Trung Cộng xây phi đạo trên rặng Fiery Cross Reef |
- I. CHIẾN LƯỢC CỦA TRUNG QUỐC
Âm mưu khống chế Biển Đông nhất là Trường Sa của Trung Quốc trong mấy năm gần đây rất là rõ ràng từ việc lập thành phố Tam Sa, lập khu vực nhận diện phòng không tại Biển Hoa Đông và sau đó có thể là Biển Đông, tuyên bố khu vực cấm đánh cá, đưa dàn khoan HD 981 vào khu vực đặc quyền kinh tế của Việt Nam, chiếm các đảo của Philippines và gần đây nhất là việc xây các đảo nhân tạo tại Trường Sa. Trung Quốc luôn luôn dùng chiến lược tiến và ngừng, chẵng bao giờ lùi. Khi gặp phải phản ứng của các quốc gia trong vùng và quốc tế thì Trung Quốc tạm hoãn binh. Nhưng Trung Quốc có một chiến lược dài hạn rất rõ ràng trong những toan tính tại Trường Sa. Tin tức gần đây cho thấy sóng gió Biển Đông nổi lên liên tục, sau vụ dàn khoan HD-981 là việc Trung Quốc đang ra sức đắp đất phong nền biến đá thành đảo tại 7 bãi đá ngầm trong khu vực Trường Sa thu hút sự chú ý đặc biệt của dư luận. Động thái này sẽ giúp Bắc Kinh khống chế một cách hiệu quả gần như toàn bộ quần đảo Trường Sa. Báo chí Quốc tế và Việt Nam bắt đầu loan tin liên tục về việc Trung Quốc xây các đảo nhân tạo tại 7 bãi đá Gạc Ma, Chữ Thập, Ga Ven, Tư Nghĩa, Su Bi, Châu Viên và Vành Khăn trong quần đảo Trường Sa. Bốn mục đích của Trung Quốc khi xây đảo nhân tạo tại Trường Sa:
- Chủ quyền: Hiện nay, tại Trường Sa, Trung Quốc chỉ có 10 bãi đá ngầm trong khi đó Phippines chiếm 7 đảo và Việt Nam chiếm 6 đảo. Sự xây dựng các đảo nhân tạo sẽ giúp Trung Quốc cân bằng sự hiện diện của mình tại Trường Sa. Hồi tháng 5/2014 khi phát hiện Trung Quốc xây đảo trái phép ở Trường Sa, Philippines đã gửi công hàm phản đối. Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngang ngạnh: “Làm gì ở Trường Sa là quyền của Trung Quốc, không ai có tư cách can thiệp”. Trong buổi họp báo ngày 9/9, Bà Hoa Xuân Oánh trả lời, (cái gọi là) lập trường của Trung Quốc rất rõ, Trung Quốc có (cái gọi là) chủ quyền không thể tranh cãi với quần đảo Trường Sa và các vùng biển phụ cận. Do đó hoạt động của Trung Quốc tại các bãi đá, rặng san hô ở Trường Sa là "sự vụ chủ quyền của Trung Quốc", không có gì để bàn cãi”. Phóng viên tiếp tục truy hỏi, Trung Quốc xây dựng đảo nhân tạo quy mô lớn như vậy là nhằm mục đích thương mại hay tính toán quân sự? Bà Hoa trả lời, theo bà ta biết thì các hoạt động xây dựng (bất hợp pháp) của Trung Quốc ở Trường Sa chủ yếu là "cải thiện điều kiện sống và làm việc của các "nhân viên" trên đảo. Như vậy có thể thấy Trung Quốc vẫn tiếp tục luận điệu ngang ngược đòi "chủ quyền" phi lý đối với quần đảo Trường Sa của Việt Nam, trên cơ sở cái vô lý ấy để tiếp tục lộng hành bất chấp tất cả, thích làm gì thì làm. Hoa Xuân Oánh không thừa nhận, cũng không phủ nhận việc Trung Quốc đang đảo hóa trái phép ở 6 bãi đá ở Trường Sa mà chỉ nói "ỡm ờ" rằng đó là hoạt động "cải tạo điều kiện sống và sinh hoạt cho nhân viên trên đảo".
- Ưu thế quân sự: Ba bãi đá Chữ Thập, Gạc Ma và Vành Khăn ở trung tâm quần đảo Trường Sa từ Tây sang Đông. Có thể nói, điều nguy hiểm gây ra từ các đảo nhân tạo này cho Việt Nam và các quốc gia trong vùng là ở ý đồ kiểm soát toàn bộ quần đảo Trường Sa cũng như đánh đòn phủ đầu hay tấn công trước trong phương châm đánh nhanh thắng nhanh của Trung Quốc. Chuyên gia phân tích của Jane’s Defense đã gọi các đảo nhân tạo do Trung Quốc bồi đắp là một chuỗi pháo đài giúp Bắc Kinh tăng cường năng lực khống chế toàn khu vực, cả trên không lẫn trên biển. Một chuyên gia phân tích tại Hong Kong cho rằng các đảo nhân tạo trong giai đoạn đầu sẽ cho phép Trung Quốc dễ dàng sử dụng đội trực thăng của mình, vốn rất hữu dụng trong việc săn tìm tầu ngầm. Ngoài ra, một yếu tố khác cũng cần phải để ý là Vùng nhận dạng phòng không ở Biển Đông. Cũng có suy luận rằng tất cả các động thái nói trên sẽ dẫn tới việc thiết lập vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) ở Biển Đông. Trung Quốc đã lập ADIZ ở Biển Hoa Đông năm 2013 nhưng cho tới nay chưa thấy loan báo gì về kế hoạch nào khác. Roilo Golez, cựu cố vấn an ninh quốc gia của Philippines, nói vào đầu năm 2016 các công trình cải tạo ở Biển Đông của Trung Quốc có lẽ sẽ gần hoàn tất và Bắc Kinh sẽ công bố việc thiết lập ADIZ tại đây trong vòng ba năm tới. Một trong những yếu tố khiến Trung Quốc cho đến nay vẫn còn ngần ngại trong việc thiết lập ADIZ trên Biển Đông là do Bắc Kinh chưa đủ thực lực để buộc các nước khác tôn trọng vùng này khi cần thiết.
- Kinh tế: Trung Quốc có thể đạt được 2 lợi ích kinh tế khi hoàn tất các đảo nhân tạo tại Trường Sa. Theo chuyên gia Carl Thayer thuộc Học viện Quốc phòng Australia, đảo nhân tạo tại Biển Đông sẽ không chỉ là kho tiếp tế nhiên liệu cho các chiến hạm Trung Quốc, mà còn là nơi cung cấp hậu cần và điểm dừng cho tàu cảnh sát biển và các tàu đánh cá Trung Quốc từng được dùng làm phương tiện áp đặt chủ quyền trên Biển Đông. Cho đến bây giờ, ngoại trừ khu vực khai thác khí đốt tại Bãi Cỏ Rong của Philippines, chưa có nước nào cho đấu thầu khai thác dầu khí tại Trường Sa vì vấn đề tiềm năng chưa rõ, tranh chấp lãnh hải, kỹ thuật và chi phí.
- Kiểm soát giao thương: Biển Đông nằm trên tuyến đường giao thông biển huyết mạch nối liền Thái Bình Dương - Ấn Độ Dương, Châu Âu - Châu Á, Trung Đông - Châu Á. Năm trong số mười tuyến đường biển thông thương lớn nhất trên thế giới liên quan đến Biển Đông. Đây được coi là tuyến đường vận tải quốc tế nhộn nhịp thứ hai của thế giới. Mỗi ngày có khoảng từ 150 - 200 tàu các loại qua lại Biển Đông, trong đó có khoảng 50% là tàu có trọng tải trên 5,000 tấn, hơn 10% là tàu có trọng tải từ 30,000 tấn trở lên. Trong khu vực Đông Nam Á có khoảng 536 cảng biển, trong đó có hai cảng vào loại lớn và hiện đại nhất thế giới là cảng Singapore và Hồng Kông. Thương mại và công nghiệp hàng hải ngày càng gia tăng ở khu vực. Nhiều nước ở khu vực Đông Á có nền kinh tế phụ thuộc sống còn vào con đường biển này như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Singapore và cả Trung Quốc. Đây là mạch đường thiết yếu vận chuyển dầu và các nguồn tài nguyên thương mại từ Trung Cận Đông và Đông Nam Á tới Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc. Hơn 90% lượng vận tải thương mại của thế giới thực hiện bằng đường biển và 45% trong số đó phải đi qua vùng Biển Đông. Lượng dầu lửa và khí hóa lỏng được vận chuyển qua vùng biển này lớn gấp 15 lần lượng chuyên chở qua kênh đào Panama. Khu vực Biển Đông có những eo biển quan trọng đối với nhiều nước, với 4 trong 16 con đường chiến lược của thế giới nằm trong khu vực Đông Nam Á (Malacca, Lombok, Sunda, Ombai - Wetar). Đặc biệt eo biển Malacca là eo biển nhộn nhịp thứ hai trên thế giới (sau eo biển Hormuz). Điều cần phải để ý tuyến đường giao thông huyết mạch này lại gần quân cảng Cam Ranh của Việt Nam hơn là Trường Sa .
- II. DIỄN BIẾN
Việc theo dõi GPS một tàu nạo vét thông qua dữ liệu AISLive đã khẳng định tuyên bố của Philippines rằng Trung Quốc đã cho cải tạo đất tại năm địa điểm, ít nhất từ tháng 9/2013.
Nạo vét là một phần của kế hoạch cải tạo đất trên quy mô lớn được thực hiện bởi Trung Quốc trên một số rạn san hô và bãi cát ngầm mà nước này kiểm soát trong quần đảo Trường Sa. Việc xây dựng rõ ràng đã vi phạm tuyên bố ứng xử mà tất cả các bên tranh chấp ở Biển Đông đã ký kết, tuy nhiên phía Trung Quốc bác bỏ bất kỳ lời chỉ trích nào về các hoạt động của nước này bằng cách nói rằng các rạn san hô là lãnh thổ “không thể tranh cãi” của Trung Quốc và do đó có thể được cải tạo khi Bắc Kinh thấy phù hợp.
Tàu Tian Jing Hao là một tàu biển nạo vét hút cắt dài 127m được thiết kế bởi công ty kỹ thuật VOSTA LMG của Đức. Với trọng lượng 6,017 tấn, nó được ghi nhận là tàu lớn nhất thuộc loại này ở Châu Á. Tàu này đã hoạt động trên Đá Châu Viên (Cuarteron Reef hay còn gọi là Calderon Reef, hoặc Huayang Jiao); Đá Gaven (Gaven Reef hay còn gọi là Nanxun Jiao và Xinan Jiao và Đá Lạc, Burgos); Cụm Sinh Tồn/Union Reefs, đặc biệt là ở Đá Gạc Ma (Johnson South Reef) và Bãi cạn Cô Lin (Johnson North Reef) và tại Đá Chữ Thập (Fiery Cross Reef).
Đá Châu Viên/Cuarteron Reef | 9-28/9/2013, 4-8/3/2014, 10/4/2014 – 22/5/2014 |
Cụm Sinh Tồn – phía Bắc/Union Reefs South | 17/12/2013 – 3/3/2014 |
Cụm Sinh Tồn – phía Nam/Union Reefs North | 20/3/2014 – 3/4/2014 |
Đá Chữ Thập/Fiery Cross Reef | 7-14/12/2013 và 9-17/3/2014 |
Đá Gaven/Gaven Reefs | 24/5/2014 – 15/6/2014 |
Tiến trình xây dựng các đảo nhân tạo có thể chia ra làm 2 cấp:
- Cấp I: Xây các cơ sở quân sự như bến tàu, cơ sở quân sự, phủ xanh các đảo và đưa dân ra ở. Có thể xây phi trường ngắn hơn 1,000 m cho các phi cơ trực thăng.
- Cấp II: Xây phi trường quân sự từ 1,500 m đến 4,000 m cho các phản lực cơ chiến đấu tùy theo kế hoạch của Trung Quốc và phản ứng của các nước trong vùng.
