Thursday, September 1, 2022

Đổi mới chưa trọn: Nhớ về Trần Xuân Bách ‘hạt mầm Gorbachev' ở Việt Nam - Trần Thái Tĩnh

HÌNH ẢNHGETTY IMAGES

Ông Nguyễn Văn Linh (trái) và Mikhail Gorbachev đã gặp mặt và thảo luận về các vấn đề trong hợp tác Việt-Xô


Truyền thông Việt Nam và trên thế giới tuần này đang đăng nhiều bài, cả khen cả chê về cựu TBT, Tổng thống đầu tiên của Liên Xô vừa qua đời, ông Mikhail Gorbachev (1931-2022).

Đã có các ý kiến nhắc rằng nhờ công cuộc Cải tổ - Perestroika mà Việt Nam có Đổi mới.


Nhưng ít ai ở Việt Nam hiện nay nói về sự xuất hiện của một 'hạt giống Gorbachev' ở Hà Nội khi đó, ông Trần Xuân Bách.


Sự lóe sáng rồi lụi tàn của Trần Xuân Bách trên chính trường Việt Nam để lại một thứ Cải tổ tật nguyền, mà hệ quả đang khiến Việt Nam rơi vào ngõ cụt của cải cách chính trị.


Xin nhắc lại bối cảnh năm 1986. Từ sau Đại hội Đảng CSVN lần thứ VI, TBT Nguyễn Văn Linh đã có các trao đổi cao nhất với TBT Gorbachev về đường hướng thay đổi ở VN. Liên Xô cho công bố các điều này trên báo Pravda ngày 20/5/1987. Ông Gorbachev cho biết:


“Tôi và đồng chí Nguyễn Văn Linh đã thảo luận chi tiết về các vấn đề phức tạp của hợp tác Việt-Xô... và cùng nhau nhận định rằng các mặt yếu kém của quan hệ này đã hiện ra rõ ràng và không còn phù hợp với tình hình hiện tại. Chúng tôi đồng ý rằng cơ chế kinh tế và hình thức hợp tác phải tương ứng với nhu cầu và của thời cuộc và tăng tính hiệu quả”.








Theo các nguồn Phương Tây, viện trợ của Liên Xô cho Việt Nam đến đầu 1982 vẫn không giảm, thậm chí còn tăng lên trên 1 tỷ USD năm đó, theo nghiên cứu của Sally Stoecker. Tính ra 1 tỷ USD thời đó – mà Liên Xô viện trợ cho VN bằng ruble – tương đương 2,88 tỷ bây giờ.


Bất đồng về việc chi tiêu đồng tiền của Liên Xô sao cho hiệu quả là lý do đầu tiên khiến Gorbachev nhấn mạnh đến nhu cầu buộc lãnh đạo Việt Nam phải đổi mô hình quản lý kinh tế.


Tuy nhiên, phải đọc thật kỹ tác phẩm nổi tiếng “Bên thắng cuộc” của nhà báo Huy Đức, đặc biệt là toàn bộ Chương 13, mới thấu cảm hết sự cọ xát quyết liệt giữa xu hướng trì trệ và bảo thủ với làn gió mới khai phóng và cấp tiến trên thượng tầng chính trị VN giai đoạn từ năm 1987 đến khi ông Bách buộc phải rời chính trường.


Riêng phần hồi ức về giai đoạn đầy “máu lửa” này, thiết tưởng đường link sau đây sẽ cho bạn đọc một bức tranh toàn cảnh và chân thực về tầm nhìn và tư tưởng của một vị “Bí thư Trung ương Đảng” vô tiền khoáng hậu trong lịch sử ĐCSVN.


Chủ nhân của đường link giãi bày, dù có một chút muộn màng, những vẫn muốn ghi lại một số câu hỏi và giải đáp của ông Trần Xuân Bách, vì còn nguyên giá trị thời sự trong tình thế hiểm nghèo của đất nước, trước họa ngoại xâm lẫn nội xâm, đang rất cần dân chủ hóa để tăng cường nội lực của dân tộc.

HÌNH ẢNH VIETINFO

Ông Trần Xuân Bách

Trần Xuân Bách lóe sáng


Thật ra, Trần Xuân Bách đủ mẫn tiệp để bắt đầu từ Hồ Chí Minh. Ông nhớ lại, Hồ Chí Minh mở đầu “Tuyên ngôn độc lập” bằng Tuyên ngôn độc lập Hoa Kỳ và Tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền của Pháp, nói đến các quyền tự do của con người mà tạo hóa ban cho họ.


Dân chủ là thể chế hóa các quyền tự do ấy. Theo ông, dân chủ là quyền lực của dân, với tư cách là con người tự do. Dân chủ không phải do lòng tốt của những người lãnh đạo muốn bạn ơn cho dân, thấy thuận lợi thì mở rộng, thấy bất tiện thì thu hẹp.


Trần Xuân Bách cũng không hề phủ nhận Karl Marx. Ông không chống Marx, không chống ĐCSVN, cũng không chống chủ nghĩa xã hội và chưa hề đòi đa đảng. Chẳng những thế, ông còn thành kính tạ tội: “Ta phải nhận lỗi trước Marx vì đã làm méo mó chủ nghĩa của ông”.


Ông viết: “Lịch sử đang thay đổi mạnh. Marx trao cho chúng ta vũ khí biện chứng duy vật và biện chứng lịch sử, chớ không phải trao ta Kinh Thánh! Việc vận dụng những nguyên lý của chủ nghĩa cộng sản phải căn cứ vào hoàn cảnh lịch sử đương thời như Marx nói.


Marx sống thời chủ nghĩa tư bản cổ điển, ngày nay là chủ nghĩa tư bản hiện đại, có nhiều cái khác với thời Mác. Ngay thời Lenin khi đề ra chính sách kinh tế mới (NEP), cũng đã đổi khác. Phải có tư duy khoa học. Tụng từng câu 'Kinh Thánh' trong sách Mác không bảo vệ được chủ nghĩa Mác đâu”.


Trần Xuân Bách lóe sáng trong cái nhìn biện chứng giữa đổi mới kinh tế và chính trị: “Vấn đề quan hệ giữa đổi mới kinh tế và đổi mới chính trị là thế nào? Có nước tự cho mình không cần đổi mới, đã bị bục vỡ. Có nước coi đổi mới kinh tế phải làm nhanh, còn đổi mới chính trị thì chầm chậm cũng bục chuyện. Có nước chỉ đổi mới kinh tế, không đổi mới chính trị, đã bục to. Có nước làm cả hai, nhưng không nhịp nhàng, gặp khó khăn. Hai lãnh vực này phải nhịp nhàng, không chân trước chân sau, không tấp tểnh đi một chân”.


“Vấn đề đặt ra lúc này là phải đổi mới đồng bộ, tổng thể, cả cơ chế kinh tế lẫn cơ chế chính trị. Hai vấn đề chủ yếu của cơ chế kinh tế là vấn đề sở hữu và vấn đề thị trường (luận đề: Kế hoạch nằm trong chứ không nằm ngoài và đứng trên thị trường). Hai vấn đề chính của cơ chế chính trị là: quản lý nhà nước và quản lý kinh doanh, vai trò lãnh đạo của Đảng và quyền lực của nhân dân (Luận đề: Đảng nằm trong chứ không nằm ngoài và đứng trên xã hội ).”


