Chẳng
bao giờ cạn đề tài.
Năm mới bạn hỏi tôi sao
ông tìm đâu ra chuyện mà viết mỗi tuần. Đáp rằng viết về con người và chuyện đời
thường thì nghìn năm không hết chuyện. Lại hỏi rằng sao ông viết toàn về tướng
lãnh, viết toàn về thượng cấp. Từ quốc trưởng, đại tướng cho đến thủ tướng. Cãi
lại ngay. Mới đây viết bài về người lính không có số quân là phóng viên chiến
trường Nguyển Cầu. Tuần trước viết bài tiễn đưa người lính không có đơn vị là
ký giả Cao Sơn. Đó là 2 anh chàng đặc biệt của cộng đồng ta ở San Jose mà khi
các anh đi rồi quả thực không có người thay thế.
Rồi mùa nào thức ấy, tôi viết về 19
tháng 6, về 30 tháng 4, về ngày lễ độc lập của Mỹ, ngày của các tổng thống Hoa
Kỳ. Tôi cũng viết về văn nghệ, về các sách xuất bản. Chẳng bao giờ cạn đề tài. Duy
có một điều đáng lưu ý là tác giả vẫn luôn luôn hướng về cái tôi rất đáng ghét.
Museum của chúng tôi. Cơ quan của chúng tôi. Cộng đồng của chúng tôi. San Jose
của chúng tôi. Bằng hữu của chúng tôi. Khóa của chúng tôi. Vân vân.
Những điều bất tiện đó chính là những
bài tự ca nhàm chán mà đôi khi chính các ông chủ báo đăng bài cũng phải đại xá
mà cho in.
Bây giờ lần này, chúng tôi cũng lại xin
viết thêm về câu chuyện ông bạn cùng
khóa của chúng tôi.
Bao
nhiêu gian khổ trần gian.
Trong số anh em cùng khóa Cương Quyết Đà Lạt 54, một
số ít sống còn và chạy thoát năm 75, còn lại đa số tù đầy và dù qua được Hoa Kỳ
thì cũng đã trải qua rất nhiều gian khổ. Nếu phải xếp hạng 10 anh vất vả nhất
thì nhà thơ Đông Anh, Nguyễn đình Tạo nằm trong số “Top ten”.
Trước hết phải nói qua về khóa Cương
Quyết. Nếu bạn gặp ông Hùng Xùi ở Milpitas, người sẽ phát ngôn rằng bọn chúng
tôi là Cương Quyết giả. Nguyễn mộng Hùng vào trường 1953 mới là khóa Cương quyết
thực. Đó là khóa Tư Thủ Đức. Hùng Xùi đã nói cho bà Ngô quang Trưởng biết. Chị biết không, tôi nằm
giường trên. Trưởng nằm giường dưới. Ra trường cùng đi nhẩy dù. Cùng đội mũ đỏ.
Số nó làm tướng. Còn tôi vẫn là Hùng Xùi. Đó là ý kiến của phe Cương Quyết
chính gốc. Tuy nhiên nói gì thì nói. Khóa của chúng tôi là Cương Quyết số 2, tức
là khóa Tư phụ. Sau khóa chính đã đành, lại thuộc về thành phần gửi qua học bên
Đà lạt. Đã là Cương Quyết giả, lại thêm qua làm con nuôi trường Đà Lạt. Anh em
Đà lạt chính gốc oai hùng cũng coi chúng tôi là Đà Lạt giả.
Dù là Cương Quyết phụ hay Đà lạt giả thì khóa
chúng tôi cũng nỗ lực kết đoàn và xây dựng cho nhau để trở thành 1 khóa tên tuổi.
Ngay từ đầu thập niên 80 đã sớm thành lập hội. Anh chị em ta đến với nhau tại hải
ngoại và gửi quà về thăm nuôi các bạn ở quê nhà. Qua thập niên 90, bạn cùng
khóa ra tù cũng theo chân hải ngoại mà cả gan họp khóa ngay tại Việt Nam.Lúc đó
Nghiêm Tôn làm hội trưởng chui. Anh chị em họp lần nào cũng có đại diện từ Mỹ về
tham dự.
Tiếp theo anh thì vượt
biên anh thì HO lần lượt qua Mỹ gần đủ mặt.
Đại hội vĩ đại rực rỡ tên vàng khóa chúng
tôi tổ chức vào năm 2004 kỷ niệm 50 năm. Đầy đủ 8 trung đội trình diện. Các lữ
đoàn trưởng nhẩy dù và TQLC đánh trận Quảng trị cùng với các bạn hiện diện trên
khắp quân khu, khắp chiến trường, đủ mặt anh hùng. Chúng tôi tưởng rằng thế mạnh
như vậy, càng về sau sẽ càng ngon lành hơn. Tưởng vậy mà không phải vậy. Cuối
năm 2013 tôi qua Úc họp khóa với anh em, tổng cộng chỉ hiện diện còn có 2 người.
Còn 2 bạn xa họp qua điện thoại. Tết năm 2014 tôi xuống Nam Cali đại hội toàn
khóa Cương Quyết Đà Lạt để kỷ niệm 60 năm vào trường. Hình ảnh rầm rộ tươi vui
của 10 năm trước không còn nữa. Hiện diện toàn khóa năm xưa hơn 300 sinh viên
sĩ quan quê Hà Nội, bây giờ chỉ về họp mặt có 8 gia đình. Trong số này có 4 đơn
vị đã là góa phụ. Chụp hình kỷ niệm xong, chúng tôi còn phải đi ra nghĩa trang
chụp hình mộ bia của 5 anh bạn để có đủ danh sách 1 tiểu đội Cương Quyết Đà Lạt
1954.
Chính vì hình ảnh họp khóa miền Nam kỷ
niệm 60 năm rất thiếu quân số nên chúng tôi muốn tổ chức thêm buổi họp tại miền
Bắc. Thực may mắn đầu tháng 3-2014 ông bạn Nguyễn đình Tạo tổ chức ngày xum họp
gia đình, anh em chúng tôi xin họp khóa ké vào ngày riêng tư của bạn Tạo để có
dịp gặp nhau cho trọn tình đồng khóa. Gia đình ông họp mặt đãi cơm Tàu chín món
mà lại không chào bàn. Anh em tham dự không cần chuẩn bị bao thơ. Bà con thân hữu
đáp ứng từ Hà Đông mà lên đến Lâm Đồng, Đà Lạt. Từ quận nhất Sài gòn đến quan
quận của 3 chi khu miền duyên hải. Quận Nhơn ngồi với quận Hùng.Toàn là bạn Cương
Quyết của một thời khói lừa.
Bây giờ rất cần giới thiệu với bà con về
khổ chủ là một nhà thơ của chúng tôi. Cũng như đa số Cương Quyết Đà Lạt, bạn
Nguyễn đình Tạo quê huyện Đông Anh, Bắc
Kỳ. Một thân một mình vào Đà Lạt 1954 và từ đó theo quân đội miền Nam. Quê
hương miền Bắc mịt mù xa thẳm suốt 21 năm. Cho đến thời kỳ 70, trung tá Tạo từ
liên đoàn trưởng địa phương quân qua làm quận trưởng Bảo Lộc. Ngày đứt phim,
ông đi cùng toàn bộ gia đình bên vợ và binh sĩ di tản về Hàm Tân, rồi qua Vũng
Tàu. Đơn vị tan hàng, gia đình ông gồm có vợ con cùng với đại gia đình bên vợ cứ
nấn ná, chần chừ, chờ đợi. Mất hẳn cơ hội di tản sau cùng tại Vũng Tàu.. Ông Tạo
nói rằng rất xui là ông không gặp bạn cùng khóa Ngô quang Thiều. Nếu gặp thì
ông đã đi cùng với tiểu đoàn 5 nhẩy dù cùng lúc với anh Thiều đang chỉ huy hậu
cứ. Vì vợ con nên cơ hội bỏ qua, cộng sản bèn bỏ tù ông quận Tạo 9 năm dài.
Trong tù, thi sĩ Đông Anh gặp lão thi sĩ Hà thượng Nhân, được tặng câu thơ bất
hủ :"Những mái đầu rất cao, không một
lời than thở." Dù rằng cụ Nguyễn Bính cũng đã viết rằng: "Bao nhiêu đau khổ ở trần gian, trời đất dành
riêng để tặng chàng"
Không
một lời than thở
21 năm quân ngũ, dù vất vả nhưng vẫn còn
nhiều giây phút vinh quang. Chín năm tù ngục mới quả thực là nín thở qua sông.
Nhưng qua được con sông, bạn tù khi tự do còn tìm được chút hạnh phúc gia đình.
Anh Tạo không may mắn như vậy. Khi được thả về Sài Gòn người vợ năm xưa đã lỡ
bước sang ngang. Chàng trai xứ Đông Anh chỉ còn một con đường đi tới. Anh chọn
đứa con nhỏ thương yêu nhất đi theo. Anh chọn con đường gian khổ nhất để lên đường.
Ngồi tù 9 năm, duyên phận bạc bẽo chẳng còn gì để mất. Cha con đi đường bộ qua
Cam Bốt. Chuyện vượt biên đường biển, có người đi lại 10 lần. Đi đường bộ mười
phần chết chín. Đi không thoát mà trở về thì không ai còn can đãm đi qua cánh đồng
chết xứ Cam Bốt lần thứ hai. Chuyến đi thất bại, bố con dẫn nhau về. Lần sau đi
đường biển. Cậu con bé dại cũng biết sợ nên không đi. Ai ngờ kỳ này bố đi
thoát. Qua đảo rồi qua Mỹ báo tin về. Thằng con bé nhỏ bèn theo người ta xuống
tàu. Suốt 5 năm dài, ông Tạo theo dõi tìm con. Sau cùng đành tin rằng cả con
tàu chìm ở biển Đông. Niềm hy vọng sau cùng của ông Tạo nằm dưới đáy biển. Ôm mối
đau thương mất đứa con thông minh đẹp đẽ nhất. Đứa con út của ông quận Bảo lộc.
Trải qua 5 năm đầu tại Hoa Kỳ, thương con quay quắt, ông sống cô đơn tìm về
sinh lộ.
Ông Tạo ngược xuôi dọc duyên hải Cali Nam Bắc
rồi lên cả Seatle, Porland. Ông tìm cách làm đủ mọi nghề. Những ngày mưa sớm
rét mướt ông đi bỏ báo. Thiên hạ bỏ báo có vợ con phụ việc xếp báo, ném báo.
Ông đi 1 mình. Những ngày nắng ông làm nghề giặt ủi. Cầm bàn ủi quay mặt vào tường
xem ra hơi chán. Ông muốn lấy chổ quay mặt ra đường. Anh thợ Mễ giơ 2 ngón tay
ra dấu phải thâm niên 2 năm công vụ mới được chọn chỗ ngó ra cửa sổ.
Ông nhớ đàn con nheo nhóc ở Việt Nam
nhưng vẫn phải chờ cho đủ 5 năm mới được lập hồ sơ đoàn tụ.
Một
đời đoàn tụ
Khi ông trời ngó lại, ông quận Tạo sống
đủ 5 năm vất vả rồi cuộc đời chuyển ra giai đoạn mới. Về công việc ông trở
thành cán sự xã hội, về tình duyên ông gặp lại người bạn xưa từ Đà lạt, về thời
gian những lá đơn đoàn tụ đầu tiên được phép gừi đi.
Anh em chúng tôi họp khóa tại quận Cam.
Một lễ cưới hết sức đơn giản hình thành. Ông cựu trung tá quận Bảo Lộc đãi trà
Lâm Đồng, giới thiệu người cũ Đà Lạt hôm nay là tân giai nhân. Thay vì tiệc cơm
tàu 9 món, chúng tôi ăn cơm hộp vào buổi trưa hè. Nhà thơ Đông Anh bây giờ có
nàng thơ Đông Em đứng bên cạnh.
Bỏ lại 21 năm chinh chiến địa phương
quân. Bỏ lại 9 năm ngục tù tăm tối. Bỏ lại những chuyến vượt biên vượt biển.
Bây giờ ông làm huấn đạo cho dân tỵ nạn, ông làm thơ tình và ông bắt đầu công
việc dài hạn là làm đơn đoàn tụ.
Để có thể đem được toàn thể con cái qua
Mỹ, ông đã lần lượt chờ đợi suốt 25 năm. Từ cuối thế kỷ 20 cho đến đầu thế kỷ
21, những đứa con lần lượt qua hết, Đứa độc thân, đứa có gia đình con cái. Tuy
nhiên phước bất trùng lai, họa vô đơn chí! Người con trai lớn của ông, niềm hy
vọng sau này quyền huynh thế phụ, thay cha mà trông nom các em. Anh con trai
đoàn tụ sớm, nhưng mấy năm trước lại qua đời vì ung thư. Thi sĩ Đông Anh có bài
thơ khóc con hết sức cảm động. Lá vàng khóc lá xanh.
Toàn
gia xum họp
Nhưng hôm nay là câu chuyện có hậu. Toàn
gia họ Nguyễn quê gốc Đông Anh đoàn tụ. Ông Tạo tâm sự là đời tôi khá lên từ
ngày lấy nhà tôi hiện nay. Gia đình ông với trên 15 người đoàn tụ. Tất cả đều ở
vùng San Jose. Nhà nào cũng có con. Lại có đưa có cháu, gọi là chắt của ông bà.
Con chắt gái năm nay 3 tuổi. Cháu đại diện
cho thế hệ thứ ba. Xem ra như vậy, ông Tạo ngày nay không có điều gì phàn nàn.
Cụ
Hà thượng Nhân ra đi mấy năm trước, để lại cho ông Đông Anh và các bạn thi đàn
Lạc Việt 2 câu thơ tuyệt vời:
Những mái đầu cất cao, Không
một lời than thở.
Nhưng ông Đông Anh không than thở thì lại đến
bà Đông Em thở than.
Nhà em không làm ăn gì cả
Suốt ngày chỉ thơ thẩn
Chết em rồi
No comments:
Post a Comment