HÌNH ẢNH,GETTY IMAGES
Sự ra đi của Nữ hoàng Elizabeth II đã khơi dậy niềm tiếc thương và những lời tri ân chân thành từ các nhà lãnh đạo thế giới cũng như người dân.
Nhiều thuộc địa cũ của Anh đã công khai tưởng nhớ Nữ hoàng, trong khi những quốc gia khác chia sẻ hình ảnh Nữ hoàng đến thăm đất nước họ.
Nhưng sự ngưỡng mộ không phải là đồng nhất. Với một số người, cái chết của bà đã gợi lại ký ức về thời kỳ lịch sử đẫm máu của chế độ thực dân - những hành động tàn bạo đối với người bản địa, trộm tượng và cổ vật tác từ các quốc gia Tây Phi, vàng và kim cương từ Nam Phi và Ấn Độ, chế độ nô lệ và áp bức.
Trong khi Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa mô tả Nữ hoàng là một nhân vật phi thường của công chúng, người sẽ được nhiều người trên thế giới yêu mến tưởng nhớ, thì đảng đối lập Những người chống Tự do Kinh tế (EFF), nói rằng bà không nằm trong số những người được thương tiếc.
"Trong suốt 70 năm trị vì của mình với tư cách là Nữ hoàng, bà ấy chưa bao giờ thừa nhận tội ác mà nước Anh và gia đình của bà đã gây ra trên khắp thế giới và trên thực tế là một người mang lá cờ tự hào về sự tàn bạo", đảng lớn thứ ba của nước này nói trong một tuyên bố.
"Đối với chúng tôi, cái chết của bà là lời nhắc nhở về một thời kỳ rất bi thảm trong lịch sử đất nước này và châu Phi."
Trên mạng xã hội, các chỉ trích thậm chí còn gay gắt hơn.
HÌNH ẢNH,GETTY IMAGES
Nữ hoàng Elizabeth khiêu vũ với tổng thống của Ghana độc lập, Kwame Nkrumah, vào năm 1961 - bức ảnh gây sốc cho một số người ở Nam Phi theo chủ nghĩa phân biệt chủng tộc
Các dòng tweet được đăng tải bởi giáo sư người Mỹ gốc Nigeria Uju Anya, vài giờ trước khi Nữ hoàng qua đời, đã gây ra một cuộc tranh luận gay gắt. Một đã bị Twitter xóa vì vi phạm các quy tắc của nó. Trong tweet thứ hai, bà viết: "Nếu bất kỳ ai mong đợi tôi bày tỏ bất cứ điều gì ngoại trừ sự khinh bỉ đối với vị quốc vương đã giám sát một chính phủ bảo trợ cho cuộc diệt chủng đã tàn sát và khiến một nửa gia đình tôi phải di tản và những hậu quả mà những người còn sống ngày nay vẫn đang cố gắng vượt qua, bạn có thể tiếp tục mong ước."
Dòng tweet của bà ấy rõ ràng là ám chỉ đến cuộc chiến Biafran vào cuối những năm 1960, khi đó chính phủ Anh hỗ trợ và vũ trang cho chính phủ Nigeria mà đã phong tỏa, bỏ đói và cuối cùng đè bẹp những người ly khai của nước Cộng hòa Biafra tự xưng.
Một người dùng Twitter, @ParrenEssential, phản hồi rằng đây không phải là cách người Nigeria hành xử, và nói thêm rằng: "Bạn đang xuyên tạc văn hóa và đất nước của chúng tôi."
Những người khác thì cho rằng việc chỉ trích một người khi họ qua đời "không phải là cách của người châu Phi".
Các bài đăng yêu cầu trả lại viên kim cương Ngôi sao châu Phi, được khai thác ở Nam Phi vào năm 1905 và hiện được đính trên Vương miện của Anh, cũng xuất hiện vào ngày Nữ hoàng qua đời. Nhiều người coi nó là "ăn cắp". Mặc dù nó đã được chính phủ của Transvaal mua lại và trao cho Hoàng gia Anh như một biểu tượng của lòng trung thành, nhưng quan điểm đang thịnh hành trên mạng xã hội cho rằng chủ sở hữu thực sự của nó là người dân Nam Phi. Người dùng Twitter @Qban_Linx cho biết viên kim cương trị giá 400 triệu USD - viên lớn nhất trong số được gắn trên vương trượng hoàng gia, được các quốc vương mang khi đăng quang - có thể trang trải chi phí học đại học cho 75.000 sinh viên Nam Phi.
HÌNH ẢNH,GETTY IMAGES
Nữ hoàng Elizabeth tại lễ đăng quang, cầm vương trượng ở tay phải, trên đỉnh có gắn viên kim cương Ngôi sao Châu Phi
Cũng đã có một làn sóng phản đối tương tự ở Ấn Độ, nơi mà hashtag "Kohinoor" nhanh chóng bắt đầu thịnh hành sau cái chết của Nữ hoàng Elizabeth - ám chỉ một viên kim cương lớn trên vương miện hoàng gia được cho là sẽ được Vương hậu đội.
Các chỉ trích khác cho rằng Nữ hoàng lẽ ra phải sử dụng quyền lực và ảnh hưởng của mình để đảm bảo rằng hài cốt của những người chiến đấu chống lại sự thống trị của thực dân Anh được trao trả.
Người Kenya và Nam Phi đang yêu cầu hoàn trả thủ cấp cắt từ thi thể của những người anh hùng như Koitalel Samoei, người đã lãnh đạo cuộc kháng chiến của Nandi ở Kenya ngày nay vào cuối thế kỷ 19, và Vua Hinstsa kaKhawula của vương quốc Xhosa của Nam Phi, bị giết vào năm 1835. Thi thể của họ bị chặt làm nhiều phần, đầu được đưa đến Anh như chiến lợi phẩm.
Các vụ giết tàn bạo người Kenya tham gia cuộc nổi dậy Mau Mau cũng được ghi nhớ. Gitu Wa Kahengeri, người tham gia cuộc nổi dậy khi mới 17 tuổi, cách đây 81 năm, nhớ lại việc bị quân Anh giam giữ trong trại, bị đánh đập và bỏ đói.
HÌNH ẢNH,REUTERS
Cựu binh Gitu wa Kahengeri tham gia cuộc nổi dậy Mau Mau lên án hành động của Anh, nhưng nói rằng ông vẫn để tang Nữ hoàng
“Họ chiếm đất của tôi, quyền thừa kế của tôi," ông nói với hãng tin Reuters. "Nhưng chúng tôi thương tiếc Nữ hoàng vì bà là một người, một con người," ông nói. "Chúng tôi thương tiếc cho những người đã chết."
Tổng thống Uhuru Kenyatta của Kenya, người coi Nữ hoàng là "biểu tượng cao cả của sự phục vụ quên mình", đã bị một số người Kenya chỉ trích vì tuyên bố để quốc tang 4 ngày.
Cựu tổng thống của Botswana, Ian Khama, là một người khác mà đã bảo vệ di sản của Nữ hoàng, mô tả bà là người không thể thay thế.
“Chủ nghĩa thực dân không phải là điều chúng ta muốn ghi nhớ, đó là một thời kỳ đen tối," ông nói. "Nữ hoàng kế thừa di sản đó, bà ấy không phải là kiến trúc sư... nhưng khi bà ấy xuất hiện nó như thể để sửa chữa những thiệt hại do chế độ thực dân gây ra, bà ấy cho thấy rằng chúng tôi không ở trên các bạn, chúng tôi muốn tham gia vào sự phát triển của các bạn và giúp các bạn phát triển như những quốc gia."
Ông lập luận rằng lục địa này nên coi bà như một người đã "mang đến một kỷ nguyên mới từ quá khứ đen tối".
Nhiều người nói rằng Nữ hoàng chưa bao giờ xin lỗi vì những tội ác đã gây ra nhân danh đế chế. Tuy nhiên, bà đã thừa nhận "những giai đoạn đau buồn" và "khó khăn", chẳng hạn như vụ thảm sát tại Amritsar, miền bắc Ấn Độ, vào năm 1919. Trước khi đến thăm địa điểm này vào năm 1997, nơi một tướng Anh đã ra lệnh cho quân đội bắn vào những người biểu tình trong một khu vườn có tường bao quanh khiến họ không thể chạy thoát thân, bà đã có một bài phát biểu bày tỏ sự hối tiếc.
"Lịch sử không thể được viết lại, tuy nhiên, đôi khi chúng ta có thể ước nó khác đi. Nó có những lúc buồn cũng như vui. Chúng ta phải học từ nỗi buồn và xây dựng niềm vui."
No comments:
Post a Comment