Ảnh : Kenh 14

Vừa bịt mũi vừa xếp hàng

Nói đến nhà vệ sinh thời bao cấp nghĩa là nói đến cái hố xí công cộng ở các đô thị hay khu tập thể cơ quan, trường học, xí nghiệp… Cả dãy nhà, thậm chí vài dãy nhà mới có một khu toilet chừng 4 – 5 ô, “nội thất” gồm 2 viên gạch  đặt chụm đầu nhau chỗ cái lỗ tròn, có khi thêm cái xô đựng tro hoặc đất. Nhiều nơi, không biết để tiết kiệm diện tích hay gia tăng tình đoàn kết, người ta làm chuồng xí đôi, hai người chồm hổm ngồi đối diện nhau, có thể vừa “trút bầu tâm sự” vừa rôm rả bình luận chuyện quốc tế.

Để phục vụ công tác vệ sinh, trong mỗi khu nhà xí tập thể đều có một bể hay thùng chứa nước, dù không phải lúc nào cũng có nước (đến nước ăn, nước rửa rau nhiều khi còn phải chờ dài cổ nữa là…). Thế nên hồi đó, chẳng cần phải bảng biển chỉ dẫn như bây giờ, nhưng kể cả khách lạ mới đến lần đầu khi cần cũng biết ngay toilet nằm đâu nhờ cái sự “gửi hương cho gió”.

Image result for nhà vệ sinh thời bao cấp

Mà dù cho bể đầy nước cũng chưa chắc có người dùng. Ở cái chỗ công cộng này, người ta thường nghe tiếng ai đó mới bước vào chửi kẻ đến trước mình là vô ý thức, xong việc không chịu dội nước, làm cho họ phải giải quyết hậu quả thay. Rồi đến lượt người vào kế tiếp lại chửi cũng vì cái chuyện ấy.  Có lẽ người ta nghĩ, mình “xử lý’ hộ thằng khác thì thằng khác cũng phải “xử lý” của mình, thế mới công bằng.

Kinh khủng nhất là những ngày trời nắng nóng, khu toilet công cộng ngập trong thứ mùi “khó tả” cùng tiếng vo ve bất tận của lũ ruồi. Anh Trần Trung, 39 tuổi, sống ở quận Đống Đa, Hà Nội, miêu tả: “Ngồi trong ấy là cứ phải rung lắc, đung đưa thân hình liên tục để bọn tàu bay Mỹ ấy (chỉ lũ ruồi) không đáp được lên người. Lại còn gián con bò lổm ngổm, con bay xè xè sẵn sang lao vào mặt mình nữa chứ. Trời thì nóng, ngồi mấy phút là mồ hôi đầm đìa chả khác gì tắm hơi, toàn thân ướp hương”.

Những hôm trời mưa ngập mới lại càng rùng rợn. Thôi thì thứ gì nổi được cứ nổi, cái gì dập dềnh cứ dập dềnh. Thế nhưng cái sự tiêu hóa nó không ngừng lại được, người ta vẫn phải nhón chân bì bõm đi ra…

Có lẽ câu ví “tình yêu như cái nhà xí, kẻ ở trong muốn ra, người ở ngoài muốn vào” nảy sinh ra trong cái thời này chăng? Dù có kinh sợ đến mấy, cứ sáng sáng, tối tối, trước cửa nhà vệ sinh công cộng luôn có cả hàng dài chờ đợi. “Tôi toàn được bố phân công dẫn thằng em ra xí phần cho cả nhà, vừa bịt mũi vừa xếp hàng chờ, không dám bỏ ra xa vì sợ nhỡ có đứa nào tranh phần vào trước mất”, anh Trung nói.

Anh kể tiếp: “Khu WC nhà tôi hồi đó có 4 ‘chuồng’, ‘chuồng’ cuối cùng toàn bị tắc, chẳng ai dám dùng, nhưng nhiều khi đau bụng cuống quá cũng đành đâm bổ vào đó. Rùng cả mình. Thế mà trong khu tập thể vẫn có một ông kỳ tài, ngồi trong ấy đọc báo bao lâu cũng được. Chả là hồi đó, người ta toàn sử dụng sách vở và báo cũ cho cái việc vệ sinh, nếu tiết kiệm thì còn cắt ra thành những mảnh vuông nhỏ nữa. Trước khi vò cho nó mềm ra và tăng ma sát, hầu như ai cũng tranh thủ đọc. Có điều cái ông kia, đọc hết những tờ mình cầm đi, nếu thấy trên tường có mảnh sách báo nào người ta còn thừa giắt lại là cũng phải cố đọc bằng hết mới chịu ra, nhiều khi để người ta chờ lâu, mắng ầm cả lên”.

Còn ông Phái, công nhân về hưu, hiện sống ở quận Hoàng Mai, Hà Nội, nhớ lại: “Kể ra cũng buồn cười, cả khu tập thể hôm nào cũng gặp nhau đủ mặt ở nhà vệ sinh công cộng, mãi nên cũng chả ngượng ngùng gì nữa. Trong lúc chờ đợi, mọi người hỏi thăm nhau, thông báo tin tức, rồi ‘chém gió’ vui vẻ ra trò, khi có một chỗ trống, có vài người lịch sự ‘mời bác đi trước’, ‘không bác đi trước đi’, hoặc ‘bác thông cảm cho em vượt tí nhé, bí quá’… Hồi đó toilet cũng chả phân khu nam khu nữ gì sất, cứ có chỗ trống là xông vào thôi”.

Nhà vệ sinh chỗ ông Phái có phân ra các khu dành cho nam và nữ đàng hoàng. Có điều phần bên nam thường rất bẩn do các anh đã lười lại còn hay bừa bãi. Vì thế, nhiều anh toàn nhân lúc vắng đi trộm bên khu nữ cho nó sạch.

Chuyện về những cánh cửa

“Hồi đầu thì nhà vệ sinh khu tập thể tôi ở hình như cũng có cửa, nghe bảo sau cửa nó mục nát rồi gãy rời đi. Làm đơn mãi mà xí nghiệp không cho lắp lại, nhưng cái chuyện kia thì không ngừng nổi một ngày, nên không có cửa thì vẫn phải vào”, bà Vân, 52 tuổi, sống ở Nam Định, kể. “Thế là ai đi vệ sinh cũng mang theo tờ báo thật to, vừa để đọc vừa che kín cả người. Lâu dần cũng thành quen, chỉ còn chị em che bằng báo, còn đàn ông với trẻ con thì mặc kệ”.

khu tap the cu van giu nep sinh hoat nhu thoi bao cap o ha noi  hinh 9

“Căng thẳng nhất là ban đêm. Những hôm mất điện hay bóng đèn khu vệ sinh hỏng thì khỏi bàn, nhưng cả khi có đèn thì cũng không đủ sáng cho cả 4 – 5 buồng được. Thế là ngồi trong ấy mà lo nơm nớp, hễ nghe tiếng bước chân tới gần là phải đằng hắng một tiếng, ra ý có tôi trong này, hoặc cố ý vò giấy thật to. Chết cười, có người còn giả vờ hát khe khẽ nữa. Mãi về sau này thấy nhiều người vẫn gọi đi vệ sinh là đi hát, không biết có phải bắt nguồn từ cái chuyện này không”.

Còn nhà vệ sinh của khu nhà ông Long (Cầu Giấy, Hà Nội) từng sống vẫn có cửa, nhưng sau nhiều năm chịu ẩm ướt, phần bên dưới, nơi vẫn bị nước dội vào, bị mủn rồi rụng dần, tạo thành một lỗ hổng toang hoác, đủ thấy hết “phần nhạy cảm” của người ngồi trong. Thành thử ai cũng lo che che, đậy đậy mỗi chỗ ấy. Những lỗ hổng đó cũng là “gợi ý” cho bọn trẻ nhỏ tinh nghịch, lũ nhóc mới lớn tò mò và những gã đàn ông thèm thuồng bệnh hoạn tập thói quen rình mò, nhìn trộm chị em. Trẻ con nghịch thì hay rủ nhau cùng đi, cùng chỉ trỏ, cùng khúc khích rồi cùng ù té chạy, người lớn làm chuyện xấu thì âm thầm, lén lút một mình…

Mà không phải chỉ có những nhà vệ sinh thiếu cửa hay cửa hỏng mới có cái tệ nhìn trộm này. Hình như đây là thứ “tác dụng phụ” phổ biến ở những nơi mà người ta phải dùng hố xí công cộng, trong cái thời mà  thông tin về giới tính – sức khỏe sinh sản quá ít ỏi, bản năng tình dục bị cấm đoán và kìm nén. Trong khi đó, ở nhiều nơi, khu vệ sinh lại được bố trí khá tách biệt, thường là góc xa vắng nhất của khu đất, để đến được đó phải đi qua bao nhiêu vườn rau, bụi cây, thật tiện cho việc  rình mò và chạy trốn.

“Tôi còn nhớ hồi đó cô Hoa nhà bên cạnh mỗi lần đi vệ sinh toàn nịnh tôi đi cùng, dù tôi không có nhu cầu”, chị Loan, 36 tuổi, kể. “Cô ấy dặn tôi đứng ngoài canh, để ý xem có đứa nào rình mò không, nếu có thì kêu lên cho cô biết. Vì cái công lao đó, thỉnh thoảng cô cho tôi vài hào, hoặc cái kẹo. Hình như cô sợ vì đã mấy lần bị nhìn trộm rồi. Trong những lần chờ  cô như vậy, đa phần là tôi thơ thẩn bắt châu chấu giết thời gian, nhưng cũng đã đôi lần thấy mấy gã thanh niên lấm lét khả nghi. Tôi hét lên cô Hoa ơi có người đấy, thế là mấy kẻ kia chạy mất”.

Lại nói chuyện cái cánh cửa nhà vệ sinh công cộng, ở khu tập thể nhà anh Phấn, 47 tuổi, Thanh Hóa, thường xuyên xảy ra chuyện chơi ác nhau. Chẳng là mỗi cánh cửa ấy đều có cả móc cài ở bên trong lẫn bên ngoài. Móc trong là để bảo vệ người phía trong, móc ngoài là để khi “xong việc” bước ra thì cài lại cho đảm bảo vệ sinh và… thẩm mỹ. Bọn trẻ con nghịch ngợm nhiều lúc chẳng nghĩ ra chuyện gì để chơi, bèn mò đến nhà vệ sinh, thấy buồng nào có người là cài móc bên ngoài lại, báo hại nạn nhân phải đợi người bên cạnh “hoàn tất công việc” để nhờ giải thoát.

Anh Phấn kể: “Có lần, chúng nó nhốt một lúc 5 người trong nhà xí. Lúc đầu vì ngượng nên không ai lên tiếng, cứ nghe ngóng xem nếu có tiếng người hay tiếng bước chân gần đó mới gọi. Không ngờ chờ mãi chẳng thấy ai, một cô gái lo quá kêu toáng lên, người các buồng lên cạnh mới liên tiếng, lúc đó ai nấy mới biết nãy giờ mình không phải chịu nạn một mình. Thế là họ cùng chửi cái đứa chơi ác rồi cùng hợp lực kêu ầm lên, một lúc mới có người tới cứu. Bị nhốt trong cái toilet tập thể thơm tho của thời đó có lẽ là một kỷ niệm đến chết không quên”.

Thơ tình trong… toilet

Hầu như chẳng có bức tường hay cánh cửa toilet công cộng nào mà không bị viết hay vẽ lên, thậm chí không còn một chỗ trống, hình này chồng lên hình kia, dòng chữ này đè lên dòng chữ kia, trong đó có… thơ.

Nếu từng sống trong thời bao cấp, dù ở miền Bắc hay miền Trung, hẳn bạn từng nghe mấy câu nhại thơ tình Xuân Diệu này:  “Đố ai cắt nghĩa được tình yêu/ Có nghĩa gì đâu một buổi chiều/ Gặp em đi ‘hát’ ở nhà tiêu/ Về thương rồi nhớ, thế là yêu”.  Trong các dị bản, câu cuối được sửa thành: “Chia nhau tờ giấy, thế là yêu”, hoặc: “Nhường nàng đi trước, thế là yêu”.

Theo anh Nguyễn Văn Huân, 38 tuổi, quê ở Thái Nguyên, hồi còn bé, anh và đám bạn bè trong khu tập thể thường ngân nga mấy câu “thơ” đọc được ở mặt ngoài cánh cửa nhà vệ sinh như sau: “Gặp em nhà xí chiều tà/Chìa tay xin giấy thế là yêu nhau/ Việc gì hò hẹn nơi đâu/ Cứ ra nơi ấy chia nhau mà ngồi”. Hễ thấy cô bé hoặc chị nào đi qua, đám con trai lại gọi ời ời rồi đọc toáng mấy câu này lên, cười hô hố, khiến nạn nhân hoặc đỏ mặt cúi đầu mà bước cho nhanh, hoặc quắc mắt lên mắng cho té tát. Có cô dữ dằn còn rút cả dép ra dọa ném.

Huân nói thêm, cái câu “chìa tay xin giấy” kia cũng bắt nguồn từ một thực tế oái oăm nhưng rất quen thuộc ở các nhà vệ sinh công cộng: đó là nhiều khi gặp “tình huống bất ngờ” không kịp chuẩn bị, người ngồi bên này phải gọi với hay thò tay sang buồng bên cạnh xin giấy.

Nhiều câu thơ tình của Xuân Diệu, Nguyễn Bính… cũng được viết lên tường, lên cửa toilet, nguyên bản, không xuyên tạc, có đoạn dài đến nỗi khiến “độc giả” băn khoăn tự hỏi người chép nó ra chẳng hay có bị táo bón hay không. Ngoài thơ, nhà vệ sinh còn là nơi người ta viết những lời nhắn gửi, tỏ tình.

“Thôi thì đủ loại, nào ‘Thủy ơi anh yêu em’, nào ‘kỷ niệm mối tình Toàn – Luyến, 1982’, nào ‘Nhớ mãi mùa thi, nhớ mãi mối tình đầu, Nga yêu Trung’… Viết bằng phấn cũng có, bằng gạch nung cũng có, than cũng có. Kèm theo là hình vẽ trái tim bị mũi tên xuyên thủng, hay hình đôi trai gái bên nhau”, chị Linh, 43 tuổi, sống ở Hà Nội, kể.

Nhưng phổ biến nhất trên tường toilet công cộng là những câu cảnh báo giữ gìn vệ sinh, thậm chí nhiều câu mang sắc thái giận dữ, đe dọa. Mấy câu dưới đây được viết trên tường rất nhiều nhà vệ sinh ở Bắc Bộ: “Ai ơi bắn trúng mới tài/Bắn trúng ra ngoài kỹ thuật còn non”, nhằm nhắc nhở những người không biết vì thiếu ý thức hay thiếu kỹ thuật mà làm bẩn sàn toilet.

“Bài thơ” này sau đó được những người khác nối dần từng hai câu một: “Còn non thì mặc còn non/ Bắn trật vài hòn thì đã làm sao?”, rồi người khác tiếp: “Làm sao là nghĩa thế nào?/ Bỏ trật không vào là mất vệ sinh”. Có kẻ ngang như cua đáp lại một cách thật củ chuối: “Vệ sinh thì mặc vệ sinh/ Kỹ thuật của mình chỉ có thế thôi”. Đáp lại là: “Thế thôi thì hãy ra ngoài/ Luyện tập thành tài thì hãy vào đây”. Và dưới đây là câu chốt: “Thơ hay thì thật là hay/ Bỏ tiền túi quét vôi ngay bức tường”.

Toilet biết… sủa

Tình hình “đầu ra” khó khăn như vậy nên để phục vụ trẻ con, những đứa chưa đủ tuổi xông pha vào “địa hình nguy hiểm” như nhà vệ sinh công cộng, ngoài chuyện dùng bô, nhiều nhà áp dụng giải pháp nuôi chó. Có một khung cảnh cực kỳ quen thuộc thời bấy giờ, kể cả ở các thành phố: Đứa trẻ ngồi xổm trên nền đất, mấy con chó đứng chầu hẫu bên cạnh, vẫy đuôi chờ đợi.

Đứa bé vừa đứng lên là chúng xông tới, nhiều khi tranh nhau, cắn nhau loạn xị, đớp cả vào “chim” tiểu chủ. Nhiều cậu bé có thói quen chờ chó dọn xong dưới đất thì chổng mông cho nó “vệ sinh” luôn cho mình. Đôi khi chú chó tiện thể dọn nốt cả “cơ quan phát triển dân số” của cậu chủ. Các bác sĩ Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội) cho biết, trong số những quý ông đến tạo hình lại cơ quan sinh dục ở đây, không ít người bị “mất” do chó táp phải trong cái tình huống ấy, vào cái thời ấy.

Tình trạng nhếch nhác, bẩn thỉu của hệ thống toilet công cộng còn sản sinh một tệ nạn khác, hiện diện từ nông thôn đến thành phố, đó là thói “đi bậy”, mà thủ phạm không chỉ có trẻ con. Địa điểm áp dụng thì ôi thôi, vô cùng phong phú và đa dạng, từ vườn hoa, công viên đến bờ sông, bãi cỏ, từ sân bóng đến vỉa hè, đường phố, vườn nhà hàng xóm, sân thượng nhà tập thể, thậm chí cả sân ủy ban… Người ta bước ra khỏi nhà, chỉ cần không cẩn thận là có thể đạp ngay phải “mìn”.

“Hồi đó mấy thằng nhóc bọn tôi có cái thú buổi tối rủ nhau trèo lên bức tường hợp tác xã, ngồi vắt vẻo trên đó, chìa mông vào trong và… xả đạn, chênh vênh thế mà chẳng đứa nào ngã, anh Lâm, 43 tuổi, kể. “Có lần, đang sung sướng hưởng cái thú quận công cách mặt đất gần mét rưỡi như vậy thì ai đó xịt chó từ  phía sau lưng nhảy chồm tới. Cả lũ chưa kịp vệ sinh, chẳng kịp kéo quần, nhảy phốc xuống chạy, từ đó mới chừa”.

Trên một diễn đàn online, có anh kể chuyện những năm 1980: “Khu em ở gần chục hộ mà chỉ có 2 hố xí nên bọn em toàn phải sang vườn hoa Hàng Đậu gần nhà. Cả hội ngồi lên ghế đá theo cặp, hai đứa một ghế, hôm nào hội đông cũng phải 5 – 6 ghế lố nhố. Sướng nhất là thoáng, mát và sạch sẽ vô cùng”.

Và “tai nạn nghề nghiệp” cũng đã xảy ra. Có buổi tối cả hội đang “làm quận công” trên ghế đá thì mấy cô gái cùng phố đi bộ qua, chắc vì mất điện nóng quá nên ra vườn hoa hóng mát.  “Gần như cả hội lấy báo che ‘súng’ và nhe răng cười, duy nhất có một thằng lấy báo che mặt, chấp nhận show hàng. Thế là hôm sau cả lũ con gái trêu mấy thằng che ‘súng’, còn chả biết thằng che mặt là thằng nào mà trêu”.

Rất nhiều gia đình cãi nhau mất cả tình làng xóm vì “nhà mày có vườn sao không ‘ấy’ lại ‘ấy’ sang vườn nhà tao”. Nhiều người, đang đêm đau bụng, ngại trời tối không muốn mò ra toilet, bèn “giải quyết” ngay vào bọc rồi hôm sau tìm cách phi tang trong đống rác. Những chuyện kinh dị như vậy, tưởng không thể nào có thật được, vậy mà xảy ra rất nhiều, cho thấy sự khó khăn thiếu thốn có thể làm người ta trở nên cao thượng hơn nhưng cũng có thể làm người ta trở nên bẩn tính hơn.

Bây giờ, ngay cả ở nông thôn, nhà vệ sinh cũng đã được coi trọng và xây dựng sạch đẹp. Nhưng đây đó ở một số nơi, thậm chí ngay Hà Nội, vẫn có những khu toilet công cộng cũ nát và mất vệ sinh, gợi nhớ lại cái thời cách đây mấy chục năm, khi người ta phải sống trong điều kiện đáng sợ đến thế.

Theo TTTĐ

https://saigonxua.net/doi-song/xua/thoi-bao-cap-tham-hoa-mang-ten-nha-ve-sinh.html