Monday, May 18, 2015

Mỹ vẽ “lằn ranh đỏ” trên biển Đông







Ngoại trưởng Trung Quốc Wang Yi hôm 6/5 đã tức giận nói với người đồng cấp Mỹ John Kerry rằng Bắc Kinh sẽ “không lay chuyển” trong vấn đề bảo vệ chủ quyền. Tuyên bố này được đưa ra trong bối cảnh hai cường quốc hàng đầu thế giới đang có cuộc khẩu chiến gay gắt về vấn đề Biển Đông. Mỹ công khai thách thức hành động xây dựng bồi đắp, cải tạo và xây dựng trái phép của Trung Quốc ở Biển Đông. 
 Mỹ đang cân nhắc khả năng đưa tàu chiến và máy bay do thám vào khu vực nằm trong phạm vi 12 hải lý so với các đảo nhân tạo mà Bắc Kinh đang xây dựng phi pháp ở Biển Đông.
Bước đi trên của Mỹ có thể gây ra một cuộc đối đầu ở vùng Biển Đông – nơi chứa các tuyến đường biển chiến lược có tính sống còn đối với thế giới và cũng là nơi được cho là chứa đựng nguồn dầu mỏ, khí đốt dồi dào.

Bắc Kinh ngang nhiên đòi chủ quyền đối với hầu hết Biển Đông và sau cuộc hội đàm với Ngoại trưởng Mỹ Kerry ở thủ đô Bắc Kinh, Ngoại trưởng Trung Quốc Wang Yi đã nói: "Quyết tâm của phía Trung Quốc là bảo vệ chủ quyền và sự toàn vẹn lãnh thổ. Quyết tâm đó rắn chắc như đá và không thể lay chuyển”.
"Đó là yêu cầu của nhân dân chúng tôi đối với chính phủ cũng như là quyền hợp pháp của chúng tôi”, ông Wang Yi đã nói như vậy tại một cuộc họp báo chung.
Đáp lại, Ngoại trưởng Kerry bày tỏ, Mỹ “lo ngại về tốc độ và phạm vi của những hoạt động bồi đắp, cải tạo và xây dựng của Trung Quốc” ở Biển Đông và kêu gọi nước này “hãy hành động để cùng với tất cả mọi người làm giảm căng thẳng” trong khu vực.
Khu vực cần “nền ngoại giao thông minh” hơn là “những tiền đồn và đường băng quân sự”, ông Kerry nói, ám chỉ đến các hoạt động bồi đắp, cải tạo trái phép của Trung Quốc ở Biển Đông.

Trước cuộc hội đàm giữa ngoại trưởng hai nước Mỹ, Trung, giới chức cấp cao của Bộ Ngoại giao Mỹ đã cho biết, nhà ngoại giao hàng đầu của họ sẽ có lập trường cứng rắn và sẽ để “Trung Quốc hiểu rõ mà không có bất kỳ nghi ngờ gì về cam kết của Mỹ trong việc duy trì sự tự do hàng hải” ở Biển Đông. “Đó là một nguyên tắc mà chúng tôi quyết tâm duy trì”, vị quan chức Mỹ khẳng định.
Biển Đông đang là nơi chứng kiến những cuộc tranh chấp lãnh thổ, lãnh hải gay gắt giữa Trung Quốc với 4 quốc gia Đông Nam Á gồm Philippines, Việt Nam, Brunei, Malaysia, và Vùng lãnh thổ Đài Loan.

Biển Đông là một trong những vùng biển quan trọng nhất thế giới bởi nó chứa các tuyến đường hàng hải sống còn. Đồng thời Biển Đông còn được cho là chứa đựng một trữ lượng tài nguyên thiên nhiên hấp dẫn, đặc biệt là dầu mỏ. Chính vì thế, Trung Quốc có tham vọng độc chiếm Biển Đông. Trong những năm gần đây, Trung Quốc có nhiều hành động quyết liệt và hung hăng nhằm thực hiện giành quyền kiểm soát gần như toàn bộ Biển Đông. Đặc biệt, gần đây, Trung Quốc đang đẩy mạnh các hoạt động bồi đắp, cải tạo và xây dựng trên 6 bãi san hô mà nước này chiếm đóng trái phép trên quần đảo Trường Sa vốn thuộc chủ quyền không thể tranh cãi của Việt Nam.
Việc Trung Quốc tăng cường hoạt động bồi đắp, cải tạo và xây dựng trên Biển Đông đang gây ra nỗi quan ngại rất lớn không chỉ với các nước có liên quan trong khu vực mà với cả cộng đồng thế giới. Hàng loạt nước, đặc biệt là Mỹ, đã liên tiếp lên tiếng bày tỏ thái độ bất bình đối với các hành động của Trung Quốc.
Trước khi Ngoại trưởng Kerry đến Trung Quốc, giới chức Mỹ liên tiếp tuyên bố hoạt động cải tạo đất quy mô lớn của Bắc Kinh ở biển Đông có thể gây ra những hậu quả tiêu cực đối với sự ổn định của khu vực và mối quan hệ với Washington.

Báo The Globe and Mail (Canada) nhận định Tổng thống Mỹ Barack Obama đang có ý định thách thức yêu sách chủ quyền gây tranh cãi của Trung Quốc ở biển Đông khi cử Ngoại trưởng Kerry đến Bắc Kinh với thông điệp Mỹ không chấp nhận sự bành trướng trên biển của Trung Quốc. Kết quả chuyến đi có thể là cơ sở cho những chính sách sắp tới của Washington.
Ngoài lời nói, Washington trong những tháng gần đây đã có những hành động cụ thể, bao gồm đẩy mạnh hợp tác với các đối thủ của Trung Quốc ở khu vực như Ấn Độ, Nhật Bản; tái khẳng định cam kết bảo vệ đồng minh và bắt đầu vẽ “lằn ranh đỏ” tại những vùng biển mà Bắc Kinh có ý đồ “nuốt trọn”.
Bước đi mới nhất có thể là động thái gửi tàu chiến và máy bay đến biển Đông để thực thi quyền tự do hàng hải, nếu được Nhà Trắng bật đèn xanh. Giờ là lúc người ta chờ xem ông Obama có sẵn sàng sử dụng sức mạnh quân sự trong trường hợp những “lằn ranh đỏ” nêu trên bị xâm phạm hay không.



Nguy cơ bùng nổ xung đột Mỹ-Trung

Khi Hải quân Mỹ đưa một tàu chiến đấu tuần duyên đến thực hiện chuyến tuần tra đầu tiên ở quần đảo Trường Sa trên Biển Đông (hình bên) trong tuần vừa qua, lực lượng này cũng theo dõi cả bầu trời ở khu vực.
Tàu USS Fort Worth – một trong những chiếc tàu hiện đại nhất của Hải quân Mỹ, đã phái một máy bay do thám không người lái và một trực thăng Seahawk đi tuần tra không phận, một tuyên bố ít được chú ý được đăng tải trên website của Hải quân Mỹ cho biết.


SOUTH CHINA SEA (May 11, 2015) The littoral combat ship USS Fort Worth (LCS 3) conducts patrols in international waters of the South China Sea near the Spratly Islands.
(U.S. Navy photo by Mass Communication Specialist 2nd Class Conor Minto/Released)

Trong khi Hải quân Mỹ không đề cập đến những hoạt động bồi đắp, cải tạo, xây dựng cấp tập và trái phép của Trung Quốc ở quần đảo Trường Sa thì những hành động của tàu USS Fort Worth được cho là một hành động phô trương năng lực và sức mạnh Mỹ khi mà ngày càng có nhiều khả năng Trung Quốc sẽ thông báo thiết lập vùng nhận diện phòng không ở khu vực giống như nước này từng làm ở biển Hoa Đông.
"Điều đó là khó tránh khỏi. Tôi cá là cuối cùng họ sẽ làm điều đó nhưng tôi chỉ không biết là khi nào”, một chỉ huy quân sự cấp cao của Mỹ hiểu rõ tình hình ở Châu Á nhận định.
Vùng nhận diện phòng không không được quy định trong các hiệp ước hay luật chính thức nhưng nó thường được một số nước dùng để mở rộng quyền kiểm soát biên giới quốc gia. Vùng nhận diện phòng không đòi hỏi các máy bay quân sự và dân sự của các nước khác phải thông báo và nhận diện bản thân trước chủ nhà nếu không muốn bị đối mặt với hành động ngăn chặn về quân sự.
Trung Quốc đã từng gây bất bình và sự phản đối rất lớn từ các nước trong khu vực và Mỹ sau khi nước này hồi cuối năm 2013 bất ngờ tuyên bố thành lập vùng nhận diện phòng không ở biển Hoa Đông – nơi Trung Quốc đang có tranh chấp với Nhật Bản.

Trung Quốc ngày càng tỏ ra quyết liệt và bạo gan hơn trong các hành động nhằm tranh giành chủ quyền ở Biển Đông. Điều này đã khiến Mỹ hết sức lo ngại. Washington bắt đầu có nhiều động thái nhằm ngăn chặn tham vọng độc chiếm Biển Đông của Bắc Kinh. Diễn biến này gây ra quan ngại về khả năng bùng nổ xung đột giữa hai cường quốc hàng đầu thế giới.
Quân đội Mỹ dọa áp sát đảo nhân tạo Trung Quốc xây phi pháp ở Trường Sa



Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ash Carter đã yêu cầu thuộc cấp phác thảo phương án cho máy bay trinh sát của hải quân bay tuần trên các đảo nhân tạo Trung Quốc đang bồi đắp phi pháp tại quần đảo Trường Sa ở Biển Đông và điều tàu chiến áp sát các đảo nhân tạo này cách 12 hải lý (22 km), theo nguồn tin của The Wall Street Journal.
Tờ báo Mỹ bình luận rằng động thái này của Mỹ sẽ thách thức trực tiếp đến nỗ lực của Trung Quốc bành trướng tại Biển Đông thông qua việc mở rộng thêm lãnh thổ bằng các đảo nhân tạo xây phi pháp.
“Chúng tôi đang xem xét làm thế nào để thể hiện quyền tự do hàng hải trong vùng biển đóng vai trò tối quan trọng đối với giao thương toàn cầu”, vị quan chức giấu tên của Mỹ nói với The Wall Street Journal. Ông này cũng nói thêm rằng đề xuất này đang chờ được Nhà Trắng phê duyệt.
Nếu được thông qua, động thái này của Lầu Năm Góc sẽ là một thông điệp cảnh báo Trung Quốc rằng Mỹ sẽ không tán thành các tuyên bố chủ quyền của Bắc Kinh đối các hòn đảo nhân tạo tại khu vực này, The Wall Street Journal bình luận.
Mỹ từng cho biết không công nhận các đảo nhân tạo là lãnh thổ của Trung Quốc. Tuy nhiên, theo các nguồn tin từ quân đội Mỹ mà The Wall Street Journal có được, Hải quân Mỹ cho đến nay chưa từng gửi máy bay hay tàu chiến đến vị trí cách các bãi đá mà Trung Quốc đang bồi đắp khoảng 12 hải lý nhằm tránh leo thang căng thẳng.
The Wall Street Journal nhận định nếu Mỹ dùng tàu chiến hoặc máy bay hải quân để thánh thức các tuyên bố chủ quyền tại Biển Đông của Trung Quốc và Bắc Kinh vẫn không lùi bước, căng thẳng trong khu vực sẽ leo thang và cả hai phía đều chịu áp lực phải phô trương sức mạnh quân sự tại vùng biển tranh chấp.
Reuters cho biết Ngũ Giác Đài và Nhà Trắng vẫn chưa bình luận gì về thông tin trên.
Ông Zhu Haiquan, phát ngôn viên đại sứ quán Trung Quốc tại Washington, ngang ngược cho biết Trung Quốc có “chủ quyền không thể chối cãi” đối với quần đảo Trường Sa và các vùng biển lân cận và còn trắng trợn khẳng định hoạt động bồi đắp đảo của Trung Quốc là “hợp tình, hợp lý và hợp pháp”.
Việc Mỹ điều tàu chiến và máy bay quân sự áp sát đảo nhân tạo của Trung Quốc sẽ là động thái phù hợp với các chiến dịch bảo vệ “quyền tự do hàng hải” của quân đội Mỹ, như đã từng tiến hành hồi năm 2014 để thách thức tuyên bố chủ quyền biển đảo của 19 quốc gia, trong đó có Trung Quốc. Trung Quốc từng bị Nhật Bản và Mỹ lên án gay gắt hồi năm 2013 khi tự ý thiết lập vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) tại biển Hoa Đông. Lúc đó Mỹ đáp trả bằng việc cho máy bay ném bom B-52 bay qua vùng ADIZ này.
Quan chức quốc phòng Úc đề xuất đưa quân đến Biển Đông để đối phó Trung Quốc


HMAS Parramatta, khu trục hạm lớp ANZAC của Hải quân Hoàng gia Úc (Reuters)

Úc nên chuẩn bị điều động máy bay và tàu quân sự đến Biển Đông để ngăn các hoạt động khẳng định chủ quyền gần như toàn bộ vùng biển quan trọng này của Trung Quốc, một nhà hoạt định chính sách quốc phòng hàng đầu của Úc đề xuất.
Đề xuất này được ông Peter Jennings, người đứng đầu ban cố vấn soạn thảo sách trắng quốc phòng của chính quyền Thủ tướng Tony Abbott, đưa ra, nhật báo The Sydney Morning Herald (Úc) đưa tin ngày 15.5.

Mặc dù vẫn chưa được lãnh đạo quân đội hay chính phủ Úc tán thành, nhưng đề xuất này thể hiện mức độ lo ngại của Canberra trước các tuyên bố chủ quyền hung hăng, phi lý của Trung Quốc tại Biển Đông, The Sydney Morning Herald bình luận.
Nhật báo lâu đời nhất nước Úc cho biết mối lo ngại của các nước trong khu vực trong năm 2015 tập trung vào việc Trung Quốc ngang ngược xây dựng cầu cảng, đường băng và thậm chí có khả năng là cả các pháo đài trên các đảo nhân tạo ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam.

Và mối lo ngại trên ngày một gia tăng, thể hiện qua sự cố “nói nhầm” của một quan chức quốc phòng Mỹ về việc Washington sẽ điều động máy bay ném bom siêu âm chiến lược B-1 sang Úc.
Phát biểu trước Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ ngày 14.5, ông David Shear, Thứ trưởng Quốc phòng phụ trách khu vực châu Á-Thái Bình Dương, khẳng định việc điều động máy bay ném bom siêu âm chiến lược B-1 đến Úc là một phần trong nỗ lực củng cố sức mạnh quân sự cho Úc. Phía Úc sau đó đã phủ nhận tuyên bố này, cho rằng ông Shear đã “nói nhầm”.
Ông Jennings bình luận đây không phải là lần đầu tiên quan chức Lầu Năm Góc “nói nhầm”, nhưng tình tiết này cho thấy Mỹ đang củng cố vị thế của mình trước một Trung Quốc đang ngày càng hung hăng.

Để bảo vệ uy tín của mình, Mỹ sẽ phải vô hiệu hóa các tuyên bố chủ quyền ngang ngược của Trung Quốc tại Biển Đông bằng cách cho phép tàu và máy bay quân sự áp sát các đảo nhân tạo của Bắc Kinh. Và Úc nên tiếp bước theo sau chiến lược này, ông Jennings cho biết.
“Bước tiếp theo sau khi khẳng định lập trường của chúng ta (tại Biển Đông) đơn giản là thể hiện nó ra bằng cách cho tàu thuyền và máy bay đi qua vùng biển và vùng trời (của các đảo nhân tạo)”, quan chức quốc phòng Úc đề xuất.
TNO
quehuongngaymai.com

TVQ chuyuển 

No comments: