Thursday, March 19, 2015

Những bước đi vững chắc cho Hoa Kỳ ở Biển Đông-Tác giả: John Schaus


H5

Hoa Kỳ, đồng minh, và các đối tác phải đối mặt với một loạt các thách thức xen kẽ nhau ở Biển Đông. Các thách thức này thể hiện rõ ràng nhất qua việc tạo dựng và mở rộng đảo mới đây (và đang tiếp tục) của Trung Cộng ở Biển Đông.
Sự bồi đắp đảo của Trung Cộng chỉ là triệu chứng của vấn đề thực tế: một khoảng trống quyền lực đáng kể ở khu vực Biển Đông.


Hoa Kỳ đã giảm bớt phần lớn sự hiện diện ở vùng biển này trong vòng 20 năm qua. Trong khi sức mạnh tổng thể của Hải quân Mỹ tiếp tục gia tăng với mỗi tàu chiến mới, các tàu mới hơn, cấu trúc linh hoạt hơn thì đắt tiền hơn. Trong ngôn ngữ của Bộ Quốc phòng, Hải quân đã dành ưu tiên cho khả năng trên số lượng, với kết quả là giảm hơn 20 phần trăm trong tổng số tàu hải quân từ năm 1995. Kết hợp với nhu cầu đòi hỏi Hải quân Mỹ phải có mặt ở các vùng biển xung quanh Trung Đông, Hoa Kỳ còn lại ít “ngày hiện diện” hơn ở những nơi khác trên thế giới.
Trong ý nghĩa quyền lực cứng, sức mạnh hải quân và tuần duyên của các quốc gia ven Biển Đông vô cùng hạn chế. Ngoài ra, họ không muốn có những hành động có thể đặt họ vào thế đối kháng trực tiếp với Trung Cộng. Sự miễn cưỡng đó có thể do, ít nhất là một phần, thực tế Trung Cộng là đối tác thương mại hàng đầu của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN). Ngay cả nếu xem xét ý muốn của các quốc gia theo đuổi lợi ích của mình dựa vào luật pháp quốc tế, vụ kiện lên tòa trọng tài được chú ý của Philippines (mà ban đầu đã gây rất nhiều tranh cãi giữa các nước ASEAN) chỉ xác định những thực thể biển nào tranh cãi tại tòa – chứ không phải ai sở hữu chúng, nhưng “có thể nào chúng được sở hữu?”
Kết hợp lại, những yếu tố này chừa lại một khoảng trống quyền lực đáng kể trong khu vực Biển Đông. Trong khi Việt Nam, Philippines, Malaysia, và Indonesia đều gia tăng chi tiêu vào khả năng hàng hải, những nỗ lực của họ sẽ cần phải được tiếp tục duy trì trong ít nhất một thập niên nữa mới có đủ năng lực và nhân lực để có sự hiện diện ở vùng biển tuyên bố của họ ở Biển Đông. Mira Rapp-Hooper đã đúng khi nhấn mạnh sự cần thiết phải đẩy mạnh nỗ lực xây dựng tiềm năng của Mỹ về sự nhận thức lãnh vực hàng hải. Tài liệu nói rằng, 35 năm tăng trưởng kinh tế của Trung Cộng, và 20 năm với 10 phần trăm hoặc hơn hàng năm gia tăng chi tiêu quốc phòng đã cho phép họ lấp đầy khoảng trống. Nếu xu hướng này tiếp tục, khung cảnh chiến lược trong tương lai ở Biển Đông sẽ khác biệt đáng kể và không giống như ngày hôm nay, sẽ không còn cơ hội để diễn giải.
Các sự kiện gần đây rõ ràng cho thấy Trung Cộng đang củng cố tuyên bố của họ như một thực tế (de facto), nếu không muốn nói là có chủ quyền (de jure). Nhưng phải chăng sẽ là điều rất không hay cho Mỹ nếu Trung Cộng kiểm soát thủy sản và các nguồn tài nguyên của Biển Đông? Dù sao, Trung Cộng vẫn khẳng định họ không tìm cách cản trở sự giao thông thương mại tự do trong vùng Biển Đông.
Mặc dù cam kết công khai của Trung Cộng bảo đảm thương mại tự do, họ đã chứng minh cả khả năng lẫn ý muốn trong việc sử dụng các công cụ kinh tế làm phương tiện trừng phạt để đạt các mục tiêu quốc gia. Ví dụ như, Trung Cộng đã ngưng xuất khẩu các nguyên tố đất hiếm, cần thiết cho pin và các máy móc điện tử cao cấp khác, sang Nhật Bản trong một cuộc tranh cãi năm 2010 về việc một thuyền trưởng tàu đánh cá Trung Cộng bị [Nhật] bắt giữ. Vào thời điểm đó, Trung Cộng kiểm soát 93 phần trăm nguồn cung toàn cầu của đất hiếm.
