Wednesday, August 15, 2012

Viễn cảnh chiến tranh Mỹ - Trung Cộng_ NgV





Cuộc tập trận RIMPAC 2012 do Mỹ tổ chức mời hầu hết HQ các nước trên thế giới tham gia ngoại trừ TQ cho thấy Mỹ không bao giờ xem Bắc Kinh "đồng hội đồng thuyền" - Ảnh: U.S Navy

Phác họa về cuộc chiến tương lai Mỹ - Trung Quốc được hé lộ khi 2 bên đang có nhiều bất đồng tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Không chờ đến khi Tổng thống Barack Obama hồi đầu năm nay tuyên bố chuyển trọng tâm về châu Á - Thái Bình Dương, các chuyên gia lão luyện của Ngũ Giác Đài thực tế đã sẵn sàng đáp ứng chính sách này. Theo tờ The Washington Post, nhà dự đoán tương lai (futurist)chiến lược gia Andrew Marshall (91 tuổi) là người chịu trách nhiệm hoạch định chiến lược quân sự cho mục tiêu trên.



left align image
Mô hình tác chiến Không - Biển của QL Mỹ trong một cuộc tập trận với các đồng minh trong khu vực Châu Á

Cha đẻ của Tác chiến Không - Biển (Air-Sea Battle)


Chiếm một vị trí khiêm tốn bên trong Ngũ Giác Đài, văn phòng nhỏ của ông Marshall, gọi là Văn phòng Đánh giá các mối đe dọa thực (ONA). Tại đây, một nhóm chuyên gia không ngừng nỗ lực trong suốt 2 thập niên qua để lên kế hoạch cho cuộc chiến chống lại “một Trung Quốc hung hăng, hiếu chiến và vũ trang hạng nặng”.
Từ mục tiêu trên, nhóm của ông Marshall vạch ra một khái niệm có tên gọi “Tác chiến Không - Biển” (ASB - Air-Sea Battle). Theo đó, đầu tiên là các oanh tạc cơ tàng hình và tàu ngầm hạt nhân có nhiệm vụ hạ gục hệ thống radar tầm xa cùng những hệ thống tên lửa chính xác nằm sâu trong lãnh thổ Trung Quốc. Tiếp đến, hải quân và không quân Mỹ hợp tác triển khai các cuộc tấn công lớn hơn bằng đường biển và đường không. Điển hình cho khái niệm trên là Chiến dịch Hừng đông Odyssey hồi năm 2011 mà phương Tây tiến hành để ủng hộ phe đối lập khi đó ở Libya. Trong những tháng qua, không quân và hải quân Mỹ đưa ra ít nhất 200 sáng kiến được cho là cần thiết để người cầm quân tiếp thu những gì tinh túy của ASB. Danh sách trên gồm các cuộc tập trận do văn phòng ông Marshall vạch ra, đồng thời yêu cầu thế hệ vũ khí mới, đề nghị tăng cường hợp tác giữa các hải quân với không quân.
Khái niệm trên không chỉ chọc giận quân đội Trung Quốc mà còn bị chỉ trích từ nội bộ nước Mỹ vì quá đắt đỏ. Một số nhà phân tích châu Á còn lo ngại những cuộc tấn công Trung Quốc bằng vũ khí thông thường có thể khiến Bắc Kinh phản kích bằng vũ khí hạt nhân, làm bùng nổ chiến tranh giữa 2 cường quốc hạt nhân. Ban đầu, ASB ít thu hút được sự chú ý của giới quân sự, theo tờ The Washington Post. Tuy nhiên, khi ngân sách quốc phòng gần đây bị cắt giảm, các lãnh đạo Ngũ Giác Đài lại tìm đến văn phòng của ông Marshall để tìm hướng đi mới khi Washington chuyển trọng tâm về châu Á - Thái Bình Dương. Đối mặt với những chỉ trích ONA tập trung quá mức vào Trung Quốc như một kẻ thù tương lai, chiến lược gia Marshall phản bác rằng nhiệm vụ của ông là tính toán những kịch bản tồi tệ nhất. “Chúng tôi có khuynh hướng phải đối mặt với các tương lai không mấy gì vui vẻ”, ông trả lời trong một cuộc phỏng vấn mới đây.


Sự vận hành của chiến thuật tác chiến Không Biển của QĐ Mỹ một khi bị TQ tấn công (Washington Post image)

