Saturday, February 2, 2013

Tử Vi Mệnh Số Hoàng Sa, Trường Sa


Từ trái qua phải: Lý Kiến Trúc, Nguyễn Ngọc Bích, Vũ Hữu San, Phạm Thị Diệu Chi
Kính thưa Gs. Nguyễn Ngọc Bích, Chủ tịch UBLĐLTVNCH;
Kính thưa toàn thể quí vị;
Trước hết tôi cám ơn ban tổ chức đã dành cho tôi mươi phút để phát biểu ý kiến riêng của tôi liên quan đến chủ đề hội luận hôm nay.
Để không làm mất nhiều thì giờ, tôi xin đi ngay vào vấn đề: Tôi chỉ đóng góp vài suy nghĩ về Hoàng Sa, Trường Sa bởi tôi không phải là nhà nghiên cứu sâu về biển Đông.

Tôi cũng không đề cập tới một tổ chức mới thành lập là Uỷ Ban Lãnh Đạo Lâm Thời VNCH; hoặc Hiệp định đình chiến mang lại hòa bình Paris 1973, nó liên quan đến HS-TS ra sao, tôi nghĩ rằng, Giáo sư Nguyễn Ngọc Bích, đương kim chủ tịch uỷ ban sẽ nói rõ về vấn đề này hơn.
Thuở còn là học trò, tôi được các thầy giáo dậy nước Việt Nam từ Ải Nam Quan đến mũi Cà Mau có hình chữ S; đến tuổi thanh niên, tôi được nghe các nhà văn nhà thơ ví hình thể nước Việt Nam tựa như cô thiếu nữ xuân thì nằm xõa tóc phơi nắng biển Đông; khi tóc đã hoa mai đốm bạc thì tôi thấy cô thiếu nữ Việt Nam không những đầu tựa vào Trường Sơn, chân duỗi dài đạp sóng biển Đông, tay trái của cô còn vươn ra ôm lấy Hoàng Sa, tay phải của cô vươn ra ôm lấy Trường Sa, ngực của cô nhô ra đo với sóng lớn, hễ nước Thuỷ Tinh dâng lên cỡ nào thì núi Sơn Tinh của cô cao lên cỡ nấy, so với những hòn đảo bé tí ngoài khơi, chưa chắc ai đẹp hơn ai!
Thế nhưng, khi nói đến người thiếu nữ Việt Nam thì phải nói đến tử vi mệnh số của cô ẩn ở ngôi sao nào trên bầu trời vũ trụ. Số của cô cao số lắm, ai mà có phúc lấy được cô, “thuận vợ thuận chồng, tát biển Đông cũng cạn.” (Ca dao)
Cô là ai, cô là
Bốn ngàn năm ròng rã buồn vui
Khóc cười theo mệnh nước nổi trôi, nước ơi!
(Tình Ca Phạm Duy)
Hoàng Sa – Trường Sa khi đã như một sinh mệnh của Việt Nam, thì chắc cũng phải nổi trôi theo mệnh nước. Cái lá số của Hoàng Sa – Trường Sa cách đây 200 năm đã được Quốc Vương Hoàng Đế Gia Long, Minh Mạng chấm rõ ràng rồi.
Nhưng khi những ngôi sao trên trời chuyển dịch thì lá số của Hoàng Sa Trường Sa theo mệnh nước nổi trôi cũng chuyển dịch, nó chuyển dịch như thế nào?
I. Từ những ngôi sao Chu Ân Lai, Phạm Văn Đồng đến Nguyễn Tấn Dũng chiếu mệnh
– Ngày 4 tháng 9 năm 1958, Bắc Kinh-Chu Ân Lai ra tuyên bố chính thức về hải phận của họ, bao gồm 12 hải lý từ bất kỳ mốc lãnh thổ nào của Trung Quốc, “trong đó tính gồm cả các đảo Đông Sa, Tây Sa, Trung Sa và Nam Sa.”
– Mười ngày sau, ngày 14 tháng 9 năm 1958, Thủ tướng nước VNDCCH Phạm Văn Đồng đã ký một công hàm gởi cho ông Chu Ân Lai, Tổng lý Quốc vụ Viện nước Cộng hòa Nhân Dân Trung Hoa xác nhận – nguyên văn:
“Thưa Đồng chí Tổng lý,
Chúng tôi xin trân trọng báo tin để Đồng chí Tổng lý rõ:
Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ghi nhận và tán thành bản tuyên bố ngày 4 tháng 9 năm 1958 của Chính phủ nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa quyết định về hải phận của Trung Quốc.
Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tôn trọng quyết định ấy và sẽ chỉ thị cho các cơ quan Nhà nước có trách nhiệm triệt để tôn trọng hải phận 12 hải lý của Trung Quốc, trong mọi quan hệ với nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa trên mặt bể.”
– Năm 1977, Giãi bày về công hàm này, TT CSVN Phạm Văn Đồng nói rằng: “Do nhu cầu của chiến tranh, Hà Nội rất cần sự chi viện hùng hậu của Bắc Kinh, cả về quân dụng, tư vấn, cho đến vận động dư luận quốc tế, nên phải nói như vậy thôi!”
Nhà nước và báo chí CSVN nhiều lần đề cập tới chuyện TT Phạm Văn Đồng không hề tuyên bố từ bỏ chủ quyền đối với hai quần đảo HS-TS, mà “chỉ công nhận hải phận 12 hải lý của Trung cộng”, còn chuyện hai cái quần đảo HS-TS của Việt Nam nó có nằm trong hải phận của Trung cộng hay nằm trong hải phận của VNCH là chuyện rõ như ban ngày. 
– Công luận phê phán: Thực ra, dù Phạm Văn Đồng cố cãi cối cãi chày đổ thừa rằng do chiến tranh ta tạm công nhận công hàm, thực chất đối với tư duy của đảng CSVN lúc ấy, mấy hòn đảo xa lắc xa lơ chỉ có phốt phát với phân chim, chẳng có nghĩa lý gì so với mảnh đất phì nhiêu màu mỡ miền nam, chẳng có nhằm nhò gì với “giải phóng – thống nhất – điện khí hóa nông thôn”; một khi quan thầy Bắc Kinh muốn thì ta dâng cho quan thầy cho rồi! Xong chiến tranh, mai mốt đồng chí vĩ đại trả lại cho ta!
Đó là chuyện cách đây 55 năm. Bây giờ đến chuyện gần đây:
II. Ngày 25 tháng 11 năm 2011 Thủ tướng nước CHXHCNVH Nguyễn Tấn Dũng trả lời chất vấn của Quốc hội, nói – nguyên văn: “Việt Nam chúng ta có đủ căn cứ về pháp lý và lịch sử khẳng định rằng quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam.”
1- Đối với quần đảo Hoàng Sa, ông Dũng nói – nguyên văn: “Năm 1956, Trung Quốc đưa quân chiếm đóng các đảo phía Đông của quần đảo Hoàng Sa…” 
Sự thật, ông Dũng nói chưa đúng, đáng lẽ ông phải nói, từ năm 1946, 47, Tưởng Giới Thạch, khi làm Tổng thống nước Trung Hoa Dân quốc, đã xua quân xuống biển của ta chiếm một nửa quần đảo HS nằm về phía đông, rồi xua quân xuống Trường Sa chiếm đảo Ba Bình. Ngày 1 tháng 12, 1947, Tưởng cho vẽ đường lưỡi bò biển Đông làm 11 đoạn đứt khúc thuộc quyền quản lý của Trung hoa Dân quốc; nhưng sau đó, năm 1949, Tưởng bị Mao Trạch Đông đánh đuổi chạy ra Đài Loan, Mao xua quân chiếm lại Hoàng Sa đông, cắm cờ đỏ trên đảo Phú Lâm, còn đảo Ba Bình vẫn để cho Đài Loan chiếm đóng.
Tưởng cũng cần nói thêm về Mao và Tưởng lấn chiếm biển Đông, hai ông tầu phù này tuy hai mà một, đừng có nghĩ rằng Đài Loan là thể chế quốc gia mà không đi với cộng sản, qua nhiều diễn biến hiện nay ở biển Đông và Hoa Đông, Bắc Kinh và Đài Loan luôn luôn toa rập với nhau.
Tuy nhiên, khá khen ông Dũng cũng nói lên sự thật cho đồng bào trong nước nghe là: “Đến năm 1974 cũng Trung Quốc dùng vũ lực đánh chiếm toàn bộ quần đảo Hoàng Sa trong sự quản lý hiện tại của chính quyền Sài Gòn, tức là của chính quyền Việt Nam Cộng Hòa.”
2- Đối với quần đảo Trường Sa, ông Dũng nói – nguyên văn: “Quần đảo Trường Sa, năm 1975 giải phóng miền Nam thống nhất Tổ quốc thì Hải Quân chúng ta đã tiếp quản 5 hòn đảo tại quần đảo Trường Sa, đó là đảo Trường Sa, đảo Song Tử Tây, đảo Sinh Tồn, đảo Nam Yết và đảo Sơn Ca, năm đảo này là do quân đội của chính quyền Sài Gòn, chính quyền Việt Nam Cộng hòa đang quản lý chúng ta tiếp quản.”
3- – Công luận phê phán: Như vậy, sau 53 năm, TTCS Nguyễn Tấn Dũng đàn em TTCS Phạm Văn Đồng đã đá giò lái đàn anh một cú đau như hoạn, đàn em dám nói lên sự thật: biển và quần đảo Hoàng Sa, biển và quần đảo Trường Sa là của Việt Nam Cộng Hòa chứ không thuộc quyền quản lý của VNDCCH mà ông Phạm Văn Đồng vơ vào.
4- Ngày 23 tháng 9 năm 2008, trong cuộc phỏng vấn của tôi đối với ông Lê Công Phụng, nguyên Thứ trưởng Ngoại Giao, nguyên Trưởng ban biên giới Việt-Hoa, Đại sứ đầu tiên của nước CHXHCNVN tại Hoa Tịnh Đốn; khi trả lời câu hỏi của tôi về vấn đề Hoàng Sa, Trường Sa, ông Phụng khẳng định – nguyên văn: “HS-TS mãi mãi là của Việt Nam và nếu cần đưa vấn đề này ra trước tòa án quốc tế.”
Cho đến hôm nay, hơn 4 năm, chỉ có Philippine dám đưa Trung cộng ra tòa án quốc tế, còn VN thì chỉ có phản đối vu vơ! Vì cớ gì mà bắn tiếng đòi đá cả Mỹ “nếu Mỹ không làm đúng những gì đã nói!” Vì cớ gì mà đòi đá cả Trung cộng “độc chiếm biển Đông, muốn biến đường vận tải quốc tế thành cái ao nhà của mình!”
III. Vài giòng ngược lại lịch sử
1. Đầu tháng 9 năm 1951, Thủ tướng Trần Văn Hữu chính quyền Quốc gia Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Hoàng Đế Bảo Đại; nhận lời mời của Mỹ, ông Hữu dẫn đầu phái đoàn Quốc gia Việt Nam tới tham dự Hội nghị Hòa ước San Francisco 1951, gồm có 51 nước tham dự có đóng góp trong việc đánh bại Nhật Bản trong Chiến tranh thế giới thứ hai. (Trong hội nghị này Mỹ không mời Trung Cộng và Trung Hoa Dân Quốc).
Trong hội nghị này, TT Hữu trong bài diễn văn đã khẳng định chủ quyền của Việt Nam với hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa, nguyên văn như sau:
“Việt Nam rất là hứng khởi ký nhận trước nhất cho công cuộc tạo dựng hòa bình này. Và cũng vì vậy cần phải thành thật lợi dụng tất cả mọi cơ hội để dập tắt những mầm mống các tranh chấp bất hòa sau này, chúng tôi xác nhận chủ quyền đã có từ lâu đời của chúng tôi trên quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa.”
Khi Vua Bảo Đại tuyên bố lập ra Quốc gia Việt Nam độc lập và thống nhất ba miền Bắc Trung Nam từ tháng 3 năm 1945; công lớn của Thủ tướng Trần Văn Hữu, nội các của Vua Bảo Đại, trước hội nghị 51 nước ở San Francisco, ông đã dõng dạc tuyên bố về quyền và chủ quyền Hoàng Sa – Trường Sa mà không có một quốc gia nào phản đối; văn kiện lịch sử của hội nghị này cho đến nay vẫn bảo lưu. 
Có lẽ phải cảm ơn nước Mỹ, chính Mỹ đã mời và tạo điều kiện cho Việt Nam tham dự Hội nghị Quốc tế ở San Francisco để VN có cơ hội đòi lại Hoàng Sa- Trường Sa; tiếc thay , TT Trần Văn Hữu không sấn tới thêm một bước nữa, đề nghị 51 nước tham dự đề ra một nghị quyết “Biển Đông là của Việt Nam”, TT Hữu chỉ than thở đưa ra lời tiên tri về mầm mống tranh chấp bất hòa ở biển Đông! Nay đã hiển lộ.  
Khi nghiên cứu Dự thảo Hòa ước San Francisco do Anh-Mỹ gửi cho các quốc gia được mời tham dự hòa hội, Trung Cộng phát hiện ra điều hai của dự thảo hòa ước không quy định hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa mà Nhật Bản sẽ phải từ bỏ được trao cho quốc gia nào! cho nên Chu Ân Lai mới tuyên bố: “Dự thảo Hiệp ước quy định là Nhật Bản sẽ từ bỏ mọi quyền đối với đảo Nam Uy (đảo Spratly) và quần đảo Tây sa (quần đảo Paracel), nhưng lại cố ý không đề cập tới vấn đề tái lập chủ quyền trên hai quần đảo này. 
Dựa trên cái dự thảo điều hai “hớ hênh” của San Francisco, Chu Ân Lai đã bộc lộ ra cái “tham vọng bá quyền” của Trung cộng. Họ Chu cố ý lờ đi một sự thật, chủ quyền lịch sử của Hoàng Sa-Trường Sa đã xác quyết từ thời Vua Gia Long Vua Minh Mạng.
Và cũng chính Chu Ân Lai-Mao Trạch Đông xua hải quân ra chiếm Hoàng Sa của VNCH tháng Giêng năm 1974, Trung cộng chính là quốc gia đầu tiên đã vi phạm Hiệp định ngưng bắn và Định ước Quốc tế Paris năm 1973, (mở đường cho Bắc Việt tấn công Phước Long, tấn công Ban Mê Thuột, tiến về Sàigon.)
Nay đến lượt Ôn Như Bảo cũng ngang ngược khi đưa ra đường lưỡi bò 9 đoạn yêu sách các nuớc ven biển, trắng trợn vi phạm chủ quyền pháp lý dựa trên Công uớc về Luật Biển UNCLOS mà chính Trung cộng đã ký vào năm 1982. 
2. Còn nếu nói tới Pháp, Pháp là nước bảo hộ Việt Nam từ Hòa Ước Giáp Thân 1884 có nhiệm vụ quản lý trực tiếp Hoàng Sa – Trường Sa và khẳng định Pháp làm chủ hai quần đảo này từ năm 1930-33. Mục đích thâm hiểm của Pháp vẫn luôn luôn ôm giấc mộng thuộc địa Đông Dương và làm chủ biển Đông
– Tháng 10 năm 1950, Pháp tuy nhượng lại chủ quyền quần đảo Hoàng Sa cho chính phủ Việt Nam của Vua Bảo Đại, nhưng Pháp không ký một văn bản chính thức nào về chủ quyền hai quần đảo này cho Vua Bảo Đại và Vua Bảo Đại cũng không lên tiếng đòi hỏi về văn bản này! Đây cũng là cái yếu của ta.
– Tháng 5 năm 1954, Pháp đại bại ở trận Điện Biên Phủ, tháo chạy khỏi Đông Dương, Pháp cũng không chính thức trả Trường Sa cho chính phủ Ngô Đình Diệm, Pháp “thả nổi” quần đảo Trường Sa cho mạnh ai nấy chiếm, trong đó: 
– Trung Quốc chiếm 7 bãi đá ngầm, và đến ngày 13/3/1988, Trung cộng xua chiến hạm bắn cháy 3 vận tải hạm và tàn sát 64 thủy thủ + sĩ quan hải quân CHXHCNVN, chiếm thêm đảo GạcMa.
– Đài Loan chiếm 1 đảo lớn nhất quần đảo Trường Sa là đảo Ba Bình năm 1956.
Malaixia chiếm 5 đảo.
– Bruney có đòi hỏi chủ quyền trên vùng biển nhưng không có chiếm giữ đảo nào. 
– Philippine chiếm 9 đảo, nhưng năm 1990 Trung Quốc dùng vũ lực chiếm thêm bãi cạn Vành Khăn (Mischief Reef), và năm 2012, gần như Trung Quốc chiếm hẳn bãi cạn Scarborough tên Phi luật Tân là Panatag ở khu vực Macclefiels Bank, bằng cách cho một chiến hạm mắc cạn ở đó rồi nằm ì ở đó luôn.
– VNCH thời TT Ngô đình Diệm chiếm 5 đảo, sau 30 tháng Tư 1975, CSVN đi tiếp thu, và HIỆN NAY đã chiếm được thêm 21 đảo, đómg quân đồn trú 33 điểm đảo khác, cùng với 21 hộ, 80 khẩu, trong đó có 6 khẩu đã sinh ra, lớn lên ở các đảo này, lại có cả chùa tụng kinh trên đảo! 
NGOÀI ĐẢO GẠC MA BỊ TRUNG CỘNG ĐÁNH CHIẾM VÀ TÀN SÁT 64 THUỶ THỦ SĨ QUAN NĂM 1988, GẦN NHƯ VỚI SỰ THỎA THUẬN NGẦM CỦA TC, CÁC ĐẢO VN CHIẾM ĐÓNG BÂY GIỜ VẪN CÒN GIỮ NGUYÊN TRẠNG.
3. Nói thêm về Mỹ; Hầu như Mỹ không nhìn xa bằng Trung cộng về biển Đông. Sau 8 năm giao chiến ở miền Nam VN (1964-1972), Mỹ không tạo bàn thắng quân sự ở cả hai miền bắc lẫn nam VN, Mỹ buộc phải dựng lên Hội nghị Ngừng bắn Tái lập Hòa bình (chứ không chấm dứt chiến tranh hiểu theo ý thức “giải phóng tuyệt đối miền Nam của Bộ chính trị Hà Nội!), Mỹ bố trí cho 4 bên họp ở Paris từ ngày 3 tháng 5, 1968. Mỹ nói chuyện vừa kín vừa hở với Hà Nội, Sàigon nói chuyện với MTGPMN. 
Sau khi 4 bên ký xong vào ngày 27 tháng Giêng năm 1973, đó là ngày Mỹ phủi tay cuộc chiến Đông Dương, hoàn toàn thắng lợi trong việc rút quân, lấy lại tù binh và đạt thắng lợi ngoại giao với Trung cộng, Liên so;â  sự việc Mỹ lặng thinh và hạm đội Bẩy khoanh tay nhìn Trung cộng chiếm Hoàng Sa, Mỹ “thả nổi” Đông Nam Á, tập trung sức mạnh vào khu vực khác.
Hiện nay đã có nhiều lập luận cho rằng TT Nixon bắt tay với Mao Trạch Đông năm 1972 thỏa hiệp ngầm để giải quyết chiến tranh VN, một trong các thỏa hiệp ngầm đó là “bán rẻ” nốt Hoàng Sa tây của VNCH cho Trung cộng, sự thật, Mỹ gài cái bẫy tham lam cho Trung cộng là quốc gia bên ngoài đầu tiên vi phạm Hiệp định và Định ước Paris 1973. 
Đối với VNCH, thật ra, Mỹ không hẳn là “đồng minh tháo chạy”, Hiệp định Paris là điều kiện ắt có và đủ cho Mỹ thoát hiểm chiến tranh Việt Nam; nếu, lịch sử nước Mỹ không xẩy ra vụ Watergate khiến Tổng Thống Nixon từ chức, những điều khoản trong Hiệp định Paris và những cam kết của ông đối với VNCH vẫn còn nguyên giá trị; và nếu, không xẩy ra những toan tính chiến thuật sai lầm nghiêm trọng của TT Thiệu về hai trận chiến Phước Long, Ban mê Thuột dẫn tới quyết định chiến lược của Lê Duẩn mở cuộc tổng tiến công Chiến dịch Mùa Xuân 1975.
Kết luận
Trời đất đã ban bố cho Việt Nam là một quốc gia duyên hải, có bờ biển liên tục dài hơn 3000km, có thềm lục địa dài nhất trong số 10 nước ASEAN, đầu biển là Vịnh Bắc Bộ, đuôi biển là Vịnh Thái Lan. 
Cả hai vịnh này trong quá khứ và hiện nay đều có những dấu ấn quân sự quan trọng; nhưng một con số vô cùng quan trọng liên đới đến an ninh, quân sự, kinh tế, chính trị, có cơ làm thay đổi diện mạo biển Đông, đó là con đường hàng hải quốc tế dẫn từ eo biển Malacca xuyên qua Singapore, xuyên qua biển Đông, xuyên qua eo biển Cao Hùng-Luzon vượt ra Thái Bình Dương.
Giải quyết được lá số bí ẩn con đường hàng hải này là giải quyết được phần lớn bế tắc tranh hùng tranh lợi ở biển Đông. Hiện nay, thế lực nào có thể giải quyết được ngoài Mỹ và Trung cộng, với sự đồng thuận vừa phải của ASEAN.
Trong thời kỳ chiến tranh trên lục địa Đông Dương, có một câu nói của một danh tướng Pháp: “Ai chiếm được Tây Nguyên, người đó sẽ làm chủ toàn cõi Đông Dương”. 
Câu nói này có thể ứng với biển Đông: “Ai chiếm được HS-TS, người đó sẽ làm chủ toàn cõi biển Đông.”
Giữa hai lợi ích quốc gia-cốt lõi của Mỹ và Trung cộng, các quốc gia ven biển, đặc biệt là Việt Nam, có mong kiếm được lợi ích nào đi đôi với nỗ lực đòi lại HS-TS để xứng đáng với Tử vi Mệnh số của tổ tiên: “Biển Đông là của Việt Nam”./
Lý Kiến Trúc Câu Lạc Bộ Văn Hóa & Báo Chí California 27 tháng giêng 2013

Nam Yết chuyển

No comments:

Hình Ảnh Hội Cửu Long Cử Hành Tưởng Niệm Ngày Hoàng Sa Jan 19 2025

  https://photos.app.goo.gl/xyeih9uC9VaU3eGx6