Quân Việt Minh tiến về Hà Nội vào ngày 9/10 1954 theo tinh thần của Hiệp định Genève
Các nhà lãnh đạo cộng sản Việt Nam do lo sợ khả năng Mỹ can thiệp vào Đông Dương cộng với tương quan lực lượng và hoàn cảnh không có lợi cho họ nên đã nhanh chóng ký Hiệp định Genève, một nhà sử học giảng dạy ở Mỹ nói với VOA.
Cách nay tròn 70 năm, vào ngày 21/7 năm 1954, các phe phái tham chiến trong cuộc chiến Đông Dương lần thứ nhất đã ký Hiệp định Genève để chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Đông Dương nhưng đồng thời cũng phân chia Việt Nam thành hai miền lấy vĩ tuyến 17 làm giới tuyến. Kết quả này đã dẫn đến cuộc chiến tranh Đông Dương lần thứ hai để cuối cùng quân cộng sản Bắc Việt đánh bại quân Việt Nam Cộng hòa để thống nhất đất nước vào năm 1975.
Nhiều yếu tố hội tụ
Khí thế của chiến thắng Điện Biện Phủ vào ngày 7/5 năm 1954 đã khiến nội bộ Đảng Lao động Việt Nam lúc đó có thành phần muốn đánh Pháp đến cùng. Tuy nhiên, cho đến giữa năm 1954, nhiều yếu tố hội tụ khiến chính quyền Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (VNDCCH) không muốn tiếp tục cuộc chiến, Giáo sư Pierre Asselyn, giáo sư Sử tại Đại học San Diego State University (SDSU), nói với VOA.
“Từ quan điểm của VNDCCH, tình hình đặc biệt bi quan ở các thành phố và một số nơi ở miền Nam, trong đó có những vùng mà họ xem là có tầm quan trọng về chiến lược. Tình hình ở miền Trung có tốt hơn nhưng vẫn khó khăn, trong khi lực lượng kháng chiến ở Lào và Campuchia vẫn còn yếu hơn đối phương,” Giáo sư Asselyn phân tích và chỉ ra quân Pháp bao gồm cả lực lượng thân Pháp ở Đông Dương lúc đó nhiều hơn gấp rưỡi quân Việt Minh.
Mặc dù quân Pháp đã hứng chịu thất bại quân sự nặng nề ở Điện Biên Phủ, họ vẫn còn duy trì đội quân viễn chinh hùng mạnh được hỗ trợ bởi quân đội ngày càng lớn mạnh của Quốc gia Việt Nam của Quốc trưởng Bảo Đại. Không những thế, Paris còn khiến Việt Minh lo sợ rằng họ sẽ tiếp tục cuộc chiến sau khi Thủ tướng Pierre Mendès-France thông báo trước Quốc hội Pháp vào ngày 7/7 về quyết định triển khai thêm lực lượng đến Đông Dương và sẽ có những biện pháp cần thiếp để tiếp tục cuộc chiến nếu các cuộc đàm phán ở Genève thất bại, ông Asselyn nói thêm.
Trong khi đó, quân đội Việt Minh đã kiệt sức sau Điện Biên Phủ với thiệt hại nhân mạng và vật chất vô cùng lớn vì phải chiến đấu với quân Pháp có trang bị tốt hơn và phương tiện kỹ thuật ưu việt hơn. Do đó, nếu họ tiếp tục đánh Pháp thì tình hình sẽ càng thêm khó khăn, cũng theo lời sử gia này. Ngoài ra, người dân khắp nơi trên cả nước lúc đó đang mong muốn hòa bình lập lại. “Với tinh thần phản chiến lan rộng trên khắp Đông Dương, việc từ chối đàm phán sẽ là thiếu khôn ngoan, nó sẽ khiến giới trí thức và những người Việt ôn hòa xa lánh, làm xấu đi hình ảnh của VNDCCH ở trong nước và quốc tế,” ông nói.
Nếu tiếp tục chiến đấu và nếu Mỹ không can thiệp thì phải cần thêm từ 3 đến 5 năm nữa Việt Minh mới giành thắng lợi hoàn toàn, sử gia này dẫn lại lời Đại tướng Võ Nguyên Giáp thừa nhận với Thủ tướng Trung Quốc Chu Ân Lai khi đó, trong khi quân đội Việt Minh vào lúc đó rất cần thời gian nghỉ ngơi để tái xây dựng lực lượng, tái tổ chức và nâng cấp.
Ngoài ra, nếu chiến sự tiếp diễn thì chính quyền Việt Minh không thể tập trung giải quyết những vấn đề kinh tế trong nước vốn đã trở nên trầm trọng sau nhiều năm chiến tranh và hậu quả tai hại của công cuộc Cải cách Ruộng đất. Chiến tranh và hạn hán đã tàn phá nông nghiệp và sản xuất, gây thiếu ăn thậm chí chết đói ở một số khu vực Việt Minh kiểm soát, ông chỉ ra.
Không những thế, cuộc chiến ngày càng trở thành cuộc chiến giữa người Việt vì Quốc gia Việt Nam đã xây dựng quân đội lớn mạnh để chiến đấu với Việt Minh cho người Pháp. “Tình hình đó củng cố nhận định của người Pháp rằng cuộc chiến ở Việt Nam không còn là cuộc kháng chiến chống thực dân nữa mà là cuộc nội chiến được châm ngòi bởi những tư tưởng đối lập,” ông Asselyn nói và cho rằng đó là một yếu tố nữa khiến chính quyền VNDCCH phải cân nhắc chấm dứt chiến tranh để giữ chính nghĩa.
Sợ Mỹ can thiệp
Tuy nhiên, nỗi sợ lớn nhất của VNDCCH lúc đó là khả năng người Mỹ can thiệp vào Đông Dương, cũng theo lời nhà sử học này, sau khi ông Ngô Đình Diệm, một người có lập trường chống Cộng cứng rắn mà họ xem là ‘tay sai của Mỹ’, được chọn làm thủ tướng của Quốc gia Việt Nam. Bước đi này, theo họ, là bước chuẩn bị cho Mỹ can thiệp trực tiếp vào Đông Dương.
“Lúc đó ai cũng thấy rõ rằng Washington đã thay đổi kế hoạch từ gửi quân đến Đông Dương để giúp duy trì chế độ thuộc địa của Pháp sang quyết tâm gạt người Pháp ra để nhảy vào thay thế người Pháp ở Đông Dương,” ông nói, dẫn lại đánh giá của các sử gia Việt Nam.
Do đó, nhất thiết phải đạt được một lệnh ngừng bắn ở Hội nghị Genève, ông phân tích thêm từ quan điểm của VNDCCH, để cô lập phe chủ chiến ở Pháp cũng như ngăn không cho chính quyền của Tổng thống Mỹ Eisenhower có cái cớ nào để can thiệp quân sự, và nếu đàm phán càng kéo dài chừng nào, sẽ càng bất lợi cho VNDCCH chừng đó, vì nếu ngày nào còn chưa đạt được thỏa thuận, người Mỹ sẽ vẫn tự do làm những gì họ muốn ở Đông Dương.
“Sự mệt mỏi sau cuộc chiến cùng với khả năng Mỹ can thiệp quân sự đã khiến các lãnh đạo của VNDCCH và Đảng Lao động Việt Nam tin rằng bàn đám phàn sẽ có lợi hơn là tiếp tục chiến đấu,” Giáo sư Asselyn dẫn lại phân tích của Giáo sư Carl Thayer, chuyên gia về Việt Nam tại Học viện Quốc phòng Úc, cho biết. Ngoài ra, việc đàm phán trực tiếp với người Pháp cũng đem lại cho VNDCCH vị thế hợp pháp ở trong nước cũng như trên trường quốc tế.
Ông Asselyn dẫn lại hội nghị Trung ương 6 vào giữa tháng 7 năm 1954 mà khi đó Bí thư Thứ nhất Trường Chinh đã cảnh báo phe tả khuynh trong Đảng vốn có lập trường kháng chiến tới cùng là ‘đã đánh giá quá cao lực lượng của chúng ta và xem thường âm mưu của đế quốc Mỹ và bọn chủ chiến Pháp’. Nếu không nhanh chóng đạt được thỏa thuận thì người Mỹ sẽ can thiệp và cán cân lực lượng sẽ thay đổi về hướng bất lợi, ông Trường Chinh khi đó đã cảnh báo.
Ngoài ra, VNDCCH còn bị áp lực từ phía những đồng minh như Liên Xô, và nhất là Trung Quốc, phải đạt được thỏa thuận hòa bình để chấm dứt cuộc chiến, cũng theo nhận định của GS Asselyn.
Cái chết của Stalin, nhà lãnh đạo Liên Xô mà VNDCCH xem là người ủng hộ nhiệt thành cho cuộc chiến của họ, vào năm 1953, đã đe dọa cam kết của Moscow đối với Việt Nam. Bên cạnh đó, cuộc chiến trên bán đảo Triều Tiên vừa kết thúc khiến cho cả Moscow và Bắc Kinh không còn nhiệt tình tiếp tục cuộc chiến ở Đông Dương. Riêng Bắc Kinh, vốn bị lôi vào chiến tranh liên miên từ khi lập quốc vào năm 1949, cũng cần thời gian nghỉ ngơi để xây dựng chủ nghĩa xã hội, cải cách ruộng đất và thực thi kế hoạch Đại Nhảy Vọt của Mao Trạch Đông, Giáo sư Asselyn chỉ ra.
Mục tiêu chính của Bắc Kinh ở Hội nghị Genève, theo lời nhà sử học này, là ngăn quốc tế hóa cuộc xung đột ở Đông Dương như đã từng xảy ra ở cuộc chiến Triều Tiên khi quân Mỹ nhảy vào dưới danh nghĩa Liên Hiệp Quốc.
“Do đó, dễ thấy là Bắc Kinh và Moscow hoan nghênh việc VNDCCH bất ngờ sẵn sàng đàm phán để kết thúc chiến tranh. Háo hức nắm bắt cơ hội này, họ đã kiến nghị chính quyền Pháp, Anh, Mỹ cùng tham gia vào bàn đàm phán đa phương ở Genève sau khi kết thúc đàm phán về vấn đề Triều Tiên,” ông trả lời khi được hỏi tại sao vận mệnh của đất nước Việt Nam vào lúc đó lại do các cường quốc quyết định ở Genève.
Đáp ứng các cường quốc?
Chính quyền của ông Hồ Chí Minh lúc đó lưỡng lự về mô hình đàm phán đa phương với các cường quốc thay vì chỉ đàm phán song phương với người Pháp, nhưng cuối cùng chấp nhận phương án này vì bản thân cuộc chiến Đông Dương đã bị quốc tế hóa, ông nói.
“Nhưng có thêm nhiều bên tham gia có nghĩa là có thêm yêu sách phải đáp ứng, và quyền lợi của VNDCCH có thể bị hy sinh để phục vụ lợi ích của các nước lớn. Mặc dù Bắc Kinh và Moscow vẫn là những người bạn trung thành của VNDCCH, nhưng tình hình thay đổi vào đầu năm 1954 có thể khiến cho họ có động cơ sử dụng hội nghị Genève để thúc đẩy mong muốn của họ là xây dựng mối quan hệ mới, bớt thù địch hơn với phương Tây,” Giáo sư Asselyn chỉ ra.
Cho đến cuối tháng 6 năm 1954, các nhà đàm phán của VNDCCH đã cố gắng xây dựng một thỏa thuận phù hợp với lợi ích của Moscow là hòa hoãn với phương Tây và lợi ích của Bắc Kinh là chấm dứt chiến tranh để ngăn Mỹ can thiệp, ông nói.
Chỉ vài giờ sau khi bế mạc hội nghị Trung ương 6, phái đoàn VNDCCH đã chấp nhận lấy vĩ tuyến 17 là giới tuyến để tập kết mặc dù lúc đầu Thủ tướng Phạm Văn Đồng, trưởng đoàn đàm phán, khăng khăng đòi lấy vĩ tuyến 13. Họ cũng miễn cưỡng từ bỏ yêu sách là Pathet Lao cũng như Khmer Issarak phải được công nhận là thực thể chính trị hợp pháp ở Lào và Campuchia, điều mà họ xem là liều thuốc đắng phải nuốt dưới áp lực của Bắc Kinh.
Tuy nhiên, phía VNDCCH đã đòi được việc phải có thời hạn tổng tuyển cử trong vòng hai năm, so với yêu sách lúc đầu là trong vòng từ 6 đến 12 tháng; vĩ tuyến 17 chỉ là giới tuyến quân sự tạm thời chứ không phải là đường biên giới quốc gia; đảm bảo không có lực lượng quốc tế khác nào được đưa vào Đông Dương cũng như không hình thành liên minh quân sự giữa các phe phái chính trị ở Đông Dương với nước ngoài, Giáo sư Asselyn lưu ý.
Những điều khoản trong Hiệp định Genève ‘về bản chất là thỏa hiệp quốc tế do các cường quốc dàn xếp và mỗi cường quốc đều có một phần miếng bánh’, ông Asselyn dẫn lại quan điểm từ giới sử học Việt Nam, và việc phân chia đất nước ở vĩ tuyến 17 là kết quả thỏa thuận của những nước lớn đồng minh của VNDCCH mà Hà Nội buộc phải chấp nhận để sớm ký được Hiệp định.
Tuy nhiên, ông cho rằng mặc dù chính quyền VNDCCH lúc đó bị áp lực của Bắc Kinh và Moscow là chấm dứt chiến tranh để ngăn Mỹ can thiệp, nhưng đó cũng chính là quan ngại của giới lãnh đạo Việt Nam. Ông chỉ ra sự xuất hiện của Ngoại trưởng Mỹ John Foster Dulles tại Genève là lý do khiến các nhà đàm phán Việt Nam phải nhanh chóng thỏa hiệp về việc lấy mốc nào làm giới tuyến.
“Mặc dù chấp nhận vĩ tuyến 17 có nghĩa là Nam Việt Nam có diện tích lớn hơn miền Bắc khoảng 12.000 km vuông, nhưng việc chấp nhận nó là nhượng bộ có ý nghĩa để ngăn Mỹ can thiệp,” ông nói và cho rằng bù lại, thời hạn tổng tuyển cử là thắng lợi quan trọng cho VNDCCH. Lúc đó, Việt Minh tự tin rằng họ sẽ chiến thắng trong tổng tuyển cử để thống nhất đất nước trong lúc ở nam vĩ tuyến 17 có quá nhiều phe phái đối địch nên khó lòng hình thành một chính phủ ổn định để đối đầu với VNDCCH.
“VNDCCH chưa bao giờ là một bên thụ động trong cuộc đàm phán ở Genève. Các điều khoản của Hiệp định không phải là không phù hợp với đánh giá của họ về lợi ích trong hoàn cảnh lúc đó ở bên trong và bên ngoài Đông Dương,” ông nhận định. “Mặc dù có vẻ như là họ phải hy sinh để đáp ứng lợi ích của các đồng minh nhưng thực ra họ đã giành được nhiều điều mà họ muốn. Các điều khoản của Hiệp định đã đem đến những đảm bảo tốt hơn để ngăn Mỹ can thiệp trong tương lai.”
Tuy nhiên, ông cho rằng phía VNDCCH đã đánh giá sai lầm về cam kết của Mỹ đối với Nam Việt Nam trong tương lai cũng như khả năng trụ vững của chính quyền ông Ngô Đình Diệm.
Ngoài phía Mỹ không ký, chính quyền Quốc gia Việt Nam của Bảo Đại và sau này là Việt Nam Cộng hòa của Ngô Đình Diệm cũng bác bỏ hiệp định với lý do là họ chỉ được tham gia vào quá trình đàm phán trên danh nghĩa mà không được người Pháp tham vấn, Giáo sư Asselyn trả lời câu hỏi của VOA về việc thực thi Hiệp định Genève.
“Có lẽ thắng lợi lớn nhất ở Hiệp định Genève là người Pháp công nhận độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam, Lào và Campuchia,” ông nói.
No comments:
Post a Comment