Saturday, June 15, 2024

Chuyến thăm quê hương bị an ninh sân bay 'khủng bố' của ba mẹ con Việt kiều Mỹ RFA

Bà Nguyễn Thị Bích Hạnh, từng là một nhà giáo dạy Văn, được biết đến với việc giúp học sinh tìm hiểu thông tin trên mạng để có kiến thức đa chiều về lãnh tụ cộng sản. Bà kết hôn với nhà hoạt động Thái Văn Tự và định cư tại Hoa Kỳ. Bà cho biết, ba mẹ con bà đã bị an ninh sân bay Tân Sơn Nhất đánh đập và nhốt trong phòng kín, khi bà không chịu rời Việt Nam ngay khi bị từ chối nhập cảnh, vì con bà đang bệnh suyễn nặng cần cấp cứu. RFA phỏng vấn bà, vài ngày sau khi bà về lại Mỹ.

Ba mẹ con bà Nguyễn Thị Bích Hạnh tại phi trường Atlanta, trước chuyến bay về Việt Nam
Photo do bà Hạnh gửi RFA

Bà Nguyễn Thị Bích Hạnh, từng là một nhà giáo dạy Văn, được biết đến với việc giúp học sinh tìm hiểu thông tin trên mạng để có kiến thức đa chiều về lãnh tụ cộng sản. Bà kết hôn với nhà hoạt động Thái Văn Tự và định cư tại Hoa Kỳ. Bà cho biết, ba mẹ con bà đã bị an ninh sân bay Tân Sơn Nhất đánh đập và nhốt trong phòng kín, khi bà không chịu rời Việt Nam ngay khi bị từ chối nhập cảnh, vì con bà đang bệnh suyễn nặng cần cấp cứu. RFA phỏng vấn bà, vài ngày sau khi bà về lại Mỹ.

RFA: Thưa bà, xin bà kể lại câu chuyện của bà khi đến sân bay Tân Sơn Nhất một tuần trước ạ?

Bà Nguyễn Thị Bích Hạnh: Đêm ngày 7 tháng 6 năm 2024, tôi cùng với con trai, một cháu 12 tuổi và một cháu 4 tuổi đến sân bay Tân Sơn Nhất lúc 11 giờ để nhập cảnh vào Việt Nam sau 28 tiếng đồng hồ với 3 chặng bay.

Khi làm thủ tục nhập cảnh vào Việt Nam, tôi đưa hộ chiếu Mỹ và visa Việt Nam để nhân viên an ninh kiểm tra thì tôi chờ một lúc, họ hướng dẫn chúng tôi đi vào một nơi khác và họ đưa hộ chiếu Mỹ và visa Việt Nam của chúng cho một nhân viên an ninh khác kiểm tra. Tôi phải chờ khoảng 30 phút. Lúc đó con nhỏ 4 tuổi của tôi rất mệt vì đang bị hen suyễn nặng và phổi gần như bị nghẹn, khó thở. Tôi giục họ giải quyết nhanh để tôi có thể lấy thuốc cho con tôi hoặc hít bình khí dung. Nhưng họ không cho nhập cảnh và yêu cầu mẹ con tôi phải trở về Mỹ trong vòng 20 phút nữa. Tức là lên máy bay quay trở lại Hàn Quốc, rồi từ đó mới về lại Mỹ.

Tôi xin họ là không thể bay trở lại Hàn Quốc ngay vì con tôi đã bay một chặng quá dài và hiện tại con tôi đang trong tình trạng cấp cứu. Điều đầu tiên là cứu người, còn tất cả những chuyện khác thì sẽ tính sau. Nhưng họ không đồng ý. Tôi xin hãy cho tôi một bác sĩ kiểm tra sức khỏe của con tôi để chứng minh điều tôi là đúng. Họ cũng đưa một bác sĩ đến nhưng bác sĩ đó chỉ đứng nhìn và không làm gì cả. Tôi phải mở vali lấy thuốc cho con tôi đem từ Mỹ về và lấy máy trợ thở cho con tôi.

Khi đó điện thoại của tôi cũng không hoạt động được, tôi nói con trai lớn tôi lại cửa hàng Viettel để mua một cái sim điện thoại, nhưng tôi cũng không liên lạc được với chồng tôi. May lúc đó có một du khách nước ngoài thấy sự việc gia đình tôi như vậy thì cho tôi có mượn điện thoại để gọi điện thoại về Mỹ báo cho chồng tôi. Đó là cuộc liên lạc duy nhất tôi có thể thực hiện được lúc đó vì ngay sau đó họ cướp cái điện thoại của tôi. Họ bắt tôi ra máy bay, khống chế tôi bằng cách bẻ tay, bẻ chân tôi và khiêng tôi đi. Họ giật con tôi khỏi tay tôi và đưa cho người khác giữ.

Khi đó hàng chục nhân viên an ninh ở sân bay đã khống chế tôi bằng cách bẻ tay tôi, bóp cổ chân của tôi và họ đánh tôi, lôi tôi đi sềnh sệch. Tôi giãy giụa một lúc thì tôi kiệt sức và ngất xỉu. Lúc đó tôi không biết chuyện gì xảy ra trong khi tôi ngất xỉu. Khi tôi tỉnh lại thì điều đầu tiên tôi hỏi là con tôi đâu rồi, trả lại con cho tôi, thì khi đó họ đưa lại con cho tôi và họ thả tôi nằm dưới sàn nhà.

RFA: Vì sao an ninh sân bay Tân Sơn Nhất lại cấm bà nhập cảnh vào Việt Nam, lại còn hành hung và nhốt gia đình bà?

Bà Nguyễn Thị Bích Hạnh: Sở dĩ họ đánh tôi vì tôi không chịu lên máy bay trở về Mỹ ngay theo yêu cần của họ. Họ đẩy tôi trở lại máy bay bằng mọi cách trong khi tôi cầu xin họ là tôi sẽ rời khỏi đây, nhưng hãy cứu chữa cho con tôi trước vì con tôi cần cấp cứu, nhưng họ không quan tâm và họ bằng mọi cách bắt mẹ con tôi phải lên máy bay trở về Hàn Quốc. Lý do chúng tôi không được nhập cảnh họ chỉ nói chung chung là do vấn đề an ninh. Họ không giải thích lý do an ninh là gì và tôi bảo rằng, tôi chẳng làm gì nguy hại đến an ninh của Việt Nam; tôi không làm gì ảnh hưởng đến an ninh Mỹ thì tại sao lại cấm tôi nhập cảnh. Họ chỉ trả lời là thời điểm này tôi chưa được nhập cảnh Việt Nam. Họ chỉ nói như vậy và không giải thích gì thêm mà bắt ba mẹ con tôi phải trở về Hàn Quốc trong đêm hôm đó.

RFA: Khi nhốt gia đình bà như thế thì họ đối xử như thế nào, thưa bà?

Bà Nguyễn Thị Bích Hạnh: Khi chúng tôi không đồng ý lên máy bay vì con tôi cần cấp cứu, họ không đẩy mẹ con tôi lên máy bay trong đêm hôm đấy nữa và họ bắt tôi, khiêng tôi và nhốt vào một căn phòng. Trong căn phòng đó chỉ có một ô cửa rất nhỏ để nhìn ra phía ngoài. Tôi gõ cửa xin nước thì họ không cho nước, tôi ra lấy nước thì họ đánh tôi. Họ đánh cả con tôi, ném thằng bé xuống dưới sàn nhà. Họ nhốt chúng tôi trong căn phòng đó suốt hai ngày hai đêm và không cho bất cứ đồ ăn thức uống gì cả.

Khi tôi hỏi, khi các anh đã nhốt chúng tôi vào đây thì các anh phải có trách nhiệm giữ gìn mạng sống của chúng tôi, thì họ bảo rằng họ không có nghĩa vụ phải cung cấp đồ ăn thức uống cho tôi và cho con của tôi. Tôi nói rằng vì con tôi cần uống sữa và sữa thì nằm trong vali. Họ cho người mang các kiện hành lý của tôi lên và tôi có thể lấy sữa cho con uống để cháu không bị đói.

Họ nhốt chúng tôi lại và không cách gì chúng tôi mở cửa được. Tôi phải gõ cửa cả tiếng đồng hồ họ mới mở. Đã có lúc tôi sợ rằng con tôi bị chết trong cái phòng đó. Thật là một trải nghiệm kinh khủng mà tôi chưa bao giờ nghĩ đến.
Hai con nhỏ của bà Hạnh tại sân bay Tân Sơn Nhất tối 7/6/2024

Có rất nhiều nhân viên an ninh làm việc với tôi nhưng có những người họ không mặc sắc phục, họ chỉ mặc thường phục cho nên tôi không biết tên. Nhưng tôi nhớ một nhân viên tên Hải làm việc với tôi trong ngày đầu và ngày hôm sau nữa, khi họ đã nhốt chúng tôi lại.

Tôi cũng không biết chức vụ của anh ta là gì ở sân bay Tân Sơn Nhất. Còn một người nữa cũng làm việc với tôi nhưng tôi không nhớ tên. Lúc đầu anh ta nói chuyện nhẹ nhàng nhưng sau đó thì họ chửi tôi, xúc phạm tôi. Có một người mà tôi không bao giờ quên được tên và mặt. Anh ta tên là Trịnh Đình Luận. Anh này là người rất là hống hách và độc ác. Khi con tôi đang dùng máy trợ thở thì anh ta chính là người giật cái ổ cắm ra khỏi cái máy thở để con tôi không thể dùng máy thở được nữa. Còn rất nhiều người khác tôi không biết tên.

RFA: Theo bà, vì sao họ thả gia đình bà ra để trở về Mỹ sau hai ngày giữ trong phòng kín?

Bà Nguyễn Thị Bích Hạnh: Chúng tôi được rời căn phòng đó để trở về Hoa Kỳ là do có sự can thiệp thiệp của lãnh sự quán Mỹ tại Sài Gòn. Sự can thiệp của lãnh sự quán Mỹ tại Sài Gòn bắt nguồn từ việc liên lạc của chồng tôi với lãnh sự quán. Chồng tôi gọi điện liên tục và báo mất tích người. Đến ngày thứ ba thì họ thay đổi thái độ. Hành động họ không còn độc ác của chúng tôi nữa; không còn la hét, đánh đập chúng tôi nữa và họ tỏ ra rất thân thiện với chúng tôi. Tôi biết rằng đã có sự can thiệp của lãnh sự quán Mỹ.

Buổi chiều hôm đó lãnh sự quán Mỹ tại Sài Gòn có gọi điện thoại cho tôi để hỏi thăm sức khỏe cũng như tình trạng của mẹ con tôi. Tôi cũng nói với lãnh sự quán Mỹ rằng chúng tôi bị nhốt ở đây ba ngày rồi; bị bỏ đói bỏ khát, bị đánh đập, bị sỉ nhục, hăm dọa và nguy hiểm nhất là con tôi không được tiếp cận y tế. Con tôi không được tiếp cận bác sĩ để được chăm sóc về mặt y tế. May mà có một bác sĩ tốt sau đó cho con tôi mượn máy trợ thở và hết ca trực thì ông có viết lại cái note dặn người sau cho con tôi mượn máy.

RFA: Bà có bất ngờ khi công an sân bay Tân Sơn Nhất không cho gia đình bà nhập cảnh Việt Nam không?

Bà Nguyễn Thị Bích Hạnh: Tôi thật sự ngạc nhiên và bất ngờ khi họ không cho tôi nhập cảnh Việt Nam đợt này, tại vì sáu tháng trước đó tôi có về Việt Nam thăm mẹ tôi trong vòng một tháng. Mọi chuyện diễn ra rất là bình thường. Khi tôi đưa hộ chiếu Mỹ và visa Việt Nam thì họ đóng dấu cho tôi vào Việt Nam. Nhưng khi tôi về Nghệ an thì tôi bị công an Nghệ an tên Hoàn, yêu cầu tôi phải ra công an làm việc, nhưng tôi bảo tôi không có việc gì phải làm việc với anh cả. Tôi về thăm mẹ của tôi. Tôi phải đưa hộ chiếu Mỹ và visa Việt Nam cho công an quản lý hộ khẩu tại địa phương. Lúc đó anh ta nói rằng, chị cứ về Việt Nam thoải mái. Chúng tôi tạo điều kiện cho chị về thăm mẹ. Lần này mẹ tôi ốm nặng, đã 89 tuổi cho nên tôi mới đưa con tôi về thăm. Tôi rất ngạc nhiên và bất ngờ khi họ giữ tôi tại sân bay Tân Sơn Nhất với lý do họ nói là an ninh.

RFA: Khi bà và hai con ra máy bay để trở về Mỹ, bà có gặp rắc rối gì nữa không?

Bà Nguyễn Thị Bích Hạnh:

Hôm ra máy bay về Hàn Quốc từ căn phòng bị nhốt, tôi hét lên ở sân bay là cảnh sát Việt Nam bắt cóc phụ nữ, trẻ em; cảnh sát Việt Nam đàn áp trẻ em… thì họ bóp cổ tôi không cho tôi nói. Những nhân viên an ninh đã gô cổ, bẻ chân bẻ tay tôi đưa tôi ra máy bay chứ không cho tôi tự đi, dù tôi có xin là cho tôi tự đi. Thậm chí lên tới máy bay họ còn dọa là họ sẽ cùm chân tay tôi lại để tôi khỏi di chuyển.

Họ đánh tôi, họ làm đủ các cái trò bạo lực đối với tôi ngay tại sân bay. Còn lúc bị nhốt trong phòng kín thì rất nhiều người hành hung tôi, hành hung cả con tôi làm cháu có một trải nghiệm rất là kinh khủng. Cháu đã thu âm video để công bố cho mọi người thì cái nỗi ám ảnh ghê rợn nhất. Con tôi không ngờ cảnh sát Việt Nam lại độc ác như vậy, khác hẳn với cảnh sát mà cháu thấy ở Mỹ là thân thiện và giúp đỡ mọi người. Lần đầu tiên cháu về Việt Nam cháu đã chuẩn bị quà cáp cho những người nghèo, cho ông bà nội, bà ngoại nhưng cháu không có cơ hội đưa. Cháu nói là sau này cháu chỉ giúp Việt Nam từ xa chứ không bao giờ về Việt Nam nữa.

RFA gọi điện thoại cho Công an cửa khẩu Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất để hỏi câu chuyện này, thì được một công an không muốn nêu danh tánh cho biết:

Thật ra theo quy định thì chúng tôi không được trả lời báo chí, nhưng mà chị hỏi vậy thì chúng tôi cũng trả lời cho chị biết. Quy định của luật Việt Nam nó gần như theo thông lệ quốc tế. Khi một người đến Việt Nam mà không được nhập cảnh Việt Nam thì chúng tôi sẽ nói lý do vì sao chính phủ Việt Nam không cho vào. Có rất nhiều lý do không được nhập cảnh.

Khi hãng hàng không chuyên chở bỏ khách xuống thì khi máy bay đó cũng ở lại khoảng một tiếng mà thôi. Nếu không được nhập cảnh thì chúng tôi sẽ làm thủ tục, giải thích với hãng hàng không và đẩy khách ra tàu bay trong một tiếng đồng hồ. Rất là nhanh, không có nhiều thời gian. Hơn nữa, đây là sân bay quốc tế cho nên tôi chắc chắn không có chuyện đánh đập. Khi có trường hợp không được nhập cảnh thì chúng tôi cũng gọi nhiều ban ngành đến để chứng kiến cho nên không có chuyện đánh đập và nhốt ở đây. Mà chúng tôi cũng không có phòng để nhốt ở sân bay.

RFA gọi vào Hotline Cảng Hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất để hỏi, thì một nhân viên cho hay:

Theo tôi thì thông tin đó là không chính xác. Bởi vì khi không cho ai nhập cảnh, tức là người đó không có đủ điều kiện để nhập cảnh. Lúc đó chúng tôi sẽ trục xuất họ trở lại quốc gia gần nhất mà gọ vừa qua cảnh khi đến Việt Nam. Chẳng hạn như Hàn Quốc, Singapore hay Nhật…

Nhưng thông thường, nếu chị đó là quốc tịch Mỹ thì chúng tôi sẽ gọi lãnh sự quán Mỹ hỗ trợ, chứ không có chuyện đánh đập hay nhốt lại. Chỉ có giữ lại để chờ chuyến bay đi tiếp. Còn nếu chị đó quốc tịch Việt Nam, có thẻ xanh thì vẫn nhập cảnh Việt Nam được bình thường. Có một số trường hợp có tên trong danh sách phản động chẳng hạn, thì an ninh làm thủ tục nhập cảnh sẽ xem xét, nhưng không có chuyện đánh đập hay bắt nhốt.

No comments:

Mật vụ Ukraine 'tung hoành' ở Moscow như thế nào? Tác giả,Zhanna Bezpiatchuk, Ilya Barabanov, Tom Santorelli

HÌNH ẢNH,BỘ QUỐC PHÒNG NGAChụp lại hình ảnh,Trung tướng Igor Kirillov của Nga - người bị giết tại Moscow vào hôm 17/12 Các nguồn tin của BBC...