ĐÁ CHỮ THẬP: Truyền thông Trung Quốc nói nhiều về bãi đá Gạc Ma nhưng về phương diện chiến lược, bãi đá Chữ Thập quan trọng hơn nhiều. Đá này nằm ở vị trí cách biệt với các thực thể khác của quần đảo, nằm về phía tây nam của bãi san hô Tizard (Tizard Bank) thuộc cụm Nam Yết và về phía đông bắc của cụm Trường Sa. Đá Chữ Thập được coi là có giá trị chiến lược quan trọng đối với Trung Quốc do vị trí tương đối biệt lập, không gần bất kỳ nơi nào do các nước khác kiểm soát trong một bán kính 70 km, cách trung tâm chỉ huy lực lượng Việt Nam tại Trường Sa khoảng 110 km, và cách bộ chỉ huy của Philippines khoảng 225 km. Bãi đá Chữ Thập là một rặng san hô hình bầu dục chiều dài tính theo trục Đông bắc-Tây nam là 14 hải lý (25.93 km) và chiều rộng là 4 hải lý (7.4 km); tổng diện tích đạt 110 km². Giáo sư Jin Canrong tại Đại học Nhân Dân Trung Quốc đã tiết lộ với báo Bưu Điện Hoa Nam buổi sáng (South China Morning Post) rằng một kế hoạch xây đảo nhân tạo tại Đá Chữ Thập đã được đệ trình lên chính phủ Trung Quốc. Hòn đảo nhân tạo này sẽ có diện tích gấp đôi căn cứ quân sự Diego Garcia rộng 4.4 km² của Mỹ tại Ấn Độ Dương. Không ảnh của khu vực được công bố ngày 25/9/2014 trên trang web của DigitalGlobe, một công ty ảnh vệ tinh thương mại của Mỹ, cho thấy là Trung Quốc đã gia tăng diện tích Đá Chữ Thập lên hơn 11 lần, từ 0.08 km² lên thành 0.96 km², biến bãi đá nhỏ này thành một thực thể địa lý còn lớn hơn cả đảo Ba Bình (Itu Aba Island: 0.46 km²) mà Đài Loan đang chiếm đóng dưới tên gọi Thái Bình và việc cải tạo vẫn còn tiếp diễn. Việc mở rộng bãi đá Chữ Thập được đẩy nhanh hơn dự kiến - giáo sư chuyên nghiên cứu quan hệ quốc tế tại Đại học Nhân dân Bắc Kinh nhận định.
ĐÁ GẠC MA: Đá Gạc Ma, cách bãi đá Chữ Thập khoảng 85 hải lý về phía Đông, có một vị thế chiến lược quan trọng. Hình ảnh vệ tinh chụp từ tháng ngày 14/01/2015 cho thấy Bắc Kinh đã bồi đắp đảo Đá Gạc Ma (Johnson South Reef hay Mabini Reef), mà Trung Quốc chiếm của Việt Nam năm 1988, thành một đảo có diện tích lớn gấp 200 lần so với diện tích ban đầu. Trang mạng WantChinaTimes của Đài Loan ngày 24/02/2015, đã cho biết thông tin nói trên, trích dẫn tuần báo quốc phòng của Anh, Jane’s Defence Weekly. Theo tuần báo này, hình ảnh vệ tinh chụp ngày 14/01/2015 do công ty Airbus Defence & Space cung cấp cho thấy Đá Gạc Ma, thuộc quần đảo Trường Sa, nay có diện tích 75 ngàn m², trên đó có một công trình rất lớn đang được xây dựng. Diện tích đảo hiện nay lớn gấp 200 lần so với cách đây 10 năm, vì hình ảnh vệ tinh chụp vào ngày 01/02/2004 cho thấy đảo này lúc mới được bồi đắp chỉ có diện tích 380 m².
CÁC VỊ TRÍ KHÁC: Trung Quốc cũng đang bồi đắp 3 đảo khác chiếm của Việt Nam là Đá Châu Viên (Cuateron Reef), Đá Tư Nghĩa (Hughes Reef) và Đá Ga Ven (Gaven Reef). Hai đảo này được bồi đắp và cải tạo gần giống nhau, cho thấy Trung Quốc đã đề ra một khuôn mẫu chung cho các cơ sở sẽ được xây dựng trên đây. Ví dụ, bãi đá Đá Tư Nghĩa, được thiết kế như một pháo đài, vừa có bãi đáp trực thăng, vừa có cầu tàu cho chiến hạm cập bến. Kiến trúc tương tự cũng được ghi nhận trên các đảo khác.
Ngoài ra, Trung Quốc đang phát triển nhiều cảng nổi để hỗ trợ cho quá trình cải tạo các đảo nhân tạo ở quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa theo hãng tin IHS Jane’s dẫn lời quan chức từ Trung tâm Nghiên cứu Khoa học Tàu biển Trung Quốc (CSSRS).
- III. NHỮNG VẤN ĐỀ TRUNG QUỐC PHẢI ĐỐI DIỆN
- Địa thế:
- Hiệu năng Phòng thủ: Phải công nhận rằng, biến một đảo đá san hô giữa biển khơi thành một sân bay quân sự là một công việc không phải bất cứ quốc gia nào cũng có khả năng làm được. Trung Quốc giàu có về tiền bạc thì xây dựng một sân bay lớn ở Đá Chữ Thập là điều khả thi. Hai bãi đá này cọng thêm bãi đá Vành Khăn phía Đông quần đảo Trường Sa, có vị trí chiến lược rất quan trọng để khống chế các đảo khác tại Trường Sa. Đến bây giờ, chúng ta chưa thấy được quy mô dự trù của phi trường trên đảo Chữ Thập.
- Đối trọng từ Việt Nam, Philippines: Như các chuyên gia nước ngoài đánh giá rằng, “với đường băng dài 2,000 m, Trung Quốc có thể triển khai các máy bay tân tiến như Su-30, J-11 và J-10 đến Trường Sa. Điều này cho phép Trung Quốc tiến hành các hoạt động trên không ở biển Đông. Bỏ qua yếu tố kỹ thuật, thì đây là một đánh giá đúng của các học giả và nhà chính trị (không phải của nhà quân sự) nhưng chỉ trong trường hợp không xảy ra tác chiến. Tuy nhiên, khi tác chiến xảy ra, các phi trường này rất dễ bị đánh hỏng, đánh sập. Trong một vị trí cài răng lược trên quần đảo Trường Sa; trong khả năng tự vệ cao của lực lượng phòng thủ Việt Nam; trong sự xuất hiện vũ khí tầm xa, tầm trung hiện đại, uy lực mạnh … thì việc buộc sân bay Chữ Thập, Gạc Ma ngừng hoạt động không phải là quá khó và tất nhiên, không nằm ngoài sự tính toán, dự liệu của các nhà quân sự các bên. Chiến lược “phi đối xứng - lấy yếu đánh mạnh” đã được các chiến lược gia Việt Nam nghĩ đến từ lâu. Việt Nam cũng đã tính toán đến việc trang bị các tên lửa địa-địa tầm trung cũng như tên lửa phòng không cho các đảo trên Trường Sa. Dù rằng trên lý thuyết, Bãi đá Chữ Thập nếu có một phi đạo 4,000 m là chấm tròn ở giữa, vòng tròn xung quanh bán kính khoảng hơn 1,600 km, bao gồm toàn bộ phía Tây Philippines, toàn bộ vùng duyên hải phía Nam Việt Nam, một phần lãnh thổ Malaysia, một phần của Borneo. Do vậy tất cả căn cứ của các nước liên hệ đều bị đe dọa. Tuy nhiên các bãi đá Chử Thập, Gạc Ma không phải là các đảo san hô độc lập như Diego Garcia mà lại bị bao quanh bởi các đảo của Việt Nam. Việt Nam còn có hơn 30 máy bay tiêm kích SU-30 tại Cam Ranh và 6 tàu ngầm Kilo sẵn sàng vào năm 2016. Các SU-30 và tàu ngầm Kilo có khả năng tấn công các đảo và chiến hạm địch từ tầm xa. Hệ thống phòng thủ duyên hải của Việt Nam, đang được nâng cấp với các radar tầm xa và hệ thống hướng dẫn GPS cũng có thể bắn tới Trường Sa.
- IV. ĐỐI TRỌNG CỦA HOA KỲ, CÁC CƯỜNG QUỐC TRONG VÙNG VÀ CÁC QUỐC GIA ĐÔNG NAM Á
HOA KỲ: Trung Quốc đã lộ mục tiêu chiến lược lâu dài khi xây các đảo nhân tạo tại Trường Sa. Hoa Kỳ, Nhật Bản và các quốc gia Đồng Minh và ngay cả Nga Sô phải có những chiến lược đối ứng thích hợp.
- Washington đã mở đàm phán với Canberra về hợp tác Hải quân, trong đó có việc cho chiến hạm Mỹ đồn trú thường xuyên tại Úc. Chính Tư lệnh Hải quân Mỹ, đã tiết lộ tin trên vào hôm 10/2/2015 nhân chuyến ghé thăm nước Úc.
- Một sĩ quan cao cấp của Hải quân Mỹ ngày 27/2/2015 tiết lộ: Hoa Kỳ đã bắt đầu cho loại trinh sát cơ tối tân nhất của mình là P-8A Poseidon đi tuần tra trên khu vực Biển Đông.
PHILIPPINES:
- Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh vừa có chuyến thăm tới Manila từ 29 đến 30/1. Việt Nam và Philippines tuyên bố sẽ tiến tới xây dựng quan hệ Đối tác Chiến lược. Hiện nay, Manila mới chỉ có quan hệ Đối tác Chiến lược với Mỹ và Nhật Bản.
- Ngày 23/2/2015, Tư lệnh hải quân Nhật Tomohisa Takei thăm Philippines trong bốn ngày. Chuyến công du của Đô đốc Takei có mục đích thăm dò khả năng tương tác giữa hải quân hai nước trong khuôn khổ thỏa thuận hợp tác và trao đổi quốc phòng song phương, được ký hồi tháng Giêng 2015. Theo một số nguồn tin, Đô đốc Nhật sẽ đi thăm Ban Chỉ huy Quân sự miền Tây, trên đảo Puerto Princesa City, Ban Chỉ huy Hải quân miền Tây ở Ulugan Bay, đối diện với Biển Đông và gần Oyster Bay, nơi có một căn cứ hải quân đang được xây dựng.
- Ngày 23/9/2014, báo mạng Anh ngữ Want China Times của Đài Loan trích dẫn một phóng sự đăng trên nhật báo Mỹ The Christian Science Monitor cho biết Việt Nam cũng đang bồi đắp và mở rộng các rạn san hô và đảo nhân tạo tại bãi đá Nam trên cụm Song Tử thuộc quần đảo Trường Sa. Công trình trải rộng trên một diện tích tương đương với 11 sân bóng đá. Bộ Ngoại giao Việt Nam chưa bình luận về tin này.
- Báo Việt Nam ngày 16/2 cho biết Bộ Giao thông-Vận tải đang tiến hành đề án tổng thể về đầu tư hạ tầng và hoàn thiện cơ sở pháp lý cho việc mở đường bay hàng không dân sự ra quần đảo Trường Sa. Đây có thể là bước khởi đầu trong việc nâng cấp các đảo do Việt Nam chiếm đóng trong quần đảo Trường Sa.
MALAYSIA & INDONESIA: Về vai trò của Malaysia và Indonesia, hai nước này đã nhận thức được sự cấp bách của khu vực Trường Sa. Việc một quan chức hàng đầu của hải quân Mỹ cho hay Malaysia đã đề nghị cho phép Mỹ sử dụng một trong các căn cứ không quân nước này để thực hiện các chuyến bay do thám quân sự ở Biển Đông cho thấy sự lo âu đôi với Trung Quốc. Trước đây Indonesia dường như đứng ngoài cuộc trước những hành động khiêu khích của Bắc Kinh trên Biển Đông. Chính phủ Indonesia lúc đó cũng tự đóng vai trò là một nhà trung gian hòa giải đáng tin cậy cho các quốc gia láng giềng đang có tranh chấp bao gồm Trung Quốc, Việt Nam, Philippines, Malaysia, Brunei và Đài Loan. Tuy nhiên, thời gian gần đây, khi Trung Quốc đưa cả khu vực xung quanh đảo Natuna vào bản đồ lảnh thổ mới của mình, tân tổng thống Indonesia Joko Widodo có thể đã thấy sự hung hăng của Trung Quốc, sẽ đặt vấn đề Biển Đông thành một trong những mối quan tâm đầu tiên. Jakarta dự kiến điều động khoảng 4 chiếc trực thăng chiến đấu AH-64E Apache đến quần đảo Natuna, IHS Jane’s dẫn lời các quan chức quốc phòng Indonesia cho biết. Ngoài ra, quân đội Indonesia đang lên kế hoạch nâng cấp căn cứ không quân tại đảo Riau, phía nam Biển Đông, để có đủ khả năng cho chiến đấu cơ Sukhoi Su-27 và Su-30 đồn trú và hoạt động tại đây.
TU CHỈNH
- 6/11/2014: Hoàn tất bài viết.
- 1/3/2015: Tu chỉnh với các tài liệu mới từ IHS Maritime, Airbus Defence & Space, Jane’s Defence Weekly, CSIS (Center for Strategic and International Studies).
File: ITN-030115-CHINA-1-Tien trinh xay dao nhan tao cua TQ tai TS.doc
Nguyễn Mạnh Trí
E-Mail: prototri2012@yahoo.com
TVQ chuyển
No comments:
Post a Comment