Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama đến Hàng Châu trong tư cách Nguyên thủ Quốc gia để dự cuộc họp thượng đỉnh G20 theo lời mời của Chính phủ Trung Quốc. Cuộc tiếp đón nhà lãnh đạo Mỹ tại phi trường có rắc rối ngay khi đỗ xuống sân bay Hàng Châu. Chiếc máy bay Air Force One dừng lại đúng chỗ quy định, nhưng chờ mãi không thấy sân bay cho xe cầu thang ra đón tại cửa máy bay mà cũng không thấy thảm đỏ trải ra để đón khách quý theo nghi thức thường lệ. Máy bay phải hạ thang máy bay của mình để Tổng thống và đoàn tùy tùng xuống sân bay trong không khí bẽ bàng, lạnh nhạt giữa khách và chủ.
Chưa hết trục trặc. An ninh sân bay căng giải băng xanh ngăn không cho Bà Cố vấn An ninh Susan Rice đến gần Tổng thống Obama. Vẫn chưa hết, các nhà báo Mỹ đi theo đoàn bị ngăn cản, hạn chế số người đến dự cuộc họp báo của Tổng thống Hoa Kỳ để chụp ảnh và đưa tin. Đã có lúc hai bên to tiếng với nhau, phía Trung Quốc có kẻ hét to "Đây là đất nước của chúng tôi! Đây là sân bay của chúng tôi!". Có phải đây chỉ là những trục trặc nhỏ do cán bộ cấp thấp vô tình gây ra chăng?
Rất khó có thể tin như thế. Vì cuộc đón tiếp quan trọng như thế ắt đã được hoạch định tỷ mỷ đến những chi tiết nhỏ nhặt nhất. Văn phòng Chủ tịch Nước, Bộ trưởng Ngoại giao, Bộ trưởng Công an chắc chắn đã bàn xét duyệt kỹ các chuyện này. Cũng rất có thể đích thân ông Tập Cận Bình đã cho chỉ thị tỷ mỷ về các việc nhỏ mà hệ trọng như thế.
Vậy Bắc Kinh muốn gửi đi những thông điệp gì qua các việc làm thấp hèn đó? Có thể phỏng đoán không sai là ông Tập và bộ hạ thân cận nhất của ông muốn nhắn nhủ với phía Hoa Kỳ rằng hãy coi chừng khi đến dự Thượng đỉnh Hàng Châu. Đừng có được thể nhắc đi nhắc lại cái phán quyết "bất công của PAC bôi xấu và vu cáo Trung Quốc" thêm nữa. Đừng có tìm cách liên minh với nhau để cô lập và ngăn chặn sự vươn dậy của Trung Quốc. Họ muốn nhắn với thiên hạ rằng Trung Quốc là một nước lớn, là trung tâm của thế giới ngày nay, và rằng hãy ăn nói cẩn thận trước hội nghị quốc tế. Trung Quốc có nhiều lý do để lo lắng và giận dữ khi đúng vào thời điểm này, quan hệ liên minh giữa Hoa Kỳ với Nhật Bản, Đài Loan, Úc, Ấn độ, Malaysia, Indonesia, Lào đều được cải thiện toàn diện về kinh tế, thương mại, an ninh, quốc phòng, và cũng đều nhất trí công nhận cơ sở pháp lý quốc tế của phán quyết PAC và đòi Trung Quốc phải tỏ ra là nước biết điều hay lẽ phải, tự giác tôn trọng phán quyết này.
Trung Cộng định ra oai bằng những việc làm không những không đàng hoàng chút nào mà còn bị đánh giá là nhỏ mọn, tiểu nhân. Tổng thống Obama và phía Hoa Kỳ coi đó là việc nhỏ, không đáng bận tâm, không từ nhỏ xé ra to thành sự cố ngoại giao quan trọng. Đáng chú ý là theo báo The New York Times (5/9) ông Donald Trump, ứng cử viên Tổng thống Mỹ, vốn tính khí bộc trực liền tuyên bố: "Tôi mà là Tổng thống lúc ấy tôi sẽ cho Air Force One quay về Hoa Kỳ tức khắc". Trung Cộng đang muốn ông Trump đắc cử vào Tòa Bạch Ốc vì tin rằng ông này sẽ từ bỏ chiến lược xoay trục sang châu Á.
Dư luận trên thế giới không ai ca tụng hành động nhỏ nhen của Bắc Kinh. Rồi ông Tập Cận Bình sẽ có dịp đi thăm Hoa Kỳ và chắc chắn ông vẫn sẽ có thang danh dự và thảm đỏ đón tiếp theo đúng nghi thức lễ tân. Một nhà nước dân chủ trưởng thành sẽ không trả đũa kiểu hạ đẳng như cách làm của Trung Quốc.
Một khi đã tự nhận là nước lớn, là “trung tâm của thế giới”, thì không nên có những tính toán và hành động kiểu tiểu nhân và đáng hổ thẹn như thế.
* Blog của nhà báo Bùi Tín là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.
No comments:
Post a Comment