Trong trận hải chiến Hoàng Sa, Sư đoàn 1 Không quân tại Đà Nẵng đã viện dẫn lý do phi cơ không đủ nhiên liệu để từ chối yểm trợ chiến hạm HQVN giữa lúc đang giao chiến với chiến hạm Trung Cộng.
Tuy nhiên, sáng ngày 21/01/1974, phi cơ F-5A đã ở trong tình trạng sẵn sàng chờ TT Thiệu ra lịnh bay ra oanh tạc lực lượng TC trên các đảo ngoài Hoàng Sa.
Ngoài ra trong chiến dịch Bắc phạt, ngày 19/04/1965, Trung tá Phạm Phú Quốc đã chỉ huy phi đội A-1 ra oanh tạc Hà Tỉnh. Khoảng cách đường bay giữa Đà Nẵng và Hà Tỉnh là 356 km, trong khi khoảng cách giữa Đà Nẵng và Hoàng Sa khoảng 367 km.
Dự trù TC có thể tiến xuống phía nam xâm lăng Trường Sa, tháng 2-1974, Hải quân Hoa Kỳ viết bài phân tích, so sánh lực lượng TC và VNCH. Trong đó, họ cho là với khoảng cách từ Sài Gòn đến các đảo gần nhất ở Trường Sa là 557 km, Không quân Việt Nam có 3 loại phi cơ chiến đấu là F-5, A-1 và AC-119 có khả năng hoạt động ngoài khu vực quần đảo Trường Sa.
Và loại F-5 được xem là tương đương với MIG-19 (trong khi loại F-5E được đánh giá là trội hơn MIG-21 vì hỏa tiễn không không trên F-5E tinh vi hơn).*****
Điểm cần nhấn mạnh nơi đây là trong thời điểm xảy ra biến cố Hoàng Sa, Không quân VNCH chưa có loại F-5E. Trong trận hải chiến Hoàng Sa, KQVN chỉ có loại F-5 (hay F-5A).
Ngày 13 tháng 3-1974, 4 chiếc F-5E đầu tiên đã được phi công HK bay thẳng từ căn cứ không quân Clark (Phi Luật Tân) sang Biên Hòa để chuyển giao cho KQ/VNCH. Khoảng cách từ Clark đến Biên Hoà là 1560 km hay 842 hải lý (Điện văn số 023531 ngày 20 tháng 3-1974 của TĐS/SG gởi BNG/HK).
Bài viết này đề cập đến hai loại phi cơ tác chiến và quan sát có khả năng hoạt động ngoài Hoàng Sa.
PHI CƠ TÁC CHIẾN
1.- Khu trục cơ A-1 Skyraider
Là loại phi cơ tấn công một máy và một cánh quạt rất được các cấp chỉ huy mặt trận yêu cầu yểm trợ mỗi khi đụng trận, có khả năng hoạt động trong thời tiết xấu, chịu đựng các loại vũ khí nhẹ và tự động. Có biệt danh là “Spad”.
A-1 có thể phóng hỏa tiễn, có trang bị 4 đại bác 20 ly tổng cộng mỗi phút có thể tác xạ trên 2000 viên.
Mặc dù vận tốc tối đa chỉ 318 mph, nhưng A-1 có thể duy trì trên không phận của mục tiêu lâu hơn loại phi cơ phản lực và có độ chính xác rất cao khi thả bom.
Trong chiến tranh Triều Tiên, Skyraider được sử dụng trên các hàng không mẫu hạm của Hải quân HK.
Khoảng đầu thập niên 1960, HQHK thay thế A-1 bằng loại A-4 Skyhawk, vì thế Skyraider được đưa sang Việt Nam trong mùa hè 1964 và được xem như là loại phi cơ chủ yếu của KQ/VNCH.
A-1 còn được xem là phi cơ tiền phong của không quân HK trong các cuộc hành quân chống du kích.
Chúng được sử dụng đầu tiên ở Việt Nam trong chiến dịch Farmgate. Từ năm 1968, A-1 là cột trụ yểm trợ các cuộc hành quân cận chiến (vị trí ta và địch rất gần nhau, cần sự chính xác).
Do hảng máy bay Douglas Aircraft Co. (nhập vào Boeing sau này) chế tạo từ năm 1945-1957 với tổng số là 3180 chiếc.
Chuyến bay đầu tiên thực hiện ngày 18/03/1945, bắt đầu đưa vào hoạt động năm 1946.
Đặc tính & khả năng
– phi hành đoàn: 1 người – chiều dài: 11,84 m (38 ft 10) – chiều ngang cánh: 15,25 m (50 ft) – chiều cao: 4,78 m (15 ft 8)
– vận tốc tối đa: 322 mph (518 km/h) / vận tốc thông thường: 198 mph (319 km/h)
– tầm hoạt động: 1144 hải lý (2119 km)
– độ cao tối đa: 28500 ft (8685 m)
– vũ khí: 4 khẩu đại bác 20 ly / Có thể mang đến 8000 lb (3600 kg) bom, ngư lôi, mìn, hỏa tiễn.
2.- Phản lực cơ chiến đấu F-5A
Phi đoàn 522 Không quân Việt Nam ở Biên Hòa bắt đầu sử dụng F-5A từ giữa năm 1967. F-5A do hảng Northrop Corporation, Hawthorne, CA chế tạo. Chuyến bay thử nghiệm đầu tiên của chiếc F-5A mẫu được thực hiện vào ngày 31/07/1963.
Các nước sử dụng F-5A gồm có Việt Nam, Iran, Hàn Quốc, Philippines, Thổ Nhĩ Kỳ,
Hy Lạp, Đài Loan, Na Uy, Tây Ban Nha và Canada.
(trích trong Military Periscope dựa trên tài liệu của USNI – U.S. Naval Institute)
3.- Phi cơ yểm trợ AC-119
Do hảng Fairchild-Hiller Corporation chế tạo, được biến cải từ loại C-119G để thích hợp với các phi vụ yểm trợ hành quân trên bộ. Phi vụ đầu tiên của loại AC-119G thực hiện ngày 5/01/1969.
Tháng 2/1969, loại phi cơ này được bổ sung đầy đủ tại các phi trường Tân Sơn Nhất, Phan Rang và Nha Trang. Sau đó, một số C-119 cũng được biến cải thành loại AC-119K.
Trong 2 năm 1968 và 1969 có 52 chiếc C-119 biến đổi thành AC-119G và AC-119K.
Đặc tính kỹ thuật:
– phi hành đoàn: 6 người (ban ngày) / 8 người (ban đêm)
– chiều dài: 26,36 m (86 ft 6)/ chiều ngang cánh: 33,31m (109 ft 3)/ chiều cao: 8,12 m (26 ft 8)
– trọng lượng không tải: 18200 kg (40125 lb)
– trọng lượng tối đa có thể cất cánh: 28100 kg (62000 lb)
Khả năng:
– Vận tốc tối đa: 210 mph (335 km/h) – vận tốc thông thường: 150 mph (240 km/h) – Tầm hoạt động: 1680 hải lý (3111 km)
– Thời gian hoạt động: khoảng 6 giờ. – Độ cao tối đa: 23300 ft (7100 m)
Vũ khí:
– 4 khẩu đại liên 30 (7,62 mm) có thể mang đến 50000 viên ban ngày và 35000 viên ban đêm
– 2 khẩu đại bác 20 ly M61 Vulcan/ 60 trái sáng Mk 24 sử dụng ống phóng LAU-74/A
4.- Phản lực cơ tác chiến A-37
Loại A-37 có khả năng tấn công và trinh sát. Năm 1967 hảng Cessna biến cãi 39 chiếc phi cơ huấn luyện T-37 thành A-37A.
Cuối năm 1967 không quân Mỹ đem 25 chiếc qua thử nghiệm ở Việt Nam và Lào. Sau cuộc thử nghiệm đã có vài thay đổi, sau cùng không quân Mỹ đặt mua 577 chiếc và đặt tên mới là A-37B.
Trong số này 254 chiếc đã được chuyển giao cho KQVN, các phi công được huấn luyện tại England Air Force Base, LA.
Đặc tính:
– phi hành đoàn: 2 người nhưng thường chỉ có 1 phi công.
– dài: 29 ft 4/cao: 9 ft 6 / chiều ngang cánh: 38 ft 5
– trọng lượng không tải: 6211 lbs (2817 kg) /trọng lượng tối đa cất cánh: 14000 lbs (6350 kg)
– động cơ: 2 động cơ phản lực General Electric J85-GE-17A
Khả năng:
– vận tốc tiết kiệm: 260 mph / vận tốc tối đa: 416 mph ở độ cao 15500 ft .
– tầm hoạt động: 808 hải lý (1496 km) hay 3 giờ 14 phút nếu mang theo 847 gallons xăng, bay với vận tốc 257 mph và trọng lượng lúc cất cánh là 12736 lbs.
– cao độ tối đa: 25000ft.
Vũ khí:
– 1 khẩu đại liên 30 (7.62mm) 6 nòng GAU-2/A với 1500 viên đạn
– mang theo tối đa 6000 lbs (thông thường chỉ mang khoảng 4000 lbs) các loại bom, bom lửa và hỏa tiễn không địa. (trích từ www.nationalmuseum.af.mil)
PHI CƠ TRINH SÁT
Không quân VNCH có vài loại phi cơ quan sát có khả năng bay ra Hoàng Sa.
1.- Cessna 0-2 Skymaster
do hảng Cessna chế tạo để thay thế loại 0-1 Bird Dog trong năm 1966. Bắt đầu hoạt động từ tháng 3/1967, có tất cả 532 chiếc được sản xuất.
Phi cơ có 2 chỗ ngồi cho phi công và quan sát viên. Tốc độ tối đa 200 mph (322 km/h), tầm hoạt động 1325 miles (2132 km).
Có trang bị đại liên 6 nòng SUU-11/A, hỏa tiễn và bom.
2.- Cessna U-17A Skywagon
do hảng Cessna chế tạo từ năm 1962. Vì nhu cầu của không quân Mỹ nên loại này đã được biến cãi từ loại Cessna 185. Có hơn 450 chiếc đã được sản xuất.
Chỉ cần 1 phi công, nhưng có thể chở thêm từ 3 đến 5 người.
Tốc độ tối đa 178 mph (286 km/h) /Tầm hoạt động 979 miles (1576 km)
Cessna U-17A còn được CIA sử dụng trong chiến tranh Việt Nam.
HOẠT ĐỘNG KHÔNG QUÂN
1.- Ghi nhận về các hoạt động của Không quân đã được ghi chép trong nhật ký Hành quân Trung tâm Hành quân Hải quân tại Bộ Tư lệnh Hải quân Sài Gòn:
•• ngày 15-1: lúc 17:00H: HQ 16 neo ở vị trí cách đảo Cam Tuyền 100 m về hướng Đông phát hiện tàu TC neo gần đảo 100 m. Tàu TC là loại tàu đánh cá, trọng tải chừng 100 tấn, có vài cây antenna. Trên đảo có cờ TC. HQ 16 dùng quang hiệu yêu cầu tàu TC đi khỏi nhưng chúng không trả lời. Hải quân Việt Nam (HQVN) liên lạc cơ quan DAO và được thông báo là không ghi nhận có pháo binh TC trên đảo. HQVN yêu cầu DAO sử dụng phi cơ trinh sát P-3 của Hải quân HK, DAO khuyến cáo HQVN yêu cầu phi cơ trinh sát của Không quân Việt Nam.
(DAO nhận báo cáo từ TTHQ/HQ lúc 18:00H 15/01/1974)
•• ngày 17/1: lúc 13:50H và 14:45H: phi cơ lạ bay trên không phận Hoàng Sa từ hướng Đông Bắc sang hướng Tây Nam và ngược lại.
•• ngày 19-1:
– lúc 06:00H: 2 phi cơ lạ bay quanh đảo Quang Hòa, xong mất dạng về hướng Bắc.
Đại tá Ngạc lo ngại nếu trận chiến bùng nỗ, lực lượng Việt Nam sẽ bị thiệt hại nặng vì ngoài việc phải chống trả chiến hạm địch, ông đã có lính đổ bộ lên đảo và lực lượng đổ bộ sẽ cần sự yểm trợ.
Tuy nhiên, mặc dù có sự không cân xứng về hỏa lực, tầm đạn và vận tốc, các chiến hạm VN sẽ cố gắng thi hành lịnh đổ bộ. Lực lượng đặc nhiệm sẽ làm những gì có thể được để tránh đụng độ trước khi nhận được lực lượng tăng viện, nhất là không quân. Ông yêu cầu phi cơ được phái đến tăng viện có mặt ở khu vực trong giờ đổ bộ.
– lúc 10:10H: Vùng 1 DH thông báo HQ 5 phi cơ Không quân VNCH sẽ bay ra sớm để yểm trợ, đồng thời cho Đại tá Ngạc tần số phi cơ để liên lạc.
– lúc 10:47H: Đại tá Ngạc hỏi V1DH khi nào phi cơ sẽ đến?
– lúc 10:49H: Tham mưu phó Hành quân/BTL/HQ thông báo Đại tá Ngạc là phi cơ đang bay đến để yểm trợ, giữ bình tĩnh và tác xạ chính xác.
– lúc 11:12H: HQ 16 báo cáo có thể chìm trong vòng 10 phút. HQ 5 báo cáo nhiều nhân viên chết và bị thương, yêu cầu gởi phi cơ ra giúp.
– lúc 19:50H: HQ 16 báo cáo 2 phi cơ lạ bay đến gần vị trí chiến hạm từ hướng Tây Nam.
– lúc 20:00H: V1DH thông báo HQ 16 là 2 phi cơ này của Không quân VN.
– lúc 20:30H: HQ 16 báo cáo một phi cơ lạ khác bay đến từ hướng Tây Bắc, báo cáo thêm là phi cơ này bay theo hướng 265 độ, chiến hạm sẵn sàng nhiệm sở phòng không (nhận xét: trở về Đà Nẵng, HQ 16 phải hải hành với hướng trong khoảng 270°, như thế nếu báo cáo phi cơ lạ bay hướng 265 ° thì đây phải là phi cơ của KQVN.)
2.- Theo HQ Đại úy Lê Văn Thự Trung tâm trưởng Trung tâm Hành quân Vùng 1 Duyên hải (TTT/TTHQ/V1DH):
“10 giờ 25 phút, các chiến hạm ta đồng loạt khai hỏa. Ngay lập tức TTHQ/HQ/VIDH gọi qua TTHQ/Sư đoàn I/KQ yêu cầu cho phi cơ F5A bay ra HS (đã được Chuẩn tướng Khánh Tư lệnh SĐI/KQ chấp thuận từ trước) nhưng đã được trả lời là phi cơ F5A không thể chiến đấu ở HS vì F5A chỉ đủ nhiên liệu bay ra và bay về, không đủ nhiên liệu bay quần trên không.” 3.- Phần trả lời của Thiếu tá Hồ Kim Giàu quyền Chỉ huy trưởng Phi đoàn 538:
•• ngày 19-1:
– buổi sáng ông không nhận đưọc lịnh gì cả. Phi đoàn chỉ thi hành công tác thường lệ.
– buổi trưa lúc 12 giờ. Chuẩn tướng Nguyễn Đức Khánh Tư lệnh SĐ1KQ ra lịnh cho ông soạn thảo lịnh hành quân.
•• ngày 20-1: hoàn tất lịnh hành quân, trình lên Chuẩn tướng Khánh vào lúc 6 giờ sáng. Chờ nguyên ngày 20-1 vẫn không có lệnh xuất quân.
•• ngày 21-1: vào buổi trưa Tướng Khánh thông báo là “Phủ Đầu Rồng ra lệnh hủy bỏ cuộc hành quân Hoàng Sa”
“Mỗi phi cơ F5E mang thêm 2 bình xăng phụ dưới cánh, 1 bình xăng phụ dưới bụng, và 2 trái bom MK82, mỗi trái nặng 500 pounds”
(Hải Chiến Hoàng Sa – “Phỏng vấn cựu Thiếu tá Không quân Hồ Kim Giàu, quyền Phi đoàn trưởng Phi đoàn Nghênh cản 538” trang 480, xuất bản năm 2010)
4.- Phi công Long Lý qua bài viết “Hoàng Sa nỗi buồn lịch sử” đăng trong http://www.canhthep.com cũng đã có những ghi nhận tương tự như Thiếu tá Giàu.
5.- NT Vương Văn Bắc đề cập đến khả năng của phi cơ VNCH: “…Tôi còn nhớ một chi tiết qua phần trình bày của Ðại tướng Tổng Tham mưu trưởng: Vì khoảng cách quá xa giữa Ðà Nẵng và quần đảo Hoàng Sa, máy bay của ta dù có trang bị thêm những bầu chứa nhiên liệu cũng chỉ có thể tác chiến trong vùng trời Hoàng Sa khoảng mười lăm phút mà thôi…”)
6.- Ngày 21/01, Đại sứ Martin cho biết là: “… sáng ngày 21 tháng 1, ông nghe tin TT Thiệu đã ra lệnh không quân VN oanh tạc lực lượng TC ở HS. Lệnh này đã được ngưng lại.”
Phải có người báo cáo Đại sứ Martin mới biết tin này. Trong văn thư, ông chỉ viết là lịnh này đã được ngưng lại, ĐS Martin không nói rõ lý do, có thể ông đã can thiệp vì Hoa Kỳ chưa biết rõ tình trạng của Gerald Kosh và họ không muốn cuộc chiến lan rộng. 7.- ĐĐ Thoại TL/VIDH:
Các dẫn chứng sau đây liên quan đến ĐĐ Thoại.
• Trong cuộc phỏng vấn.
– trước ngày 18/01: đã nói lên nổi thất vọng khi ông liên lạc Bộ Tổng tham mưu để xin cung cấp phi cơ không thám nhưng bị từ chối:
“Bộ Tổng tham mưu sau trận chiến, bắt đầu tấn công tôi với các công văn chất vấn tại sao tôi không yêu cầu không yểm, quan sát, trinh sát. Vì thế, tôi phải cho họ xem các bản văn họ đã gởi cho tôi là không có trinh sát trên không. Tôi xin, tôi gọi, tôi trình văn thư yêu cầu và rồi không có trinh sát trên không, không có không yểm. Và rồi, khi mọi chuyện bắt đầu thì họ bắt đầu hỏi tại sao tôi không nghĩ đến chuyện đó. Tôi đã nghĩ về tất cả mọi chuyện, không ai có thể giúp tôi nhiều hơn thế.” (trang 55)
• Sau khi chấm dứt điện đàm với TT Thiệu sáng ngày 19/01.
Theo lời ĐĐ Thoại: “Tôi yêu cầu chuyến bay thu thập tình báo trên đảo Phú Lâm nằm ở phía bắc quần đảo Hoàng Sa để biết được họ có bao nhiêu chiến hạm. Bởi vì khi đánh nhau phải biết lực lượng địch. Nhưng rồi, tôi không được cung cấp chuyến bay, Bộ TTM không đồng ý.”
• trận hải chiến đang xảy ra: Và khi ông cần không yểm thì: […Từ trung tâm hành quân Hải quân tại Tiên Sa, trước sự hiện diện của Trung tướng Ngô Quang Trưởng, tôi gọi điện thoại cho chuẩn tướng Nguyễn Đức Khánh tư lịnh Sư Đoàn 1 Không Quân …Ông Khánh bằng một giọng nói buồn cho tôi biết rằng ông có nói chuyện với vị chỉ huy Không Đoàn khu trục và được biết khu trục cơ F-5 của ông nếu ra Hoàng Sa chỉ chiến đấu được mười lăm phút vì sẽ không đủ xăng ở lâu hơn nữa.Tôi xoay qua hỏi trung tướng Trưởng nghĩ sao thì ông chỉ trả lời ngắn: “Tùy ông Thoại”.]
(Hồ Văn Kỳ-Thoại ‘Can Trường Trong Chiến Bại’ trang 170).
Theo Giáo sư Trần Đại Sỹ: “…Không quân thuộc Quân khu I, không can thiệp. Vì vậy sau trận đánh, Tư lệnh Hải quân ra lệnh cho các sĩ quan tham dự, không thuyết trình cho Tư lệnh quân khu I.”
Nhật ký của Trung tâm Hành quân Hải quân tại BTL/HQ ở Sài Gòn ghi nhận từ các báo cáo của Vùng 1 Duyên hải và qua bài viết của Đại úy Lê Văn Thự TTT/TTHQ/V1DH thì SĐ1/ KQ đã chấp thuận phi vụ không yểm trước khi trận chiến bùng nổ.
Từ ngày 15-1, khi HQ 16 báo cáo sự hiện diện của TC trên đảo Cam Tuyền cho đến ngày 19-1, không có một phi cơ nào của không quân VNCH được gởi ra để thi hành công tác quan sát.
Rạng sáng ngày 19-1, lúc 05:15H, TC đổ bộ 400 lính lên đảo Quang Hòa, Đại tá Ngạc, Chỉ huy trưởng mặt trận nhận rõ sự bất tương xứng giữa lực lượng đổ bộ ta (chỉ có 49 người) và lực lượng địch nên ông đã yêu cầu phi cơ được phái đến tăng viện có mặt ở khu vực trong giờ đổ bộ.
Tuy nhiên, mặc dù không có không yểm, Đại tá Ngạc vẫn phải thi hành lịnh đổ bộ. Hành quân tái chiếm đảo Quang Hòa thất bại, toán Hải kích và Biệt hải rút về tàu.
Dự trù trận hải chiến sẽ xảy ra, trước khi khai hỏa, Vùng1 DH đã liên lạc với SĐ1/KQ yêu cầu cung cấp không yểm và đã được chấp thuận.
Do vậy lúc 10:10H, BTL/V1DH thông báo cho Đại tá Ngạc là phi cơ KQVN sẽ bay ra sớm để yểm trợ và đã cung cấp cho ông tần số để liên lạc.
Giữa lúc các chiến hạm VNCH đang chiến đấu một mất một còn với các chiến hạm TC, ĐĐ Thoại liên lạc hàng ngang với Tư lệnh Sư đoàn 1 Không quân để hỏi xem có thể làm gì để giúp ông, nhưng được trả lời là phi cơ không thể bay ra Hoàng Sa vì khoảng cách quá xa. Phi cơ chỉ có 5 phút (hay 15 phút) bay tác chiến trên không phận quần đảo Hoàng Sa!
Dù chỉ 5 phút hay 15 phút như ĐĐ Thoại đã trả lời qua cuộc phỏng vấn và đã viết trong sách, thì sự hiện diện của 1 hay 2 phi cơ bạn bay ra yểm trợ trong giờ phút sinh tử vẫn là những giây phút qúy giá, nâng cao tinh thần chiến đấu các chiến sĩ Hải quân và biết đâu có thể làm thay đổi trận chiến?
Vì vậy, đã không có sự giúp đỡ của lực lượng không quân. Nhưng thật trớ trêu là sau trận hải chiến, Bộ TTM lại chất vấn tại sao ĐĐ Thoại không yêu cầu không yểm!
Có lẽ câu hỏi này Bộ TTM nên dành cho Trung tướng Trưởng thì đúng hơn vì với cương vị Tư lệnh Quân đoàn 1 đang có mặt ngay tại TTHQ/V1DH tại sao ông không quyết định ra lịnh Chuẩn tướng Khánh TL/SĐ1/KQ lập tức phải gởi máy bay ra tham chiến?
Trong cương vị chỉ huy hành quân, ĐĐ Thoại đã nghĩ đến việc phải cần có không yểm, ông hỏi, ông gọi, ông gởi công điện lên Bộ TTM thỉnh cầu cung cấp phi vụ trinh sát nhưng Bộ TTM không đáp ứng, điều này đã cho thấy là ngay cả bộ chỉ huy cao cấp nhất của quân lực VNCH cũng coi thường sự hiện diện của TC và không quan tâm đến các diễn tiến của trận chiến để cấp thời có các phản ứng thích hợp.
Tại sao sáng ngày 21/01/1974, TT Thiệu ra lịnh phi cơ F-5A chuẩn bị bay ra oanh tạc HS, các cấp chỉ huy Không quân không lên tiếng phản đối nhưng ngay trong trận hải chiến Hoàng Sa, Tư lệnh Sư đoàn 1 Không quân tại Đà Nẵng đã viện dẫn lý do phi cơ không đủ nhiên liệu để từ chối yểm trợ chiến hạm HQVN giữa lúc đang giao chiến với chiến hạm Trung Cộng?
(Không có tài liệu nào cho thấy TT Thiệu đã ra lịnh Hải quân chuẩn bị chiến hạm để thi hành công tác tìm và cứu vớt.)
Chắc hẵn là qúy vị Sĩ quan Cao cấp Sư đoàn 1/KQ vẫn còn nhớ là trong chiến dịch Bắc phạt, ngày 19/04/1965 Trung tá Phạm Phú Quốc đã chỉ huy phi đội A-1 từ phi trường Đà Nẵng bay ra oanh tạc Hà Tỉnh. Khoảng cách đường bay giữa Đà Nẵng và Hà Tỉnh là 356 km, trong khi khoảng cách giữa Đà Nẵng và Hoàng Sa khoảng 367 km.
Hải quân Hoa Kỳ viết bài phân tích cho thấy là các loại phi cơ F-5, A-1 và AC-119 của không quân VN có khả năng bay từ phi trường Biên Hòa ra Trường Sa cách khoảng 400 hải lý trong khi phi trường Đà Nẵng chỉ cách Hoàng Sa khoảng 200 hải lý. Và loại F-5 được xem là tương đương với MIG-19 (trong khi loại F-5E được đánh giá là trội hơn MIG-21 vì hỏa tiễn không không trên F-5E tinh vi hơn).
CIA nhận định về khả năng của các loại phi cơ mà không quân VNCH đã bỏ lại sau ngày 30/4/1975 trong trường hợp xảy ra xung đột giữa Việt Nam và Phi Luật Tân: “nhiều phi cơ F-5 trong số 75 chiếc đã bị tịch thu vẫn còn hoạt động và từ các căn cứ hiện tại các phi cơ này có thể hoạt động trong khu vực đảo trong một tiếng đồng hồ hay lâu hơn khi trang bị đầy bom. Nhiều chiếc A-37 trong số 112 chiếc cũng vẫn còn hoạt động, được trang bị hoả tiễn và súng đại liên chúng có thể bay trên các hải đảo trong một thời gian đáng kể.
Ngoài ra các loại phi cơ khác như AC-47, AC-119 và AC-130 có thể duy trì hoạt động trên các hải đảo trong nhiều giờ.” (CIA-RDP85T00353R000100290005-0 ngày 15 tháng 6-1976)
KẾT LUẬN
Các dẫn chứng trên đã chứng tỏ là phi cơ F-5A thuộc Sư Đoàn I/KQ có khả năng hoạt động trong khu vực quần đảo Hoàng Sa.
Thời gian duy trì trên không phận HS tùy thuộc vào mục tiêu được chỉ định (yểm trợ, oanh tạc hay không chiến.) nhưng ít nhất cũng khoảng 15 phút.
Và không yểm đã được SĐ1/KQ chấp thuận từ trước, nhưng khi trận chiến bùng nỗ, cấp chỉ huy lại viện lý do không đủ nhiên liệu.
Tuy nhiên, ngày 21/01 cấp chỉ huy Sư đoàn1 Không quân tuân lịnh Tổng thống Thiệu chuẩn bị sẵn sàng phi cơ F 5A bay ra oanh tạc Hoàng Sa mà không đưa ra lý do từ chối!
________________________________________________________
Xác nhận khả năng của phản lực cơ F 5A
1.- Bài “Phân tích khả năng của VNCH và TC” đăng trong www.hqvnch.net.
– Quần đảo Trường Sa có khoảng cách xa nhất độ 400 hải lý từ căn cứ không quân Biên Hòa ở hướng Bắc Sài Gòn, nằm trong phạm vi tác chiến của 40 phi cơ F-5A của VNCH, tuy nhiên loại F-5 có thể gặp những trở ngại nghiêm trọng trong khi hoạt động.
– Phần lớn các đảo nằm gần vòng đai ngoài cùng trong tầm tác chiến tối đa của loại F-5 khi được trang bị ít bom và mang thêm nhiên liệu. Do đó các phi cơ này chỉ có thời gian chiến đấu trong vòng vài phút trên mục tiêu thật chính xác đã được chỉ định trước trong khu vực trải rộng đến 10.000 sq.mi.
– Trong khi loại F-5E sẽ bắt đầu hoạt động trong Không quân VNCH vào cuối năm nay, có tầm hoạt động xa hơn, nhưng sự hữu hiệu của loại phi cơ này cũng sẽ bị hạn chế bởi những sự khó khăn giống nhau trong lúc hoạt động như loại F-5A.
– Ngoài loại phi cơ F-5, Trường Sa còn nằm trong phạm vi của loại khu trục cơ một máy, một cánh quạt A-1 và loại phi cơ AC-119 của Không quân VNCH. Tuy nhiên, cả hai loại này sẽ bị yếu thế trước các khẩu đại bác phòng không trang bị trên các chiến hạm TC, trong khi đó loại F-5 với vận tốc nhanh có thể tránh né hữu hiệu hơn. Vì thế, việc sử dụng phi cơ khu trục A-1 và AC-119 ở khoảng cách quá xa và không được yểm trợ sẽ rất mạo hiểm.”
2.- Ngoại trưởng HK Henry Kissinger đã trả lời câu hỏi của Thủ Tướng TC Chu Ân Lai về khả năng của F5: “F5 là loại máy bay chiến đấu, dùng để yểm trợ chiến thuật. F5 có thể bay xa 600 miles nhưng chỉ có thể mang theo hai trái bom.” (Lời tác giả: khoảng cách từ Đà Nẵng ra Hoàng Sa là 200 miles)
Dẫn chứng chuyển giao F-5E
Posted by themsonha
Thềm Sơn Hà
Trích trong “Sự Thật Hải Chiến Hoàng Sa 19/01/1974” lần tái bản năm 2022.
Posted on January 25, 2024 by dongsongcu
No comments:
Post a Comment