Thursday, September 1, 2016

Tùy bút CHÚT TÌNH ĐỂ LẠI HAWAII - ĐIỆP MỸ LINH



Tùy bút
CHÚT TÌNH ĐỂ LẠI HAWAII


ĐIỆP MỸ LINH


Mỹ-Phượng không nhớ bắt đầu từ tuổi nào và tại sao khi tâm trí nàng hơi thảnh thơi một tý thì một dòng nhạc lại âm thầm reo lên trong hồn nàng. Dòng nhạc không âm thanh này buồn hay vui tùy theo hoàn cảnh và trạng thái tình cảm của nàng. Cũng có khi trạng thái tình cảm của nàng thay đổi tùy theo tiết tấu của dòng nhạc. Vì nàng không nhớ lời ca, cho nên, đôi khi ngẩu hứng, Mỹ-Phượng thường “ư hử” theo âm điệu của dòng nhạc ẩn kín trong hồn nàng chứ ít khi nàng hát thành lời.


Vậy mà, một sáng nọ, từ khung cửa nhỏ của chiếc phản lực 747, trong khi Mỹ-Phượng lơ đễnh nhìn ra xa để hồn nàng lần dò tìm lại vết tích của một cuộc tình đầy nước mắt, thì nàng lại hát thành lời - mà không cần biết mình hát đúng lời ca hay không - theo dòng nhạc câm văng vẳng trong lòng nàng: “... Tình ngỡ đã quên đi, nhưng tình bỗng lại về. Người ngỡ đã đi xa, nhưng người vẫn quanh đây. Ôi! Trái tim phiền muộn đã vui lại một giờ, như bờ xa nước cạn đã chìm vào cơn mưa. Khi cơn đau chưa dài thì tình như chút nắng. Khi cơn đau lên đầy thì tình đã mênh mông. Một người về đỉnh cao, một người về vựt sâu, để cuộc tình chìm mau như cánh chim cuối đèo...” (1) Vừa thầm thì hát đến đây Mỹ-Phượng chợt cảm thấy tâm hồn nàng chùng thấp đến độ lồng ngực của nàng nhói đau. Và nàng như muốn khóc, như ngày xưa, mỗi khi bị hành xử quá tệ bạc, phủ phàng, nàng thường ngân nga đoạn này; vì lời ca diễn đạt được phần nào hoàn cảnh và nỗi niềm của nàng, rồi nàng lặng lẽ lau nhanh những giọt nước mắt mặn đắng ưu phiền. Mỗi khi nhớ lại khoảng thời gian buồn tủi nhất của đời mình, Mỹ-Phượng tự hỏi tại sao ngày đó nàng lại dại khờ, chỉ sống, và có thể chết, vì người mình yêu mà nàng lại không chịu sống, và có thể chết, vì người yêu mình!


Mỹ-Phượng vừa tiếp tục ngân nga, tới lui cũng một đoạn đó, vừa suy nghĩ về câu tự hỏi của nàng, và vẫn không tìm được câu trả lời. Bất ngờ tiếng nhân viên phi hành thông báo trên máy khuyếch đại âm thanh cắt đứt dòng tư tưởng của nàng. Vì không muốn phải nhớ lại một thời đầy khổ lụy của mình, Mỹ-Phượng vội nhấn nút cho lưng ghế trở về vị trí thẳng đứng rồi nghiêng người nhìn ra khung cửa sổ.


Biển mênh mông. Thỉnh thoảng biển chuyển mình và muôn ngàn gợn sóng nhẹ lóng lánh dưới ánh mặt trời. Trong không gian lồng lộng giữa bầu trời trong vắt và mặt biển xanh thẫm, Mỹ-Phượng chỉ thấy một màu vàng nhạt, trong suốt, của ánh nắng mai. Và xa, xa lắm là những hải đảo màu xanh lá cây. Giữa màu xanh lá cây của mỗi hải đảo và màu xanh thẫm của biển khơi là những viền trắng mong manh. Khi phi cơ đến gần, Mỹ-Phượng thấy những viền trắng ấy di động một cách chầm chậm, dịu dàng. Lúc phi cơ ở vào cao độ vừa phải, Mỹ-Phượng nhận ra những viền trắng đó là những lượn sóng bạc đầu đang tung tăng bên những bờ cát mịn màng. Lòng nàng cũng rộn ràng vui như những lượn sóng đang lao xao phía dưới xa.


Nhìn cảnh vật dưới xa, tự dưng một đoạn nhạc mà thân phụ của nàng đã tập cho nàng hát, từ khi Ông vừa bắt đầu dạy nàng học ký-âm-pháp, chợt reo lên trong lòng nàng. Mỹ-Phượng thầm thì hát theo dòng nhạc câm mà cũng không cần biết đúng lời ca hay không: “Loin des fracas, sous ton gai firmament, Je viens de vivre si tendres moments. À l’ivresse de ton ciel bleu, Je viens de vivre un suprême adieu ...” (2)


*       *
*

Từ khoảng lang cang hẹp nơi căn phòng 925 của khách sạn Pacific Beach nhìn ra bãi biển Waikiki, Mỹ-Phượng bỗng bồi hồi nhớ lại một thời tuổi nhỏ và bờ biển xưa.


Bờ biển xưa của nàng không có những thiếu nữ gợi tình bằng hai mảnh vải che hờ cùng với những thanh niên vạm vỡ đua nhau surf trên triền sóng. Bờ biển xưa của nàng không tràn ngập màu sắc rực rỡ của áo tắm, của khăn choàng và của da thịt người. Bờ biển xưa của nàng không có ngọn núi lửa Diamond Head, đang ngủ yên nơi cuối ghền. Bờ biển xưa của nàng không có những con đường chằn chịt, len lõi giữa những khách sạn đồ sộ và cao vút. Bờ biển xưa của nàng không nằm cạnh một quân cảng đã đi vào thế giới sử bằng trận tấn công bất ngờ, đầy kinh hoàng và khốc liệt của Đô-đốc Isoroku Yamamoto. Bờ biển xưa của nàng mang nhiều tỳ vết đau thương của chiến tranh; nhưng bờ biển xưa của nàng không triền miên ấp ủ dòng nước đã pha loãng bằng những giọt dầu rỉ ra từ chiến hạm USS Arizona. Người đời đặt tên những giọt dầu đó là nước mắt đen. (Black tears)


Mỹ-Phượng không hiểu những giọt nước mắt đen đó có khiến ai ngậm ngùi hay không, nhưng nhìn hình dáng chiếc USS Arizona bất động trong dòng nước, nàng xúc động đến lặng người! Nếu từ đệ nhị thế chiến cho đến nay, thời gian và sóng nước đã tạo nên rỉ sét trên thân chiến hạm Arizona thì bây giờ sự xúc động và niềm thương cảm cũng đang gậm nhấm tâm hồn nàng đến rã rời! Quanh nàng, trong ngôi nhà tưởng niệm màu trắng, được bắt ngang thân chiến hạm Arizona, Mỹ-Phượng thấy sự xúc động cũng hiện trên nét mặt của những du khách cùng đi với nàng trên chiếc tàu nhỏ từ bờ ra đây. Không hiểu có phải ngôn ngữ của loài người sẽ làm vẩn đục những chốn trang nghiêm như nơi này hay không mà Mỹ-Phượng không nghe ai nói với ai một lời. Mọi người quanh nàng cố bước những bước hết sức dè dặt mỗi khi phải thay đổi vị trí để được nhìn đủ mọi góc cạnh của chiến hạm Arizona! Mỹ-Phượng có cảm tưởng như quanh nàng mọi vật đều lắng đọng và thời gian như ngưng lại. Mỹ-Phượng tự hỏi, có phải âm thanh sẽ làm kinh động sự linh thiêng u uất trong lòng chiến hạm, mà chính phủ Hoa-Kỳ muốn giữ nguyên hình hài và trạng thái y như trước khi chiến hạm bị tấn công, hay không?

Trong khi thăm viếng chiến hạm Arizona không thể nào Mỹ-Phượng không nghĩ đến chiếc soái-đỉnh 01, thuộc Giang-Đoàn 26 Xung-Phong, bị chìm cạnh đồn thứ 9, trong dòng kinh Trèm-Trẹm. Chiến hạm Arizona bị đối phương đánh lén từ trên không trung; chiến đỉnh 01 bị đánh lén từ dưới lòng sông! Giữa chiến hạm Arizona và soái đỉnh 01, kể từ sự chế tạo, sự hủy diệt, cho đến hình thể, thời điểm, địa điểm, cũng như phương cách và môi trường được xử dụng đều hoàn toàn khác nhau; nhưng, sự đau thương và niềm tiếc nhớ của mỗi nhân viên trên hai chiếc tàu đó để lại cho người thân, Mỹ-Phượng nghĩ, chắc chắn không khác gì nhau. Mỹ-Phượng lại thở dài, đến bên khung cửa nhìn ra xa.


Mỹ-Phượng thấy, xa xa, tiềm thủy đỉnh phế thải Bowfin Submarine cặp nơi chiếc cầu gỗ để du khách vào xem. Tiềm thủy đỉnh Bowfin được hạ thủy đúng một năm sau khi Pearl Harbor bị tấn công, ngày 07 tháng 12 năm 1942. Chiến công oanh liệt của tiềm thủy đỉnh Bowfin là đánh đắm 44 chiến hạm của Nhật; vì vậy, tiềm thủy đỉnh Bowfin được tặng danh hiệu là Pearl Harbor Avenger.


Không xa chiếc cầu gỗ dẫn xuống tiềm thủy đỉnh Pearl Harbor Avenger là Waterfront Memorial; nơi đó có những trụ xi-măng nhỏ, đặt theo hình tròn. Trên mỗi trụ xi-măng được gắn một bản đồng, khắc hình, tên, tiểu sử và những hoạt động của 52 tiềm thủy đỉnh của Hoa-Kỳ bị đánh chìm trong trận thế chiến thứ II.


Những tài liệu và chứng tích lịch sử quanh đây khiến Mỹ-Phượng nghĩ ngợi rất nhiều nhưng không gây được ấn tượng mạnh mẽ trong lòng nàng như khi nàng nhìn lại chiến hạm Arizona.


Chiếc USS Arizona chỉ chìm khỏi mặt nước ở một độ sâu vừa phải cho nên mắt thường vẫn có thể thấy rõ từng ngõ ngách của một sân tàu nguyên vẹn. Mỹ-Phượng còn thấy rõ từng phiến rong rêu nhỏ xíu bám vào mấy sợi cáp dọc theo thành tàu đang đong đưa nhè nhẹ theo sự chuyển vận của dòng nước. Muốn thấy bên trong chiến hạm, Mỹ-Phượng đến khoảng giữa của ngôi nhà tưởng niệm, nhìn xuống. Nhìn khoảng không gian đen ngòm ngập nước, bỗng dưng nàng rùng mình, quay nhìn về phía sau ngôi nhà tưởng niệm; nơi có ghi đầy đủ danh vị của 1,177 sĩ quan, hạ sĩ quan và đoàn viên đã chết theo tàu! Trong sự im lặng gần như tuyệt đối này Mỹ-Phượng nghe được tiếng thở dài của chính nàng và tiếng lách tách của biển vỗ về quanh ngôi nhà tưởng niệm.


Trên chiếc tàu nhỏ đưa du khách rời ngôi nhà tưởng niệm, Mỹ-Phượng nhìn lại xác của chiến hạm Arizona với cõi lòng rưng rức như khuya 29 tháng Tư năm 1975, từ Dương-Vận-Hạm HQ 502, nàng nhìn bến Bạch-Đằng từ từ lùi lại phía xa.


Niềm xúc động cứ vấn vương trong nàng cho đến khi chiếc tàu nhỏ cặp bến. Sau khi du khách rời chiếc tàu nhỏ được một khoảng ngắn, Mỹ-Phượng thấy nhóm du khách khác vừa từ rạp xi-nê - rạp này chỉ chiếu cho du khách xem mỗi một phim tài liệu, quay cảnh thật của trận Pearl Harbor mà thôi - sắp hàng, chuẩn bị đi ra chiếc tàu nhỏ để được đưa sang viếng thăm chiếc USS Arizona. Mỹ-Phượng nghe trên máy phóng thanh lời của cựu Tổng-Thống Bush, “Tôi không trách hận gì người Nhật về trận Trân-Châu-Cảng cả.”


Nghe nhắc đến trận Trân-Châu-Cảng Mỹ-Phượng lại nghĩ đến chiếc Arizona. Và từ sau khi rời Pearl Harbor, hình ảnh chiến hạm Arizona cứ lẩn quẩn mãi trong trí nàng suốt đoạn đường nàng và các con đi tìm ngõ rẽ để lên Natonal Memorial Cemetery of the Pacific, trên ngọn đồi Punchbowl.



Khi đến đoạn đường dốc để lên ngọn đồi Punchbowl, Mỹ-Phượng thấy, gần đỉnh đồi, một bức tường thật cao và rộng; trên đó tượng Nữ-Vương Hòa-Bình (Lady of Peace) được khắc nổi. Với đôi mắt chĩu nặng tình thương và khuôn mặt phúc hậu như gương mặt của Đức Phật Quán-Thế-Âm, Nữ Vương dịu dàng dang đôi tay như muốn đón nhận tất cả khổ đau của loài người. Xe càng lên cao Mỹ-Phượng càng thấy rõ, từ bức tượng, thoát ra sự dịu dàng, nhân ái và khoang hòa.


Từ bãi đậu xe, nhìn bức tượng, Mỹ-Phượng cảm thầy hồn nhẹ tênh, không còn vương chút vui, buồn, yêu, ghét, hờn, giận gì nữa cả. Nàng đi chầm chậm trên con đường chính, hai bên đường là hai hàng cây sao được cắt xén giống như dạng của những chiếc dù. Con đường này dẫn đến những bậc cấp thoai thoải theo chiều cao của ngọn đồi để đến gần bức tượng. Dù hiểu rằng chỉ cần đi chếch về hướng bắc của bức tượng, Mỹ-Phượng có thể thấy bao quát vùng thị tứ, nàng cũng không đi tiếp.


Mỹ-Phượng không muốn đi tiếp không phải vì lười hoặc mệt mà chỉ vì, không biết bắt đầu từ bao giờ, nàng không còn tha thiết và không muốn nhập vào dòng đời phức tạp, đầy lừa đảo này nữa. Không muốn nhập vào dòng đời mà nàng lại không có căn duyên để thoát tục. Những dằn co, trăn trở trong hồn nàng rất mãnh liệt, đôi khi biến nàng thành đứa con bất hiếu; vì nàng đã giám âm thầm hờn trách thân phụ của nàng. Nhưng không âm thầm hờn trách sao được khi mà Cụ thân sinh của nàng - một giáo sư Pháp văn - sớm cho nàng hấp thụ nền văn hóa Tây-Phương và gieo vào đầu nàng tinh thần tự lập, lại đồng thời đóng khung nàng vào mớ luân lý một chiều của ông Khổng, ông Mạnh, ông Trang, ông Lão nào bên Tàu! Lớn lên, Mỹ-Phượng không biết nàng được nuôi trong bầu (3) hay là nuôi trong ống (4). Dù nuôi trong bầu hay trong ống thì tư tưởng của nàng, cũng như tư tưởng của bao thế hệ phụ nữ Việt-Nam, đã bị tật nguyền theo hình dáng cái bầu, cái ống do mớ đạo đức nghịch lý nhập cảng từ mấy ông Tàu đó tạo nên rồi! Đã tật nguyền thì làm thế nào người phụ nữ có thể vùng vẫy để tự cứu mình và cứu các con ra khỏi chốn tận cùng của khổ đau?


Trong khi tim nàng mang đầy tỳ vết đau thương vì một cuộc tình đầy thống khổ, Mỹ-Phượng nhận được vài mối tình đến muộn. Mỹ-Phượng không phải là nữ tu cho nên lòng nàng không thể nào không rung động trước những mối tình muộn màng nhưng đằm thắm đó. Nhưng sự tật nguyền vì hình thể của cái bầu, cái ống khiến Mỹ-Phượng cho rằng sự rung động trong tim nàng là tội lỗi! Vì sợ phạm tội, Mỹ-Phượng trở nên lạnh lùng để che dấu những đột biến và những dằn co dữ dội trong long!


Thái độ của Mỹ-Phượng khiến một trong những mối tình đến muộn cảm thấy bị tổn thương cho nên hỏi thẳng nàng: “Cho đến bây giờ mà em cũng vẫn còn hy vọng rằng người ta sẽ quay lại để thương yêu em như trước sao?”  Nàng trả lời không đắn đo: “Quay lại để làm gì nữa, anh? Em nghĩ, trong mọi ngõ ngách của cuộc đời, người đàn ông có thể ra đi rồi trở lại. Nhưng trong trái tim của người phụ nữ, khi người đàn ông bước ra thì lối về sẽ bị khép kín.” Người ấy lại hỏi, “Như vậy có nghĩa rằng em sẽ không tha thứ cho người ta, có phải không?” Mỹ-Phượng thoáng lúng túng, muốn che giấu những điều không hay của gia đình. Nhưng cuối cùng nàng vẫn thấy nói thật dễ hơn nói dối cho nên nàng đáp, nửa đùa nửa thật: “Em đi tu không được cho nên em không có trái tim Bồ-Tát. Vả lại, đây không phải là lần thứ tư, thứ năm gì đâu anh ạ.” Người ấy đi thẳng vào chủ đích: “Nếu vậy thì em còn lý do nào nữa để chần chừ mà không về với anh? Anh hứa sẽ lo lắng và bảo bọc các con của em.” Vừa khi Mỹ-Phượng cảm thấy hơi xiêu lòng trước sự thương mến và sự kiên nhẫn đợi chờ của người ấy thì mấy bức tượng vô hình của ông Khổng, ông Mạnh, ông Trang, ông Lão từ đâu ùa ra, chạy lanh quanh như tìm kiếm, lục lọi, cố tìm cho ra cái-ý-tưởng-chưa-được-thốt-thành-lời của nàng, để mách lại thân phụ của nàng; mà nàng thì sợ ông Cụ hơn bất cứ sợ một nhân vật uy quyền nào trên hành tinh này! Lý do Mỹ-Phượng sợ ông Cụ đến như vậy không những vì nàng đã tòng phụ đến hơn hai mươi năm mà còn vì ông Cụ là thầy của nàng.


Vì sống trong hoàn cảnh không lối thoát như vậy cho nên trái tim và lý trí của Mỹ-Phượng cứ bị điên đảo quay cuồng trong sự tù quẫn như một linh hồn sa đọa cứ mãi hoài ngụp lặn trong kiếp luân hồi. Hậu quả là nhiều lần nàng muốn chối bỏ cuộc sống đầy oái ăm của nàng! Nhưng khi nhìn các con còn thơ dại, Mỹ-Phượng không đành. Rồi một lần, bao nhiêu đau thương, tủi nhục, sầu hận trong lòng nàng bỗng sôi sục vì sự khiêu khích đầy ác tâm. Ôm các con vào lòng, với ý tưởng điên rồ, Mỹ-Phượng hỏi: “Cuộc đời của măng đã triền miên chìm trong sầu não và đọa đày, măng chịu không nổi nữa. Măng muốn chết. Các con có chịu chết với măng không?” Mấy đứa con lớn im lặng, khóc. Đứa út ôm cổ nàng: “Con chết với măng, mà con sợ họ bỏ con vô hòm, con ngộp thở!” Câu nói ngây thơ của đứa con út khiến Mỹ-Phượng khóc òa. Từ đó, nàng hiểu, dù cuộc đời và người đời có phũ phàng, tệ bạc và cố tình vùi dập nàng đến đâu đi nữa thì, vì các con, nàng vẫn phải sống và phải vươn lên.


Ý nghĩ này giúp Mỹ-Phượng vượt qua không biết bao nhiêu oan khiêng của người và nghiệt ngã của đời; ý nghĩ này khiến nàng thán phục phụ nữ Tây Phương, vì họ can đảm, dám chấp nhận mọi thử thách và mọi hoàn cảnh để không phải sống trong khổ lụy và tủi hờn. Mỹ-Phượng cũng cúi đầu khâm phục sức chịu đựng bền bỉ cũng như lòng hy sinh vô bờ của bao nhiêu thế hệ phụ nữ có cùng ngôn ngữ với nàng; nhưng ý nghĩ này không thể đưa nàng hòa nhập trở lại vào dòng đời; và ý nghĩ này cũng không thể giúp nàng nhìn đời một cách lạc quan.


Ý niệm về cuộc đời và người đời của Mỹ-Phượng là như vậy thì nàng còn muốn lên gần pho tượng Nữ-Vương Hòa-Bình để nhìn xuống dòng đời xuôi ngược dưới phố thị mà chi. Mỹ-Phượng dừng lại, tìm bóng mát, ngồi xuống, nhìn ngắm bức tượng trong khi các con của nàng đi tìm thăm mộ của phi-hành-gia-không-gian, Lt. Col. Ellison Onezuka, tử nạn cùng với phi-hành-đoàn ngày 28-01-1986, trên phi thuyền Challenger, chuyến STS-51L; và thăm mộ của Ernest Taylor, đặc-phái-viên-chiến-trường thời đệ nhị thế chiến.

Khi các con đi xa Mỹ-Phượng mới nhận biết rằng quanh nàng yên lặng quá! Trong sự yên lặng, an bình và thoát tục này nàng nhìn quanh sườn đồi được phủ kín bằng những dãy mộ bia im lìm sát mặt cỏ. Mỹ-Phượng cảm thấy đời sống thật mong manh. Mỹ-Phượng cảm nhận được rằng sự sống đáng quý biết dường nào - dù sống trong hạnh phúc, giàu sang hoặc nghèo nàn, khổ hận, tật nguyền. Nghĩ đến những bất hạnh của con người, nàng chợt nhớ đến cuộc đời đáng thương của nhà văn Claire Tomalin. Mỗi khi nghĩ đến nhà văn này, Mỹ-Phượng thầm phục lòng can đảm, chí phấn đấu và sự hy sinh của Bà sau một cuộc tình nhầm lẫn.


Từ sự ngưỡng phục của nàng đối với hoàn cảnh của nhà văn mang hai dòng máu Pháp Anh, Claire Tomalin, từ những dãy mộ bia và từ sự im lặng thanh thoát quanh đây, Mỹ-Phượng mới hiểu được rằng, nhìn từ một khía cạnh nào đó, quả thật nàng may mắn hơn nhiều người. Trời Phật đã ban cho nàng những đứa con, dâu và rể thông minh, đỉnh ngộ và hiếu thảo. Nghĩ ngợi thêm tý nữa, Mỹ-Phượng nhận ra rằng cuộc đời đã ban cho nàng nhiều ân sủng mà vì triền miên sống trong buồn tủi, uất hờn, nàng vô tình không nhận biết. Một trong những ân sủng hiếm hoi đó là Trời Phật đã cho nàng sức khỏe và chút nghị lực tiềm tàn trong trái tim sầu héo cho nên nàng đã vượt qua những uất ức, muộn phiền để nuôi dạy các con thành thân và thành nhân.


Mỹ-Phượng vừa nghĩ đến đây, các con của nàng trở lại. Gia đình tiếp tục cuộc hành trình quanh đảo Oahu bằng đường bộ. Mẹ con cùng ngắm những triền núi thẳng đứng, đầy góc cạnh; đến những hốc núi cao để nghe gió hú từng chuỗi dài; để ngẫng nhìn những chóp núi ẩn mình trong mưa phùn và mây mù phủ kín quanh năm. Gia đình cũng đến những eo biển xa, ít người tới, để thấy nhiều phiến phún xuất thạch bị nước xoi mòn, trở thành những hình thể quái dị. Xe chạy ngang đồn điền khóm Dole. Mùa này khóm chưa có trái cho nên Mỹ-Phượng chỉ thấy dọc hai bên đường một màu xam xám của những bụi khóm đầy gai. Dưới ánh nắng, lớp nhựa đường ánh lên, từ xa trông giống như dòng sông nhỏ đang lượn quanh trong vườn khóm.



Khung cảnh quanh đây như gợi lại trong hồn của Mỹ-Phượng hình ảnh những dòng sông âm thầm len lõi trong những vườn khóm rộng thênh thang ở Kiên-Hưng. Ven những vườn khóm xinh tươi và những dòng sông hiền hòa đó, nếu không có âm vang kinh hoàng của thủy lôi rồi tiếng súng, máu và xác của thanh niên Việt-Nam khuấy động lòng sông thì, những đêm trăng, cảnh sắc ở đó nên thơ, lãng mạn và quyến rũ vô cùng.


Trong khi Mỹ-Phượng nhớ về những dòng sông xưa thì các con của nàng bàn luận nho nhỏ về những nơi sẽ đi thăm vào những ngày sắp đến. Các con đã quen với những giây phút im lặng rất riêng tư của Mỹ-Phượng cho nên không kéo nàng vào câu chuyện. Nhưng nàng nghe “anh chàng” rể của nàng, vì liên hệ nghề nghiệp, muốn đi xem Astronomical domes, trên ngọn núi cao nhất ở Hawaii, núi Mauna Kea; và con gái của nàng muốn đến Ka Lae, the southernmost point in the United States. Thảo luận một lúc, “anh chàng” rể bảo: “Đi đâu cũng được nhưng phải ưu tiên đưa Măng đi mua lan và những nơi Măng thích trước.” Nghe như vậy, Mỹ-Phượng cảm thấy vui, nhìn các con, mỉm cười, tỏ ý cảm ơn rồi lại nhìn ra xa để ghi nhận những cảm xúc của nàng đối với ngoại cảnh.


Khi đến một eo biển vắng sau những khóm thông già, Mỹ-Phượng nhớ đến bãi biển Đại-Lãnh và những lần cắm trại. Trong trạng thái vô thức, Mỹ-Phượng “ư hử” theo những bản nhạc vui mà ngày xưa, khi đêm về, quanh ánh lửa bập bùng, nàng cùng các bạn thường đồng ca theo tiếng Tây-Ban-Cầm rộn rã và tiếng trống giả do một nam sinh dùng đôi tay đập nhẹ vào phía sau thùng đàn, tạo nên.


Tiếng trống, tiếng đàn và tiếng ca ngày xưa nghe có vẻ ngây ngô, mộc mạc; nhưng sao lúc nào lòng Mỹ-Phượng cũng tràn ngập tiếc nhớ. Nhưng khi nghe tiếng trống dồn dập, tiếng đàn chuyên nghiệp và nhìn những đôi tay dịu dàng cùng những bước chân ngập ngừng một cách điêu luyện của các nghệ sĩ nơi Polynesian Culture Center thì tại sao lòng nàng lại không gợn lên chút lưu luyến nào? Suy nghĩ một lúc Mỹ-Phượng mới hiểu rằng, nàng đi tìm dòng nhạc, tiếng ca và những điệu vũ hoang dã của người Hạ-Uy-Di thuần túy, mà trước mắt nàng lại là một sân khấu, từ kỹ thuật trang trí cho đến màu sắc, ánh sáng và âm thanh đều chịu ảnh hưởng nặng nề của Hollywood thì làm thế nào nàng thích cho được! Tuy vậy Mỹ-Phượng vẫn nhận ra cách dàn dựng của mỗi tiết mục cũng như sự trình diễn liên tục của diễn viên đều mang tính cách phim ảnh cho nên rất tân kỳ, rất rực rỡ và sống động.


Nghĩ đến đây Mỹ-Phượng chợt nhớ đến thân phụ. Và Mỹ-Phượng xin sám hối vì đã hơn một lần nàng âm thầm hờn trách ông Cụ. Nếu không có sự dạy bảo của thân phụ, làm thế nào Mỹ-Phượng có thể hiểu được sự uyển chuyển tuyệt vời của một tấu khúc; làm thế nào nàng biết thưởng thức một đoạn văn hay hoặc một câu thơ ướt tình; và làm thế nào nàng có đủ trình độ để phân định được giá trị của Chân-Thiện-Mỹ. Mỹ-Phượng hiểu, thân phụ của nàng giáo dục nàng theo hình thể cái bầu hoặc cái ống là chỉ với mục đích uốn nắn nàng thành một người Mẹ đức hạnh và một người vợ đảm đang, để xứng đáng với một người chồng tốt. Không thể nào thân phụ của nàng tiên đoán được rằng đời nàng lại rơi vào bế tắt vì một cuộc tình không may!


*      *
*
Xe chạy dọc theo Hawaii Belt road (còn gọi là Hwy 11) thuộc thành phố Hilo, đảo Hawaii (còn gọi là Big Island). Mỹ-Phượng thấy những khóm bông giấy đủ màu, được chặt thấp để mọc xòe ra chứ không cho leo lên giàn để tạo bóng mát như bên mình. Qua khỏi vùng thị tứ, nàng thấy dọc hàng rào mỗi nhà, thiết mộc lan (corn plants) lá xanh mướt, vươn cao khỏi những cụm anthuriums lá xanh, hoa màu đỏ rực và nhụy vàng. Những loại cây này và những loại cây miền nhiệt đới cùng những ngõ ngách để rẽ vào các vườn lan trên con đường nửa quê nửa tỉnh này khiến Mỹ-Phượng nhớ đến con đường Krom thuộc thành phố Hempstead, Florida; chỉ khác một điều, đường Krom và những ngõ ngách rẽ vào các trại lan ở đó đều trải dài trên mặt phẳng; còn đường 11 và những ngõ rẽ vào các trại lan ở đây thì lượn qua nhiều con dốc nhỏ xinh xinh.


Dù tối hôm qua đã mua rất nhiều lan tại Orchid show, sáng nay, thấy những dãy lan xanh mướt được sắp theo loại và tuổi tại mỗi trại lan, Mỹ-Phượng cũng lăng xăng và trong lòng rộn ràng niềm vui thích; chẳng khác gì những lần nàng rộn ràng, lăng xăng trong những buổi lễ ra trường của các con.


Sau khi những giò lan hiếm quý được gói kỹ, cho vào thùng và đóng mộc, rồi đặt vào xe, nơi không bị ánh mặt trời chiếu vào, xe tiếp tục lăn bánh đến những trại lan mà Mỹ-Phượng thường đặt mua theo hình và giá biểu do chủ trại lan gửi đến tận nhà.


Giữa lúc Mỹ-Phượng đang hình dung lại khuôn viên nhà lan (green house) của nàng ở nhà và nghĩ xem chỗ nào thích hợp để đặt những giò lan mới này, nàng chợt thấy xa xa, trên sườn núi, nhiều cụm khói vươn lên. Những cụm khói này hình thể khác nhau nhưng cùng một màu lam nhạt; vì vậy, khi những cụm khói cao vươn khỏi màu xanh của cây rừng, màu khói tưởng như tan loãng, hòa nhập vào mây. Những cụm khói thấp gợi nơi hồn nàng hình ảnh buồn thảm của những buổi chiều sau trận chiến, ở U-Minh.




Những buổi chiều ở U-Minh, khi nghe tiếng súng giao tranh phía xa thưa dần, Mỹ-Phượng thường lẻn vào phòng lái, đứng trên mấy thùng đạn, chồm ra, nhìn về phía còn lác đác tiếng súng để thấy khói vươn lên từng cụm nhỏ. Đó là những cụm khói của tang thương, chia lìa chứ không phải là những cụm khói đầm ấm, sum vầy tỏa ra từ mái tranh của gia đình sau một ngày đồng áng. Nhìn những cụm khói lam dịu dàng tỏa rộng trong ánh nắng hiu hắt của một ngày sắp tàn, Mỹ-Phượng liên tưởng đến những làn khói mong manh cuộn tròn rồi tỏa rộng, vươn cao từ lư hương nơi bàn thờ. Và Mỹ-Phượng tưởng như nàng nghe được tiếng nất nghẹn ngào của những thiếu phụ bất hạnh và nàng cũng thấy được ánh mắt ngơ ngác của những đứa bé có liên hệ với những thân người nằm bất động trên băng-ca, đang được khiêng ra nơi đoàn giang đỉnh ủi bãi. Những lúc đó, hình ảnh Mỹ-Phượng sợ nhất không phải là xác chết, vũ khí hoặc cơ giới mà là hình ảnh một chiếc Jeep đậu ngay trước nhà, rồi một hoặc vài sĩ quan trong quân phục thẳng tắp, bước vào nhà với nét mặt nghiêm trọng! Khi nào hình ảnh này lướt qua, Mỹ-Phượng cũng cúi đầu, niệm danh hiệu Phật Bà Quán-Thế-Âm.


Vừa nhớ đến đây Mỹ-Phượng chợt cảm thấy dường như quanh nàng không khí hơi hâm hấp nóng và mang một mùi là lạ khiến nàng hơi khó thở. Mỹ-Phượng nhìn các cửa xe và thấy cửa vẫn đóng kín và máy lạnh đang hoạt động. Mỹ-Phượng ngẫng lên nhìn ra phía trước đúng lúc chiếc xe rẻ vào Hawaii Volcanoes National Park.


Mỹ-Phượng cùng các con đứng bên bờ vực của miệng núi lửa câm nín Halemaumau. Nhìn một diện tích rộng lớn bị nhận sâu xuống mặt đất và trên diện tích sần sùi đen đủi ấy chỉ còn những cụm khói dật dờ chứ hoàn toàn không có sự sống, Mỹ-Phượng cảm nhận được sự vô thường của vạn vật và sự nhỏ nhoi của con người. Lúc ấy nàng mới nhận ra mùi lạ làm nàng khó thở chính là chất sulfur dioxide từ lòng đất thoát ra.


Xe chạy trên con đường hẹp quanh khu vực núi lửa. Gia đình Mỹ-Phượng ghé thăm miệng núi lửa đã ngưng hoạt động, Kilauea Iki. Vì đã nguội hẳn cho nên miệng núi lửa này là nơi quyến rũ nhiều người thích mạo hiểm để họ leo xuống, thám xét một vùng phún xuất thạch loan lỡ trong một chu vi không tròn như hình thể miệng núi Halemaumau.


Qua khỏi Kilauea Iki, nhìn hai bên đường, Mỹ-Phượng hoàn toàn không thấy được sự sống giữa những khối phún xuất thạch dị hình. Là một người ít thích xem phim loại giả tưởng, vậy mà khung cảnh quanh đây khiến nàng nghĩ đến những phim đó và tưởng như nàng đang lạc vào một hành tinh lạ!
Độ cao của con đường giảm dần cùng với ánh sáng mặt trời. Trời tối hẳn. Quanh khu vực này không có đèn đường. Trong đêm đen, ánh đèn đôi của những chiếc xe cùng chiều hoặc nghịch chiều với xe của gia đình Mỹ-Phượng tạo nên một đường sáng ngoằn ngoèo, từ xa trông như những chòm sao di động. Mỹ-Phượng và các con tìm đến Kilauea volcano, vùng núi lửa còn đang âm ỉ hoạt động.


Sau khi tìm được chỗ đậu xe, Mỹ-Phượng mới thấy quanh nàng người và xe tấp nập. Cửa xe vừa mở Mỹ-Phượng đã ho khan và cảm thấy khó thở, đồng thời mắt sưng lên và nước mắt ràng rụa. Biết Mỹ-Phượng bị bệnh di ứng hành hạ, các con bắt nàng ngồi lại trong xe, cho xe nổ máy để mở máy lạnh. Sau khi nàng trở lại trạng thái bình thường, các con mở nút “on” nơi điện thoại cầm tay của nàng, để cạnh nàng và dặn dò nàng mọi điều cần thiết rồi các con nhập vào dòng người.


Dòng người đi vội vã trong đêm đen, tiếng nói chuyện thì thầm, hơi nóng hầm hập quanh đây, một vùng rực đỏ phía xa và thỉnh thoảng ánh đèn bấm lóe lên khiến Mỹ-Phượng nghĩ đến đoàn người tản cư ngày xưa.


Ngày xưa đó, mỗi lần Tây “nả moọc-chê”, (danh từ ngày đó thường dùng) nhiều người gồng gánh tản cư, vì nghĩ rằng thế nào Tây cũng đổ bộ. Trong những đêm tản cư như vậy, Mỹ-Phượng thường thấy xa xa một khu vực rực lửa, vì bị trúng “moọc-chê”. Đoàn người đi mà không biết đi đâu. Cứ ban đêm đi, ban ngày sợ máy bay, trốn dưới mấy gốc cổ thụ; vài ngày thấy yên yên thì về. Nhiều khi đang đi, nghe tiếng máy bay, đoàn người ngồi thụp xuống, tắt hết mấy ngọn đèn lồng. Những lúc đó bà Ngoại của Mỹ-Phượng thường lập lại một câu mà nàng không nhớ thân phụ của nàng đã giải thích cho Ngoại bao nhiêu lần rồi: “Tại răng trời tối thùi thui như ri mà thằng Tây hắn thấy đường hắn lái tàu bay, tài rứa hè?” Còn Mỹ-Phượng, tản cư hoài cực khổ quá, nàng chịu cực không quen cho nên cứ cầu nhầu với ông Cụ: “Sao Ba giỏi tiếng Tây mà Ba không chịu ở lại, gặp mấy ông Tây xin mấy ổng việc làm mà Ba tản cư chi cho cực vậy, Ba?” Thân phụ của Mỹ-Phượng cười, xoa đầu nàng: “Cha mày – ông Cụ thường dùng hai tiếng này để tỏ lòng thương của Ông đối với các con – tao mà mày biểu làm việc cho Tây hả? Đời nào, con!” Lúc đó Mỹ-Phượng chỉ đủ khôn để hiểu rằng ông Cụ không thích Tây, chứ nàng không ý thức được những gì ẩn dụ trong câu nói đầy tự hào của Ông.


Thời điểm đó, nếu phải tản cư, Mỹ-Phượng thích tản cư vào những đêm trăng; vì dưới ánh trăng, cảnh sắc ở thôn quê nên thơ và đẹp vô cùng. Tản cư vào những đêm mưa là một khổ nạn. Tản cư vào những đêm tối trời như đêm nay, Mỹ-Phượng nhận ra được những nét bi hùng của ánh lửa từ xa, của chút ánh sáng leo lét từ mấy chiếc đèn lồng và của tiếng nói chuyện nho nhỏ, mang âm hưởng sợ sệt, lo âu, của đoàn người.


Đoàn người tản cư ngày xưa trông bi hùng vì mang nặng tính cách lịch sử. Đoàn người tối nay đi tìm xem những biến động kỳ bí của thiên nhiên cho nên giọng nói của họ thoát ra âm hưởng rộn rã, như họ vừa nói vừa cười.


Mỹ-Phượng nhìn quanh. Trời tối đen. Mỹ-Phượng không thể phân biệt được đâu là núi, đâu là vòng chân trời và đâu là vùng phún xuất thạch khô. Trong không gian đen kịt đó, Mỹ-Phượng chỉ thấy một vệt đỏ như máu, rất lớn, di động rất chậm theo chiều ngang. Vệt đỏ như máu đó, đối với nàng, vì nhìn từ xa, không có vẻ gì hung tợn như tên gọi – hỏa-diệm-sơn – mà lại trông giống như một “vết thương” còn tươi. “Vết thương của đất”.


Đất phải chịu sự cọ xát đớn đau ghê gớm lắm cho nên đất mới nổ bùng dữ dội để thành “vết thương” vĩ đại đến như vậy. Cuộc đời của Mỹ-Phượng chịu biết bao nhiêu cọ xác đớn đau giữa trái tim khao khát yêu đương và mớ đạo đức nghịch lý của mấy ông Tàu; vậy mà vết thương của nàng chỉ âm ỷ, thỉnh thoảng mới thoát ra bằng những giọt nước mắt hoặc bằng tiếng thở dài! Sự so sánh khôi hài này khiến Mỹ-Phượng nhận thức rất rõ rằng cái “tôi” của nàng quả thật chẳng là gì cả so với vũ trụ bao la! Cái “tôi” của nàng đã nhỏ bé thế kia thì nỗi đau thương trong lòng nàng cũng đâu có lớn lao gì! Vậy thì buồn khổ làm chi; nhất là buồn khổ vì một người đàn ông đã lừa dối mình từ đầu cuộc tình cho đến cuối cuộc tình!


Ý nghĩ này giúp Mỹ-Phượng dập tắt được ngay nỗi u sầu, buồn tủi đã xâu xé tâm hồn nàng từ suốt mấy mươi năm qua. Nhờ vậy, nàng nhìn lại “vết thương của đất” với tâm trạng của một người biết cảm nhận tất cả vẻ đẹp huyền bí của thiên nhiên. Càng xa điểm khởi hành bao nhiêu, “vệt máu tươi” nơi “vết thương của đất” càng xuống thấp bấy nhiêu. Nơi chỗ thấp nhất - các con của nàng kể lại - du khách có thể đứng gần để nhìn tận mắt lượng phún xuất thạch đỏ thẫm chảy cạnh chân mình. Khi dòng phún xuất thạch nóng này chảy ra biển, gặp nước, sẽ biến thành cát đen.


Nhắc đến cát đen Mỹ-Phượng chợt nhớ đến giãi cát đen lóng lánh trong ánh nắng chiều, ở Punaluu Beach Park. Hôm ghé thăm bãi biển đó, nàng ngạc nhiên đến sửng sờ. Nàng ngồi bệt trên cát, lùa cát trong lòng bàn tay.


Hôm đó nhìn những hạt cát đen tuyền chạy qua kẻ tay, tối nay nhìn “vết thương của đất” đỏ thẫm màu máu, Mỹ-Phượng cảm nhận được sư vĩ đại và kỳ bí của Đất Trời. Lúc này, trong lòng nàng, sự xúc động về chiến hạm Arizona cũng như những ưu tư, khắc khoải về cuộc đời và những tủi buồn về một cuộc tình tàn phai đều đã lắng xuống; chỉ còn lại niềm vui thích trước những cảnh sắc hùng vĩ và thơ mộng của một quần đảo mà, từ ngày thân phụ của nàng mới tập cho nàng hát bản nhạc ngoại quốc đầu tiên, nàng đã từng mơ ước được đến một lần.


Xe chạy chầm chậm trên con đường vắng, gần biển, để trở về khách sạn Hawaii Noniloa.


Từ lang cang trước phòng 511 của khách sạn Hawaii Naniloa nhìn ra vịnh Hilo, Mỹ-Phượng thấy từng khóm thông già đang lã lơi với gió, trên một bờ biển lởm chởm đá đen. Vài chiếc du thuyền đang yên nghỉ nơi cuối ghềnh, về phía phải của khách sạn. Nơi ngọn đồi thấp, bên trái của nàng, vạn vạn ngôi nhà đã chìm vào màn đêm; chỉ còn lại một vùng ánh sáng rực rỡ, từ xa, trông như lượng lân tinh khổng lồ vừa rơi xuống từ đỉnh trời, chảy xuôi theo triền đồi rồi dừng lại nơi bờ biển.


Đêm chưa khuya nhưng chung quanh hoàn toàn vắng lặng. Tâm hồn Mỹ-Phượng được vỗ về bằng lời thì thầm của sóng và tiếng vi vu của ngàn thông. Lúc đó, đoạn nhạc mà thân phụ của nàng đã tập cho nàng hát từ ngày nàng còn bé thơ lại reo lên âm thầm trong nàng. Mỹ-Phượng cao hứng hát nho nhỏ, mà nàng không chắc nàng nhớ đúng lời ca; và Mỹ-Phượng cũng không hiểu tại sao nàng lại bắt đầu ngay đoạn giữa: “...Goodbye Hawaii. Je pars aujourd’ hui pour toujours, mais mon âme ravie. Te doit tes plus beau jours. Oh terre bénie! C’est dans ton merveilleux séjour, où tout est poésie. Que J ‘ai connu l’amour.” (5)


Hơn nửa thế kỷ trước, một nghệ sĩ tài hoa – Tino Rossi – đã đến đây, biết được tình yêu và để lại cho đời những dòng nhạc bất tuyệt. Giờ đây, là một người bình thường, Mỹ-Phượng đến đây, tìm được niềm vui và ý nghĩa của sự sống, xin để lại nơi này chút tình yêu còn sót lại của một trái tim đã khép kín từ lâu./.


ĐIỆP-MỸ-LINH
http://www.diepmylinh.com


1.- Tình Nhớ của Trịnh-Công-Sơn.
2.- Đoạn đầu của nhạc phẩm Goodbye Hawaii của Tino Rossi.
3 và 4.- Ngạn ngữ Việt-Nam “Ở bầu thì tròn, ở ống thì dài.”
5.- Đoạn giữa và cuối của nhạc phẩm Goodbye Hawaii của Tino Rossi.


No comments:

Gia đình Trump: một đế chế gia đình Mỹ-Tác giả,Ana Faguy

HÌNH ẢNH,EPA Tổng thống đắc cử Donald Trump cùng gia đình và một số thành viên Đảng Cộng hòa Trước khi tham gia chính trường, Donald Trump đ...