HOÀI MỸ
Dường như hơn bất cứ thời nào, ngày nay hai từ “di dân” và “di cư” được “chiếu cố” đến hơi nhiều, đặc biệt ở Âu Châu. Là người Việt, hẳn ai cũng hiểu nghĩa của hai từ thông dụng này. Đơn giản “di cư” là dời chỗ ở; trong khi “di dân” là dời dân đi chỗ khác. Đại khái thế; nhưng đành rằng tựu chung vẫn là việc bỏ chỗ ở hiện tại để đến định cư ở một nơi mới, một địa điểm khác, tuy vậy khi nói “di dân,” người ta vẫn có cảm giác “ghê gớm” hơn, quan trọng hơn và nhất là… xa xôi hơn, chẳng hạn (phải) ra tới nước ngoài.
Chẳng thế mà năm 1954 ở Việt Nam, để tránh nạn cộng sản, hơn một triệu đồng bào miền Bắc đã phải bỏ làng mạc, mồ mả tổ tiên… mà chạy vào miền Nam nhưng vẫn ở trong nước. Việc này được gọi là “di cư.” Thế nhưng, năm 1975, cũng nhằm phủ nhận chủ nghĩa công sản, hàng triệu người Việt đã phải bỏ quê hương để đến tiếp tục sống ở một nước khác. Người bản xứ cũng gọi chúng ta là “di dân” – và chúng ta cũng bất đắc dĩ chấp nhận mình là “di dân.”
Hầu hết người Mỹ đều là di dân hay con cháu của di dân. (Getty Images)
Hoàn toàn khác với “du lịch” vốn việc lên đường đã dễ dàng, thoải mái lại “thích thì ở, chán lại về,” thời gian bao lâu tùy ý; ngược lại, việc “di cư” và “di dân” là công việc lâu dài, khó khăn đôi khi đòi hỏi phải “liều mạng sa trường” nên phải toan tính kỹ lưỡng kẻo “sai một ly, đi một dậm” có khi tiêu đời luôn. Hơn nữa, đương nhiên phải có mục đích. Mà mục đích thì nhiều lắm và phần nhiều khác nhau, nhất là thuộc lãnh vực riêng tư cá nhân; còn nói tổng quát thì thường qui tụ vào hai lãnh vực: Kinh tế và hoạn nạn.
– Kinh tế: Ta vẫn nghe nói “di cư” là để hoặc vì muốn “tha phương cầu thực.” Nơi ở cũ khó sống bởi nguyên nhân “đất cầy lên sỏi đá” đến độ “chó ăn sương, gà ăn sỏi” huống chi con người nên đành phải di chuyển đến ở nơi khác với hy vọng kiếm được những phương kế sinh nhai khả quan hơn.
– Hoạn nạn: Thường là chiến tranh hay chính trị. Tuy vậy, trong trường hợp này, người “chạy loạn” lại thích từ “di dân” hơn là “di cư” dù sự “thích” này chưa phải là sự “thỏa mãn.” Như hoàn cảnh người Việt mình vì “quốc nạn 30 tháng 4/75,” phải vượt biên, vượt biển, chấp nhận “chín chết, một sống” để đến được bất cứ đất nước tự do nào. Chẳng thế mà nhiều người Việt đã tỏ ra bất mãn khi bị gọi là “di cư” hay “di dân,” vội sửa sai bằng cách sử dụng một từ khác: “Tị nạn” hay rõ hơn “tị nạn cộng sản.” Xét ra cũng có chút mâu thuẫn khi nhớ lại “biến cố 1954.” Cũng cùng mục đích là trốn chạy chủ nghĩa cộng sản, đồng bào miền Bắc chạy vào trong miền Nam thuở đó lại chỉ “được” gọi là “di cư” mà thôi…
Vâng, tuy thế qua câu chuyện hôm nay kẻ hèn này chỉ muốn lai rai tâm sự về các sự kiện lịch sử liên quan duy nhất đến việc “di cư” và “di dân” nói chung.
Có thể nói, từ thời thượng cổ cho tới hiện đại… không đâu lại chẳng diễn ra những cảnh tượng di cư và di dân. Hơn thế nữa, cũng có thể nói không dân tộc nào lại không là “di dân” và “di cư” hoặc cùng hành động và mục đích như vừa nêu nhưng lại được gọi bằng nhiều từ khác nhau như “Bắc tiến,” “Nam tiến,” “Tây tiến” hoặc “mở rộng bờ cõi, biên cương”…
Tổ tiên người Việt cũng đã từng là… di dân!
Cứ đọc lịch sử nước nhà chẳng hạn, tổ tiên người Việt khởi thủy đã không ở trên “lãnh thổ hình chữ S” hiện nay nhưng đã “chạy loạn” từ phương Bắc xuống định cư ở lưu vực sông Hồng. Theo luận thuyết của đa số sử gia, từ thời tiền sử , giống Lạc Việt là một bộ lạc trong hàng trăm bộ lạc – gọi chung là Bách Việt – cùng sinh sống ở quanh bờ sông Dương Tử (bên Tàu ngày nay). Khi rợ Hán thấy nơi này “béo bở” vì sông ngòi vẫn luôn là nguồn sống (nhờ thủy sản) và tiện việc đi lại… nên kéo đến đánh chiếm. Duy nhất nhóm Lạc Việt đã chạy thoát xuống phía Nam nên không bị nạn “Hán hóa,” trong khi các bộ lạc khác yếu hơn, chậm chân hơn nên bị rợ Hán thâu tóm rồi Hán hóa mà lập ra dân tộc Trung Quốc ngày nay.
Theo một trong nhiều giả thuyết về quốc hiệu Việt Nam, vì Lạc Việt chạy được về phía Nam nên mới có tên là Việt Nam vì “việt” do âm “vượt” mà ra. Nói cách khác, Việt Nam là giống dân vượt (biên) về phía Nam.
Chạy – hay nói theo ngôn ngữ ngày nay là “di dân” – đến lưu vực sông Hồng – lại là một địa điểm “ngon lành” để sinh sống – nhóm Lạc Việt đã dừng chân, quyết định “cắm dùi” vĩnh viễn mà lập ra nước Văn Lang từ đời họ Hồng Bàng (2879 – 258 trước Tây Lịch, theo Việt Nam Sử Lược của Trần Trọng Kim). Thế nhưng khi đến đây hẳn nhiên đã có một hay nhiều nhóm thổ dân khác. Biến cố chiến tranh để tranh giành đất đai và các phương tiện sống, xảy ra là lẽ đương nhiên. Kết quả là các bộ lạc thổ dân khác yếu hơn nên đã bị Lạc Việt đánh đuổi “chạy tóe khói” mà rút lên những nơi rừng núi “khỉ ho cò gáy,” bởi thế mới có danh từ “người Thượng” (thượng có nghĩa là trên cao) – như sử gia Trần Trọng Kim đã viết: “… ở thượng du Bắc Việt đã có dân Thái (tức là Thổ), Mường, Mán, Mèo…)
Thế nhưng, chiến tranh vẫn tiếp diễn đều đều. Người ta có thể trích dẫn truyền thuyết cổ tích “100 trứng 100 con” để chứng minh dòng giống dân tộc Việt là “Con Rồng Cháu Tiên” nhưng đồng thời để thấy sự khéo léo và tài tình về khả năng “tâm lý chiến” của tổ tiên người Việt: “Lạc Long Quân lấy con gái vua Đế Lai tên là Âu Cơ, đẻ một lần trăm cái trứng nở ra được 100 người con trai. Lạc Long Quân là dòng dõi rồng sống dưới nước còn Âu Cơ là dòng dõi tiên sống trên cạn. Do ăn ở với nhau lâu mà không hợp nên chia 50 con theo cha xuống bể Nam Hải, 50 con theo mẹ lên núi.” Vậy, dù sống trên thượng du hay dưới đồng bằng đều là “người một nhà,” cùng cha cùng mẹ, cùng tổ tiên. Bởi thế, “… gà cùng một mẹ chớ hoài đá nhau,” vì “máu chảy ruột mềm” và bởi “một giọt máu đào hơn ao nước lã”…Thêm nữa, cổ nhân Việt quả đã không vô tình tí nào khi gọi mọi người sống trên đất nước mình là “Trăm Họ” hay “Bá Tánh.”
Theo thời gian, nhờ người Việt không ngừng sinh con đẻ cái mà dân số tăng nhanh tăng mạnh. Bởi thế nhu cầu sinh sống cũng phải “thừa thắng xông lên.” Vẫn theo Việt Nam Sử Lược của Trần Trọng Kim: “Người nòi giống Việt Nam ta mỗi ngày một nẩy nở ra nhiều, mà ở phía Bắc đã có nước Tầu cường thịnh; phía Tây thì lắm núi nhiều rừng, đường đi lại không tiện, cho nên theo bờ biển di dân lần xuống phía Nam, mở ra bờ cõi bây giờ.”
Ở những nơi này cũng đã có các nhóm thổ dân – họ đã di cư từ đâu đến, không biết – nhưng họ cũng không dễ dàng chịu “đầu hàng vô điều kiện,” thành thử lại diễn ra nhiều cuộc chiến tranh tàn khốc. Sử gia Trần Trọng Kim kể: “… ở miền Trung đã có dân Mọi và Chàm (tức là Hời); ở về miền Nam thì cũng đã có dân Mọi, Chàm, Chà và Khách, vân vân”… Các giống thổ dân này phần số người ít hơn lại yếu hơn nên dân tộc Việt Nam chiếm được các nơi mà định cư và phát triển…
Nói tóm lại, trong dòng lịch sử nước nhà – kéo dài gần 5,000 năm – dân tộc Việt Nam đã trải nghiệm biết bao cuộc di dân, di cư lớn nhỏ… và dĩ nhiên không thể kỳ nào cũng “thuận buồm xuôi gió,” trái lại hầu như mỗi lần đều “trần ai khoai củ,” đều máu đổ thịt rơi…
Vâng, người Việt không những đã là di dân, di cư mà các địa phương trong nước cũng đã từng “mở rộng vòng tay” bao bọc đồng bào di dân và di cư của mình – biến cố di cư 1954 là chứng minh điển hình – không những thế, nước Việt Nam cũng đã tiếp nhận các nhóm di dân, di cư ngoại quốc, chẳng hạn giữa thế kỷ 17, Mạc Cửu, một thương gia người Tàu đã đem cả dòng họ chạy loạn đến xin tạm cư tại Hà Tiên (tỉnh Kiên Giang) nhưng rồi được chúa Nguyễn cho sinh sống luôn ở đây để khai phá vùng đất này vẫn còn hoang sơ thành trù phú. Sau này, ngoài số đông đảo người Tàu di cư (thí dụ vùng Chợ Lớn), chúng ta cũng đã thấy nhiều sắc dân khác di cư trên gần như khắp lãnh thổ Việt Nam, như người Ấn Độ, Cao Miên, Lào, Thái Lan, Phi Luật Tân… và kể cả người Âu.
Nhân ‘Thanksgiving’ ôn lại di cư ở Mỹ
Mạn phép pháp biểu ngay, những kẻ chạy theo chủ nghĩa “thượng tôn da trắng” đều là… xằng bậy! Những công dân Mỹ thứ thiệt mà đả kích di dân, bài trừ di cư – gồm những người đã được đến đây hoặc những người cũng ao ước được sống ở đây – cũng thẩy là thiển cận, sai quấy. Cổ nhân Việt Nam đã từng khuyện dạy con cháu: “Nói người chẳng nghĩ đến ta; Cứ sờ lên gáy rằng xa hay gần!”
Vâng, dân tộc Hoa Kỳ vẫn được mệnh danh là Hiệp Chủng Quốc, nôm na là đất nước do nhiều người hợp lại. Mà những người này là những di dân đến từ tứ xứ trên khắp hành tinh này. “Chủ nhân” của mảnh đất phì nhiêu rộng bao la và phong phú đủ mọi tài nguyên thiên nhiên này thật sự là người Da Đỏ đấy. Và dĩ nhiên cũng giống “thuở ban đấu lưu luyến ấy” của bất cứ quốc gia nào, tại “Tân Thế Giới” này cũng đã xảy ra những cuộc chiến tranh trường kỳ ác liệt và đẫm máu giữa các đương kim chủ nhân và những người lạ mới đến…
Thế nhưng, trong lịch sử lập quốc Hoa Kỳ lại đã xảy ra một trường hợp vô cùng đặc biệt – vô tiền kháng hậu – vốn chỉ có trong “luật trừ” mà sau này được các thế hệ con cháu nhắc nhở đến bằng một lễ hội: “Thanksgiving!”
Biến cố kể trên đã diễn ra vào khoảng thế kỷ 16-17, một nhóm người Anh thường được gọi là Pilgrims, đã dùng con tàu mang tên Mayflower để vượt biên đi kiếm đất sống ở Tân Thế Giới (Châu Mỹ) nhưng khi đặt chân đến Massachusetts thì số thuyền nhân này đã bỏ mạng gần một nửa, phần vì đói rét, phần không qua nổi mùa đông khắc nghiệt ở đây.
Họ may mắn được thổ dân da đỏ cho ít lương thực đồng thời chỉ dẫn cho cách trồng hoa màu, săn bắn… Tới thời gian đã “tự túc tự cường,” họ tổ chức một buổi tiệc thật “hoành tráng,” trước để tạ ơn Đức Chúa Trời đã an bài cho họ được sống còn tới nay, sau nữa để tỏ lòng biết ơn những thổ dân da đỏ.
Theo tài liệu, lễ Tạ Ơn đầu tiên ở Hoa Kỳ của con cháu người Pilgrims đã diễn ra năm 1621 tại Plymouth, nay thuộc Massachusetts. Tuy nhiên phải nhấn mạnh rằng Thanksgiving trở thành quốc lễ kể từ năm 1789 sau khi Quốc Hội yêu cầu tổng thống đương thời George Washington chính thức công bố; nhưng mãi đến 1863, Thanksgiving mới được “ăn mừng” như một đại lễ liên bang. Từ đó hàng năm, việc tổ chức – được mừng vào ngày Thứ Năm, tuần lễ thứ tư của tháng 11 – đã trở thành một tục lệ truyền thống cao đẹp của toàn dân Hoa Kỳ.
Cám ơn ‘di dân’ và ‘di cư’!
Khi mừng “thanksgiving,” phần đông người Việt vẫn “làm cử chỉ đẹp” đối với đất nước Hoa Kỳ qua lời phát biểu, đại khái: “Tạ ơn các vị tiền nhân, các đấng lập quốc và anh hùng đã từng “đổ mồi hôi sôi nước mắt,” hy sinh cả xương máu lẫn sinh mạng để xây dựng nên đất nước Hoa Kỳ… Xin tạ ơn đất Mỹ và dân chúng Mỹ đã cưu mang chúng tôi, cho chúng tôi cuộc sống tự do với cơm ngon, áo đẹp, hạnh phúc với các cơ hội cho con cái chúng tôi tiến thân… Bằng không mà còn kẹt lại ở Việt Nam, chúng tôi đã bị bọn Việt Cộng bịt mồm bịt miệng, xiết họng… đến nói cũng không nói được, huống chi ăn. Con trai của chúng tôi thì đầu đường xó chợ, con gái nếu không lấy chồng Đài Loan thì cũng Đại Hàn… Còn vợ chồng già chúng tôi thì chẳng biết đã trôi về chân trời tím nào rồi.”
Mặt khác, thiết tưởng cũng nên nghĩ xa hơn khi nhân dịp đại lễ này mà nhớ đến sự đóng góp dồi dào, tích cực và hữu hiệu của những thành phần gọi là “di dân” hay/và “di cư” – trong số đó, hãnh diện thay có cả người Việt chúng ta. Không quốc gia nào có thể tự vỗ ngực tự xưng không cần đến các nhóm di dân, di cư trong việc làm phát triển các ngành nghề, cách riêng vể kinh tế, cho đất nước mình. Nhìn về Âu Châu ắt rõ, hầu hết dân số ở nước nào cũng “xuống dốc không phanh.”
Chính phủ thường xuyên tìm mọi phương cách cám dỗ mà phụ nữ vẫn “em chả, em chả”… chịu đẻ. Vậy lấy đâu ra nhân lực lao động “để điền vào chỗ trống” nếu không vội “rước” các nhóm di dân, di cư vào nước. Đó là chưa nói tới nhiều việc mà người bản xứ chê là “hạ cấp” và lương bổng quá “bèo” nên không thèm làm. Trong khi đó, đa phần phe di dân, di cư vốn biết thân biết phận của mình nơi “xứ lạ quê người” – nhất là thời gian ban đầu – vẫn sẵn sàng “cày” bất cứ việc nào miễn là kiếm được ít tiền nuôi sống gia đình và cho con cái cắp sách đến trường.
Nếu đã quan niệm cuộc đời là bãi chiến trường, là nơi thi đua tài năng, thiện chí nhưng cũng là nơi để mình góp phần xây dựng thì chắc đã không có câu “di dân, di cư vào đây chiếm hết “job” của chúng tôi” vốn chỉ là thứ lý luận… quèn của những người ích kỷ, hẹp hòi hoặc sử dụng để che đậy bản tính lười biếng hay ỉ lại của mình.
Trong bài diễn văn đọc vào dịp lễ Thanksgiving, ngoài phần nhắc đến công lao lập quốc, xây dựng và bảo vệ đất nước của tiền nhân, các vị Tổng Thống Hoa Kỳ cũng thường không quên cám ơn sự đóng góp của các nhóm di dân, di cư… Trong số này đương nhiên có cộng đồng người Mỹ gốc Việt. Thật hãnh diện và phúc đức thay. Nguyện cầu “God bless America!” (hm)
TVQ chuyển
No comments:
Post a Comment