Cuối 1989, trong quá trình chuẩn bị Đại hội VII của ĐCSVN Trần Xuân Bách tập hợp một nhóm nghiên cứu gồm các chuyên gia trong và ngoài nước. Từ những kết quả tư vấn của nhóm này, ông đã rút ra những kết luận cơ bản về “kinh tế thị trường”, với sự tham gia của mọi thành phần xã hội. Ông đưa ra tiên đoán, “đa nguyên kinh tế” tất yếu sẽ dẫn đến “đa thành phần” trong xu hướng chính trị, tức là “đa nguyên chính trị”. Ông khẳng định, “thị trường và đa nguyên là những thành tựu nổi bật của nhân loại”…


Điều thần tình là Trần Xuân Bách lấy Marx để bảo vệ tính chính danh của xã hội dân sự. Theo ông, kinh tế thị trường đòi hỏi phải có nhà nước pháp quyền và xã hội dân sự. Trong hệ tư tưởng Đức, Marx và Engels cho rằng “hình thức thương mại, bởi lực lượng sản xuất đang có quyết định ở một giai đoạn lịch sử và trở lại quyết định lực lượng sản xuất, đó là xã hội dân sự” và “xã hội dân sự bao gồm toàn bộ thương mại vật chất của các cá nhân ở một giai đoạn phát triển nhất định của lực lượng sản xuất”.


Đáng ngạc nhiên là Trần Xuân Bách đặt vấn đề năng lực của Đảng nổi lên hàng đầu trong lúc này. Ông tuyên bố: “Không thể dùng quyền lực thay cho năng lực. Thời đại nào có trí tuệ của thời đại ấy. Đảng phải có năng lực trí tuệ”. Theo ông, không được đổ lỗi cho cải tổ, đổi mới, cải cách. Đổi mới là cái gương để ta soi. Nếu mặt bị nhơ chỉ rửa mặt chứ không phải là đập vỡ gương.

HÌNH ẢNH GETTY IMAGES

Trần Xuân Bách không chống Marx mà lấy Marx để bảo vệ tính chính danh của xã hội dân sự

Cứu CNXH không thành công


Mùa hè năm 1989, Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh trả lời phỏng vấn báo Lao Động của Liên Xô về vấn đề “đa nguyên”.


Không giới hạn trong phạm vi Việt Nam, ông Nguyễn Văn Linh nhấn mạnh: “Chúng tôi không chấp nhận chủ nghĩa đa nguyên như là sự đa dạng của các trào lưu chính trị khác nhau, kể cả trào lưu tư sản. Chúng tôi phản đối chế độ đa đảng... Chúng tôi bác bỏ những lời kêu gọi đòi hỏi sự tồn tại tự do của các trào lưu chính trị khác nhau đã xuất hiện ở một số nước.”


Sau khi báo Lao Động đăng lại bài phỏng vấn này, Trần Xuân Bách phê bình Nguyễn Văn Linh là vi phạm nguyên tắc Đảng và nguyên tắc đối ngoại khi công khai đưa ra quan điểm trái với Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa khác. Vì cho tới lúc ấy, Ban Chấp hành Trung ương vẫn chưa chính thức có nghị quyết chống đa nguyên, đa đảng.


Một trí thức lớn, Giáo sư Phan Đình Diệu đã đăng đàn ủng hộ ông Bách: “Ta đang đi tìm đường đi cho đất nước trong thế giới hiện đại. Nhiều nguồn tri thức phải được tiếp thu, nhiều cách lý giải phải được đề xuất và thảo luận. Cái gì đã rõ thì ta cũng theo, cái gì chưa rõ thì ta cần cùng nhau tìm cách làm rõ bằng việc vận dụng trí tuệ của thời đại”. Sau khi đọc bài này đăng trên báo Sài Gòn, từ Hà Nội, Trần Xuân Bách gửi cho Tổng biên tập đã đăng bài báo tấm danh thiếp của ông, mặt sau ghi: “Chuyển giùm anh Phan Đình Diệu, tôi ca ngợi bài này”.


