Sunday, October 22, 2023

Khi Chiến Tranh Ập Tới- VANN Nguyen

HoangsaParacels: Một nhà văn trẻ Gốc Việt đoạt giải Pulitzer bị hủy cuộc nói chuyện tại buổi đọc sách Christopher Lightfoot Walker Reading Series của trung tâm văn học 92nd Street Y ở Manhattan,NYC vì anh ta lên án Do Thái oanh tạc bừa bãi giải GAZA mà không đả động gì đến cuộc tấn công đẫm máu của Hamas mhằm vào Do Thái.

Anh Nguyễn Thanh Việt này cũng đã từng khuyên bảo các chú bác QLVNCH mỗi lần kỷ niệm ngày 30/4 cũng nên nhớ lại tội ác của mình đã gây ra cho phiá việt cộng, không khác nào Thiền Sư Nhất Hạnh từng nhả ngọc phun châu cho rằng các phi công Mỹ đã thả bom thành phố Bến Tre giết đến 300,000 dân:
và kêu gọi Mỹ tha thứ cho hành động sát nhân của bọn khủng bố Bin Laden tấn công vào tòa Tháp Đôi New York bằng phi cơ dân sự.
Không đứng về phía đảng phái, hoặc bí ẩn, khúc mắc của lịch sử đôi bên. Cuộc chiến Do Thái -Hamas/Palestine thật tàn bạo, mắt đổi mắt, răng đổi răng. Xin giới thiệu một nhà văn Do Thái gốc Việt diễn tả lại giai đoạn khởi đầu của cuộc chiến.
Sau đây là lời kể của nhà văn VANN Nguyen:

Khi Chiến Tranh Ập Tới

Vaan Nguyen (tên Việt Nam là Nguyễn Thị Hồng Vân)
Chứng từ của 1 nhà văn Do Thái gốc Việt.

Sáng nay vẫn còn pháo kích bằng rốc-két. Còi báo động rú lên trong khu nhà tôi. Phải đi làm. Tôi cố giữ bình tĩnh, dù mỗi lần mở tivi, báo đài, đôi lúc tôi bật khóc.
Gia đình tôi có năm chị em:
Tôi và hai người sống với cha mẹ ở Jaffa, ngoại ô Tel-Aviv. Phố xá vắng tanh. Từ mấy giờ nay, nhiều người được gọi đầu quân. Rất ít xe buýt còn chạy. Thiếu tài xế vì nhiều người phải trở về đơn vị. Mọi sự bắt đầu mới có hai ngày nhưng thời gian như đã ngừng lại. Đêm qua tôi chỉ ngủ được vài giờ. Hôm qua, chính phủ tuyên bố đất nước đã bước vào một cuộc chiến tranh «trường kỳ».

Chị cả của tôi sống ở Haïfa, muốn cả nhà đến ở với chị. Haïfa ở miền bắc, an toàn hơn, nhiều gia đình đã tị nạn về đó. Tối hôm qua, chị lái xe xuống đón một chị khác và cả nhà chúng tôi cùng ăn cơm tối. Nhưng gia đình tôi quyết định không đi.
Em gái út tôi 28 tuổi. Không còn ở trong quân số dự bị, nhưng cô ấy đã tự nguyện tái ngũ. Trong thời gian đi quân dịch (nam ba năm, nữ hai năm), cô ấy làm kỹ thuật viên trong không quân, phục vụ những chiến đấu cơ. Bây giờ cô em tôi lại “on call”, có thể được động viên bất cứ lúc nào.
Rất nhiều thanh niên Israel ở nước ngoài đã về nước để nhập ngũ, đặc biệt những người vừa xong thời kỳ nghĩa vụ quân sự. Thông thường, đi quân dịch xong, thanh niên thường đi chu du khắp nơi, như là nghỉ «sabbat» dài hạn, trước khi nhập học đại học. Bây giờ các chuyến bay về nước đầy ắp người, ai nấy đều trở về xin nhập ngũ. Chú tôi và cậu em họ cũng đang ở mặt trận. Chúng tôi rất lo sợ cho họ.
Tôi muốn thuật lại mọi sự đã diễn ra như thế nào trong mấy ngày cuối tuần vừa qua. Mọi người đều bị sốc ghê gớm. Bàng hoàng. Đó là dịp lễ lớn Souccot (kéo dài từ 29.9 đến 8.10.2023, tưởng niệm cuộc di tản qua sa mạc của dân tộc Do Thái, chú thích của người dịch). Đêm thứ sáu rạng sáng thứ bảy, tôi làm đêm ở cư xá những người mắc chứng tự kỷ. Đó là những người lớn, tự kỷ nặng nhẹ đủ cấp độ, một số là những nhạc sĩ và nghệ sĩ tài năng. Họ có mức độ tự lập cao thấp tùy người, còn công việc của chúng tôi là đồng hành với họ, giúp họ trong cuộc sống hàng ngày, tổ chức những « xưởng » sinh hoạt nghệ thuật, bây giờ cũng tạm ngưng các xưởng âm nhạc vì lúc này họ cần nhất là sự tĩnh lặng…
Mỗi đêm tôi làm việc từ 22g đến 9g. Lúc 6g30, tôi nhận được tin nhắn của em gái, nói ở Jaffa đang rú còi báo động. Tôi bấm trả lời, chuyện lộn xộn gì vậy? Năm phút sau, tôi còn đang đợi em trả lời, thì còi báo động rú lên ở khu cư xá, phía bắc, thuộc trung tâm Tel-Aviv. Tôi xỏ đôi giày. Một người trong cư xá chạy vội ra khỏi phòng, hét hoảng:

«Báo động! Báo động! Hỏa tiễn!».
Tôi đánh thức các bệnh nhân khác, chúng tôi chạy vội lên tầng hai, có phòng trú ẩn «fast shelter». Chỉ thị của chính quyền là chúng tôi có một phút rưỡi để chạy vào nơi trú ẩn gần nhất. Nếu không kịp, thì người ta khuyên là phải tạm trú phòng nào không có cửa sổ, hay dưới gầm bàn.
Chúng tôi nghe thấy tiếng «Vòm Sắt» bảo vệ chống tên lửa
[‘Vòm sắt’ là hệ thống phòng không, thiết lập từ năm 2010, nhằm mục đích ngăn chận rốc- két và đạn đại bác, chú thích của BBT].
Hỏa tiễn của Hamas nổ tung. Chúng tôi ngồi đợi. Rồi ra khỏi phòng trú ẩn. Bật tivi nghe tin tức. Mới biết các cuộc tấn công đã nổ ra ở khắp miền nam và miền trung Israel. 7g44, báo động lần thứ thứ nhì. Chúng tôi được gọi xuống phòng trú ẩn ở tầng hầm thứ 4. Phải chạy nhanh, nhưng có một bệnh nhân bị động kinh, tôi phải đi kèm. Anh ta la hét. Tôi ngẩng đầu, nghe thấy một tiếng nổ to kinh khủng, tôi sợ hãi hết sức. Trong hầm trú, các bệnh nhân đều hoảng hốt. Tôi cho họ uống nước và phát kẹo. Gọi điện thoại về Jaffa thăm gia đình. Cha mẹ tôi không chịu ra khỏi giường nằm để xuống tầng hầm trú ẩn của chung cư. Cũng may các em tôi kéo được hai cụ sang một căn phòng không cửa sổ, an toàn hơn.
8 giờ sáng, «giao ban» (shift) xong, tôi về nhà bằng taxi. Đường phố vắng tanh. Cũng may, người lái taxi bị gọi tới tấp, đã từ chối nhiều khách, đến khi thấy tôi gọi từ cư xá người tự kỷ, anh ta mới nhận.
Suốt hai ngày cuối tuần, chúng tôi dán mắt vào màn ảnh điện thoại, theo dõi các mạng xã hội. Đầy những thông báo tìm tin những người trẻ mất tích trong vụ đại hội nhạc rave party tổ chức ở sa mạc Néguev sát gần dải Gaza. Bạn bè tôi, ai cũng có người quen đi dự, Israel là một nước nhỏ tẹo mà. Trên đường phố Tel-Aviv, các thiện nguyện viên tổ chức phân phát lương thực cho những gia đình từ miền nam tị nạn lên thành phố. Binh lính nữa. Trong dịp lễ sabbat, không có phương tiện chuyên chở công cộng. Binh sĩ các nơi gửi tin nhắn trên mạng để tìm xe quá giang trở về đơn vị.
Chưa bao giờ chúng tôi mường tượng xảy ra một cuộc khủng bố ở quy mô như vậy. Nhìn những con số ghê gớm ấy, tôi không thể nào hình dung ra được. Hơn sáu trăm người chết, hàng ngàn người bị thương, cả trăm người bị bắt cóc… Bình thường, chỉ những thành phố và làng mạc ở gần biên giới mới bị pháo kích. Tất nhiên, cũng không xa xôi gì, từ nhà chúng tôi đi tới cũng chỉ hai giờ xe hơi, nhưng phải thú thực là chẳng mấy ai thực sự quan tâm, chúng tôi vẫn tiếp tục cuộc sống, ra quán cà phê, đi thăm bạn bè. Chúng tôi như sống trong cái bong bóng, nhờ đó mà người ta có thể nhâm nhi tách cà phê ở trung tâm Tel-Aviv, dưới mái «Vòm Sắt», cảm thấy an toàn dù đâu đó có bị pháo kích. Thế mà bây giờ, chiến tranh đã ập tới, người ta chợt bừng tỉnh. Thấy hình ảnh những chiếc xe jeep của dân quân võ trang trên sa mạc, tôi nghĩ đến hình ảnh những lực lượng khủng bố ở Châu Phi, bắt cóc đàn bà con trẻ.
Lần này, trung tâm Tel-Aviv bị tấn công nặng nề. Rốc-két, còi báo động. Chúng tôi khóa chặt cửa nhà vì thấy trong hình ảnh miền nam, quân khủng bố xông vào nhà bắt cóc người dân. Vâng, đúng là chiến tranh rồi, Mihamma (מִלְחָמָה) rồi. Chưa bao giờ tôi được sống trong một đất nước hòa bình. Vẫn biết chúng tôi đã quen với những cuộc tấn công. Mấy năm đi quân dịch, tôi xuất bản những đoạn video về drone, về những vụ nổ được quay chụp trực tiếp, vô cùng hiện thực… Nhưng bây giờ, cụm từ người ta thường dùng là «hành quân đặc biệt», là « Mivtza Meyuhad » (מבצע מיוחד). Nói cho chính xác, là מִלְחָמָה (Mihamma). Chiến tranh.
Danh từ ấy, lần chót tôi dùng, phải nói đã lâu rồi. Đó là thời chiến tranh vùng Vịnh, tôi khoảng mười tuổi. Tôi nhớ cả nhà tôi đã ngủ trong hầm trú ẩn nhà bà tôi, cửa kính dán băng dính để giảm thiểu thương tích khi bị phá nổ, ai nấy đều được trang bị mặt nạ chống hơi độc. Rồi cha tôi gửi mẹ và chị em tôi sang Hà Lan, còn ông ở lại Israel làm việc. Mấy tháng sau chúng tôi mới trở về.
Cha mẹ tôi đã trải qua chiến tranh ở Việt Nam. Chúng tôi đến Israel cũng là tình cờ, vì Israel là nước đầu tiên chấp nhận chúng tôi, những thuyền nhân đã tới trại tị nạn Philippines.
Hóa ra, họ đã chạy trốn khỏi một cuộc chiến tranh, nay lại sống trong một nước đang lâm vào chiến tranh… Cha tôi hoảng sợ khi cuộc chiến tranh vùng Vịnh nổ ra. Nhưng riết rồi họ cũng quen dần : Intifada lần thứ nhất, Intifada lần thứ hai… Mẹ tôi không hiểu tiếng Do Thái, nên cũng không theo sát tình hình hiện nay. Chúng tôi cố gắng giải thích, cho bà biết con số những người chết, chúng tôi nói: «Mẹ nhìn bà cụ này, chúng bắt cóc bà, bà không mang thuốc men theo, cô con gái bà cụ rất lo. Mẹ thấy những em này, 12 đến 16 tuổi, đi dự rave party, phải bỏ chạy, có em bị bắn chết ».
Tối hôm qua, ở nhà, tôi cứ nhìn lên bầu trời suốt mấy tiếng đồng hồ. Uống cà phê, ngóng nghe những tiếng ầm ầm nổ . Còi báo động lại rú lên. Hàng xóm phần đông trú ẩn dưới hầm hay dưới gậm cầu thang. Còn tôi cứ đứng khựng ở ngoài ban công. Nhìn trời. Tôi biết lắm, lẽ ra tôi phải xuống hầm trú. Nhưng hai ngày cuối tuần làm tôi kiệt sức rồi, chẳng muốn chạy đi đâu nữa. Chỉ muốn đứng im một chỗ. Và tôi tiếp tục đứng uống cà phê ngoài ban công, trong khi rốc-két tiếp tục từ trên trời trút xuống.
Tôi không biết điều gì sẽ xảy ra trong những giờ sắp tới, trong những ngày sắp tới. Bây giờ là 13g. Tôi hơi ngạc nhiên vì ở khu trung tâm Tel-Aviv, còn có những cửa hàng mở cửa. Người ta đi mua bán. Chắc là họ muốn tích trữ.
9.10.2023
Lời kể của nhà văn VAAN NGUYEN
Nhà báo Doan Bui ghi
Nguyễn Ngọc Giao dịch từ bản tiếng Pháp

No comments:

Mật vụ Ukraine 'tung hoành' ở Moscow như thế nào? Tác giả,Zhanna Bezpiatchuk, Ilya Barabanov, Tom Santorelli

HÌNH ẢNH,BỘ QUỐC PHÒNG NGAChụp lại hình ảnh,Trung tướng Igor Kirillov của Nga - người bị giết tại Moscow vào hôm 17/12 Các nguồn tin của BBC...