Monday, March 11, 2019

ĐÔ ĐỐC NIMITZ, “KỴ SĨ TRÊN BIỂN CẢ” Lê Chánh Thiêm

HoangsaParacel: Thủy Sư Đô Đốc Chester William Nimitz đeo lon 5 sao, một cấp bậc tối cao dành cho ông mà Hải Quân Hoa Kỳ hiện nay chỉ có Đô Đốc 4 sao là cao cấp nhất.
Trong quân nay, nếu được gọi là “thiên-tài” về quân sự, con số không nhiều. Ngoài Thành-Cát Tư-Hãn của Mông-Cổ, Quang-Trung hoàng-đế của Việt-Nam, Nã-Phá-Luân đại-đế của Pháp, quân sử cận đại còn ghi thêm vài người, trong đó có Đô-Đốc Chester William Nimitz, vị Tướng thuộc Hải quân Mỹ trong thế chiến thứ hai. Những chiến công của ông góp phần không nhỏ tạo chiến thắng cho phe Đồng minh, giúp nhân-loại sớm thoát cảnh binh đao tang tóc sau sự đầu hàng của phe Trục, chấm dứt thế chiến thứ hai, đã gây nên bao cảnh điêu-linh cho nhân loại.

 to 
ĐÔ ĐỐC NIMITZ, “KỴ SĨ TRÊN BIỂN CẢ”
Lê Chánh Thiêm
Phần 1/2.
1. DẪN NHẬP:
Trong quân sử thế giới xưa nay, nếu được gọi là “thiên-tài” về quân sự, con số không nhiều. Ngoài Thành-Cát Tư-Hãn của Mông-Cổ, Quang-Trung hoàng-đế của Việt-Nam, Nã-Phá-Luân đại-đế của Pháp, quân sử cận đại còn ghi thêm vài người, trong đó có Đô-Đốc Chester William Nimitz, vị Tướng thuộc Hải quân Mỹ trong thế chiến thứ hai. Những chiến công của ông góp phần không nhỏ tạo chiến thắng cho phe Đồng minh, giúp nhân-loại sớm thoát cảnh binh đao tang tóc sau sự đầu hàng của phe Trục, chấm dứt thế chiến thứ hai, đã gây nên bao cảnh điêu-linh cho nhân loại.
Sau cuộc đột kích Trân Châu Cảng (Pearl Harbor raid) vào ngày 7-12-1941 của quân Nhật vào Hải quân Mỹ, Đô Đốc Chester William Nimitz được chỉ định làm Tư Lệnh Hạm Đội Thái Bình Dương (TBD), một hạm đội chủ lực của Hải-Quân Mỹ, thay thế cựu Tư-Lệnh, Đô Đốc Husband E. Kimmel. Sau đó, dưới sự chỉ huy của ông, Hải Quân Mỹ đã thắng quân Nhật nhiều trận lớn, kiểm-soát lại được vùng đại dương bao la mà trước đó họ đã bị quân Nhật chiếm sau khi tấn công gây thiệt hại nặng cho quân Mỹ. Đáng kể nhất là Nimitz đã tạo chiến thắng oanh-liệt trong trận hải chiến Midway với quân Nhật dưới sự chỉ huy của Đô Đốc Nhật Isoroku Yamamoto (Sơn Bản Ngũ Thập Lục), một nhận vật “diều hâu” trong giới quân sự Nhật được dân Nhật tôn sùng (được nói đến trong một bài viết khác dưới tiêu đề "Trận hải chiến Midway"). Đây là một trong các tác nhân dẫn đến thế chiến thứ nhì sớm kết thúc.
Hình 1: Chân dung Đô Đốc Chester W. Nimitz, hình chụp năm 1942

Trong bài nầy, chúng ta hãy xem thân thế, sự nghiệp của Nimitz - một tướng Mỹ chỉ huy trận hải chiến Midway và nhiều trận khác trên chiến trường Thái Bình Dương - xem lại một số tài liệu thời ông điều binh khiển tướng, với những rắc rối, bất bình giữa ông, trong cương vị một vị sĩ quan Hải quân với thuộc cấp, thượng cấp, với chính quyền, các vị chỉ huy quân sự Lục quân khác, các nghị sĩ trong chính trường Mỹ và bộ máy chỉ-huy chiến tranh của Mỹ, đó là Ngũ Giác Đài.
2. THÂN THẾ & BINH NGHIỆP:
Phần mở đầu để nói về cuộc đời binh nghiệp của Nimitz, chúng ta không thể quên việc tên ông được vinh dự đặt cho một hàng-không mẫu hạm, một sự kiện được cân nhắc kỹ khi đặt tên cho một con tàu theo truyền thống Hải quân Mỹ. Trong quân sử cận đại của Mỹ có đến 10 vị Tướng mang 5 sao, riêng Hải-Quân có đến 5 nhưng chỉ riêng tên ông được chọn để đặt cho một chiếc Hàng Không Mẫu Hạm, với tên hiệu đầy đủ là USS Nimitz CVN-68, nằm trong nhóm Nimitz (Nimitz class), chiếc tàu chiến đã tham dự nhiều chiến dịch quân sự quan trọng. Ngoài ra, 16 công trình, thành phố, trường học, thư viện, xa lộ,… mang tên ông, từ trong đến ngoài nước Mỹ (Nhật, Guam…).
Từ khả năng xuất sắc tạo nên những công trạng, ông đã được 3 lần thăng cấp “đặc cách” trong đời quân ngũ: không mang Trung-úy, Phó Đề-Đốc, Phó Đô-Đốc, một vinh dự hiếm hoi trong quân sử Mỹ hay quân sử các nước có lực lượng quân sự hùng mạnh, bài bản, các nước độc-tài hay cộng sản thì không kể. Sau chiến tranh, vào ngày 5-10-1945, chính phủ Mỹ tổ chức một lễ trang trọng riêng cho ông gọi là “Nimitz Day”, TT Mỹ tặng thưởng cho ông huy chương Gold Star, một trong các huy chương cao quý nhất của Mỹ, với lời tuyên dương của Tổng Thống Mỹ Harry S. Truman:
-“…Cho những phục vụ xuất sắc, xứng đáng trong cương vị Tư Lệnh, Hạm đội TBD và Vùng TBD, từ tháng 6-1944 tới tháng 8-1945” (…for exceptionally meritorious services as Commander in Chief, U.S. Pacific Fleet and Pacific Ocean Areas, from June 1944 to August 1945).
Chừng đó đủ thấy ông đã được các cấp đánh giá cao qua những cống hiến cho Hải quân nói riêng, cho quân đội và cho nước Mỹ nói chung. Chiếc USS Nimitz CVN-68 có trọng tải 95 ngàn tấn với chiều dài 1,092 ft., vận hành bằng 8 máy phản ứng hạt nhân có công-suất 280.000 HP, vận tốc là 30 hải-lý/ giờ, thủy thủ đoàn có 6.300 người, chở được 90 máy bay các loại, là loại HKMH tối tân nhất thời đó. Ngoài ra, tên ông còn được đặt tên cho một số khác, sẽ được nói đến ở cuối bài.
Là một sĩ-quan ưu-tú, nhiều năng-lực khác thường, hết lòng phục vụ cho đất nước; được một số nhà quân-sự, chính quyền gắn cho biệt-hiệu “kỵ-sĩ trên biển cả” và hơn nữa: “con kình-ngư trong biển xanh” khi ông cầm quân vùng vẫy trên chiến trường với những chiến công hiển-hách.
Ông Chester W. Nimitz sinh ngày 24-2-1885 tại Fredericksburg, Texas trong một gia đình công chức trung-bình, gốc di-cư từ Đức, con của ông bà Chester Bernhard và Anna Nimitz. Cha Nimitz qua đời khi ông chưa chào đời. Nimitz mang trong người dòng máu “hải hồ” từ ông nội: sau khi đến Mỹ đã làm nghề đánh cá, rồi làm thuyền trưởng một thuyền buồm đến đời cha ông, tuy làm nghề kinh doanh bất động sản nhưng vì có “máu” sông biển nên ông xây nhà mình theo hình chiếc tàu với ý niệm gởi gắm tâm tư, nỗi niềm của ông với cuộc sống theo sóng nước vào đó.
Từ thưở thiếu thời, Nimitz đã có máu “hướng về biển khơi” của ông cha nên rất mê, thán phục tấm gương của các danh tướng Hải quân, xem đó như một “kim chỉ nam” cho mình. Ước mơ của Nimitz sẽ là một quân nhân hơn là một công dân bình thường nên khi lớn lên đã quyết định xin vào các học viện quân sự.
Ban đầu, Nimitz dự định xin vào học viện Westpoint, một Học viên Lục quân vì trường nầy không thu học phí, điều nầy hợp với hoàn cảnh gia đình không giàu-có gì của cha mẹ. Khi biết học viện Westpoint đã đủ chỗ mà Học viện Hải Quân Annapolis thì còn chỗ trống, qua lời giới thiệu của Dân biểu James L. Slayden - Khu vực 12 của tiểu bang Texas - ông bèn chọn trường nầy. Ngày 9-7-1901, Nimitz tuyên thệ vào thụ huấn tại Học viện Hải Quân Annapolis. Nimitz tốt nghiệp (Passed Midshipman) hạng thứ 7 trong 114 khóa sinh vào tháng 1 năm 1905.
Trong niên giám của trường nầy có ghi nhận xét về Nimitz như sau:
-“Nimitz là con người cảm thấy ngày hôm qua thì thật vui và ngày mai thì tràn trề niềm tin”.
Còn Tổng Thống Truman, sau nầy, đánh giá như sau:
-“Ngay từ lúc đầu tôi đã nhận thấy Tướng Nimitz là một nhà chiến lược, một nhà lãnh-đạo khác với một người bình thường. Đó là một người phi-thường, một nhân vật xuất-sắc. Tôi đặt ông ta ngang hàng với Tướng Marshall. Họ là những thiên tài quân sự và là những nhà chính trị”.
Con đường binh nghiệp với các cấp bậc được quân đội gắn: Nimitz được gắn Hải Quân Thiếu-úy (Ensign) ngày 7-01-1907; không mang cấp Trung-úy (Lieutenant Junior Grade), mang Đại-úy (Lieutenant) ngày 31-01-1910, được gắn Thiếu Tá (Lieutenant Commander) vào 29-8-1916, thăng cấp Trung Tá (Commander) ngày 01-02-1918, mang cấp Đại-tá (Captain) ngày 2-6-1927, không mang Phó Đề Đốc {Rear Admiral (lower half), 1 sao)} do được đặc cách lên Đề Đốc {Rear Admiral (upper half)} ngày 23-6-1938, không mang Phó Đô Đốc (Vice Admiral, 3 sao) do được thăng cấp trực tiếp lên Đô Đốc (Admiral, 4 sao) ngày 31-12-1941; mang Thủy sư Đô Đốc (Fleet Admiral, 5 sao) (1) vào ngày 19-12-1944 sau khi được Quốc Hội Mỹ phê chuẩn theo luật định.
Sau khi ra trường, ông được thuyên chuyển xuống chiếc Thiết giáp hạm tiền-dreadnought (2) USS Ohio (BB-12) thuộc hạm đội Đại Tây Dương của Hoa Kỳ. Một thời gian sau, được chuyển xuống làm việc dưới chiếc USS Baltimore C-3, một chiếc tàu ngầm. Khi nhận thấy tầm nguy hiểm khi tàu ngầm dùng xăng để chạy máy, Nimitz đề nghị với Bộ Hải quân nên dùng máy chạy bằng dầu cặn (Diesel) thay cho máy chạy bằng xăng, một đề-nghị “táo bạo” cho một quân nhân mới ra trường với cấp bực nhỏ và thâm niên quân vụ không bao nhiêu. Tuy nhiên, đề nghị nầy được chấp thuận ngay và rồi Hải quân Mỹ có chiếc tàu ngầm chạy bằng dầu Diesel ra đời không lâu sau đó. Vào năm 1912, Nimitz được mời đến thuyết trình tại “Học viện Chiến tranh Hải-Quân” với danh nghĩa “một chuyên gia tàu ngầm”, một vinh dự to lớn cho một sĩ quan không nhiều tiếng tăm như ông, nếu không có thực tài và được thượng cấp đánh giá cao cùng được sự tin tưởng.

Hình 2: Thiết giáp hạm tiền-dreadnought USS Ohio BB-12, chiến hạm đầu tiên Nimitz đáo nhậm.
Năm 1913, Hải quân Đại Úy Nimitz được cử đi học khóa động cơ Diesel tại Nuremberg, Đức và tại Ghent, Bỉ. Cũng trong năm nầy, khi được 28 tuổi, Nimitz lập gia đình với Catherine Vance Freeman, thứ nữ của ông bà Freeman, một nhà môi giới về tàu thuyền, khi cô Catherine mới được 21 tuổi. Mối tình giữa hai người cũng khá ly kỳ, nên thơ. Khi còn là thuyền trưởng tàu ngầm, trong một dịp đi giám sát việc đặt máy tàu chạy bằng diesel tại một xưởng đóng tàu ở Massachusetts, Nimitz có đến nhà ông Freeman. Hai cô con gái của ông bà Freeman, Elizabeth là chị, là một người con gái đẹp, cởi mở, hướng ngoại, nổi tiếng gần xa còn cô em là Catherine thì ít được biết tiếng mấy, có cuộc sống khép kín. Nimitz được chủ nhà mời ăn cơm tối, sau đó là chơi bài. Trong môn bài mà họ chọn để chơi phải có 4 người chia làm 2 cặp đấu với nhau; đáng lẽ Elizabeth là một chân nhưng cô vắng mặt nên cô em là Catherine được vào thế chân. Nimitz và Catherine vô tình được xếp vào một cặp.
Dường như có một sự “giao cảm tâm tình” sao đó mà hai người chơi rất hợp “rơ” với nhau và thắng luôn. Trước đó, cũng giống các chàng trai độc thân khác, ai mà chẳng “mê” các cô đẹp, trong lòng Nimitz “để ý” cô chị Elizabeth. Tuy nhiên, sau khi chơi bài chung, Nimitz có dịp quan sát kỹ và so sánh giữa hai chị em, Nimitz thấy mình hợp với cô em hơn, một người con gái có tính lặng lẽ, kín đáo nhưng tâm tình sâu sắc. Thế nhưng trước đó, Catherine Vance Freeman lại không có cảm tình với các chàng sĩ-quan Hải quân trẻ thường xuyên ra vào nhà mình. Cô nghĩ họ đến để tán tỉnh chị mình, họ khuấy động cuộc sống bình yên của cô. Nhưng rồi vào thời gian đó, một trường hợp bất ngờ xảy ra như một “phép lạ”, đã làm thay đổi suy-tư của Catherine: Một hôm, một lính thủy rớt xuống biển. Vì không biết bơi nên sắp chết đuối. Khi đó Nimitz hiện diện, thấy vậy, Nimitz vội nhảy xuống vớt anh lính nầy lên. Vào dạo đó, một sĩ quan cấp Đại úy mà quên mình nhảy xuống nước vớt người là một chuyện họa hoằn nên sự việc được đồn ra rộng rãi. Việc làm nầy đã “thu hút” cô Catherine và làm cho cô có chút thiện cảm với Nimitz. Catherine đã thay đổi thành kiến cũ. Sau dịp đó, khi được hỏi, Nimitz đã khôi hài trả lời về hành động của mình:
-“Đó chẳng qua là buộc phải nhảy xuống biển để bơi một vòng mà thôi”.
Năm 1917, Nimitz sang Đại Tây Dương phục vụ trên một đội tàu ngầm dưới quyền của Robinson. Vị chỉ huy nầy rất mến Nimitz nên ông khuyên nếu muốn tiến thân trong hải nghiệp phải là sĩ quan chỉ huy trên chiến hạm chứ ở tàu ngầm thì “không khá” được vì trong Hải quân Mỹ lúc đó, chỉ có “sĩ quan chỉ huy” là “ngon lành nhất” còn các ngành khác đều là “bàng môn tả đạo”. Sau đó, Nimitz được thuyên chuyển đến chiếc USS South Carolina để rồi chiến hạm nầy được phái đến Đại Tây Dương khi thế chiến thứ nhất bùng nổ, trong nhiệm vụ hộ tống tàu thuyền. Đến năm 1920, Nimitz được phái đến Pearl Harbor (Trân Châu Cảng - TCC) để tân trang một căn cứ tàu ngầm. Tại đây, ông đã tận dụng các phế vật còn sót lại để hoàn thành công tác giao phó khi thấy ngân sách của chính phủ eo hẹp nên quân dụng khan hiếm nên thường gây trở ngại cho công tác. Việc làm nầy đã được thượng cấp cũ là Robinson khen thưởng khi ông đến thị sát TTC, trong chức vị mới là Phụ tá Bộ trưởng Bộ Hải Quân Mỹ. (Bộ trưởng Bộ Hải Quân Mỹ thường là một dân sự, khác với Tư Lệnh Hải quân).
Trong năm nầy, Nimitz được cử đi thụ huấn tại Học Viện Chiến Tranh Hải Quân. Tại đây, trong cuộc tập trận, ông đã áp dụng một chiến thuật mới mà ông nghĩ ra là chiến thuật “đội hình vòng tròn” (3) thay vì dùng đội hình “hàng ngang” hay “hàng dọc” truyền thống trước nay của Hải quân. Chiến thuật nầy đã được Viện trưởng Học viện, một người nổi tiếng bảo thủ và độc đoán chấp nhận một cách vui vẻ. Đây quả là một “sáng kiến thiên tài” vì so với cấp bậc, thâm niên công vụ cùng thời gian đảm nhiệm các chức vụ chỉ huy của Nimitz không bao nhiêu nếu so với biết bao nhiêu “vì sao sáng” trong Hải Quân Mỹ mà lại dám đề nghị áp dụng chiến thuật “ngược đời” như vậy. Sau khi tốt nghiệp, ông lại được về làm phụ tá (phó) cho “ông thầy” cũ Robinson, kiêm Phụ-tá Tham Mưu Trưởng và là Sĩ quan Chiến thuật. Trong chức vụ nầy, Nimitz áp dụng ngay chiến thuật mình nghĩ ra, đưa chiếc HKMH duy nhất lúc đó của đơn vị vào đội hình chiến thuật. Chiến thuật nầy đã thành công và trở thành đội hình “tiêu chuẩn” cho “đội hình HKMH” của Hải Quân Mỹ sau nầy.
Được thăng cấp Đề Đốc (2 sao) vào năm 1938, Nimitz được . Mỹ Roosevelt thuyên chuyển về Bộ Hải Quân rồi nhậm chức “Cục trưởng Cục Hàng hải Hải quân”. Năm 1940, . Roosevelt gọi ông đến Tòa Bạch Ốc dự định chỉ định ông làm Tổng Tư Lệnh Hạm đội Mỹ nhưng ông từ chối vì cấp bậc của ông “còn quá nhỏ” so với các Tướng "thâm niên" khác (4) trong Hải Quân Mỹ đương thời.
Là một sĩ-quan ưu-tú, nhiều năng-lực khác thường cùng với tính táo bạo, Nimitz đã có những thành-tích đáng kể trong suốt đời quân-ngũ. Những ý niệm về chỉ-huy, chiến thuật, chiến-lược trong trí ông sớm manh-nha lúc chưa có chiến tranh cho đến khi cuộc chiến bắt đầu bùng nổ. Ông đã có những dự định về điều-binh, khiển tướng...trong ước mơ, lúc còn mang cấp bậc thấp, nếu được thượng cấp tin tưởng và giao cho ông chức vụ quan-trọng.
Năm 1936, trong một bức thơ cho một thượng cấp tín cẩn, ông viết:
-“Tôi tin chắc rằng nước Mỹ sẽ đánh những trận kinh hồn với Nhật và Đức. Cuộc chiến bắt đầu với những trận đột kích tàn bạo và chúng ta sẽ bị thiệt hại lúc đầu. Khi đó, chính quyền trung ương sẽ có ác cảm với các Tướng chỉ huy trên biển tuy rằng không phải lỗi của họ và rồi họ sẽ bị cách chức. Lúc bấy giờ tôi mong mình sẽ được coi trọng và sẽ được phái ra biển”.
Vào lúc đó, Nimitz kêu gọi chính quyền Mỹ nên tân trang và bành trướng Hải Quân vì đây là một lực lượng cơ động mà hiệu quả nhưng không được ai “để ý” đến vì lúc bấy giờ các Tướng trong Lục quân Mỹ đang “thắng thế” tại Ngũ Giác Đài và Chính phủ Mỹ; chính trường Mỹ đang bị họ chi-phối, các đề-nghị của Hải Quân đưa ra bị họ bác-bỏ ngay lập tức, không cần cứu xét. Tuy vậy, ông vẫn vững tin vào điều “Ai nắm được đại dương thì sẽ “khống chế” được tất cả", theo chủ thuyết “quyền lực trên biển” do cựu Đô-Đốc Alfred Thayer Mahan của Hải Quân Mỹ đưa ra từ cuối thế kỷ 19, đã giúp Mỹ kiểm soát được hầu như vòng quanh trái đất cho dù có nhiều vùng biển ở rất xa lục địa Hoa-Kỳ.
Hình 3: Đô-Đốc Alfred Thayer Mahan, cha đẻ của học thuyết “Quyền lực trên biển”
Thế rồi biến cố trọng đại với thế giới nói chung và với Mỹ nói riêng đã đến. Lúc 3:00PM giờ Đông bộ Hoa Kỳ của ngày 7-12-1941, đài phát thanh New York khi đang phát bản nhạc giao hưởng, bỗng nhiên nhạc được dừng lại đột ngột, thay bằng một bản thông báo đặc biệt. Với giọng trầm buồn, xướng ngôn viên đọc bản thông-báo của Cục Thông Tin tòa Bạch-Ốc, một tin làm chấn động mọi người:
-“Phi cơ Nhật bất ngờ tấn công vào Pearl Harbor và gây thiệt hại vô cùng to lớn cho Hải Quân Mỹ đồn trú tại đây”.
Đang ngồi ở ghế khi đang nghỉ cuối tuần cùng gia đình, nghe tin nầy, Nimitz bật dậy. Vừa mặc đồ, ông vừa ra chỉ thị cho người cộng sự qua điện thoại "đến gấp Bộ Hải Quân". Tại đó, họ đã bàn bạc về tình hình và nhiệm vụ sắp đến phải làm. Cùng lúc đó, tại Tòa Bạch-Ốc và Ngũ Giác Đài, các nhân vật then chốt của hai cơ-quan đầu não của nước Mỹ cũng đã bạn bạc để có những quyết-định kịp thời. Đêm đó, sau khi nhận được lệnh của Tổng Thống Mỹ, Bộ Trưởng Bộ Hải Quân Mỹ là Frank Knox cho phát đi “Mệnh lệnh tác-chiến số I của Hải Quân Mỹ”: “Tiến hành tác chiến Không quân, Hải quân và tàu ngầm không hạn chế với Nhật Bản”. Bản tin phát vào thinh không, nhắm về hướng Thái Bình Dương. Đây là một mệnh lệnh “Tác chiến không giới hạn”, mệnh lệnh cao nhất trong tác chiến.
Khuya ngày 13-12-1941, Nimitz được triệu khẩn cấp đến gặp vị Bộ trưởng Bộ Hải quân Mỹ, ông William Franklin Frank Knox. Câu hỏi đầu tiên của Frank Knox với Nimitz là:
-“Ông có thể ra đi sớm nhất vào lúc nào?”.
Nimitz đáp:
-“Còn phải xem đi đâu và ở lại đó bao lâu?”.
Frank Knox lặp lại lệnh của Tổng-Thống Franklin Roosevelt rồi đưa ra bản mệnh lệnh có chữ ký của Tổng Thống Mỹ:
-“Ra lệnh cho Nimitz đến Trân Châu Cảng và ở đó cho đến khi chiến thắng” (Tell Nimitz to get the hell to Pearl Harbor and stay there until the war is won).
Nimitz giật mình trước mệnh lệnh đột ngột nầy. Ông đã “nghĩ” đến việc nầy nhưng không ngờ quá sớm. Và sau khi được diện kiến với Tổng Thống trở về nhà, ông ngồi trầm ngâm, suy nghĩ, rồi cho vợ - khi đó còn đang bị bệnh - hay tin:
-“Anh sắp trở thành Tư Lệnh Hạm Đội Thái Bình Dương”.
Bà vợ ngạc nhiên:
-“Anh vẫn luôn muốn đi Thái Bình Dương, giờ anh đã toại nguyện rồi mà!”.
-“Đúng thế. Nhưng anh không thể không cho em hay rằng Hạm đội Thái Bình Dương bây giờ đã nằm sâu trong lòng biển xanh”.
Rồi cảnh tượng Trân Châu Cảng càng làm Nimitz đau lòng khi ông ngồi trên máy bay nhìn thấy hôm ông đến đáo nhậm nhiệm vụ. Nhìn đây đó, xác của các chiếc chiến hạm Mỹ bị chìm, nhấp-nhô trên sóng biển: từ chiếc USS Oklahoma, USS Utah, USS Nevada, USS California, USS Virginia, USS Arizona cùng với dầu nhớt loang đầy khu vực. Cảnh tượng thật hoang tàn.
Ông làm lễ nhậm chức trên một chiến hạm còn lại vào ngày 31-12-1941. Khi được một phóng viên hỏi: “Bây giờ ông nghĩ gì?”, Nimitz nhìn lên lá quốc-kỳ Mỹ trên kỳ-đài của chiến hạm, giọng đau buồn nhưng cương quyết, ông đáp:
-“Chúng ta đã chịu một đòn công kích lớn nhưng kết cục cuối cùng, không còn nghi ngờ gì nữa: Chúng ta đã sẵn-sàng chiến-đấu để giành lấy thắng lợi sau cùng”.
Đây là giọng điệu quyết thắng đầy tin tưởng, lạc quan và tự tin của một con người cương nghị.
Biết bao khó khăn đến với ông khi phải tập hợp lại một lực lượng vốn đã bị mất tinh thần, tan tác về mọi mặt. Với một số ít chiến hạm không bị tổn thất và một số khác được bổ sung từ các đơn vị khác, ông hoàn-thiện-hóa lực-lượng của mình. Nimitz chia lực lượng làm 3 biên đội HKMH theo chiến thuật mà ông nghĩ ra. Ông biết rằng nhiệm vụ của ông rất trọng đại: Ngoài việc vực dậy tinh thần của quân đội Mỹ bị lung lay, ông phải hoạch định các kế hoạch, từ tố-chức đến tác chiến để trong tương lai đánh bại đối phương. Đó là một trọng trách mà ông không không thể lơ-là để có thể “đánh mất niềm tin” của thượng cấp khi họ đã tin tưởng và giao-phó cho ông.
Thế rồi ông đã đưa ra những quyết định táo bạo trong cương vị mới. Sau khi chấn chỉnh đơn vị, ông đã cho thi hành những quyết định đúng đắn với những trận thắng đã ghi đậm nét trong quân sử Mỹ nói chung và quân sử Hải Quân Mỹ nói riêng.
Trước tiên là cuộc tấn công quân Nhật tại quần đảo Marshall (khoảng cách từ quần đảo Marshall đến Nhật xa hơn đến Hawaii một chút). Ngày 01-2-1942, chỉ vỏn-vẹn hai tháng sau ngày nhậm chức, ông đã ra lệnh cho các chiến đấu cơ xuất phát từ các chiến hạm Mỹ tấn công vào 3 cứ điểm của Nhật trên quần đảo Marshall và Gilbert do quân Nhật chiếm đóng trước đó và tiêu diệt hoàn toàn các cứ điểm nầy mà phía Nhật hoàn toàn không ngờ để chuẩn bị đối phó hay chống đỡ. Đây là cuộc chiến xem như có một bên: chỉ có quân Mỹ tấn công, quân Nhật chỉ đỡ đòn do hoàn-toàn không đề phòng vì tưởng rằng Hải quân Mỹ đã “hoàn toàn kiệt quệ sau trận Trân Châu Cảng” và nhất là quan quân Nhật chủ quan khinh địch. Khi kết quả được báo cáo về Hoa Thịnh Đốn, hệ thống phát thanh trên toàn nước Mỹ liên tục phát đi bản tin “chiến thắng”. Điều nầy không những làm nức lòng quân dân Mỹ quốc mà còn làm tinh thần quân đội Đồng-minh lên cao.
Vào cuối tháng Hai năm 1942, thêm một hành-động táo bạo khác: Nimitz lại cho Không quân của Hải quân Mỹ tập-kích các căn-cứ Nhật trên đảo Oake và Manlan. Quân Nhật đồn trú tại đó đang ngủ say vì không ngờ rằng quân Mỹ dám đánh vào các đảo gần đất Nhật như vậy nên đã lơ-là việc phòng-thủ. Các căn-cứ trên đảo nầy trở thành biển lửa, quân trú phòng làm mồi cho bom đạn Mỹ. Phi-cơ Mỹ vùng-vẫy trên bầu trời, hoàn thành nhiệm-vụ mà không gặp sức kháng-cự, không bị thiệt hại nào đáng kể.
Không dừng lại ở đó, Nimitz lại có hành-động táo-bạo khác khi “dám” cho phi-cơ oanh kích Tokyo, trung-tâm đầu não Nhật, nơi chỉ-huy mọi chiến trường của quân Nhật. Sở dĩ Nimitz dám làm như vậy không phải là ông liều-lĩnh mà ông đánh đòn bất ngờ vì ông biết phía Nhật chủ quan, khinh địch nên không đề phòng. Đây là lần đầu tiên phi-cơ Mỹ tấn-công vào lãnh-thổ Nhật. Sáng ngày 18-4-1942, Trung-Tá James H. Doolittle dẫn đầu phi-đội North-American B-25B Mitchells gồm 16 chiếc phóng-pháo-cơ B-25, một loại phóng-pháo-cơ hạng trung, cất cánh từ HKMH USS Hornet (5) (cùng với USS Entreprise CVN-65) đang ở cách Tokyo đến 668 hải-lý, trên đường hướng về đất Nhật, bay đến mục-tiêu. HKMH USS Hornet cùng với HKMH USS Entreprise CVN 65 khi đó đang cùng hoạt động chung một khu vực.
Để đánh lừa, làm phân-tán sự chú-ý của Nhật, Đô Đốc Nimitz ra lệnh 3 chiếc trong số phi-cơ đó bay đến 3 thành-phố khác trên đất Nhật là Osaka, Yokohama và Kyoto. 13 chiếc còn lại do Trung-Tá James Doolittle chỉ-huy trực chỉ thủ đô Tokyo. Trong sự bất ngờ, các phi-cơ Mỹ đã trút hàng trăm tấn bom đạn xuống “trái tim” của Nhật rồi ung-dung bau đi mà lực lượng phòng vệ Tokyo không kịp có phản ứng. Cuộc tấn công nầy tạo nên cú sốc lớn cho quân, dân Nhật và là một ngạc-nhiên lớn cho cả thế-giới, gieo nỗi kinh hoàng đầu tiên cho dân chúng Nhật. Đây là “đòn bất ngờ” chưa từng có cho Nhật, cũng là niềm kiêu-hãnh cho quân-đội Mỹ, là tấm gương can-đảm, táo-bạo cho quân-lực các nước, dù bạn hay thù. Đây không là hành động “phiêu lưu, mạo hiểm” mà là một quyết định đúng đắn, dựa trên tính bất ngờ, khả thi, có chủ mưu, là tiền đề cho chiến thuật “tiên hạ thủ vi cường” sau nầy.
Thêm một đòn khác nữa được Nimitz dùng để đánh vào quân đội Nhật. Vào ngày 2-5-1942, Thủy-quân Lục-chiến Nhật đổ bộ lên đảo Turachi mà không gặp kháng cự nào. Hai hôm sau, trong khi quân Nhật đang ăn mừng thắng lợi thì phi-cơ Mỹ xuất phát từ HKMH Yorktown bay đến oanh-kích dữ dội. Quân Nhật bị thiệt-hại nặng-nề: ngoài số đông quân trú phòng thương vong còn có 2 tàu vận tải, 2 tuần-dương-hạm, 1 khu-trục-hạm chạy bảo vệ đảo bị đánh chìm và một số khác bị hư hại nặng.
Sau các cuộc tấn-công bất ngờ chớp nhoáng nói trên vào quân Nhật của Hải-quân Mỹ, các tướng lãnh và các chiến-lược-gia hai bên đã dốc tâm nghiên-cứu chiến-thuật, chiến-lược mới cho phù-hợp với tình thế. Đô Đốc Nimitz cho rằng Nhật chưa bị thiệt hại chiếc HKMH nào, phải tìm cách diệt bớt tàu chiến Nhật, các mối nguy cho hạm đội Mỹ. Nimitz chỉ thị 2 HKMH Yorktown và Lexington lặng lẽ theo-dõi hạm-đội Nhật. Vào lúc nầy, Hải quân Nhật có 6 chiếc HKMH loại lớn, 6 chiếc loại nhỏ và 7 chiếc đang được đóng tại các xưởng đóng tàu trên đất Nhật.
Trong khi HKMH Tường-Phong, một trong các HKMH chủ-lực của Nhật đang tuần-tiễu trên biển thì bất ngờ bị phi-cơ Mỹ tấn-công dữ-dội, hạm trưởng ra lệnh cho phi-cơ lên nghênh chiến vì họ không phát giác trước được tàu Mỹ. Khi đó, 2 HKMH của Mỹ là USS Yorktown và USS Lexington lại xuất hiện và các phi-cơ trên đó bay lên “làm thịt” chiếc Tường-Phong. Sau 20 phút chiến-đấu trong tuyệt vọng, HKMH Tường-Phong đã đi vào lòng đại-dương, mang theo tất cả các thủy-thủ Nhật còn đang say men chiến-thắng trước đó. Đây là lần đầu, quân Mỹ đánh chìm HKMH đối phương.
Đến đêm đó, khi biết Hải quân Nhật rút lui, Đô-Đốc Nimitz ra lệnh truy-kích. Hai hôm sau, hạm-đội Mỹ và Nhật gặp nhau trên quần-đảo san-hô. Hai hạm đội cách xa nhau mấy trăm hải-lý, cùng biết vị-trí đối phương, các vị chỉ huy tung toàn-bộ lực lượng không quân trên đó chọi nhau trên bầu trời. Đây là trận không chiến ác liệt nhất của hai bên kể từ khi Mỹ tham chiến vì hai bên cùng thấy nhau. Phía Nhật, chiến đấu với tinh thần liều lĩnh, cảm tử; phía Mỹ, với vũ khí tối tân và áp dụng đúng chiến thuật, khả năng tác chiến của phi công cao. Tàn cuộc chiến, thiệt hại được ghi nhận khá lớn cho cả hai bên ngang nhau.
Trận đánh trên đảo San-hô làm cho quân Nhật nản chí, từ bỏ các ý định điên cuồng đã có trước đó, người Nhật cho rằng Hải quan Mỹ không phải là đối thủ của họ. Đây cũng là thắng lợi có tính chiến-lược cho Mỹ và đồng-minh, làm các quốc gia thuộc phe Đồng-minh tin-tưởng hơn vào chiến thắng chống khối Trục, nhất là đập tan huyền thoại của dân Phù-tang cho rằng quân Nhật là đội quân “bất khả chiến bại”.
Tuy thành công trong các cuộc tấn-công nói trên nhưng Đô-Đốc Nimitz vẫn biết rằng đó chỉ là những thắng lợi nhỏ mang tính khích-lệ lòng quân-sĩ hơn là làm nghiêng cán cân hai bên. Thật vậy, lực-lượng Nhật chưa bị thiệt-hại bao nhiêu. Vùng Đông Á, Nam Á, vùng Tấy Á (Ấn Độ) đã lọt vào tay quân Nhật, họ vẫn liên tục mở các trận đánh ở các nơi khác và các tướng lãnh Nhật vẫn còn say men chiến thắng, cảm thấy “chưa vừa lòng”. Đô-Đốc Nimitz còn biết tham-vọng của Nhật là định chiếm nhiều nơi khác: quần-đảo Salomon, New Ghiné, uy-hiếp Australia, cắt đứt hải trình để quân Mỹ trú đóng ở các nơi nhận tiếp liệu từ chính quốc hay quân Mỹ tiếp tế cho quân đồng minh v.v… rồi chờ đợi các biến-chuyển mới để có các kế-hoạch thôn-tính khác cũng như chờ xem các chiến trường mà quân Đức, Ý trong khối Trục tổ chức kết quả thế nào. Ông vẫn luôn nhớ canh-cánh bên lòng mệnh lệnh nặng nề từ Bộ trưởng Bộ Hải-quân Frank Knox trước khi lên đường đáo nhậm đơn vị mới, đó là:
-“Bảo-vệ an-toàn cho nước Mỹ, bảo-vệ hải trình từ Mỹ đi Hawaii, đến Midway, đến Australia, ngăn chận quân Nhật mở rộng hoạt động ở toàn vùng Thái Bình Dương và khôi phục ý-chí đã bị lung lay của Hạm đội Thái Bình Dương”.
Trận hải chiến mà Nimitz hoạch định và chỉ huy mang lại thắng lợi vẻ vang nhất, có thể nói cho quân sử Hoa Kỳ, là trận chiến thắng mang tính “lịch sử”, trận bản lề “hoạch định chiến trường” cho thế chiến thứ hai, đó là “trận hải chiến Midway”, là chiến công “để đời” của Nimitz. Trong trận nầy, Hải quân Nhật đã bị Hải quân Mỹ chôn vùi vào lòng biển khơi vừa danh tiếng vừa thực lực, đã làm tiêu tan ý định ngông cuồng “làm bá chủ Thái Bình Dương” của Nhật, là một trong những nguyên nhân chính buộc Nhật phải đầu hàng vô điều kiện, làm cho thế chiến thứ hai sớm chấm dứt.
Trận hải chiến Midway có ý-nghĩa lịch-sử nhất đối với quân đội Mỹ nói riêng, cũng được xem là trận chiến quan trọng nhất trong Thế Chiến thứ hai nói chung đã kết-thúc vào ngày 7-6-1942. Phía Mỹ thiệt hại 150 máy bay, 307 quân-nhân thiệt mạng. Về phía Nhật, sự thiệt hại to lớn hơn nhiều: Ngoài việc 4 HKMH hàng đầu của Nhật là Akagi, Kaga, Soryu, Hiryu, 12 tuần-dương hạm, 353 máy bay cùng 3.500 sĩ-quan và binh-sĩ trên đó đã tan thây, trận Midway còn xóa bỏ huyền thoại của quân-đội Nhật là “đoàn quân bách chiến”, đã gióng lên “tiếng chuông báo tử” trên chiến-trường vùng TBD của quân-đội Nhật. Riêng chiếc HKMH Yorktown của Mỹ bị tàu ngầm Nhật đánh chìm không lâu sau cuộc hỗn chiến Midway vì bị thủy lôi của tàu ngầm Nhật chứ không phải bị tổn thất trong trận nầy.
Hình 4: Đô Đốc Nimitz (trái) đang bàn luận chiến sự với ĐĐ Ernest J. King trên chiến hạm Mỹ.
Ta hãy nghe các lời bình-luận về trận Midway của các nhân vật nổi danh thời đó, sau khi hải chiến Midway kết thúc.
Thủ-Tướng Anh Churchill phát biểu:
-“Trận hải chiến Midway đã làm xoay chuyển ưu-thế quân Nhật ở TBD, là bước ngoặc khiến cho thời oanh-liệt xưa của địch quân không bao giờ trở lại được nữa”.
Tư-lệnh chiến-trường phía Mỹ, Đô Đốc Nimitz, khiêm nhường hơn:
-“Trận chiến đảo Midway, những tổn-thất mà quân Nhật phải gánh chịu còn nặng nề gấp 10 lần nỗi nhục mà quân Mỹ phải chịu đựng ở Trân Châu Cảng”.
Còn Đô-Đốc Isoroku Yamamoto (Sơn Bản Ngũ Thập Lục), người chỉ huy trận chiến ở phía quân Nhật, sau khi kết-thúc trận chiến cũng phải mở miệng:
-“Tôi phải tạ tội với Thiên-Hoàng!”.
Một sĩ-quan thuộc cấp của Nimitz tham dự trận chiến nói:
-“Thắng lợi nầy là công lao của Tư-Lệnh Nimitz nhờ sự mạnh-dạn, quyết-đoán, thông-minh và thiên-tài chỉ-huy của ông”.
Sau trận Midway, ưu thế chiến tranh đã chuyển qua phía Mỹ. Nimitz không ở luôn trên tàu mà ông còn đích thân đến các trận địa, thị sát mặt trận sau các trận đánh, thăm các nơi các binh sĩ Mỹ đồn trú vì ông là tư lệnh mặt trận mà Thủy-quân Lục-chiến là đơn vị trực-thuộc của Hải-Quân, cũng là đơn vị chủ lực của chiến trường vùng TBD. Sau thảm bại tại Midway, quân Nhật lại bị Nimtz giáng một đòn chí tử khác, đã làm tiêu tan niềm hy vọng khi ông tổ-chức bắn hạ Đô Đốc Yamamoto, Tư-Lệnh Liên-Hợp Hạm-Đội Nhật, không những vị chỉ huy chủ chốt của Hải Quân Nhật mà còn là một trong các nhận vật đầu não của bộ máy chiến tranh của Nhật, là “linh hồn” của quân đội Thiên Hoàng. Yamamoto chết, coi như guồng máy nầy bị gãy đổ một phần. Chi tiết về trần hải chiến Midway, kế hoạch cùng chi tiết cuộc bắn hạ Yamamoto (5) đã được trình bày trong bài "Trận hải chiến Midway", cho thấy kế hoạch của Nimitz thật hoàn hảo, đã làm cho tinh thần binh lính Nhật sa sút thảm hại sau cái chết của vị Tướng “thần tượng” của họ.
3. CÁ TÍNH CỦA NIMITZ:
Nhìn chung, Nimitz được đánh giá là một “thiên tài quân sự”, có nhiều sáng kiến, cương nghị, dứt khoát… mà khôi hài, không “khúm núm” trước thượng cấp, không quan liêu hách dịch với thuộc cấp, dĩ nhiên được thượng cấp trọng, thuộc cấp mến thương. Sự mến mộ ông từ thuộc cấp đã thể hiện trong việc sau nầy họ tự nguyện làm cho ông bộ quân hàm 5 sao khi nghe tin ông được Quốc Hội Mỹ phê chuẩn phong Thủy sư Đô Đốc, cấp bậc cao nhất của Hải quân trong khi chờ quân hàm mới của quân đội mang đến. Họ đã lấy 5 ngôi sao trong các quân hàm cũ ghép lại thành một vòng tròn để làm quân hàm Thủy sư Đô Đốc, và ông đã đeo chính bộ quân hàm này trong buổi lễ tuyên-thệ nhậm chức, xem là một vinh hạnh từ các thuộc cấp mang lại cho mình.
Khi đã là Tướng 4 sao, trong một dịp về Mỹ báo cáo cùng chính phủ, các phóng viên báo chí - trong đó có ký-giả chiến trường nổi tiếng là Hater - mến mộ gọi ông và các chiến sĩ Hải quân trong đoàn là “Những chiến sĩ Hải quân anh hùng của chúng ta, “những chú nhóc” đáng yêu đã trở về”. Tại đơn vị, các thuộc cấp của ông cũng gọi ông như vậy, ông vui-vẻ chấp nhận cách gọi ấy.
Ông còn có sở thích đi bách bộ, đi để cơ thể vận động, đi để bớt căng thẳng khi ngồi tại bàn giấy suy nghĩ. Có lúc ông vừa đi vừa hoạch định kế hoạch. Có khi ông và các Tướng khác vừa đi vừa bàn công vụ, xa đến hàng năm, mười dặm.
Ông rất thích chạy bộ. Hàng ngày, ông chạy rất lâu trên các bãi biển, nơi ông nghỉ qua đêm dù ở Tổng hành dinh hay nơi ông đi thanh sát, công cán. Một chuyện vui về sở thích nầy của ông. Khi Hạm Đội Thái Bình dương chuyển đến đóng ở đảo Guam, thường bị bọn tàn binh Nhật trốn trong các hang núi ra quấy nhiễu, ám sát, bắn sẻ. Một hôm, vừa sáng tinh sương, binh lính được tin một nhón tàn quân Nhật xuất hiện nên bủa vây tìm bắt bọn chuyên bắn tỉa nầy. Binh sĩ thấy từ xa một người mặc quần short (quân Nhật cũng thường mặc quần kiểu nầy) đang chạy trên đường vắng, bèn đuổi theo. Khi gần kịp, họ thấy người nầy chui vào chiếc xe Jeep có gắn cờ 4 sao, chừng đó họ mới “ngẩn tò-te”. Họ đến xin lỗi. Ông cười, nói vui với họ:
-“Nếu không có cái xe nầy, chắc là các anh bắt tôi giam lại, thì mới hay chứ!”.
Ông rất yêu mến thuộc cấp và thường thỏa mãn nhu cầu của họ nếu ông thấy không có gì nguy hại. Một chuyện vui khác khi quân Mỹ đã chiếm được đảo Guadalcanal từ tay quân Nhật. Các đơn vị sơ cấp gởi công-điện đến Tổng hành dinh xin condom (bao cao-su ngừa thai) với số lượng tổng cọng lên đến hơn 14.000 cái. Các Tướng lãnh thấy khó hiểu. Họ bàn với ông là kho quân nhu không có thứ nầy, lại nữa, kỷ luật quân đội không cho phép mà đảo nầy không có thường dân hay phụ nữ, không hiểu họ xin để làm gì? Riêng Nimitz, ông đồng ý ngay và nói với các Tướng thuộc cấp:
-“Tôi nghĩ đây nhất định là nhu cầu các đơn vị dùng nó để trùm lên nòng súng chống mưa, tránh rỉ sét. Thật là một yêu cầu cực kỳ hóm hỉnh!”.
Và đã đúng như vậy. Các sĩ quan thuộc cấp của ông phục ông đoán đúng nhu cầu của binh sĩ.
Nimitz còn rất thích bắn bia. Ông cho lập một trường bắn gần bản doanh để ông bắn. Trước khi trận Midway khai diễn, có ngày, ông ở lỳ ngoài sân bắn suốt ngày để tinh thần ông sáng suốt hơn để nghĩ ra các kế sách thích hợp.
Một đặc tính khác của Nimitz là việc tin cẩn vào thuộc cấp. Khi đã giao cho ai việc gì thì ông hoàn toàn tin tưởng và để họ tự làm việc mà ông không để mắt vào, ngay cả các trận quan trọng. Ông làm việc theo phương châm ông đặt ra: “Hãy thả dây cương, ngựa càng cố sức kéo!”. Sau khi sắp xếp kế hoạch, bố trí nhân sự chỉ huy, ông nằm tại Tổng hành dinh để nghe báo cáo kết quả. Khi các Tướng thuộc cấp làm sai, thường thì ông chịu trách nhiệm, không để tổn hại danh dự của họ. Chính điều nầy làm ông được họ kính nể, trọng vọng.
Sau nầy, trong cương vị Bộ Trưởng Bộ Tác chiến Hải quân, ông viết rất nhiều báo cáo. Tuyệt nhiên ông không khen hay chê cá nhân nào trong các báo cáo, các tài liệu đó. Theo ông, khen và chê đều có tác dụng, đều có phản ứng chính và phản ứng phụ (side-effect), mà dù có có tác dụng tích cực (được khen) đi nữa nó cũng sẽ tạo nên cái “xấu” từ những lời khen đó mà ra. Về điểm nầy, khi đã về hưu, lúc sinh tiền, ông không viết hồi ký, không cho ai viết chuyện về ông, khác với các vị Tướng khác. Về việc viết hồi ký, khi được hỏi, ông cho biết:
-“Người ta hỏi tôi sao không viết hồi ký, tôi trả lời thế nầy: “Lịch sử, tốt nhất hãy để cho các nhà sử học lo. Một sĩ quan thời chiến, rất có thể dùng tình cảm để đánh giá cá nhân mình và đồng sự mà không được khách quan. Những thiên kiến có thể làm hại người khác”.
(Còn tiếp 1 kỳ)

No comments:

Tạp ghi CẢM ƠN NGƯỜI VIẾT SỬ “Phía Bên Kia” -Điệp Mỹ Linh

https://www.youtube.com/watch?v=KHUUiGLSWkQ Tình Quê Hương của Đan Thọ. Đang đọc tin tức, thấy dấu hiệu có email vừa vào “box”, tôi chuyển s...