Sunday, September 11, 2022

Khu Trục Phản Lực Cơ Tàng Hình Thế Hệ 5: F-35 đẩy chiến đấu cơ châu Âu đến bờ tuyệt chủng

Việc các nước châu Âu đồng loạt đặt mua Khu Trục Phản Lực Cơ F-35, khiến toàn bộ các chương trình tiêm kích đầy tiềm năng của 'Lục Địa Già', bị đẩy tới bờ tuyệt chủng.
Tờ Defence News cho biết, sự phổ biến quá rộng rãi của các chiến đấu cơ F-35 tại châu Âu, đã khiến toàn bộ các chương trình Khu Trục Cơ của "Lục Địa Già" bị đẩy tới bờ tuyệt chủng.


Cụ thể, trong quá khứ dù châu Âu vẫn là đồng minh thân cận của Mỹ, các quốc gia trong khu vực này vẫn tự thiết kế và chế tạo rất nhiều loại chiến đấu cơ hiện đại - thay vì mua thẳng từ Mỹ.

Một vài cái tên nổi danh ở châu Âu trong quá khứ, có thể nhắc tới như chiến đấu cơ Rafale của Pháp, Eurofighter hay Gripen.

Các loại chiến đấu cơ độc đáo do châu Âu tự phát triển, có sự phổ biến rất thấp - nghĩa là việc bị đối phương bắt bài trong một cuộc xung đột quy mô lớn, là điều gần như không thể.

Ngoài ra, việc tự thiết kế và sản xuất chiến đấu cơ, cũng giúp châu Âu thoát được sự phụ thuộc vào Mỹ, kể cả trong việc cung cấp công nghệ cũng như cung cấp linh kiện thay thế hoặc nâng cấp.

Tuy nhiên, sự ra đời của tiêm kích F-35 đã thay đổi tất cả, khi châu Âu dần rơi vào "dòng xoáy" của loại tiêm kích này, liên tục đặt mua và khiến các chương trình nghiên cứu, phát triển chiến đấu cơ riêng của Lục Địa Già rơi vào quên lãng.

Có thể kể tên một loạt các cường quốc quân sự tại châu Âu, cũng đã đặt mua và sử dụng F-35 trong biên chế như Anh, Italia, Na Uy hay Hà Lan.

Bỉ cũng đã đặt hàng 34 chiến đấu cơ F-35A từ năm 2018, thậm chí Ba Lan cũng ký hợp đồng đặt mua F-35 từ năm 2020 với số lượng 20 chiếc.
Các quốc gia Bắc Âu - vốn được coi là luôn có "lối đi riêng" trong phát triển vũ khí hiện đại - cũng không nằm ngoài quy luật này.

Bằng chứng là Phần Lan, sau một thời gian dài "đắn đo" giữa việc nâng cấp dàn chiến đấu cơ Gripen, Rafale và Eurofighter thì cuối cùng, đã lựa chọn mua tiêm kích F-35A.

Hồi cuối năm 2021, Phần Lan đã ký hợp đồng mua 64 tiêm kích F-35 với giá trị 11 tỷ USD. Điều này cũng đồng nghĩa với việc, số phận của các loại tiêm kích Gripen, Rafale và Eurofighter trong biên chế Phần Lan đã được định đoạt.

Thực tế thì các quốc gia NATO, luôn yêu cầu một chuẩn quân sự chung. Việc phát triển nhiều loại máy bay khác nhau dùng chung một tiêu chuẩn, sẽ rất tốn kém và khó khăn.

Với việc cùng lựa chọn F-35, các cuộc tập trận chung giữa các nước NATO sẽ diễn ra trơn tru hơn, khi cơ sở hạ tầng tại gần như mọi quốc gia trong liên minh này, đều đáp ứng tốt cho tất cả các máy bay F-35 tới từ khắp châu Âu.

Tuy nhiên, khi mọi đồng minh của Mỹ trên khắp thế giới đều sử dụng F-35, điểm yếu của nó sẽ rất dễ bị bộc lộ, và khi loại chiến đấu cơ hiện đại này bị "bắt bài", sức chiến đấu của toàn bộ lực lượng Không quân NATO, sẽ giảm đi đáng kể.

Trần Trân (tổng hợp)

No comments: