Tuesday, July 9, 2024

Ủng hộ Palestine, chủ tiệm cà phê ở Hà Nội xua đuổi người Do Thái

HÌNH ẢNH,BBC/THATJEWISHFAMILY
9 tháng 7 2024
Video ghi lại cảnh một gia đình người Do Thái bị chủ quán cà phê Tuấn Railway Station ở Hà Nội xua đuổi đang gây chú ý trong dư luận.

Một trong hai video được đăng trên tài khoản Instagram mang tên ThatJewishFamily của ông Daniel Namdar và vợ là bà Raizel Namdar có nội dung ghi lại cảnh cả gia đình bị từ chối tiếp đón tại một quán cà phê ở đường tàu Hà Nội, địa điểm thu hút đông đảo du khách nước ngoài.


Trong quán cà phê Tuấn Railway Station, có nhiều nhãn dán tường với dòng thông điệp "Free Palestine" (tạm dịch "Tự do cho Palestine").

Trong thông điệp trên Instagram, vợ chồng ông Danie cho biết đây là trải nghiệm bài Do Thái duy nhất mà họ trải qua ở Việt Nam, còn lại là những điều tốt đẹp:

"Đây không phải nước Đức vào năm 1938. Đây là ông chủ quán ủng hộ Palestine ở Việt Nam vào hôm qua."


"Chúng tôi chỉ đang vui vẻ trên con đường tàu nổi tiếng ở Hà Nội để chụp ảnh thì một chủ quán 'ủng hộ Palestine' bắt đầu đe dọa con của chúng tôi khi ông ta thấy kippah của Mendel."


Kippah là một loại nón chụp đầu nhỏ truyền thống đàn ông Do Thái.


Cũng trong bài đăng này, ông Daniel và vợ nói đây là điều thật sự gây tổn thương khi mà Mendel, con trai của họ, chỉ mới lên ba tuổi.


Trong video có thể nghe thấy tiếng người được cho là chủ quán Tuấn Railway Station nói tiếng Anh và được tạm dịch như sau:

“Get out of my shop. Out! Don’t sit there. My shop doesn’t accept people from your country...”

"Ra khỏi quán của tôi. Ra ngay. Không được ngồi ở đó. Quán của tôi không chấp nhận người đến từ quốc gia của các người."

“We just welcome humans, dogs and cats only.”

"Chúng tôi chỉ chào đón người, chó và mèo thôi..."

“Free Palestine"

"Tự do cho Palestine."

“Be careful here. The baby here is not safe. The bombs are automatic, they fly on the baby.”

"Cẩn thận đó. Ở đây con cái của các người không an toàn đâu. Bom tự động, rơi trúng nó đó."

Một tài khoản Instagram mang tên RailwayCafeHanoi sau đó đã vào trang Instagram của Daniel and Raizel Namdar bình luận bên dưới video, gọi họ là "evils" (tạm dịch "ác quỷ").Lịch sử cuộc xung đột giữa Israel và Palestine tại Dải Gaza5 tháng 11 năm 2023

'Con trai ba tuổi của tôi bị tổn thương'
HÌNH ẢNH,THATJEWISHFAMILY,Một cảnh trong video của vợ chồng ông Daniel Namdar có người chủ quán cà phê kêu cả nhà đi chỗ khác, con trai 3 tuổi của họ là Mendel đang đội chiếc nón truyền thống của người Do Thái


Trả lời BBC News Tiếng Việt vào thứ Hai 8/7 từ Hà Nội, ông Daniel cho biết mình là người Thụy Điển còn vợ đang có quốc tịch Úc. Cả gia đình đã quyết định sống theo kiểu "du mục kỹ thuật số" (digital nomad) từ ba năm nay. Sau Việt Nam, họ sẽ đi tiếp đến Bhutan.


Bà Raizel Namdar, vợ của Daniel, đã chia sẻ lại những gì xảy ra vào ngày 19/6 vừa qua:


"Khi tôi chụp hình cho con trai trước cửa tiệm của ông ta thì ông ta tiến tới và bắt đầu chửi bới tôi và con trai út của tôi, mới 3 tuổi. Con tôi có mang nón đội đầu kippah của người Do Thái. Tôi không đáp và hơi sợ. Rồi chồng tôi đến."


Ông Daniel cho biết gia đình đã vào một quán đối diện để tránh người chủ đang chửi bới mình, nhưng không may thay, cửa tiệm đó cũng của ông chủ này.


"Rồi ông ta hét lên, kêu hãy cút xéo khỏi cửa tiệm của mình. Tôi không đôi co nhiều bởi vì tôi chỉ muốn mang con mình đi chỗ khác, không muốn con mình đối mặt với nạn bài Do Thái ngay ở tuổi lên ba."


"Đối với tôi, là người làm cha, chứng kiến việc con mình ngây thơ, đội chiếc nón nhỏ kippah trên đầu, bị hét vào mặt như vậy thật quá mức chịu đựng. Và rồi tôi đã rút điện thoại ra ghi lại cảnh tượng này khi ông ta quá đáng nói chỉ chào đón người và chó, mèo... mà không đón người Do Thái."

HÌNH ẢNH,MANAN VATSYAYANA/AFP/GETTY IMAGES,Phố cà phê đường tàu Hà Nội là địa điểm thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước


BBC News Tiếng Việt ngày thứ Hai 8/7 đã liên lạc qua số điện thoại của tiệm cà phê Tuấn Railway Station để đề nghị bình luận nhưng không nhận được câu trả lời.


Vợ chồng ông Daniel nói rất yêu mến đất nước và con người Việt Nam và cho biết có thể người chủ tiệm cà phê này chỉ là một trường hợp cá biệt.


Câu chuyện của gia đình vợ chồng Daniel và Raizel Namdar đã gây những phản ứng khác nhau trong dư luận lẫn trên mạng xã hội.


Có thể thấy một luồng ý kiến ủng hộ chủ quán cà phê khi đã lên tiếng cứng rắn vì người dân Palestine, chống lại người Israel.


Nhưng có một luồng ý kiến khác lên án nạn bài Do Thái và tác động tiêu cực đến hình ảnh du lịch thân thiện của Việt Nam.

Bà Raizel Namdar nói:

"Hầu hết người Việt Nam mà chúng tôi gặp đều rất tốt bụng. Chúng tôi thấy quan trọng phải nhấn mạnh đến điều này vì là con người, chúng ta dễ có khuynh hướng tập trung vào sự tiêu cực và những trải nghiệm không mấy tốt đẹp. Đây là điều chúng tôi không muốn có. Vì vậy chúng tôi cũng đăng những video vui vẻ, tích cực nữa."


"Chúng tôi để cả bình luận tiêu cực và tích cực trên trang Instagram nhằm cho thấy rằng chúng tôi nhận được tình yêu thương lẫn sự căm ghét."


BBC News Tiếng Việt đã email đến Đại sứ quán Israel tại Việt Nam vào ngày 8/7 để có bình luận nhưng chưa nhận được hồi âm.Israel - Palestine: Nhìn lại cội nguồn của xung đột28 tháng 11 năm 2023

Bài Do Thái hay chống Israel?
HÌNH ẢNH,GETTY IMAGES,Ngôi sao David, một biểu tượng cổ xưa của người Do Thái


Kể từ xung đột giữa Israel và Hamas nổ ra vào tháng 10/2023, dư luận quốc tế xoay quanh các quan điểm chính, bao gồm phản đối Hamas, ủng hộ Israel hoặc chống Israel và ủng hộ người Palestine.


Một lập trường khác, trung dung hơn, kêu gọi kiềm chế bạo lực, giải quyết xung đột bằng các biện pháp ngoại giao.


Khi các chiến dịch quân sự của Israel tại Dải Gaza gây ra nhiều thương vong cho thường dân Palestine, các hoạt động phản đối Israel càng gia tăng dữ dội.


Cùng với đó, trên thế giới đã ghi nhận tâm lý bài Do Thái gia tăng, dù rằng bài Do Thái và chống hành động quân sự của Israel là hai vấn đề khác nhau.


Ở Việt Nam, chính quyền do Đảng Cộng sản có truyền thống ủng hộ các phong trào của người Palestine chống lại Israel. Trước đây, lãnh tụ Yasser Arafat của Tổ chức Giải phóng Palestine (PLO) nhận được rất nhiều thiện cảm từ chính quyền Việt Nam và thiện cảm đó lan tỏa tới người dân.


Theo thời gian, Việt Nam dần có quan hệ hợp tác mang tính "cùng có lợi" với Israel nhiều hơn, đặc biệt là trong lĩnh vực quân sự, nên dần thể hiện lập trường "chơi với cả hai bên". Một mặt Hà Nội vẫn đồng cảm với người Palestine, mặt khác không lên án Israel như trước.


Các thông điệp xuyên suốt của chính quyền Việt Nam là "phản đối bạo lực nhằm vào dân thường, kêu gọi các bên liên quan ngừng bắn, tìm kiếm đối thoại và kiềm chế".


Ngày 10/5, Việt Nam là một trong 143 nước bỏ phiếu thuận thông qua nghị quyết mang tính lịch sử đối với Nhà nước Palestine, trao thêm một số quyền cho Palestine với tư cách Nhà nước Quan sát viên của Liên Hợp Quốc.


Đại sứ Đặng Hoàng Giang, trưởng phái đoàn thường trực Việt Nam tại Liên Hợp Quốc, vào ngày 13/5 tuyên bố Việt Nam "ủng hộ Nhà nước Palestine sớm gia nhập Liên Hợp Quốc".


Năm 2023, Việt Nam và Palestine kỷ niệm 35 năm thiết lập quan hệ ngoại giao (19/11/1988 - 19/11/2023) và Ngày quốc tế đoàn kết với nhân dân Palestine (29/11).


Khác với chính quyền, người dân Việt Nam có những tâm tư khác nhau liên quan tới cuộc chiến hiện tại ở Dải Gaza. Một mặt, vẫn có người ủng hộ Israel, nhưng mặt khác, có nhiều phong trào trên mạng kêu gọi tẩy chay các lợi ích liên quan đến Israel hoặc những người mà họ cho rằng liên quan đến Israel.Israel - Palestine: Nhìn lại cội nguồn của xung đột28 tháng 11 năm 2023
HÌNH ẢNH,ANADOLUChụp lại hình ảnh,Israel đang chịu áp lực từ các quốc gia đồng minh về việc phải đảm bảo các nguồn viện trợ tiếp cận được người dân tại Dải Gaza khi cuộc xung đột đã bước sang tháng thứ 10


Cuộc xung đột tại Dải Gaza đã bước sang tháng thứ 10, khiến hơn 38.000 người tại Dải Gaza thiệt mạng, theo Bộ Y tế do Hamas điều hành ở Gaza.


Cho đến nay, không có một lối thoát rõ ràng cho cuộc xung đột đẫm máu tại Gaza.


Vào ngày 7/7, văn phòng Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu khẳng định không có thỏa thuận nào có thể ngăn chặn Israrel chiến đấu tại Gaza cho đến khi nào các mục tiêu chiến tranh đều đạt được.


Ông Netanyahu liên tục khẳng định các mục tiêu này là xóa sạch Hamas, cả về mặt chính trị lẫn quân sự.


Chia sẻ với BBC News Tiếng Việt, vợ chồng ông Daniel cho biết:


"Tôi chỉ muốn nói rằng trái tim của chúng tôi hướng về những thường dân vô tội phải bỏ mạng tại Gaza. Họ không phải là những tên khủng bố, không thuộc Hamas nhưng đã chết oan."


Buổi phỏng vấn của chúng tôi đã tạm dừng vài phút khi cậu con trai nhỏ Mendel đòi cha mẹ.


Sau khi chăm con một chút, họ nói thêm rằng cậu bé Mendel vừa lại nhắc đến câu chuyện tại quán cà phê.


"Chúng tôi giải thích với con trai mình rằng mọi người đều khác biệt, rằng 'chúng ta là người Do Thái, trong khi một số người không phải vậy. Và chúng ta phải tôn trọng mọi người dù họ là ai và thể hiện tình yêu thương với mọi người."


"Tôi nghĩ là chúng ta phải tập trung vào điều này. Nếu một gia đình người theo đạo Hồi muốn đến uống cà phê cùng chúng tôi thì chúng tôi cũng sẵn lòng. Tất cả con người chúng ta đều có trái tim, linh hồn. Hết thảy chúng ta là như vậy."

No comments:

NGƯỜI CŨ

Biết Người, Biết Mình. Trăm Trận, Trăm Thua! Tôi trang điểm xong và sửa soạn thay váy áo chỉnh tề mà lòng vừa rộn ràng vừa hồi hộp.