Wednesday, September 4, 2019

Chuyến tàu đêm: Số phận của 70 viên chức chế độ cũ ở Côn Đảo ra sao?

H4-3

Sau khi nghe câu chuyện này, tôi đã kết bạn với chị và chúng tôi đã nói chuyện qua messenger. Theo lời chị kể lại: Đêm 23/12/1975, chính quyền thông báo cho gia đình sẽ đưa hơn 70 người gồm quân nhân, cảnh sát, viên chức chế độ cũ đã từng làm việc tại Côn Đảo lên tàu về Cần Thơ cải tạo. Nhưng thật ra ngay trong đêm đó, họ đã bị đưa đến khu rừng dương xa khu dân cư và bị hành hình bằng cách đập đầu và xô xuống hố.

(Cám ơn những thông tin rất có giá trị )

Thứ Ba, 03 Tháng Chín 20194:52 CH
Nhà báo Ngọc Vinh: Dưới đây là câu chuyện của một nữ nhà báo có nick là Lâm Nguyễn kể về một sự kiện bi thảm tại Côn Đảo sau ngày 30-4-1975. Cô ấy tâm sự với tôi, cô luôn day dứt về nó vì chưa dám kể ra trước đây do sợ bị làm khó dễ khi viết ra sự thật giống như trường hợp của tôi. Vì vậy, tôi xin chia sẻ với mọi người câu chuyện của Lâm mà cô mới vừa post lên phây sau nhiều lần đắn đo cân nhắc. Xin cầu nguyện cho những người đã chết một cách oan khốc vì thời cuộc và mong hương hồn họ sớm siêu thoát!
H1-22***
Câu chuyện tôi sắp kể sau đây là về một “chuyến tàu đêm”. Xin bắt đầu bằng một chuyến du lịch ở Côn Đảo hồi đầu tháng 10/2017. Tôi vốn khá nhạy với cái mà người ta hay gọi là âm khí. Ở đâu có “nó” là tôi cảm nhận được và thường rất sợ hãi.
Nơi tôi đến, hai đêm liền tôi mất ngủ dù nơi đó rất đẹp. Cảm giác sợ hãi, lành lạnh sống lưng khiến tôi không tài nào nhắm mắt được dù ở với người nhà. Lúc nào tôi cũng có cảm giác có những ánh mắt vô hình đang nhìn mình chăm chú khiến tôi cứ quay lại nhìn sau lưng mình, rồi nhìn về những góc nhà. Thậm chí, sáng hôm sau, khi ở nhà một mình, không chịu nổi sự sợ hãi vì cảm giác rất nhiều “người” đang ở trong phòng, tôi đã chạy ra ngoài dù ở ngoài nắng đã lên cao và rất nóng. Một cảm giác rất lạ mà tôi chưa bao giờ thấy dù tôi đã từng đi công tác, ngủ một mình ở những nhà công vụ hoang vắng, xa khu dân cư.
Ngày cuối cùng, chúng tôi xuống phòng ăn để ăn bữa sáng. Cô bạn trẻ đi cùng kể cho tôi nghe: “Hồi tối em hết hồn chị ơi. Em đang xếp đồ vô valy để hôm nay về, tự nhiên nhìn qua tấm kính (chỗ chúng tôi ở là những ngôi nhà có vách ngăn các phòng bằng kính) thì thấy một người đàn ông đứng nhìn em. Ông mặc sơ-mi màu nâu, tay dài cài khuy, đeo cà vạt. Em hét lên: Anh ơi, có ai trong phòng. Chồng em chạy ra thì không thấy chi cả. Ảnh nói làm sao trong nhà mà có người lạ được, có lẽ em thấy cái chi đó rồi tưởng tượng ra thôi. Tuy vậy, chồng em cũng muốn yên tâm nên gọi bảo vệ lên cùng để đi quanh ngôi nhà và ngoài vườn nhưng vẫn không thấy ai cả”.
Lúc đó, người nhà tôi bật cười: Mấy bà này yếu bóng vía nên nhìn gà hóa cuốc thôi. Nhưng tôi lại cảm thấy lờ mờ có gì không ổn vì hai ngày ở đó là hai ngày tôi cảm thấy tâm trạng mình không được tốt.
Sau chuyến đi, tôi đăng một clip quay ở Côn Đảo lên FB. Không hiểu sao có một chị nick FB là Hoa Nguyen, không có trong danh sách bạn bè của tôi và hoàn toàn không có một người bạn chung nào, lại đọc được bài viết đó và bình luận rất lạ:
– Khi họ xây nơi này đã tìm thấy hố chôn tập thể trong đó có ba tôi. Ks này rất đẹp nhưng tôi không dám ở. Sorry Lâm Nguyễn!
– Xin lỗi, ba của bạn trước đây là tù chính trị ở Côn Đảo ạ?
– Lâm Nguyễn, ba tôi là bên thua cuộc, nên mới bị tử hình.
– Tử hình nhưng tại sao lại tìm thấy trong hố chôn tập thể hả bạn?
– Họ đập đầu xô xuống hố, nghe nói chưa chết vẫn bị chôn, người làm chuyện đó sau này bị điên, họ khai ra mình mới biết.
– Hoa Nguyen, ôi thành thật xin lỗi đã gợi lại chuyện đau buồn của gia đình bạn. Cầu mong cho ba của bạn sớm được siêu thoát.
Sau khi nghe câu chuyện này, tôi đã kết bạn với chị và chúng tôi đã nói chuyện qua messenger. Theo lời chị kể lại: Đêm 23/12/1975, chính quyền thông báo cho gia đình sẽ đưa hơn 70 người gồm quân nhân, cảnh sát, viên chức chế độ cũ đã từng làm việc tại Côn Đảo lên tàu về Cần Thơ cải tạo. Nhưng thật ra ngay trong đêm đó, họ đã bị đưa đến khu rừng dương xa khu dân cư và bị hành hình bằng cách đập đầu và xô xuống hố.
Tôi hỏi chị vì sao chị biết rõ sự việc như vậy khi các chú, các bác đó đều đã chết. Chị nói theo lời dân đảo kể lại thì ông Tư Đ. trong một lần say xỉn đã buột miệng kể ra. Ông Tư là ai hả chị? Ông ấy là một trong những người của đội hành hình.
Sau này, chị nói thêm là những người trong đội có nhiệm vụ di dời và mai táng hài cốt ra khỏi nơi đang xây dựng nói rằng các hộp sọ đều có vết nứt. Trong đội này cũng có một người địa phương đã nhận ra cặp chân giả của một viên chức tên là Sơn.
Từ đó người dân ở Côn Đảo mới biết về số phận của 70 người tù cải tạo ở đảo. Câu chuyện này đã giải đáp nỗi thắc mắc cho bà con trên đảo vì sao những người tù cải tạo đưa đi Cần Thơ đều không có ai trở về. Ngay cả khi những người tù cuối cùng ở các trại cải tạo tại miền Bắc đã trở về (1992) và đi H.O thì tin tức của những người tù cải tạo ở Côn Đảo vẫn bặt tăm. Biết về câu chuyện này nhưng dân trên đảo họ chỉ thì thào với nhau chứ không ai dám nói ra. Bây giờ, chỉ cần nói ba từ “Chuyến tàu đêm” là những người già cả, những người dân sống lâu năm trên Côn Đảo hiểu ngay rằng đang nói về ai.
Ngay khi biết tin, năm 2015, chị Hoa Nguyen đã từ Úc trở về đến vùng đất xây dựng khu du lịch hầu tìm mộ cha mình. Những người làm việc ở đây nói rằng tất cả hài cốt đều đã đem ra ngoài. Chị kể tiếp: Không biết hỏi ai, chị đành đi về. Nhưng khi xe đến Đất Dốc thì tắt máy. Chị linh tính nên hỏi thăm những người dân ở đó. Đúng là có 2 ngôi mộ tập thể, trong đó chị chắc chắn là có hài cốt của ba chị, bác Nguyễn Văn Tân, sinh năm 1927. Chị nói: “Tôi là người đạo Thiên Chúa, không tin lắm về Luật Nhân Quả. Nhưng những người giết ba tôi hình như cuộc sống không tốt đẹp. Gần đến Noel là tôi thấy ba tôi về, chỉ mặc quần cụt màu đen, không có áo, chắc ba tôi chết khổ như vậy”.
Nói về các hài cốt được phát hiện ở khu vực rừng dương hẻo lánh, sau khi di dời ra khỏi khu vực xây dựng, đội mai táng thuộc Phòng Giao thông Công chánh huyện Côn Đảo đã mai táng các hài cốt trong hai ngôi mộ. Ngôi mộ thứ nhất có 26 hài cốt, được ép đá xanh xung quanh. Ngôi mộ thứ hai có 10 hài cốt được xây thành xi măng chung quanh lên ngang đầu gối. Lâu ngày, ngôi mộ thứ nhất bị mưa gió xói cát nên nấm mộ sập xuống. Người dân địa phương không biết đó là mộ nên đã vất rác quanh khu vực đó và thường xuyên đi lại trên ngôi mộ.
Tôi cũng không rõ khi chị Hoa Nguyen đến đây thì hai ngôi mộ tập thể còn sơ sài hay không. Chỉ biết rằng đầu năm 2018, qua liên lạc với bạn Thu Nguyen thì tôi mới được biết do những cơ duyên kỳ lạ. Năm 2015, chị Thu Nguyen phát tâm đứng ra vận động các nhà hảo tâm đóng góp để xây dựng ngôi mộ đầu tiên trong đó có 26 hài cốt. Tiếp đó, chị Thu Nguyen lại tiếp tục xây dựng ngôi mộ thứ hai có 10 bộ hài cốt. Những ngôi mộ đã được xây dựng tươm tất với chỗ đặt bát hương, hoa quả.
Số tiền xây dựng mộ là từ những người dân sống ở Côn Đảo, hoặc là những người từng sống ở đây và nay đang sống khắp nơi trong và ngoài nước đóng góp. Chi Thu Nguyen cũng cho biết thêm trong số tiền đóng góp xây mộ, phần lớn là của một anh, con trai bác Trương Văn Sến. Anh cho biết sở dĩ anh làm việc này là vì người cha của anh, bác Sến đã báo mộng cho anh. Ngoài anh con trai bác Sến, còn có một chị ở Hà Nội cũng phát tâm số tiền lớn để cúng dường xây mộ.
Cũng từ đó, những năm qua, chị Thu Nguyễn là người chăm sóc mộ phần. Vậy là sau bao năm mồ hoang mả lạnh, chẳng ai biết mà thắp cho nén nhang dù là dịp Tết nhất, đến nay, vong linh các bác, các chú cũng đỡ tủi hờn, lạnh lẽo bởi tấm lòng của chị Thu Nguyễn, của những người thương cảm cho người đã khuất mà đến đây thắp nhang.
Dần dà, những thông tin về hai ngôi mộ tập thể của tù cải tạo Côn Đảo đến tai những người quen biết hoặc họ hàng của vợ con những người đã mất. Tôi đã gặp ba người trong số ấy.
Chị Hang Vo kể về người ba của chị là bác Võ Văn Rông cao to như Tây. Khi thấy hài cốt, những người biết bác Rông đều nhận ra đây chính là hài cốt của bác.
Em Thanh Pham lại kể rằng hơn bốn mươi năm nay, mẹ em không chịu lập bàn thờ cũng như làm giỗ cho ba em. Bà tin rằng ba em vẫn còn sống. Nhiều khi bà nói: Có lẽ ba tụi con đã ra nước ngoài và lấy vợ khác, bỏ lại mẹ con mình rồi. Thanh nói rằng đối với mẹ, việc ba còn sống dù có ở với người phụ nữ khác vẫn là niềm hy vọng bấu víu của mẹ còn hơn là ba đã mất. Khi biết tin về số phận của ba mình, mới đây, Thanh và các chị đã đưa mẹ ra Côn Đảo thắp hương cho ba.
Em Loc Nguyen là con của chú Nguyễn Văn Thái. Em nói em không còn nhớ gì về ba vì hồi ba đi em mới là cậu bé bốn, năm tuổi gì đó. Tôi nói em vậy bây giờ đã biết mộ ba rồi, em cố gắng sắp xếp dẫn mẹ ra thăm ba một chuyến. Ba em hẳn sẽ vui mừng lắm. Em nói: Mẹ em đã mất hai mươi năm rồi chị ơi.
Tôi hỏi Thu Nguyen thì cho đến nay, chỉ có khoảng hơn 10 gia đình đã biết thông tin về ngôi mộ tập thể này. Như vậy vẫn còn lại rất nhiều những bác, những chú chưa được người thân đến thắp hương. Họ vẫn mãi đi tìm các bác các chú, còn các chú bác thì cứ ngóng chờ ngày vợ con đến thăm.
Tôi viết bài này với mong mỏi nếu anh chị nào biết được thân nhân của những người tù cải tạo Côn Đảo thì tìm cách liên lạc để họ biết được mộ phần của chồng, cha mình ở đâu. Đạo lý người Việt, tâm linh người Việt rất quan trọng nén hương của người sống cho người đã khuất. Tôi tin rằng một khi chưa được chính người thân thắp hương, những linh hồn chết tức tưởi khó mà siêu thoát. Họ cũng như những người bị tử nạn trong vụ máy bay rơi ở Sơn Trà năm 1979, sẽ cứ lẩn quất đi tìm người thân trong sự đau khổ khôn nguôi.
Cuối cùng, bài viết này như một nén hương mà con xin gửi đến các chú, các bác và cầu mong con, cháu của tất cả các chú, các bác sẽ biết được thông tin về người thân của mình. Tôi cũng ước ao sao có một nghi thức tôn giáo dành cho người đã khuất được tiến hành tại hai ngôi mộ để những linh hồn ra đi trong chuyến tàu đêm năm ấy không còn vướng bận trần gian mà nhẹ lòng ra đi.
Sau đây là danh sách những người mất mà tôi thu thập được. Hy vọng anh chị, cô, chú, bác nào biết được ai là thân nhân của họ thì chuyển thông tin này đến những người đó. Thật ra số người mất là 70 công chức, cảnh sát, quân nhân trên Côn Đảo nên danh sách này còn thiếu sót nhiều người. Anh chị nào biết thêm thì xin bổ sung giúp. Xin chân thành cảm ơn!
Danh sách những người mất:
1/ Ô. Nguyễn Văn Tân (1925) (Ba chị Hoa Nguyen)
2/ Đại úy Phạm Huỳnh Trung (Ba em Thanh Phạm)
3/ Ô. Nguyễn Văn Thái (Ba em Loc Nguyen)
4/ Ô. Võ Văn Rông (Ba chị Hang Vo)
5/ Ô. Ba Đang
6/ Ô. Năm Muôn
7/ Ô. Sáu Lợi
8/ Ô. Ba Tâm
9/ Ô. Chín An
10/ Ô. Lục Văn Keo
11/ Đại úy Ảnh
12/ Đại úy Vàng
13/ Ô. Trương Văn Sến (1930) (Ba anh Thu)
14/ Ô. Nguyễn Hoàng Anh (?) (Anh ông Sang Nguyen)
15/ Ô. Hai Dân Sinh.
16/ Ông Tôn Thất Sỹ: Phụ tá HC
17/ Ông Lê Văn Vui: Trưởng ty Ngân khố
18/ Ông Nguyễn Thái Bình: Đại úy Trưởng ban 5 Đặc khu
19/ Ông Nguyễn Bang Hanh: Chủ sự Văn phòng Cơ sở HC
H2-5
Mẫu đối thoại đầu tiên giữa chị Lâm Nguyễn và Hoa Nguyen trên stt về cảnh đẹp Côn Đảo của Lâm Nguyễn.
Lời chị Hoa Nguyen
H4-3
Mộ tập thể đầu tiên được chị Thu Nguyen xây dựng năm 2015 có 26 bộ hài cốt. Ảnh: Lâm Nguyễn
H5-4
Ngôi mộ tập thể thứ hai được chị Thu Nguyen xây dựng năm 2016 có 10 bộ hài cốt. Nguồn: Lâm Nguyễn
H6-2
Người số 5 là chú Nguyễn Văn Thái. Người số 6 là Đại uý Phạm Huỳnh Trung. Nguồn ảnh tư liệu của anh Lê Nguyễn.
https://baotiengdan.com/2019/09/03/chuyen-tau-dem-so-phan-cua-70-vien-chuc-che-do-cu-o-con-dao-ra-sao/

No comments:

Bạn Đường- Nguyên Giao

  Trong một quán cà phê ở ‘ Thủ Đô Người Việt Hải Ngoại’ một ngày cuối tháng tư năm 1999, Hùng hỏi Giao: - Bạn đến Mỹ năm nào? - Năm 1975,...