Tháng 10/1989, Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh tới Berlin dự lễ kỷ niệm 40 năm ngày thành lập Nước Cộng hoà Dân chủ Đức. Trong ngày 6/10/1989, giữa Berlin rét mướt, ông Nguyễn Văn Linh đã tìm gặp các nhà lãnh đạo cộng sản đến dự lễ quốc khánh để thảo luận về một sáng kiến do ông đưa ra: Triệu tập hội nghị các đảng cộng sản và phong trào công nhân quốc tế.


Ông Linh nói với đoàn Romania: “Phe ta đang diễn biến phức tạp. Hơn bao giờ hết, đòi hỏi quốc tế vô sản phải siết chặt hàng ngũ. Đảng Cộng sản Việt Nam thấy nên có một hội nghị để thống nhất tư tưởng và hành động, tăng cường tình đoàn kết”. Dĩ nhiên là sáng kiến “cứu chủ nghĩa xã hội” của ông Linh bị cả Gorbachev lẫn hầu hết các đảng làm ngơ (trừ Cuba và Romania).


Gorbachev còn bắt Nguyễn Văn Linh chờ suốt cả ngày 8/10, sau nhiều lần lùi giờ, cuối buổi chiều mới chịu tiếp, với câu mở đầu không mấy ngoại giao:


“Kẻ cơ hội nhất hành tinh kính chào đồng chí Nguyễn Văn Linh”. Nhận xét của Nguyễn Văn Linh trong nội bộ về Gorbachev đã đến tai TBT Liên Xô.


Ngày 9/11/1989, biên giới giữa Đông và Tây Đức được mở ra. Ngày 10/11/1989, người dân bắt đầu phá bỏ bức tường Berlin. Vài tháng sau, chế độ cộng sản ở Đông Đức sụp đổ. Trong ngày 10/11, Todor Zhivkov cũng bị phế truất sau ba mươi năm trị vì ở Bulgaria. Tại Praha, người dân Tiệp Khắc đổ ra đường yêu cầu Chủ tịch Gustav Husak từ chức. Ngày 25/12/1989, Nicolae Ceausescu và vợ đã bị những người biểu tình đem ra xử bắn. Ngày 29/12/1989, nhà bất đồng chính kiến, nhà soạn kịch Vaclav Havel, được bầu làm tổng thống đầu tiên của Tiệp Khắc.

Đổi mới và Ngoại giao Việt Nam đi một chân?

HÌNH ẢNH AP

Từ trái qua: Vỗ Nguyên Giáp, Nguyễn Văn Linh và Đỗ Mười

Triệt hạ “mầm Gorbachev” ở VN, ban lãnh đạo hồi đó, gồm các ông Nguyễn Văn Linh, Đỗ Mười và Đào Duy Tùng đã bóp chết mầm mống cải cách toàn diện, tạo đà cho xu hướng dựa vào Trung Quốc. Sau khi kỷ luật Trần Xuân Bách, những người trong Câu lạc bộ Những người Kháng chiến cũ lần lượt vào tù. Ngày 21/3/1990, ông Nguyễn Hộ về Phú Giáo, một vùng đất cách Sài Gòn sáu mươi cây số. Ngày 7/9/1990, khi Nguyễn Hộ đang bơi xuồng trên sông Sài Gòn thì bị bắt.


Dù bị đàn áp, các trí thức trong nước vẫn lên tiếng mạnh mẽ: Hà Sĩ Phu viết bài “Dắt Tay Nhau Đi Dưới Những Tấm Biển Chỉ Đường Của Trí Tuệ”. Hoàng Minh Chính viết “Góp Ý kiến Về Dự Thảo Cương lĩnh”. Lương Dân “Bàn Về Sự Lãnh đạo Của Đảng”. Phan Đình Diệu “Kiến Nghị Về Một Chương trình Cấp Bách Nhằm Khắc Phục Khủng Hoảng Và Tạo Điều kiện Lành Mạnh Cho Sự Phát triển Đất Nước”. Trần Quốc Vượng viết “Nỗi Ám Ảnh Của Quá Khứ”. Nữ nhà văn Dương Thu Hương dự đoán “nếu Đảng không cải cách sẽ có một cuộc lưu huyết”.


Sau hơn 30 năm Liên bang Xô Viết sụp đổ, khối các nước Đông Âu nhiều nước đã được hưởng những chế độ dân chủ, tự do, đời sống cao hơn nhiều so với trước. Từ nhiều năm qua, chủ nghĩa cộng sản đã không thể phục hồi như mong muốn của TBT Nguyễn Phú Trọng và một số lãnh đạo VN khác.


Nguyễn Trung, nhà ngoại giao lão thành đồng thời là cố vấn cho Thủ tướng Võ Văn Kiệt từng nhận xét về 'Đổi mới': "Sau 30 năm đổi mới cho thấy ý thức hệ, con đường ĐCSVN, từ đại hội VII đất nước đi vào thời kỳ khủng hoảng toàn diện, từ mấy năm gần đây là thời kỳ trầm trọng nhất chưa từng có kể từ sau 30/4/1975."


Đấy chính là những nguyên nhân gốc gây ra lãng phí, tham nhũng và bất công xã hội vô cùng nặng nề, cướp đi của đất nước nội lực phải có để có thể đương đầu với mọi thách thức sống còn trong cục diện quốc tế ngày càng nóng bỏng hôm nay.


Nguyễn Trung phê phán ĐCSVN áp dụng quá nhiều chính sách sai lầm, bưng bít sự thật, kèm theo những hành động trấn áp khắc nghiệt, tất cả khiến cho khối đại đoàn kết dân tộc bị phân hóa sâu sắc, trí tuệ và ý chí phấn đấu vươn lên của đất nước bị tê liệt, làm tổn thương nghiêm trọng tinh thần tự tôn dân tộc và thể diện quốc gia, lòng dân phân tán và một số lớn đã hoàn toàn mất lòng tin vào sự lãnh đạo của Đảng này.


Trong mối quan hệ ngoại giao với Trung Quốc, cựu Cố vấn Thủ tướng Nguyễn Trung nói thẳng: “Từ Hội nghị Thành Đô đến nay cho thấy đường lối ngoại giao leo dây để giữ ‘đại cục’, nhưng không có nội lực vững mạnh của quốc gia làm nền tảng, lại thêm những yếu kém của đội ngũ lãnh đạo, đã thất bại nghiêm trọng."


Những người tán thành với ông Nguyễn Trung còn cho rằng vì đường lối “Đổi mới tật nguyền” (handicapped renovation) và nền Đối ngoại “hụt hơi” khiến con đường phát triển của Việt Nam bị lạc hậu, lạc lõng trong xu thế phát triển chung của thế giới ngày nay.


Người viết bài này để ý thấy Việt Nam hiện nay hóa ra là nước duy nhất còn lại đang cố tìm cách níu kéo ý thức hệ có cội rễ là chủ nghĩa Marx-Lenin, chỉ để duy trì quyền lực của Đảng trong điều hành đất nước. Đây là một nghịch lý vì lãnh đạo Đảng cũng thừa nhận chưa biết cuối thế kỷ này liệu sẽ có CNXH hay không.


Chê Gorbachev và xóa bỏ tư duy của Trần Xuân Bách có nghĩa là trên thực tế về nhiều mặt sâu sắc bên trong, Việt Nam vẫn đang một mình một nẻo trong thế giới hôm nay.


Bài thể hiện quan điểm riêng của tác giả Trần Thái Tĩnh từ TP.HCM.

No comments:

NHỮNG ĐIỀU NGƯỜI CAO TUỔI NÊN TRÁNH.

Con người khi về già, các bộ phận trong cơ thể đều lão hóa, yếu đi. Một số điều sau đây luôn ẩn chứa những hiểm họa bất ngờ mà người cao tuổ...