Wednesday, August 17, 2016

ĐƯA TIỄN - ĐIỆP MỸ LINH




 Truyện ngắn
ĐƯA TIỄN
ĐIỆP MỸ LINH
Rời nơi gửi hành lý một khoảng ngắn, Thắng hơi chậm bước, vừa quay lại chờ Bích-Thủy vừa đưa tay xem đồng hồ. Đến gần Thắng, Bích-Thủy hỏi: 
- Mấy giờ rồi, con?
Thắng đáp bằng tiếng Việt “ba rọi”:
- Mình còn hơn một giờ đồng hồ nữa để…kill đó, măng.
- Ủa, mình đến sớm dữ vậy à? Con muống hé uống chút gì không?
- Con hơi đói, không biết trên máy bay họ có cho ăn hay không nữa.
Bích-Thủy nhìn quanh:
- Ăn gì ở đây hè? Toàn hot dogs với hamburgers không…
- Pizza kìa, Măng ăn không?
Nhìn theo ngón tay của Thắng, Bích-Thủy thấy hai chữ Pizza Hut in màu đỏ đậm, dưới hình một mái nhà cùng màu. Hai Mẹ con bước vào, tiến thẳng đển chỗ order. Bích-Thủy quan sát thật nhanh rồi hỏi:
- Ngồi đâu, Thắng?
Thắng chưa kịp trả lời, một cô gái Á-Đông từ sau quày nước ngọt chồm ra, mời bằng tiếng Việt; vì cô này vừa nghe câu Bích-Thủy hỏi Thắng:
- Anh chị dùng chi?
Thắng cười, quay sang Bích-Thủy:
- Măng nghe cô này nói gì không, Măng?
- Nói gì?
Thắng lập lại lời cô hầu bàn. Bích-Thủy cười rộ lên:
- A, cô này cần đeo kính rồi.
- Măng để con.
Nói xong Thắng quay sang cô gái, cười:
- Cô ơi! Cô.
- Dạ, anh chị order hả?
- Măng tôi nói cho cô mượn cặp kính đeo mắt kìa.
- Kính đeo mắt? Anh nói gì tôi không hiểu.
- Đây là Mẹ tôi.
Nói xong Thắng cười tươi, ngầm vui thích; vì đây không phải là lần đầu tiên có người gián tiếp khen Bích-Thủy trẻ. Cô gái tròn mắt, xin lỗi hai ba lần.
Hai Mẹ con đem hai pizza nhỏ, hai ly nước ngọt, ít khăn giấy, đến chiếc bàn dài sát cửa kính. Từ đó, cả hai vừa ăn vừa nhìn những sinh hoạt của một phần phi trường.

Là một phụ nữ sớm hấp thụ văn hóa Tây-Phương, Bích-Thủy biểu lộ tình cảm với con dễ dàng chứ không khép kín như hầu hết các bà Mẹ Á-Đông. Và Thắng, tuy là một thanh niên, mang cấp bậc Thiếu-Úy Hải-Quân, nhưng vì được cưng chìu, cho nên, hễ được dịp Thắng hay “nhõng nhẽo” với Mẹ. Ngoài những lý do như: Con một, ngoan, học giỏi, biết “nịnh” và hay “làm nũng” của Thắng, Bích-Thủy biết còn một lý do kín đáo và sâu sắc khác khiến nàng trút tất cả tình thương vào Thắng.
Sau khi hai Mẹ con ăn pizza xong, thấy Thắng thu dọn các thứ vặt vảnh đem đến thùng rác, Bích-Thủy cảm thấy thương con vô vàn.
Bỏ rác xong, Thắng trở lại bên Mẹ. Thấy nét mặt của Bích-Thủy buồn quá, Thắng cũng xốn xang trong lòng. Thắng gợi chuyện với mục đích làm cho Bích-Thủy đừng nghĩ ngợi nhiều đến chuyến ra khơi của chàng:
- Măng à! Măng biết tại sao Tường-Vân không đưa con đi không?
Nghe Thắng nhắc đến cô bạn gái của chàng, Bích-Thủy mới chợt nhớ đến sự vô tình của mình:
- Ô, măng quên hỏi con về Tường-Vân. Chắc cô nàng sợ cảnh đưa tiễn chứ gì?
- Dạ. Tường-Vân bảo Tường-Vân chịu không nổi!
- Chắc con ít vui vì không có Tường-Vân ở đây, phải không?
Thắng hất nhẹ cánh tay Bích-Thủy”
- Thôi, có măng đủ rồi.
- “Nịnh” nữa rồi. Cái cậu này!
Hai Mẹ con cùng cười. Thắng cúi xuống mở túi nhỏ bên xắc hành lý xem lại vé máy bay. Bích-Thủy quan sát những hoạt động âm thầm bên kia cửa kính.
Nhìn những phi cơ dân sự đậu cách khoảng đều đặn, không dưng Bích-Thủy cảm thấy như nỗi nhớ nhung nào đó vừa chỗi dậy trong lòng. Suy nghĩ một lúc Bích-Thủy cũng chưa thể xác quyết được cái gì gợi nỗi nhớ và nàng đang nhớ cái gì!
Trong khi Bích-Thủy cố tìm ra nguyên nhân sự ray rức nhè nhẹ trong hồn thì Thắng muốn tìm chuyện vui kể cho Bích-Thủy nghe, để làm Bích-Thủy nguôi buồn, và cũng để đẩy lui nỗi lo âu chợt đến chợt đi trong lòng chàng.


Đôi khi Thắng muốn chối bỏ động từ “lo âu”, vì nghĩ một thanh niên mà lo âu là yếu, là “ẹ”. Nhưng không lo âu sao được khi mà suốt mấy năm qua, sau khi vừa xong đại học, chàng “nhảy” ngay vào quân trường sĩ quan Hải-Quân OCS – Officer Candidate School – rồi sau đó, học hết khóa bổ túc này đến khóa chuyên môn nọ. Nghĩa là gần thăng cấp Trung-Úy Hải-Quân đến nơi mà Thắng chỉ biết học và huấn luyện chứ chưa một ngày nhận trách nhiệm – trừ những phiên trực! Rồi, đùng một cái, hết các khóa tu nghiệp, họ “đẩy” chàng sang án ngữ vùng Trung-Đông. Thật ra không phải Thắng lo ngại cho mạng sống của chàng mà chính ra Thắng chỉ lo vì không biết chàng sẽ trực diện với những gì trên Soái-Hạm.
Không biết đúng hay sai, nhưng Bích-Thủy nghĩ: Thắng tòng sự trên Soái-Hạm, có Đô-Đốc trên đó thì vấn đề an ninh, phòng vệ và tiếp cứu sẽ được bảo đảm hơn. Ý nghĩ này giúp Bích-Thủy an lòng được một thời gian ngắn. Nhưng khi hay tin Iran có bom nguyên tử, Bích-Thủy điếng hồn, tưởng như người ta sắp đưa Thắng vào lò hủy diệt. Vì vậy, bên Thắng, Bích-Thủy giả vờ cười nói líu lo, nhưng thỉnh thoảng nàng quay đi, cố nén tiếng thở dài, hoặc giấu những giọt nước mắt đang đọng trên mi. Hành động của Bích-Thủy dù kín đáo cách mấy cũng không thể qua mặt được Thắng:
- Măng! Măng khóc, phải không?
- Không! Măng bị allergy.
- Măng dối con không?
Bích-Thủy vừa mở ví lấy khăn giấy chậm vào mắt vừa lắc đầu: “Không.”
Biết Bích-Thủy trả lời không thật nhưng Thắng lặng im, thở dài. Nếu có Tường-Vân ở đây nữa, không biết chàng sẽ hành động như thế nào trước nỗi lo lắng, buồn khổ của hai người phụ nữ chàng cùng thương. Nghĩ đến Tường-Vân, bất chợt Thắng cười một mình vì nhớ lại một kỷ niệm rất dễ thương. Thắng tươi ngay nét mặt:
- Măng! Măng muốn nghe chuyện vui của con không?
- Nghe chứ. Chuyện gì, con?
- Chuyện lần đầu tiên con quen Tường-Vân.
- Thôi, chuyện riêng của mấy người nhỏ, kể cho “bà già” nghe làm chi.
- Con thích kể cho Măng mà Măng không muốn nghe, con buồn lắm đó.
- Thôi, kể đi, cậu.
- Lúc Tường-Vân vừa từ đại học Texas A&M chuyển về, nhiều thằng theo lắm, nhưng cô nàng rất khó. Con hơi khớp. Nhưng tụi bạn khích tự ái con cho nên con nhất quyết phải chinh phục Tường-Vân cho tụi nó biết tay.
Con để ý, thấy mỗi chiều, sau giờ Tâm-Lý-Học, Tường-Vân thường vào thư viện. Một buổi chiều, con vào sau Tường-Vân khoảng bảy tám phút. Nhìn quanh, thấy Tường-Vân ngồi một mình và các bàn khác đều bị chiếm cứ cả, con thầm mừng.
Tiến đến bàn Tường-Vân ngồi, con làm bộ ra vẻ nôn nóng, cố gợi sự chú ý của Tường-Vân; nhưng Tường-Vân vẫn tỉnh bơ, không thèm để ý. Con nhích nhẹ cái ghế đối diện với Tường-Vân: “Xin lỗi cô. Tôi ngồi đây được không, thưa cô?” Vẫn không thèm ngẫng lên, Tường-Vân đáp khẽ: “Dạ, được ạ”. Giả vờ chăm chú đọc sách, nhưng con cứ lén nhìn sóng mũi thẳng, nhọn và khuôn mặt trái soan của Tường-Vân núp dưới mái tóc cắt kiểu A-Bop.
Càng nhìn Tường-Vân con càng thích nàng trong khi nàng cứ tỉnh queo đọc, chép, lật hết trang nọ sang trang kia. Con cũng giả vờ ghi ghi, chép chép một chốc rồi con ngẫng lên nhìn Tường-Vân: “Cô ơi! Xin lỗi, cô cho tôi hỏi cô cái này, được không, cô?” Tường-Vân ngẫng lên, nhìn con: “Dạ, được chứ.” Con cố làm mặt nghiêm: “Đánh vần chữ tôi đã gặp (I met) như thế nào, hả, cô?” Tường-Vân tròn mắt ngạc nhiên nhìn con. Chỉ trong bao nhiêu tích tắc đó thôi mà đôi mắt mí lót, màu nâu của Tường-Vân khiến con cảm thấy rộn ràng như chính nàng đang cười với con.
Qua vài tích tắc đó, Tường-Vân thong thả đánh vần: “Ai em i ti”. (I, M, E, T, cũng có thể hiểu theo nghĩa tiếng Anh: I am ET). Con cười thầm nhưng giả vờ không nghe rõ: “Dạ, cô nói sao?” Tường-Vân lập lại: “Ai em I ti”. Con đứng bật dậy, chìa tay thẳng vế phía Tường-Vân: “Chào cô ET.(Hi, Miss ET). Tôi tên Thắng”. Thoạt tiên, Tường-Vân trố mắt nhìn sững con như nhìn một giả nhân. Một thoáng sau, như hiểu ra, da mặt Tường-Vân trở nên đỏ dần, đỏ dần và Tường-Vân cười…
Nghe đến đây, Bích-Thủy cười, đánh nhẹ vào vai Thắng:
- Anh chàng này “xạo” dữ hén.
Hai Mẹ con đang vui cười, chợt thực tế ập đến bằng một giọng trong vắt: “Mời quý vị đáp chuyến bay số 7 đi San Diego ra cửa số 9. Bắt đầu từ vé số 50 đến số 40.”
Thắng đứng lên, xách chiếc xắc nhỏ:
- Con đi, Măng.
- Ủa, họ gọi những người đi San Diego mà, con.
- Dạ, tất cả quân nhân Hải-Quân đều đến San Diego rồi mới được đưa sang Saudi Arabia.
Bích-Thủy cúi mặt, cố không để Thắng thấy nàng đang khóc. Thắng tiếp:
- Thôi, Măng về đi, Măng.
- Măng chờ con đi đã.
Cả hai rời Pizza Hut, đi nhanh đến cổng số 9. Thắng đứng vào hàng, vì số thứ tự của chàng vừa được gọi. Bích-Thủy đứng cạnh. Sự bịn rịn, nỗi luyến thương dâng lên ngập lòng khiến Bích-Thủy muốn ôm Thắng vào lòng như ngày Thắng còn bé; nhưng tập quán Đông-Phương chỉ cho phép nàng đứng cạnh, vỗ vỗ vào vai Thắng mà thôi. Một lúc sau, thương quá, Bích-Thủy choàng tay nàng vào cánh tay của Thắng. Thắng trấn an:
- Măng đừng có lo. Okay. Con không sao đâu.
Bích-Thủy quay mặt chỗ khác, nghẹn ngào:
- Con cẩn thận.
- Đừng khóc, Măng. Nhìn con nè.
Bích-Thủy nén tiếng nấc. Thắng nhích từng bước theo đoàn người. Vài người ôm choàng nhau vội vã. Nhiếu tiếng thì thầm “I love you”. Thắng quay sang Bích-Thủy, muốn hug Mẹ nhưng ngượng ngùng vì không quen làm như vậy. Bích-Thủy vịn cánh tay Thắng, muốn nói “Măng thương con”, nhưng ngượng miệng, nói không được.
Bước vào lối hẹp dẫn vào lòng phi cơ, thỉnh thoảng Thắng quay lui để thấy Bích-Thủy khóc rấm rức. Khi cánh cửa cổng số 9 đóng lại, Bích-Thủy khóc nhiều hơn, vì nàng nghĩ, người thân yêu nhất trong đời nàng giờ đây đã thật sự xa nàng, dấn thân vào vùng lửa đạn!
Trong bóng đêm chập chờn, qua đôi kính cận và làn nước mắt, Bích-Thủy thấy phi cơ từ từ lăn bánh, hướng về phi đạo. Màu đỏ thẫm của thân phi cơ trở nên loan loán, nhạt nhòa như vùng lá chết xen lẫn với màu xám của thân cây trong nhóm rong rêu đậm màu. Nhìn phi cơ xa dần trong lòng phi đạo, Bích-Thủy cảm thấy khó thở và đau ở lồng ngực như ai đó đang xé một phần tâm nhỉ trong trái tim của nàng. Cùng lúc này, cảm giác ray rức, nhớ nhung từ lúc nãy chợt trở về. Bình tâm một lúc, Bích-Thủy mường tượng như trạng thái tình cảm này đã hơn một lần xảy đến trong đời nàng. Nhưng bị phân tâm vì sự ra đi của Thắng, Bích-Thủy không thể nhớ được.
Một mình đi ngược lại khoảng không gian mà hai Mẹ con đã bước cạnh nhau trước đó không lâu, Bích-Thủy cảm thấy nhớ Thắng đến quay quắt. Nàng quay lui, nhìn lại cổng số 9 một lần nữa rồi bước nhanh như chạy trốn.
Ra đến cửa chính, lúc sắp băng qua đường để vào nhà gửi xe, bất ngờ có người gọi “Thủy”. Quay lại, nhận ra Cẩm-Hương – nhân viên phụ trách vấn đề tị nạn – Bích-Thủy sửa bộ mặt tươi tỉnh:
- Hey! Đi đón người tị nạn nữa hả?
- Ừ. Nhưng lần này là mấy ông bà H.O….mồ côi.
- H.O. thì H.O., sao lại có H.O. mồ côi?
- H.O. mồ côi là mấy ông bà H.O. không có người bảo trợ.
Vừa nói Cẩm-Hương vừa đưa mắt về phía xe Van, nơi nhóm người đen đúa, gầy gò đang đứng chờ. Bích-Thủy nhìn theo bạn. Cẩm-Hương tiếp:
- Bồ đi đâu mà đi một mình vậy? Anh Hiệp đâu?
- Thôi, đừng nói tới ông Hiệp, tui “mệt” lắm. Mình đi đưa cháu Thắng…
Bích-Thủy chưa dứt câu, Cẩm-Hương đã cướp lời:
- A, “anh chàng” Thắng Hải-Quân đó hả? Trong nhóm người mình đón hôm nay có một Thiếu-Tá Hải-Quân.
- Bồ phải nói cho đúng: Cựu Thiếu-Tá, nghe chưa?
- Đúng là giáo sư Việt-văn. Chán bà quá! Ủa, mà cháu Thắng đi đâu vậy?
- Sang Trung-Đông.
- Qua Trung-Đông? Giỡn hoài. Chi vậy?
- Cháu Thắng được bổ nhiệm đi tàu và chiếc Hàng-Không-Mẫu-Hạm ấy đang trấn giữ vùng biển Trung-Đông.
Cẩm-Hương đưa tay ôm ngực:
- Oh. Gosh!
Nghe tiếng kêu thảng thốt của Cẩm-Hương, Bích-Thủy biết nàng không thể nén cơn xúc động cho nên vừa nói vừa băng qua đường:
- Đi nghe. Hôm khác nói chuyện nhiều.
Cẩm-Hương chưa kịp chào từ giã bạn thì giọng một người đàn ông vang lên:
- Cô ơi, cô! Có phải bà vừa nói chuyện với cô tên là Bích-Thủy không, cô?
Nhìn “ông H.O.” gầy gò, hom hem, tên Khoa, Cẩm-Hương cười và chợt nghĩ đến câu “sửa lưng” của Bích-Thủy lúc nãy.
- Dạ, đúng. Ông biết bà ấy, phải không?
- Dạ, nếu đúng là bà Bích-Thủy ở Nhatrang thì tôi biết; vì hồi đó tàu của tôi thường ghé Nhatrang.
******
Bích-Thủy ngồi lặng lẽ sau tay lái. Quanh nàng, ngoại trừ ánh sáng lờ mờ của ngọn đèn đường, chỉ là một vùng tối mờ nhạt. Mấy hàng cây cảnh trước chung cư Khoa cư ngụ được phủ bằng những tấm vải cũ để chống lại cái lạnh bất chợ của những ngày đông giá. Trên màu vàng úa của thảm cỏ đang lịm chết, từng mảnh nhỏ nước đá phản chiếu ánh đèn đường, trở nên long lanh như những giọt lệ.
Từ CD, trong tình khúc Autumn in Rain, tiếng piano của Sasha Alexseev rời rạc, nhẹ nhàng như những hạt mưa rơi âm thầm bên mái hiên. Sang bản By Candle Light, ngón đàn của Sasha Alexseev tạo nên những dòng âm thanh dồn dập, cuồng loạn, chẳng khác gì tiếng piano của Khoa vào một buổi chiều nào xa lắm, trong ngôi biệt thự nhỏ, trên ngọn đồi cao ở Cầu-Đá, Nha Trang.
Buổi chiều xưa cũng như tối hôm nay, Khoa đã tìm lại được nhân dáng xưa, nhưng tìm lại chỉ để rồi mất nhau. Dù nhận biết được điều đó, Khoa vẫn còn nhiều quyến luyến:
- Em tha thứ cho anh, nghe, Bích-Thủy.
- Còn gì để mà tha thứ, anh? Thôi, em phải về.
- Anh vẫn còn yêu em, Bích-Thủy ạ. Tin anh không?
- Hừ! Yêu!
- Mấy mươi năm rồi, mặc dù nhiều lần Mẹ anh thúc hối anh lập gia đình, anh vẫn ở vậy. Em không tin anh sao?
Nghe Khoa nhắc đến Mẹ, Bích-Thủy nỗi giận, mỉa mai:
- Anh mà dám làm trái ý Mẹ anh à?
- Cho anh xin đi, em. Mẹ anh đã qua đời. Mình không nên xúc phạm đến Người. Ngày đó cũng lỗi của anh một phần chứ không phải lỗi hoàn toàn do Mẹ anh đâu.
- Thôi, anh vào đi.
- Em cho anh giải thích với em một lần, rồi thôi.
Bích-Thủy im lặng, quay nhìn hàng cây trụi lá để khỏi thấy nét xúc động trên khuôn mặt già nua của Khoa. Khoa tiếp:
- Thời gian anh thọ phạt, Mẹ anh cho rằng anh đã bị em mê hoặc cho đến độ phải đào ngủ, bỏ tàu, theo em, cho nên Mẹ anh giận lắm. Mẹ anh buộc anh phải chấm dứt tình cảm với em và Bà vận động cho anh đổi về gần gia đình. Anh không muốn mất em mà anh cũng không muốn làm Mẹ anh buồn; do đó anh phải tạm ngưng liên lạc với em một thời gian, chờ cho Mẹ anh nguôi ngoai cơn giận.
- Dù anh có cải lời Mẹ anh mà tiếp tục liên lạc với em đi nữa thì cuộc diện cũng chẳng đổi khác được chút nào đâu.
- Em quên anh nhanh đến vậy sao, Bích-Thủy?
Bích-Thủy nhìn thẳng vào mắt Khoa, vẻ giận dữ:
- Không quên cũng không được! Chính Mẹ anh viết thư buộc em, anh nghe rõ chưa?
- Thật không?
- Thôi, anh vào nhà đi. Em nói láo đó.
- Em có biết là anh trở lại Nha Trang tìm em đúng vào buổi chiều em cúng đầy tháng cho đứa con trai đầu lòng của em không? Cùng một buổi chiều mà em thì rạng rỡ với tác phẩm đầu tay, còn anh cuồng loạn bên chiếc piano và chai cognac!
Uất qua, Bích-Thủy hét lên:
- Thôi, anh vào nhà đi.
Khoa dịu giọng, cố kéo dài giây phút bên người xưa:
- Anh muốn nói chuyện với em, tại sao em cứ xua đuổi anh? Mỗi lần gặp được em là phải nhờ bà Cẩm-Hương nhắn lên nhắn xuống bao nhiêu lần chứ phải dễ sao! Anh biết em không còn chút gì cho anh nữa hết. Nhưng anh chỉ muốn em biết rằng hoàn cảnh đã buộc anh như vậy. Anh vẫn còn yêu em, dù đó là tình yêu đơn phương.
Bích-Thủy muốn nén tình cảm vào lòng, nhưng không được, nước mắt lại lả chả rơi. Hơn ai hết, Bích-Thủy tự biết nàng còn yêu Khoa nhiều lắm; nhưng yêu và hận! Suốt mấy mươi năm qua, nếu Hiệp – chồng nàng – đừng trả thù quá tàn tệ và Thắng không là biểu tượng rõ nét của Khoa thì có thể hình bóng Khoa đã phai nhòa. Đằng này, một bên là những hành xử thâm độc của Hiệp, một bên là hình ảnh của Khoa lồng trong Thắng, thì một người đàn bà đa cảm, lãng mạn như nàng chắc chắn sẽ không quên được Khoa.
Không nghe Bích-Thủy nói gì, Khoa chuyển đề tài với mục đích làm cho Bích-Thủy bớt giận:
- Anh nghe nói người con của em là sĩ quan Hải-Quân Hoa-Kỳ, đúng không?
Bích-Thủy lúng túng một lúc rồi nhìn Khoa, nghẹn lời! Con của em hay là con của chúng ta? Trời ơi! Có người đàn ông nào bất hạnh cho đến độ không biết đó là con của mình? Lúc này tình cảm và lý trí của Bích-Thủy chống chọi nhau rất mãnh liệt. Bao giờ cũng vậy, nếu lý trí thắng, hồn của Bích-Thủy sẽ rả ra từng mảnh vì sự công phá của tình cảm. Ngược lại, nếu tình cảm thắng, cơn đau đầu dữ dội sẽ kéo theo vì những lo âu, phiền muộn cho những vấn vương không rời! Bích-Thủy gục xuống tay lái, thổn thức theo từng tiếng:
- Anh đừng bao giờ tìm cách liên lạc với tôi nữa.
Chữ “tôi” trong câu nói của Bích-Thủy như gáo nước lạnh xối vào mặt Khoa trong cơn say. Khoa choàng tỉnh:
- Anh sẽ làm theo yêu cầu của em. Có điều, anh mong em hiểu rằng anh vẫn yêu em.
Bích-Thủy quyết liệt, vói tay mở cửa xe cho Khoa:
- Anh vào nhà đi.
Vừa bước ra khỏi xe, người hơi lảo đảo vì mặt đường đông đá, Khoa chưa kịp nói lời tạm biệt thì đã nghe tiếng cửa xe đóng ầm và chiếc SUV lao vào bóng đêm.
Một tay lái xe, một tay ôm ngực như muốn dằn bớt cơn đau, Bích-Thủy nhìn vào kính chiếu hậu và thấy Khoa đang tần ngần dõi mắt nhìn theo.
Cũng dáng người dong dõng cao, cũng nụ cười buồn, cũng gương mặt xương xương và ánh mắt xa vắng diệu vợi, người đàn ông đang run rẩy nhìn theo nàng trong từng cơn gió buốt và đứa con của nàng đang tham chiến tận cuối trời xa có được bao nhiêu nét khác biệt? Đôi khi thương Thắng quá độ, Bích-Thủy giật mình tự hỏi: Nàng thương con hay là yêu Khoa qua nhân dáng của con? Mỗi khi thấy Thắng trong quân phục tiểu lễ trắng, không thể nào Bích-Thủy không nghĩ đến Khoa trong những lần chiến hạm cặp bến. Những lần đó, Khoa và tất cả thủy thủ đoàn mặc tiểu lễ, đứng dọc theo cầu thang từ đài chỉ huy xuống đến sân tàu và viền quanh thân tàu, trong khi chiến hạm từ từ tiến vào quân cảng. Đối với Bích-Thủy, hình ảnh ấy đẹp, hùng và lãng mạn hơn tất cả những gì một nhà văn có thể tưởng tượng được.
Giờ phút này đang lái xe, Bích-Thủy không muốn tưởng tượng, không muốn bị phân tâm, nhưng tiếng piano của Sasha Alexseev trong tình khúc Serenata lại khiến nàng nhớ đến lần đi thăm Thắng tại nơi Thắng tạm trú.
Từ căn nhà nhỏ trên ngọn đồi thoai thoải nhìn ra vùng biển xanh với vài hải đảo ẩn hiện lờ mờ trong sương chiều, Bích-Thủy bảo Thắng đàn bản Senerata cho nàng nghe.
Cũng như Khoa, mỗi khi chơi Guitar, Thắng đàn bằng móng tay thật chứ không dùng phím nhựa (mediator) cho nên tiếng đàn rất có hồn, rất mê hoặc. Trong những đoạn Ad. Libitum, Thắng búng rất khẽ từng hợp âm rời. Bích-Thủy hát theo nho nhỏ. Giọng nàng đã khàn, đục, nhưng kỷ niệm trong hồn nàng vẫn sáng, trong và tình như những buổi chiều Khoa và nàng đuổi bắt nhau trên bờ đá lởm chởm san hô và con vú nàng, ở Cầu-Đá. Có khi “hai đứa” đi lang thang trong khuôn viên Hải-Học-Viện, không nói một lời. Đang đi, Khoa chậm bước, nhón tay vịn đôi vai của Bích-Thủy, vừa xoay người nàng lại vừa nói theo giọng điệu nhà binh: “Đằng sau…quay!” Bích-Thủy ngạc nhiên: “Ủa, sao vậy?” Khoa cười: “Mình đi về. Chiều rồi.” Đi bên nhau được một đoạn ngắn, Khoa bảo: “Bích-Thủy! Hát bản Serenata cho anh nghe.” Bích-Thủy thụng thịu: “Hát gì không có đàn mà hát!” Khoa thiết tha: “Thì hát đi. Anh chỉ muốn nghe giọng của em thôi.” Bích-Thủy hát nho nhỏ. Đến đoạn cuối, khi nàng đưa làn hơi lên cáo, ngân dài mấy chữ “tình yêu mãi mãi”, Khoa khẽ bóp nhẹ bàn tay của nàng.
Đang bước chầm chậm trên con đường đưa đến ngôi nhà của người bà con, Khoa hỏi: “Tối nay em bận gì không, Bích-Thủy?” Bích-Thủy nhìn chàng: “Dạ không. Chi vậy, anh?” Khoa đáp: “Anh muốn đưa em đi xi-nê. Phim ca nhạc ở rạp Tân-Tân. Hay lắm.” Bích-Thủy nũng nịu: “Hay làm sao bằng ngón đàn của anh được.” Được người yêu khen, Khoa cười, tự mãn: “Lúc nghe anh đàn, em nghĩ gì?” Bích-Thủy nghiêng đầu lên vai Khoa: “Em chỉ muốn được…chết thôi!” Khoa giật mình: “Cái cô này! Tại sao vậy?” Bích-Thủy đáp: “Vì chỉ có chết tâm hồn em mới thật sự hòa nhập vào thế giới âm thanh phù thủy của anh.” Khoa vuốt tóc người yêu: “Em lãng mạn vô cùng.” Ngưng một chốc, Khoa tiếp: “Bích-Thủy! Nếu có gì xảy ra cho anh, em có chờ đợi anh không?” Linh cảm được điều chẳng lành, Bích-Thủy lo lắng: “Gì vậy, anh?” Khoa cười buồn: “Chuyến này về thế nào anh cũng bị ra tòa án quân sự”. Bích-Thủy hoảng hốt: “Trời! Tại sao? Anh làm em sợ quá hà.” Khoa cười buồn: “Mấy hôm nay ghé thăm em, anh đã đào ngũ, bỏ tàu…” Bích-Thủy tròn mắt ngạc nhiên. Khoa tiếp: “Khi chiến hạm hải hành ngang đây, từ ngoài khơi nhìn vào anh thấy nhớ em vô cùng. Anh xin Hạm-Trưởng cho anh vào thăm em một hôm, rồi anh sẽ đáp máy bay ra Qui-Nhơn đón chiến hạm. Hạm-Trưởng không thuận…” Bích-Thủy cắt lời Khoa: “Rồi…anh cứ đi?” Khoa gật đầu: “Vâng. Tối đến. Tàu neo. Nhìn thành phố lấp lánh ánh đèn anh chịu hết nỗi và anh đón ghe đánh cá vào…” Bích-Thủy che miệng, than: “Trời!” Khoa dừng bước: “Anh đo lường được hậu quả của sự nông nỗi của mình. Nhưng vì yêu em, anh không hối tiếc gì cả. Có điều, sau khi thi hành lệnh phạt, chưa biết họ sẽ ‘vất’ anh chỗ nào và anh sẽ khó gặp em.” Hai người đứng lặng bên nhau như hai pho tượng…
Hôm sau, Bích-Thủy đến phi trường quân sự Nha Trang đưa Khoa lên đường, về trình diện Bộ-Tư-Lệnh Hải-Quân. Những chiếc phi cơ quân sự sơn màu rêu, lốm đốm nhiều vệt màu lá héo và vài đưởng kỷ hà màu xám, nằm ngay ngắn bên nhau, không gây được chút xúc động nào trong lòng Bích-Thủy. Nhưng khi bóng Khoa khuất nhanh vào lòng chiếc C-130, Bích-Thủy chợt nhận biết được sự mất mát, nỗi nhớ thương thật sự đang òa vỡ trong hồn nàng. Từ đó, mỗi khi đến phi trường – dù là phi trường dân sự – lòng Bích-Thủy cũng thường gợn lên những thương nhớ bâng quơ, những ray rức âm thầm, những xót xa vô bờ của một vết đau đã qua thời kỳ mưng mủ!
Bây giờ, đang lái xe trên con đường vắng, Bích-Thủy tự hỏi lòng: Vết đau đã lành hay đang tái phát? Như để trả lời, dòng âm thanh đầy ma lực Sasha Alexseev trở nên cuồn cuộn như sóng gào bên bờ vắng. Bích-Thủy nép xe vào lề, dừng lại, gục đầu lên tay lái, thầm gọi “Khoa ơi!”
******
“Thắng, con!
Thật là bất ngờ khi con gọi về. Măng mừng đến phát khóc. Ba thì vẫn trầm tư, ít nói, nhưng nét mặt của Ba trông vui hẳn lên.
Con biết không, từ hôm con đi, mỗi khi về nhà ăn trưa, nhìn góc xô-pha, nơi con thường ngồi đàn, măng buồn và nhớ con vô cùng. Có hôm măng vừa ăn vừa chậm nước mắt vì nghĩ đến những hiểm nguy, những bất trắc mà con đang trực diện và nỗi cô đơn của con trên chiến hạm khổng lồ. Măng nghĩ Ba cũng nhớ và lo cho con nhiều. Có điều tính Ba sâu sắc, ít bộc lộ tình cảm cho nên măng không thấy được…”
Mới viết ngang đây, Bích-Thủy bỗng hết hồn vì tiếng “rầm” của cánh cửa bị đẩy mạnh và Hiệp xuất hiện với vẻ giận dữ:
- Viết thư nữa hả? Gặp nhau chưa đủ hay sao mà còn viết thư? Cô muốn gì, nói đi?
Môi Bích-Thủy run. Mặt nàng tái xanh. Từ ngày gặp lại Khoa đến nay, nhiều khi nàng không làm gì sai, nhưng hễ thấy mặt hoặc nghe giọng sừng sộ của Hiệp là Bích-Thủy mất bình tĩnh. Sở dĩ Bích-Thủy hãi sợ đến như vậy là vì tâm lý của nàng bị khủng hoảng trầm trọng sau những lần Hiệp theo dõi, rình rập và tiếp theo là thái độ hành hạ bằng những lời đay nghiến, những câu mỉa mai, dằn vặt từng đêm, từng ngày. Trong tất cả mọi trường hợp, Bích-Thủy chỉ né tránh chứ chưa bao giờ dám phản ứng.
Thấy Bích-Thủy có vẻ sợ, Hiệp tưởng chàng bắt được quả tang cho nên xấn tới:
- Thư đâu? Viết gì? Đưa đây, mau!
Bích-Thủy rời ghế, vừa lui về giường của Thắng vừa nhìn Hiệp bằng đôi mắt đầy oán hờn.
Đọc qua bức thư Bích-Thủy viết cho Thắng xong, Hiệp vất sang một bên và tiếp tục lục tung cả bàn viết. Đưa ngón tay quẹt nước mắt, Bích-Thủy nghẹn ngào:
- Tôi đã nói với anh từ mấy mươi năm nay rồi. Tôi có tội với anh. Nhưng ngược lại tôi cũng đã trả một giá quá đắc cho cuộc hôn nhân này. Tha thứ hay không là quyền của anh. Nhưng giữa Khoa và tôi không còn gì nữa…
Hiệp gào lên như con thú bị thương:
- Còn thằng Thắng kia, chưa đủ sao?
- Anh muốn hành xử với Mẹ con tôi như thế nào cũng được; nhưng xin anh một điều, đừng đày đọa tâm hồn tôi nữa.
- Ai đày đọa tâm hồn tôi suốt mấy mươi năm qua, hả?
- Hãy xét lại sự trả thù của anh trong suốt thời gian ấy xem đã đủ chưa?
Hiệp nghẹn! Kể từ lúc Bích-Thủy thú thật tội lỗi của nàng đến nay Hiệp không còn nhớ được bao nhiêu người đàn bà đã qua tay chàng. Hiệp không thể tự hiểu là chàng làm như vậy để trả thù Bích-Thủy hay chỉ để thỏa mãn tự ái và mặc cảm của chính chàng. Giờ đây nghe Bích-Thủy khơi lại, Hiệp uất:
- Biết bao nhiêu cho đủ. Thứ đàn bà hư.
- Thì anh cứ bỏ tôi đi.
Một cái tát “bay” vào má bên trái của nàng. Bích-Thủy choáng váng, đưa tay xoa nhẹ lên má trong khi Hiệp gằn từng tiếng:
- Đi! Đi lấy nó đi!
Không ngờ cái tát của Hiệp làm cho Bích-Thủy tỉnh người và trở nên cứng cỏi:
- Nếu anh muốn, tôi sẽ đi và thằng Thắng cũng sẽ đi.
Hiệp nhìn sửng Bích-Thủy, không ngờ nàng đem Thắng ra làm lợi khí. Chàng cười nửa miệng, thách thức:
- Cô có dám cho thằng Thắng biết sự thật không?
- Có thể lắm.
- Mày tàn nhẫn đến vậy hả? Tao giết mày! Tao giết mày!
Bích-Thủy hoảng sợ, vừa chạy ra khỏi phòng vừa trả đủa:
- Suốt mấy mươi năm anh tệ bạc với tôi. Bây giờ anh đòi giết tôi. Tôi không sống với anh nữa.
- Mày không ở với tao nữa thì đi đi. Đi một mình mày đi.
- Chờ thằng Thắng nó về rồi anh sẽ biết tôi đi mấy mình.
Hiệp lồng lên, vừa nhìn quanh cố ý tìm vật gì cầm tay vừa rít lên:
- Tao giết mày! Tao giết mày!
Bích-Thủy chạy vào phòng bên cạnh, khóa cửa lại.
Còn lại một mình, cơn giận dịu xuống, Hiệp lượm lá thư Bích-Thủy viết cho Thắng lên, đọc lại. Đọc xong, Hiệp nhìn ra cửa sổ. Hình ảnh Thắng hiện lên trong bóng đêm dày đặc. Từ mấy mươi năm qua, niềm đau triền miên của Hiệp là sự dằn co tâm lý về Thắng, bắt nguồn từ cuộc hôn nhân được xếp đặt giữa hai gia đình.
Thời gian đầu Hiệp rất toại ý, vì Bích-Thủy là một phụ nữ có văn hóa cao, dáng vóc rất đài các, khuôn mặt phúc hậu, chỉ có đôi mắt hơi buồn. Sự ra đời của Thằng không những chỉ đem đến cho Hiệp niềm hạnh phúc vô bờ mà còn mang lại cho Cha Mẹ của Hiệp niềm hy vọng; vì Hiệp là con trai duy nhất trong gia đình, và Thắng là cháu đích tôn, nối dõi tông đường.
Cả Hiệp, Bích-Thủy và Cha Mẹ của Hiệp đều mong Bích-Thủy sinh thêm để…lấy lời. Nhưng suốt năm năm sau ngày Thắng ra đời Bích-Thủy cũng vẫn không sinh thêm được người con nào nữa. Nghe lời người thân, Hiệp cùng Bích-Thủy đi bác sĩ khám nghiệm. Không ngờ kết quả thí nghiệm cho biết Hiệp không thể có con! Đến lúc đó Bích-Thủy mới biết hậu quả khốc liệt của những ngày lãng mạn với Khoa. Đến lúc đó Hiệp mới biết bao nhiêu tình thương của người Cha chàng đã trút hết cho Thắng rồi! Và cũng đến lúc đó Hiệp mới thấy rằng chàng cần Thắng để Cha Mẹ già nuôi hy vọng. Hiệp cần Thắng để tự ái cá nhân và danh dự gia đình không bị tổn thương! Vì những lý do này, bao nhiêu năm qua, cả Hiệp và Bích-Thủy đều giấu Thắng. Từ ngày gặp lại Khoa, nhiều lần Bích-Thủy muốn cho Khoa và Thắng biết sự thật, nhưng nghĩ lại, nàng không nỡ tàn nhẫn đối với Hiệp!
******
Sau thời gian dài công tác, Hàng-Không-Mẫu-Hạm USS Independence trở về San Diego Naval Station đại kỳ. Trong thời gian tu bổ, tuần tự, một số nhân viên được đi phép.
Những ngày về phép, ngoài những lần phụ Hiệp sửa chữa những hư hao vặt vảnh trong nhà, Thắng chỉ biết có Tường-Vân thôi chứ Thắng không muốn đi đâu hoặc gặp ai cả.
Trước khi Thắng trở lại chiến hạm một ngày, Hiệp rũ Thắng đi trượt nước (water ski) và Hiệp muốn Bích-Thủy ở nhà nấu những món ăn Thắng thích để tối ba người cùng ăn. Đây là điều lạ đối với Bích-Thủy. Thường thường cuộc vui nào của gia đình cũng gồm cả ba người. Nếu hai người với nhau thì chỉ có Bích-Thủy và Thắng; vì lúc nào hai Mẹ con cũng khắn khít bên nhau.
Sáng hôm sau, vừa đặt hành lý vào thùng xe Thắng vừa nói với Hiệp:
- Ba đi làm đi. Sang đến nơi con gọi Ba ngay. Okay.
Sau khi Hiệp bắt tay chàng, Thắng hugs Hiệp thật lâu.
Ngồi vào sau tay lái, Thắng cười, nói với Bích-Thủy:
- Hôm nay mình đi vòng vòng chơi cho đã rồi mới ra phi trường, nghe, Măng.
- Tại sao con không để Măng lái?
- Trời! Có tài xế là Thiếu-Úy Hải-Quân mà Măng còn chê sao?
Bích-Thủy đánh nhẹ vào vai Thắng.
Từ khi xe rời nhà, như linh cảm điều quan trọng sắp xảy đến, hai Mẹ con đều im lặng, không líu lo như mọi khi. Thắng cho xe chạy luồn theo những thảm cỏ phẳng phiu, những ngôi nhà vắng người, những hàng cây xanh nụ, những khóm hoa rực rỡ và cuối cùng dừng lại trước chung cư Khoa ở! Bích-Thủy nhìn sững Thắng và tưởng như tất cả nỗi đau của nhân loại trên hành tinh này đang dồn hết vào tim nàng! Bích-Thủy thở một cách đứt quảng, mệt nhọc. Sự xúc động trong Thắng cũng không kém gì; do đó Thắng không dám nhìn Bích-Thủy, chỉ lắp bắp:
- Măng chờ con một chút. Okay.
Không đợi Bích-Thủy trả lời, Thắng đóng cửa xe, bước nhanh trên lối đi loan lỗ bằng xi-măng của một chung cư dành cho những người có lợi tức thấp.
Nhìn theo Thắng, Bích-Thủy sợ, run, muốn khóc mà khóc không được! Có lẽ nỗi khiếp đảm của những người sắp bị tử hình cũng chỉ bằng nỗi sợ hãi của Bích-Thủy trong lúc này mà thôi!
Không lâu, Thắng trở ra với thái độ có phần bình tĩnh. Thắng cho xe chạy chầm chậm ra bờ hồ nhân tạo rồi dừng lại dưới tàng cây thông.
Trong khi Bích-Thủy im lặng như một tội nhân sẵn sàng nhận chịu hình phạt, Thắng quay ra ghế sau, lấy tập truyện Một Đoạn Đường. Lật đến bài Cung Đàn Xưa, Thắng nghiêng sang Bích-Thủy:
- Măng! Măng đọc cho con nghe bài này đi, măng.
- Bài gì? Tại sao con bắt Măng đọc?
- Từ nhỏ, mỗi đêm trước khi con ngủ, Măng thường kể chuyện hoặc đọc sách cho con nghe. Măng nhớ không?
- Nhưng từ ngày con lên trung học con không thích nữa mà.
- Dạ. Nhưng hôm nay con muốn sống lại chuỗi ngày vô tư đó. Măng đọc đi, măng.
Chìu con, Bích-Thủy cầm cuốn sách từ tay Thắng. Giọng nàng nho nhỏ, đều đặn, không khác chi giọng giảng bài của nàng ngày xưa. Đến những đoạn trùng hợp với hoàn cảnh gia đình, Bích-Thủy không cầm được nước mắt. Đang đọc, nghe tiếng Thắng khịt mũi, Bích-Thủy ngẫng lên và nhận ra Thắng cũng đang khóc. Nàng vịn vai Thắng:
- Thắng! Con là thanh niên, một sĩ quan, đừng khóc.
- Con có là gì đi nữa thì trước mặt Măng con cũng chỉ là đứa con của Măng thôi. Con cần Măng.
- Có bao giờ Măng có ý xa con đâu. Con là tất cả cuộc đời của Măng mà.
- Măng không xa con, thật chứ?
Bích-Thủy gật đầu. Thắng nhìn thẳng vào mắt Bích-Thủy:
- Măng hứa với con không?
Bích-Thủy lại gật đầu. Giọng Thắng thiết tha hơn:
- Măng hứa nhé!
Nghe giọng Thắng buồn và nghiêm nghị quá, Bích-Thủy ái ngại:
- Thắng!
- Măng hứa với con đi, măng.
- Măng hứa.
Bích-Thủy nói xong, hai Mẹ con cùng khóc. Dường như khóc bên người thân cũng là điều lý thú, cho nên Bích-Thủy và Thắng cứ mặc cho nước mắt tuôn tràn. Một lúc sau, Thắng nhắc Mẹ:
- Măng đọc tiếp đi, Măng. Câu chuyện hay và cảm động quá, phải không, Măng?
Đọc xong chuyện ấy, Bích-Thủy gục đầu vào lòng bàn tay, nức nở. Để cho Mẹ khóc thỏa thuê một hồi, Thắng thì thầm:
- Măng à! Ba bất an lắm, Măng biết không?
- Bất an về cái gì, con?
- Về tinh thần đó, Măng.
- Con trách Măng nhiều lắm, phải không?
- Dạ, không. Hoàn cảnh đã đưa Măng đến đoạn đường này chứ không phải Măng muốn vẽ ra mà thành. Nhưng từ nay Măng có thể cãi thiện được phần nào nghịch cảnh.
- Con muốn nói gì?
- Măng có thương Ba không?
- Thắng! Tại sao con hỏi Măng một câu hóc búa như vậy?
- Mấy mươi năm qua, sự tàn tệ của phía Nội đối với Măng cùng những thù hằn Ba trút xuống Măng, Măng đã cắn răng chịu đựng, không than van. Những điều đó cũng đủ để Măng không thương Ba, đúng không?
Bích-Thủy chua xót:
- Vì Măng có lỗi với Ba, Thắng à!
- Măng có lỗi với Ba? Con không đồng ý. Những người con gái rơi vào tình cảnh của Măng rất đáng thương. Nếu người đàn ông đủ cao thượng để tha thứ cho người đàn bà đó thì tiếp tục lấy bà đó làm vợ; còn không thì thôi. Người đàn ông không có quyền sống với bà đó rồi hành hạ bà ta để trả thù. Thử hỏi có người đàn ông nào còn… trinh trắng khi lấy vợ hay không? Vậy thì tại sao lại đòi hỏi người đàn bà? Tình yêu từ trái tim chứ có phải từ những vấn đề đó đâu, Măng đồng ý không?
- Nhưng Thắng ơi! Ba không biết và Măng cũng không biết cho nên Măng không thú thật với Ba cho đến khi con hơn năm tuổi lận!
- Đến lúc đó Ba vẫn có thể giải quyết vấn đề một cách minh bạch.
- Con nói như vậy là con thiên vị Măng rồi.
- Không. Con không thiên vị Măng; vì phần của Măng con chưa đề cập tới.
Bích-Thủy tựa đầu vào thành ghế, thở dài, chờ nghe Thắng kết tội:
- Măng rất lãng mạn và phức tạp.
Bích-Thủy nhắm mắt, bậm môi rồi thốt lên như nhận tội “Okay”. Thắng tiếp:
- Tại sao Măng còn yêu ông Khoa? Người đàn ông như vậy có còn xứng đáng cho Măng yêu hay không?
Bích-Thủy hốt hoảng xua tay:
- Thắng! Đó là…
- Măng muốn nói ông ấy là Cha của con chứ gì? Không! Cha của con là Ba Hiệp, người đã chấp nhận và thương yêu con trong suốt cuộc đời của con.
- Nhưng Khoa mới là ruột thịt của con.
- Măng muốn biết lúc sáng con nói với ông Khoa như thế nào không?
Bích-Thủy lắc đầu. Thắng tiếp:
- Con nói: “Thưa ông, nếu ông còn nghĩ đến người đàn bà mà – vì ông thiếu tinh thần tự lập, thiếu ý chí phán xét, để bị gia đình ông chi phối – ông phải đoạn tình, thì giờ đây, tôi chính thức yêu cầu ông đừng tìm cách liên lạc với người đàn bà đó nữa!”
Bích-Thủy che mặt, khóc. Một lúc sau, nàng nghẹn ngào:
- Con có tiết lộ với ông Khoa về sự liên hệ ruột thịt giữa con và ông ấy hay không?
- Dạ, không. Ngoài những phân tử hóa học của ông Khoa trong cơ thể của con, trái tim và lý trí của con không bao giờ chấp nhận ông ấy.
Nhìn Bích-Thủy bi lụy một lúc, Thắng hỏi:
- Măng còn yêu ông Khoa, phải không?
Im lặng. Sau một lúc đo lường sức chịu đựng của Bích-Thủy, Thắng tiếp:
- Măng nên thực tế đi, măng. Một người đàn ông không đủ can đảm nhận trách nhiệm để trình bày hoặc biện luận cho hành động của mình, một người đàn ông không đo lường được hậu quả khốc hại về việc làm của mình, lại đặt chữ hiếu không đúng chỗ để di hại cả đời người đàn bà, thì thử hỏi người đàn ông ấy có xứng đáng với tình yêu của người đàn bà đó hay không?
-Con đừng nên trách ông Khoa. Con nên nhớ rằng ông Khoa – cũng như Măng – không hề biết con là con của ông ấy mà!
Bích-Thủy khóc vùi trên vai con. Thắng tiếp:
- Con biết Ba xử sự với Măng không đúng. Nhưng dù sao Ba cũng đã chấp nhận Măng, chấp nhận con trong nhiều nỗi đắng cay. Vả lại, bây giờ Ba và con đều cần Măng.
- Có nghĩa là…
- Vâng! Măng xa Ba thì … Măng cũng xa con.
Bích-Thủy thảng thốt:
- Thắng!
- Măng biết tính con rất giống Măng. Lý trí của Mẹ con mình lúc nào cũng mạnh cả. Đúng không, Măng?
Thắng vừa dứt câu, nhạc từ radio đột ngột vang lên. Bích-Thủy giật mình. Thắng cười:
- Đến giờ măng phải đưa con ra phi trường. Radio báo động rồi đó, Măng.
******
Vừa nhích theo đoàn người Thắng vừa nói nhỏ với Bích-Thủy:
- Kỳ này có lẽ lâu lắm con mới được về phép. Măng đừng có lo. Okay. Măng lo cho Ba và lo cho Măng đi.
Bích-Thủy gật đầu, nét mặt bùi ngùi. Thắng tiếp:
- Chuyến đi này hành trang của con nặng quá!
Bích-Thủy vô tình, nhìn quanh:
- Ủa, gửi hết rồi mà, con.
Thắng cười cười:
- Sáng nay đưa Măng đi trên những con đường quen thuộc, con đã gói tất cả kỷ niệm thời con gái của Măng và những đau thương, những ưu phiền, những oán hận của Ba Măng vào một gói gọn ghẽ để… – Thắng ngập ngừng một cách cố ý – …mang theo.
Đang lắng nghe, Bích-Thủy bỗng ngạc nhiên vì hai tiếng cuối, vội hỏi:
- Mang theo?
- Vâng! Con mang theo để vất xuống lòng biển sâu!
Bích-Thủy “ồ” lên một tiếng nhỏ đầy xúc động rồi nghiêng đầu vào vai con. Thắng bẹo má Bích-Thủy, thì thầm:
- My Mommy! Con thương Măng.
ĐIỆP MỸ LINH
http://www.diepmylinh.com/
(1) ET: Extraterrestial, tên một sinh vật ngoài không gian, trong phim ET.










No comments:

Tạp ghi CẢM ƠN NGƯỜI VIẾT SỬ “Phía Bên Kia” -Điệp Mỹ Linh

https://www.youtube.com/watch?v=KHUUiGLSWkQ Tình Quê Hương của Đan Thọ. Đang đọc tin tức, thấy dấu hiệu có email vừa vào “box”, tôi chuyển s...