Thursday, September 22, 2016

Truyện ngắn MỘT ĐOẠN ĐƯỜNG * ĐIỆP MỸ LINH

http://www.mrfa2.org/images/Gary%20Oliver/Askari-AlphaBoats.jpg

Truyện ngắn
MỘT ĐOẠN ĐƯỜNG *
ĐIỆP MỸ LINH
Qua khung kính cửa sổ phi cơ, Hạnh thấy những ánh đèn ly ty lùi lại trong bóng đêm. Khoảng không gian giữa những chấm sáng ly ty đó và chiếc Boeing đồ sộ này chắc xa lắm, nhưng Hạnh tưởng như nàng thấy rõ những con đường mòn len lõi trong rừng thông, từng làn sóng òa vỡ lao xao trên ghềnh đá và những bệ xi-măng vỡ vụn của một phi trường bỏ hoang. Phi trường đó mang tên Orote Point. Cái tên lạ, vô nghĩa như khoảng thời gian dài vô vị trong căn lều vải, trên những chiếc ghế bố nhà binh.

Những tháng ngày nhàm chán trong căn lều vải Hạnh chỉ biết lắng hồn nàng vào kỷ niệm, ấp yêu dĩ vãng để quên đi hiện tại và không nghĩ đến ngày mai. Những lần đếm bước dưới gốc thông già, Hạnh nhớ những đồi thong xanh ngút ngàn trên Dalat khi nàng còn bé, học trường Domainde Marrie; và con đường mòn quanh co trên ngọn đồi thoai thoải sau chùa Hải-Đức, Nha Trang. Những chiều lặng lẽ bên bờ cát, nghe gió thì thầm, nhìn sóng tung tăng, Hạnh nhớ khung trời cũ, nơi có giải cát vàng, màu nước biếc và mối tình thơ dại. Kỷ niệm cứ chờn vờn quanh đây, chợt đến, chợt đi như thời tiết bất thường của đảo Guam hoang dại.
Dù đảo Guam và Orote Point không phải là nơi đáng yêu, nhưng đã là nơi Hạnh cảm biết thế nào là tủi nhục khi sắp hàng lãnh từng dĩa cơm nhão; thế nào là thương nhớ khi nhìn về phương trời xa, tưởng như thấy được ánh mắt đăm chiêu của Mẹ, mái tóc bạc phơ của Cha; thế nào là bần hàn khi con thèm lon nước ngọt mà Hạnh không có tiền mua! Bây giờ, chuyến bay này sẽ đưa Hạnh về California, nơi đó tương lai hứa hẹn nhiều khó khăn, lắm bất trắc.
Những ngày ở Camp Pendleton, California, cũng chẳng khác gì Orote Point. Mùa Hè thật nóng bức, oi nồng. Ngày dài như không dứt. Đêm về lạnh buốt, sương giăng mờ lối. Những ray rức, lo âu, tiếc nhớ lúc nào cũng dày vò, gậm nhấm tâm hồn khiến cơ thể của Hạnh tàn tạ, héo hon!
Đang cùng các con sắp hành nhận lãnh cơm trưa, Hạnh thấy Phi – chồng của Hạnh – từ văn phòng của Trại đi đến, bảo:
-Em về lấy giấy tờ lên văn phòng làm thủ tục xuất trại. Một thiếu tá Thủy Quân Lục Chiến, tên Smith, bảo trợ. Để các con sắp hàng đi ăn trước; mình về ăn sau.
Hạnh lặng lẽ theo Phi trên con đường đất đỏ gồ ghề. Đến nơi, bà Betty bảo Phi điện thoại viễn liên – chính phủ Mỹ trả tiền – với gia đình Smith để bàn tính ngày giờ đi. Hạnh cảm thấy vui vì các con sẽ nhập học kịp niên khóa. Hạnh muốn “trực diện với tương lai xem nó ra làm sao” chứ chôn chân trong trại để mặc cảm lưu đày hành hạ, Hạnh cảm thấy khổ sở vô cùng!
Vừa cảm thấy thơ thới, Hạnh chợt khó chịu vì nghe những tiếng “yes, sir” của Phi khi Phi điện đàm với Smith. Niềm đắng cay từ đâu ùa đến khiến Hạnh muốn khóc. Không muốn khóc sao được khi mà, mới ngày nào, cố vấn Taylor than phiền: “Nhiệm vụ của tôi là cố vấn cho đơn vị này. Nhưng không bao giờ anh hỏi ý kiến tôi; không bao giờ anh cho tôi đi hành quân chung; như vậy thì nhiệm vụ của tôi là gì?” Phi cười dòn: “Anh không là cố vấn cho ai cả. Chúng tôi, người lính V.N.C.H., hành quân để chống lại sự xâm nhập có chủ mưu của Cộng Sản Bắc Việt. Nhiệm vụ của anh là gọi máy bay tản thương khi đơn vị của tôi đụng độ, có thương vong.” Đôi mắt xanh biếc của Taylor nhìn sửng Phi trong khi tiếng cười cao ngạo của Phi vang vọng. Vậy mà bây giờ một tiếng “yes sir”, hai tiếng “yes sir”! Hạnh nén tiếng thở dài, nhìn mong ra cánh đồng cỏ úa.
Không biết cuộc đời thực tế ngoài kia có tươi đẹp như lời thư khoe khoang của các bạn đã xuất trại trước đây hay không, nhưng chắc chắn một điều là Hạnh sẽ sống đúng nghĩa của một người bình thường, gạc bỏ được mặc cảm vô dụng, vô vọng như hiện nay.
Hạnh nhìn quanh trại lần cuối rồi vội bước lên xe bus với cõi lòng buồn vui lẫn lộn. Thôi, vĩnh biệt nhé, vùng thung lũng buồn!
Từ khoảng không gian xa lắm của chiếc Boeing Hạnh thấy ruộng vườn xanh tươi. Bỗng nhiên Hạnh cảm thấy lòng chĩu nặng u hoài; vì Hạnh chợt nhớ đến những chuyến trực thăng từ Gò Dầu Hạ về Bến-Lức. Quê mình sao nghèo quá! Vườn cao su xác xơ trụi lá, đồng lúa hoang tàn và những đồn lẻ tẻ dọc bờ sông còn hằn nhiều dấu pháo kích của Cộng quân. Kia là đồn Trà-Cú, hậu cứ của Giang Đoàn 53 Tuần Thám, dưới sự chỉ huy của Hải-Quân Thiếu Tá Nguyễn Thìn – người còn được biết đến dưới danh xưng nhạc sĩ Trường Sa.
Những lần ghé đồn Trà-Cú, Hạnh thích ngồi một mình trong nắng ấm, nơi bãi đáp trực thăng, để nghe cỏ rì rào trong tiếng gió lao xao. Nhìn từng chiếc Khinh Tốc Đỉnh (PBR) rời bến với thủy thủ giày “sô” áo trận, tự dưng Hạnh tưởng như nghe được giai điệu dịu dàng, thiết tha của tình khúc Rồi Mai Tôi Đưa Em của Trường Sa. Hạnh “ngân nga”nho nhỏ những câu nàng chợt nhớ: Còn đây không gian xưa quen gót lầy. . Ngồi nghe yêu thương đi xa tầm tay. Giữa tiếng ru trầm vào cơn mê này…” (1). Có sống trong bối cảnh này Trường Sa mới để lòng mình lắng xuống, đọng lại thành những cung bậc làm nhức nhối lòng người. Hạnh hồi tưởng lại ánh mắt xa xăm của Trường Sa khi Trường Sa từ giã Phi tại Guam để theo thương thuyền Việt-Nam Thương Tín trở về Việt-Nam! Trường Sa, một nghệ sĩ với tâm hồn ướt lệ, người hùng Tuần Thám với sức chiến đấu dũng cảm và tình yêu Quê Hương thiết tha! http://www.diepmylinh.com/
 Bây giờ tất cả đã xa thật xa trong không gian ngăn cách, đã qua rồi trong thời gian biền biệt trôi. Nhưng với Hạnh, những tháng ngày êm mơ trên Quê Hương là những kỷ niệm ngọc ngà, không bao giờ nhạt phai.
 Chiếc Boeing đã rời xa những áng mây rực rỡ của một chiều Hè trong vùng Cali tươi mát, đưa gia đình Hạnh về vùng sa mạc nóng bức Arizona. Phi cơ lượng nhiều vòng trên thành phố, đủ thời gian cho Hạnh ghi nhận cảm xúc đầu tiên: “Yuma, một thành phố lạc lõng như tâm hôn tôi lúc bây giờ! 6g25 chiều 20-07-1975”.
 Những ngày đầu tiên không làm sao tả xiết những bỡ ngỡ, ngại ngùng. Nhưng sự bở ngỡ ngại ngùng này không thể nào so sánh với cảm tưởng lạc loài vào sáng Chủ Nhật đầu tiên gia đình Hạnh theo gia đình Smith đi nhà thờ! Các con của Hạnh ngơ ngác như lạc vào rừng hoang! Phi ra vẻ trịnh trọng để che giấu cử chỉ bối rối. Tiếng Organ ngân dài những bài thánh ca khiến tâm hồn Hạnh lân lân như siêu thoát. Khi Linh Mục bắt đầu giảng kinh, Hạnh nhìn lên tượng Chúa với lòng thành khẩn: “Lạy Chúa! Xin Ngài tha tội cho con. Con đã vì sự sống, vì thọ ơn mà đến đây; nhưng trong lòng con lúc nào hình ảnh Đức Quán Thế Âm cũng ngời sáng!” Không hiểu tại sao ý nghĩ này lại làm cho Hạnh tủi thân. Hạnh âm thầm thấm nhẹ nước mắt!
 Đã nhiều lần – khi mọi người, ngoại trừ Hạnh, vui đùa bên hồ bơi – bà Smith nghe tiếng piano vẳng ra từ phòng gia đình tình khúc Come Back To Sorrento, bà Smith biết Hạnh chơi đàn. Vì vậy, khi thấy thái độ u buồn của Hạnh, Bà Smith mời Hạnh vào ca đoàn.
 Hôm sau, nhật báo và đài truyền hình địa phương đến phỏng vấn Phi và Hạnh. Hạnh và Phi phải dồn nén tình cảm để trả lời rất khéo léo nhiều câu hỏi rất “hóc búa” của những phóng viên chuyên nghiệp. Để trả lời câu cuối của cuộc phỏng vấn, Phi cho biết chàng ước mong được làm thợ máy sửa xe hơi.
 Ngay chiều đó, Phi nhận được điện thoại của hãng xe Datsun. Họ mướn Phi ngay. Lương $3.50 một giờ. Họ cho Phi biết Phi có thể khởi sự làm việc vào ngày hôm sau và họ sẽ thuê đài truyền hình quay phim để quảng cáo.
 Phi nhờ Thiếu Tá Smith đưa đến thư viện, mượn cuốn tự điển Pháp Anh. Suốt đêm đó Phi thức trắng để học những danh từ về máy xe hơi.
 Chiều hôm sau, cả nhà quay quần bên TV. Khi thấy trên màn ảnh hiện ra câu: “Hãng xe Datsun của chúng tôi vừa thuê được một thợ máy lành nghề từ Việt-Nam”, cả nhà cười rộ lên. Ông thợ máy Việt-Nam ra tay: Cầm “wrench” không đúng vị thế, vặn ốc không nổi! Sau một lúc hì hục, ốc hơi lỏng và dầu xe “tưới” lên mặt, lên áo quần của “ông thợ máy Việt-Nam lành nghề!”, Cả nhà ôm bụng cười vang. Hạnh không thể cười mà Hạnh cũng không thể nín cười! Hạnh lẻn ra sân cỏ. Nỗi u buồn, niềm cay đắng, sự xót xa cứ mơ hồ, bàng bạc, giăng mắc trong lòng, Hạnh chỉ biết ngồi im nơi sân cỏ!
 Bóng tối đến tự lúc nào Hạnh cũng không hay. Phi dựng xe đạp vào tường, hỏi:
 -Hạnh! Em làm gì đó?
 Hạnh cúi mặt, không trả lời. Phi đến, ngồi cạnh, cầm tay Hạnh:
-Sao buồn quá vậy? Nhớ nhà, phải không?
Hạnh lần tay mình vào tay Phi như tìm nguồn an ủi. Bỗng Hạnh nhìn vào mắt Phi, giọng thảng thốt:
-Tay anh phồng hết! Nhìn xem, những mụn nước no tròn. Sao anh nói láo với họ làm chi cho khổ thân?
Phi ngồi bệt trên cỏ, cười cười:
-Em nên biết, ở xứ này, một người thợ giỏi làm nhiều tiền hơn một “thầy” không có bằng đại học. Mình đã mất tất cả. Mình phải gầy dựng lại cuộc đời cho tương lai các con. Thằng Bob – manager của dealer và cũng là một cựu sĩ quan Hoa Kỳ từng tham chiến tại Việt-Nam – biết anh nói láo rồi! Nhưng nó thích anh. Bob hứa cho anh học nghề có trả lương. Hồi chiều Bob đã đưa anh ghi danh tại AWC (Arizona Western College) học về Electrical Engineering. Anh cũng đã ghi tên em rồi, em sẽ chọn phân khoa sau. Bob lại cho anh mượn tiền mua dụng cụ thợ máy; mỗi tháng mình trả góp $50.00. Mai em và anh đến AWC thi nhập học.
Nghe giọng Phi đầy tự tin và vui thích, Hạnh cảm thấy yên lòng.
Hạnh và Phi đã chuẩn bị cho buổi thi nhập học; nhưng khi số bài thi được phát ra và mỗi người ngồi riêng một phòng thì Hạnh cảm thấy số vốn Anh ngữ của nàng tan loãng thật nhanh! Nhìn tập bài thi dày cộm, cố ôn lại những gì đã học từ hai năm tú tài ban Anh văn và những năm miệt mài ở Hội Việt Mỹ, Hạnh cảm nhận được điều mỉa mai: Số Anh ngữ của nàng chỉ “lỏm bỏm” như những hải đảo lạc loài trong đại dương mênh mông!
Sau khi Phi lãnh tuần lương đầu tiên, Hạnh hoàn lại tiền ăn cho gia đình Smith rồi thuê nhà dọn ra ở riêng.
Căn nhà không lớn, chỉ ba phòng ngủ, phòng khách và nhà bếp; nhưng vì không có bất cứ đồ vật gì trong nhà cho nên ngôi nhà trở nên thênh thang, lạnh lẽo. Những người láng giềng tóc màu đem đến tặng gia đình Hạnh các thứ cần thiết như nồi, chảo, chén dĩa, khăn trải giường. Cứ sau mỗi cử chỉ nhân ái họ lại nhắc gia đình Hạnh Chủ Nhật đi nhà thờ!
Đứng chung với ca đoàn của nhà thờ, trên bục gỗ, Hạnh vừa nhìn bản thánh ca vừa hát vừa liết xuống những người đang ngồi bên dưới và thấy Phi ngủ gật trong nhà thờ! Sức người có hạng. Phi đã làm hơn sức của một người bình thường. Thời khóa biểu của Phi: Từ 5:00 giờ đến 8:00 giờ sáng, quét dọn quanh hãng xe. Từ 8:00 giờ đến 12:00giờ trưa, thợ máy. Từ 12:00 đến 1:00 trưa, cho ngựa của Bob ăn cỏ trong khi Phi ngấu nghiến vội vàng miếng bánh mì thị nguội do Hạnh làm từ tối hôm trước. Từ 1:00 đến 5:00 chiều, thợ máy. Từ 5:00 đến 6:00 đạp xe – xe đạp được nhà thờ cho mượn – đến AWC. Từ 6:00 đến 11:00 đêm học tại AWC. Thứ Bảy Phi cưa cây hoặc làm sân vườn cho hàng xóm.
Công việc của Hạnh có vẻ nhàn hạ. Sáng, 7:00 đạp xe đến hãng may, làm cho đến 4:00 giờ chiều; về nhà dạy Anh văn cho các con, lo bữa cơm chiều rồi đạp xe đến AWC học đến 11:00 đêm.
Niên học chấm dứt Hạnh cũng không cảm thấy như mùa Hè hiện diện; vì Yuma chỉ có cát, đá và cây xương rồng chứ không có hoa phượng!
Dưới ánh nắng như thiêu đốt và trong từng cơn gió lùa sức nóng hừng hực từ những vùng cát mênh mông, Phi và Hạnh mỗi người vẫn nhẫn nại đạp xe trên những con đường thiếu bóng cây. Nhà thờ lại cho biết, chủ nhân hai chiếc xe đạp tỏ ý muốn lấy lại. Nhận thấy không thể nào đủ sức và thời gian để đi bộ, Phi không còn cách nào hơn là trình bày mọi điều với Bob. Bob cười xòa, vỗ vai Phi:
-Anh làm việc tốt. Tôi sẽ bán và cosign để anh có thể mua một chiếc xe. Mai đưa gia đình anh đến, chọn xe nào anh và gia thích rồi cho tôi biết.
Từ đó Hạnh và Phi mới hiểu: Người không mang nợ thì khó xin mua chịu; kẻ mang nợ nhiều lại dễ vay tiền!
Mỗi chiều, cho xe chạy chầm chậm trên xa lộ, nhìn những áng mây trong khung trời lộng gió, Hạnh cảm thấy nhớ nhà da diết! Hạnh nhớ và thương cả những điều không tốt đẹp của Quê nhà, rồi bất giác “ngân nga” nho nhỏ: “Trên đường về nhớ đầy. Chiều chậm đưa chân ngày. Tiếng buồn vang trong mây ... Chim rừng quên cất cánh. Gió say tình ngây ngây. Có phải sầu vạn cổ, chất trong hồn chiều nay…Tiếng buồn vang trong mây…” (2)
 http://www.diepmylinh.com/
Bao mùa Hạ đã qua đi, vẫn không tiếng ve sầu, không màu phượng đỏ. Nhưng mùa Hè này, Hạnh và Phi cảm thấy lòng rộn ràng mừng vui vì cả hai đang xúng xính trong áo rộng và mũ đen. Khi nghe tên được xướng lên và Hạnh từ từ bước lên bục gỗ trong buổi lễ ra trường, Phi và các con vỗ tay không ngớt; đến phiên Phi bước lên bục gỗ Hạnh không thể giấu được dòng nước mắt vui mừng!
Cuộc vui nào rồi cũng qua đi để trả Hạnh trở về với những bương chải, vất vả và ưu tư của cuộc sống. Chỉ sau một thời gian ngắn, Phi được công ty điện lực thuê và Hạnh là chuyên viên kế toán cho ngân hàng.
Gia đình Hạnh dời vào một ngôi nhà khang trang thuộc một khu vực trung lưu. Hạnh tưởng rằng với việc làm tốt và cuộc sống của một chàng “cổ trắng” Phi sẽ vui vẻ; Hạnh không ngờ lại thường bắt gặp Phi thơ thẩn nơi sân sau, ánh mắt đăm chiêu, vần trán nhíu lại như đang suy nghĩ điều chi rất quan trọng.
Một hôm, đi làm về, Phi vào nhà bằng ngã sau. Hạnh chỉ lên đầu tủ lạnh:
-Có thư anh Dinh gửi cho anh.
Phi không giấu được ngạc nhiên lẫn vui mừng:
-Nó ra tù rồi à?
-Em đã mở thư đâu. Anh mở xem.
Phi mím môi thật chặt khi đọc bản sao “Giấy Ra Trại” Dinh gửi kèm.
Ngoài những sáo ngữ rỗng tuếch, Phi nhíu mày nhìn mấy dòng: “…Thi hành án văn,  quyết định tha số…ngày…năm 1984. Can tội: Trung Tá chỉ huy trưởng. Bi bắt ngày…tháng 6 năm 1975”. Phi xếp phong thư cho vào túi, đứng bất động. Chín năm đằng đẳng một đời trai bị đọa đày trong cay đắng, tủi nhục! Phi ở đây, mỗi khi nhận được thư nhà gửi qua Canada hoặc Âu Châu – rồi từ các nước đó bạn của Phi và Hạnh mới chuyển thư đến Mỹ – Phi vẫn cảm thấy hận thù dâng chất ngất vì tin Mẹ và các em của Phi đói khổ ở vùng kinh tế mới, còn nhà của Mẹ thì “được” cán bộ quản lý!
Biết Phi là người có chí lớn, Hạnh tôn trọng những suy tư của chồng. Sau khi nghe Phi thở dài, Hạnh bảo:
-Anh vào tắm nước nóng, nằm nghỉ cho bớt giao động. Khi nào cơm xong, cu Út sẽ vào mời anh.
Tắm xong, Phi mở ngọn đèn nhỏ cạnh giường, đọc lại thư của Dinh. Ánh sáng lờ mờ gợi lại trong hồn Phi vùng ánh sáng yếu ớt, vàng vọt trên các chiến đỉnh và chiến hạm. Ánh đèn nhạt nhòa không đủ sáng để xem bản đồ hành quân. Bản đồ hành quân với những đường li ti ngoằn ngoèo như những động mạnh và tĩnh mạch trên cơ thể của Quê Mẹ tan thương! Ôi, Quê Hương! Chúng tôi đã chiến đấu đơn độc, trong những điều kiện nghèo nàn, thiếu hụt cho nên không biết bao nhiêu bạn hữu và đồng đội của tôi phải gục ngã! Máu của bạn tôi, của đồng đội và máu của tôi như những lượng phù sa bồi đắp miền Nam nước Việt. Bao nhiêu bạn hữu và đồng đội của tôi vẫn còn bị đày đọa trong chốn lao tù, tôi phải làm gì? Tôi không thể an tâm sống yên lành, hạnh phúc. Khi thấy quân phục trắng, tôi nhớ Ngụy Văn Thà và trận thư hùng với Trung Cộng tại Hoàng Sa! Khi thấy màu áo hoa rừng, tôi khóc Phan Văn Sanh, tiếc Trần Văn Thiết! Thấy màu áo kaki, tôi thương Hoàng Xung! Thấy quân phục Không Quân tôi lại nhớ Nguyễn Cư, v.v…Xin cho tôi được minh mẫn, đủ nghị lực để chọn hướng đi cho đoạn đường còn lại của tôi…
“Ba!” tiếng gọi nho nhỏ của Út cắt đứt dòng ý tưởng của Phi. Nhìn ra cửa, thấy Út đang lấp ló, có vẻ e dè vì tưởng Phi đang ngủ. Phi hỏi:
-Gì, con?
Út vừa bước nhè nhẹ vừa hỏi nhỏ như ngại người khác nghe:
-Ba muốn nghe chuyện này không, Ba?
-Chuyện gì, con?
Út cười, sà vào lòng Phi:
-Chuyện của con.
-Nghe chứ, con. Nói đi, Út.
Út nhìn Phi với nét mặt quan trọng:
-Con mới tìm ra một thằng Việt Cộng!
Ngạc nhiên, nhìn Út một chốc rồi Phi cười lớn:
-Làm sao con biết Việt Cộng là ai mà con nói?
Không muốn tuổi thơ của con sớm vướng hận thù, Phi tiếp:
- Thôi, nói chuyện khác đi, con.
-Ba này! Tại Việt Cộng mà mình phải chạy trốn, qua đây, để tụi Mỹ kỳ thị. Con biết chớ bộ!
-Mỹ không kỳ thị đâu, con. Nếu Mỹ kỳ thị thì làm thế nào Ba Má và các con được đi học cùng trường với người Mỹ? Ba Má được làm việc chung với người Mỹ và mua nhà cùng khu vực với người Mỹ?
-Không kỳ thị sao tụi nó gọi con là Chino?
-Có thể họ tưởng con là người Tàu, Chinese.
-Má nói tụi Tàu xâm lấn nước mình hoài, đô hộ nước mình cả ngàn năm; rồi cũng tụi Tàu giúp Việt Cộng đánh chiếm, đuổi mình khỏi Việt-Nam. Con ghét tụi Tàu! Ai gọi con Tàu thì người đó kỳ thị.
Phi sửng sờ, không ngờ Út lớn hơn chàng nghĩ. Phong chuyển câu chuyện:
-Thôi, con kể Ba nghe  chuyện thằng Việt Cộng đi, Út.
-Hồi Hè mới bắt đầu, cô giáo dẫn một thằng con nít Á Đông vô lớp con. Nó không biết tiếng Anh. Nó ngồi cạnh con. Nó nói nó là người Việt-Nam. Nó nói nhà nó nghèo lắm, vì mới từ đảo qua, Ba Má nó cũng không biết tiếng Anh. Con thấy nó rất tội nghiệp, mỗi ngày đem thức ăn trưa, con làm thêm để đem theo cho nó. Con giúp nó làm bài. Nó nói nó thích con. Con hỏi nó: “Mày ở Việt-Nam mà Bắc hay Nam?” Nó nói nó ở cái tỉnh ở giữa cho nên nó không biết Bắc hay Nam. Vì muốn biết nó có phải “phe mình” hay không, con hỏi nó: “Cờ của mày màu gì?”  Nó nói con ngu, Việt-Nam có một lá cờ chớ mấy. Con bảo nó: “Mày vẽ lá cờ của mày ra là tao biết liền.”  Sau khi nó vẽ, con xin cô giáo cho con ngồi chỗ khác. Con không cho nó ăn trưa nữa. Con “nghỉ” nó ra rồi!
Câu chuyện Út kể khiến Phi cảm thấy buồn thêm. Phi vò tóc con:
-Con thương lá cờ của mình; vậy con có thương nước mình không?
-Thương chớ!
-Nếu con thương nước mình thì con cố chăm học để sau này về giúp nước, nghe, con.
-Làm sao về được, Ba? Việt Cộng còn ở đó mà!
Suy nghĩ giây lâu, Phi thở dài, không hiểu có nên cho con biết ý định của chàng hay không! Một chốc sau, Phi hỏi dò:
-Nếu có người đuổi Việt Cộng đi, con nghĩ sau này con có về giúp nước mình hay không?
-Về chớ! Mà ai đuổi Việt Cộng đi hả, Ba?
Phi xoay người Út, nhìn vào mắt Út:
-Nếu Ba trở về Việt-Nam đánh đuổi Việt Cộng đi để mai sau con trở về giúp nước mình, con chịu không, Út?
Út nhìn Phi không nháy mắt rồi bất ngờ Út vùi đầu vào ngực Phi, nín lặng! Phi cảm thấy se thắt trong lòng! Phi hôn lên tóc con và cảm nhận được niềm xúc động dâng ngập bờ mi!
Tiếng Hạnh vọng lên từ nhà bếp:
-Út! Mời Ba ra ăn cơm, con.
Phi ngồi giậy, đỡ Út đứng lên:
-Đi ăn cơm, con!
Út vẫn lặng thinh, mắt nhìn xuống, mặt nó trông buồn lắm! Phi ôm con thật chặt, bảo:
-Út! Con hứa với Ba rằng con sẽ không nói lại với bất cứ người nào – kể cả với Má – về những gì Ba đã nói với con, nha, Út. Con cũng không nên buồn; vì con buồn là Ba buồn. Con thương Ba, nghe lời Ba dạy, nha, Út.
Út gật đầu, bậm môi, quẹt nhanh hai dòng nước mắt. Phi chưa kịp đứng lên, Út đã ôm lấy cổ Phi thật chặt như sợ Phi sẽ vuột đi!...
*********
Suốt buổi ăn trưa Phi trông buồn lắm! Phi ít nói hơn mọi khi; nếu phải nói, giọng Phi đặc, nghèn nghẹn như cố nén từng khối u ẩn vào lòng! Phi cố tránh ánh nhìn của Hạnh. Hạnh cảm biết có điều gì rất khác thường; nhưng dự tính chiều về sẽ có nhiều thì giờ để vợ chồng nói chuyện nhiều.
Đưa Hạnh ra bải đậu xe, như mọi khi, Phi mở cửa xe cho nàng. Trước khi Hạnh cho xe nổ máy, Phi nhìn Hạnh thật lâu, giọng âu yếm:
-Em trở lại đi làm đi. Anh không sao đâu.
-Sao anh trông có vẻ bất thường!
Không đáp lời Hạnh, Phi quay lưng, bước nhanh về phía xe của chàng, nói vọng sang:
-Anh không sao. Bye, Hạnh!
Hạnh lui xe. Chạy từ từ trên bãi đậu, nhìn vào kính chiếu hậu, Hạnh thấy Phi vẫn ngồi im trong xe, dõi mắt theo nàng.
Chiều, đang sửa soạn bữa cơm tối cho gia đình, nghe tiếng chuông cửa, Hạnh bảo Út ra xem, nếu người quen thì mở cửa, người lạ thì không.
Út chạy vào:
-Má, Má! Có ông Mỹ nào đó… “muốn” Má.
Hạnh vội tắt bếp, bước ra phòng khách, quên “chỉnh” Út về tiếng Việt “ba rọi”. Qua khung kính nhỏ, Hạnh ngạc nhiên khi thấy ông Sếp của Phi, vẫn còn mặc “đồ lớn” và thắt cà-vạc. Hạnh mở cửa, tươi cười:
-Hi, Jack! Ông mạnh giỏi chứ?
Vừa bước vào phòng khách Jack vừa đáp:
-Cảm ơn. Tôi vẫn khỏe. Hạnh và các cháu vẫn khỏe chứ?
Hạnh bắt tay Jack và đáp:
-Cảm ơn ông. Chúng tôi đều khỏe; còn Helen và Mark thì sao, thưa ông?
-Ô, cũng bình yên.
Hạnh chìa tay về phía xa-lông:
-Mời ông ngồi. Tôi nghĩ Phi đang trên đường về; không lâu đâu.
Jack ngập ngừng:
-Cảm ơn Hạnh. Tôi…tôi muốn nói chuyện với Hạnh.
Hạnh ngồi vào xa-lông, giọng ngạc nhiên:
-Vậy à? Vâng, mời ông ngồi.
Vừa ngồi vào xa-lông đối diện, Jack vừa nhìn quanh, có vẻ lúng túng. Bất chợt thấy khung ảnh của Phi treo trên tường, Jack vội bước đến. Hạnh bước theo. Giọng Jack tò mò:
-Phi mặc quân phục trông khác quá! Ảnh này chụp bao lâu rồi?
-Ảnh đó chụp năm 1972, sau khi Phi bị thương tại Chương Thiện.
-Phi bị thương nặng không?
-Nặng chứ! Nhưng đó không phải là lần đầu tiên và cũng chẳng phải lần sau cùng Phi bị thương…
 Hạnh bỏ lửng câu nói vì thấy thái độ của Jack hơi khác thường, rồi tiếp:
-Jack! Ông cần gặp tôi có điều gì quan trọng lắm, phải không? Trông ông có vẻ bồn chồn, sốt ruột.
-Vâng, tôi có chuyện rất quan trọng muốn nói với Hạnh.
-Mời ông ngồi. Tôi nghĩ, ông nên chờ Phi về rồi hãy nói; bởi vì, dù chuyện gì ông nói với tôi thì tôi cũng phải nói lại với chồng tôi cả. Có lẽ kẹt xe cho nên Phi về trễ hơn mọi ngày. Nhưng tin tôi đi, phi sẽ về bất cứ phút nào.
Với thái độ hơi vụng về vì xúc động, Jack vịn vai, từ từ đưa Hạnh đến xa-lông:
-Làm ơn ngồi xuống, Hạnh!
Hạnh ngồi vào ghế, nhìn Jack đăm đăm và linh cảm được điều gì đó rất mơ hồ. Jack nhìn Hạnh:
-Hạnh, nghe đây! Hạnh phải bình tĩnh và can đảm để nhận một tin rất quan trọng. Phi không về nữa!
Trong khi Hạnh giật mình, nghĩ rằng Phi bị tai nạn và đã chết thì Jack run tay lấy từ túi áo một phong thư. Trao bì thư cho Hạnh xong, Jack ngồi vào xa-lông đối diện, tiếp:
-Hãy can đảm, Hạnh! Phi đã chọn đúng đường của một thanh niên thời đại. Hạnh và các cháu nên chấp nhận để Phi yên lòng dấn thân cho lý tưởng.
Hạnh nghe u u bên tai như đang lên cơn sốt hoặc chính nàng không hiểu tiếng Anh! Hạnh đón lấy phong thư với trong trạng thái chối bỏ, như không tin lời Jack. Khi xé bì thư, thấy nét chữ của Phi, tay Hạnh run không thể cưỡng được! Hạnh cố chú tâm nhìn những dòng chữ của Phi nhưng Hạnh không thể kiểm soát cử chỉ và ý nghĩ của nàng:
Hạnh em,
Chưa bao giờ anh xúc động như hôm nay,khi viết những dòng chữ này! Anh muốn viết nhiều và rất nhiều nhưng sao anh viết không được!
Em đã vò võ nuôi con suốt bao nhiêu năm dài để anh lê bước trên những dòng sông nhuộm máu, chống Bắc quân xâm lược; mấy năm trên xứ người cơ cực em lại chung vai gánh vác để gia đình và các con có được ngày nay xáng lạng. Bây giờ, một lần nữa anh lại xa em để mong góp sức dựng lại cơ đồ.
Đời anh đã gắn liền với binh nghiệm hơn 17 năm. Nay anh không thể an nhàn hưởng thụ mà quên đi những người bạn đã nằm xuống và những đồng đội đang khóc hận chốn lao tù! Đoạn đường trai trẻ anh chưa hoàn thành được sứ mệnh đối với Tổ Quốc; đoạn đường còn lại anh nguyện sẽ lấy xác thân này, cùng với bạn hữu, dành lại Quê Hương mà Cộng Sản Việt-Nam đã chiếm đoạt.
Ngày trước anh đưa em đi trong vội vàng, sợ hãi; nhưng anh sẽ đón em về trong môi cười rạng rỡ và ánh mắt tin yêu.
Cầu nguyện cho Quê Hương, cho các bạn và cho anh, em nhé!
Anh,
Phi
Từ từ gấp lá thư lại, Hạnh nhíu mày, thở mạnh rồi dựa vào thành ghế. Một lúc sau, Hạnh ngẫng lên, nhìn chăm chăm vào khung ảnh của Phi. Và, thật bất ngờ, Hạnh tưởng như thấy được Phi bước lên chiếc PBR (khinh tốc đỉnh) có nhiều ăng-ten cao; rồi từng chiếc, từng chiếc PBR rời bến, tiến về vùng hành quân. Trong khi hình ảnh đoàn PBR trở nên nhỏ dần, nhỏ dần thì tiếng hát xưa thoang thoảng trong ánh chiều: “…Còn đây không gian xưa quen gót lầy… Ngồi nghe yêu thương đi xa tầm tay. Giữa tiếng ru trầm vào cơn  mê này…” (3)
ĐIỆP MỸ LINH
*Truyện này được sáng tác vào đầu thập niên 80; cảm tác từ chuyện thật của một Sĩ Quan QL/VNCH.
1 và 3 - Rồi Mai Tôi Đưa Em của Trường Sa
2 - Chiều, thơ của Hồ Dzếnh nhạc của Dương Thiệu Tước





No comments:

Ngưu Ma Vuơng được ân xá

  Jacob Chansley, Tù nhân Chính Trị, bị bắt mang theo 41 tháng lương thực, chuyên trị ăn chay. Anh được biết đến với biệt danh ...