Cá là sinh vật sống trong sông, trong biển, hay trong hồ ao, gian nhân có thể câu trộm, xúc trộm, chứ không thể cướp được. Vậy mà một tướng hải quân 4 sao của Hoa Kỳ đã đùng 2 chữ "fishing piracy" (cướp cá) trong buổi điều trần ngày mùng 6 tháng Tám vừa rồi, trước tiểu ban Nội An Thượng viện, tại đảo Kodiak, bang Alaska.
Đô đốc Robert J. Papp nói chiếc tàu tuần Rush được dời đổi nhiệm sở đến phục vụ tại Alaska; khởi hành từ Honolulu, chiếc Rush thực hiện một cuộc tuần tiễu từ đó vòng lên Alaska để nhận trách nhiệm mới, và trên hải trình di chuyển đã "tình cờ" bắt được một ngư thuyền Trung Quốc đang "cướp cá"; lính Coast Guards Mỹ lên tàu cá Trung Quốc, thì thấy trong khoang chứa 40 tấn cá.
Không những không dùng sai chữ, Đô đốc Papp còn thận trọng kén chữ để mô tả cuộc ra quân ồ ạt của 23,000 ngư thuyền Trung Quốc, chuyên chở gần nửa triệu ngư phủ Tàu đi cướp cá dưới sự yểm trợ của những chiếc tàu Ngư Chính, tàu Hải Giám - một loại với Coast Guard Mỹ.
Đô đốc Robert J. Papp, và chiếc tàu tuần Rush
Là tư lệnh Coast Guard -tổ chức điều hành mọi sinh hoạt trên bờ biển Hoa Kỳ- ông Papp nói, "Hành động 'cướp cá' trắng trợn đang diễn ra trên nhiều đại dương lớn," ông mô tả việc cướp bóc của ngư phủ Trung Quốc, "Họ giăng lưới dài đến 8 dặm (13 cây số) và vơ vét toàn bộ hải sản trong vòng lưới". Papp nói thêm là có thể nhiều đàn cá trên đường di chuyển đến Alaska cũng bị hốt trọn.
Ông nói lính Coast Guard Mỹ đã điều tra và hồ sơ vụ án đang mang tính chất liên bộ, vì ngoài bộ tư pháp, việc làm phạm pháp của người Tàu còn liên quan đến nhiều sinh hoạt khác của Hoa Kỳ.
"Hoa Kỳ có một tổ chức được mệnh danh là Maritime Operational Threat Response (MOTR) -Tổ Chức Đương Đầu với những Đe Dọa Hàng Hải, tổ chức này liên quan đến Bộ Ngoại Giao, Bộ Tư Pháp và nhiều bộ sở khác," Papp nói. "Việc bắt được chiếc tàu cá này đang khởi động guồng máy MOTR, ấy là chưa nói đến một yếu tố khác nữa là chiếc tàu cá phạm pháp không đăng ký vào một quốc gia nào hết".
Nói cách khác, trừ thủy thủ đoàn mang quốc tịch Trung Hoa, bản thân chiếc tàu cá lại không hề đăng bộ tại Trung Quốc.
Nghị sĩ Dân Chủ Mary Landrieu và nghị sĩ Cộng Hòa Lisa Murkowski chủ tọa phiên điều trần an ninh ngư nghiệp; bà Landrieu nói: "Tôi nghĩ Hoa Kỳ phải truy tố vụ này -chẳng phải chỉ truy tố thủy thủ đoàn, mà còn truy tố những nguồn thu mua cá, truy tố cả những nguồn tài trợ cho công việc làm ăn bất chính này".
Mặc dù còn rất trẻ, nhưng bà Landrieu đã tinh ý nhìn thấy dụng tâm của kẻ đứng sau cuộc "cướp cá" bất chánh này là để mặc hệ thống pháp luật quốc tế trừng phạt 12 thủy thủ đoàn trên tàu, và tịch thu số tang vật 40 tấn cá, rồi sau đó, mọi cuộc điều tra chết đứng tại chỗ, không còn mở rộng được về bất cứ hướng nào khác.
Nghị sĩ Dân Chủ Mary Landrieu và nghị sĩ Cộng Hòa Lisa Murkowski
chủ tọa phiên điều trần về an ninh ngư nghiệp
Phát ngôn viên David Mosely của Coast Guard từ chối cung cấp chi tiết về thời điểm và địa điểm chiếc Rush chặn bắt chiếc tàu cá Trung Quốc, viện cớ cuộc điều tra đang tiến hành; nhưng ông Paul Niemeier, thuộc tổ chức Chài Lưới Quốc Tế của sở Quản Trị Hàng Hải Quốc Gia, nói chiếc tàu cá phạm lỗi đã sử dụng driftnets, một loại lưới giăng rất rộng, nhiều khi rộng đến 60 hải lý. Loại lưới này đã bị cấm sử dụng trên toàn thế giới từ năm 1992.
Lưới giăng Driftnets
Trả lời truyền thông qua điện thoại, ông Niemeier nói: "Lưới giăng driftnets bắt mọi thứ vướng vào lưới, kể cả loài có vú, loài chim biển và cá mập - tất cả những giống gì đang bơi, trong đó có các loại cá mà ngư dân muốn đánh bắt như cá ngừ hay cá hồi".
Nếu con cá nào có thể đưa đầu qua được lỗ lưới thì vây của chúng cũng bị kẹt lại. Ông giải thích, những giống lớn hơn thì sẽ bị quấn vào lưới, càng vùng vẫy, càng bị quấn chặt hơn, do đó mà rất nhiều cá mập, động vật có vú và chim biển bị bắt".
Chỉ một chiếc tàu cá Trung Quốc mà đã có đến 40 tấn cá trong khoang, thì sức đánh bắt tổng cộng của đoàn tàu cá 23,000 chiếc tràn xuống Biển Đông vào những ngày đầu tháng Tám 2012 phải lên đến 920,000 tấn! Sau chuyến cướp cá quy mô này, Biển Đông còn một sinh vật nào nữa không!
Ngư dân Việt Nam gặp muôn vàn khó khăn nhưng vẫn bám biển, Thuyền trưởng Chí Thạnh ở Huyện Đảo Lý Sơn Quảng Ngãi phát biểu hôm 6/8 trong khi chuẩn bị chuyến ra khơi:
"Tàu Trung Quốc vừa to lại bọc sắt kiên cố, tàu của dân mình không so với tàu Trung Quốc được, tôi đang chuẩn bị một hai bữa nữa biển êm thì đi... thì vẫn tự mình đi tự mình về chứ có ai hộ tống gì đâu. Đi ra Hoàng Sa thì nó đuổi, chạy miết gặp nó thì phải "nộp" nhưng "nộp" thì "nộp" làm cứ làm, không làm thì đói; tàu nó chạy nhanh lắm nó mười mình một thôi. Đầu năm tới giờ bị "nộp" nhiều rồi, mười chuyến nộp hết sáu...".
Mười chuyến ra khơi, 6 chuyến bị tàu Trung Quốc lột sạch hải sản đánh bắt được nhưng người ngư dân Việt Nam, gốc là "con bà Phước" vẫn cứ phải quyết tâm "nộp" thì "nộp" làm cứ làm; không làm thì đói... không trông mong một biện pháp giúp đỡ nào của chính phủ cả.
Ngư dân Việt Nam ngồi nhìn 23,000 tàu cá Trung Quốc vét sạch lòng Biển Đông Việt Nam, trong lúc chính phủ CSVN khuyến khích ngư dân cứ quyết tâm "bám biển"
Ông Papp dùng 2 chữ "fishing piracy" rất chính xác: Trung Quốc không đánh cắp cá Việt Nam; họ công khai cướp, cướp đêm, cướp ngày, tạo ra luật lệ để cướp: để chỉ ngư thuyền Trung Quốc được phép đánh bắt mỗi năm 2 tháng rưỡi -từ ngày 16 tháng 5 đến ngày 1 tháng 8- thời gian họ gọi là dưỡng ngư.
Giáo sư Carl Thayer thuộc Học Viện Quốc Phòng Australia, đặt câu hỏi về sự nghiêm túc trong lệnh cấm này của Trung Quốc: "Làm thế nào người Hoa các anh có thể bảo vệ nguồn cá nếu các anh chỉ cấm tàu Việt Nam và tàu Phi Luật Tân mà không cấm tàu cá của mình? Việc này đòi hỏi sự hợp tác của cả 3 nước".
Một việc làm khác nguy hiểm hơn nữa là Trung Quốc đang dự trù đưa nhiều chiếc tàu nhà máy, những chiếc tàu này chế biến cá Biển Đông thành cá hộp, cá khô, cá đông lạnh, vi cá, cá hầm vĩ, ngay sau khi cá được đánh lên khỏi mặt nước.
Ông Thayer nhận xét: "Trung Quốc đang mổ con gà đẻ trứng vàng". Điều đáng buồn là con gà này không phải là sở hữu của Trung Quốc.
Bộ Ngoại giao Việt Nam cũng bác bỏ lệnh cấm của Trung Quốc đồng thời khuyến khích ngư dân Việt Nam cứ tiếp tục ra khơi. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam, ông Lương Thanh Nghị, nhấn mạnh "Việt Nam phản đối quyết định đơn phương của Trung Quốc và coi quyết định này là không có giá trị.
Tàu Trung Quốc bắt ghe cá Việt Nam
Ông Thanh Nghị khẳng định lập trường của Việt Nam về vấn đề này rất rõ ràng, nhưng lập trường chính trị của Việt Nam lại thiếu minh bạch. Một thí dụ: 3 ngày sau ngày Trung Quốc thành lập thành phố Tam Sa, hàng trăm sĩ quan cấp tướng, cấp tá của Việt Nam tổ chức lễ ăn mừng ngày thành lập của quân đội Tàu.
Đại tướng tổng trưởng quốc phòng Phùng Quang Thanh đọc diễn văn tri ơn quân Tàu đã huấn luyện sĩ quan Việt Nam tài ba, hùng mạnh để chiến thắng mọi quân thù. Đáp từ, quyền đại sứ Trung Quốc đã huấn dụ các sĩ quan Việt Nam ghi nhớ tình vừa đồng chí, vừa anh em, trong địa thế núi liền núi, sông liền sông.
Giờ này thì piển đang liền piển.
Không người Việt Nam nào đòi quốc hội Việt Nam phải làm cái việc không làm nổi là họp hearing để nghe tướng lãnh hải quân Việt Nam trình bày về nạn "cướp cá", nhưng ngư dân Việt Nam cũng tủi khi thấy ngư dân Phi Luật Tân không bị hiếp đáp quá đáng như họ.
Họ mong chính phủ Việt Nam mạnh dạn lên tiếng phản đối đợt cướp hàng triệu tấn cá vừa rồi; sau đó, trước thảm cảnh Biển Đông hết cá, dù chúng ta có phải trở về đóng cửa ăn ba khía sông Tiền, sông Hậu với nhau cũng đành.
Nguyễn đạt Thịnh
Nam Yết chuyển
No comments:
Post a Comment