Thế giới đang lo ngại với sự trỗi dậy mạnh mẽ của Trung Quốc, còn với người Mỹ sự trỗi dậy đó lại là một cây táo vàng mà người Mỹ đã chăm bẵm, và đã đến lúc để người Mỹ hái những quả vàng.
Những người bài Mỹ thì coi đó là dấu hiệu của việc siêu cường duy nhất trên thế giới trong hàng chục năm qua đã đến lúc suy yếu trước sự trỗi dậy của Trung Quốc. Nhưng với những người thực tế hơn, thì lại là một trong những dấu hiệu cho thấy chiến lược mà người Mỹ dày công thực hiện với Trung Quốc trong gần 20 năm qua đã đến lúc được thu gặt hoa trái.
Thế giới ở thời điểm hiện tại hầu như ai cũng biết rằng, Trung Quốc đang là chủ nợ nước ngoài lớn nhất của Mỹ, khi Bắc Kinh đang nắm trong tay số trái phiếu Mỹ lớn hơn tất cả những quốc gia đang nắm giữ trái phiếu của Mỹ.
Thế giới đang lo ngại với sự trỗi dậy mạnh mẽ của Trung Quốc, còn với người Mỹ sự trỗi dậy đó lại là một cây táo vàng mà người Mỹ đã chăm bẵm, và đã đến lúc để người Mỹ hái những quả vàng.
Hầu như bất cứ nhà phân tích nào trên thế giới cũng đều biết rằng, cốt lõi trong chiến lược ứng phó với sự trỗi dậy của Trung Quốc do Mỹ vạch ra là biến quá trình này trở thành một sự trỗi dậy trong hòa bình.
Mỹ và các nước phương Tây sẽ không cô lập Trung Quốc, một việc vô ích không đem lại lợi ích gì mà còn đẩy Trung Quốc vào thế chân tường và có thể khiến nước này phản ứng tiêu cực và gây ra những nguy cơ lớn ở khu vực và trên thế giới.
Thay vào đó, Mỹ chấp nhận để Trung Quốc mở cửa và phát triển kinh tế, với lãnh thổ rộng lớn và dân số đứng đầu thế giới Trung Quốc sẽ có thể trở thành một đòn bẩy quý giá cho nền kinh tế thế giới.
Cùng với đó sẽ là việc Mỹ sẽ ngăn chặn những nguy cơ sự trỗi dậy này có thể gây ra những tác động xấu đối với khu vực và thế giới. Nói cách khác, Mỹ sẽ thuần hóa con hổ Trung Quốc trở thành một con ngựa thồ khỏe mạnh kéo cỗ xe kinh tế thế giới, bằng cách bẻ hết nanh vuốt có thể gây ra nguy hiểm của nó. Không còn nanh vuốt, một con hổ cũng có thể trở thành một con ngựa thồ.
Và cho đến thời điểm hiện tại, chiến lược có phần thực dụng này của người Mỹ đã tỏ ra là một chiến lược không tồi. Sau ba thập kỷ mở cửa phát triển kinh tế, Trung Quốc đã trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới và góp phần không nhỏ vào sự thịnh vượng của kinh tế toàn cầu.
Sự tăng trưởng kinh tế nhanh chóng của Trung Quốc đã thực sự trở thành một đòn bẩy quý giá đối với kinh tế thế giới, khi mà hầu hết các quốc gia trên thế giới đều thu được những lợi ích không nhỏ từ việc quan hệ kinh tế và thương mại với Trung Quốc.
Những nhà phân tích đều tỏ ra nể vì tầm nhìn và khả năng phân tích của người Mỹ khi biến Trung Quốc trở thành một động lực quan trọng với kinh tế toàn cầu. Nhưng ít người biết được rằng, trong chiến lược khôn ngoan ấy của người Mỹ, thì về lâu dài Mỹ mới là quốc gia được hưởng lợi lớn nhất từ sự phát triển kinh tế nhanh chóng của Trung Quốc.
Điều này đã sớm được bộc lộ từ năm 2007 khi cuộc khủng hoảng tài chính Mỹ diễn ra. Sự sụp đổ của hệ thống ngân hàng và bảo hiểm ở Mỹ đã dẫn đến sự đóng băng của thị trường tài chính.
Để cứu vãn tình thế Mỹ đã phải bơm một lượng lớn USD vào hệ thống tài chính, nó đã gây ra một cuộc lạm phát lớn của đồng USD khiến cho mọi quốc gia trên thế giới đang nắm giữ USD đều bỗng dưng bay hơi mất một phần giá trị. Kẻ hứng chịu hậu quả nặng nhất từ cú ăn cướp vĩ đại ấy của người Mỹ là Trung Quốc. Chỉ sau một đêm, quỹ dự trữ ngoại tệ lên tới hàng ngàn tỷ USD của Trung Quốc bỗng dưng không cánh mà bay một lượng không nhỏ do đồng USD lạm phát. Số của cải mà người Trung Quốc bỗng dưng bị mất đó đã rơi vào tay Mỹ thông qua sự mất giá của đồng USD. Trung Quốc ở thời điểm đó đã gần như trở thành một con mồi để Mỹ hút máu.
Tám năm trôi qua kể từ khi Trung Quốc ngậm bồ hòn làm ngọt trước cú cướp đoạt vĩ đại của người Mỹ, thì Trung Quốc giờ đây đã không chỉ còn là một con mồi để Mỹ hút máu nữa, mà đã thực sự trở thành một cây táo vàng đang sinh ra những quả vàng cho người Mỹ hái. Và điều đó cũng nằm trong tính toán của người Mỹ.
Vấn đề cốt lõi nhất với Trung Quốc ở thời điểm hiện tại là, giai đoạn phát triển kinh tế tiếp theo của nước này sẽ là gì. Hầu hết đều biết đó là việc Trung Quốc sẽ phải tăng cường đầu tư ra các thị trường nước ngoài. Vậy thì đâu sẽ là điểm đến chính yếu nhất cho dòng vốn đầu tư của người Trung Quốc? Câu trả lời là Mỹ.
So với mọi thị trường khác trên thế giới, Mỹ là điểm đến được các nhà đầu tư Trung Quốc ưa thích nhất. Sự phóng khoáng của nền kinh tế, sự ổn định được duy trì bởi luật pháp và một xã hội năng động với một thị trường khổng lồ, tất cả những cái đó khiến Mỹ trở thành điểm đến thu hút nhất với các nhà đầu tư Trung Quốc, những người đã quá chán ngán với những hậu quả khôn lường đến từ sự bất ổn chính trị trong nước.
Làn sóng các nhà đầu tư Trung Quốc vào Mỹ đang ngày càng tăng lên, tính từ năm 2000 đến 2014 đã có khoảng 46 tỷ USD được các nhà đầu tư Trung Quốc bỏ vốn vào thị trường Mỹ. FDI của Trung Quốc vào thị trường Mỹ tới năm 2020 có thể đạt tới 200 tỷ USD, dẫn đầu trong số các quốc gia đầu tư vào thị trường Mỹ.
Điều đáng chú ý ở đây là, hầu hết các dự án đầu tư này đều là những dự án trong đó nhà đầu tư Trung Quốc mua lại những cơ sở kinh doanh sẵn có ở Mỹ và phát triển thêm lên. Nó trái với cung cách làm ăn quen thuộc của các doanh nghiệp Trung Quốc ở nước ngoài là chiếm được dự án và đem hàng ngàn công nhân Trung Quốc sang làm việc. Đa phần các dự án của các doanh nhân Trung Quốc đầu tư vào Mỹ là hướng đến sở hữu các cơ sở kinh doanh sinh lời, nhà đầu tư vẫn sẽ giữ nguyên đội ngũ nhân viên bản địa.
Nói một cách khác, các nhà đầu tư Trung Quốc đang tự nguyện bỏ tiền túi của mình ra góp phần duy trì sự vận hành của nền kinh tế Mỹ như một người trong cuộc, chứ không đơn thuần là một nhà đầu tư nước ngoài sẵn sàng dứt áo ra đi bất cứ lúc nào.
Lý giải cho khuynh hướng này, nguyên nhân chủ đạo được đưa ra đó là các nhà đầu tư Trung Quốc muốn tạo một nơi trú ẩn an toàn cho mình ở Mỹ. Ở Trung Quốc một doanh nhân có thể nhanh chóng phá sản và mất tất cả chỉ cần một biến động chính trị xảy ra, để tránh nguy cơ đó họ sẽ bỏ tiền ra đầu tư ở nước ngoài hoàn toàn không liên quan đến trong nước.
Mục đích lớn nhất của những nhà đầu tư này, là tạo ra một lối thoát nếu như họ phải rời Trung Quốc chứ không phải vì mục tiêu thu lợi nhuận để đem về Trung Quốc như những nhà đầu tư khác. Và những nhà đầu tư kiểu này đang trở thành những quả táo vàng thực sự với người Mỹ, khi dòng vốn của chính người Trung Quốc đang rời khỏi nước này để đổ vào thị trường Mỹ để giúp vận hành nền kinh tế Mỹ đang ngày càng nhiều.
Khi mà số lượng triệu phú và người giàu Trung Quốc đang tìm cách rời khỏi nước này ngày càng tăng, thì nó cũng đồng nghĩa với việc tiền đổ vào Mỹ ngày càng nhiều. Có vẻ như đã đến lúc, người Mỹ có thể bắt đầu hái những trái táo vàng mà họ đã mất công chăm bẵm bấy lâu nay, những trái táo vàng mang tên Trung Quốc.
N.Đ./ Motthegioi (theo Bloomberg)
quehuongngaymai.com
TVQ chuyển
No comments:
Post a Comment