Sunday, June 9, 2024

Thương nhớ Quốc Văn Giáo Khoa Thư – Nguyễn Văn Tuấn

Một điểm hay của sách giáo khoa thời trước 1975 ở miền Nam là không có yếu tố tuyên truyền chánh trị trong đó.

Thời gian gần đây, qua những vụ việc mang tính tiêu cực liên quan đến ngành giáo dục làm cho nhiều người đi đến nhận định rằng nền giáo dục chịu trách nhiệm một phần cho hiện tượng đạo đức xã hội bị ‘suy thoái’. Những người quan tâm bàn đến những vấn đề vĩ mô như triết lí giáo dục như là một cách thoát ra khỏi tình trạng suy thoái. Nhưng tôi nghĩ trong tình hình hiện nay, có một cuốn sách có thể giúp nâng cao đạo đức học đường, và qua đó, giúp khôi phục đạo đức xã hội. Đó là cuốn sách “Những bài học thuộc lòng Tân Quốc Văn Giáo Khoa Thư” (*) của soạn giả Trần Văn Chánh.

Tân Quốc Văn Giáo Khoa Thư

Tôi sẽ gọi tắt là “Tân Quốc Văn Giáo Khoa Thư” (Tân QVGKT) để phân biệt với bộ sách Quốc Văn Giáo Khoa Thư của các soạn giả Trần Trọng Kim, Nguyễn Văn Ngọc, Đặng Đình Phúc và Đỗ Thận. Bộ sách QVGKT dù được xuất bản gần 100 năm trước, nhưng cho đến nay vẫn được xem là một cuốn sách giáo khoa thuộc vào hàng hay nhất và có ảnh hưởng lớn nhất. Những câu chuyện trong sách nhắm đến việc hun đúc tình thương yêu đồng bào; tôn trọng mạng sống của con người; lòng nhân ái; trọng của người; không vọng ngữ, v.v. cho đến nay vẫn còn nguyên giá trị.


Tân QVGKT là một sự tiếp nối QVGKT nhưng với một hình thức khác. QVGKT dùng văn xuôi, còn Tân QVGKT dùng thơ. Dùng hình thức thơ có lẽ là một lựa chọn hay, vì có vần điệu nên người đọc dễ nhớ và dễ cảm nhận. Tân QVGKT là một tuyển tập 263 bài thơ rất quen thuộc đối với học trò tiểu học ở miền Nam thời trước 1975. Đó là những bài thơ mà thế hệ chúng tôi học thuộc lòng. Theo thời gian, những người thuộc thế hệ tôi không còn nhớ bao nhiêu, nên tuyển tập này là một gợi nhớ đến kỉ niệm của một thời còn cắp sách đến trường. Những giá trị đạo đức và luân lí của những bài thơ đó thì vẫn còn mang tính thời sự, và rất cần thiết cho học trò thời nay.

Soạn giả Trần Văn Chánh đặt tiêu đề cho cuốn sách là “Bổn cũ soạn lại”. Bổn cũ là vì đây là những bài thơ đã đăng trên nguyệt san nổi tiếng “Tiểu Học Nguyệt San” trong thập niên 1950s đến 1960s. Soạn giả đã cất công tuyển chọn những bài thơ của các nhà khảo cứu nổi tiếng (như Nguyễn Văn Ngọc, Phan Sào Nam tức Phan Bội Châu, Nguyễn Văn Vĩnh, Kim Định), và dĩ nhiên đa số là từ các nhà nhơ xưa và nay như Nguyễn Du, Tam Nguyên Yên Đổ, Đặng Duy Chiểu, Chu Mạnh Trinh, Nguyễn Trãi, Nguyễn Nhược Pháp, Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu , Đoàn Văn Cừ, Mộng Tuyết, Anh Thơ, Võ Lang, Trần Hiền Ân, Vũ Tiến Thu, Kiên Giang, Vũ Hoàng Chương, Tế Hanh, Bàng Bá Lân, v.v. Một số tác giả không thấy kí tên thật mà chỉ là những chữ viết tắt như “M. H”, “T. H.” T. T. P”, thậm chí “X”!

Có thể xếp 263 bài thơ vào 4 chủ đề chính: tình yêu tổ quốc, phong cảnh đất nước, tình yêu tha nhân, và học đường. Bạn đọc sẽ thấy những bài thơ có tựa đề như Tình tổ quốc, Lòng nhân ái, Ngày Giỗ Tổ, Nhớ ơn tổ tiên, Người dân Việt, Tình quê hương, Quê cha đất tổ, v.v. Phong cảnh đất nước được thể hiện qua những bài thơ như Nha Trang, Sài Gòn, Đà Lạt, Sông Cửu Long, Đèo Hải Vân, v.v. cùng những danh nhân Trần Hưng Đạo, Khóc Tản Đà. Người đọc cũng sẽ tìm lại những kỉ niệm đẹp thời dưới quê qua những bài thơ đẹp như tranh thủy mặc như Cảnh quê, Phiên chợ quê, Bức tranh xuân, Tết nhà quê, Xuân Kỉ Dậu, Chiều thôn quê, Ngày mùa, Trăng thu, v.v. Những bài thơ khuyên học trò làm vệ sinh, Tuổi xanh chăm học, Đừng tham ăn, Nên dùng hàng nội hóa, v.v. Học đường được miêu tả qua những bài thơ quen thuộc như Có một trường, Trong phòng thí nghiệm, Vệ tinh nhân tạo, Hè về, Khai trường, Cắm trại, v.v. Đó là những bài học có giá trị vĩnh cửu, những bài học không bao giờ lỗi thời, và vượt lên các định kiến chánh trị.

Các tác giả dùng chữ đơn giản, giàu hình tượng, và câu thơ thường ngắn. Đó là một kĩ năng rất tốt để truyền đạt những ý tưởng phức tạp đến trẻ em. Mỗi bài thơ có những chữ mới (đối với học trò) và được soạn giả giải thích các chữ mới đó một cách ngắn gọn. Đọc xong mỗi bài thơ, các em sẽ học thêm được một vài chữ mới và ý tưởng mới.

Cuốn sách của kỷ niệm


Tác giả Trần Văn Chánh có chủ đích soạn Tân QVGKT cho học trò cấp tiểu học (lớp Ba, Bốn, và Năm), nhưng những người ở tuổi lục tuần trở lên và từng lớn lên ở miền Nam thì cuốn sách này là cả một khung trời kỉ niệm. Kỉ niệm về một thời dưới những mái trường giàu đạo đức học đường, giàu truyền thống ‘tôn sư trọng đạo’, và [nói theo ngôn ngữ thời nay] tự do học thuật.

Đối với tôi, hình ảnh của những người thầy cô thời tiểu học và trung học thật khó quên. Từ cách ăn mặc nghiêm chỉnh, lời nói nhẹ nhàng, phong cách ứng xử xã hội, đến nét chữ trên bảng đen làm nên những nhà mô phạm mà đám học trò chúng tôi phải noi theo. Tôi không bao giờ quên một người thầy cao tuổi cứ nhắc đi nhắc lại câu văn trong QVGKT khuyên học trò không nên vọng ngữ:

“Sự nói xấu là cái tật cứ đi bới móc chuyện xấu của người ta mà nói. Người nói xấu là có ác ý hoặc để thỏa lòng ghen ghét, hoặc để khoe cái hay và che cái dở của mình. Người nói xấu là người hèn hạ đáng khinh, vì chỉ nói những lúc vắng mặt người ta, để làm cho người ta mất danh giá. Ta đi học, đã biết điều phải trái, thì ta chớ hề nói vu cho ai bao giờ. Ta nên cho những điều ấy là điều hèn mạt, đáng khinh bỉ.”

Những lời cảnh báo đó vẫn còn y giá trị thời sự ngày nay.

Một số bài thơ tôi vẫn còn nhớ là bài Thư thăm thầy (của Đào Thanh Khiết) có những câu hết sức cảm động và nói hộ cho biết bao thế hệ học trò: Nhờ ơn thầy dạy dỗ / Con mới được nên hay / Nhờ công thầy cực khổ / Con mới có ngày nay. Có bài Trong vũ trụ của Quốc Trung, bây giờ đọc lại thấy bài thơ có chất ‘thiền’, ấy vậy mà chúng tôi đã nhập tâm bài thơ khi còn ở lứa tuổi tiểu học:

Kìa ngắm cảnh thiên nhiên hùng vĩ,

Tài hóa công huyền bí vô cùng,

Núi non điệp điệp trùng trùng,

Sông dài, biển rộng, cánh đồng bao la.

Trong vũ trụ, người là cát bụi,

Đời trăm năm ngắn ngủi tấc gang,

Một hơi gió thoảng nhẹ nhàng,

Một con trùng nhỏ đủ tan mạng người.

Gợi kỉ niệm nhất là bài thơ Con đường quê (ngày xưa có tựa đề là Lời con đường quê) của thi sĩ Tế Hanh, vì những câu thơ tả đúng cảnh làng quê tôi ở miền Tây:

Tôi, con đường quê nhỏ chạy lang thang,

Kéo nỗi buồn không dạo khắp làng.

Đến cuối thôn kia hơi cỏ vướng

Hương đồng quyến rũ hát lên vang.

Từ đấy mình tôi cỏ mọc đầy,

Giọc lòng hoa dại ngát hương lây.

Tôi ôm đám lúa, quanh nương sắn,

Bao cái ao rêu nước đục lầy…

Những buổi mai tươi nắng chói xa

Hồn tôi lóng lánh ánh dương sa,

Những chiều êm ả tôi thư thái

Như kẻ nông phu trở lại nhà.

Trước 1975, ở miền Nam các thầy cô dạy trung học được gọi là “Giáo sư” (dịch từ chữ “Professeur” của Pháp), và tôi nghĩ họ xứng đáng với danh xưng đó. Có những giáo sư trung học thời đó, tuy không có bằng cấp cao cỡ tiến sĩ, nhưng những công trình nghiên cứu của họ và những sách giáo khoa họ soạn đều là những công trình để đời. Trong giảng dạy, các giáo sư trung học được quyền tự do chọn chủ đề và cách dạy, mà không có thế lực chánh trị nào can thiệp.


