Monday, October 30, 2023

Biển Đông : Khi con tàu hỏng của Philippines trở thành biểu tượng chống Trung Quốc - Anh Vũ

HoangsaParacels: Các đài BBC,VOA, RFI khi nhắc đến chiến hạm này thường hay liên hệ đến tiền thân của nó là thuộc US Navy hoặc Philippines Navy BRP mà quên chiến hạm này đã từng phục vụ trong HQVNCH.

Dù đổi tên là BRP Sierra Madre và mang quốc ký Philippines, Dương Vận Cơ Xưởng Hạm Mỹ Tho HQ 800 của Hải Quân Việt Nam Cộng Hòa mãi mãi là một tiền đồn chống lại âm mưu bành trướng độc chiếm Biển Đông của Trung Cộng.

Con tàu hỏng BRP Sierra Madre, biểu tượng tiền đồn biên giới trên biển của Philippines. Ảnh chụp ngày 22/08/2023. AP - Aaron Favila.

BRP Sierra Madre là con tàu chiến Mỹ đã tham gia Thế chiến thứ hai và Chiến tranh Việt Nam, sau đó được Philippines mua lại. Giờ đây, con tầu cũ hỏng này đang là trung tâm của những căng thẳng Trung-Philippines ở Biển Đông.

Sự leo thang này có nguy cơ đẩy Mỹ đến chỗ phải can thiệp hỗ trợ Manila, khi mà cuối tháng 4 năm nay chính quyền Philippines đã có những quyết định củng cố liên minh quân sự với Washignton.

Hải quân Trung Quốc đang làm mọi cách để ngăn chặn các tàu tiếp tế của Philippines tiếp cận con tàu cũ dài 100 m nay chỉ còn là chiếc xác nằm trên bãi Cỏ Mây, một rạn san hô trong quần đảo Trường Sa. Đây là khu vực mà từ nhiều thập kỷ qua cả Philippines và Trung Quốc đều có yêu sách về lãnh thổ và lãnh hải.

Hôm Chủ nhật ngày 22 tháng 10, một tàu tuần duyên Trung Quốc đã va chạm với một tàu tiếp tế của Philippines. Trước đó, Trung Quốc đã chiếu tia laser loại dùng trong quân sự vào một tàu được cử đến tiếp tế cho  BRP Sierra Madre. Hồi đầu năm nay họ cũng đã dùng vòi rồng cực mạnh phun nước vào một con tàu vận tải khác của Philippines muốn tiếp cận con tàu mắc cạn.

Nhật báo Mỹ Wall Street Journal lưu ý, đây chỉ là những ví dụ đáng chú ý nhất về những sự cố đang xảy ra liên tiếp xung quanh phế tích của Thế chiến thứ hai này.

PUBLICITÉ

Không phải bây giờ BRP Sierra Madre mới là cái gai dưới chân hải quân Trung Quốc. Pak Kuen Lee, chuyên gia về chính sách đối ngoại Trung Quốc tại Trung tâm Nghiên cứu và Phân tích xung đột thuộc Đại học Kent, cho biết : “Con tàu đã được cho mắc cạn một cách cố ý vào năm 1999 trên rạn san hô bãi Cỏ Mây để khẳng định yêu sách chủ quyền của Philippines đối với rạn san hô, nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của nước này”.

Vào lúc đó, Manila đã hành động như vậy để đáp trả hành vi khiêu khích của Trung Quốc. « Hành động cắm chân trên vùng biển xa xôi  này xảy ra không lâu sau khi Trung Quốc chiếm (đảo Đá Vành Khăn nằm bên cạnh (1995)», Moises Lopes de Souza, chuyên gia về các xung đột hàng hải tại châu Á thuộc đại học Lancashire (Anh Quốc) cho biết.

Từ đó đến giờ, BRP Sierra Madre là hiện thân cho « những căng thẳng và tranh chấp địa chính trị trên Biển Đông », Basil Germond, chuyên gia về các vấn đề an ninh hàng hải thuộc Đại học Lancastre (Anh Quốc)

Trong một thời gian dài, Bắc Kinh bỏ qua sự hiện diện của cái di tích thời Thế chiến thứ hai này trong vùng biển mà Trung Quốc vẫn tham vọng « kiểm soát tuyệt đối, gây phương hại cho các quốc gia đòi hỏi chủ quyền trong khu vực ( Chủ yếu là Philippines và Việt Nam) », chuyên gia về các  tranh chấp hải phận và lãnh thổ Trung Quốc thuộc Đại học Lancastre ghi nhận.

Lỗi tại mẹ thiên nhiên

Chính quyền Trung Quốc lâu nay đã chấp nhận để Philippines tiếp viện cho các binh sĩ, khoảng hơn chục người đang đóng trên trên con tàu mắc cạn này. Họ không muốn đẩy cuộc đối đầu đi quá xa.Moises Lopes de Souza giải thích : "Trên thực tế, tàu BRP Sierra Madre chưa bao giờ được Hải quân Philippines bỏ mà nó vẫn chính thức hoạt động. Nói cách khác, nếu Trung Quốc gây chuyện với con tàu này, tức là họ đang động đến lãnh thổ Philippines".

Từ gần 25 năm, Philippines đã tìm được cách làm  độc đáo để « thiết lập trên đảo ngầm này đường biên giới theo đòi hỏi chủ quyền trên biển của họ », chuyên gia Moise Lopes de Souza giải thích thêm. Do đó, « con tàu đã trở thành biểu tượng của một quốc gia đã thành công trong việc chống lại nỗ lực của Trung Quốc muốn mở rộng ảnh hưởng ra khắp khu vực,” Andrew Chubb nhận định.

Như vậy, đây cũng là một tấm gương cho các quốc gia châu Á khác.  Bắc Kinh không thể làm được gì nhiều để chống lại, ngoại trừ việc chờ thời. Làn ranh đỏ do Trung Quốc vạch ra bây giờ là họ không dung thứ cho việc gia cố con tàu hỏng như ý định của Philippines.  

Đó là căn nguyên dấy lên căng thẳng xung quanh con tàu cũ rích này.  Ông Andrew Chubb giải thích : « Đó là lỗi của mẹ thiên nhiên ! Từ một năm nay, vỏ con tài BRP Sierra Madre ngày càng bị hư hại và nếu không có sửa chữa, chẳng bao lâu nữa sẽ kết thúc ».

Trò chơi mèo đuổi chuột trở nên cấp tập hiện nay xung quanh cái chốt tiền tiêu ít nhiều ọp ẹp này của Philippines. Trung Quốc gia tăng các hoạt động quấy rối các tàu chiến Philippines nhằm bảo đảm không có vật tư nào để sửa chữa con tàu lọt lưới của họ. Còn về phần mình, Manila « làm tất cả để phá vỡ phong tỏa của Trung Quốc đang cố áp đặt, để duy trì cho con tàu của họ vẫn nổi », Pak Kuen Lee nhận định.

Với ông Ferdinand Marcos Jr., mới lên làm tổng thống Philippines từ hơn một năm qua, thì « không có chuyện bỏ rơi xác con tàu này. Về mặt chính trị, làm như vậy tức là sẽ lại chấp nhận mất chủ quyền lãnh thổ trước Trung Quốc », chuyên gia Moises Lopes de Souza nhấn mạnh.

Trung Quốc với Philippines... và Hoa Kỳ

Không phải chỉ có « mẹ thiên nhiên » chịu trách nhiệm về tình trạng leo thang căng thẳng hiện nay giữa Trung Quốc và Philippines xung quanh con tàu hỏng này. Bắc Kinh khó có thể chấp nhận được thái độ quay ngoắt sang thân Washington của Manila gần đây.

 Cựu tổng thống Rodrigo Duterte lâu nay vốn ứng xử thân thiện với Trung Quốc trước khi có thay đổi một chút vào cuối nhiệm kỳ, còn « Ferdinand Marcos Jr. chống Trung Quốc kịch liệt và thân Mỹ hơn », Moise Lopes de Souza nhận xét.

Do đó, Trung Quốc thấy cần phải thể hiện sức mạnh của mình và con tàu cũ này là cơ hội tốt để làm điều đó. Zeno Leoni, chuyên gia về các vấn đề an ninh Trung Quốc tại Nhóm Nghiên cứu An ninh Quốc tế ITSSA Verona nhận định : “Những hành vi quấy rối tàu Philippines gần đây cho thấy quân đội Trung Quốc muốn chứng tỏ họ sẵn sàng sử dụng vũ lực nhiều hơn để khẳng định mình ở Biển Đông”.

Và đó cũng là vấn đề của một cường quốc khác cũng đang muốn khẳng định quyền lực trong vùng, đó là Hoa Kỳ. « Cựu tổng thống Mỹ, Barack Obama đã từng bị chỉ trích vì quá mềm yếu trước Trung Quốc hồi năm 2012 khi Bắc Kinh chiếm bãi đá ngầm Scarborough trong Biển Đông. Washington khi đó đã cố gắng làm dịu căng thẳng thay vì kiên quyết ủng hộ đồng minh Philippines. Từ đó đến giờ, Mỹ đã nhiều lần tố cáo Trung Quốc lợi dụng tình hình để tiếp tục xây dựng các cơ sở quân sự trên các đảo đó », chuyên gia Park Kuen Lee giải thích. Ông cho rằng giờ đây Washington tỏ ra kiên quyết hơn trong trường hợp có sự cố xảy ra trong quần đảo Trường Sa.

Điều này càng có thực khi mà Hoa Kỳ và Philippine hồi năm ngoái đã có những quyết định thắt chặt mối quan hệ đồng minh của họ. Từ đó đến nay, chính quyền Biden đã nhiều lần khẳng định ủng hộ Manila đối phó với mối đe dọa Trung Quốc.

Hôm 25/10 vừa qua, tổng thống Mỹ còn cảnh báo Bắc Kinh rằng ông «sẽ bảo vệ » đồng minh của mình trong trường hợp một trong các con tàu của Philippines bị tấn công. Như thế, con tàu BRP Sierra Madre có thể trở thành tia lửa làm bùng nổ thùng thuốc súng, theo các chuyên gia.

Hiện tại, Trung Quốc tỏ ra ít nhiều kiềm chế và chỉ chú tâm vào các hành động khiêu khích « bởi vì Trung Quốc không muốn bị coi là  gây ra khủng hoảng lớn », chuyên gia Moises Lopes de Souza khẳng định.

Nhưng với quá nhiều sự cố xẩy ra liên tiếp, thì một trong số đó sẽ có thể chuyển thành tai nạn nghiêm trọng hơn. Trong trường hợp xảy ra như thế, chắc chắn Manila sẽ kêu gọi đồng minh Mỹ. Và như thế, « sẽ là một phép thử về độ tin cậy đối với Washington ở trong vùng » chuyên gia Zeno Leoni nhận định. Tất cả những người bạn của Hoa Kỳ như Nhật Bản, Úc, Đài Loan sẽ soi xét rất kỹ để xem liệu họ có thể tin vào đồng minh Mỹ nữa hay không.

(Theo france24.com)

https://www.rfi.fr/vi/ch%C3%A2u-%C3%A1/20231030-bi%E1%BB%83n-%C4%91%C3%B4ng-khi-con-t%C3%A0u-h%E1%BB%8Fng-c%E1%BB%A7a-philippines-tr%E1%BB%9F-th%C3%A0nh-bi%E1%BB%83u-t%C6%B0%E1%BB%A3ng-ch%E1%BB%91ng-trung-qu%E1%BB%91c

















































































































































































































































































































































































No comments: