Friday, February 23, 2018

USS Carl Vinson tới Đà Nẵng: 'Bước đi chiến lược'




Getty Images -Tàu USS Carl Vinson vào cảng Busan tháng 1/2011 để tập trận cùng Hàn Quốc


Việc hàng không mẫu hạm USS Carl Vinson của Mỹ đến thăm cảng Đà Nẵng từ 5-9/ tháng 3/2018, được cho là bước tiến quan trọng trong quan hệ quân sự Mỹ - Việt nhưng có thể khiến Trung Quốc phật lòng.




Giáo sư Carl Thayer, một chuyên gia về Việt Nam từng làm việc tại Học Viện Quốc Phòng Hoàng gia Úc đánh giá về sự kiện này cũng như tin lần đầu một tàu chống ngầm của Anh Quốc sẽ vào Biển Đông.












Trả lời câu hỏi của Tina Hà Giang, thuộc BBC Tiếng Việt hôm 22/02, rằng ông nghĩ sao về đánh giá nói chuyến thăm của tàu USS Carl Vinson là ''hiện diện quân sự lớn nhất của Mỹ tại Việt Nam kể từ 1975", Giáo sư Thayer nói:


Carl Thayer: Hàng không mẫu hạm nguyên tử USS Carl Vinson có một đội ngũ hơn 6000 nhân viên, sẽ được đi kèm với một tàu khu trục tên lửa có hướng dẫn, mang theo thủy thủ đoàn khoảng 370 người. Dĩ nhiên không phải tất cả các nhân viên này sẽ được phép rời cảng tại Đà Nẵng, nhưng số lượng thủy thủ và phi hành đoàn lớn khiến đây là sự hiện diện quân sự lớn nhất của Mỹ ở Việt Nam kể từ khi cuộc chiến Việt Nam kết thúc năm 1975.


USS Carl Vinson là một trong số chiến hạm lớn nhất thế giới, có chiều cao bằng Tháp truyền hình Tokyo, chở theo 72 phi cơ, gồm các chiến đấu cơ F/A-18 Super HornetBáo Nikkei Asian Review


Chuyến thăm của USS Carl Vinson đánh dấu tiến triển trong sự tham gia quân sự giữa Việt Nam và Hoa Kỳ. Trong năm 2009 và 2010, giới chức Việt Nam đã bay tới USS John C. Stennis và USS George Washington để theo dõi hoạt động của hai hàng không mẫu hạm khi chúng di chuyển trên Biển Đông. Getty Images -Tàu USS Carl Vinson tại Eo biển Sunda, Indonesia hồi tháng 4/2017


USS Carl Vinson sẽ cập cảng Tiên Sa ở Đà Nẵng, là tàu quân sự lớn nhất và mạnh nhất của Hoa Kỳ đến thăm một cảng ở Việt Nam. Điều này khác về vị trí trong chuyến đến thăm Philippines trước đó của USS Carl Vinson, nơi nó chỉ đậu cách bờ biển Philippines khoảng 10 km.


BBC: Sự kiện này quan trọng thế nào với mối quan hệ giữa Việt Nam - Hoa Kỳ, ảnh hưởng đến các quan hệ quốc phòng - an ninh khu vực ra sao, và Trung Quốc sẽ có phản ứng gì?


Carl Thayer: Cam kết quốc phòng Hoa Kỳ - Việt Nam trong Biên bản Ghi nhớ năm 2011, liệt ra năm lĩnh vực hợp tác. Biên bản này được bổ sung bằng Tuyên bố chung về Hợp tác Quốc phòng năm 2015, và kế hoạch hoạt động ba năm hiện hành 2018-20. Một cách đại cương, giữa hai nước đã có một số tiến triển trong năm lĩnh vực hợp tác ở tốc độ mà Việt Nam cảm thấy thoải mái.


Chuyến viếng thăm của USS Carl Vinson có hai ‎ý nghĩa.


Thứ nhất, Mỹ đang chứng tỏ sự hiện diện của hải quân Hoa Kỳ trong khu vực để trấn an các quốc gia trong vùng rằng Hoa Kỳ dưới thời Tổng thống Trump không tách rời khu vực.








Thứ hai, Việt Nam ủng hộ sự hiện diện hải quân của Hoa Kỳ ở Biển, miễn là sự hiện diện đó góp phần vào hòa bình và ổn định khu vực. Nói cách khác, có sự đồng thuận về lợi ích chiến lược của hai bên trong việc bảo đảm tự do hàng hải và trên không cho tàu và máy bay quân sự.Xinhua - Ảnh khu Tam Á, đảo Hải Nam chụp từ drone của Tân Hoa Xã. Tam Á cũng là nơi có căn cứ tàu ngầm của Trung Quốc thuộc Hạm đội Nam Hải


Mặc dù Trung Quốc có thể sẽ có một phản ứng giật gân, lên tiếng cáo buộc Mỹ đe dọa chủ quyền và an ninh của họ, nhưng việc USS Carl Vinson tới Đà Nẵng sẽ góp phần ổn định và cân bằng quân sự ở Biển Đông.


BBC: Mục đích của Hoa Kỳ trong việc đưa tàu USS Carl Vison đến Đà Nẵng là gì? Làm thế có khiến Trung Quốc, đối tác thương mại số một của Mỹ, khó chịu không?


Carl Thayer: Hoa Kỳ là một cường quốc quân sự trên thế giới. Nước này sử dụng sức mạnh trên biển để khẳng định quyền lợi của mình trong việc duy trì sự an toàn các tuyến đường biển (Secure Sea Lines of Communication - SLOC) cho cả các tàu thương mại và quân sự. Những chuyến thăm cảng thân thiện là một phần trong ngoại giao hải quân. Đội ngũ của USS Carl Vinson sẽ có một số hoạt động xã hội và thể thao khi đến thăm Đà Nẵng. Điều này sẽ tạo ra cảm tình tốt đẹp cho cả hai bên.


Siêu hàng không mẫu hạm USS Carl Vinson, lớp Nimitz, là một biểu tượng mạnh mẽ của sức mạnh quân sự Mỹ. Giới chức hải quân Việt Nam sẽ có thể học được điều gì đó về khả năng của nó.










Trung Quốc từng đón những chuyến thăm của tàu hải quân Mỹ ở Hồng Kông, và cũng tham gia hợp tác quốc phòng với Hoa Kỳ. Cả Hoa Kỳ và Trung Quốc đều có một lợi ích quan trọng trong việc bảo đảm an toàn cho SLOC. Bất kỳ xung đột nào cũng làm gián đoạn thương mại và gây tổn hại nghiêm trọng cho cả hai. Để hiểu được phản ứng của Trung Quốc, chúng ta phải tách riêng sự tuyên truyền của nước này ra khỏi thực tế rằng cả Mỹ và Trung Quốc đều không muốn cho sự căng thẳng gia tăng.


BBC: Sau chuyến viếng thăm Đà Nẵng của USS Carl Vinson, theo ông sẽ có những diễn biến gì nữa?


Carl Thayer: Tháng 6/2017, tàu khu trục tên lửa USS John McCain viếng thăm Đà Nẵng và sau đó là chuyến viếng thăm đầu tiên của tàu hải quân Mỹ tới Cảng Quốc tế Cam Ranh. Hai tuần sau, tàu của Hải quân của Quân Đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc cũng đến thăm Cảng Quốc tế Cam Ranh. Năm nay, Việt Nam đã liên tiếp đón tiếp hai Bộ trưởng Quốc phòng Nga và Hoa Kỳ. Tôi dự đoán là chẳng bao lâu sau, Việt Nam sẽ được tàu hải quân Trung Quốc ghé thăm. Xinhua - Tàu hải quân Trung Quốc thăm Myanmar, Malaysia và Campuchia tháng 10/2016


Cảng quốc tế Cam Ranh mở cửa cho tất cả các nước, tàu hải quân từ Singapore, Pháp, Nhật Bản chẳng hạn, đã ghé đến. Điểm mấu chốt là Việt Nam theo đuổi một cân bằng đa cực giữa các cường quốc. Chính sách này đem lợi ích cho mọi bên trong sự độc lập và tự chủ chiến lược của Việt Nam. Nói cách khác, nếu các cường quốc lớn duy trì sự cân bằng, Việt Nam sẽ không bị ép buộc phải vào hẳn quỹ đạo của bất cứ nước nào, mà có thể tiếp tục đóng vai trò độc lập và đóng góp cho an ninh khu vực. Điều đó lợi cho tất cả.


Chuyến thăm của USS Carl Vinson không cho thấy Việt Nam đang tiến vào quỹ đạo của Hoa Kỳ để chống lại Trung Quốc. Nó báo hiệu rằng Việt Nam và Hoa Kỳ bắt đầu tin tưởng nhau và lãnh đạo Hà Nội cảm thấy thoải mái để tiến thêm một bước nữa trong mối quan hệ hải quân với Hoa Kỳ. Tôi nghĩ Trung Quốc lạc quan về chuyến thăm thân thiện của USS Carl Vinson tới Việt Nam.
Sự hiện diện của hải quân Anh


BBC: Cũng liên quan đến Biển Đông, ông nghĩ sao về việc Anh Quốc đưa tàu chống tàu ngầm HMS Sutherland đi ngang qua đây, trên đường về nhà từ Australia vừa rồi, trước sự phản đối của Bắc Kinh?


Carl Thayer: Anh là một cường quốc hàng hải có cam kết về an ninh ở Đông Nam Á theo Hiệp định phòng thủ FPDA (Five Power Defence Agreement), với Úc, New Zealand, Singapore và Malaysia. Anh còn là đồng minh Nato của Hoa Kỳ, mà dưới nhiệm kỳ của Donald Trump, tầm quan trọng của tự do hàng hải được nâng cao.


Anh Quốc cũng đang tìm kiếm một vai trò sau Brexit, chẳng hạn như một hiệp định tự do thương mại với Australia, và Anh cũng ủng hộ luật pháp quốc tế. Việc đưa HMS Sutherland qua Biển Đông bao gồm tất cả những khía cạnh này.


Chuyến đi biểu dương sức mạnh của Hải quân Hoàng gia Anh, trấn an các đối tác của FPDA, biểu lộ tình đoàn kết với Mỹ về tự do hàng hải, phát triển thêm một chiều hướng trong quan hệ Anh - Úc và duy trì một trật tự dựa trên các quy tắc về luật pháp quốc tế.


BBC: Hành động của Anh có ý nghĩa như thế nào đối với Việt Nam và các nước ASEAN, đặc biệt trong bối cảnh Singapore vừa tuyên bố sẽ đạt được một số thỏa thuận với Trung Quốc về Quy Tắc Ứng Xử trên Biển Đông?Getty Images - Nữ hoàng Elizabeth II trong một chuyến lên thăm tàu HMS Sutherland khi cập cảng tại West India Dock, London tháng 10/2017. Tàu này sẽ đi vào Biển Đông trong thời gian tới để thể hiện cam kết ủng hộ tự do hàng hải của Anh trong khu vực


Carl Thayer: Các hành động của Anh, cùng với Pháp và Hoa Kỳ phục vụ cho việc bảo vệ luật pháp quốc tế, bao gồm phán quyết của Tòa án Trọng tài cho Philippines trong vụ kiện Trung Quốc. Toà này phán quyết rằng theo luật định, không có hòn đảo nào ở Biển Đông, và hai mỏm do Trung Quốc chiếm đóng, có mực nước triều thấp, và do đó không được hưởng chế độ 12 hải lý.








Trong khi chính sách của Trung Quốc đòi hỏi các quốc gia phải xin phép họ để vào vùng đặc quyền kinh tế 200nm (EEZ), thì theo luật định, không có hòn đảo hợp pháp nào ở Biển Đông, nên không có mỏm nào được hưởng đặc quyền kinh tế 200 hải lý.


Trung Quốc đã cảnh báo Anh 'đừng khuấy động vấn đề' sau khi Bộ trưởng Quốc phòng Anh, Gavin Williamson, tuyên bố tàu chống ngầm HMS Sutherland sẽ đi qua Biển Đông trên đường về nhà từ AustraliaThe Telegraph


Việc làm của Anh, cùng với các cường quốc hàng hải khác, trấn an Việt Nam và các quốc gia ở vùng Đông Nam Á, rằng Trung Quốc không thể áp đặt "luật quốc tế với đặc tính Trung Quốc" trên các tuyến đường ở Biển Đông.


Nếu không có quốc gia nào phản đối khẳng định chủ quyền của Trung Quốc, thì trước tòa án quốc tế nước này có thể tranh luận rằng cộng đồng quốc tế đã nhân nhượng và đồng ý với tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc. Anh quốc, bằng cách khẳng định tự do hàng hải, chính thức cho thấy rằng cộng đồng quốc tế không chấp nhận tuyên bố đó.


Singapore là Chủ tịch ASEAN, và cũng là điều phối viên ASEAN cho Trung Quốc. Trách nhiệm của Singapore là theo dõi các cuộc tham vấn ASEAN - Trung Quốc về Bộ Quy tắc Ứng xử (COC) đang bước vào giai đoạn mới, trong việc bổ sung các khoảng trống trong Khung của họ về COC. Hành động của Anh Quốc giúp Singapore một tay trong việc đối phó với Trung Quốc.


BBC sẽ tiếp tục đưa tin và bài về chuyến thăm của hải quân các nước đến vùng Biển Đông và Việt Nam.


Xem thêm về Biển Đông:











No comments: