Sunday, October 1, 2023

Tâm Sự Của Một Bạn Trẻ Về Ký Ức Mặt Trận Quảng Trị 16/9/1972

Cách đây tương đối khá lâu, ông Hội Trưởng Hội Thủy Quân Lục Chiến Tiểu Bang Victoria, Úc Đại Lợi có tặng tôi một quyển Đặc San Sóng Thần 2021 & 2022 kỷ niệm 50 năm Chiến thắng Quảng Trị 16/9/1972-16/9/2022 và 68 năm thành lập binh chủng Thủy Quân Lục Chiến.

Tôi chưa bao giờ được mặc áo lính cầm súng. Trước khi miền Nam rơi vào tay quân cộng sản vào Tháng Tư, 1975, tuổi đời tôi không đủ để gia nhập quân đội. Tuy nhiên, tôi rất thương mến những người lính đã chiếu đấu để bảo vệ cho sự tự do và hòa bình của nhân dân miền Nam trong suốt thời gian dài 21 năm kể từ khi đất nước bị chia đôi năm 1954 theo Hiệp Định Đình Chiến Geneva. Nói một cách huỵch tẹt, họ đã đổ xương máu cho tôi được sống. Tôi đoán rằng ông Hội trưởng biết tôi không phải là lính nhưng ông vẫn rộng lượng xem tôi như là một người em “huynh đệ chi binh”.
Tôi để quyển đặc san ở đầu giường, không dám đọc, như ly rượu đỏ ngon không dám uống sợ hết. Nhưng cuối cùng rồi tôi cũng ngấu nghiến đọc như ăn một món ngon không kịp nhai. Quyển đặc san đã đưa tôi về một vùng trời kỷ niệm cũ, buồn vui lẫn lộn.
Trước lò sưởi lửa cháy tí tách reo vui trong cái lạnh mùa đông của vùng núi, với sự thoải mái riêng tư ở một nơi tỉnh mịch, tôi đã viết câu chuyện này. Ở đó, tôi nhìn những dãy núi trùng điệp xa tít tắp tưởng chừng như vô tận đến đường chân trời giống như dãy núi Alps bên Áo Quốc trong phim nhạc kịch “Tiếng Tơ Đồng” (The Sound of Music) nổi tiếng làm bao thế hệ say mê. Viết thế cho lãng mạn, chứ lúc đó, trong lòng tôi đã có một dãy núi khác. Dãy núi Trường Sơn hùng vĩ có đỉnh đồi Charlie, gần biên giới ba nước Đông Dương. Tại đỉnh đồi Charlie này, trong Mùa Hè Đỏ Lửa 1972, cố Đại Tá Nguyễn Đình Bảo, Tiểu Đoàn Trưởng Tiểu Đoàn 11 Nhảy Dù đã hy sinh khi đơn vị của ông kịch chiến với Sư Đoàn Thép 320 cộng sản. Ông và nhiều đồng đội đã nằm xuống cho chúng ta được sống. Mặt trời ở ngay phía trên một cây khuynh diệp cao ngút mắt. Những tia sáng của nó chiếu lên những những dãy núi tạo nên những màu sắc lung linh huyền ảo, một vẻ đẹp thiên nhiên khó tả. Mọi thứ xung quanh tôi đều xanh tươi, và 'Tôi tự nghĩ, thế giới thật là tuyệt vời!' (‘I think to myself, what a wonderful world!’ - Louis Armstrong). Nhưng nhiều người lính đã bỏ mình trong những dãy núi trên quê hương tôi.
Mặc dù, câu chuyện này đã xảy ra gần nửa thế kỷ về một cái chết của một người lính Thủy Quân Lục Chiến mà tôi rất quý mến.
Vào năm 1972, tôi theo học võ với anh của một cô bạn học. Lúc đó, tôi khoảng 12 tuổi. Anh trùng tên với tôi, Vân, và là một võ sĩ nổi tiếng của võ đường môn phái Thiếu Lâm Tự địa phương. Anh thượng đài tỉ thí thường xuyên với các võ sĩ trong tỉnh và Sài Gòn, và mỗi lần đều chiến thắng vẻ vang. Tất nhiên, tôi rất hãnh diện về sư phụ của mình. Năm 1974, anh tình nguyện nhập ngũ sau khi thi đậu Tú Tài Một. Anh vào Quân trường Thủ Đức theo khóa học đào tạo sĩ quan. Khi tốt nghiệp, anh theo binh chủng Thủy Quân Lục Chiến. Tôi nhớ khi anh được về phép thăm nhà trước khi trình diện đơn vị, anh đến nhà tôi chơi trong bộ quân phục ngụy trang vừa vặn, ủi hồ thẳng nếp. Tôi khâm phục sự hào hùng của sư phụ và có ước muốn là khi trưởng thành tôi cũng sẽ nối gót anh theo nghiệp kiếm cung.
Trong quân ngũ, thỉnh thoảng anh có viết thư cho tôi. Thư ngắn thôi. Chỉ là thăm hỏi và vài lời chỉ dẫn võ nghệ. Tôi hiểu anh là lính chiến, thời gian của anh là dành cho bảo vệ quê hương đồng bào ngoài tiền tuyến, chứ không phải là để viết thư cho thằng đệ tử hậu phương. Thời gian đó, tôi huấn luyện với Vovinam Việt Võ Đạo. Tôi cho anh biết. Anh hỏi tôi tại sao tôi không tiếp tục với võ đường của anh. Tôi trả lời rằng tôi nghĩ Vovinam Việt Võ Đạo thích hợp hơn cho cá tính của tôi bởi vì nó chú trọng thêm đến việc đào tạo cái đức của người võ sinh. Khi tôi chuẩn bị thi lên đẳng cấp, anh về phép. Anh đến nhà xem tôi tập luyện, khi thấy tôi bị thương ở đầu gối, anh khuyên tôi đừng nên đi thi, bởi vì chương trình thi đòi hỏi nhiều bài biễu diển và song đấu tự do và sẽ làm vết thương trầm trọng hơn. Tôi không nghe lời và tôi rớt kỳ thi năm đó.
Khi anh biết tin, anh buồn lắm. Anh viết cho tôi một lá thư dài, đại ý là học võ là để gìn giữ thân thể tráng kiện và để phòng thân, việc lên ngôi thứ là không quan trọng. Anh còn cho tôi biết là Tiểu Đoàn của anh đóng tại bờ sông Thạch Hản, Quảng Trị, hằng ngày đối đầu với bộ đội chính quy Bắc Việt, tình hình rất căng thẳng.
Sau ngày miền Nam sụp đổ, tôi lại nhà của anh tìm anh. Gặp em gái anh, cô cho biết là anh đã mất tích. Lúc đó, tôi có hy vọng mong manh là anh đã theo đơn vị di tản ra nước ngoài hoặc vào chiến khu kháng chiến.
Tôi vào đại học, rồi vượt biên thành công, định cư ở Úc. Trong suốt thời gian này tôi vẫn cố gắng tìm kiếm tin tức của anh. Nhưng vì tôi không có về Việt Nam, nên chỉ dò hỏi thông qua bạn bè. Nhưng các cố gắng đó đều vô vọng
Năm 2010, tôi qua Hobart, Tasmania làm việc. Trong những đêm xa nhà một mình trong khách sạn, tôi tìm đọc những bài viết trên Trang mạng Thủy Quân Lục Chiến nhằm mục đích xem tên anh có được nhắc đến tình cờ hay không bời vì anh đã là một sĩ quan của binh chủng thiện chiến này. Tôi đăng một tin tìm người thân trên Trang mạng. Biết đâu những người cùng đơn vị anh trước đây sẽ cho tôi biết tin tức sống chết của anh.
Cùng một lúc, tôi giúp đở tài chính cho em gái của anh bên Việt Nam đi tìm hài cốt của anh ở Huế khi phong trào này bùng phát rất mạnh trong nước.
Một tháng sau, bất ngờ một buổi tối, tôi nhận được một cú điện thoại và một điên thư cùng một lúc. Em gái của anh điện qua cho biết là đã tìm được xác anh với thẻ bài trong một mồ chôn tập thể cho những người lính Thủy Quân Lục Chiến tử trận tại cửa biển Thuận An, Huế trong những ngày cuối tháng Ba, 1975. Hài cốt của anh sẽ được đem về chôn cất ở quê nhà. Điện thư đến từ một vị chỉ huy đại đội cuối cùng cũa đơn vị anh đang sinh sống ở Melbourne, cho biết là anh cùng một số chiến hữu khác hy sinh khi hầm của họ trúng phải một trái pháo của cộng quân trong lúc chờ tàu Hải Quân di tản.
Tôi chưa về Việt Nam từ ngày xuống ghe vượt biên đến nay. Đã hơn 42 năm rồi! Tôi không nghĩ là sẽ có một ngày tôi sẽ đứng trước phần mộ của anh để thắp nén hương tưởng nhớ.
Thôi thì, tôi xin gửi đến anh một nén hương lòng cho sự hy sinh của anh cho Tổ Quốc Việt Nam trường tồn.





No comments:

Tùy bút GIÂY PHÚT CHẠNH LÒNG-Điệp Mỹ Linh

Chủ nhật Jan./12/2025 vừa qua, lúc 11:00AM, một số Luật sư/cựu sinh viên Luật Khoa đã gặp nhau tại nhà hàng Lambo, trên đường Westheimer, Ho...