Saturday, November 12, 2022

Con đường hòa giải: đi tìm điểm chung qua sự thật lịch sử

+Con đường hòa giải: đi tìm điểm chung qua sự thật lịch sửNgười   Người tham gia lễ diễn hành dịp Tết với cờ của VNCH ở California hôm 4/2/2017
AP


phần trước, PGS. TS. Alex Thái Võ chia sẻ về chính sách hòa giải của hai chính phủ Việt Mỹ, về góc nhìn của ông đối với con đường hòa giải dân tộc, và ở phần 3, ông chia sẻ quan niệm và những hành động cụ thể của mình về hòa giải thông qua các ứng xử văn minh với người đã khuất trong chiến tranh.

1. Hòa giải xét từ lợi ích

RFA: Các chính phủ, cả Hà Nội và Washington DC, thường chỉ đặt câu hỏi là lợi ích cụ thể khi hành động. Có vẻ như cả Chính phủ Hà Nội và DC đều nghĩ rằng hòa giải với cộng đồng người Mỹ gốc Việt, hoặc nói một cách bình thường về VNCH trước đây thì không có lợi ích gì cả về mặt kinh tế và chính cho ngày nay cả, bởi vì VNCH không còn nữa. Nhưng thực thế có phải như vậy không? Anh Phillip Nguyễn (Vietnamese American Foundation) có nói là sinh viên Nhật, Hàn, Hoa sang Mỹ du học thì được cộng đồng người Mỹ gốc Nhật, Hàn, Hoa giúp đỡ, nhưng điều đó không xảy ra với Việt Nam. Một ví dụ khác, trong kinh tế, doanh nghiệp công nghệ cao người Mỹ gốc Việt cũng không giúp giới công nghệ cao Việt Nam. Như vậy Chính phủ Hà Nội đang bị thiệt hại có phải không?

Alex Thái Võ: Đúng vậy. Theo Thái thì không phải Chính phủ Việt Nam không biết điều này. Họ biết nên mới ra Nghị quyết 36. Mục đích của Nghị quyết 36 là chiêu nạp lại cộng đồng người Việt ở nước ngoài. Nhưng cái lấn cấn của họ là họ muốn nhận nhưng vẫn chưa muốn cho. Họ luôn có một phần đa nghi, lo ngại với những người liên hệ tới VNCH. Mặc dù 2,5 triệu người Mỹ gốc Việt ở đây cũng chẳng làm gì mà lung lay được hệ thống chính trị ở Việt Nam. Nhưng Chính phủ Việt Nam họ sợ nên họ không dám bước một bước kế tiếp, là ngửa bàn tay của mình ra mà nói rằng “chúng tôi muốn bắt tay với các anh, các chị, các cháu trên tinh thần bình đẳng.” Thay vì như vậy họ chỉ kêu gọi trung thành với đất nước trong khi vẫn đa nghi. Đa nghi như vậy nên về mặt lịch sử, họ mới không nhắc đến VNCH nữa. Vì vẫn như thế nên mới có thiệt thòi.

Ví dụ như có khoảng 36 ngàn sinh viên Việt Nam du học Mỹ. Phần đông cộng đồng người Mỹ gốc Việt tập trung ở những trung tâm lớn như Nam Cali, Bắc Cali, vùng Washington DC, vùng New York. Đó là những nơi cộng đồng người Mỹ gốc Việt rất lớn, business rất nhiều, các công ty, hãng xưởng của người Mỹ gốc Việt rất cần người. Nhưng các bạn ấy không có cơ hội ở đó. Vì các bạn là du học sinh, khi ra nước ngoài thì cũng là đại diện cho một đất nước. Nếu giữa Việt Nam và cộng đồng người Mỹ gốc Việt không có quan hệ tốt thì các bạn cũng bị thiệt thòi.

2. Hòa giải là công nhận lẫn nhau

RFA: Các bạn du học sinh Việt Nam khi ra nước ngoài thì mang theo một ý thức về “bản sắc quốc gia” mà họ được giáo dục và tuyên truyền ở Việt Nam. Đó là cái “bản sắc quốc gia” gắn liền với Đảng Cộng sản. Cái “bản sắc quốc gia” đó khác hoàn toàn với “bản sắc quốc gia” của cộng đồng người Mỹ gốc Việt. Như anh Phillip Nguyễn nói, khác nhau như nước với dầu, cứ cố mà trộn vào nhau thì chỉ một lúc sau cả hai lại tách ra. Vậy theo anh phải làm sao?

Alex Thái Võ: Nếu chọn nước và dầu như anh Phillip Nguyễn làm ví dụ thì theo như mình được nghe lại là chúng ta có thể dùng xà phòng làm chất xúc tác để giúp hai loại chất khác biệt này hòa hợp với nhau. Theo mình sự hòa hợp giữa hai thái cực cách nhau quá xa.

Một bên thì đất nước được quan niệm là cái gì gắn chặt với Đảng Cộng sản, cờ đỏ sao vàng. Họ dạy cho các cháu điều đó là điều đúng thôi, rất dễ hiểu. Và bên này cộng đồng người Mỹ gốc Việt dạy cho thế hệ sau lịch sử của Việt Nam Cộng Hòa, của lá cờ vàng thì cũng đúng và dễ hiểu.

Vấn đề là hai thái cực đó như là nước và dầu, không thể hòa vào nhau được. Chiến tranh đã gần 50 rồi, mình thấy là không ai có thể thay đổi điều đó hết. Cho nên điều quan trọng bây giờ theo Thái nghĩ trước hết là hai bên cần phải công nhận sự tồn tại của nhau, hay là đã từng tồn tại của nhau. Chúng ta không thể “deny” (từ chối), “ignore” (làm như không thấy) sự tồn tại của nhau mà nên công nhận sự tồn tại của nhau. Theo Thái thì với vị thế của Nhà nước Việt Nam ở Việt Nam và trên thế giới ngày nay thì sự thừa nhận đó không ảnh hưởng gì đến vị trí, vị thế chính trị của họ. Mà ngược lại, điều đó sẽ mang lại sự đoàn kết hơn giữa họ và người Việt trong nước với cộng đồng người Mỹ gốc Việt. Sự thừa nhận này nên xuất phát từ họ trước vì Nhà nước Việt Nam ở trong thế mạnh.

Sự thừa nhận này không phải là thừa nhận một VNCH trong hiện tại để mà cạnh tranh với Nhà nước Việt Nam ngày nay mà chỉ là một vấn đề lịch sử trong quá khứ: Thể chế VNCH là một thể chế đã từng tồn tại trong lịch sử Việt Nam.
000_Was7580864.jpg
Phụ nữ trong trang phục truyền thống mang cờ của VNCH trong một lễ diễu hành vào ngày 26/5/2013 ở Washington. AFP

RFA: Thể chế đó là một cách lựa chọn con đường cho Việt Nam là thị trường tự do, khác biệt với VNDCCH trong 20 năm. Họ có thể có sai chỗ này, đúng chỗ kia, nhưng đó là chuyện khác?

Alex Thái Võ: Đúng vậy. Đúng sai chỗ này chỗ kia là chuyện khác. Nhà nước Việt Nam nên nghĩ như thế này: Mỗi bên chọn một con đường cho Việt Nam. Hai bên tranh chấp với nhau và đưa đến sự thắng và thua. Bên thua họ đã thua rồi. Còn bên ta thì ta đã thắng rồi. Gần 50 năm nay ta đã củng cố được vị thế của ta rồi, cả trong nước và ngoài nước. Nếu thẳng thắn nhìn lại lịch sử đi nữa thì chúng ta cũng đâu có bị đe dọa gì về mặt quyền lực đâu. Ngược lại nữa, chúng ta có 2,5 triệu người Mỹ gốc Việt và ở các nước khác nữa là 4 triệu người. Nếu ta công nhận họ là một thành viên trong trang sử của chúng ta thì nó không có mất mát gì hết. Thay vì cứ phải nói về họ là “Ngụy quân Ngụy quyền” thì thay đổi cách nói, rằng từ 1955 đến 1975 dưới vị tuyến 17 có một chính thể là VNCH. 

Bằng những động thái nhỏ như vậy, người ta có thể hóa giải được những khúc mắc, những vết thương của cuộc chiến. 

Và những người bên VNCH cũng nên nhìn nhận sự thật lịch sử là không nên vì chính kiến của mình và phủ nhận sự thật lịch sử là trước 1975 từ vĩ tuyến 17 trở lên, có sự tồn tại của một nhà nước là VNDCCH. Và dù chúng ta không thích, không đồng ý, chúng ta phải vẫn thừa nhận là sau 1975 thì có một nhà nước trên toàn lãnh thổ Việt Nam là Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam (CHXHCNVN) được quốc tế công nhận. Ngày nay CHXHCNVN cũng có những chính sách mang lại nguồn lợi cho Việt Nam và đang bảo vệ Việt Nam.   

Chúng ta có một vết thương. Có hai cách trị thương. Cách một là chúng ta không thừa nhận vết thương đó tồn tại để chữa. Nó ngày càng nghiêm trọng hơn. Trong một điều kiện nào đó, vết thương có thể phát triển thành hoại tử rồi chết thôi. Cách hai là chúng ta thừa nhận nó để tìm cách chữa trị. 

Theo Thái thì nếu chúng ta không thừa nhận vết thương, nói cách khác là không thừa nhận sự tồn tại của nhau, cả trong quá khứ lẫn hiện tại, thì không giải quyết được vấn đề gì mà chỉ tranh cãi nhau, dẫn đến không còn tin nhau và không hòa giải được. 

Nhưng nếu chúng ta công nhận được vết thương đó, tức là nếu chúng ta công nhận được Đảng Cộng sản và thể chế Việt Nam hiện tại và thể chế này công nhận được là trong lịch sử có sự tồn tại của chính thể Việt Nam Cộng Hòa và cộng đồng người Mỹ gốc Mỹ cũng như một số không nhỏ ở trong nước có một mối liên hệ với VNCH thời đó. Công nhận như vậy thì họ cũng không làm gì chính thể hiện nay cả, nhưng là một sự tôn trọng của chúng ta đối với giai đoạn lịch sử đó của họ. 

Trong hội nghị về hòa giải của USIP thì hầu hết các diễn giả của hai chính phủ như bà Tôn Nữ Thị Ninh hay các diễn giả khác đều nhấn mạnh là để hòa giải thì không thể bắt đầu những bất đồng mà phải bắt đầu bằng những gì hai bên đồng ý. 

RFA: Tức là chúng ta có thể áp dụng nguyên lý hòa giải giữa Chính phủ Hà Nội và Chính phủ Washington DC cho sự hòa giải giữa Chính phủ Hà Nội và cộng đồng người Mỹ gốc Việt hay nói chung là với cộng đồng có quan hệ với chính thể Việt Nam Cộng Hòa trước đây? 

Alex Thái Võ: Đúng vậy. Tức là chúng ta phải tìm được một điểm chung. Theo Thái nghĩ, điểm chung này có thể là những lợi ích về kinh tế và chính trị, nhưng trước hết, điểm chung này chính là thừa nhận lẫn nhau, thừa nhận sự tồn tại của nhau trong hiện tại và trong quá khứ. 

3. Hòa giải hay hòa hợp?

RFA: Nói về sự thừa nhận quá khứ, chúng ta cần nhìn nhận một thực tế là giáo dục lịch sử và tuyên truyền chính trị cố gắng quên đi rất nhiều điều. Có một bản sắc quốc gia được xây dựng dựa trên sự nhớ và quên, nhớ những gì có lợi và quên những gì bất lợi. 

Alex Thái Võ: Như trường hợp ông Phạm Quỳnh, trong số những người con của ông có một người là nhạc sỹ Phạm Tuyên mà sự nghiệp âm nhạc của cả cuộc đời ông là ca tụng thể chế đã giết cha mình. Hiện tượng đó khá phổ biến. Ông Phạm Quỳnh là một trong số những người đầu tiên bị chế độ sát hại nhưng sau đó thì liên tục lặp lại ở mức độ cao hơn, từ Cải cách Ruộng đất đến Nhân văn Giai phẩm, rồi Cải tạo tư sản miền Bắc và Cải tạo tư sản miền Nam, rồi tù cải tạo sau 1975… Cuộc chiến Việt Nam ngoài việc đánh với ngoại xâm như người ta thường gọi còn là cuộc chiến giữa những người anh em, giữa người Việt đánh với người Việt. Chúng ta đã vì những lý tưởng khác nhau mà xung đột nhau ngay trong một gia đình. 

RFA: Cụ Nguyễn Xuân Vinh là Tư lệnh Không quân của VNCH nhưng cha của cụ là Liệt sỹ của Chính phủ Việt Minh. 

Alex Thái Võ: Hoặc ví dụ như gia đình cô Tôn Nữ Thị Ninh, cô ấy đại diện cho Nhà nước Việt Nam bây giờ, còn em trai cô là sỹ quan VNCH. Chính cô ấy nói phần lớn gia đình Việt đều có người bên này và bên kia. Tất cả những điều này không phải là nội chiến thì là cái gì? Nó là nội chiến bởi vì nó có sự tồn tại của những người Việt Nam khác, có suy nghĩ khác, lý tưởng khác vào giai đoạn lịch sử đó. Cái chúng ta cần là nhìn nhận nhau, tức là tôn trọng nhau. Tôn trọng nhau thì không nhất thiết là nói đến thể chế chính trị mà là nói đến con người. Cuối cùng thì tất cả chúng ta là người Việt Nam, không phải là người Việt Nam này hay người Việt Nam kia. 

Khi chúng ta có một điểm chung như vậy thì chúng ta dễ dàng giải quyết những khúc mắc khác. Nhưng chúng ta không dễ dàng công nhận lẫn nhau. 

RFA: Chính phủ Việt Nam có hai từ là “hòa giải” (reconciliation) và “hòa hợp” (integration). Bây giờ Chính phủ Việt Nam dường như dùng từ “hòa hợp” nhiều hơn chứ ít dùng từ “hòa giải” nữa. “Hòa giải” tức là tôi và anh công nhận lẫn nhau để bắt tay với nhau, gác lại những đau thương trong quá khứ. Còn “hòa hợp” là anh phải đến với tôi. 

Alex Thái Võ: Như Thái có nói, Chính phủ Việt Nam có rất nhiều lựa chọn. Cách họ là chọn là các anh phải đến với chúng tôi, đem tài nguồn lực và chất xám về với chúng tôi. Họ quên mất là cách đây mấy chục năm họ gọi những người bỏ nước ra đi là “phản quốc.” 

RFA: Anh vừa dùng từ “quên”? 

Alex Thái Võ: Đúng, họ “quên,” nhưng là quên cố tình. Họ là người làm chính sách mà, không thể quên thật. Bây giờ họ gắn cho những người ngày xưa họ gọi là “phản quốc” là “Việt kiều” và thêm là tính từ “yêu nước” nữa. Vẫn là những con người đó nhưng qua thời gian tùy theo mục đích họ đặt cho những tên gọi khác nhau. Thay vì sử dụng cách làm đó, họ có thể bắt đầu bằng cách ngửa bàn tay ra, rằng chúng ta có thể bắt tay nhau, bằng cách trước tiên là công nhận sự khác biệt của nhau. Khi đã chấp nhận sự khác biệt của nhau rồi thì chúng ta mới bắt đầu đến với nhau được. Đúng là chúng ta khác nhau như nước và dầu, và đó là hai thái cực khác biệt. Hai thái cực đó là hiển nhiên và không thay đổi được. Không nên mất thời gian làm cho chúng ta trở nên giống nhau. Hãy chấp nhận là dầu và nước là khác nhau và dầu và nước luôn luôn tách khỏi nhau. Nhưng hai yếu tố này đều có thể làm một việc gì đó đặc thù của riêng nó. Chúng ta có thể chấp nhận tách nó ra, dầu có thể dùng để chiên đồ ăn, còn nước để uống chẳng hạn. 

RFA: Việc cố gắng làm cho dầu và nước hòa tan vào nhau là không cần thiết và thay vào đó chỉ cần tôn trọng sự khác biệt của nhau?

Alex Thái Võ: Đúng vậy. Chính quyền Việt Nam chỉ cần tôn trọng sự thật lịch sử, thay vì tiếp tục đặt tên là “Ngụy quân Ngụy quyền” thì chỉ cần một sự thừa nhận sự thật rằng VNCH là một chính thể được công nhận bởi bao nhiêu nước trong giai đoạn lịch sử đó nhưng chúng ta không đồng ý với nhau rồi có một cuộc chiến và chính thể đó không còn tồn tại. Chỉ cần như vậy thôi thì số đông người Việt Nam ở Mỹ sẽ ít nhất thấy cái lòng của giới lãnh đạo hiện tại đối với họ. 

RFA: Và nếu làm như vậy thì đối với phần đông người Việt Nam, họ lại thấy Nhà nước Việt Nam có một cái tầm cao hơn?

Alex Thái Võ: Đúng, tức là có cái nhìn khoan dung. 

https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/the-path-of-reconciliation-finding-common-ground-through-historical-truth-11072022101316.html 

No comments: