoa Kỳ so với cái chết của các
kẻ thù khác.
Lần
này, tuy phe Palestine có hơn 1,700 người chết nhưng phía Do Thái cũng
bị thiệt mạng đến 66 quân nhân và 3 thường dân. Yếu tố này cũng ảnh
hưởng đến tâm lý của người dân tại Do Thái nếu như cuộc chiến này kéo
dài và Do Thái cũng không đạt được một thành quả hay thắng lợi rõ rệt
nào trong
những cuộc đụng độ với Hamas hay Hezbollah trong quá khứ, vốn là những
tổ chức dân quân khó đối phó hơn là đối với các quốc gia như trong một
cuộc chiến tranh quy ước.
Hậu
quả hiện nay là tình hình có phần bi quan đối với người dân và chính
quyền tại Do Thái trong những ngày tháng tới, nhưng cũng đồng thời khá
bi quan cho Hoa Kỳ khi mà một trong những ưu tiên trong chính sách ngoại
giao của TT Obama để mưu cầu một nền hoà bình ổn định tại Trung Đông
xem chừng
đã thất bại.
Trong
một cuộc họp để thảo luận về các đề tài an ninh và khủng bố diễn ra vào
cuối tuần qua tại tiểu bang Colorado có tên là Aspen Security Forum,
một vài viên chức cao cấp của Hoa Kỳ đã đưa ra một vài nhận định bi quan
khá thẳng thừng. Chẳng hạn như người cầm đầu Tổng Cục Quân Báo (Defense
Intelligence Agency) của Hoa Kỳ là Trung Tướng Michael Flynn đã nói
rằng tình hình bất ổn hiện nay trong vùng Trung Đông có lẽ sẽ còn kéo
dài trong nhiều năm nữa.
Tướng Flynn nói thẳng rằng có lẽ trước khi nhắm mắt ông sẽ không được
nhìn thấy hoà bình tại vùng Trung Đông.
Tuy
nhiên theo Tướng Flynn thì Do Thái cũng phải tính toán cẩn thận trong
việc sử dụng sức mạnh quân sự để có thể trừng phạt phe Hamas nhưng không
thể tiêu diệt hoàn toàn. Bởi vì nếu như nó bị tiêu diệt, thì tình hình
lại sẽ trở nên tồi tệ hơn nhiều, nguy hiểm hơn nhiều, bởi vì vùng đất
Gaza sẽ lại dễ dàng rơi vào tay của một tổ chức khủng
bố quá khích khác đang kiểm soát nhiều vùng đất tại Syria và Iraq (tự
xưng là tổ chức ISIS, tức là vương quốc Hồi giáo tại Iraq và Syria).
Cũng
trong cuộc hội thảo này, một cựu viên chức cao cấp khác là ông Robert
Mueller, cựu tổng giám đốc FBI, đã đưa ra lời cảnh cáo rằng tình hình
bạo động tại Gaza hiện nay chắc chắn sẽ lại càng hâm nóng trở lại tinh
thần “chống Mỹ cứu nước” rất phổ biến và lan tràn tại nhiều nơi trong
vùng, và có thể dẫn
đến nhiều mối nguy cho Hoa Kỳ trong tương lai. Ông Mueller nói rằng
chúng ta đừng quên rằng những gì đang xảy ra tại Gaza ngày nay sẽ là
động cơ khiến cho nhiều tay Hồi giáo quá khích sẵn sàng gia nhập vào các
đạo quân Hồi giáo để được huấn luyện và lao mình vào những cuộc chiến
với sứ mạng đầy hoang tưởng của một cuộc “thánh chiến”.
MAI LOAN
nguồn: diendantheky.net
Vu That
Attachments area
No comments:
Post a Comment