Saturday, February 3, 2018

Tác phẩm Chiến Tranh & Hòa Bình VN được đề cử ứng viên Giải Nobel Văn Học 2018

Inline imageInline image
  - Theo thông tin từ Paris, Pháp, Chủ tịch Trung Tâm Văn Hóa Nguyễn Trường Tộ Paris, Giáo sư Nguyễn Đăng Trúc đã thay mặt Tổ chức Văn hóa này đứng ra đề cử tác phẩm Chiến Tranh & Hòa Bình Việt Nam của tác giả Nguyễn Quang Hồng Nhân, Bút hiệu Nguyễn Quang làm ứng viên cho Giải Nobel Văn Học 2018.
Nét đặc thù của tác phẩm không mô tả các cuộc đánh nhau, không có bên thắng hay thua cuộc. Tất cả người Việt là nạn nhân:

- Nạn nhân chiến tranh Việt Nam.
- Nạn nhân chế độ lao tù Cộng Sản VN.
- Nạn nhân của các quan tham thời hòa bình.

Một cuộc chiến tranh, bên này hay bên kia “Mỗi gia đình, mỗi người Việt Nam đều có hình ảnh hay bóng soi trong cuộc chiến này.”

Và đã dẫn đưa đất nước đến ngày hôm nay như chúng ta đều nhận thấy trong sự kinh hoàng về quê hương: “Gia tài của Cộng sản để lại, đó là một giỏ rắn Trung Hoa, một xã hội hỗn mang từ thượng tầng kiến trúc đến hạ tầng cơ cấu, những con rắn Hán gian, Việt gian ra vào hang trên khắp cả nước. Những con rắn nuốt chửng lẫn nhau và phun nọc độc lên dân tộc đã cưu mang nó”.

Đúng “là tâm trạng bi thương chung của các dân tộc chẳng may rơi vào hoàn cảnh sinh hận thù đâm chém giết chóc lẫn nhau đến không nhận ra nhau là người, đặc biệt khi cuộc chiến kết thúc sự trả thù của kẻ chiến thắng càng tàn bạo hơn cả trong chiến tranh. Đó là điểm đặc thù của cuộc chiến Việt Nam.”

Mỗi dân tộc có giá trị tinh thần riêng, người Việt đọc tác phẩm này, hy vọng sẽ không còn cảnh người Việt giết người Việt, hận thù rồi tìm cách trả thù khi nhận ra nhau Cội Nguồn là người Việt Nam.
                                      

Giới thiệu tác phẩm Chiến Tranh và Hòa Bình Việt Nam
Nguyễn Quang

Inline imageInline image


Kỷ niệm một năm tỵ nạn chính trị tại Đức quốc, thật tuyệt vời khi chúng tôi có được khoảng thời gian thỏa mái để viết không phải bị dòm ngó theo dõi, bị gọi làm việc với công an như tại Việt Nam. Ngoài ra cũng không phải lo cơm áo gạo tiền vì được Chính phủ Cộng Hòa Liên Bang Đức trợ cấp thật đầy đủ từ chỗ ăn ở cũng như y tế, văn hóa.

Và tôi phải làm gì, que dois-je faire, đó là một câu hỏi hằng ngày, như Kant đã nêu trong tác phẩm Lý trí thực hành. Hoàn cảnh nước Đức cũng chia đôi như Việt Nam, một thời chiến tranh và hòa bình luôn bên bờ vực. Nhưng nay họ là một trong năm siêu cường phát triển mạnh nhất thế giới. Tại sao? 
Song sự nhân đạo dường như đang vượt hẳn các nước kia về tính nhân bản. Nước Đức đang nhận vào nhà mình những nạn nhân chiến tranh từ Syria cùng các nước Trung Đông, mặc dù thái độ của người dân hiện nay có phần ái ngại, tất nhiên không thể tránh khỏi thành phần khủng bố trà trộn vào, nên chẳng khác nào lại nuôi mầm chiến tranh, khi tình hình thế giới hiện nay, vẫn đầy dẫy các cuộc bạo loạn, đánh nhau.

Do đó trong nhiều chọn lựa, tôi quyết định viết lại bộ sách đã được khởi thảo tại Việt Nam và nay đến hoàn chỉnh: tác phẩm Chiến Tranh và Hòa Bình Việt Nam, như một sự cảm ơn đối với nhân dân Đức vì lòng trắc ẩn, bao dung và mãi mãi tấm lòng với quê nhà “Nơi nào có Ba Mẹ chính là quê hương”!
Lời dẫn nhập vào tác phẩm Chiến tranh và Hòa Bình VN

Đất nước Việt Nam trải qua nhiều cuộc chiến tranh, chết chóc. Sự sống và cái chết như quyện vào nhau. Những ai may mắn còn sống sót, người nào còn lành lặn tiếp tục làm việc, ai muốn viết văn làm thơ đều có cảm xúc về sự thật đã từng xảy ra để viết, cũng như làm nhân chứng cho sự thật. Tác phẩm Chiến tranh và Hòa bình Việt Nam, văn vẻ cùng nhân vật không có hư cấu, nhiều khi thô thiển đến ngỡ ngàng như chính những biến cố trên dòng đời mà nạn nhân của chiến tranh đau thương là những người chung quanh đã lãnh nhận những quả bom, trái mìn… bao gia đình tan nát, những cuộc tình chia ly do những viên đạn thật bất ngờ đến vô tình. 
Các hồ sơ trưng dẫn trước đây rất đáng ghi nhận, nhưng phần lớn không từ thực chứng, nhất là các thông tin nhằm phục vụ cho các thế lực chính trị, nó không từ cái tâm, bản mặt thật của những gì đang thể hiện tính thể – các nạn nhân trong chiến tranh. Có thể nói được rằng, thực trạng tang thương nhưng trong cách nhìn ngoại vi từ khi họ viết những gì gọi là sử sách vào giai đoạn đầy nhiễu nhương của một nước Việt Nam nhỏ bé, nhưng dư hận thù, ganh ghét, đố kỵ … mà lại thiếu, thiếu quá nhiều tình thương, lượng bao dung, và tinh thần tự trọng, lại chỉ dựa vào số tài liệu, sách báo, ngoại quốc, lời phê bình chỉ trích từ Hoa Thịnh Đốn, Mạc Tư Khoa, Bắc Kinh. Điều đáng chua xót là những sách báo, tài liệu, phê bình chỉ trích được họ dựa vào đó để viết, để nói, để trưng dẫn, cũng được lựa chọn theo khẩu vị, hơn là vô tư, chính xác, đúng sự thật và truyện dài theo dòng lịch sử này đặc biệt ghi lại tâm lý thần kinh người dân trong chiến tranh không chỉ tại Việt Nam nhưng là tâm trạng bi thương chung của các dân tộc chẳng may rơi vào hoàn cảnh sinh hận thù đâm chém giết chóc lẫn nhau đến không nhận ra nhau là người, đặc biệt khi cuộc chiến kết thúc sự trả thù của kẻ chiến thắng càng tàn bạo hơn cả trong chiến tranh. Đó là điểm đặc thù của cuộc chiến Việt Nam.



Hư Vô – tên của nhân vật chào đời vào thời điểm khoa sinh học phát minh ra yếu tố di truyền và công nghệ gene phát triển đến hoàn thiện, cũng như bắt đầu của thời nhân bản vô tính. Hư Vô lớn lên giữa Trời và Đất như con cái của mọi gia đình. Sự lưỡng phân hay đa chiều trong mỗi cá nhân đã giúp con người như sự cảnh tỉnh mỗi khi làm điều ác hay hưng phấn khi hành thiện và cái gốc sâu xa nơi mỗi cá nhân khi được Đấng Tạo Hóa dựng nên đều có cơ hội  tự đứng vững.

Nhìn lại cuộc chiến – nghĩa là nhìn lại sự giết người, Hư Vô đi đếm xác người, tổng kết những đạo luật, sắc luật, sắc lệnh cùng bao nghị quyết, quyết định trong chiến tranh để con người hợp thức hóa việc giết đồng loại. Ở đây trên ba triệu xác người Việt với nhau, trên năm mươi ngàn binh lính Mỹ và Đồng minh. Khi cuộc chiến chấm dứt, gọi là thời Hòa Bình với hơn một triệu người vì sợ hãi mà chạy trốn kẻ chiến thắng thiết lập thứ bạo quyền mới. 
Vùng đất mới có thật sự là nơi thể hiện của một nền văn minh mới đang chuyển tiếp hay vẫn còn rải rác đâu đây sự nhân danh để tiếm đoạt của con người ‘mượn hoa cúng Phật để hòng kiếm ăn’.[1] Chiến tranh đã để lại mối quan hệ thân tộc mới, trong gia đình không còn là cha hay mẹ, chỉ còn một hay không còn ai cả, vốn đã tạo nên tổ ấm này và ngay các từ cha, mẹ cũng sẽ thay đổi…vì sự sợ hãi khi gọi trực diện như thế, thần chết sẽ gọi người chúng ta yêu thương, kính trọng. Một nền tảng đạo đức mới được hình thành như đang và sẽ xảy ra trong thời nhân bản vô tính, mỗi chủ thể vẫn là nền tảng của xã hội, Cogito ero sum, Je pense donc je suis, I think so I am, Hư Vô nhìn lại từ quá khứ đến hiện tại chắc chắn rằng con người chỉ sáng tạo khi có tự do và mỗi cá nhân trong cuộc hành trình cùng nhân loại trong nền văn minh mới vẫn luôn phải trả giá rất cao mới có được Tự Do để sáng tạo.

Triết lý là sự đi đường đến Chân Thiện Mỹ của từng thời đại và để có được nhân loại phải trải qua bao thử thách, hy sinh, đau thương mất mát. Trong hơn nửa thế kỷ hậu bán thế kỷ hai mươi, Việt Nam cùng nhiều dân tộc khác có chiến tranh và hòa bình, nhất là thời hòa bình càng hỗn loạn hơn như bên bờ vực chiến tranh, khiến tâm lý thần kinh của người dân Việt Nam biến đổi từ nhẹ đến điên loạn, đó là Cái Giá Của Tự Do. Chính nó là yếu tính, bản chất của Chiến Tranh và Hòa Bình vậy. 
Trích đoạn: Bà Mẹ Quảng Nam chôn sống con mình.[2]

Sau hơn ba mươi năm cuộc chiến chấm dứt, một người phụ nữ ngoài bảy mươi được đề nghị trao tặng danh hiệu “anh hùng” và giúp cho hưởng các chế độ xã hội vì đã có công giết chết con đẻ của mình để giữ an toàn cho đoàn quân du kích trong lúc bị quân đội Việt Nam Cộng Hoà và Đồng minh truy đuổi.
Đứa trẻ đã khóc thét suốt nhiều đêm do sợ hãi tiếng động đạn bom. Cán bộ Việt cộng lúc đó đã làm công tác tư tưởng yêu cầu bà mẹ phải chôn sống đứa con mười mấy tháng tuổi của mình, ngõ hầu không vì tiếng khóc của con trẻ mà bị địch phát hiện. Người phụ nữ đã đắn đo dằn vặt trước những lời đề nghị ngọt lịm của các chính uỷ, bà đã nổ lực hết sức với những lời ru nhưng đứa trẻ vẫn trong cơn sốt hoảng sợ tiếp tục khóc. Thế là bà đành đoạn nói lời chia tay “thôi thì số phần của con vậy”, trước khi mang con đi chôn sống.


Người đàn bà theo lời kể trong đêm khuya hôm ấy đã lẳng lặng một mình mang cháu bé ra mé rừng, rồi moi cái hố nhỏ bỏ thằng bé xuống, vùi lấp lại. Đứa bé đã không còn khóc nữa, nó đã hoàn tất “sứ mệnh” của kiếp người: làm nên sự yên lòng cho các chính ủy Việt cộng.


Người mẹ đờ đẫn, bơ phờ ra về đến nơi trú ẩn như xác không hồn, bà đã làm một việc mà không nghĩ mình đã làm. Bà chỉ còn nghe lập lại, “đây là mệnh lệnh của đảng”. Và tiếng khóc đứa trẻ thật sự không còn nữa. Mọi sự an toàn cho những người đang trốn chạy, theo như lời các ông đảng viên cộng sản.

Người mẹ sau đó dần dần trở nên bất bình thường, kể từ đêm hôm ấy. Một hồ sơ bệnh án tâm lý thần kinh hình thành dù vô hình đối với một con người sẽ còn nhiều nước mắt chảy dài cho đến hết cả đời người, trong nỗi nhớ con cùng sự cấu xé về việc làm của mình. Bà đã hy sinh đứa con vì những lời mỵ dân cùng sự dốt nát kiến thức khoa học sơ đẳng trong việc chữa trị trẻ con khóc đêm. Chỉ cần cho bé một liều thuốc an thần nhẹ là trẻ sẽ ngủ say, thay vì hy sinh mạng sống của một con người. Người phụ nữ ấy chôn sống con, theo lời khuyến dụ của những kẻ làm chiến tranh. Thế nhưng khi cộng sản Hà Nội chiếm được miền Nam, họ đã quên hẳn người đàn bà bất hạnh đó.

Người mẹ giết con thật sự đã bị quên bẵng sau hơn ba mươi năm. Mới đây có một người cao niên nào đó trong số những du kích năm xưa nhớ lại, khi nhìn thấy thân phận quá đau thương mất mát cùng khổ của người đàn bà năm xưa. Hằng ngày trong bộ quần áo rách nát, bữa no bữa đói, bà phất phơ, lẩn thẩn đi tìm con. Bà luôn quanh quẩn nơi vùng đất ngày xưa chính mình đã chôn sống người con thân yêu, nay đã gần bốn chục năm, nghĩa là Nó đã gần bốn chục tuổi đời. Hình ảnh đứa con và việc làm rồ dại năm xưa luôn luôn trong tưởng tượng và ám ảnh của người mẹ.

Người mẹ này, vào thời điểm đó đã ngoài bảy mươi, sinh sống tại Tỉnh Quảng Nam, miền Trung Việt Nam. Bà tên là Lê Thị Nghê (còn gọi Năm Nghê), ngụ thôn Linh Kiều, xã Hiệp Hòa, huyện Hiệp Đức, tỉnh Quảng Nam.


Đất nước Việt Nam đầy chiến tranh, chết chóc, thời chiến cũng như thời bình, cuộc sống và cái chết như quyện vào nhau, những biến cố trên dòng đời mà nạn nhân của chiến tranh đau thương là những người chung quanh đã lãnh nhận những quả bom, trái mìn… bao gia đình tan nát, những cuộc tình chia ly do những viên đạn thật bất ngờ đến vô tình.

Chiến tranh đã mang đến cho con người tất cả những thứ gọi là tiến bộ về khoa học, kỹ thuật và đã lấy hết tất cả những gì gọi là văn minh, văn hóa.


Nguyễn Quang



[1]‘Mượn hoa cúng Phật để hòng kiếm ăn’, thơ của Thi sĩ Hà Thượng Nhân.
[2] Nay, 2016, là bốn mươi sáu năm. Bà Nghê nay trên 80 tuổi. Tài liệu này viết cách nay đã 16 năm. Gần đây báo Pháp Luật có tường thuật lại vụ này nhưng với mục đích tuyên truyền để che lấp cái bất nhân của VC. Phần tôi chỉ viết lại một sự kiện một cách trung thực, về một nạn nhân chiến tranh. (http://kienthuc.net.vn/song-4-mau/dem-kinh-hoang-me-chon-song-con-cuu-tram-nguoi-o-quang-nam-487058.html )
nguồn: vietbao.com


Vũ Thất chuyển
neo

No comments:

Tùy bút GIÂY PHÚT CHẠNH LÒNG-Điệp Mỹ Linh

Chủ nhật Jan./12/2025 vừa qua, lúc 11:00AM, một số Luật sư/cựu sinh viên Luật Khoa đã gặp nhau tại nhà hàng Lambo, trên đường Westheimer, Ho...