Wednesday, March 11, 2015

Mỹ có thể diệt ‘tàu sân bay trên đảo’ của Tàu ở Trường Sa


HoangsaParacels: Tàu tự hào những đảo nhân tạo tại Trường Sa sẽ là những Hàng không Mẫu Hạm không thể bị đánh chìm  là chuyện phi lý.  Khi xảy ra chiến tranh tại Biển Đông, những cơ sở quân sự và khí giới trang bị trên những bãi đá ngầm này sẽ bị huỷ diệt trong nháy mắt; thậm chí các chiến đấu cơ chưa kịp cất cánh đã bị hạ.  Chiếm được đảo đã khó, nhưng giữ được mấy hòn đá này mới là khó.  Quân Tàu chớ nên khinh địch.

TQ đã ồ ạt cải tạo đất, biến Đá Chữ Thập thành đảo nhân tạo rất lớn, diện tích gần 100.000 m2, có cả đường băng dài 3 km, nhằm biến nơi đây thành "tàu sân bay trên cạn". Trong ảnh là việc xây cất đảo nhân tạo ở Đá Chữ Thập vào cuối năm 2014 - Ảnh: CSIS/Jane’s

Những đảo nhân tạo Trung Quốc xây ở các bãi đá chiếm của Việt Nam tại quần đảo Trường Sa có cả đường băng, có tác dụng như tàu sân bay trên cạn, giá rẻ, kiểm soát cả vùng biển, vùng trời Biển Đông 24/24 giờ. Nhưng ‘tàu sân bay’ này lại rất dễ bị tàu ngầm Mỹ phá huỷ trong vài phút, theo trang tin Medium (Mỹ).

Đá Gạc Ma của Việt Nam bị Trung Quốc đánh chiếm từ năm 1988 nay trở thành đảo nhân tạo, có cả bãi đáp trực thăng, tháng 1.2015 - Ảnh: CSIS/Jane’s
Trang tin Medium ngày 20.2 cho rằng những đảo nhân tạo Trung Quốc xây ở Trường Sa nhằm mục đích quân sự, biến chúng thành các tàu sân bay với chi phí điều hành thấp, hoạt động 24/24 giờ suốt 365 ngày/năm.
Các đảo nhân tạo tiền đồn này của Trung Quốc là một phần của "chuỗi sát thủ" gồm mạng lưới các cảm biến giám sát trên các máy bay có người lái và không có người lái (UAV), vệ tinh do thám, tàu chiến và tàu ngầm.
Trong trường hợp xảy ra một cuộc chiến tranh, chuỗi sát thủ này của Trung Quốc có thể xác định vị trí, nhận dạng và theo dõi tàu chiến của đối phương, đặc biệt là những kẻ thù lớn như tàu sân bay, và đánh chìm chúng.
Nhưng các căn cứ trên đảo nhân tạo này, một dạng “tàu sân bay trên cạn, chi phí thấp” của Trung Quốc lại dễ bị tổn thương hơn so với một tàu sân bay luôn di chuyển
Trong trường hợp xảy ra một cuộc chiến tranh, những tiền đồn trên đảo nhỏ như thế này sẽ không có khả năng tồn tại trong hơn vài giờ. Các đảo nhân tạo này có thể hữu ích trong thời bình, và tạm thời nguy hiểm một cách ngắn ngủi trong thời chiến.
Lấy ví dụ với Đá Chữ Thập (Trung Quốc chiếm của Việt Nam). Việc xây dựng căn cứ quân sự rầm rộ nhất của Trung Quốc ở Biển Đông đang diễn ra tại Đá Chữ Thập. Ngoãi bãi đá này, Trung Quốc còn ồ ạt xây cất đảo nhân tạo có sân bay tại các bãi đá khác như Đá Châu Viên và Đá Gạc Ma (chiếm của Việt Nam ở Trường Sa), đảo Phú Lâm (thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, bị Trung Quốc đánh chiếm năm 1974).
Đá Chữ Thập trước đây dài khoảng 90 mét, ngang 90 mét, diện tích dường như không đáng kể, nhưng có tính chiến lược vì nằm ở khoảng giữa của Biển Đông. Đá Chữ Thập nằm gần Việt Nam, Philippines và Malaysia hơn là Trung Quốc (cách xa 1.200 km).
Đầu năm 2015, Philippines lên tiếng báo động về việc Trung Quốc mở rộng diện tích Đá Chữ Thập. Theo tạp chí quốc phòng IHS Jane’s 360 (Mỹ), Trung Quốc đã nạo vét, phun cát tại Đá Chữ Thập  xây thành đảo nhân tạo có chiều ngang 200 - 300 mét, diện tích lên đến 100.000 m2, thành đảo lớn nhất ở quần đảo Trường Sa. Những điều này xảy ra chỉ trong ba tháng ngắn ngủi.
Đáp lại, hãng thông tấn Tân Hoa Xã của Trung Quốc gọi Philippines là “kẻ quấy rối” và nói rằng những nỗ lực của Manila để thúc đẩy trọng tài quốc tế giải quyết các đảo tranh chấp này là "lố bịch". Tân Hoa Xã còn cáo buộc Mỹ xúi giục các đồng minh trong tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc.
Quân đội Trung Quốc đã đánh chiếm Đá Chữ Thập của Việt Nam từ năm 1988, và xây dựng một pháo đài nhỏ cho quân lính đồn trú, một bến tàu, sân bay trực thăng và bố trí súng cao xạ trên các lô cốt bê tông.
Năm 2011, quân đội Trung Quốc quyết định biến Đá Chữ Thập thành trụ sở chỉ huy chính ở Trường Sa. Vào thời điểm đó, pháo đài ban đầu đã mở rộng trông như một căn cứ thực sự, thậm chí có cả nhà kính để trồng rau.
Hiện nay, Đá Chữ Thập đã thành đảo nhân tạo, đủ lớn để xây dựng một đường băng dài 3.000 mét hoàn chỉnh, có thể phục vụ việc cất và hạ cánh của hầu hết máy bay thuộc hải quân Trung Quốc.
Một pháo đài của Trung Quốc tại Đá Chữ Thập chiếm của Việt Nam, trước khi xây thành đảo nhân tạo. Nơi đây có lô cốt bố trí súng cao xạ - Ảnh: Medium lấy từ mạng Trung Quốc
Trang tin Medium của Mỹ cho rằng chỉ cần vài phút là căn cứ không quân ở Đá Chữ Thập bị tàu ngầm Mỹ huỷ diệt chỉ với 10 tên lửa Tomahawk-D rải ra hơn 1.660 quả bom bi
  Một máy bay không người lái của Trung Quốc nhái kiểu Global Hawk của Mỹ, rất có thể bố trí ở Đá Chữ Thập - Ảnh: Medium lấy từ mạng Trung Quốc
Nhưng một căn cứ không quân cần nhiều thứ hơn là chỉ có mỗi đường băng. Hòn đảo nhân tạo này cần có nhà chứa máy bay, cơ sở bảo dưỡng, doanh trại, bồn chứa nhiên liệu và kho đạn. Nghe qua có vẻ như phải cần rất nhiều không gian, nhưng Hải quân Mỹ có những điều đó gói gọn chỉ trong một chiếc tàu sân bay.
Trung Quốc cũng xây thêm một cảng nhân tạo để Đá Chữ Thập có thể đón các tàu chở dầu, tàu tiếp tế và tàu chiến, cùng bến tàu cho xe chiến đấu từ tàu đổ bộ lên đảo.
Trang tin Medium cho rằng Trung Quốc có hai lý do chính cho việc mở rộng các căn cứ trên đảo.
Đầu tiên, Bắc Kinh tuyên bố yêu sách chủ quyền hầu như toàn bộ Biển Đông, nhưng quân đội Trung Quốc không có các nguồn lực để tuần tra đầy đủ, và những đảo nhân tạo này sẽ giúp cho điều đó.
Các đường băng trên đảo nhân tạo sẽ là nơi xuất phát của các UAV có khả năng giám sát hàng hải. Đá Chữ Thập không thích hợp với một đơn vị đồn trú lớn, và việc sử dụng các UAV sẽ giúp giảm bớt nhu cầu về nhân lực.
Loại UAV Pterodactyl của Trung Quốc nhái kiểu Predator của Mỹ hay loại Tian Yi nhái kiểu Global Hawk của Mỹ có phạm vi theo dõi thường xuyên khu vực mà Trung Quốc yêu sách chủ quyền ở Biển Đông.
Nhưng tình hình sẽ hoàn toàn khác trong tình huống có chiến tranh. Các bãi đá Trung Quốc chiếm đóng và xây đảo là rất nhỏ và ít về số lượng, và không nơi nào có thể sống tự túc được.
Các vấn đề khác với các đảo và đá ngầm là chúng không thể di chuyển, vị trí của chúng là cực kỳ rõ ràng. Biết được tọa độ của một hòn đảo có nghĩa là bạn biết nơi để tìm thấy nó, và nơi để ném bom. Điều này là đặc biệt quan trọng trong thời đại của vũ khí tầm xa có dẫn đường chính xác.
Chẳng hạn tàu ngầm hạt nhân USS Michigan, tàu ngầm lớp Ohio mang 154 tên lửa hành trình của Hải quân Mỹ thuộc Hạm đội Thái Bình Dương, có khả năng phá hủy căn cứ không quân của Trung Quốc trên Đá Chữ Thập chỉ trong vòng vài phút. Chỉ cần 10 quả tên lửa hành trình Tomahawk-D phóng từ tàu ngầm này sẽ dội xuống đảo 1.660 quả bom bi, phá hủy tất cả máy bay, radar, tháp điều khiển, kho nhiên liệu, cơ sở bảo dưỡng xe và kho đạn.
Trung Quốc có thể có hệ thống phòng không trên đảo này như loại HQ-9 được cho là tương tự tên lửa Patriot của Mỹ. Và với những tên lửa này đơn giản chỉ cần một lực lượng đổ bộ của thủy quân lục chiến Mỹ là có thể đánh chiếm chúng, theo trang tin Medium.
Đá Gaven của Việt Nam bị Trung Quốc chiếm, cũng trở thành đảo nhân tạo. Ảnh vệ tinh chụp ngày 15.11.2014 - Ảnh: CSIS/Jane’s
Đá Gạc Ma của Việt Nam bị Trung Quốc đánh chiếm từ năm 1988 nay trở thành đảo nhân tạo, có cả bãi đáp trực thăng, tháng 1.2015 - Ảnh: CSIS/Jane’s
  Tàu ngầm hạt nhân mang tên lửa đạn đạo lớp Ohio của Mỹ, chiếc USS Michigan. Trang tin Medium cho rằng chỉ con tàu này phóng 10 quả tên lửa hành trình Tomahawk-D là đủ sức xoá sổ căn cứ không quân của Trung Quốc tại Đá Chữ Thập - Ảnh: Hải quân Mỹ
Điểm mấu chốt là những căn cứ này của Trung Quốc, dù có tầm quan trọng, là quá dễ dàng bị tấn công. Các căn cứ ở đảo này sẽ chỉ dùng được một lần trong cuộc chiến, với tuổi thọ được tính bằng ngày, nếu không muốn nói là tính bằng giờ.
Dĩ nhiên các căn cứ không quân mới của Bắc Kinh là có ích trong thời bình, khi giám sát cả vùng biển Đông và canh chừng các nước láng giềng đang có tranh chấp với Trung Quốc về chủ quyền Biển Đông. Các căn cứ này cũng có khả năng hữu ích trong một cuộc chiến tranh quan trọng, là nơi có thể đóng góp vào việc đánh chìm một tàu chiến lớn như tàu sân bay của Mỹ.
Vì vậy, các căn cứ nhỏ bé này sẽ thúc đẩy hành động quyết liệt trong tương lai của Trung Quốc tại khu vực.
Anh Sơn

No comments: