Gần đây, hai chính phủ Hoa Kỳ và Việt Nam có nhiều động thái xúc đẩy cuộc hòa giải và xoa dịu những vết thương chiến tranh. Hội nghị bàn về hòa giải do Viện Hòa Bình Hoa Kỳ (USIP) tổ chức tháng trước với sự tham gia của quan chức, học giả nhiều bên là một minh chứng. Tiếp theo bài phỏng vấn cựu Đại sứ Ted Osius, Đài RFA trò chuyện cùng GS. Alex Thái Võ ở Trung tâm Việt Nam học, Đại học Kỹ thuật Texas, về chủ đề vừa mang tính lịch sử vừa mang tính thời sự này. (Phần 1, Phần 2, Phần 3)
AP
1. Tại sao Việt Mỹ bàn về hòa giải?
RFA: Như anh thấy trong hội thảo về hòa giải trong Hội thảo USIP, Trung tướng Việt Nam Hoàng Khánh Hưng nói rằng ông rất cảm thương những người lính Mỹ đã chết và mất tích trong chiến tranh. Nhưng ông không nói gì về những người lính Việt Nam Cộng Hòa đã chết và mất tích trong chiến tranh, trong khi không thể phủ nhận đó là đồng bào của ông. Hai chính phủ Việt Nam - Hoa Kỳ hôm nay đã hòa giải với nhau theo cách quên đi nỗi đau và chấn thương tinh thần của những người Việt Nam Cộng Hòa. Tại sao?
Alex Thái Võ: Theo mình thì không thể dùng chữ “quên” được. Quên là vô tình. Còn ở đây là “quên” có mục đích.
Tại sao có nỗ lực hòa giải này? Vì từng có một cuộc chiến giữa “Việt Nam” và Hoa Kỳ. Cuộc chiến này có sự tham gia của nhiều phe nhóm khác nhau. Khi nói đó là cuộc chiến giữa “Việt Nam” mà Mỹ thì chúng ta vô tình coi đó là cuộc chiến giữa Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (VNDCCH) và Mỹ. Nhưng trong cuộc chiến đó có nhiều “Việt Nam” khác nhau, với những niềm tin khác nhau, mục đích khác nhau.
Sau thời kỳ thuộc địa, ở Miền Bắc, VNDCCH cố gắng thành lập một nước theo chủ nghĩa cộng sản, dưới sự lãnh đạo của một đảng là Đảng Cộng sản. Đó là mục đích của họ. Ở Miền Nam, VNCH mặc dù có nhiều thất bại nhưng đã cố gắng trong hai mươi năm đó xây dựng một đất nước theo cái nhìn tự do, dân chủ, thị trường.
Ở đây rõ ràng không ai có thể “quên” là trong cuộc chiến đó, đối diện với VNDCCH là VNCH. Ở đây mình nghĩ họ “ignore” (không quan tâm) hay “neglect” (bỏ qua một bên).
Nói đến chiến tranh Việt Nam thì không thể không nói đến VNCH nhưng ở Việt Nam người ta không muốn nói đến VNCH. Ở Mỹ cũng vậy. Lý do là họ không còn đại diện nữa, họ chỉ còn tồn tại trong ký ức một số người.
RFA: Tại sao ở Mỹ sau cuộc chiến Việt Nam thì sách vở học thuật của họ lại hạ thấp Việt Nam Cộng Hòa?
Alex Thái Võ: Cái này mình chỉ luận thôi chứ không có căn cứ chính xác. Người Mỹ tự hào vì chiến thắng trong thế chiến thứ 2, chiến thắng trong cuộc chiến Triều Tiên, nhưng từ cuộc chiến Việt Nam và các cuộc chiến sau đó nữa thì họ thất bại. Họ có nhu cầu đổ lỗi cho ai đó về những thất bại đó.
Trong bài phát biểu trong Hội nghị vừa rồi, như ông Chuck Hagel đã nói chúng ta thua vì chúng ta sai. Nhưng đó là nói với phương diện cá nhân. Còn khi nhìn toàn cảnh, khi người Mỹ viết về lịch sử thì họ không nói như vậy mà nói là trước hết chúng ta không nên đến Việt Nam, còn đi sâu hơn thì họ sẽ nói là chúng ta thua vì ủng hộ một phe không đáng ủng hộ là VNCH, vì đó là một đất nước tham nhũng, quân lính thì yếu hèn. Bằng cách tâng bốc kẻ địch là VNDCCH và hạ thấp đồng minh thì họ có thể giải thích sự thất bại không phải là lỗi của họ, rằng họ đến Việt Nam với tấm lòng đúng đắn nhưng thất bại là tại sự yếu kém của phe mà họ ủng hộ.
2. Hòa giải nhắm đến lợi ích
RFA: Khi chính phủ hai nước Việt Nam và Hoa Kỳ bây giờ đang bàn về hòa giải, họ đã nỗ lực vượt lên những vết thương chiến tranh, bằng cách đi tìm quân nhân hai bên bị mất tích trong chiến tranh. Nhưng như anh đã nói, hai chính phủ ấy đều không quan tâm đến những quân nhân VNCH đã mất tích trong chiến tranh hoặc chết trong các trại tù cải tạo sau cuộc chiến mà cho đến giờ gia đình vẫn chưa nhận được hài cốt của họ. Ở đây có hai vấn đề: một là cách quan niệm về nỗi đau chiến tranh, hai là cách vượt lên vết thương chiến tranh đó. Anh đánh giá như thế nào về điều đó?
Alex Thái Võ: Nói chung là những ai, nhưng nước đã tham gia vào cuộc chiến đó thì ai cũng có một vết thương chiến tranh cả. Vấn đề là cách mình đối diện với vết thương chiến tranh đó như thế nào, đúng không?
Đến nay thì cuộc chiến đã kết thúc gần 50 năm rồi nhưng vết thương chiến tranh vẫn còn đó: đối với những người Cộng sản cũng vậy, đối với những người Việt Nam Cộng Hòa cũng vậy, đối với người Mỹ cũng vậy.
Nhưng mình phải nhìn lại cái đối thoại về hòa giải, về vết thương chiến tranh để đi đến sự an bình, thì mình phải thấy là cuộc đối thoại về hòa giải đó mang tính chất chiến lược hơn, nó phục vụ cho những nhu cầu chính trị hiện nay hơn.
Mình là cá nhân, mình nhìn vấn đề hòa giải ở nhiều khía cạnh khác nhau, còn đối với một đất nước thì họ thường nhìn ở khía cảnh chiến lược nhiều hơn. Về chiến lược của Việt Nam ngày nay thì tôi xin không nói, nhưng về chiến lược của Hoa Kỳ thì đó là họ đối diện với sự bành trướng của Trung Quốc trên toàn cầu cả về kinh tế và chính trị. Đối với Hoa Kỳ thì đó là một vấn đề đáng lo ngại. Và như từ thời Tổng thống Obama, xoay trục về Châu Á thì đối diện với Trung Quốc là một chiến lược lớn. Đối đầu với Trung Quốc không nhất thiết là đối đầu trực tiếp mà có thể là củng cố các mối quan hệ với các nước xung quanh Trung Quốc. Thành ra Hoa Kỳ muốn Việt Nam gần lại họ, như thế có lợi cho họ hơn. Để được sự ủng hộ của Việt Nam thì Hoa Kỳ có trách nhiệm giải quyết những nỗi đau chiến tranh trước đây, như đi tìm liệt sỹ Cộng sản mất tích, giúp đỡ thương phế binh, tẩy chất độc màu da cam, gỡ mìn còn sót lại…
Còn ở phía Việt Nam thì mình bị ở vào cái thế có hai cực đang lôi mình, bên nào cũng muốn tạo ảnh hưởng lên mình. Nên Việt Nam cũng sẽ muốn tạo ra cái thế dung hòa, cân bằng. Theo Thái nghĩ thì nếu nhìn từ góc độ của mình là người dân Hoa Kỳ thì mình sẽ hỏi tại sao không nghiêng hẳn về Hoa Kỳ. Nhưng nếu nhìn từ phía lãnh đạo Việt Nam thì nghiêng hẳn về Hoa Kỳ chưa chắc đem lại sự tồn tại lâu dài cho Việt Nam và chính thể của họ. Ngược lại, họ cũng thấy là nếu nghiêng hẳn về Trung Quốc thì đó là tình thế nguy hiểm chứ không phải chỉ có lợi. Do đó họ sẽ chọn đứng dung hòa, trung dung. Dung hòa để mang lại cái lợi cho mình. Đó là nhiệm vụ của họ. Là lãnh đạo một đất nước thì họ phải mang lại lợi ích cho đất nước họ. Tìm liệt sỹ Cộng sản mất tích, giúp đỡ thương phế binh, tẩy chất độc màu da cam, gỡ mìn còn sót lại… là những lợi ích đó. Đó là những vấn đề khó khăn mà họ không giải quyết hết được nên họ cũng phải lợi dụng chính sách, chiến lược của Hoa Kỳ mà giải quyết những vấn đề mà chính họ phải có trách nhiệm giải quyết. Đó là lí do vì sao hai nước đặt ra vấn đề hòa giải. Mỗi bên đều vì lợi ích của mình.
Trong cả hội nghị về hòa giải ở USIP thì ngoài những người là con em Việt Nam Cộng Hòa chúng tôi thì không có ai nhắc đến “Việt Nam Cộng Hòa” khi nói về chiến tranh Việt Nam. Bởi vì cả hai nước đang nói về quá khứ nhưng với nhu cầu hiện tại nên không có lý do gì để họ nói về VNCH vì VNCH không còn tồn tại.
3. Hòa giải Việt Mỹ: lãng quên VNCH?
RFA: Nhưng chiến tranh thì ai cũng đau thương cả. Những người VNCH cũng đau thương và vết thương tinh thần vẫn còn nguyên đó. Tại sao hai chính phủ bàn về hòa giải mà không nhắc đến VNCH?
Alex Thái Võ: Ở đây chúng ta đang nói về hòa giải trong khuôn khổ chính sách hòa giải của hai chính phủ Hà Nội và Washington DC mà Viện Hòa bình Hoa Kỳ (USIP) tổ chức. Nếu đặt vấn đề hòa giải chiến tranh thì đúng là không thể nào không nói đến VNCH, một bên của cuộc chiến, nhưng hiện nay thì hai nước cố tình không bàn đến VNCH. Nước Mỹ hiện nay không phải là quên, nhưng về mặt ngoại giao thì họ phải biết là nước Việt Nam ngày nay chấp nhận những gì và không chấp nhận những gì. Nước Mỹ muốn Việt Nam lại gần mình thì phải bắt đầu từ những cái chung mà cả hai đều chấp thuận.
Tôi cũng nghĩ vậy nhưng Chính phủ Việt Nam rất ngại nhắc đến VNCH. Tôi nghĩ nguyên nhân chủ yếu là do nếu nhắc đến VNCH thì sẽ tạo ra một sự so sánh, đối chiếu giữa Việt Nam Cộng Hòa thời xưa và Việt Nam bây giờ.
Sách sử Việt Nam thậm chí không nhắc đến cái tên của chính thể là “Việt Nam Cộng Hòa” vì nhắc đến tên chính thức của chính thể thì giống như thừa nhận họ. Khi nói về cuộc chiến thì Việt Nam ngày nay chỉ nói đó là cuộc chiến giữa người Việt và người Mỹ, họ loại Việt Nam Cộng Hòa ra khỏi diễn ngôn về cuộc chiến, dù thời đó họ chỉ đại diện cho một nửa Việt Nam thôi.
Cách tư duy đó vẫn tồn tại đến bây giờ, sau gần 50 năm chiến tranh kết thúc. Nghị quyết 36 mới đây kêu gọi sự đoàn kết của người Việt hải ngoại để về phục vụ đất nước, về mặt bề nổi thì họ kêu gọi đoàn kết, nhưng bề sâu thì họ không chấp nhận cái thể chế một thời đã gắn liền với những người họ kêu gọi đoàn kết. Anh kêu gọi người ta nhưng không công nhận người ta thì anh đang nói chuyện với ai?
Những hội nghị như của USIP mang tính chất tác động chính sách cho nên họ rất là ngoại giao. Giống như đến nhà người ta vận động kết thân trong khi gia đình người ta đã ly dị thì không nên nói chuyện ly dị làm gì. Nó sẽ không vui cho chủ nhà. Cho nên không ai nhắc đến VNCH cả. Ai cũng biết VNCH vẫn còn rất nhiều người mất tích trong chiến tranh nhưng họ không nhắc đến.
No comments:
Post a Comment