Thursday, November 9, 2017

Sydney: Thánh lễ Tưởng Niệm Cố Tổng Thống Ngô Đình Diệm

Sự kiện đã trở thành một truyền thống sau 5 năm khi Hội Thân Hữu Người Việt Quốc Gia Tỵ Nạn Cộng Sản Sydney đứng ra tổ chức Lễ Tưởng Niệm Cố Tổng Thống Việt Nam Cộng Hòa Gioan Baotixita Ngô Đình Diệm và bào đệ Giacôbê Ngô Đình Nhu vào lúc 1g trưa thứ bảy ngày 4 tháng 11 năm 2017 tại Thánh Đường Our Lady of The Rosary 18 Vine St Fairfield NSW.
Lễ Giỗ lần thứ 54 cũng là dịp nhớ đến và cầu nguyện cho các linh hồn Dân, Quân Cán Chính và Quân Đội Đồng Minh đã hy sinh để bảo vệ Việt Nam Cộng Hòa cùng linh hồn các đồng bào đã tử nạn trên đường vượt biển vượt biên tìm tự do. Buổi lễ cũng cầu nguyện cho linh hồn các chiến sĩ và đồng bào đã bỏ mình tranh đấu cho tự do, dân chủ và nhân quyền cho Việt Nam.

Thánh lễ tưởng niệm được hai linh mục Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Tuyết – tuyên úy CĐCGVN TGP Sydney - và linh mục Hà Thanh Sơn đồng tế với sự tham dự của hàng trăm đồng hương ngồi kín cả nhà thờ.

Đoàn phụng vụ khởi đầu thánh lễ với các cụ cao niên trong bộ quốc phục màu xanh nước biển và đại diện 3 binh chủng QLVNCH sau đó là các thừa tác viên thánh thể và 2 linh mục đồng tế. Sau khi kính bái và hôn bàn thờ, hai linh mục đã cùng với các cụ cao niên và đại diện 3 binh chủng thắp nhang trước di ảnh của cố tổng thống Ngô Đình Diệm.
Thánh lễ tưởng niệm sau đó chính thức bắt đầu với bài ca nhập lễ trang trọng của ca đoàn Fairfield. Trong phần chia sẻ, linh mục Hà Thanh Sơn đã nhắc đến tính chất đặc thù của người Việt trong việc gìn giữ tiếng Việt và thế lực đứng đằng sau cái chết của cố tổng thống Diệm. Còn trong bài thuyết giảng được soạn công phu, linh mục chủ tế Nguyễn Văn Tuyết đã nhấn mạnh đến sự khác biệt giữa cố tổng thống Ngô Đình Diệm và ông Hồ Chí Minh.

Ngài nói: “Nhờ vào đời sống kinh nghiệm về lòng yêu thương của Thiên Chúa, cụ Diệm đã tự nguyện hiến dâng cuộc đời để trở thành công cụ cho Giải Thoát. Giải thoát cho gần một triệu người ra khỏi gọng kiềm của cộng sản đưa họ từ miền Bắc vào miền Nam. Giải thoát đất nước ra khỏi cảnh nghèo đói, khỏi chủ nghĩa tam vô - vô tổ quốc, vô gia đình và vô tôn giáo, theo chủ trương của cộng sản. Vì thế, Cụ Diệm đã không còn sống cho chính mình nữa nhưng là sống cho quốc gia dân tộc. Tình yêu của cụ không còn mang tính cá nhân nhưng mang chiều kích toàn thể.

Mặc dầu với đời sống khó nghèo phục vụ này của cụ nhưng không ai thấy một trang sách nào được ghi lại. Một cuộc sống âm thầm không khoe khoang. Một lối sống hoàn toàn khác với lối sống của Hồ Chí Minh, một người tự viết sách để khoe mình. Nói như vậy không phải chúng ta so sánh giữa cụ Diệm và Hồ Chí Minh bởi vì hai người có hai lối sống và tư cách khác xa nhau”.

Cha Tuyết nhận xét thêm: “Cụ đã hấp thụ và để lại một nền giáo dục “tiên học lễ, hậu học văn.” Trong khi đó ông Hồ đưa một nền giáo dục hoàn toàn trái ngược vào Việt Nam. Một nền giáo dục mà mới đây được biểu lộ cách cụ thể qua lời đề nghị của ông Vũ Trọng Phúc, nguyên viện trưởng viện lịch sử đảng về việc thành lập viện đạo đức để huấn luyện cán bộ. Lời đề nghị này cho chúng ta thấy một cách rõ ràng nền giáo dục cộng sản đi ngược với nền giáo dục do tổ tiên Việt Nam để lại – đối với cộng sản, uốn tre chứ không cần uốn măng, họ không hiểu rằng đạo đức phải được học từ nhỏ chứ không phải làm cán bộ rồi mới học. Người ta học xong mới làm quan – chứ không phải làm quan xong mới đi học”.

Linh mục chủ tế ghi nhận: “Tất cả đối với cộng sản đều có quy trình. Quy trình này mới đây được minh hoạ qua lời phát biểu của một cán bộ cộng sản ở Hà Nội khi giải thích rằng lũ lụt tại Việt Nam là theo đúng quy trình của nhà nước. Nếu lũ lụt là theo đúng quy trình của nhà nước, như vậy cũng có nghĩa những người dân vô tội chết là chết theo quy trình và vì thế cũng không có gì đáng ngạc nhiên nếu sau này những người chết vì lũ lụt này sẽ nhận được giấy khen thưởng vì đã chết theo quy trình của nhà nước, và sẽ bắt tội những ai giúp đỡ các nạn nhân này với lý do chống đối chính sách và quy trình giết người của nhà nước. Đó là vài lý do nho nhỏ mà chúng ta không thể so sánh giữa hai người được. Giữa tự do dân chủ và độc tài đảng trị”.

Cuối cùng cha Tuyết kết luận: “Cụ Diệm là một tấm gương sáng của lòng yêu nước trong giai đoạn lịch sử tại Việt Nam lúc đó và đặc biệt ngay trong lúc này, hơn lúc nào hết, những người có tâm huyết với đất nước trong khả năng của mình cần vận động để làm vinh danh cụ và cố bào đệ Ngô Đình Nhu một cách cụ thể bằng việc đòi trả lại tên Saigòn năm xưa một cái tên đầy ý nghĩa lịch sử và tình người. Thánh lễ hôm nay chúng ta cầu nguyện cho quê hương đất nước có một đấng minh quân để dẫn đưa Đất Nước tiến lên tự lực tự cường như tấm gương cố Tổng Thống Ngô Đình Diệm”.

Sau khi thánh lễ kết thúc ông Phạm văn Thông, trưởng ban tổ chức, đại diện Hội Thân Hữu Người Việt Quốc Gia Tỵ Nạn Cộng Sản Sydney đã cám ơn quý cha đồng tế, quý vị quan khách, đồng hương, các mạnh thường quân và những người cộng tác để thánh lễ tưởng niệm được thành công tốt đẹp. Ông cũng không quên mời mọi người ở lại để dùng bữa trưa nhẹ với ban tổ chức.

Thánh lễ tưởng niệm đã kết thúc tốt đẹp và ban tổ chức hẹn gặp năm tới để tiếp tục duy trì tình thần yêu nước của cố tổng thống Ngô Đình Diệm.

VN Enterprises News

























No comments: