Trung
Tâm Nghiên Cứu Chiến Lược và Quốc Tế (Center for Strategic and
International Studies - CSIS) của Hoa Kỳ, có trụ sở tại Washington, đã
phân tích các không ảnh về tiến độ cải tạo đất và xây dựng đảo nhân tạo
của Trung Quốc trên Biển Đông và cho biết việc xây cất đang được thực
hiện ở một quy mô lớn hơn và với tốc độ nhanh hơn so với những gì Hoa Kỳ
đã tiên liệu. Vấn đề được đặt ra là Trung Quốc đang muốn gì?
KHÁI NIỆM VỀ CÁC ĐẢO ĐÃ BỊ CHIẾM
Từ
thế kỷ 16 đến 18, các quốc gia Bồ Đào Nha, Hà Lan, Anh và Pháp đã đi
tìm các hoang đảo ở Biển Đông để chiếm giữ và khai thác. Năm 1791 một
người Anh tên là Henry Spratly đã đến đá Vành Khăn và đặt cho nó cái tên
là Mischief. Năm 1843 Richard Spratly đã bắt đầu đặt tên cho các đảo trong quần đảo Trường Sa, trong đó có Spratly's Sandy Island mà người Việt thường gọi đảo Trường Sa. Từ đó, tên của nhà thám hiểm Spratly trở
thành tên tiếng Anh của quần đảo này. Vì thế, chúng ta đừng ngạc nhiên
khi thấy trên các bản đồ quốc tế hiện nay, các đảo trong quần đảo Trường
Sa đều ghi tên bằng tiếng Anh.
Tuy
nhiên, sau một thời gian, người Anh thấy khai thác Trường Sa không có
lợi nên bỏ đi. Tháng 7 năm 1927 Pháp bắt đầu cho khảo sát Trường Sa. Họ
thấy có ngư dân Trung Quốc đang đánh cá trên một số đảo. Ngày 23.9.1930
Pháp thông báo cho các cường quốc khác rằng Pháp đã chiếm quần đảo
Trường Sa. Ngày 21.12.1933, Thống Đốc Nam Kỳ là Jean-Félix Krautheimer
đã ký Nghị định số 4702-CP sáp nhập số đảo trên vào địa phận tỉnh Bà Rịa
thuộc Liên Bang Đông Dương. Sáu năm sau, Thứ trưởng Ngoại Giao của Anh
là Richard Butler tuyên bố nhìn nhận chủ quyền của Pháp trên vùng Trường
Sa. Việc VNCH có quyền tiếp thu quyền sở hữu các đảo nói trên hay không
là một vấn đề đang tranh luận.
Quần đảo Trường Sa (Spratly Islands) có hơn 100 đảo nhỏ, đảo san hô, bãi ngầm, bãi đá và rạn san hô. Hiện nay Việt Nam đã chiếm 21 đảo, Philippines 10 đảo, Trung Quốc 7 đảo, Mã Lai 7 đảo và Đài Loan 2 đảo.
Bảy đảo do Trung Quốc chiếm là Đá Châu Viên (Cuarteron Reef), Đá Chữ Thập (Fiery Cross Reef), Cụm Đá Ga Ven (Gaven Reefs), Đá Gạc Ma (Johnson South Reef), Đá Tư Nghĩa (Hughes Reef), Đá Vành Khăn (Mischief Reef) và Đá Xu Bi (Subi Reef). Trong 7 đảo này, Đá Chữ Thập là
quan trọng hơn cả. Đó là một rạn san hô lớn nằm tách biệt khỏi các thực
thể khác với tổng diện tích hơn 110 km2, được Trung Quốc dùng làm trung
tâm đồn trú của Trung Quốc tại Trường Sa. Đảo quan trọng thứ hai là Đá Gạc Ma.
Đây là một rạn san hô nằm ở đầu mút tây nam của cụm Sinh Tồn. Đảo này
đã do bộ đội của Hà Nội chiếm giữ năm 1987, sau đó đem 70 công binh của
Trung Đoàn 83 và 22 bộ đội của Lữ Đoàn 146 ra xây dựng, nhưng ngày
14.3.1988 đảo này đã bị quân Trung Quốc đánh chiếm. Năm đảo còn lại đều
là rạn san hô, có đảo đa phần chìm dưới nước như Đá Vành Khăn hay chỉ
lòi ra khi thủy triều xuống như Đá Tư Nghĩa.
Một câu hỏi được đặt ra: Tại sao Trung Quốc chỉ chiếm có 7 đảo và họ đã chiếm những đảo đó để làm gì?
CHIẾN THUẬT ĐÁNH CẮP BIỂN CỦA TRUNG QUỐC
Kể
từ năm 1980 Trung Quốc bắt đầu tiến chiếm các đảo nói trên. Riêng Đá
Vành Khăn mới chiếm năm 1995. Một số nhà phân tích cho rằng những hòn
đảo mà Trung Quốc đang chiếm là những nơi Trung Quốc tin rằng có trữ
lượng dầu lửa lớn. Nhưng một số nhà phân tích khác không tin như vậy.
Theo các nhà phân tích này, Trung Quốc chủ trương chiếm những vị trí quan trọng trên Biển Đông để từ đó có thể khống chế cả Biển Đông. Cụ thể là ba đảo Đá Chữ Thập, Đá Gạc Ma và Đá Vành Khăn nằm
ở trung tâm quần đảo Trường Sa từ Tây sang Đông, có thể từ đó khống chế
toàn vùng Trường Sa. Chuyên gia phân tích của tuần báo IHS Jane’s Defense đã gọi các đảo nhân tạo do Trung Quốc bồi đắp là một chuỗi pháo đài giúp Bắc Kinh tăng cường năng lực khống chế toàn khu vực, cả trên không lẫn trên biển. Để thực hiện mục tiêu này, Trung Quốc đã áp dụng những chiến thuật rất tinh vi.
Báo Huffington Post ngày 3.2.2014 có đăng bài “How to Steal the Sea, Chinese Style”
(Làm thế nào để đánh cắp Biển Đông, kiểu Trung Quốc) của Llewellyn
King, người sáng lập và điều hành chương trình tuần tin tức “Biên niên sử Tòa Bạch Ốc”
(White House Chronicle) trên kênh truyền hình PBS. Trong bài này, ông
đã nhận định về chiến thuật lấn chiếm Biển Đông của Trung Quốc như sau:
Biển
Đông có tầm quan trọng được đánh giá rất cao, là một tuyến đường biển
quốc tế quan trọng nhất; một trong những ngư trường lớn nhất; và thềm
lục địa có trữ lượng lớn dầu và khí đốt. Không có gì ngạc nhiên khi mọi người đều muốn một phần của nó, nhưng Trung Quốc muốn lấy tất cả.
Thời
gian qua Trung Quốc đã đưa ra yêu sách chủ quyền phần lớn Biển Đông và
tung ra một bản đồ gọi là Đường Chín Đoạn (hay Lưỡi Bò) chiếm hầu hết
Biển Đông và tất cả hòn đảo trên đó. Bản đồ Đường Chín Đoạn này là một
sự khiêu khích tốt nhất và là một kế hoạch chi tiết cho việc sáp nhập
tồi tệ nhất.
Cơ
chế đánh cắp một trong những vùng biển lớn này của Trung Quốc là kiểm
soát ba quần đảo: quần đảo Hoàng Sa, quần đảo Trường Sa và quần đảo Đông
Sa cùng một số bãi ngầm nhỏ như Macclesfield và Scarborough. Giữa ba
quần đảo này là khoảng 250 đảo nhỏ, đảo san hô, bãi ngầm, bãi đá và rạn
san hô. Rất ít trong số này là nơi sinh sống hoặc có người bản địa. Một
số bị ngập vĩnh viễn, và số khác chỉ nổi khi thủy triều thấp.
Nếu Trung Quốc tuyên bố quyền sở hữu, nước này có thể sử dụng các đảo này để mở rộng chủ quyền ra khu vực xung quanh. Đầu tiên, họ có thể tuyên bố phạm vi lãnh hải 12 hải lý xung quanh mỗi hòn đảo/bãi san hô này và cũng có thể tuyên bố tiếp một vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý từ những cái gọi là đảo này. Và thế là Trung Quốc có thể kết nối các điểm đó lại để chiếm lấy một mảng rộng lớn của Biển Đông.
Trung
Quốc đã âm thầm và công khai về chiến lược của mình. Trung Quốc gia
tăng mậu dịch với các bên tranh chấp; và trong một số trường hợp họ đóng
góp hào phóng để phát triển cơ sở hạ tầng của các nước này, nhưng không
phải trên biển Đông.
Trong
những hành động khiêu khích trên biển, Trung Quốc cẩn thận trong việc
sử dụng lực lượng hải giám (coast guard), chứ không dùng hải quân, khi
mở rộng việc chiếm đoạt trên các quần đảo, và tiến dần từng bước để
thống trị toàn bộ những gì gọi là đảo trên Biển Đông.
Llewellyn King đã đi đến kết luận:
“Theo tôi, chúng ta đang chứng kiến một loại chủ nghĩa đế quốc mới từ Trung Quốc, một sự sáp nhập dần dần bất cứ điều gì họ muốn; sự xâm chiếm yên tĩnh, một cuộc chiến ngắn ngủi nhưng không ngừng nghỉ. Đây
là một kiểu hành động của Trung Quốc ở khu vực Đông Nam Á, Châu Phi và
những nơi khác. Họ siết chặt một cách nhẹ nhàng và sau đó với sức mạnh
lớn hơn, giống như kiểu quấn chết người của một con trăn”.
“Các
nước Đông Nam Á đang đẩy mạnh vũ trang, nhưng lực lượng hải quân của
Trung Quốc lại phát triển nhanh hơn. Ngoài ra, nước này có thừa tiền và
nhân lực để làm những gì họ muốn. Chính sách “xoay trục về châu Á” của Mỹ lại thực hiện quá ít ỏi để trấn an các nước láng giềng của Trung Quốc… Làm cách nào để ngăn cản được Trung Quốc đang chiếm lấy một số hòn đảo vô dụng, và sau đó lấy toàn bộ Biển Đông?”
Trong bài “Salami Slicing in the South China Sea”
(Cắt lát xúc xích ở Biển Đông) đăng tải trên Foreign Policy, bình luận
gia Robert Haddick đã gọi chiến lược nói trên của Trung Quốc là “cắt lát xúc xích” (salami-slicing), tức "xử dụng những hành động nhỏ, không đủ để khơi mào cho một cuộc chiến, nhưng nhằm kéo dài thời gian cho một sự thay đổi chiến lược lớn".
CÁC BƯỚC TIẾN TỚI CỦA TRUNG QUỐC
Theo
số liệu của IHS Maritime, Airbus Defence & Space, Jane’s Defence
Weekly và CSIS, Trung Quốc đang tiến hành các hoạt động nạo vét tại 6
rạn san hô ở quần đảo Trường Sa đang tranh chấp trên Biển Đông. Chỉ có
bãi đá ngầm Su Bi là chưa thấy hoạt động nâng cấp.
Tàu
Tian Jing Hao của Trung Quốc là một tàu biển nạo vét hút cát dài 127m,
được thiết kế bởi công ty kỹ thuật VOSTA LMG của Đức. Với trọng lượng
6.017 tấn, nó được ghi nhận là tàu lớn nhất thuộc loại này ở Châu Á. Tàu
này đang hoạt động tại các đảo nói trên.
Việc
cải tạo đất đang được Trung Quốc tiến hành rầm rộ tại các bãi Đá Gạc
Ma, Châu Viên, Gaven, Tư Nghĩa và Én Đất. Đến ngày 14.11.2014, ảnh vệ
tinh của Airbus Defence & Space cho thấy Đá Chữ Thập đã gần trở thành đảo nhân tạo. Một báo cáo vào tháng 12 năm 2014 của Uỷ Ban Giám Sát An Ninh - Kinh Tế Mỹ - Trung Quốc của Quốc Hội Hoa Kỳ cho biết: "Trung
Quốc dường như đang mở rộng và nâng cấp cơ sở hạ tầng quân sự và dân sự
- bao gồm radar, thiết bị thông tin vệ tinh, bố trí súng phòng không và
pháo bờ biển, sân đỗ trực thăng và bến tàu - trên một số hòn đảo nhân
tạo".
Ông
Gregory Poling, chuyên gia Đông Nam Á tại CSIS giải thích rằng quá
trình cơ bản của việc mở rộng các bãi đá này chỉ đơn giản là nạo hút cát
từ đáy biển và đổ nó lên các rạn san hô cạn xung quanh các cơ sở xây
dựng trước đó của Trung Quốc. Ông nói."Dần dần bãi đá được nâng lên trên mực nước biển, che giấu tình trạng ban đầu của bãi đá hoặc rạn san hô bên dưới".
Cát
phun lên sau đó được các xe ủi đất làm phẳng. Đến khi bãi cát tạo ra
đúng theo yêu cầu, công nhân sẽ xây xung quanh hòn đảo mới này một hàng
rào bê tông để chống lại sự xói lở và chống bão, và bắt đầu xây dựng các
cơ sở mới trên đảo nhân tạo vừa hình thành: Bến cảng, sân bay trực thăng, các công trình quân sự và dân sự, và thậm chí là các đường băng nhỏ.
Tạp
chí quốc phòng của Mỹ IHS Jane's Defence Weekly ngày 20.11.2015 công bố
ảnh vệ tinh cho thấy Trung Quốc đang xây cất đảo nhân tạo tại Đá Chữ
Thập, đó là một công trình dài ít nhất 3.000m và rộng 200 – 300m,
có thể làm đường băng quân sự. Cơ quan CSIS suy đoán rằng Bắc Kinh có
thể xây dựng một đường băng trên các rạn san hô, mặc dù một số chuyên
gia cho rằng nó quá nhỏ để có một tác động về mặt chiến lược. Một đường
băng như thế đã được xây dựng tại Đá Chữ Thập là khu vực đã được mở rộng
lên gấp 10 lần trong vài tháng qua, từ 80.000 m2 lên gần 1 km2 (960.000
m2).
HOA KỲ CHƯA TÌM RA PHƯƠNG THỨC ĐỐI PHÓ?
Trong bài “The Geography of Chinese Power: How Far Can Beijing Reach on Land and at Sea”
(Địa chính trị của Quyền Lực Trung Quốc: Bao lâu nữa Bắc Kinh có thể
với tới đất và biển) đăng trên Foreign Affairs, Vol. 89, No. 3, tháng 5
và tháng 6/2013, Robert D. Kaplan nói rằng năm 1904, Sir Halford
Mackinder, nhà địa lý người Anh, đã kết thúc bài viết nổi tiếng “The Geographical Pivot of History”
(Trục Địa Lý của Lịch Sử) cảnh báo về trường hợp của Trung Quốc. Sau
khi giải thích tại sao lục địa Á-Âu chính là trục địa chiến lược của
quyền lực thế giới, ông đã cho rằng Trung Quốc, một khi mở rộng sức mạnh
của mình vượt ra ngoài biên giới, có thể tạo thành mối hiểm họa da vàng
cho tự do của thế giới, đơn giản vì “Trung
Quốc sẽ có thêm một vùng đại dương bổ sung cho nguồn tài nguyên của lục
địa rộng lớn, một lợi thế mà nước Nga không may mắn có được trong khu
vực trụ cột này.” Lời tiên đoán đó được đưa ra cách đây 110 năm, nay đang đúng.
Trong bài “Cuộc chiến giàng quyền lãnh đạo thế giới” chúng tôi đã trình bày kế hoạch “Một Trung Đông Lớn Hơn”
của Mỹ là biến 5 nước chủ chốt ở Trung Đông (trong đó có Saudi Arabia)
thành 15 nước để khống chế khối Hồi Giáo và và làm chủ khối lượng dầu
lửa khổng lồ ở đó rồi dùng chiến tranh dầu lửa để làm bá chủ thế giới.
Kế hoạch này được thực hiện từ 2006, nhưng đến năm 2011 thì bị Nga và
Trung Quốc chặn lại. Mỹ phải tạo ra vụ Ukraina để cô lâp Nga và tuyên bố
“xoay trục vế Á Châu Thái Bình Dương” để ngăn chận sự trỗi dậy của
Trung Quốc. Nhưng Mỹ không thể cùng một lúc vừa diệt nhóm Hồi Giáo cực
đoan, vừa đối đầu với Nga và Trung Quốc, nên Mỹ phải tạm hòa hoãn với Trung Quốc.
Lợi
dụng thời cơ, Trung Quốc đẩy mạnh tham vọng chiếm Biển Đông của họ.
Ngoài ra, để đề phòng Mỹ có thể dùng kho dầu lửa Trung Đông để lũng
đoạn, trong hội nghị APEC tại Bắc Kinh, ngày 9.11.2014 Tổng thống Putin
và Chủ tịch Tập Cận Bình đã ký 17 thỏa thuận, chủ yếu nhằm thúc đẩy hợp
tác năng lượng giữa hai nước. Một trong các thỏa thuận đáng chú ý nhất
là dự án xây dựng một đường ống cung cấp khí đốt từ Nga sang Trung Quốc
trị giá 400 tỉ USD, cung cấp 38 tỉ mét khối khí đốt/năm. Như vậy dù Mỹ
có chiếm được kho dầu Trung Đông, cũng khó dùng năng lượng để khống chế
Nga và Trung Quốc. Trước tình trạng trên, Mỹ đang và sẽ đối phó với
Trung Quốc ở Biển Đông như thế nào?
Bản báo cáo mang tên “Số liệu về Sức mạnh quân sự của Mỹ 2015” do Tổ chức Heritage Foundation công bố hôm 24.2.2015 đã khẳng định: Hoa Kỳ không có đủ khả năng tiến hành hai cuộc chiến tranh lớn cùng một lúc. Theo đó, quân đội Mỹ sẽ thiếu trang bị để xử lý cả hai cuộc xung đột lớn trong khu vực khi chúng xảy ra cùng một lúc.
Vả lại, theo các nhà phân tích, chiến lược “cắt lát salami”
của Trung Quốc đã không cho Mỹ có cớ để trực tiếp can dự bằng sức mạnh
quân sự. Theo The Diplomat, để đối phó chiến lược của Trung Quốc, Mỹ đã
sử dụng chiến thuật “bêu xấu”, tức
là công khai các hành động ngang ngược của Trung Quốc trên Biển Đông.
Nhưng Mỹ đã vấp phải một đối thủ “đáng gờm” với vũ khí lợi hại là “mặt dày mày dạn” của Trung Quốc, nên chiến thuật của Mỹ đã không có hiệu quả.
Thách
thức hiện nay đối với quân đội Mỹ là tìm ra chiến thuật để ngăn chặn
những hành động ở quy mô nhỏ của Trung Quốc mà không đẩy các tranh chấp
cục bộ trở thành một cuộc xung đột quân sự lớn hơn. Nhưng tờ The
Diplomat nhận định: “Quân
đội Mỹ hiểu rằng cần phải làm nhiều hơn để ngăn chặn chiến lược “cắt
lát salami” của Trung Quốc nhưng đáng tiếc là họ vẫn chưa biết phải làm
thế nào”.
Ngày 5.3.2015
Lữ Giang
No comments:
Post a Comment