Gần đây, Dân Sinh Media phát hành một
DVD kể lại câu chuyện di tản của Hạm đội Hải Quân Việt Nam Cộng Hòa, đi
từ đảo Côn Sơn sang vịnh Subic, Phi Luật Tân. Cuốn DVD “Chuyến Hải Hành
Cuối Cùng” (CHHCC) đã đưa lên khung cảnh hỗn loạn tại Việt Nam vào những
ngày cuối tháng 4 năm 1975.
Qua các phỏng vấn và hình ảnh, DVD cũng đã cho ta thấy tình trạng lo lắng, hoang mang, bất an của thủy thủ đoàn và “tình hình trên các chiến hạm căng thẳng như thùng thuốc súng sắp nổ tung”. Riêng câu hỏi “ai đã khéo chỉ huy, lèo lái tình hình, hướng dẫn đoàn tàu ra đi trong trật tự và bình yên” thì có lẽ chưa thấy được giải đáp thỏa đáng.
Qua các phỏng vấn và hình ảnh, DVD cũng đã cho ta thấy tình trạng lo lắng, hoang mang, bất an của thủy thủ đoàn và “tình hình trên các chiến hạm căng thẳng như thùng thuốc súng sắp nổ tung”. Riêng câu hỏi “ai đã khéo chỉ huy, lèo lái tình hình, hướng dẫn đoàn tàu ra đi trong trật tự và bình yên” thì có lẽ chưa thấy được giải đáp thỏa đáng.
Về câu hỏi này, là một thành phần trong
bộ tham mưu di tản, người viết xin đóng góp một số nhận xét như một
chứng nhân của cuộc hành trình lịch sử này. Tất cả những gì trình bày
sau đây cũng đã được tóm lược trong cuốn Hải Sử Tuyển Tập do Tổng Hội
Hải Quân VNCH phát hành năm 2004, từ trang 523 đến trang 530.
Các nhận xét về chuyến đi này được chia làm hai phần:
Phần 1: Diễn tiến cuộc di tản
Phần 2: Các nhân vật điều động
Phần 1 – Diến tiến cuộc di tản
Khởi hành từ Sài Gòn lúc 7:00 giờ tối
ngày 29 tháng 4 năm 75, các chiến hạm Hải quân Việt Nam Cộng Hòa tập
trung tại Côn Sơn từ chiều ngày 30 tháng 4. Hạm đội khởi hành đi Subic
Bay, Phi Luật Tân trưa ngày 1 tháng 5 và đến Phi Luật Tân vào chiều ngày
7 tháng 5.
Các diến tiến sau đây bắt đầu từ lúc hạm đội hình thành tại Côn Sơn và được phân thành các tiểu đoạn như sau:
1.1 Bộ tham mưu
1.2 Vấn đề truyền tin
1.3 Đi hay ở lại
1.4 Hành trình
– Làm gì bây giờ?
– Đi đâu?
– Ngày giờ khởi hành
– Hải hành
1.5 Đến bến
– Chuẩn bị vào bến
– Đến bến
1.1 Bộ tham mưu
Năm 2001, Ban Hải sử Tổng hội Hải quân Việt Nam Cộng Hòa có hỏi tôi một số câu hỏi, trong đó có câu sau: “Xin
Đề đốc cho biết, khi rời Sài Gòn, Bộ Tư Lệnh nổi trên đường di tản được
tổ chức ra sao? Một cách cụ thể, bên dưới Đô Đốc Cang, các giới chức
Hải quân trên HQ 3 đã được phân nhiệm như thế nào?” Tôi đã trả lời như sau: “Bây
giờ thì gọi là Bộ Tham Mưu chứ trên thực tế lúc đó thì tùy cơ ứng biến.
Có việc gì thì họp nhau cùng bàn, sau khi có sự đồng ý của Đô đốc Cang
thì chia nhau mà làm, miễn sao có kết quả êm đẹp”.
Thực tế đã diễn ra đúng như vậy. Trên HQ 3
– Tuần dương hạm Trần Nhật Duật – mà Hạm trưởng là HQ Trung tá Nguyễn
Kim Triệu, ngoài thủy thủ đoàn, thành phần BTL/HQ gồm có, theo thứ tự
thâm niên: Phó Đô đốc Chung Tấn Cang, Phó Đề đốc Đinh Mạnh Hùng, Phó Đề
đốc Diệp Quang Thủy, Phó Đề đốc Hoàng Cơ Minh và HQ Đại tá Nguyễn Xuân
Sơn. Về sau, có Phó Đề đốc Đặng Cao Thăng đến từ Vùng 4 Sông ngòi, Phó
Đề đốc Nghiêm Văn Phú từ Lực lượng Tuần thám.
Bây giờ nghĩ lại, thấy có vẻ khôi hài.
Người thì ít mà toàn là tướng không, vậy ai làm lính. Cũng may là công
việc làm không dùng đến cơ bắp, chỉ cần có cái miệng, nhưng lại phải
trực phiên 24 tiếng đồng hồ, ăn ngủ tại chỗ, cũng khá mệt nhọc. Chắc có
người thắc mắc nhân viên đâu cả? Xin thưa: họ cùng với gia đình ở rải
rác trên các chiến hạm khác. Đây cũng chứng tỏ sự linh động và nhân hậu
của cấp lãnh đạo.
Sau buổi họp tham mưu cao cấp trên HQ 3
chiều ngày 30 tháng 4, khi giải tán, các giới chức đến họp đã trở về
chiến hạm chở gia đình họ. Như vậy mặc nhiên ngầm có sự đồng ý để các
nhân viên ở gần gia đình họ. Biết rằng hầu hết các sĩ quan đều mang theo
gia đình họ nên không ai có ý nghĩ gọi họ lại nhiêm sở. Tôi nghĩ rằng,
nếu không vì gia đình, chắc chắn mọi người sẽ tự động trở về nhiệm sở
của mình.
1.2 Vấn đề truyền tin
Kể từ lúc Đại tướng Dương Văn
Minh tuyên bố hạ súng vào sáng ngày 30 tháng 4 thì hệ thống truyền tin
như một cái chợ vỡ. Đủ mọi chuyện được đem ra trao đổi hỏi han, nhất là
các đề tài sau: bàn về tình hình, hỏi han tin tức gia đình, bàn chuyện
di tản hay không, than van về tình cảnh cá nhân v.vv…, chứng tỏ một tình
trạng lo lắng hoang mang cực độ của các thủy thủ đoàn. Tình trạng này
nếu tiếp tục thì thật là nguy hiểm vì có thể đem lại sự phân hóa trong
hạm đội. Mặt khác nếu ngăn chặn thông tin thì làm sao hiểu được tình
hình mà trù liệu công việc. Đó là chưa kể các mối lo khác như bị xâm
nhập và phá rối, khuyến dụ của Việt cộng.
Để giải quyết tình hình này, Phó Đề đốc
Hoàng Cơ Minh được chỉ định đảm trách điều hành hệ thống liên lạc, chỉ
huy và là người độc nhất được sử dụng hệ thống truyền tin để tránh khỏi
bị cướp phá. Tóm lại, Phó Đề đốc Minh thường trực đích thân theo dõi hệ
thống truyền tin để: bảo đảm an ninh truyền tin, theo dõi tình hình,
giải quyết các vấn đề có thể giải quyết ngay, nêu lên các vấn đề cần
giải quyết, chuyển các quyết định của BTL cho các đơn vị và theo dõi thi
hành.
Trong thư trả lời ban Hải sử, tôi đã tóm
tắt vấn đề như sau: “Chỉ huy chiến thuật đòi hỏi 4 điều kiện khi liên
lạc: An toàn chính xác về truyền tin, nắm vững tình hình, tiếng nói của
thẩm quyền. Trong khi triệt thoái, binh sĩ hoang mang dao động, các điều
kiện trên lại càng quan trọng. Phó Đề đốc Minh đã có nhiều kinh nghiệm
điều quân trong sông nên ông rất hữu hiệu trong trách vụ liên lạc chỉ
huy…” Đúng vậy, Phó Đề đốc Minh đã hoàn thành nhiệm vụ này một cách tối
hảo. Tiếng nói của ông vang vang trên hệ thống truyền tin suốt ngày đêm
cũng như sự duy trì được kỷ luật và an ninh truyền tin trong suốt cuộc
hành trình là một kỳ tích ít người làm được. Và là một đóng góp quyết
định vào sự hoàn thành tốt đẹp của cuộc di tản. “Ngoài việc bảo đảm
được sự vận hành của hệ thống truyền tin, các đóng góp của Phó Đề đốc
Minh vào sự giải quyết các công việc khác cũng đáng được ca ngợi” (Hải sử Tuyển tập trang 527).
1.3 Đi hay ở lại?
Đối với hầu hết các thủy thủ
đoàn, khi các chiến hạm thi hành lệnh tập trung tại Côn Sơn thì việc đi
hay ở lại chưa thành một vấn đề. Nhưng từ lúc Đại tướng Dương Văn Minh
tuyên bố buông súng thì tình hình trở nên sôi động. Chuyến đi này trở
thành chuyển đi sau cùng và một chiều của hạm đội. Sẽ không có ngày trở
lại. Trong suốt đêm 30 tháng 4, giải quyết vấn đề đi hay ở lại là công
việc chính của bộ tham mưu. Vấn đề này bao gồm hai mặt: mặt cá nhân và
mặt chiến hạm.
Về mặt cá nhân tương đối dễ giải quyết.
Từ chập tối 30 tháng 4, đã có những cá nhân tỏ ý không muốn rời Việt Nam
và muốn trở lại Sài Gòn. Đến trưa hôm sau thì số người muốn trở về Sài
Gòn mỗi lúc một đông, trở thành một vấn đề cần phải được giải quyết. Để
trấn an mọi người, quyết định cung cấp phương tiện cho những ai muốn về
lại Sài Gòn được ban hành và thông báo ngay đến toàn thể chiến hạm. Một
hỏa vận hạm được chọn và đến từng tàu bốc người muốn trở về. Ngoài chiếc
hỏa vận hạm, một số tuần duyên đỉnh (PCF) cũng xin về theo… Kể đến lúc
Hạm đội khởi hành đi Subic Bay, tất cả những ai không muốn di tản đã
được thỏa mãn nguyện vọng và được chuyển vận trở về Vũng Tàu.
Về mặt chiến hạm, vấn đề không còn là cá
nhân mà trở thành tập thể. Vì chiến hạm gồm thủy thủ đoàn sẽ không di
tản, mà ở lại Việt Nam. Giải quyết các trường hợp này thì dễ hay khó tùy
thuộc vào mức độ phân vân của đơn vị liên hệ. Đa số trường hợp được
giải quyết thỏa đáng qua thảo luận trên hệ thống truyền tin giữa đơn vị
trưởng và Phó Đề đốc Minh hoặc đại tá Sơn. Điển hình là trường hợp HQ
Thiếu tá Vương Thế Tuấn, Hạm trưởng HQ 229 (DVD CHHCC).
Tôi chỉ biết một trường hợp khó khăn,
được giải quyết vào giờ phút cuối cùng, trước khi hạm đội lên đường.
Sáng ngày 1 tháng 5, trong khi chuẩn bị khởi hành, thì có một chiến hạm
báo cáo không muốn di tản và thủy thủ đoàn không muốn rời Việt Nam. Trên
chiến hạm chỉ huy, Phó Đô đốc Cang nhìn chúng tôi dò hỏi. Đại tá Sơn đề
nghị cho tàu đó cặp vào HQ 3 và để ông đi qua giải quyết. Rất lâu không
thấy ông trở về. Đô đốc Cang sốt ruột và lo lắng ra mặt. Tôi lên tiếng
đề nghị cho tôi sang đó xem xét tình hình. Sau một lúc ngần ngừ, Phó Đô
đốc Cang bảo để ông cho cận vệ đi cùng tôi. Tôi suy nghĩ thật nhanh, là
có cận vệ với tình hình này chưa chắc đã an toàn hơn nên từ chối và rời
đài chỉ huy.
Bây giờ hồi tưởng lại lúc đó, tôi cũng
thấy là lạ. Bước qua hạm kiều, ngoài mấy thủy thủ đứng gác, chiến hạm
thật vắng lặng, có lẽ tất cả thủy thủ đoàn đang hội họp với đại tá Sơn.
Càng lạ hơn là không thấy dân chúng hiện diện. Có thể tàu này đang công
tác ngoài biển và được lệnh đến thẳng đây. Sau khi chào hỏi, một thủy
thủ đưa tôi xuống phòng ăn đoàn viên. Bước vào, không khí thật kỳ lạ.
Đại tá Sơn ngồi bàn chủ tọa, thủy thủ đoàn ngồi đối diện. Không ai nói
năng gì. Một sự im lặng hoàn toàn. Trước tình hình đó, tôi chỉ biết nhìn
thủy thủ đoàn rồi quay sang đại tá Sơn nói: “Đã đến giờ khởi hành, phải
về tàu”. Nói xong tôi rời phòng hội, trở về HQ 3. Ít lâu sau đại tá Sơn
cũng về tàu chỉ huy. Hạm đội lên đường đúng giờ ấn định.
Đến nay thì tôi vẫn không biết chuyện gì
xảy ra trên chiến hạm đó. Qua đây, tôi có vài dịp gặp lại đại tá Sơn mà
quên hỏi. Sự việc này đã được tôi trình bày ngắn gọn trong tập Hải Sử đề
cập trên.
1.4 Hành trình
Làm gì bây giờ? Kể từ lúc đại
tướng Minh ra lệnh đơn phương ngừng bắn thì công cuộc di tản đã trở
thành rõ rệt. Đây là chuyến đi một chiều của Hải quân VNCH, không có
ngày quay trở lại. Nhưng làm gì tiếp thì chưa biết, ngoại trừ một nguyên
tắc đã được Phó Đô đốc Cang đề ra trong khi chuẩn bị: “Nếu có làm gì thì cũng làm như một tập thể”.
Chiều ngày 30 tháng 4, ngay sau khi đến
Côn Sơn, một buổi hội đã được triệu tập trên HQ 3 gồm các tướng lãnh và
sĩ quan cao cấp có mặt tại điểm tập trung. Buổi hội tương đối ngắn và
không có gì phải thảo luận và bàn cãi nhiều. Sau khi xem xét tình hình
chính trị và tình trạng hạm đội, mọi người đồng ý là phải liên lạc ngay
với Hoa Kỳ. Đến đây gặp khó khăn là không ai có tần số hay hay biết cách
liên lạc với Hoa Kỳ. Trong khi mọi người đang suy nghĩ thì đại tá Sơn
lên tiếng than phiền mình bị cách chức Tư Lệnh Hạm Đội một cách bất
công. (Uẩn ức này kéo dài đến ngày nay và tôi sẽ trở lại vấn đề này
sau). Không đợi Phó Đô đốc Cang giải thích, đại tá Sơn cho biết luôn là
ông có tần số liên lạc với Hoa Kỳ. Trở ngại được giải quyết và buổi họp
chấm dứt. Các giới chức trở về chiến hạm có chở theo gia đình mình….
Đi đâu? Sáng sớm ngày 1 tháng 5,
ông Armitage đại diện Bộ Quốc Phòng Hoa Kỳ đến HQ 3. Ông ngỏ lời là Hoa
Kỳ đồng ý tiếp nhận hạm đội Việt Nam và đề nghị hạm đội di chuyển đến
Căn cứ Hải quân Hoa Kỳ tại đảo Guam. Khi duyệt lại tình trạng hạm đội,
thấy rằng nếu đi Guam xa gần 2 ngàn 500 hải lý thì nhất định sẽ gặp một
số trở ngại quan trọng, đáng kể là tình trạng kỹ thuật của một số chiến
hạm không được khả quan và hạm đội phải đi theo vận tốc của chiến hạm có
tình trạng máy tệ nhất là là khoảng 5 gút (hải lý/giờ), thời gian hải
hành quá lâu. Thêm nữa các chiến hạm chở quá đông dân chúng di tản, ước
lượng khoảng 30 ngàn người, chắc chắn là sẽ gặp nhiều khó khăn về ăn
uống. Do đó Bộ tham mưu đề nghị đưa hạm đội đến Subic Bay xa chỉ khoảng
trên 900 hải lý. Mặc dù ông Armitage luôn luôn nhấn mạnh đến mong muốn
của Hoa Kỳ là phải đi Guam, Phó Đô đốc Cang vẫn nhất định đi Phi Luật
Tân…
Ngày giờ khởi hành. Sau khi cân nhắc tình hình chung, Phó
Đô đốc Cang cho lệnh khởi hành di tản ngay sáng ngày 1 tháng 5. Có
nhiều lý do đưa đến quyết định này. Một là để mọi người có việc làm,
chấm dứt bàn tán, từ đó những hoang mang dao động sẽ tan dần, tinh thần
trở nên ổn định. Hai là nếu ai còn do dự chuyện đi hay ở, sẽ đương nhiên
chấm dứt và trở lại sinh hoạt bình thường. Ba là Côn Sơn trở nên không
còn an toàn dưới áp lực tù cộng sản được giải thoát, chính quyền mới có
thể gây khó khăn cho hạm đội (Hải Sử trang 527-528). Quyết định khởi
hành sớm này dù đã không thỏa mãn được yêu cầu của một số cá nhân, như
trường hợp đại tá Đỗ Kiểm còn thất lạc gia đình và dù phải bỏ lại một
vài đơn vị như Vùng 5 Duyên Hải, nhưng cho thấy là một quyết định đúng,
đem lại sự an toàn và thành công của chuyến di tản.
Hải hành. Nhờ thời tiết thật tốt,
sóng yên biển lặng, nên chuyến di tản thuận buồm xuôi gió. Hạm đội sắp
thành đội hình hai hàng dọc, tốc độ trung bình 5 gút.
Trên phương diện tiếp vận, các tàu đã
được cung cấp đầy dầu nước và thực phẩm trước khi rời Sài Gòn. Tuy vậy,
vì số dân di tản quá đông nên vấn đề ăn uống cũng gặp một số trở ngại.
Nhờ óc sáng tạo và tinh thần kỷ luật cao của các thủy thủ đoàn, mỗi
chiến hạm đã tự giải quyết các khó khăn. Hải quân Hoa Kỳ trợ giúp phần
thực phẩm và y tế trong trường hợp thật cần thiết…
Nhìn chung, đối với tập thể thì các trắc
trở không có là bao. Sau vài ngày hải hành, không tuần Hoa Kỳ cho biết
là hạm đôi không còn giữ được đội hình hai hàng dọc, các chiến hạm cũng
không giữ khoảng cách đều nhau. Để chấn chỉnh, Phó Đô đốc Cang chia hạm
đội thành 2 phân đội và Đề đôc Lâm Ngươn Tánh đi trên HQ 1 được chỉ định
chỉ huy phân đội 2. Từ đó đội hình hải hành được duy trì tốt đẹp. Vài
biến cố nhỏ xảy ra trên chính chiếc soái hạm HQ 3. Một đám cháy trên sân
thượng và cả hai máy chánh bất ngờ đều hư hỏng khi đến gần lảnh hải Phi
nên phải cần đến tàu kéo của Hoa Kỳ.
Đối với từng cá nhân thì chuyến đi vất vả
đau buồn. Có người gặp phải hoàn cảnh nan giải thương tâm. Cũng có
người phải gánh chịu những hoàn cảnh đau xót riêng tư cần sự trợ giúp
của đồng đội. Một số các trường hợp này- trường hợp Dương vận hạm HQ
502, Hải vận hạm HQ 402, Giang pháo hạm HQ 329 – đã được nhắc đến trong
tập Hải Sử…
1.5 Đến bến.
Chuẩn bị vào bến. Khi sắp gần đến
Phi Luật Tân thì nhận được tin là chính phủ này không chấp thuận cho hạm
đội VNCH vào vịnh Subic. Bộ tham mưu họp bàn tìm giải pháp. Quả là một
trường hợp ngoại giao phức tạp, không dễ dàng giải quyết. Giải pháp đưa
hạm đội đi Guam được đề cập, cân nhắc. Hoa Kỳ lãnh trách nhiệm đưa 30
ngàn đồng bào đến Guam bằng các tàu dân sự để hạm đội dễ điều động cho
một hải trình tiếp tục dài này. Trong lúc còn đang thu xếp thì Phó Đô
đốc Cang đưa ý kiến là với tình hình hiện tại, Hạm đội của Hải quân VNCH
nên được trao trả cho Hải quân Hoa Kỳ vì trên danh nghĩa đó, các chiến
hạm Hoa Kỳ sẽ vào căn cứ Hải quân Subic của mình.
Ý kiến này được chuyển đến giới chức Hoa Kỳ. Một vài giờ sau, hạm đội được thông báo là giải pháp được chấp thuận với điều kiện:
- Tất cả đạn dược phải được ném xuống biển.
- Cờ VNCH phải được thay bằng cờ Hoa Kỳ.
Để thi hành điều kiện này, mỗi chiến hạm sẽ tiếp nhận một toán sĩ quan
liên lạc Hoa Kỳ và thực hiện lễ hạ quốc kỳ VNCH và trương quốc kỳ Hoa
Kỳ. Lễ hạ cờ VNCH được cử hành cùng một lúc trên tất cả chiến hạm vào
đúng 12 giờ trưa ngày 7 tháng 5 năm 1975. Buổi lễ hạ cờ lịch sử trong
không khí trang nghiêm và đầy xúc động, đã được kể lại trong nhiều bài
viết trong mấy chục năm qua…
- Xóa bỏ danh hiệu và danh số Việt Nam.
Để thực hiện công việc này, trong lúc thủy thủ đoàn Việt Nam vận chuyển
con tàu theo khẩu lệnh của sĩ quan hải hành Hoa Kỳ, các tiểu đỉnh Hoa Kỳ
chạy cặp sát sườn chiến hạm để sơn lấp bỏ các danh số và danh hiệu VN
dọc hai bên hông.
Đến bến. Chiều ngày 7 tháng 5, hạm
đội VNCH vào thả neo trong vịnh Subic. Chuyến di tản an toàn, bình yên
và đầy đủ. Mọi người thở phào nhẹ nhõm. Sau khi tàu bỏ neo thì việc điều
hành lên bờ thuộc phía Hoa Kỳ. Vị sĩ quan liên lạc yêu cầu các sĩ quan
cấp tướng rời tàu trước vì lý do an ninh. Theo kinh nghiệm, trong trường
hợp triệt thoái như thế này có thể có những binh sĩ uất ức, gây gổ với
giới lãnh đạo, làm mất trật tự. Dĩ nhiên ta phải nghe theo nhưng để thủy
thủ đoàn đỡ xôn xao thắc mắc, hai Phó Đề đốc Nghiêm Văn Phú và Hoàng Cơ
Minh tự nguyện ở lại.
Đồng bào được các viên chức Hoa Kỳ thu
xếp và hướng dẫn sang các thương thuyền để chuyển sang đảo Guam. Họ làm
việc có tổ chức cao, lớp lang, khoa học và thực tế. Vì vậy công tác di
chuyển rất tốt đẹp. Hai vị Phó Đề đốc cùng với đồng bào sang tận Guam và
chỉ trở lại cùng gia đình khi mọi người được tiếp nhận.
Phần 2 – Các nhân vật điều động cuộc di tản
Trong bất cứ hoạch định nào, luôn có hai
nhân vật trọng yếu quyết định sự thành bại của công cuộc. Đó là người
lãnh đạo và người chấp hành. Nếu người lãnh đạo suy tính sáng suốt và
đưa ra các quyết định hợp lý thì triển vọng thành công đã được một nửa.
Phần còn lại tùy năng lực của người chấp hành. Nhưng thường, người chấp
hành có xuất sắc lắm thì mức thành công cũng chỉ đạt được 80% của triển
vọng.
Trong chuyến di tản của hạm đội VNCH, Hải
quân may mắn có được hai nhân vật xuất sắc nắm giữ hai vai trò này. Đó
là Phó Đô đốc Cang trong cương vị chỉ huy và Phó Đề đốc Minh trong
cương vị điều hành. Và Phó Đề đốc Minh điều hành tận tụy đến nỗi mọi
người đều nghĩ ông chính là người chỉ huy toàn bộ cuộc di tản. Sẽ là một
bất công đối với Phó Đô đốc Cang nếu sự ngộ nhận tiếp tục kéo dài.
Người viết xin nêu lên sự phân công rõ rệt…
2.1 Phó Đô đốc Chung Tấn Cang:
Phó Đô đốc Cang mới trở lại chức vụ Tư
lệnh Hải quân một thời gian ngắn trước ngày 30 tháng 4. Ngoài công tác
yểm trợ cho việc triệt thoái miền Trung, phần nhiệm cuối cùng của vị này
là lo duy trì hải lực trong thời kỳ suy yếu của chế độ Việt Nam Cộng
Hòa. Quan trọng hơn cả là sự trù liệu cho hạm đội di tản khỏi Sài Gòn
khi thành phố bị cộng quân đe dọa.
Trong việc này, có hai quan niệm khác nhau đưa đến việc cách chức Tư lệnh Hạm Đội của Hải quân Đại tá Nguyễn Xuân Sơn.
Theo nhãn quan của một số sĩ quan trong
đó có thể lấy đại tá Sơn và đại tá Kiểm làm thí dụ điển hình. Theo sự
trình bày công khai quan điểm của hai ông trong cuốn DVD “CHHCC”, thì:
1. Tình hình quân sự tại miền Nam là vô vọng, sự sụp đổ của VNCH là tất yếu.
2. Hoa Kỳ đã sẵn sàng giúp Hải quân triệt
thoái khỏi Việt Nam. (Ông Armitage đề nghị với đại tá Kiểm và Đề đốc
Holloway gián tiếp đề nghị với đại tá Sơn).
3. Như vậy phải chuẩn bị Hạm đội để di
tản và mang theo tối đa dân chúng. Chính từ quan điểm này đã dẫn đến
việc đại tá Sơn ra công điện chính thức cho gia đình thủy thủ đoàn đi
theo tàu khi đi công tác để tránh trở ngại trường hợp có lệnh di tản.
Quan niệm này được các sĩ quan cấp dưới tán thành vì hữu lý và cảm
thông.
Tuy nhiên trên cương vị cấp lãnh đạo, Phó
Đô đốc Chung Tấn Cang nhìn vấn đề không hoàn toàn thuần quân sự mà qua
nhiều yếu tố trong đó quan trọng nhất là yếu tố chính trị quốc tế và một
giải pháp chính trị dung hòa có thể được hình thành. Tình thế này đã
được trình bày trong Hải sử Tuyển tập, trang 525: “…Trong buổi họp
này, các công việc chuẩn bị đã được thảo luận và quyết định. Tôi không
nghĩ là đã có một kế hoạch viết về dự trù di tản này. Vấn đề di tản dân
chúng cũng không thấy được đặt ra. Chỉ nêu việc di tản hạm đội. Bao giờ
di tản thì tùy tình hình quân sự quyết định. Còn làm gì tiếp sau thì tùy
nhiều yếu tố chính trị phức tạp. Một số tình huống có thể xảy ra: Rút
về Vùng 4 Chiến thuật và tiếp tục chiến đấu. Hoặc chia cắt đất hoặc lập
chính phủ liên hiệp, chính quyền tan rã. Lúc bấy giờ không ai nghĩ đến
việc đại tướng Dương Văn Minh ra lệnh buông súng!”
Theo Đề đốc Trần Văn Chơn thì ông không
di tản vì “còn nước còn tát”. Các tướng lãnh đều tán thành quan niệm
này. Nhưng sáng 29 tháng 4, Phó Đô đốc Cang được Đại tướng Minh cho biết
là: “Nước đã cạn rồi, đi đi…” Cho tới lúc này, quan niệm của Bộ Tư Lệnh
Hải quân vẫn là di tản khỏi Sài Gòn để bảo toàn lực lượng chớ không
phải để tỵ nạn ngoại quốc. Vì vậy mọi hành động bất thường đưa đến suy
diễn có ý định đào thoát đều không được chấp nhận. Những hành động bất
thường này có thể dẫn đến tình trạng hoảng loạn trong các đơn vị. Ngay
cả các sĩ quan cao cấp trong Bộ tư lệnh cũng rất thận trọng khi di
chuyển gia đình xuống tàu vào giờ chót.
Trong tình huống chưa ngã ngũ, việc đại
tá Sơn chính thức gửi công điện cho phép thủy thủ đoàn đưa gia đình
xuống tàu là một hành động tự tiện, vô nguyên tắc. Việc cho phép thân
nhân xuống tàu sẽ kéo theo việc cho phép thân nhân vào các căn cứ trên
bờ, và như thế sẽ tạo cơ hội cho Việt cộng trà trộn, xâm nhập toàn bộ
các đơn vị Hải Quân. Vì vậy sự việc ông bị cách chức Tư lệnh Ham Đội là
điều dễ hiểu. Quyết định dứt khoát, cứng rắn của Phó Đô đốc Cang có thể
đã giúp ngăn ngừa được các hành động dẫn đến rối loạn, thiếu an toàn
trong vòng đai Hải quân.
Quan trọng nhất là việc cách chức cũng là
để phòng ngừa trường hợp Tư lệnh Hạm Đội bất tuân lệnh Bộ Tư Lệnh Hải
Quân, tự mình dẫn Hạm đội rời Sài Gòn khi tình hình chính trị chưa ngã
ngũ.
Tôi mong Đại tá Sơn đọc được những dòng
này mà thông cảm với Phó Đô đốc Cang và bớt nỗi bực dọc ở trong lòng.
Cũng chính nhờ bộ óc nhạy bén của Phó Đô đốc Cang đưa ra các quyết định
đứng lúc kịp thời mà chuyến di tản được an toàn đến bến bờ tự do…
2.2 Phó Đề đốc Hoàng Cơ Minh
Tôi đã có dịp ghi trong Hải Sử Tuyển Tập:
“Phó Đề đốc Hoàng Cơ Minh là một tướng lãnh giỏi, lanh lẹ, tháo vát,
lại có sức bền bĩ không mệt mõi nên ông đã đóng góp nhiều trong chuyện
di tản. Nhờ ông mà hệ thống truyền tin không bị phá rối, các chỉ thị
chuyển đi được kịp thời, các tin tức thu nhận được đầy đủ giúp việc đánh
giá đúng mức. Tiếng nói của ông đủ thẩm quyền để đem lại sự tin tưởng
và an tâm cho mọi người. Ngoài ra, bất kể lúc nào, khi có đơn vị nào cần
ông có mặt tại chỗ là ông lấy tiểu đỉnh đến tận nơi tìm hiểu giải
quyết.
Tóm lược, Phó Đề đốc Hoàng Cơ Minh đã
hoàn thành mỹ mãn nhiệm vụ được giao phó trong chuyến di tản là duy trì
an ninh truyền tin, trật tự đội hình và giải quyết khó khăn trở ngại cho
hạm đội và cá nhân.
Lấy trường hợp HQ Thiếu tá Vương Thế
Tuấn, Hạm trưởng HQ 229; HQ Thiếu tá Nguyễn Văn Phước, Hạm trưởng HQ 231
(như trong DVD) làm thí dụ. Cả hai Hạm trưởng đều ở trạng thái hoang
mang bất định và muốn trở về Sài Gòn.
Chính Phó Đề đốc Minh đã can gián, khuyên
giải nên họ đồng ý di tản. Đây chỉ là hai trường hợp điển hình. Còn vô
số rắc rối từ cá nhân thủy thủ đoàn… Nhờ kiến thức sâu rộng, nhờ tài
năng ăn nói của mình, Phó Đề đốc Minh đã duy trì được kỷ luật và trật tự
giúp cuộc hành trình êm xuôi… Cũng nhờ khả năng thu thập và phân tích
tình hình, ông đã giúp Phó Đô đốc Cang đưa ra các quyết định nhanh
chóng, hữu hiệu…
Sau nữa, nhưng không phải là sau cùng là
vấn đề oai quyền của người ra lệnh. Bình thường người quân nhân được
huấn luyện để tuân hành mệnh lệnh. Tuy nhiên mức độ tuân hành cũng tùy
thuộc vào hoàn cảnh. Trong trường hợp nguy biến cấp bách, cấp bậc của
người ra lệnh càng cao thì mệnh lệnh càng có uy lực và dễ được tuân
phục. Ta gọi đó là “lấy lon đè người”. Đấy là lý do tại sao Phó Đề đốc
Minh được chỉ định phụ trách hệ thống liên lạc mà không phải là đại tá
Sơn.
Mặt khác, ngoài uy quyền của một tướng
lãnh, cá tính của Phó Đề đốc Minh cũng rất đặc biệt và dễ ảnh hưởng mạnh
mẽ đến người đối thoại. Trong mọi hoàn cảnh, ông rất bình tĩnh, tự tin,
lưu loát và thuyết phục mà không có tính cách ép buộc hay áp chế. Hơn
nữa, Phó Đề đốc Minh rất dai sức, bền bĩ. Ông có thể làm việc ngày đêm
không nghỉ mà vẫn minh mẫn, không tỏ vẻ mệt nhọc. Trong suốt cuộc hành
trình, Phó Đề đốc Minh luôn luôn hiện diện tại nhiệm sở. Đêm như ngày,
tiếng nói của ông vang vang trên hệ thống chỉ huy đã mang lại cảm giác
bình an cho mọi người. Với một cá tính như vậy, dù không là một tướng
lãnh, Phó Đề đốc Minh vẫn có thể hoàn thành nhiệm vụ của mình một cách
hoàn hảo. Nhưng có lẽ cũng chính nhờ vậy mà ông được thăng lên hàng
tướng lãnh một cách nhanh chóng, trước các bạn đồng khóa….
2.3 Đại tá Nguyễn Xuân Sơn
Trong DVD “Chuyến Hải Hành Cuối Cùng”,
Đại tá Nguyễn Xuân Sơn tỏ ra không nhớ lại những gì ông đã làm trong
chuyến di tản. Hoặc giả ông đã chóng quên, hoặc giả ông coi những gì ông
làm trong khi di tản chỉ là công việc bình thường của người quân nhân
nên không đáng ghi nhớ.
Điều động một hạm đội triệt thoái không
phải giản dị mà rất phức tạp. Nếu không nắm vững tình hình hạm đội về
khả năng từng chiến hạm, tình trạng kỹ thuật, mức độ khiển dụng sẵn
sàng, tình trạng nhân viên, tính tình cấp chỉ huy… thì rất dễ đưa ra các
quyết định khiếm khuyết gây khó khăn cho sự điều hành và ảnh hưởng đến
sự hoàn tất của công việc.
Vì nguyên là Tư lệnh Hạm Đội, đại tá Sơn
là người độc nhất trong Bộ tham mưu hiểu thấu đáo tình hình Hạm đội và
đã thực sự có những đóng góp đáng ghi nhận vào cuộc di tản.
Như ở phần tiểu đoạn Làm gì bây giờ,
tôi đã kể đại tá Sơn là người duy nhất biết cách và đã liên lạc ngay
với Hoa Kỳ. Nếu không nhờ ông, do tình hình biến chuyển mau lẹ, kết quả
việc di tản không biết ra sao. Nên ghi nhận là vào ngày 29 tháng 4 đã có
chiến hạm tự động cho tan hàng mà không về điểm tập trung. Hai chiến
hạm đã bỏ ý định này để gia nhập hạm đội di tản.
Trong sự hoạch định công việc, các ý kiến của đại tá Sơn đều được lưu ý và tôn trọng như khi:
- Cứu xét tình trạng hạm đội để đưa đến quyết định đi Subic Bay thay vì đi Guam.
- Chọn lựa các chiến hạm đi trợ giúp các chiến hạm gặp khó khăn hay đi cứu vớt đồng bào tỵ nạn.
- Ấn định đội hình, vận tốc và lộ trình hải hành di tản.
- Sau hết, không nhớ rõ là trong những
trường hợp nào, quá một lần người viết vẫn hình dung thấy bóng đại tá
Sơn đi tới với câu nói” xong rồi” như khi vừa hoàn tất một công việc.
Kết
Gần 40 năm đã trôi qua kể từ ngày
30/4/1975, bây giờ hồi tưởng lại chuyện cũ, chỉ là những hình bóng lờ mờ
trong tâm trí; kể lại những gì đã qua như trong một giấc mơ, đúng sai
không chắc. Nếu có gì sai sót không đúng, xin độc giả cứ tự nhiên lên
tiếng, không cần tham khảo với người viết.
Xin đa tạ.
Đinh Mạnh Hùng
Cựu Phó Đề Đốc HQVNCH
Vũ Thất chuyển
No comments:
Post a Comment