Có thể nói giáo dục thời trước 1975 ở miền Nam là một “đền thiêng” gần như độc lập với quan điểm chánh trị của chánh quyền đương thời. Thật vậy, chương trình Việt Văn ngày xưa có khá nhiều tác phẩm và tác giả thuộc bên kia chiến tuyến như Nguyễn Tuân, Xuân Diệu, Huy Cận, Tế Hanh, Lưu Trọng Lư, Phạm Huy Thông, Thanh Tịnh, Văn Cao, Hữu Loan, v.v. Chương trình triết học vẫn giảng dạy chủ nghĩa cộng sản và có những tranh luận sôi nổi.

Trong những kì thi, giới chánh trị và quân sự không được can thiệp. Trưởng nữ của ông Ngô Đình Nhu không được nhận vào trường y (vì thiếu điểm) nhưng không ‘cận thần’ nào trong chánh phủ Ngô Đình Diệm dám can thiệp.

Ông tướng Cao Văn Viên là người học giỏi và rất ham học, dù là quân nhân cấp tướng rất bận rộn, nhưng ông vẫn ghi danh học cử nhân văn khoa. Trong kì thi sau cùng, ông thi đậu cao các kì thi viết nhưng bị đánh rớt trong kì thi vấn đáp, và giám khảo đánh rớt ông là một người ở tuổi quân dịch! Vị giám khảo này chẳng bị phiền hà gì. Dĩ nhiên, ông tướng phải thi lại.

Có một câu chuyện thật khác về một ông trung tá học cử nhân văn khoa bị giám khảo đánh rớt và phải thi lại, và vị giám khảo này là lính của ông trung tá!

Có thể nói không quá đáng rằng nền giáo dục thời đó đã có được quyền mà ngày nay chúng ta gọi là “tự do học thuật” (academic freedom).

Có thể xem nền giáo dục thời trước 1975 là một tiếp nối nền giáo dục chịu sự chi phối của Khổng Nho vào cuối thế kỉ 19 và nền giáo dục Pháp thuộc. Đó là nền giáo dục được xây dựng dựa trên 3 nguyên tắc được đề ra từ năm 1958: Nhân Bản, Dân Tộc, và Khai Phóng. Nguyên tắc Nhân Bản đặt con người là trọng tâm của phát triển (chứ không phải là công cụ) và chấp nhận sự khác biệt giữa các cá nhân. Nguyên tắc Dân Tộc tôn trọng và phát huy các tinh hoa của truyền thống dân tộc, đảm bảo sự đoàn kết dân tộc. Nguyên tắc Khai Phóng tôn trọng tinh thần khoa học và tiếp nhận những kiến thức mới, và góp phần vào sự phát triển văn minh nhân loại.

Do đó, không ngạc nhiên khi thấy nội dung cuốn Tân QVGKT xoay quanh những bài học với 3 nguyên tắc giáo dục Nhân Bản, Dân Tộc, và Khai Phóng. Có thể nói rằng Tân QVGKT không phải chỉ đơn thuần là sách giáo khoa cấp tiểu học, mà còn bao hàm nhiều triết lí sống và tương tác giữa con người và xã hội. Tôi thấy nội dung cuốn Tân QVGKT là một bổ sung rất tuyệt vời cho bộ QVGKT, vì nó giúp mở mang trí tuệ và làm giàu tâm hồn của giới trẻ.

Giáo dục là kiến thức sống, là thông tin và kĩ năng trong đời người. Học đường là môi trường chuẩn cho thầy và trò sử dụng trong việc chuyển tải và thu nhập kiến thức, thông tin và kĩ năng. Trong thời bình, xây dựng một nền giáo dục nhân bản, dân tộc và khai phóng (hay khoa học) phải là ưu tiên số 1 của bất cứ chánh phủ nào có trách nhiệm, bởi vì giáo dục là một chất xúc tác cho tiến bộ xã hội qua việc đào tạo những cá nhân hữu dụng, nhân văn và viễn kiến.

Trong bối cảnh các giá trị luân lí và đạo đức xã hội bị xói mòn, việc xuất bản cuốn Những bài học thuộc lòng Tân Quốc Văn Giáo Khoa Thư vừa đúng lúc vừa có ý nghĩa thời sự. Đây là loại sách cần và nên có mặt trong thư viện của tất cả các trường trung tiểu học và tủ sách của mọi gia đình người Việt.

From Bluesea

No comments:

Mật vụ Ukraine 'tung hoành' ở Moscow như thế nào? Tác giả,Zhanna Bezpiatchuk, Ilya Barabanov, Tom Santorelli

HÌNH ẢNH,BỘ QUỐC PHÒNG NGAChụp lại hình ảnh,Trung tướng Igor Kirillov của Nga - người bị giết tại Moscow vào hôm 17/12 Các nguồn tin của BBC...