Thursday, February 21, 2013

Mỹ -TQ, Nguy cơ một cuộc chiến tranh mạng







Những cáo buộc lẫn nhau giữa Mỹ và Trung Quốc mấy ngày qua khiến dư luận không khỏi lo ngại một cuộc chiến tranh mạng đang đe dọa cả thế giới.

Trong thời buổi công nghệ thông tin đã len lỏi vào mọi ngóc ngách của đời sống kinh tế, chính trị, xã hội thế giới, một cú click chuột có thể gây hậu quả khôn lường và nếu có một cuộc chiến tranh mạng nó không chỉ ảnh hưởng lợi ích một quốc gia đơn lẻ mà sẽ hệ lụy với toàn cầu.

Mỹ tố nhóm tin tặc có quan hệ với PLA

Các vụ tấn công tin học vào các mục tiêu Mỹ đã xảy ra nhiều năm nay và chính phủ Mỹ đã nhiều lần bóng gió về vai trò của chính phủ Trung Quốc đằng sau các vụ tấn công đó. Lần này, những tranh cãi giữa Mỹ và Trung Quốc bắt đầu từ hôm 19/2 khi Công ty an ninh mạng Mandiant của Mỹ công bố báo cáo dài 74 trang, trong đó cho rằng một nhóm tin tặc có quan hệ với Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA) là thủ phạm tấn công, đánh cắp các dữ liệu trong hệ thống máy tính của 141 công ty và 20 tổ chức trên toàn thế giới trong vòng 7 năm qua. Báo cáo của Mandiant hầu như không nêu tên nạn nhân vì họ muốn được bảo mật. Nhưng theo một người biết về các kết quả điều tra của Mandiant, vụ tấn công năm 2009 vào hãng Coca-Cola trùng với thời điểm hãng nước ngọt khổng lồ này thất bại khi mua Tập đoàn nước giải khát Huiyan của Trung Quốc. Mandiant còn đưa ra thông tin cụ thể rằng, các cuộc tấn công bắt nguồn từ 4 máy chủ lớn đặt tại một tòa nhà ở Thượng Hải, địa điểm được cho là nơi đóng quân của đơn vị quân đội đặc biệt mang số hiệu 61398.



Đơn vị 61398 hầu như không tồn tại trong bất kỳ giấy tờ chính thức nào của quân đội Trung Quốc nhưng Mỹ cho rằng lực lượng này nằm trong Văn phòng của Bộ Tổng tham mưu PLA.
Các nhà phân tích tình báo đã nghiên cứu về nhóm này nói rằng đây là nhân tố trung tâm của tình báo mạng Trung Quốc. Năm 2011, một tổ chức phi chính phủ tại Virginia, Mỹ, mô tả đơn vị này là ‘thực thể hàng đầu nhắm vào Mỹ và Canada, hầu như tập trung vào tình báo chính trị, kinh tế và quân sự’.

Bắc Kinh “phản đòn”

left align image
Bắc Kinh đã lập tức bác bỏ cáo buộc này khi người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc Cảnh Nhạn Sinh ngày 20/2 tuyên bố lực lượng vũ trang nước này chưa bao giờ hậu thuẫn các vụ tấn công tin tặc, đồng thời chỉ trích báo cáo của công ty an ninh mạng Mandiant Corp của Mỹ là vô căn cứ cả về thực tế lẫn cơ sở pháp lý.
"Quân đội Trung Quốc không bao giờ hỗ trợ cho bất kỳ hacker nào", China Daily dẫn thông báo của Bộ Quốc phòng Trung Quốc cho hay. Những cáo buộc như trên là thiếu tính chuyên nghiệp và sai lầm, thông báo cho biết thêm.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi cũng lên tiếng bác bỏ thông tin của Mandiant và nhấn mạnh rằng, Trung Quốc cũng phải đối mặt với các mối đe dọa từ tin tặc và là một trong những nạn nhân chính của các hacker, trong đó các địa chỉ IP xuất phát từ Mỹ chiếm vị trí số 1.
Trong khi đó, chính quyền Tổng thống Barack Obama đã sẵn sàng áp đặt khoản tiền phạt và trừng phạt thương mại nhằm trả đũa hành động các hacker Trung Quốc đánh cắp thông tin từ cơ sở dữ liệu của chính quyền Mỹ và những bí mật hợp tác thương mại với nhiều quốc gia khác.
Theo giới chức Mỹ, Nhà Trắng sẽ soạn thảo một bản báo cáo chi tiết về các biện pháp đáp trả mạnh mẽ hơn đối với Trung Quốc sau khi phát hiện hàng loạt cuộc tấn công mạng đánh cắp thông tin được phát hiện có nguồn gốc từ quốc gia châu Á này.

Theo tiết lộ của tờ New York Times, trong vài tuần tới, giới chức ở Washington sẽ phê chuẩn những quy định, trong đó có khuôn khổ và cách thức mà quân đội được phép ngăn chặn hoặc đáp trả các cuộc tấn công quy mô lớn trong không gian ảo. Những quy định mới này còn cho phép các cơ quan tình báo tiến hành điều tra hoặc thâm nhập vào những hệ thống máy tính ở ngoài phạm vi lãnh thổ Mỹ nếu nhận thấy có dấu hiệu của các cuộc tấn công mạng nhằm vào Mỹ. Nếu được Tổng thống phê chuẩn, cơ quan chức năng của Mỹ có quyền mở các cuộc tấn công phủ đầu bằng cách cài virus có khả năng hủy diệt toàn diện vào mạng máy tính khả nghi mà không cần phải chờ đến khi tuyên chiến .


Nam Yết chuyển

No comments: