Thursday, March 7, 2019

Tại sao tôi gia nhập Quân Chủng Hải Quân?- Bùi Hữu Thư



Năm 1954 tôi đang học lớp Đệ Nhi ban Toán (Math Elem.) thì có ông Nguyễn Bảo Trị sau này là Tướng, đến lớp dạy chúng tôi về môn Căn Bản Quân Sự. Sau đó có rục rịch tổng động viên. Tôi bơi lội rất giỏi, khi còn ở Nam Định mỗi ngày tôi bơi 5 vòng Hồ La Két (Raquette vì giống hình cái vợt) còn có tên là Hồ Khoái Đồng. Như vậy là khoảng 5 km. Lên Hà Nội học Trường Chu Văn An tôi vẫn bơi ở Hồ Thuyền Quang và Hồ Tây.
Vì lý do này tôi chọn Hải Quân thay vì Không Quân Hay Bộ Binh. Lúc đó có thông cáo tuyển lựa sinh viên SQ học trường HQ Pháp. Kỳ thi tuyển được tổ chức tại Hà Nội, Huế và Saigon. Tiếng Pháp của tôi cũng tạm được nhờ được học thầy Hưởng. Ông cũng là thầy dạy toán của tôi lớp Đệ Nhất. Ông bắt chúng tôi học thuộc lòng cả cuốn Le Cid, một vở kịch của Pierre Corneille. Tôi đã được gọi lên đọc nguyên một Act của vở kịch này. Mùa hè năm 1953 tôi cũng được theo học cour particulier của hai thầy Bùi Hữu Sủng và Bùi Hữu Đột. Lớp học chật cứng như nêm, 10 người chen nhau trên một băng ghế. Hai giáo sư này dạy làm tôi mê man với tiếng Pháp, và tôi đã đọc được nhiều sách tiếng Pháp trong đó có cuốn la Vie de Jesus Christ. Nhờ đọc câu chuyên về cuộc đời Chúa Giêsu tôi đã theo đạo dấu cha mẹ tôi.
Tôi đã đậu kỳ thi viết vào trường Ecole Navale. Sau đó có một Trung Úy Đoàn Viên HQ đến tận nhà tôi trao cho tôi tấm vế máy bay Air France khứ hồi vào Saigon thi vấn đáp. Tôi đã đậu trong số 3000 tuyển sinh của ba địa điểm. Tôi là người duy nhất không học trường Pháp như Albert Sarraut, Hà Nội, Chasseloup Laubat, Saigon sau này là Lê Quý Đôn, hay Yersin Đà Lạt. Sau khi có kết quả thì chúng tôi được khám sức khỏe. Chặng cuối cùng, sau khi cân đo, Xray phổi là chặng kinh hoàng nhất. Chúng tôi 14 người sắp hàng trần trụi tiến lại gần một cái bục trên đó có một nữ bác sĩ người Pháp ngồi quan sát. Tôi đi như hai chân nhíu vào nhau, sau khi leo lên ba bậc tam cấp đến trước mặt bà, bà dơ tay nâng bi tôi làm cho tôi muốn xỉu. OMG! Lần đầu tiên có sự đụng chạm của đàn bà mà lại ở chỗ kín, tôi không bao giờ quên được cái cảm giác đó.
Tôi nghĩ có lẽ là họ khám xem chúng tôi có tên nào mắc bệnh hoa liễu không.

Các bạn tôi được đưa ta Nha Trang để chờ ngày suống tầu đi Pháp. Còn tôi vẫn lưỡng lự vì muốn ở lại học PCB (Physique, Chimie, Biologie) ở Đại Học Hànội. Tôi đã trở về nhà mang theo một chục trái măng cụt vì gia đình tôi chưa bao giờ được ăn thứ trái cây này. Đậu Tú Tài Toán tôi đã nộp đơn vào Đại Học, và đã cùng với các sinh viên Đại Học được di tản bằng máy bay vào Saigon vào cuối tháng 6, 1954. Mẹ tôi cho tôi 500 đồng và còn muốn tôi cấm chiếc nhẫn cưới của mẹ tôi để phòng thân, tôi không dám nhận. Ba tôi tiễn tôi ra Hãng Air France, đó lần cuối cùng tôi còn được thấy ba tôi. Ba tôi nói câu cuối cùng: “Con vào đó nếu muốn ở lại học thuốc hay đi Pháp thì tùy ý con.”Máy bay DC 3, được gỡ hết ghế ngồi. Chúng tôi ngồi trên sàn máy bay chen chúc cùng với các ba lô.

Vào Saigon các sinh viên được tạm trú tại Trường Nữ Trung Học Gia long. Tôi ở đó có mấy tuần. Tiền mẹ cho đã tiêu hết, tôi thấy đời sống của dân di cư quá lêu bêu, tôi đã đến BTL HQ Pháp ở đường Charner (Đại Lộ Quang Trung) trình diện, tôi được đưa đến tạm trú tại Trại lính Pháp gần Sở Thú.

Ba ngày sau tôi cùng các bạn từ Nha Trang vào được chở tới Vũng Tầu lên chiếc tầu Pasteur đi Pháp cùng với 5,000 lính Lê Dương, trong đó có lính Maroc, Madagascar, Tunisie và Algerie. Vì là sinh viên nên bị coi như binh nhì, chúng tôi bị nhét xuống hầm hôi chịu không nổi. 14 người đành leo lên bong trải chiếu nằm suốt 17 ngày. Mỗi sáng thủy thủ xịt nước rửa boong tầu chúng tôi cuốn gói chạy muốn chết. Cùng đi chuyến đó có Trung Úy Úy Phạm Văn Lớn, ông được ở trên cao như là First Class có phòng riêng.

Tầu mới ra khỏi Vũng Tầu chừng hai tiếng, có một anh lính Pháp nhẩy xuống nước bơi vào bờ. Chắc anh nhớ bồ Việt hay là không muốn sang bên Algerie lúc đó vẫn còn chiến tranh.
Trong 17 ngày thực phẩm là khoai tây luộc và thịt cừu. Thịt cừu rất hôi, tôi ngấy lên tận cổ. Bây giờ mỗi khi ngửi thấy thịt cừu là tôi sợ muốn chết. Tuy nhiên món Lamb chops ở nhà thờ CTTĐ VN thì tôi rất thích.

Khi tầu neo ở Aden, tôi được xem mấy trẻ lặn xuống biển vớt các đồng xu trên tầu ném xuống. Chúng cho vào miệng rồi tiếp tục lặn thêm. Buổi chiều hôm đó ngồi trên boong, tôi nghe có tiếng rao: “Crabe! Crabe!” Nhìn xuống thấy có một ghe của anh Ả Rập có một con cua lớn trong chiếc giỏ. Anh ta ném giây bảo chúng tôi bỏ tiền vào, rồi mới cho kéo con cua to tướng đã luộc còn nóng hổi. Chúng tôi sung sướng chia nhau con cua thay cho khoai tây và thịt cừu.

Trên tầu tôi có quen anh lính Đức tên Herman. Anh ta và tôi đều có mang theo cây harmonica. Tôi đã dậy anh thổi bài Hè Về của Hùng Lân. Còn anh dây tôi một bản hát của dân du mục Gypsies “Lustig ist das Zigeunerleben! “ (Đời sống tươi đẹp biết bao!). Bài này tôi đã thuộc lòng và vẫn có the thổi kèn và hát (Bản hát được đình kèm dưới đây).
Khi tầu đi ngang Kinh Suez, tôi lần đầu tiên thấy ảo giác nơi sa mạc Sahara. Trên cát nóng nhìn xa xa như thấy có nước (mirage in the desert). Mấy anh Ả Rập leo lên tầu bán các vật dụng bằng da, như bìa album, ghế ngồi bằng da lạc đà có chạm chổ rất đẹp.

Bỗng có thầy tiếng tũm tũm, hóa ra nhiều anh lính Lê Dương đã đáo tẩu bơi vào sa mạc để trốn lính. Họ không muốn bị đưa về Algerie và Tunisie tiếp tục đánh nhau.

Tầu qua khỏi kinh Suez ghé Port Said rồi tiến về Algerie trong Địa Trung Hải. Cuối cùng thì chúng tôi cũng được tới bến cuối là Cảng Marseilles. Tôi nhớ mãi món Bouillabaisse ở đây. Tuyệt vời và nổi tiếng trên thế giới.

Rời Marseille chúng tôi lên tầu hỏa trực chỉ Brest, hơn một ngày lắc lư chúng tôi đã đến thành phố cực Đông Bắc nước Pháp, ở đây cón món bánh Baba au Rhum ngon hết xẩy, ăn hai cái là muốn say rượu luôn. Chúng tôi xuống tầu nhỏ chạy về Lanvéoc Poulmic, một làng nhỏ bé miền Bretagne. Tới trường, việc đầu tiên là lãnh quân trang, ba lô, kiếm, và võng. Chúng tôi ở trường hay đi tầu đều phải ôm cái võng to lớn trong đó có nệm và mền, vì ở trường hay trên tầu đều không có giường phải ngủ võng.

Chúng tôi phải tự khâu các chữ đánh dấu quân trang của minh. Tôi được trao cho chữ Z rồi sau đó lại khâu thêm chữ U vì có đứa nào khác cũng đã có chữ Z rồi. Khổ thân tôi mấy ngày trời khấu tê cả tay.

Tôi được xếp vào Escouade 2 (Trung đội 2) do Capitaine Cénac chỉ huy. Post 22, có Noel làm trưởng post và các bạn Richard, Julien, Ploux, và Vidal. Chúng tôi mỗi người có một bàn học và một ghế sắt. Tôi được ngồi gần cửa sổ chỗ có máy sưởi. Phòng ngủ chứa đủ chỗ cho cả khóa 120 sinh viên. Tôi phải ngủ bên trên anh Grivelle. Võng hai bên có giây để cột bó lại khi gỡ xuống, Grivelle đêm đêm cứ giật giây để đu võng tôi. Tôi bực mình lấy cây gậy căng võng vụt cho nó một cái từ đó nó để cho tôi ngủ yên.

Khóa tôi có Phạm Văn Sanh, Bùi Hữu Thư, Đỗ Kiểm, Lê Phụng, Nguyễn Quang Dật, Trịnh Quang Xuân, Phạm Cừ, Vũ Tư Trực, Vũ Nhân, Đỗ Ngọc Oánh, Đặng Đình Hiệp, Nguyễn Khánh và một anh nữa không nhớ tên. Sau năm thứ nhất thì có ba anh phải về nước vì thi rớt, hai anh vì sức khỏe phải bỏ cuộc. Rút cuộc lên Chuẩn úy chỉ còn 8 người.

Mấy tháng đầu rất khổ cực vì phải huấn luyện căn bản quân sự, Cây Garant nặng chĩu: “Présentez Armes! Reposez Armes!” Tôi sáng báng súng ngay ngón chân cái bên phải. Ngón cái sưng to đi vào botte de chaud đau điếng mà hàng ngày vẫn phải chạy bộ 8 km cùng với cả đại đội, vai mang ba lô, cây súng, đầu đội nón sắt và mặc áo dạ nặng chĩu. Tôi nhỏ con phải chạy ba bước trong khi các bạn chạy hai bước. Trời lạnh mà sau khi chạy lại phải nhẩy xuống nước bơibị rét cứng. Lại còn phải tập chèo thuyền, cây chèo dài trên 3 m, nặng chĩu. Mỗi khi có lệnh “Lève rames” tôi vất vả lắm mới dựng đứng được cây chèo, còn khi ở thế nghỉ tôi phải lấy hai khuỷu tay đè giữ cho đầu chèo không chạm nước. Mỗi tối về phòng người tôi đau như rần, ngồi trên ghế sắt lạnh ngắt tôi cảm thấy như bị tra tấn.

Giờ thể thao, khổ nhất là vụ cử tạ 30 Ký, tôi chỉ nhấc được 5 cái trên khỏi đầu vì nhỏ con, anh Sanh làm luôn 30 cái không thua gì Tây. Tuy nhiên leo giây thì tôi nhất, vì có thề leo tay không hai lần chiều giây lên xuống.

Trong thời kỳ huấn nhục, các đàn anh (ancients) không cho ăn hết bữa, họ được servir trước sang bên phòng ăn đàn em (fistots) hành hạ. Có đứa bị đứng trên ghế đặt trên bàn phải gập người vì đụng trần nhà, trong khi phải nốc nguyên chai rượu vang. Có đứa phải đọc thực đơn như hát. Mới ăn món đầu chưa được ăn món chính đã bị xua ra ngoài sân. Họ pha trộn các món ăn vào một cái chậu và bắt đàn em bò tới ăn như lũ chó. Ho bắt chui vào bụi khóc như khi cha chết. Bắt nhẩy xuống giếng lớn lấy ống nước cứu hỏa xịt cho rét ướt hay đeo tạ 30 ký trên cổ bò ra cầu nhẩy, bơi trên cạn. Họ đội mũ ngược, sắn tay áo và quần trông như lũ hải tặc. Một đêm đang ngủ say chúng lấy nón sắt hứng nước đổ vào võng, chúng tôi như nằm trong bồn tắm. Chúng dựng giậy bắt ra xe GMC chở vào rừng, cho chúng tôi phải lội bộ về trường. Mấy giờ sau về đến nơi, hỡi ôi trên cột cờ giữa sân trường có đèn chiếu sáng rực, tất cả các drap của chúng tôi đã bị nối vào nhau treo từ đĩnh cột xuống trông như một chiếc tàu buồm. Gỡ được xuống để mang về phòng thì đã sáng. Có lẽ đó là đêm khổ cực nhất trong thời kỳ huấn nhục.

Rôi cũng qua, sau đó các đàn anh phải giúp chúng tôi và đãi đần tại Câu lạc Bộ. Tôi mê nhất chai nước cam Orangina. Mệt mấy mà uống chai này xong là cảm thấy thật là sảng khoái.

Còn các môn học thì hai tháng đầu tôi rất vất vả vì nghe và ghi cours không kịp. Ông Cliquot dậy môn Thiên Văn (Astronomie) là hắc búa nhất. Ông nói không nghỉ từ đầu giờ đến cuối giờ, cứ loay hoay viết trên bảng không hề nhìn chúng tôi một lần. Hết giờ ông bước ra cửa ném cục phấn trên tay vào trong lớp và biến mất.

Tôi thích Capitaine Antoine là thày dạy lái thuyền buồm. Tôi là người đầu tiên đã lãnh Brevet de patron của ông. Ông Lê Phụng phụ tôi trong kỳ thi. Ông Antoine bắt tôi lấy phao tôi chạy lại gần phao lớn cho ông Phụng nhẩy xuống cột giây. Sau đó là vớt người dưới biển, và hạ buồm mũi (foc) xuống và cuốn buồm chính (mizaine) khi gặp gió lớn. Xong xuôi phải lấy phao cột thuyền và lấy youyou chèo về bến. Nhờ có bằng lái thuyền tôi đã chở các bạn đi hái dâu ở các vùng lân cận.
Môn tôi giỏi là môn đèn (dùng Morse codes) và cờ hiệu (semaphore flags). Ký thi nào tôi cũng trúng 100%. (Còn Tiếp)


Tại sao tôi gia nhập Quân Chủng Hải Quân? Chương 1.

No comments: