'Đại thắng 30/4' vẫn còn dang dở ngay cả khi nhìn từ góc độ của chính bên thắng cuộc.
Cuộc tổng tiến công mùa xuân 1975 của quân đội Bắc Việt xét về phương diện quân sự là một chiến dịch xuất sắc. Khởi đầu bằng mặt trận Ban Mê Thuộc, quân tấn công đã điểm đúng yếu huyệt làm rung chuyển cả tuyến phòng thủ của Quân Đoàn 2 quân phòng thủ. Sự sụp đổ lan tỏa dần ra toàn khu vực Tây Nguyên, sau đó toàn miền Nam, một cách chóng vánh.
Tuy được ca ngợi là “đại thắng” trong nhiều lời tung hô từ suốt 39 năm qua, chiến thắng đó vẫn còn dang dở ngay cả khi nhìn từ góc độ của chính bên thắng cuộc, bởi những lẽ sau đây:
Thứ nhất, lý thuyết về “chiến tranh nhân dân” luôn phác họa hình ảnh cuộc tổng tiến công từ bên ngoài của quân đội chủ lực gắn liền với sự nổi dậy của quần chúng nhân dân khắp nơi bên trong. Bộ máy tuyên truyền của Bắc Việt đương thời và sau này đều mô tả cảnh lầm than với tiếng kêu rên xiết của người dân sống trong vòng kềm kẹp của chính quyền Sài Gòn.
Do vậy, cùng với đoàn quân mang sứ mệnh “giải phóng”, quần chúng hẳn sẽ đồng loạt vùng lên lật đổ ách áp bức của “ngụy quyền”. Nổi dậy luôn là khâu mấu chốt của “chiến tranh nhân dân” và thường được thổi phồng để làm nhẹ đi yếu tố quân sự lạnh lùng của súng đạn và giết chóc mà đoàn quân cách mạng thường mang đến những nơi họ muốn “giải phóng”.
Thực tế của cuộc chiến tranh tiếc thay hoàn toàn khác với lý thuyết đó. Quần chúng ở miền Nam đã không nổi dậy, mà thay vào đó là di tản mỗi khi quân Bắc Việt tấn công. Người miền Nam vẫn gọi nôm na hình ảnh ấy là “chạy giặc”. Trong các trận đánh Mậu Thân năm 1968, Mùa hè đỏ lửa năm 1972 và trận cuối cùng năm 1975, khi quân Bắc Việt di chuyển đến đâu, dân chúng vội vàng tháo chạy tán loạn khỏi nơi đó.
'Lòng người vẫn ly tán'
Riêng cuộc tổng tiến công mùa xuân 1975, lúc Ban Mê Thuộc thất thủ, dân ở Tây Nguyên tháo chạy về Nam bộ, rồi sau đó khi Quân đoàn 1 quân đội Sài Gòn bị xóa sổ, đến lượt dân Đà Nẵng và Nha Trang bằng hai đường thủy bộ bỏ chạy vào Sài Gòn. Cuối cùng, từ Sài Gòn và khu vực Đông Tây Nam bộ, dân chúng lên tàu chạy ra Biển Đông lánh nạn, khởi đầu sự kiện vượt biên có một không hai trong lịch sử nhân loại. Mọi tầng lớp dân cư Nam phần khi ấy đều hiện diện trong dòng người tản cư vì chiến cuộc.
Chiến thắng bằng quân sự, chứ không phải bởi lòng dân đối chọi với chính quyền Sài Gòn, đã khiến bao nhiêu năm hòa bình tuy đã trôi qua song lòng người vẫn tiếp tục ly tán, khiến những lời kêu gọi hòa giải và hòa hợp dân tộc càng trở nên nhạt nhẽo, chướng tai. Một chiến thắng như vậy quả nhiên còn dang dở.
Thứ hai, ngọn cờ “giải phóng dân tộc” luôn được phía Bắc Việt giương cao trong suốt cuộc chiến tranh giữa hai miền Nam Bắc, mà mục tiêu cuối cùng là đánh đuổi giặc ngoại xâm. Bên xâm lược được xác định là “Đế quốc Mỹ”, bởi lẽ ban đầu họ đã viện trợ tài lực cho chính quyền Sài Gòn để phát triển kinh tế và xây dựng quân đội, sau đó họ mang quân vào miền Nam đánh nhau trực tiếp với quân Bắc Việt.
Nếu hành động viện trợ vũ khí và mang quân vào một phần lãnh thổ Việt Nam bị xem là xâm lược như trường hợp Hoa Kỳ, thì sự kiện Liên Sô, Trung Quốc và cả Bắc Triều Tiên cũng đồng thời viện trợ và mang quân vào miền Bắc cùng cách thức như vậy có nên được xem là xâm lược hay không? Tiếc rằng bộ máy tuyên truyền Bắc Việt dường như đã thiếu sót gọi tên những kẻ xâm lược này, mà thay vào đó ban cho họ một danh xưng mỹ miều là “quân tình nguyện” đến từ các nước anh em.
Tạm chấp nhận lập luận của bên thắng cuộc để đánh giá một sự kiện khác có phần quan trọng hơn. Đó là, từ năm 1973, sau Hiệp định Paris, quân đội Mỹ đã hoàn toàn rút khỏi miền Nam Việt Nam. Bóng dáng “quân xâm lược” lúc đó đã không còn. Vậy lẽ ra ngọn cờ “giải phóng dân tộc” từ năm 1974 phải chuyển đích ngắm đến một kẻ xâm lược khác đầy dã tâm là Trung Quốc với việc xâm chiếm quần đảo Hoàng Sa, thay vì nhắm vào chính quyền Sài Gòn.
Sức mạnh vũ bão và bách chiến bách thắng của đoàn quân “giải phóng” khi ấy lẽ nào chỉ chú trọng quét qua vùng lãnh thổ của một chính quyền tuy trái ý thức hệ nhưng cùng là đồng bào Việt Nam, mà không tập trung vào việc đánh đuổi quân xâm lược Trung Quốc đang chiếm đóng bất hợp pháp lãnh thổ thiêng liêng của cha ông chúng ta? Đội quân dũng mãnh đang hừng hực khí thế tiến công như vậy lẽ nào lại khiếp sợ và tránh né kẻ thù, trừ phi đã có một toan tính chính trị nào khác mà không ai hiểu?
Như vậy, có thể nói, ngày 30/4/1975 chưa thật sự xứng đáng gọi là ngày “toàn thắng” và “non sông thu về một mối” được. Tổn thất xương máu không biết bao nhiêu mà quân xâm lược vẫn còn đó trên mảnh đất của tổ tiên, thì chiến thắng ấy quả nhiên còn dang dở.
Ngày trước, còn bé và ngu ngơ, tôi rất thích bài hát “Tiến về Sài Gòn” của cố nhạc sĩ Lưu Hữu Phước bởi giai điệu hùng tráng của nó. Một đoạn trong bài đó tôi luôn nhớ là: “Tiến về Sài Gòn, trận cuối là trận này!” Bây giờ ngẫm lại, lời đó trên thực tế hoàn toàn sai. Trận cuối chưa phải là trận đánh mùa xuân 1975, mà hãy còn ở phía trước.
Bài viết thể hiện quan điểm riêng và cách hành văn của tác giả, một luật sư đang sống tại TP. Hồ Chí Minh
No comments:
Post a Comment