Đô đốc Samuel Locklear, Tư lệnh Hoa Kỳ ở Thái Bình Dương, trong một buổi họp báo tại Ngũ Giác Đài.
Hồi giữa năm ngoái, chuyến thăm căn cứ cũ của Mỹ tại Vịnh Cam Ranh
trong chuyến công du Việt Nam của Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ lúc đó là
Leon Panetta đã làm dấy lên phỏng đoán rằng Washington có thể cân nhắc
trở lại vùng biển được coi là mang tính chiến lược này.Khi ấy, ông Panetta đã trở thành giới chức cấp cao nhất của Hoa Kỳ trở lại thăm nơi từng đặt căn cứ hải quân lớn của Mỹ kể từ khi Chiến tranh Việt Nam kết thúc.
Tuy nhiên, hôm 1/ 2 vừa qua, khi được hỏi rằng Washington có kế hoạch mở căn cứ quân sự ở Việt Nam trong thời gian tới hay không, Đô đốc Samuel Locklear, Tư lệnh Hoa Kỳ ở Thái Bình Dương, đã nói rằng Mỹ ‘không có ý định thiết lập thêm các căn cứ nào ở châu Á’.
Ông Locklear tuyên bố như vậy trong cuộc họp báo qua điện thoại từ trụ sở của Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương của Hoa Kỳ ở Hawaii mà Nguyễn Trung của VOA Việt Ngữ tham gia từ Washington DC.
Ông nói: ‘Mỹ không có ý định thiết lập thêm các căn cứ. Điều chúng tôi hy vọng sẽ làm với các đối tác, đồng minh và bạn hữu của chúng tôi là tiếp tục hợp tác chặt chẽ với nhau, làm việc chặt chẽ với nhau về mặt quân sự, kinh tế và chính trị. Chúng tôi cũng muốn người dân trong khu vực nhận thức về sự hiện diện của quân đội Mỹ trong khu vực và họ cảm thấy an tâm về điều đó’.
Liên quan tới mối quan hệ quân sự giữa Mỹ và Việt Nam, ông Locklear cho biết, mới đây, hai nước đã tiến hành một cuộc đối thoại quân sự thường niên thành công tại Hà Nội.
Ông nói: ‘Chúng tôi thảo luận các quan điểm cũng như cách thức thúc đẩy quan hệ song phương trong các vấn đề tìm kiếm cứu nạn, an ninh hàng hải, cứ trợ nhân đạo. Chúng tôi hết sức lạc quan về mối quan hệ đang thăng tiến giữa hai nước và chúng tôi hy vọng sẽ gia tăng mối bang giao song phương nhằm bảo đảm hòa bình và thịnh vượng trong khu vực’.
Cho dù các vấn đề tranh chấp lãnh hải nổi lên ở châu Á – Thái Bình Dương thời gian qua, vị Đô đốc Hoa Kỳ vẫn cho rằng khu vực mà ông coi là quân sự hóa nhiều nhất trên thế giới ‘khá an toàn’ trong nhiều thập kỷ qua.
Ông nói: ‘Tình hình an ninh sẽ ngày càng được củng cố vì mối quan tâm của Hoa Kỳ đối với vùng Thái Bình Dương. Tôi nghĩ rằng Mỹ quan tâm tới vùng này trong thế kỷ tới cũng như ở Ấn Độ Dương. Đó sẽ là điều tốt đẹp cho vấn đề an ninh nói chung. Thế nên chiến lược thay đổi trọng tâm của Hoa Kỳ là điều quan trọng đối với khu vực châu Á – Thái Bình Dương’.
Đô đốc Locklear phát biểu trong bối cảnh Hoa Kỳ tăng cường các cuộc diễn tập quân sự với các đồng minh, và từng bước chuyển khí tài tân tiến tới châu Á trong một phần của chiến lược dài hơi.
Chính sách đặt châu Á là trọng tâm của Washington được đưa ra trong khi các nước ở khu vực này, trong đó có Việt Nam, tranh chấp với Trung Quốc về chủ quyền đối với các quần đảo trên Biển Đông.
Về vấn đề này, ông Locklear nói rằng điều đầu tiên mà Hoa Kỳ muốn làm là duy trì đối thoại với các nước đồng minh và đối tác, kể cả với Trung Quốc, cũng như tất cả các quốc gia liên quan tới vấn đề tranh chấp lãnh hải.
Ông cho hay: ‘Chúng tôi muốn cùng chia sẻ thông tin để nắm được những gì đang xảy ra. Chúng tôi sẽ làm mọi điều có thể để duy trì an ninh nhằm tránh những tính toán sai lầm có thể dẫn tới hướng đi mà chúng tôi không mong muốn’.
Ông cũng nói Hoa Kỳ quan tâm tới việc các quốc gia hợp tác đa phương để xử lý vấn đề ở biển Đông. Trong khi đó, bấy lâu nay, Bắc Kinh tuyên bố các vấn đề ở vùng biển này nên được giải quyết thông qua đối thoại với mỗi nước tranh chấp.
Vị Đô đốc Mỹ cũng cho rằng điều quan trọng là các nước liên quan phải thiết lập được một ‘bộ quy tắc ứng xử’ ở biển Đông để mọi nước tranh chấp, kể cả Trung Quốc, phải có nghĩa vụ tuân thủ.
Ông nhấn mạnh rằng Hoa Kỳ thúc giục các quốc gia ‘không nên đưa ra khí tài quân sự mà có thể gây xáo trộn tình hình an ninh khu vực’.
Nhân chuyến thăm Trung Quốc hồi tháng Bảy năm 2012, khi được tờ Hoàn Cầu Thời Báo hỏi rằng Mỹ sẽ làm gì nếu chiến tranh bùng ra ở biển Đông, ông Locklear nói rằng không nên bàn về tình huống giả định đó.
Ông lặp lại quan điểm của chính quyền Washington rằng Hoa Kỳ không đứng về phía nào trong các cuộc tranh chấp về chủ quyền lãnh thổ.
Ông cũng bày tỏ mong muốn rằng vấn đề tranh chấp sẽ được giải quyết một cách hòa bình thông qua các cuộc đối thoại dựa trên luật pháp và không có tình trạng cưỡng ép bởi bất kỳ bên nào.
Còn trong cuộc điều trần để được chuẩn thuận vào vị trí người đứng đầu Tư lệnh Hoa Kỳ ở Thái Bình Dương hồi đầu năm ngoái, ông Locklear cho rằng hải quân Mỹ cần phải duy trì sự hiện diện và khẳng định quyền tự do hàng hải cũng như quyền được bay qua biển Đông theo đúng tinh thần của luật pháp quốc tế. -
Nam Yết chuyển
No comments:
Post a Comment