Tăng cường hiện diện


Tờ China Daily dẫn một nhận định từ Bắc Kinh cho rằng Mỹ, song song với việc đánh giá ASB, đang tăng cường kiềm chế Trung Quốc tại châu Á - Thái Bình Dương. Trong vòng 1 tuần, Mỹ liên tục có thêm đổi mới trong các quan hệ hợp tác quân sự với những đồng minh chủ chốt của nước này tại châu Á. Chẳng hạn như Washington vừa cùng Tokyo thông qua bản điều chỉnh thứ 2 về hợp tác quốc phòng khi Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Satoshi Morimoto đến thăm Ngũ Giác Đài hồi tuần trước, theo tờ Sankei Shimbun. Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản cũng tuyên bố kế hoạch tham gia tập trận chung với Mỹ tại Okinawa vào cuối tháng. Yonhap thì đưa tin Seoul và Washington đang thảo luận về việc thành lập đơn vị tác chiến hỗn hợp mới.
Bên cạnh đó, các quan chức ngoại giao và quốc phòng Mỹ liên tục triển khai các chuyến thăm đến những nước đặt căn cứ cũ tại Đông Nam Á. Đồng thời, Ngũ Giác Đài đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu các tư lệnh trong khu vực. Mới đây, tướng Herbert Carlisle trở thành người đứng đầu Bộ Tư lệnh không quân tại Thái Bình Dương, bao quát các căn cứ tại Alaska, Guam, Hawaii, Nhật Bản và Hàn Quốc. Việc bổ nhiệm tư lệnh Carlisle diễn ra chỉ vài tháng sau khi tướng hải quân bốn sao Samuel Locklear trở thành Tư lệnh của Bộ Chỉ huy Thái Bình Dương.
Ngoài ra, Mỹ cũng cấp tập tổ chức nhiều cuộc tập trận với đồng minh ở châu Á - Thái Bình Dương trong thời gian gần đây. Đáng kể nhất là đợt tập trận Vành đai Thái Bình Dương năm 2012 (RIMPAC 2012), được chủ trì bởi Washington, và diễn ra tại Hawaii cùng các vùng biển lân cận với sự tham gia của 22 nước vào mới được khép lại vào cuối tuần trước. Theo thống kê của Tân Hoa xã, tàu chiến và chiến đấu cơ của Mỹ cũng tham gia gần 20 cuộc tập trận tại châu Á - Thái Bình Dương trong 7 tháng qua, chiếm hơn phân nửa toàn bộ các cuộc tập trận được triển khai trong cùng thời gian. Điều đó cho thấy Mỹ đang đẩy nhanh chính sách tăng cường hiện diện tại châu Á - Thái Bình Dương mà Washington đã vạch ra.


RIMPAC 2012


Lược sử Tác chiến Không - Biển

Vào năm 2009, hải quân và không quân Mỹ hợp lực giới thiệu một khái niệm chiến đấu mới gọi là “Tác chiến Không - Biển” (viết tắt: ASB). Theo tạp chí Wired, ASB do Ngũ Giác Đài vạch ra nhằm ngăn chặn một thế lực tấn công xâm lược bên thứ 3. Đồng thời, ASB còn làm xói mòn khả năng xâm nhập lãnh thổ của thế lực đó, chẳng hạn như trường hợp của eo biển Đài Loan. Vì thế, giới chuyên gia suy luận rằng Trung Quốc cùng với Iran và CHDCND Triều Tiên đều bị xếp vào nhóm “thế lực tấn công xâm lược”. Trên thực tế, ASB không phải là một học thuyết hoặc chiến lược, có nghĩa là sẽ chẳng có tài liệu hướng dẫn hoặc lên kế hoạch trên chiến trận. Từ nhiều cuộc trao đổi trong vòng 9 tháng qua với các quan chức quốc phòng, chuyên gia cố vấn, tạp chí Wired đã rút ra kết luận sau: ASB là tổ đặc trách cố vấn cho chiến tranh ở thế kỷ 21. Văn phòng ASB tập trung những chuyên gia có thể đưa ra một giải pháp đáp ứng tức thời cho tư lệnh chiến trường để đối phó các đe dọa tại biển Đông, eo biển Hormuz hoặc bất cứ nơi nào trên thế giới.

left align image
Ông Marshall xuất thân từ thành phố Detroit, tiểu bang Michigan (Mỹ) và tốt nghiệp ngành kinh tế của Đại học Chicago rồi gia nhập Tổ chức Nghiên cứu chính sách RAND, theo tạp chí In These Times.
Trong thập niên 1950 và 1960, Marshall nằm cùng nhóm chuyên gia nghiên cứu với ông James Schlesinger, người giữ chức Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ từ năm 1973 - 1975. Năm 1973, Tổng thống Mỹ khi đó là ông Richard Nixon quyết định lập Văn phòng Đánh giá các mối đe dọa thực (ONA) và bổ nhiệm ông Marshall đứng đầu văn phòng này. Từ đó đến nay, chiến lược gia Marshall tiếp tục được các đời tổng thống Mỹ tin tưởng giao trọng trách trên. Ông trở thành một trong những người ảnh hưởng nhất đến chính sách quân sự của Washington. Thậm chí, ông còn ảnh hưởng cả đến chính sách quốc phòng của Trung Quốc. Gần đây, tờ The Economist dẫn lời Giáo sư Trần Chu, thành viên nhóm soạn thảo sách trắng quốc phòng Trung Quốc 2011, nói: “Anh hùng của chúng tôi là Andrew Marshall. Chúng tôi nghiền ngẫm từng lời của ông ta”.

Bài của Th.M.(TNO) theo Washington Post
U.S. model for a future war fans tensions with China and inside Pentagon


Code:

world/national-security/us-
model-for-a-future-war-fans-tensions-with-china-and-inside-pentagon/2012/08/01/gJQAC6F8PX_story.html  
Nam Yết chuyển

No comments:

‘Cờ ngụy’ và ‘ngón tay thối’ trong bảo tàng quân sự

HoangsaParacel: BBC  không thông hiểu về Việt Sử nên đã thiếu sót khi nói lá cờ Vàng thuộc chính phủ VNCH. Người Mỹ gốc Viê...