Trung Cộng có lợi ích chính đáng trong việc duy trì lưu thông thương mại liên tục qua Biển Đông, với một phần lớn hàng nhập khẩu đi qua vùng biển này. Tuy nhiên, Nhật Bản và Hàn Quốc đều có cùng mối quan tâm trong lưu thông thương mại tự do, và thậm chí còn lệ thuộc tài nguyên nhập khẩu nhiều hơn Trung Cộng. Khoảng 50 phần trăm vận chuyển hàng hải toàn cầu hàng năm đi qua Biển Đông. Nếu Trung Cộng kiểm soát vùng Biển Đông, không thể chắc chắn rằng họ sẽ không dùng các chiến thuật kinh tế mạnh tay tương tự như đã được sử dụng đối với Nhật Bản để đạt mục tiêu của họ.
Thúc đẩy các nguyên tắc pháp trị và sự tiếp cận bình đẳng cho tất cả các quốc gia đối với các khu vực hàng hải chung sẽ đòi hỏi một loạt các hoạt động toàn diện hơn rất nhiều từ phía Hoa Kỳ.
Sự cần thiết đầu tiên, như ghi nhận của một số người đóng góp vào trang “War on the Rocks”, là Hoa Kỳ sẽ cần phải theo đuổi các chính sách để chứng tỏ với Trung Cộng rằng các hành động của họ ở Biển Đông sẽ làm gia tăng xung đột. Một khi Trung Cộng thấy ít có nguy cơ leo thang xung đột trong hành động của họ, họ sẽ có ít lý do để giảm bớt sự khiêu khích.
Thứ nhì, bạn đồng nghiệp của tôi Zack Cooper đã đúng khi cho rằng Hoa Kỳ cần “vỏ tàu xám cho vùng biển màu xám”. Để thực sự có hiệu quả, Hoa Kỳ (và các nước ở Đông Nam Á) cũng cần nhiều tàu hơn để họ có mặt thường xuyên hơn với thời gian lâu hơn. Làm như vậy sẽ đòi hỏi Hoa Kỳ phải xem xét kỹ lưỡng các quy tắc đối đầu, và phạm vi quyền hành giao phó cho thuyền trưởng.
Thứ ba, Hoa Kỳ phải chứng tỏ sự tiến bộ trên mặt trận kinh tế. Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) cần phải được ký kết trong năm nay. Để cho Hoa Kỳ được xem như là một đối tác kinh tế có khả năng (và không chỉ là một người bảo đảm an ninh), TPP là bước đáng tin cậy tối thiểu. Ngoài ra, Hoa Kỳ cần phải xác định các hướng đi rõ ràng để thúc đẩy đầu tư của Mỹ vào các nền kinh tế đang phát triển ở Đông Nam Á và Nam Á, và nên làm việc với các nước trong khu vực này để thúc đẩy sự thực thi pháp luật và tôn trọng hợp đồng để các doanh nghiệp nhìn thấy môi trường kinh doanh trong sáng hơn.
Thứ tư, Hoa Kỳ nên mời các học giả pháp lý từ khắp khu vực và cộng đồng có quan tâm rộng lớn hơn để phát triển một dự án cho tình trạng pháp lý (độ cao, bãi đá, hải đảo) của mỗi thực thể biển ở vùng Biển Đông. Các nước sẽ được tự do tranh luận về các quan điểm khác nhau, nhưng điều này sẽ là một cơ chế hữu ích cho các quốc gia để giảm căng thẳng mà không cần trực tiếp đối đầu với các tuyên bố chủ quyền của nhau.
Cuối cùng, Hoa Kỳ phải đưa ra một viễn ảnh về một Biển Đông hoạt náo và mở rộng như thế nào. Hiện nay, lợi ích quốc gia toàn bộ kết hợp với nguồn tài nguyên và những cản trở chính trị đã ngăn cản các nước xung quanh Biển Đông làm việc với nhau để đạt tới kết quả tích cực. Hoa Kỳ phải hợp tác với các quốc gia ven biển để xây dựng một lý do để các nước trong khu vực thấy rằng sẽ có lợi hơn hại khi làm việc với nhau.
Nếu Hoa Kỳ không sẵn sàng thực hiện những hành động này, hay một kế hoạch tham vọng tương tự, thì tất cả chúng ta nên bắt đầu điều chỉnh theo một Biển Đông bị kiểm soát theo cách của Trung Cộng, chứ không phải theo luật quốc tế.
Về tác giả: John SCHAUS là thành viên trong Chương trình An ninh Quốc tế tại CSIS, nơi ông tập trung vào các vấn đề quốc phòng và an ninh trong khu vực Á Châu – Thái Bình Dương. Từ 2011-2014, ông làm việc tại Văn phòng Phụ tá Bộ trưởng Quốc phòng về các vấn đề an ninh Á Châu và Thái Bình Dương tại Bộ Quốc phòng.



Người dịch: Trần Văn Minh

http://chongtaudvietcong.com/2015/03/18/nhung-buoc-di-vung-chac-cho-hoa-ky-o-bien-dong/#more-614

No comments:

LỜI NÓI THẬT CỦA BÁC SĨ -Tác giả: Dr Hồ Hải /Dr Trinh Kim

Khi vào nghề Y đến nay đã hơn 30 năm, hễ cứ đến ngày này là nhận nhau những lời chúc tụng. Tôi không biết là mình có nên chúc tụng đồng nghi...