Tuesday, January 8, 2019

TÔI GIA NHẬP: “Hàng Hải Thương Thuyền” Chí Hợi


 

Lời mở đầu: Gia nhập Hàng Hải Thương Thuyền Việt Nam muộn màng, chỉ xin kể và trình bày những gì tôi được học hỏi và hiểu biết ít ỏi mà thôi. Sự hiểu biết này đương nhiên không được nhiều chi tiết sâu xa và phong phú, nhưng tôi cũng xin mạo muội được phép trình bày để qúy vị vui đọc. Để được biết nhiều chi tiết hơn và nhất là những chi tiết thuộc lúc mới thành hình sơ khai HHTT Việt Nam trong những giai đoạn xa xưa, xin “thỉnh vấn” các bậc cao niên lão thành trong nghề, xin miễn thứ cho người viết này. Nhiều vị niên trưởng thâm niên đã từng phục vụ nhiều năm trên tầu buôn trước khi gia nhập HẢI QUÂN chắc rõ nhiều về lịch sử HH/TT/VN.

Tôi đi làm tầu buôn VN kiếm kế sinh nhai trong lúc giai đoạn chiến tranh khốc liệt nhất. Đồng Minh Mỹ lần lựơt rút khỏi đất nước, để lại một lỗ hổng to lớn trên chiến trường mà toàn thể QLVNCH phải gánh chịu. Chiến trường gia tăng với các “trận địa chiến” lớn có xe tăng và đại pháo của VC tham dự, Quân Lực ta phải đơn phương chống trả mãnh liệt.
Đường thiết lộ Saigon đi Đà nẵng và Huế bị gián đoạn nhiều chỗ không đi suốt đựơc. Có chăng là các chặng nhỏ chạy từ thôn quê ra các quận hay tỉnh lẻ gọi là “tầu chợ” mà thôi.
Đường Quốc lộ số 1 tốt, trải nhựa, xe cộ đi lại thường xuyên, nhưng đôi khi cũng bị VC phá hoại, làm gián đoạn, nhưng nó cũng vẫn là mạch máu quan trọng nhất cho nền kinh tế của miền Nam.
Đường biển đóng một vai trò vô cùng quan trọng trong vấn đề tiếp tế các tỉnh miền Trung. Các tầu buôn tham dự việc vận tải thường là lọai nhỏ, trên dưới 1000 tấn, vả lại các tỉnh miền Trung có cầu tầu nhỏ, chỉ thích hợp để các loại tầu trọng tải ít cặp bến mà thôi. Hàng chính là gạo, bột mì, sữa và các nhu yếu phẩm khác. Tầu lấy hàng ở kho trung ương thương cảng Khánh Hội hay các cầu tầu Nguyễn Huệ hay Hàm Nghi tại bến Bạch Đằng, chở ra miền Trung tại các hải cảng Nha Trang, Qui Nhơn hay Đà nẵng.
Lực lượng HH/TH/VN có một số tầu và trọng tải thật khiêm nhượng. Lý do chính mà đội thương thuyền khó phát triển mạnh mẽ được, một phần đều do nền kinh tế phải phụ thuộc vào tài chánh viện trợ của Mỹ, phần phá hoại tối đa của VC, lúc nào chủ tầu cũng luôn sợ VC phá hoại đặt mìn làm chìm tầu như chiếc Phong Châu, Trường Vinh v.v… nên không dám mua tầu lớn.

Tầu các nơi trên thế giới đến VN qua phương thức viện trợ kinh tế, đều do các tầu lớn thuộc loại viễn dương (Ocean Going) được các tầu Mỹ chở tới, đồng thời cũng do một số tầu lớn khác của Pháp, Nhật, Anh v.v… đảm nhiệm. Hàng xuống bến ở thương cảng Khánh Hội Saigon, Sau đó được đem phân phối đi các tỉnh toàn quốc, đội thương thuyền VN nhận lãnh chở tiếp đi miền Trung. Các bến cảng Nha Trang, Quy Nhơn, Đà Nẵng quá bé nhỏ, không đủ chiều sâu để để các tầu lớn vào cặp bến xuống hàng.
Sau này, khi chiến cuộc lên đến cao điểm với khoảng hơn nửa triệu lính Đồng Minh tham chiến, nhu cầu tiêu thụ hàng hóa càng lớn. Các tầu lớn neo trong vịnh tại các bến, chỗ có nước sâu. Hàng được đổ xuống các xà-lan cặp bên cạnh, rồi sau đó có các tầu kéo dắt xà-lan vào bến để đem hàng lên bờ.
                                                              1

Dàn “tầu Bà”, tên gọi như vậy để ám chỉ bà Trần lệ Xuân, vợ ông cố vấn chính trị Ngô Đình Nhu. Ông này sáng lập ra đảng “Cần Lao”, một đảng hoạt động để lấy quỹ phục vụ cho hệ thống gia đình trị nhà họ Ngô. Sau ngày Cách Mạng  01/11/1063, tất cả các tầu thuộc công ty có tên như Nhật Lệ (tầu mới, lớn nhất và chạy nhanh nhất), Trường Sơn, Phú Quốc, Thống Nhất, Đại Hải, Thăng Long (bị chìm) đều bị tịch thâu hết.
Tất cả các tầu này đều mới do Âu Châu đóng, (không rõ xứ nào) ở trong tình trạng hoàn hảo.
“Hỏa Xa Việt Nam” được giao phó điều hành chuyên chở. Công ty hỏa xa này không có chuyên môn về đường biển, nhưng có cơ xưởng to lớn, có khả năng sửa chữa và bảo trì các máy móc của tầu. Cách đó nhiều năm, công ty này cũng quản lý và điều hành một chiếc thương thuyền khá lớn tên Lê văn Thương, nhưng chiếc này bị tai nạn đụng đá ngầm ở Cù Lao Ré và bị chìm. Tình trạng tu bổ bảo trì càng ngày càng giảm vì thiếu ngân quỹ, nhiều chiếc bị bất khiển dụng, nằm ụ ở bến lâu dài. Một số SQ/HQ được biệt phái sang lái tầu như ông Bùi hữu Thư, Lê văn Thì, Dương văn Qúy, Nguyễn hoài Bích, Nguyễn phú Bá, Thành (K.12) v.v… và cùng một số HSQ trông nom ngành cơ khí và vận chuyển .
Một hãng lớn khác nữa, hãng Vishipco Lines do ông Trần Đinh Trường làm chủ có nhiều tầu nhất. Ban đầu là chiếc Sao Mai, sau này anh Lê văn Rạng (K10) được biệt phái qua làm thuyền trưởng. Công ty này làm ăn phát đạt, mua nhiều tầu thêm như Trường Xuân, Trường Thành, Trường Sinh, Trường Vinh v.v… và chiếc tầu dầu Hòa Bình có ông Quỳnh K.7 qua làm thuyền trưởng. Tất cả đều cũ, mua lại của Nhật, tình trạng không được tốt lắm, phải sửa chữa thường xuyên luôn. Lúc này thuyền trưởng dân sự bị động viên và khan hiếm, chủ nhân công ty này có thế lực, xin được biệt phái nhân viên Hải Quân qua biệt phái làm việc.
Xin đề nghị qúy độc giả tìm xem quyển “Hồi ký một đời người” do tác giả Phạm văn Lũy, đồng thời cũng là thuyền trưởng tầu Trừơng Xuân kể chuyện ly kỳ về công tác chở người vượt biển sau năm 1975.
Ngoài ra còn một số tầu khác nữa, nhưng đa phần một công ty mang tiếng chuyên chạy đường biển nhưng chủ tầu chỉ có một hay hai chiếc mà thôi.
Tầu Á Châu I tuy cũ kỹ nhưng tình trạng vỏ và máy tốt, vẫn chạy miền Trung đều đều không gián đoạn. Có anh Ngô tấn Quanh (K.11) xuống làm dịch, tức là SQ đệ tam.
Tầu Khánh Hòa cũ nhưng tình trạng vỏ và máy tuyệt hảo (có lẽ do Đức đóng, tôi không rõ lắm), thuyền trưởng là ông Khưu văn Đức, ông này thuộc giới hàng hải kỳ cựu, rất giỏi nghề đi biển, được xếp hạng “Loup de Mer” rất xứng danh, rất sành sõi trong nghề đi biển. Tầu được mang tiếng vô địch chạy đuờng Saigon-Đànẵng. Thời gian ăn hàng ở Saigon, chạy ra Đànẵng xuống hàng, rồi trở về bến cũ chỉ đúng một tuần lễ, ít có tầu nào làm đựơc. Một tháng có thể chạy 4 chuyến như vậy. Tất cả thủy thủ đoàn đều hân hoan vì sau chuyến thứ 2 trong tháng, chủ tầu thường cấp phát một món tiền thưởng cho mọi người để khuyến khích công lao của họ. Thời tiết xấu cỡ nào cũng chạy, chỉ trừ khi có bão mà thôi.  
Chiếc Phong Châu, một chiếc gọi là “Sister Ship” mang mệnh yểu. Tầu đang cặp bến Đànẵng xuống hàng, bị VC pháo kích, bị cháy và chìm tại bến. Xin chào “Vĩnh Biệt” người bạn đồng hành thân thương. Tầu bị cháy vì trên boong chứa nhiều thùng thiếc dầu lửa loại 20 lít.

                                                                    2

Ông Hồ văn Tư, một nghiệp chủ có ba chiếc tầu. Tầu dầu M/T Anh Tuấn, mua lại của Nhật, cũ nhưng kiến trúc theo kiển mới. Đài chỉ huy ở gần phía đầu mũi, rộng rãi, có chỗ ăn ngủ khang trang cho SQ boong, phần phía sau gần lái là nhà bếp, chỗ ăn ngủ khoáng đãng mát mẻ cho mọi nhân viên thuỷ thủ và cơ khí. Ông TƯ có ký contract với hãng ESSO, lấy dầu ở Nhà Bè và chở đi các tỉnh miền Trung. Dạo đó tôi đi làm “dịch”, thuyền trưởng là ông Tạ Cảnh Hy, cũng là một người cặp tầu rất khéo. Hãng Esso nhỏ hơn hãng Shell VN, nên chỉ có một cầu tầu nhỏ nằm trong một cái lạch thật chật hẹp, chiều ngang con lạch chỉ lớn hơn bề ngang chiếc tầu khoảng 5-6 thước mà thôi. Chiều dài vào cặp bến thì choáng hết lòng con lạch, vì vào sâu nữa thì cạn, rất nguy hiểm. Mỗi lần cặp cầu, thuyền trưởng phải vận dụng tất cả khả năng khéo léo trong nghề đề mang con tầu cặp vào và ra bến an tòan, không được va chạm. Xin nhấn mạnh là tầu dầu chứa đầy khoang là một món hàng rất dễ cháy và nguy hiểm, vận chuyển phải tuân theo nhiều luật khắt khe về bảo vệ an toàn.   
Muốn vào cặp bến trong con lạch đó, thuyền trưởng phải chờ đợi lúc nước đứng, tức là lúc giòng nước đứng yên, (thời điểm cao nhất của nước lớn high tide hay là thời điểm thấp nhất của nước ròng low tide, khoảng thời gian này chỉ tồn tại trong một thời gian thật ngắn mà thôi, tùy theo mùa trăng con nứơc).
Lúc cặp bến ăn hàng, tầu nhẹ nổi lên cao, lườn tầu thấp cạn nên có thể vào lúc nước đứng ròng (thấp), thời điểm canh phải đúng lúc và lợi dụng tối đa lúc thời gian quý hóa đó trong một khoảnh khắc rất ngắn. Lúc tầu chứa đầy hàng, tầu nặng chìm khẳm, phải canh lúc nước đứng lớn, de thụt lùi ra khỏi bến một cách an toàn. Hãng Esso chỉ có một chiềc xà lúp (chalutier) nhỏ xíu dùng phụ giúp cột dây, đôi khi không có thể trợ giúp đắc lực được trong việc vận chuyển đưa đẩy con tầu to lớn và nặng nề ra khỏi lạch. Tại các bến giao hàng như Nha Trang và Quy Nhơn, việc vận chuyển cặp bến có phần dễ dàng hơn. Tại bến Đànẵng, tầu phải cột phao rồi chuyền ống bắt lên bờ, các bồn dầu ở trên đồi cao nên các máy bơm phải chạy hết công xuất để bơm cho mau chóng.   
Chiếc thứ hai mang tên M/V Nam Việt cũ kỹ, vỏ tầu sét rỉ, máy móc rất yếu. Pistons, cylinders lỏng le, mòn gần hết. Mỗi lần chạy máy, ống khói xịt ra từng chùm khói đen vì dầu cháy không hết do bị mất sức ép vì các vòng piston bị mòn và hở. Tốc độ 6-7 gút. Nguyên thủy nó là tầu chở hàng (coastal trader) nên sau này được biến cải thành tầu dầu, chuyên đi Nam Vang mang nhiều lợi nhuận hơn cho chủ. Ông Nguyễn văn Bưởi và Tạ cảnh Hy đã làm việc trên những chiếc đó nhiều năm.
Một chiếc khác mới, lớn và tối tân và máy mạnh hơn tên M/V Tân Nam Việt do thuyền trưởng Trương Hạo chỉ huy, ông này rất giỏi về hàng hải và cặp tầu. Chiếc này chuyên chạy đường Singapore, Hồng Kông, trọng tải cỡ trên 3000 tấn.
Chiếc M/V Nam Quan mua lại của Nhật, nhưng rất tốt. Được kỹ sư vẽ kiểu chuyên môn chở gỗ súc (lọai thân gỗ thông rất dài) nên chỉ có một miệng hầm (hatch) rất dài, khác thường so với các tầu khác. Thuyền trưởng là ông Ngô văn Ngữ, một sĩ quan Pháo binh giải ngũ, thuyền phó là anh Đặng Xuân Bính, cử nhân toán, bị động viên vào HQ, có phục vụ trên HQ.502  và sau này được giải ngũ. Tôi và anh Nguyễn Phú Mỗ đã có thời gian thay phiên nhau làm dịch trên chiếc này. Đó cũng thuộc loại vô địch chạy đường Saigon/Đànẵng.




                                                                    3

Chiếc M/V Đại Dương do Anh đóng, cũ kỹ thuộc loại chở hàng và người (loại paquebot-cargo) có phòng ốc rộng rãi, đầy đủ tiện nghi, khoang chứa hàng to lớn và cần cẩu “Grue” (cần cẩu bằng điện, xoay trở phải trái, lên xuống dễ dàng) chuyên chạy đường Đànẵng và Singapore, cũng thuộc loại nhỏ (không rõ trọng tải).

Chiếc M/T Long Châu thuộc công ty Nam Hải, tầu dầu do Nhật đóng, mới, máy móc tuyệt hảo có radar và tay lái tự động (auto-pilot nhưng tầu không dùng). Thuyền trưởng là ông Khánh, cũng được xếp thuộc loại vô địch chạy miền Trung không gián đoạn thời gian nào. Công ty còn có chiếc M/T Vĩnh Long, nhỏ hơn, tình trạng rất tốt, chuyên chạy đường Cần Thơ, ít khi ra biển mà có đi xa, chỉ tới Nha Trang mà thôi. Giới hàng hải thường hay ghen tỵ và đặt tên cho nó là “Du Thuyền Vĩnh Long”, vì mỗi chuyến đi về Miền TÂY là một cuộc du lịch, trên bến dưới thuyền, đủ mọi thứ vui chơi giải trí cho thủy thủ đoàn, trái cây, ăn nhậu đủ món ăn chơi, có người lại còn đặt “Phòng Nhì” (vợ bé) ở đó để thỉnh thoảng và đều đều về thăm luôn. Ngoài hai chiếc kể trên, công ty Nam Hải còn có một đội tầu đánh cá khá tối tân, kiểu mới, trang bị radar và máy LORAN (máy  định vị trí) cũng mua của Nhật và thuê mướn thuyền trưởng Nhật chỉ huy, làm luôn chuyên viên đánh cá.
Chiếc M/V Đồng Nai mới tốt do thuyền trưởng Nguyển Đinh Khôi chỉ huy. Ông này di tản qua Úc, làm việc tại Australia Post, và đã quá cố cách đây ít năm. Nguyên lúc trước, ông này đã làm thuyền trưởng chiếc M/V DINARD của chủ tầu người Pháp, tầu này tuy nhỏ nhưng đã đóng góp nhiều vào việc tiếp tế miền Trung. Tôi đã được thụ giáo rất nhiều do ông này truyền cho trong việc hải hành cận duyên không radar lúc ban đêm. Cách quan sát bờ  bằng cách nhìn ống nhòm ban đêm để nhận diện hình thù các đối vật, định vị trí chính xác và nhất là lúc thời tiết thật xấu, trời mù mịt không định được vị trí, các đối tượng trong bờ không nhìn thấy. Xếp máy là ông Lâm văn Bổn, Máy Nhì là ông Tôn Thất Thuấn, tôi đi làm goòng (thuyền phó). Tầu chạy đường Đànẵng chuyên chở gạo nhưng đôi khi cũng chở hàng Quân Đội gồm thực phẩm khô, gạo sấy, đồ hộp để tiếp tế chiến truờng miền Trung. Hàng Quân Đội thường được xuống tại Tân Cảng “New Port” một hải cảng to lớn, mới do Mỹ xây cất ở phía Bình Lợi, các tầu xuyên đại dương khổng lồ có thể cặp được.
Khi ở bến, lên và xuống hàng đều do các đơn vị Quân Nhu lo việc tiếp nhận. Chuyến về, thường không có hàng, khoang tầu trống trơn, nhẹ, nổi bổng lên. Các ballast chở dầu, vì một phần đã tiêu thụ trong chuyến đi, trống rỗng và được dằn nứơc biển vào đầy để tầu dễ hải hành. Sau ngày 30/04/75, không thấy nó còn ở VN.
Chiếc M/V Đông Hải, chủ tầu là ông Trần văn Tòng, hiện định cư tại Anh Quốc, do tôi làm thuyền trưởng. Tình trạng tầu cũ kỹ, sét rỉ và máy rất yếu. Trong chuyến hải hành định mệnh cuối cùng khoảng đầu tháng 3/75, với ý định nguyên thủy của chủ tầu là đi Dà-Nẵng, triệt thối   hàng quý của một số nhà giầu có và một ít xe du lịch đắt tiền như Peugeot, Mercedes v.v…. Tầu đi qua Nha Trang lúc đang nửa đường, được tin Đànẵng bị thất thủ, tràn ngập hỗn loạn. Tầu được lệnh vào Nha Trang nhưng không cặp bến Cầu Đá được để nhận hàng. Lý do cầu tầu không có chỗ trống vì đang có chiếc Cypréa, một tầu của hãng SHELL (lúc này do anh Bùi xuân Đàm chỉ huy) và một chiếc tầu Bà, quên không rõ tên cũng đang cột ở bến.
          Hàng không có, tôi cho tầu neo trong vịnh, nhưng chỉ cách cầu tầu độ trăm mét.  

                                                                              4
                                                                                 

Từng đoàn ghe máy nhỏ trong đó có một số ghe của Hải Thuyền chở nhiều người tỵ nạn cặp vào tầu và họ tự động trèo lên. Không ai có thể ngăn cản họ được vì như sóng nước vỡ bờ. Quá nửa đêm, còn có thêm nhiều đợt ghe cặp lại càng ngày càng đông. Tôi cảm thấy không an toàn cho con tầu, vì nó quá bé nhỏ mà phải chở một số lượng lớn hành khách. Tôi ra lệnh kéo neo, chạy trở về Saigon mặc dầu ngay chiều hôm đó Đại tá Quân Trấn Trưởng có xuống Cầu Đá  ra lệnh “trưng dụng” tầu của tôi, không cho phép tách bến và để xử dụng cho công ích. Tầu cũng đã di tản khoảng 1000 người, họ ở đầy trên boong và dưới hầm hàng. Đến Vũng Tầu, được lệnh của Quốc Vụ Khanh cho tất cả mọi người di tản phải lên bờ và về Saigon bằng đường bộ.
Lại một lần nữa, các ghe nhỏ Hải Thuyền, PCF và PBR của Hải Quân đảm nhiệm công việc chuyên chở đám dân tỵ nạn vào bờ. Đồng thời tôi cũng được mục kích cảnh Quân Cảnh tước khí giới của tất cả mọi binh sĩ gồm mọi binh chủng khi họ tuần tự rời từ chiếc tầu chở hàng to lớn của Mỹ (tôi quên tên rồi) để đi lên bờ. Chiếc tầu Mỹ này di tản từ Đànẵng, lúc đầu định chở tất cả mọi người đổ bộ tại Phú Quốc, nhưng sau vì bị hăm cho mìn nổ tan tầu, nên được chỉ thị của cấp trên cho đổ bộ tại Vũng Tầu thể theo lời yêu cầu của tất cả mọi người mà đa số là binh sĩ mọi binh chủng trên tầu.
Tầu chạy không có hành khách vào bến Saigon.
Ngày 30/04/75, quãng gần trưa, tầu biến mất đang khi được cột tại cầu tầu, bến Nguyễn Huệ. Không biết định mệnh cô nàng “Đông Hải” sau này ra sao? Nghe nói “Cô ta” đã trở thành phế thải, sắt vụn bán VE CHAI rồi. Farewell my dear “M/V Đông Hải”.
“… You have abadonned me, oh! “MY DEAR LOVE…”
Anh Trần Hồng làm SQ Vô Tuyến, sau này qua định cư tại Pháp, được phong tưóc: “Lão Tướng Trần Hồng” vì anh này đã làm một hành động phi thường. Anh đã công khai và ngang nhiên dùng xe ủi đất thuê được, đẩy sập cổng chánh ra vào Tòa Đại Sứ VC tại Paris. Bị tù, nhưng chính quyền Pháp phải nể sợ và cho thả anh ra sau một thời gian rất ngắn. Xin nhấn mạnh là anh này đã giúp đỡ cho nhiều người tỵ nạn (phần lớn đều là chức sắc cao cấp) đang có ở trên tầu trong chuyến đi Nha Trang kể trên, bằng cách cố công lần mò tần số để liên lạc vô tuyến điện với các đơn vị bờ, chiến hạm hay tầu buôn khác để tìm kiếm thân nhân trong lúc hỗn lọan di tản.
Đựoc anh Hòanh Minh phụ tá làm thuyền phó giúp đỡ một cách đắc lực trong việc nhận    một số “hành khách bất đắc dĩ”, anh đã duy trì một sự trật tự, an toàn và nhất là anh đã tịch thu được một vài khẩu súng của các binh sĩ thuộc loại “Ba Gai” đang có ở trên tầu, nên trong chuyến về không có xẩy ra các chuyện cướp bóc, hỗn loạn mất trật tự và cướp bóc như trường hợp tầu   Á Châu I đã xẩy ra. Tầu này có anh Ngô Tấn Quanh (K11) đi làm Dịch.
Ngoài ra đảm nhiệm chức Xếp Máy là ông “Đốt” (tức xếp máy Đốt) ông đã duy trì một cách khéo léo tình trạng kỹ thuật của máy chánh tuyệt hảo, mặc dầu máy đã bị bỏ hoang phế, không trông nom chăm sóc trong thời gian rất dài ở bến, lúc trước chuyến đi này.
Chức máy nhì (officier mécanicien en seconde) là anh Hòang Trọng Tý, một chuyên viên giỏi của ngành cơ khi máy tầu.
Trong những giai đoạn đường bộ bị gián đọan gặp nhiều khó khăn, người có tiền đã nghĩ ra phương tiện chuyên chở hàng bằng những chiếc ghe gỗ, trọng tải 100-200 tấn chạy đi miền Trung. Ghe gỗ mới, được đóng chắc chắn tại các xưởng ở Bình Đông hay cầu chữ Y, được gắn động cơ mới Yanmar 6 blocks, công xuất cao. Chủ tầu mướn tài công không được giỏi, không quen chạy đường biển mà chỉ chuyên chạy đường sông. Một số ghe bị mất tích trong chuyến đi đầu tiên (maiden voyage), hoặc đi lạc đường, hoặc bị mắc cạn vào đá ngầm, hàng hóa mất và ghe máy tan nát hết. Bị tổn thất nhiều, sau này không còn thấy các loại ghe máy kiểu này nữa.
Một chiếc tầu khác to lớn hơn hết, trang bị thật hiện đại,  được coi như là một niềm hãnh diện của HH/TT/VN, đó là chiếc M/V Việt Nam Thương Tín, trọng tải 10.000 tấn, do thuyền trưởng Thống chủ huy. Tầu này chuyên chạy đi Mỹ chở hàng hóa đủ loại về VN.
Ngày biến cố 30/04/75, chiếc này chở một số lớn người tỵ nạn qua Mỹ. Lúc qua ngang Nhà Bè bị VC ở trong bờ bắn súng lớn trúng bên hông thành tầu, làm cho nhà văn Chu Tử chết và nhiều người bị thương. Tầu đến Guam, một số người đòi về vì nghe tin chiêu dụ qua đài VC.    Anh Trần đình Trụ cùng một số HQ hợp nhau lái tầu về. Đến Nha Trang, mọi người được hoan nghênh chào đón, một ít ngày sau đa số có liên quan đến chế dộ cũ bị bắt đi tù cải tạo hết, thế mới biết và học được một bài học quá đắt giá và một kinh nghiệm đau thương: “thế nào là Cộng Sản” thì đã qúa muộn rồi. Hỡi ai hãy còn tin nơi Cộng Sản thì hãy xin mở sáng mắt ra cho tỏ.
Tại vùng Rạch Giá cũng có xẩy ra một chuyện tương tự. Một số quân nhân và gia dình thuộc vùng 4 dùng nhiều ghe đánh cá gắn động cơ (Xin nói rõ, vùng Rạch Giá có nhiều ghe đánh cá to lớn, máy mạnh và chắc chắn nhiều nhất VN) di tản qua Thái Lan và Singapore. Vì thừơng xuyên mở đài VC, nghe theo lời khuyên dụ dối trá để đoàn tụ gia đình khi “Cách Mạng thành công”, một số lớn quân nhân quay đầu lái ghe trở về VN. Tất cả đều bị bắt đi tù cải tạo hết.
Thế mới hay, người xưa có câu để đời cho thiên hạ: “Ngựa chết để da, người chết để tiếng”. Cựu Tổng Thống Nguyễn văn Thiệu đã để lại câu nói có thể xem như là chân lý cho thế hệ mai sau mà suy nghĩ:
“ Đừng nghe những gì Việt Cộng nói…
mà hãy nhìn xem những gì Việt Cộng…đã… đang…. và….. sẽ làm”.
Tầu Đồng Nai, Đại Dương, Tân Nam Việt, Trường Xuân và một số khác tôi không rõ đã may mắn di tản ra nước ngoài, chở thêm một số đồng bào thoát khỏi cảnh gồng cùm Cộng Sản. Số còn lại đều bị nhà nước tịch thu, khai thác nhưng không được tu bổ nên đã lâm vào tình trạng hư hỏng và bất khiển dụng dần dần. Chuyện mà tôi biết rõ nhất, đó là chiếc Nam Quan. Quãng giữa tháng 5/75, có một số dân di tản từ Đà Nẵng vào Saigon lúc miền Trung thất thủ, họ bơ vơ không nhà cửa, không nơi nương tựa. Nhà nước VC dùng chiếc Nam Quan làm phương tiện chở họ về nguyên quán, tầu do thuyền trưởng Nguyễn đình Khôi chỉ huy. Có ngừơi âm mưu khuyến dụ ông cướp tầu nhân dịp này đi nước ngoài, nhưng vì không đủ điều kiện “Nhân Hòa” thuận tiện.  
Lý do đa số dân đi trên tầu đều muốn trở về Đà Nẵng và không muốn đi nước ngoài vả lại Công An canh chừng rất chặt chẽ trên tầu, thuỷ thủ đoàn toàn là dân sự già nua, không biết gì về súng ống nên không có ai dám hợp tác. Tầu chở đi và về mỹ mãn theo ý dự định. Ông Khôi, sau đó ít lâu, vượt biên qua Úc, định cư yên ổn, làm việc cho Australia Post, và đã quá cố cách đây ít năm.
Một nhận xét nữa mà tôi thâu lượm được là tương quan so sánh HH/TT giữa miền Bắc và Nam. Miền Nam xin chịu một số Trọng Tấn Chuyên Chở (cách tính đánh giá lớn nhỏ của lực lượng tầu buôn) thật khiêm nhường với một Trọng Tấn rất nhỏ. Lý do là tầu buôn miền Nam chỉ chạy cận duyên, rất ít đi viễn duyên hay xuyên đại dương. Miền Bắc trái lại được nhận nhiều tầu Thương Thuyền lớn, máy mạnh do Liên Xô và các nước Đông Âu đóng, chuyên chạy đi Trung Cộng, Liên Xô, các nước CS khác để nhận hàng, chiến cụ, chiến khí cung cấp cho nhu cầu chiến trường, xâm chiếm đánh phá miền Nam.
                                                                   6





Sau ngày mất nước, đôi lần nhớ tầu, nhớ biển tôi chạy xe lên xuống, xuôi ngược dọc theo bến Bạch Đằng, xuyên ngang Bộ Tư Lệnh /HQ, rồi xuôi theo con đường Trịnh Minh Thế, con đường chạy dọc theo suốt thương cảng Khánh Hội kể từ hãng Nhà Rồng (trụ sở cũ của hãng Messageries Maritimes) cho đến tận chân Cầu Hàng, Tân Thuận.
Từ phía ngoài nhìn vào bên trong thương cảng, nơi có bức tường bê tông cao hơn đầu người, trông thấy mà lòng quặn đau. Nhiều ống khói tầu sơn mầu đỏ có hình Búa Liềm nổi bật trên nền  vàng, hay hình Ngôi Sao Vàng vượt lên cao trông thật rõ ràng, cùng với các dẫy hàng cần cẩu đang làm việc, quay qua quay lại, chỉa thẳng lên trời, có thể trông thấy rõ từ bên ngoài.
Đó là hàng của các nước trong khối CS đem đến viện trợ cho miền Nam, khi các kho hàng viện trợ cũ của Mỹ đã tiêu thụ cạn hết, đa phần trong số hàng đó là: Bo-Bo (loại thực phẩm dùng nuôi gia súc ngựa, bò, nay cho viện trợ thay thế gạo để dân miền Nam ăn), đường cát trắng CuBa, bột mì và các nhu yếu phẩm khác. Các hàng này sau đó được phân chia xuống cho các phường khóm theo tờ khai Gia Đình (tên mới là Hộ Khẩu) bán theo từng đầu người với giá “Cắt Cổ”. Bọn trong Ủy Ban Nhân Dân được dịp tha hồ thao túng thị trường, “Tiền thầy bỏ túi, sống chết mặc bay”, tham ô, đục khoét công qũy mạnh tiến trong các cơ quan nhà nước bắt đầu kể từ nay.
Đó là bước đầu, quang cảnh mà tôi nhận xét được sau “Ngày Mất Nước”.  
Tôi tuyệt đối không bao gìơ dùng từ: “Gỉai Phóng” vì đó là một từ đã lừa bịp bao người nhẹ dạ, ngây thơ và ngay cả giới trí thức cao cấp để đi theo bọn VC làm Cách Mạng. Ngay cả một số nước trên thế giới, cũng có nước cũng đã hiểu lầm cái từ “Tinh Quái, Qủy Kế” này.
A widely deceived word that has mislead many persons all around the world.
Chuyện tang thương, đau lòng, xót ruột xẩy ra cho dân miền Nam sau ngày “Mất Nước về tay CSBV” còn dài lắm, kể ra không hết được. Đã có bao thiên hồi ký viết bởi nhiều cây bút lão luyện, lành nghề mô tả.
Sách hay nhất mà tôi ưa thích là tập “Hồi Ký” (3 tập) viết bởi nhà văn Nguyễn Hiến Lê, xin mua sách do nhà xuất bản bên Mỹ in thì đầy đủ nguyên thủy, không có phần bị cắt xén và đục bỏ. Sách do VC cướp bản quyền in lại tại Saigon, đem bán ở nước ngoài đã bị kiểm duyệt và cắt xén bỏ bớt nhiều đoạn tả về thực tế phũ phàng đã được tác giả phơi bầy ra rõ ràng mà bọn VC luôn luôn cố tình che dấu, bịt mắt mọi người và thế giới ./………

                                                            ………nhớ ngày Quốc Hận 30/04 hằng năm.

CHÍ HỢI

Lợi Châu chuyển









                                                                 








                                                  








































No comments: