Trung Quốc muốn lập vùng phòng không ở Biển Đông
. Nguyễn Tâm
Trung Quốc đang xem xét việc tuyên bố thiết lập một vùng nhận dạng phòng không mới trên Biển Đông.
Tàu của Trung Quốc trong cuộc đối mặt ở bãi đá Scarborough/Hoàng Nham với Philippines trên Biển Đông đầu tháng 4/2012. Ảnh do hải quân Philippines cung cấp cho báo chí.
|
Các quan chức của không quân Trung Quốc vừa soạn thảo các đề xuất cho vùng nhận diện phòng không (ADIZ) mới, Asahi Shimbun dẫn các nguồn tin giấu tên, trong đó có nguồn từ chính phủ Trung Quốc, hôm nay cho biết. Theo kếhoạch, vùng phòng không này sẽ có trọng tâm là quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam và có thể mở rộng ra phần lớn Biển Đông.
Bản dự thảo từng được trình lên các quan chức quân sự cấp cao của Trung Quốc vào tháng 5/2013. Bắc Kinh vẫn đang cân nhắc phạm vi thiết lập ADIZ và thời gian đưa ra tuyên bố.
Thông tin trên xuất hiện chỉ hơn hai tháng kể từ khi Bắc Kinh đơn phương thiết lập ADIZ trên biển Hoa Đông, bao trùm lên cả quần đảo Senkaku/Điếu Ngư đang có tranh chấp với Nhật Bản. Theo đó, máy bay đi vào vùng nhận dạng phòng không này phải cung cấp quốc tịch và duy trì liên lạc radio hai chiều với Trung Quốc, nếu không sẽ phải đối mặt với "các biện pháp phòng vệ khẩn cấp".
Động thái này đã vấp phải sự phản đối mạnh mẽ từ Tokyo, Seoul và Washington. Các nhà quan sát lúc đó cho rằng Bắc Kinh có khả năng sẽ hành động tương tự ở Biển Đông.
Cuối tháng 11/2013, chính quyền tỉnh Hải Nam của Trung Quốc thông qua quy định mới, yêu cầu các tàu cá nước ngoài phải xin giấy phép mới được thăm dò hoặc đánh bắt cá tại hai phần ba Biển Đông, nơi đang có tranh chấp chủ quyền giữa nước này và một số nước ASEAN, trong đó có Việt Nam.Ngoại trưởng Mỹ John Kerry tháng trước cảnh báo Trung Quốc, đồng thời phản đối bất cứ tuyên bố nào về việc thiết lập vùng nhận dạng phòng không trên Biển Đông, nơi có tuyến đường biển vận tải hàng hóa quan trọng đối với thương mại toàn cầu.
Liệu Trung Quốc sẽ mở rộng vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) xuống biển Đông?
- Đoàn Hưng Quốc
Có nhiều dự đoán rằng Hoa Lục sẽ sớm đơn phương tuyên bố mở rộng ADIZ (Air Defense Identification Zone, tức Vùng Nhận Dạng Phòng Không) xuống biển Đông Nam Á, tức là lấn lên không phận ở nhiều khu vực đang trang chấp như Trường Sa và Hoàng Sa.
Nhiều chuyên gia đánh giá rằng Trung Quốc không đủ khả năng để tuần tra một khu vực rộng lớn như vậy, nhưng cách nhận xét này thiếu sót trên nhiều khía cạnh.
Hoa Lục sẽ mua các chiến đấu cơ Su-35 của Nga vào năm 2014; loại này tối tân hơn những chiếc Su-30 mà Nga đang bán cho Việt Nam, lại thêm tầm hoạt động rất xa nên thích hợp cho việc tuần tra khu vực rộng lớn như Biển Đông. Thêm vào đó Trung Quốc sẽ hạ thủy 2 tàu sân bay vào năm 2015 (nếu cộng thêm chiếc Liêu Ninh thì tổng số sẽ là 3) đồng thời đang ráo riết để trang bị bằng các loại máy bay tiêm kích Su-33 (mua của Nga) và J-15 (bắt đầu sản xuất trong nước).
Nói tóm lại đến năm 2020 Hoa Lục hoàn toàn có khả năng khống chế Biển Đông, nên hiện tại họ tuyên bố mở rộng vùng ADIZ để thế giới dần quen thuộc với một nguyên trạng mới.
Một điểm ít được nhắc đến là bờ biển của Trung Quốc bị bao quanh bởi các quốc gia đồng minh của Mỹ như Nam Hàn, Nhật, Đài Loan, Phi-Luật-Tân và Singapore. Hoa Kỳ có thể cho máy bay theo dõi hoạt động của các tàu chiến và tàu ngầm của đối phương khi muốn vượt thoát từ cận duyên ra ngoài biển rộng ở Thái Bình Dương.
Không phải tình cờ mà Trung Quốc ra mắt các tàu ngầm nguyên tử (vốn có tầm hoạt động đại dương xa hơn hẳn các tàu diesel mua của Nga) trong cùng tháng 11 khi tuyên bố mở rộng vùng ADIZ, trùng hợp với việc Hoa Kỳ gởi máy bay săn tàu ngầm P8 loại tối tân nhất sang Nhật. Mục tiêu của vùng ADIZ ở Đông Bắc Á nhằm giới hạn khu vực trinh sát của máy bay Mỹ để trong tương lai các tàu ngầm có thể thoát ra biển lớn và đe doạ hạm đội tàu sân bay của Hoa Kỳ từ Guam và Honolulu, không cho tiếp cứu Nhật Bản hay Đài Loan.
Như vậy kế hoạch mở rộng vùng ADIZ thứ nhì xuống Đông Nam Á sẽ phù hợp với nhu cầu chiến lược bảo vệ căn cứ tàu ngầm lớn trên đảo Hải Nam.
Nhiều người cho rằng Hoa Kỳ không công nhận vùng ADIZ của Trung Quốc nên sẽ tiếp tục cho máy bay trinh sát hoạt động trong khu vực. Nhưng năm 2001 Bắc Kinh đã tạo sự cố bằng cách cho phi cơ của họ đụng vào máy bay tuần thám của Mỹ trên không phận quốc tế gần đảo Hải Nam. Trong tương lai Trung Quốc có thể dàn xếp một cuộc đối đầu tương tự - nhưng lần này sẽ đổ lổi cho Mỹ không tôn trọng vùng ADIZ mà họ đề ra.
Hiện Nhật Bản đang vận động ráo riết để có một bản tuyên bố chung với ASEAN rằng vùng ADIZ là mối đe doạ cho nền an ninh khu vực, nhưng dự thảo này có thể gặp trở ngại từ các nước có quyền lợi kinh tế với Trung Quốc. Nếu không có sự thống nhất thì Hoa Kỳ sẽ gặp khó khăn khi can thiệp - như đã từng xảy ra ngay giữa Nhật và Mỹ trong việc thông báo cho Bắc Kinh về các chuyến bay dân sự.
Cho nên thiết nghĩ Việt Nam và Phi Luật Tân nên gấp rút và tích cực hổ trợ sáng kiến này của Nhật Bản.
NT Vũ Thất chuyển
No comments:
Post a Comment