Saturday, February 15, 2014

BÁO CÁO DU XUÂN_ Giao Chỉ, San Jose

          (VietMuseum tại Hội Tết Giáp Ngọ quận Cam 2014)         
       
      Chuẩn bị cho một chuyến đi.
     Từ hơn 5 năm qua, chúng tôi đã có ý đem một phần di sản và tác phẩm của viện bảo tàng Việt Nam tại San Jose xuống triển lãm tại quân Cam, nhưng rồi vẫn chưa thực hiện được. Đã nghe nói về sự thành công của Hội Tết miền Nam nên rất muốn hình ảnh cùng tài liệu của Việt Museum được dịp khoe bà con hàng chục ngàn người tại thủ đô tỵ nạn. Đã nhiều lần dự trù liên lạc với ban tổ chức sinh viên nhưng không có cơ hội. Năm nay nghe nói Hội Tết bị xù nên cũng tiếc. Nhưng 6 tuần trước tết lại được tin có Hội Tết tại Garden Grove do cộng đồng ông Lý đăng cai. Đại tá Lê Khắc Lý là bạn cùng khóa Cương Quyết II-1954 nên anh em ta đã bàn chuyện phối hợp. Gặp anh trưởng ban tổ chức là Nguyễn văn Hòa rất tháo vát, thông cảm và dễ làm việc. San Jose bèn xúc tiến chuẩn bị lên đường.
                   
     Chúng tôi phải chuẩn bị nhân công lên xuống hàng. Các di sản và tác phẩm triển lãm phải thu xếp chuẩn bị chu đáo. Làm thế nào khi đến nơi là xuống hàng và sắp xếp cấp kỳ. Sẽ đi 2 xe. Một xe truck UHaul dài 25 feet và một xe van. Chỉ riêng việc thu xếp chất hàng đã có 8 người làm việc suốt 5 giờ. Hàng đã phải đóng vào các tấm bảng 3x8 từ tháng trước. Thêm 1 kinh nghiệm về việc thuê xe UHaul. Nếu thuê xe đi one way, nhận xe tại San Jose xuống hàng rồi trả xe tại quận Cam như vậy là thuê 1 chiều trong 3 ngày. Sau đó lại đặt thuê xe khác lấy xe tại miền Nam, trả xe tại miền Bắc, vẫn thuê một chiều, như vậy giá rẻ hơn là giữ xe cũ chạy về. Giá cả không phải chênh lệch vài trăm mà mắc hơn cả ngàn đồng.
     Thêm vào đó, thầy trò chưa từng lái xe dài 25 feet chạy đường đèo nên đường trường xa xem chừng cũng ngại. Ông già trên 80 cũng ngồi tay lái đi với các ông cựu chiến binh tình nguyện sắp lãnh tiền già. Một ông không quân, một ông hải quân, và một ông cảnh sát. Kỳ này nếu không phải là đánh vào Hạ Lào thì cũng phải ngang ngửa với trận vượt biên Cam Bốt.
     Hàng họ chất xong, sáng sớm thứ năm quân ta lên đường. Tết nhất San Jose bỏ lại sau lưng. Trên xe còn có thêm mấy trăm bộ DVD Chuyến Hải Hành Cuối Cùng của Dân Sinh, Phạm Phú Nam vừa hoàn thành.
     Nhận trại bày hàng.
     Trải qua dặm trường xa xôi lại thêm xe lớn, đường kẹt nên xế chiều mới đến vị trí. May thay ban tổ chức đã dựng sẵn lều vĩ đại và nhà thầu đang mắc đèn. Anh em bèn xuống hàng và thu xếp vị trí triển lãm. Dù đã chuẩn bị nhưng vẫn phải ra tay thợ mộc. Sửa chữa các tấm bảng trưng bày.  Đến tối thứ năm mới tạm xong. Trong khi đó phải tìm nơi trả xe thuê rồi  ăn uống qua loa về nơi tạm nghỉ. Giấc khuya,  chúng tôi tìm cảm giác đêm giao thừa tại miền Nam California.  Nếm thử bánh mì Lee và cà phê tại quán suốt đêm 24/24. Khuya về nhà trọ Little Saigon nghe pháo vang rền bốn phương. Nhiếp ảnh viên kiêm ca sĩ của Việt Museum Huỳnh Minh Nhựt cao hứng hát bài Mẹ ơi, tết này con không về. Qua sáng mùng một lại kéo nhau dậy sớm và tiếp tục bầy hàng triển lãm. Phải đến gần trưa mới hoàn tất và kịp để bà con du xuân vào thăm Hội Tết lúc 1 giờ.
     Mặc dù là mới chiều thứ sáu đầu năm nhưng số người vào xem cũng khá đông đảo.
                       
     Chưa sắp xếp xong, khách đã vào xem.                       
     Hội Tết chia thành nhiều khu. Ngay cổng vào phía tay trái là khu của QLVNCH với đủ loại xe quân đội, các gian hang quân đội, các chiến binh trẻ tuổi mặc quân phục và trang bị vật dụng cá nhân.
                     
     Các anh em trẻ tuổi nhiệt thành với một thời binh lửa làm cho các chiến binh già lòng dạ nao nao. Phần còn lại là các gian hàng thương mại, mỹ phẩm, thủ công nghệ chen lẫn với các gian hàng của các tổ chức và hội đoàn. Cũng trong khu vực này nhiều gian hàng trò chơi của công ty Carnival là bộ phận phối hợp hàng năm với Hội Tết. Nhờ công ty này nên ban tổ chức được hỗ trợ phương tiện điện nước, các lều lớn nhỏ và tiện nghi công cộng. Tiến vào phía trong bên trái là khu ăn uống với hàng chục gian hàng thực phẩm. Phía tay phải là khu văn nghệ với sân khấu vĩ đại ngoài trời.
     Ngay trước mặt khu triển lãm của Việt Museum là lều triển lãm của anh em hải quân với các mô hình chiến hạm đủ loại của Hải quân Việt Nam Cộng Hòa.
     Đây là gian hàng duy nhất mà tôi có dịp xem đi xem lại. Nói là hải quân nhưng xem ra thực sự chỉ có một người. Ông là sỹ quan hải quân đam mê với binh nghiệp đã từng sống trên chiến hạm nên đã bỏ ra hơn 18 năm tự tay làm các mẫu chiến hạm lớn nhỏ đủ loại hết sức tinh vi, công phu. Quả thực là 1 thành quả đáng khâm phục. Quận Cam xem ra rất cần có 1 bảo tàng viện để các di sản này được bảo toàn muôn đời cùng với các quân trang quân dụng của phía anh em trẻ đã sưu tầm và triển lãm ngay cổng ra vào. Ngoài các gian hàng thường lệ, chúng tôi thấy gian hàng của hai tác giả tây phương có tác phẩm về chiến tranh Việt Nam. Ký giả Mỹ, Richard Botkin với Ride the Thunder viết về câu chuyện cây cầu Đông Hà trong trận Quảng Trị. Chuyện này sẽ có bản dịch Việt Ngữ sắp phát hành và đang chuẩn bị quay phim. Nhà báo Đức quốc Uwe Siemon-Netto với tác phẩm "Đức" bản Việt Ngữ đã phát hành. Cả hai tác giả đều có dịp thăm triển lãm của Việt Museum và tặng sách. Thăm gian hàng của thi sĩ Vũ Hối được trao tặng tấm "Lụa Đào" với hai câu thơ ý nghĩa: "Ra đi vì chữ tự do, ngày về dựng lại cơ đồ Việt Nam"
     Việt Museum và khách hàng.
     Trong suốt 3 ngày đầu xuân, chúng tôi hãnh diện đã ghi nhận được số người vào thăm viếng khá cao. Không có lúc nào là không có người. Có lúc cả trăm người vào 1 lượt. Quan khách đã tìm thấy chính mình một thời hào hùng nếu là quân đội, tìm thấy đau thương và uất hận nếu đã là tù nhân tập trung cải tạo, đã nhớ lại các giây phút hãi hùng nếu là thuyền nhân tỵ nạn.
                      
                   
     Phòng triển lãm của Việt Museum có 1 góc dành riêng cho tác phẩm thuyền nhân. Tấm bản đồ và hình vẽ Đường Vượt Biên, các trại tỵ nạn Đông Nam Á được chú ý nhất. Những bà mẹ chỉ cho con cháu là cha mẹ đã đi đường nào. Khởi hành từ đâu và đi đến đâu. Ngay khu chính giữa có nhiều tác phẩm về dân tỵ nạn từ thời 1975 đến 1995.  Hình ảnh sơn dầu của Việt Dzũng hát với Nguyệt Ánh được họa sĩ Trương thị Thịnh vẽ từ 30 năm trước được đặt bên cạnh áo thung đấu tranh do Việt Dzũng sáng tạo cùng cặp nạng mà anh đã để lại kỷ niệm cho thế hệ tương lai. Di sản quý giá này do chính vợ của Dzũng trao cho phái đoàn Bắc Cali gồm Huỳnh Lương Thiện và Nguyễn Tấn Thọ trước khi cử hành tang lễ để dành cho Việt Museum.
     Rồi đến khu tù cải tạo, những áo tù, các sản phẩm bằng nhôm làm trong trại tù và rất nhiều di sản quý giá khác. Tờ báo Chính Luận số cuối cùng ngày 29-4-1975. Các tài liệu về nghĩa trang quân đội Biên Hòa, mô hình trước 1975 và tấm mộ bia đã vượt biên năm 2004 từ Biên Hòa đến San Jose. Ngay chính giữa là các hình tượng của chiến binh VNCH và các di sản quý giá do Việt Museum sưu tầm hơn 30 năm qua.
     Vượt lên trên các câu chuyện về cuộc triển lãm, chúng tôi có cơ hội gặp hầu hết các giới chức truyền thông và dân cử địa phương, các vị thị trưởng, giám sát, nghị viên thành phố và các tác giả viết về Việt Nam.
     Đặc biệt suốt 3 ngày, tôi có dịp gặp lại các sĩ quan cao niên đồng tuế mà tưởng rằng không bao giờ gặp lại gần 40 năm qua. Đó là giây phút hạnh phúc của những người chiến binh già trải qua bao nhiêu dâu bể vẫn còn có dịp gặp nhau lần cuối. Chúng tôi có ý đón chờ 2 người. Một quân nhân già, hơn 10 năm trước được con gái chở lên San Jose thăm Museum  chưa hoàn tất. Cũng có ý chờ bạn Bùi Trọng Huỳnh, đại tá cục trưởng truyền tin, năm 2004 khi anh em triển lãm tại báo Người Việt ông có đến thăm và hẹn gặp lại 10 năm sau. Ông lính xưa thì có đến bằng xe đạp, nhưng bạn Huỳnh không còn nữa. Ông có hẹn nhưng ông chẳng đến. Mấy hôm sau nhận được cáo phó.
     Tổng kết Hội Tết
     Sau cùng, chúng tôi có dịp hỏi chuyện ban tổ chức và ghi nhận những khó khăn cũng như thành quả đạt được.
     Ghi nhận rằng sau khi ban tổ chức sinh viên có những bất đồng với thành phố thì gần như năm nay không có Hội Tết tại Garden Grove. Khi được thỏa hiệp muộn màng thì ban tổ chức của cộng đồng chỉ còn hơn 1 tháng nên đã hết sức vất vả. Số lượt vào Hội Tết Giáp Ngọ 2014 ghi nhận khoảng 30 ngàn. Vé phát hành hơn 20 ngàn vì 3 ngày xuân đã có nhiều biệt lệ. Mùng 1 Tết trẻ em free. Mùng 2 Tết, áo dài và quân phục free. Mùng 3 Tết quý vị cao niên free. Việc parking và chỉ dẫn cho xe cộ chuyển vận được coi là thành công. Quảng bá chưa đủ mạnh và kịp thời để hấp dẫn đồng bào. Thêm vào đó không đủ thời giờ để vận động các mạnh thường quân. Người ta cũng nói rằng một số đồng hương còn tình cảm với ban tổ chức sinh viên nên để dành thời giờ đến Hội Tết của anh em trẻ sau 1 tuần.
     Tại quận Cam hiện có 2 ban đại diện cộng đồng. Phía bên luật sư Nghĩa năm nay là năm thứ hai tổ chức cuộc diễn hành ngoạn mục tại Westminster. Phía bên cộng đồng đại tá Lý năm nay là năm đầu tiên trở lại làm Hội Tết tại Garden Grove. Nhìn theo chiều hướng bi quan thì cộng đồng ta chia rẽ. Nhưng hiểu theo con đường tích cực thì đây là các hoạt động mang tính cách thi đua. Mỗi bên tìm được một “trò chơi lớn” nói theo chữ nghĩa của hướng đạo.
     Nếu hoạt động song song như lưỡng đảng Hoa Kỳ. Bên Cộng Hòa, bên Dân Chủ, cùng hoạt động 2 phía và đôi khi hợp tác trong các chiến dịch lớn thì quả thực sự chia đôi chính là một hình thức tiến bộ rất đáng ghi nhận.
     Chuyến đi dự Hội Tết miền Nam quả thực chúng tôi học được nhiều bài học. Chuyện bên lề vào trưa chủ nhật, anh chị em khóa Cương Quyết và thân hữu họp mặt 60 năm tại nhà chị Hồng Phượng Lê Xuân Định. Có anh chị Nguyễn Bảo Trị, và Vũ Đình Đào hiện diện. Ai nấy đều trên 80 tuổi. Ông thầy chúng tôi là đại tá Nguyễn Thọ Lập đã 93 tuổi, ôm lấy học trò của trường võ bị năm xưa mà khóc. Thầy nói lời từ giã. Thầy biết là sẽ chẳng còn bao giờ gặp nhau. Chúng tôi không những gặp lại các bạn cùng khóa, các thân hữu ngồi ăn uống với nhau. Xem ra các chị còn lại nhiều hơn các anh. Dr. Xuân Thuyên là con gái cùa Dr. Nguyễn Thế Thứ đại diện cho cha mẹ đã giúp bác Lộc rất nhiều. Má cháu đã qua đời và bố cháu đang dưỡng bệnh tại San Jose. Anh Lại thế Khanh nói rằng vừa xem lại cuốn DVD họp mặt 2004 hết sức xúc động. Anh chị Tĩnh rất mạnh mẽ trẻ trung.. Anh chị Bổng lạc quan yêu đời nhưng đôi chân bác Bổng xem chừng đang đình công. Tiếp tục lạc quan vui vẻ là cô Lạc Thiều vẫn hết lòng vì bè bạn. Giải quán quân vui vẻ yêu đời và yêu người là Cô Hồng Phượng Lê Xuân Định. Bạn cũ kẻ đi xa, người nằm tại chỗ, chẳng đến được với nhau. Vì vậy ăn xong bèn kéo nhau ra nghĩa trang thăm các bạn đã ra đi. Tìm mộ các anh Ngô Quang Thiều, Lê Xuân Định, Vũ văn An, Nguyễn Kiếm Diện và cả anh Nguyễn Trí Huệ. Còn nhiều anh khác nhưng ở các nghĩa trang xa nên không đi được. Từ 1954 vào trường đến 1975 tan hàng biết bao nhiêu dâu bể.  Anh xa Hà Nội năm lên 18 khi vừa biết yêu. Đó là tháng 3-54. Bao nhiêu mộng đẹp tan ra thành khói bay theo mây chiều. Đó là tháng tư 75. Rõ ràng là ông nhạc sĩ viết lời ca cho anh em chúng tôi. Tháng 3 năm 2004 hô hào họp mặt 50 năm. Mười phần vắng  bẩy chỉ còn ba. Đến năm nay, ghi dấu 60 năm, mất hai còn một. Mới đây đại đội C của một trung đoàn lính Mỹ diễn hành kỷ niệm đệ nhị thế chiến tại San Francisco chỉ còn một người. Thiên hạ vỗ tay quá xá. Trong anh em chúng ta, kỷ niệm 70 năm ai sẽ là một người sau cùng họp khóa một mình. Hy vọng rằng chúng ta có đủ 10 năm thương yêu nhau.
     Chuyện hy hữu sau cùng là anh chị em chúng tôi tìm đến mộ của Việt Dzũng để phủ cờ cho người chiến sĩ đấu tranh số 1 của hải ngoại trong suốt 39 năm qua. Thập niên 80 chúng tôi mời Việt Dzũng lần đầu lên sân khấu CPA, San Jose. Ghi dấu hành trình 30 năm Asia lên DC 2005, chú Lộc lên sân khấu giới thiệu Việt Museum, Dzũng còn nhớ nói rằng chú đưa con vào đường văn nghệ. Dù chỉ nói xã giao, nhưng sao tình nghĩa vô cùng. Ai ngờ hôm nay, cháu để lại cho chú cặp nạng. Chú cùng các thân hữu tình cờ vô danh thương tiếc cháu đang quay quẩn bên mộ phần cùng tham dự lễ phủ cờ
                    
     Đường về.                                                                                
     Chiều chủ nhật lại đi nhận xe. Dealer UHaul lấy thẻ cà tiền, ngó qua bằng lái xe rồi giao chìa khóa chiếc xe cao lênh khênh dài hơn toa xe lửa, chẳng cần biết ông già Giao Chỉ xoay sở ra sao. Tối chủ nhật lên hàng. Sáng sớm thứ hai, ông già 81 tuổi quyết làm 1 thử thách sau cùng. Ông lái xe Uhaul dài 25 feet dự trù chạy dứt khoát 1 lần không nghỉ từ quận Cam về thẳng San Jose. Suốt lộ trình quyết không đạp thắng. Bà Giao Chỉ ngồi bên cạnh liên tiếp ra lệnh thắng bằng mồm.  Ra xa lộ, thiên hạ chạy 80, ông bèn chạy 81 cho đúng số tuổi trời. Định chạy 1 lèo, nhưng khi xuống đèo, mây mù chợt thấp, không thấy đường đi bèn vào cây xăng chờ nửa tiếng. Phải đổ xăng đầy. Nhưng đến Gilroy xăng lại cạn, xe chớp đèn. Vì vậy thành tích chạy thẳng 1 lần sẽ không bao giờ đạt được.  Với chúng tôi, sẽ không có lần sau. Về đến San Jose được tin phóng viên Nguyễn Cầu chết, rồi đến biệt động quân Lương văn Ngọ cũng ra đi. Mới tiễn đưa ông tướng hải quân Diệp Quang Thủy tháng trước. Cuối năm ký giả Cao Sơn ra đi rồi đến tướng Bùi thế Lân. Đầu năm chết thêm 2 người. Toàn người quen. Suốt năm qua chẳng đứa nào mời ông Giao Chỉ đi đám cưới. Mới 2 tháng đã đi đến 5 cái đám ma. Đối với giới cao niên, sẽ chẳng có năm nào là năm tốt. Chúng tôi sẽ không mừng vì thêm một tuổi. Mười năm trước, 2004 anh em họp khóa 350 sinh viên vào trường 1954 còn có hơn 50 người họp mặt. Hỏi rằng ý kiến ra sao. Trả lời bằng bài thơ có câu rằng.  "Sợ thì ông đếch sợ, nhưng buồn thật là buồn." Năm nay và những năm sau nữa, còn bao nhiêu ta chơi bấy nhiêu. Ngày xưa Hoàng Cầm viết bài thơ Cỗ bài tam cúc, có những lời nhớ mãi không quên. Cô gái nhỏ ngó theo đám cưới khi chị đi lấy chồng. Em thì thầm mong ước. Em ước gì?  Em đừng lớn nữa , chị đừng đi.                                     
     Em mãi mãi sống trong tuổi thơ, mong chị đừng đi lấy chồng. Bây giờ, ước mơ của ông già sao lại giống trẻ thơ.  Xin thời gian ngừng lại, mãi mãi tuổi tám mươi.
Giao Chỉ, San Jose

No comments: