Sunday, August 28, 2016

TƯỞNG NIỆM. Phó Đề Đốc HOÀNG CƠ MINH & Bác sĩ HOÀNG CƠ TRƯỜNG.


Hơn 60 năm của nưả thế kỷ 20 trước, khi tôi còn là một cậu trò học lớp nhất A của cô giáo Hoàng Thị Châu An là chị ruột của Tướng Hoàng Cơ Minh và BS. Hoàng Cơ Trường tại trường tiểu học Đa Kao Di Chuyển sau khi gia đình chúng tôi di cư từ bắc vào nam năm 1954. Gia đình chúng tôi cư ngụ ở Cư xá Bộ Canh Nông, sau dọn về số 29/4 đường Tụ Đức, nhà cô giáo tôi ở số 48 Tự Đức chỉ cách nhau có ngã tư Nguyễn Bỉnh Khiêm.Thời gian đó tất cả anh chị em của cô còn ở chung với cụ thân mẫu, HQ. Trung úy Hoàng Cơ Minh mới đi lãnh tàu chiến của hải quân ở Hoa Kỳ về, còn anh Hoàng Cơ Trường đang học cùng lớp đệ thất với người anh ruột tôi là Phạm Phúc Hưng tại trường Nguyễn Trãi. Mỗi chiều thứ năm giờ sinh hoạt học đường, cô giáo Châu An đều nhờ anh Hoàng Cơ Trường dạy chúng tôi hát và dạy các trò chơi mà anh đã được huấn luyện trong sinh hoạt hướng đạo.


Đặc biệt trong giai đoạn đó các trường tiểu học phải tham dự thi đua văn nghệ trong Phủ Tổng Thống, Tất cả bốn lớp nhất của trường Đa Kao Di Chuyển đều phải học hát, múa các điệu vũ nhạc để chuẩn bị tham dự thi đua văn nghệ trình diễn tại trường Cao Thắng và Dinh Độc Lập với sự hiện diện của Tổng Thống Ngô Đình Diệm. Cô Châu An đã nhờ anh Hoàng Cơ Trường dạy cho chúng tôi cả hai ba tháng trước khi dẫn chúng tôi đi thi thố tài năng tranh đua với các trường bạn.


Một vài người bạn thời đó hiện nay còn gập lại nhau trong Thung Lũng Hoa Vàng đều đã quá tuổi thất tuần như Chị Minh Lân tức ca sĩ Ái Lan sau này, chị Đỗ Thị Thanh, Đỗ Thị Châu, Kim Thịnh, các anh Nguyễn Kim Thân Trâu Điên TQLC dã yên nghỉ nơi đồi Oak Hill San Jose, Phạm Bách Phi khóa 16 HQ/NT, Phạm Quốc Khánh và tôi. Đoàn văn nghệ của trường Đa Kao Di chuyển do cô Châu An hướng dẫn và Anh Hoàng Cơ Trường làm cố vấn kiêm hướng dẫn văn nghệ đã mang giải nhất về cho trường qua màn trình diễn Tình Hoài Hương và vũ điệu Châu Pha Rừng. 
Chúng tôi được Tổng Thống Ngô Đình Diệm khen ngợi. Đó là thành quả do chính công lao của anh Hoàng Cơ Trường đã tạo cho thế hệ của chúng tôi.


Kỷ cương tôn sư trọng đạo đối với cô giáo Hoàng Thị Châu An, và tình bằng hữu dù ở phương trời nào, thế hệ của chúng tôi vẫn dữ tròn thủy chung, vẫn tôn kính nhau dù hơn nửa thế kỷ đã đi qua của cuộc đời trần tục ô trọc đầy đố kỵ này.


Thế rồi khi bước lên ngưỡng cửa trung học các bạn tôi và tôi, người thì Trưng Vương, người thì Hồ Ngọc Cẩn, Chu Văn An, Trần Lục, Nguyễn Trãi. Riêng các bạn nam sinh chúng tôi như Phạm Bách Phi sau đó học Kiến Trúc và gia nhập khoá 16 sĩ quan hải quân Nha Trang, Nguyễn Kim Thân theo học khoá 21 VBQG rồi về thủy quân lục chiến cùng binh chủng với bác sĩ Hoàng Cơ Trường, riêng tôi lên học Súc Khoa ra trường về làm việc với thày Đỗ Thúc Vịnh (phu quân cô Châu An và cũng là anh rể của anh em họ Hoàng) tại Bộ Cải Tiến Nông Thôn. Chiến tranh quốc cộng ngày càng mở rộng, cuối cùng thì tôi cũng nhập ngũ như mọ thanh niên thời đó. Sau thời gian dài tôi được tuyển dụng làm việc trong cơ quan MACV/J2 rôi tăng phái sang hải quân VNCH, lúc đó HQ. Trung Tá Hoàng Cơ Minh đang làm Tham Mưu Phó Chiến Tranh Chính Trị của BTL/Hải Quân. Đầu năm 1972 tôi được chính thức trả về BTL/HQ và ra thụ huấn tại Trung Tâm Huấn Luyện Hải Quân Nha Trang rồi thuyên chuyển về Bộ Tư Lệnh Đặc Nhiệm 116.9 làm sĩ quan liên lạc cho BTL/đặc nhiệm 228 và 212.2 ở Nhà Bè lo về an ninh thủy trình Lòng Tào. Lúc đó BTL/Thủy Bộ ra đời và HQ. Đại tá Hoàng Cơ Minh làm Tư Lệnh. Một vài lần gập ông, cũng như những người khác dưới quyền ông, đều nhìn vị chỉ huy của chúng tôi như một thần tượng từ đức tính chỉ huy đến phương cách làm việc. Một tấm gương sáng cho tất cả thuộc cấp của ông. Tôi không có may mắn được ông trực tiếp chỉ huy như những đồng ngũ của tôi cho đến ngày VNCH bị đứt phim.


Tôi cũng không có may mắn được gần gũi anh Hoàng Cơ Trường trong khói lửa chiến tranh như bạn tôi là Nguyễn Kim Thân ở cùng binh chủng Thủy Quân Lục Chiến mà để được nhìn thấy hình ảnh hào hùng của Quân Y Sĩ Hoàng Cơ Trường sông pha nơi chiến trường. Mãi tới sau khi tôi vượt thoát ngục tù và vượt biển đến định cư tại San Jose, người anh ruột tôi giáo sư Phạm Phúc Hưng nói với tôi về người bạn thân của anh suốt bảy năm trung học là BS. Hoàng Cơ Trường hiện cũng có mặt tại San Jose. Tôi không có dịp gập lại anh Hoàng Cơ Trường.


Người mà tôi gập nhiều nhất trong gia đình cô giáo Châu An của tôi khi bắt đầu ra đời là luật sư Hoàng Cơ Long từ thời chúng tôi còn học và đi làm ở Đà Lạt, rồi suốt 36 năm tại San Jose. Cả một gia đình đi làm lịch sử từ thày Đỗ Thúc Vịnh chồng của cô giáo tôi cho đến các em của cô, và thế hệ con cái sau này như BS Đỗ Hoàng Ý ở Houston Texas, như Đỗ Hoàng Điềm hiện nay. Phải chăng đó là truyền thống của gia đình họ Hoàng Cơ. Cá nhân tôi nhìn vào hình ảnh này cả một sự qúy mến và kính trọng giữa những con người nhiệt huyết đối với quốc gia dân tộc. không phải vì tình thân thày trò hay quen biết mà ca ngợi lẫn nhau, nếu đó không phải là sự thật.


Với quan niệm sống phải làm những điều lợi ích cho tha nhân, cho dân tộc và tổ quốc, anh Hoàng Cơ Trường đã được bạn bè và các anh em biết đến dưới hình ảnh người sinh viên y khoa, trong môi trường sinh hoạt thanh niên sinh viên qua Đoàn Nguồn Sống. Anh không an phận thủ thường với thế lực gia đình để làm một bác sĩ ở một đơn vị hậu cứ nào đó. Trái lại anh nói “làm trai cho đáng thân trai” tại sao mình lại không dám sông pha như những anh em khác…


Lần gần đây nhất, cách đây vài năm khi tôi lá xe đưa cô giáo Châu An của tôi đến dự lễ ăn hỏi của con anh, nhìn lên bàn thờ thấy hình ảnh người bác sĩ quân y của binh chủng TQLC một đời hy sinh, lòng tôi cảm thấy bùi ngùi thương tiếc. Tôi mới biết là tháng 10 năm 1983 anh Hoàng Cơ Trường đã từ giã cõi đời sau khi để lại những lời trối trăn "Nơi nào có bóng Quốc Kỳ, nơi đó có linh hồn tôi hiện diện để sát cánh cùng các chiến hữu trong công cuộc đấu tranh giải phóng Tổ Quốc và xây dựng quê hương"....


Người xưa đã có câu “Sinh vi Tướng, Tử vi Thần”, Phó Đề Đốc Hoàng Cơ Minh rất xứng đáng để được khắc trên bia tưởng niệm câu này. Trong khi quốc biến gia vong ông đã không nề hà gian khổ, mà còn đồng lao cộng khổ với anh em chiến hữu thuộc quyền của mình, ông đã tròn trách nhiệm trong cuộc triệt thoái miền trung ở vai trò Tư Lệnh chiến trường. Khi ra đến hải ngoại, ông không an phận thủ thường hay vinh thân phì da ôm vào những dĩ vãng hào hùng để an ủi mình. Trái lại ông đã tiếp tục chứng tỏ ông là một con dân chưa làm tròn nhiệm vụ với tổ quốc, chứng tỏ một người chỉ huy vẫn còn chưa làm tròn nhiệm vụ với đồng ngũ. Ông đã từ bỏ những gì thân thương nhất, dám từ bỏ trách nhiệm gia đình để hoàn tất những gì mà tổ quốc giao phó. Khi ông chưa cảm thấy an tâm và còn áy náy trong lòng vì danh dự của một người “Sinh Vi Tướng”.


Dù trong suốt gần ba thập niên qua người đời có nặng nề phê phán gì về tổ chức của ông, về cái này cái kia khi có những bất đồng chính kiến trong nội bộ. Kể cả những khiếm khuyết của cán bộ dưới quyền ông trong tổ chức Mặt Trận Quốc Gia Kháng Chiến. Nay là Đảng Việt Tân.
Nhưng cá nhân tôi vẫn nhìn Phó Đề Đốc Hoàng Cơ Minh như một biểu tượng của người lãnh đạo, so với những hoạt động mà chúng tôi đã làm thất bại sau ngày 30 tháng 4 năm 1975 và bị bắt cùng các anh em khác vào tháng 6 năm 1979.


Ông đã làm tròn trách nhiệm của một “Tướng Quân” mà tổ quốc đã chọn lựa!!!
Một người từng mang cấp bực tướng với kiến thức đại học, kinh nghiệm chiến trường, từng làm tùy viên quân sự của chính trường luôn sông pha nơi tuyến đầu ông là một “Tinh Cầu” sáng ngời của QLVNCH nói chung và của quân chủng Hải Quân nói riêng.


Chúng ta những người nếu còn nhắc đến ba chữ “Tổ Quốc-Danh Dự-Trách Nhiệm”, chắc chắn chúng ta phải nhìn vào sự hy sinh cao cả của ông, khi hình ảnh Tướng Hoàng Cơ Minh đã lãnh đạo anh em kháng chiến từ hải ngoại trên đường trở lại xâm nhập giải phóng quê hương khỏi ách thống trị cộng sản. Sự hy sinh của ông trên chiến trường là một mất mát lớn cho gia đình ông, cho Mặt Trận Quốc Gia Thống Nhất Giải Phóng Việt Nam nói riêng và cho toàn dân Việt Nam nói chung. Đó là một sự thật không thể chối bỏ. Theo tôi “Ngôi Tinh Cầu Hoàng Cơ Minh” đã chứng tỏ cho đồng cấp của ông phải suy tư, dằn vặt lương tâm không ít…


Những dòng chữ tưởng niệm này viết về người niên trưởng Hoàng Cơ Minh và bào đệ của ông là bác sĩ Hoàng Cơ Trường một người anh mà tôi từng được gập gỡ khi đầu đời như những nén hương lòng đốt cho ngày tưởng nhớ về sự hy sinh cao cả và cũng là lời chia buồn muộn màng đến đại gia đình Hoàng Cơ và tất cả anh em trong tổ chức Mặt Trận mà hiện nay là Đảng Việt Tân.


Phạm Lễ.BMD.
CM Magazine Publisher
Hoang Pham chuyen

No comments:

‘Cờ ngụy’ và ‘ngón tay thối’ trong bảo tàng quân sự

HoangsaParacel: BBC  không thông hiểu về Việt Sử nên đã thiếu sót khi nói lá cờ Vàng thuộc chính phủ VNCH. Người Mỹ gốc Viê...