Friday, March 2, 2018

Đàn reo trước bão - ByTRỊNH HỮU LONG


Image may contain: 1 person



“Mệt mỏi quá em. Cứ thế này thì đến bao giờ. Hôm qua cắt điện. Hôm nay cắt net”.
Đó là tin nhắn sau cùng tôi nhận được từ Đoan Trang vào chiều mùng 9. Không đầy một tiếng sau tôi nhắn không thấy cô trả lời nữa, cho đến tận nửa đêm.
Gia đình cho biết cô đã bị hai người lạ mặt tới nhà bắt đi làm việc vì cuốn “Chính trị bình dân” mà cô là tác giả.
Khai phá những vùng cấm
Đoan Trang từng được coi là một trong những phóng viên xuất sắc của làng báo “lề phải”.
Mặc dù khởi nghiệp viết lách ở VnExpress năm 2001 nhưng tên tuổi của Đoan Trang lại gắn liền với VietNamNet và những phóng sự, bình luận gây bão đăng trên tờ Pháp luật Thành phố Hồ Chí Minh.
Vào thời kỳ năm 2007-2008, loạt bài về Hoàng Sa – Trường Sa của Đoan Trang trên VietNamNet đã mang lại cho cô cả vinh quang lẫn tủi nhục. Đó có lẽ là lần đầu tiên, kể từ khi bình thường hoá quan hệ với Trung Quốc đầu những năm 1990, vấn đề Biển Đông được phân tích trên báo chính thống một cách trực diện và giàu hàm lượng nghiên cứu đến thế. Cần nhớ rằng, vào thời điểm đó, Biển Đông là vùng cấm nhạy cảm bậc nhất ở nước ta mà không tờ báo chính thống nào dám nhắc tới.
Sự nghiệp cầm bút của Đoan Trang là hành trình khai khẩn những vùng đất hoang. Trước khi nổi tiếng với các bài chính luận đặc sắc trên VietNamNet, Đoan Trang đã cùng với Hoàng Nguyên chấp bút cuốn “Bóng”, tự truyện đầu tiên của một người đồng tính Việt Nam, vào năm 2008. Nhưng Biển Đông lại là vấn đề rất khác. Chạm đến vùng cấm này tức là đã đặt một chân vào sau chắn song sắt.
Sự thật là Đoan Trang đã đặt cả hai chân vào tù. Cô bị bắt và giam giữ trong chín ngày liền trong đồn công an cuối tháng 8, đầu tháng 9 năm 2009. Cuộc bắt bớ đó liên quan đến hai người bị bắt cùng thời điểm là blogger Bùi Thanh Hiếu (Người Buôn Gió) và blogger Nguyễn Ngọc Như Quỳnh (Mẹ Nấm).
“Cho đến nay, mình vẫn hoàn toàn không hiểu mình bị bắt vì chuyện gì”, cô chia sẻ.
Sau khi bị giam chín ngày trong trại tạm giam B14, Hà Nội, Đoan Trang mất việc ở VietNamNet. Chín ngày đó đủ để biến cô từ một phóng viên được trọng vọng thành một “đối tượng” xâm phạm “an ninh quốc gia” và đứng trước nguy cơ thất nghiệp vô thời hạn. Nhưng không lâu sau đó, cô về đầu quân cho văn phòng Hà Nội của tờ Pháp luật Thành phố Hồ Chí Minh theo lời mời và sự bảo đảm chắc nịch của Tổng biên tập Nam Đồng.
Nếu công an tính dằn mặt Đoan Trang thì họ đã lầm. Biến cố đó đẩy Đoan Trang đi xa hơn. Cô dấn thân vào hoạt động dân chủ và tiếp tục viết những gì các phóng viên “lề phải” khác chưa viết.
Blog phamdoantrang.com của cô dần dần bàn về những vấn đề chính trị nhạy cảm nhất như thể chế một đảng, chế độ công an trị, các cuộc biểu tình và các cuộc đàn áp, bắt bớ các nhà hoạt động. Cô xuất hiện trong các cuộc biểu tình chống Trung Quốc năm 2011, 2012, hay phong trào biểu tình bảo vệ cây xanh ở Hà Nội năm 2015. Gương mặt cô trở thành tâm điểm của những phái đoàn vận động quốc tế ở Mỹ hay châu Âu.
Cô đặt chân vào tất cả những cánh rừng thiêng nước độc, những vùng cấm tối kỵ mà lực lượng an ninh của đảng Cộng sản Việt Nam luôn canh phòng cẩn mật.
Dĩ nhiên, thanh gươm của chế độ không dung tha cho những kẻ “nghịch dại” như vậy bao giờ.
Mèo vờn chuột
2 giờ 39 phút sáng một ngày giữa năm 2016, Đoan Trang bật dậy vì tiếng chuông cửa.
Cô đang ở nhờ nhà một người bạn trong hành trình chạy trốn một cuộc truy lùng của công an. Căn hộ chung cư này có bảo vệ canh gác 24/24, không người lạ nào có thể vào được chứ chưa nói là lên tận các tầng trên để bấm chuông.
“Đó chính xác là tiếng chuông gọi hồn”, Đoan Trang nhớ lại.
“Mình nghe rõ ngoài cửa có tiếng nói chuyện của một nhóm người. Không lý do gì khác có thể giải thích được sự xuất hiện của họ vào giờ đó, ngoài việc họ đã lần ra được dấu vết của mình”.
Không thấy có ai động tĩnh trong nhà, toán người lạ mặt rời đi. Đoan Trang thoát được lần đó.
Đi “dạt vòm” như vậy không phải là việc xa lạ với Đoan Trang. Trước mỗi cuộc biểu tình hay mỗi cuộc gặp với các quan chức nước ngoài, người phụ nữ bé nhỏ này đều phải lánh tới một địa điểm bí mật nào đó muộn nhất là vào đêm hôm trước để tránh bị an ninh giam lỏng ở nhà. Công an luôn tìm cách ngăn cản cô xuất hiện trong những sự kiện như vậy.
Khi thì cô tới ở nhờ nhà bạn bè, khi thì tới khách sạn, lại có khi phải trú ở một công trường xây dựng, vốn là nơi tập kết của nhiều số phận vật vờ bên lề xã hội. Nhưng chẳng phải khi nào cô cũng trốn được.
Không lâu sau khi từ Mỹ về nước vào tháng Một năm 2015, Đoan Trang bị bắt cóc ngay gần Hồ Gươm. Cô đang trên đường tới Trung tâm Văn hoá Pháp (L’ Espace) để phiên dịch cho cuộc gặp giữa gia đình của hai tử tù Hồ Duy Hải và Nguyễn Văn Chưởng với đại diện của Đại sứ quán New Zealand. Xe công an dừng sát bên đường và lôi cô lên xe, đưa về đồn công an gần nhất. Họ thả cô ra sau khi đã phá thành công cuộc gặp đó.
Những vụ bắt cóc tương tự xảy ra hết lần này đến lần khác, với tần suất hai hoặc ba tháng một lần.
“Mỗi lần như vậy anh em bạn bè lại nhảy bổ đi tìm khiến mình rất ái ngại. Mà bị bắt cóc thường xuyên như vậy, nếu tinh thần không vững thì con người ta dễ hoang tưởng, nhìn đâu cũng thấy an ninh”, Đoan Trang chia sẻ. 
Nhưng như vậy cũng chưa đủ gay cấn.
Ngày 24/5/2016, một cuộc gặp gỡ giữa Tổng thống Mỹ khi đó là Barack Obama với một số đại diện của giới xã hội dân sự Việt Nam dự kiến sẽ diễn ra vào buổi sáng tại Hà Nội. Đoan Trang được mời tham dự cuộc gặp đó khi đang dưỡng bệnh ở Sài Gòn sau một ca phẫu thuật đầu gối.
Biết chắc an ninh sẽ theo dõi và ngăn cản cô tham dự cuộc họp, một chuyến xe bí mật do hai người bạn lái được bố trí để đưa cô ra Hà Nội.
Hành trình rất suôn sẻ. Họ về tới được Ninh Bình chiều muộn ngày 23, tức là trước cuộc gặp một ngày. Tìm được một nhà nghỉ rất kín đáo và cực kỳ khó phát hiện, họ yên tâm có thể qua đêm an toàn.
Nhưng lực lượng an ninh nhạy hơn họ nghĩ. Sáng sớm hôm sau, Đoan Trang thấy dưới sảnh đầy người với ánh mắt dò xét. Một nữ sĩ quan an ninh được một số người khác hộ tống mang những thiết bị lạ xông vào phòng với thái độ rất hả hê.
“Tôi cảm thấy mình như một con thú bị săn đuổi”, Đoan Trang nhớ lại.
Họ không đi hết được hành trình và bị giam lỏng ở Ninh Bình cho đến hết ngày.
“Trong văn học có tiểu thuyết ‘Cây thập tự thứ bảy’, nói về nỗi cô độc của người dân Đức trong hành trình trốn chạy phát-xít. Giờ thì mình đã hiểu được cảm giác của họ. Đôi khi đi giữa một thành phố lớn người xe tấp nập nhưng chẳng có lấy một chốn nương thân nào. Chẳng có nhà nghỉ hay khách sạn nào an toàn cả”.
“Họ không coi mình là người. Đối với họ, tất thảy chúng ta đều chỉ là những dự án dùng để chia chác bầu sữa ngân sách mà thôi. Vì thế nên đừng mong đối thoại được với an ninh. Chúng ta chỉ có thể đối thoại được với những người tôn trọng mình mà thôi”.
Điều này nghe có vẻ tiêu cực với nhiều người, nhưng đó là những gì mà một người bị ép “đối thoại” với an ninh hàng trăm lần nhận ra. 
Thính giả giấu mặt
 “Xưa em hay hát bài gì mà có ‘Let me go home’ ấy nhỉ? Nghe buồn chết đi. ”
Tôi nhận được tin nhắn như vậy từ Đoan Trang vào một buổi chiều khi cô đang lang bạt khắp nơi để tránh một cuộc truy lùng của công an.
“I wanna go home”, cô nhắn tiếp, mượn lời bài hát Home nổi tiếng của Michael Buble.
Rất thích chăm sóc nhà cửa, Đoan Trang nói cô “nhớ lọ hoa, nhớ cái bàn, nhớ bức tranh, và đặc biệt không thể xa cây đàn”.
Công chúng ít biết về đam mê chơi đàn guitar của Đoan Trang. Từng nhiều lần, Đoan Trang tâm sự với tôi rằng cô chẳng đam mê chính trị hay đấu tranh dân chủ như hầu hết mọi người vẫn nghĩ. Thứ cô không thể sống thiếu được lại chính là cây đàn guitar.
“Mình rất yêu cây đàn, xa nó thì nhớ da diết, về đến nhà mình ôm nó vào lòng, mình hôn nó và âu yếm nó bằng những ngón tay của mình”, cô nói.
Nếu có duyên, bạn có thể được nghe Đoan Trang đàn bản Cây sáo thần của Mozart, hay những bài đệm hát như If của Bread, I kiss your memories của Bee Gees, hay Love me with all your heart.
Đang mày mò học soạn nhạc, những ngày phải đi “dạt vòm” là những ngày khổ sở với Đoan Trang. Cuộc sống không cho cô chơi đàn trong những hoàn cảnh bình thường như bao người khác. Cô chơi đàn như thể ngày mai không còn được chơi đàn nữa. Người ta có nhiều lý do để sợ đi tù, riêng Đoan Trang thì sợ vào tù không có đàn. Ít khi nào trại giam để cho tù nhân chơi đàn, có chơi thì cũng phải bị giám sát chặt chẽ. Dây đàn là thứ mà tù nhân có thể dùng để làm nhiều thứ, kể cả… tự sát.
Điều Đoan Trang chưa bao giờ biết chắc được là nhà mình có “bọ” hay không. Nhiều người khẳng định chắc nịch rằng thành phần “phản động có số má” như cô thì không thể không bị nghe trộm được. Ở các nước Liên Xô và Đông Âu, sau khi các chế độ cộng sản sụp đổ, nhiều người mới biết được trong nhà mình có “bọ”.
Đoan Trang luôn có cảm giác dù chơi đàn một mình nhưng vẫn có người nghe.
“Chẳng bao giờ mình nghĩ sẽ chơi đàn trong hoàn cảnh này. Ở ‘đầu dây’ bên kia, nếu có nghe thì không hiểu ‘họ’ nghĩ gì. Có khi ‘họ’ nghĩ mình là con điên”, Đoan Trang nửa đùa nửa thật.
Viết cho giới bình dân
Ngày 9/2 vừa rồi, tờ Tin Tức của Thông Tấn Xã Việt Nam chạy một bản tin khá bất thường: “Hải quan Đà Nẵng tịch thu hàng loạt sách có nội dung nhạy cảm chính trị”.
Trong bốn bưu kiện sách “có nội dung nhạy cảm chính trị” này, có hai bưu kiện là cuốn “Chính trị bình dân” mà Đoan Trang là tác giả.
“Chính trị bình dân”, một cuốn sách tiếng Việt, phần lớn nói về Việt Nam, và viết cho người Việt Nam, nhẽ tự nhiên là phải xuất bản trong nước chứ không cần phải đặt hàng từ nước ngoài về. Hơn hai mươi năm trước, tôi lục trong chồng sách cũ của bố mẹ tôi cuốn giáo trình “Chính trị sơ cấp” do nhà nước phát hành và đọc một mạch cho đến hết cuốn sách đã ố vàng theo thời gian ấy. Những câu chữ giản đơn, mạch lạc của nó khiến cho một đứa trẻ lớp 6 là tôi khi đó cũng hiểu được và say mê với chủ nghĩa Mác – Lê-nin.
Nhưng nhà nước ra sách chính trị không có nghĩa là người dân cũng được làm. Nhiều năm sau đó, tôi lại được đọc một cuốn sách chính trị khác mà câu được trích dẫn nhiều nhất của nó có lẽ là “mọi con vật đều bình đẳng, nhưng có những con vật bình đẳng hơn những con vật khác”.
Cuốn tiểu thuyết “Trại súc vật” trứ danh đó của George Orwell, không biết vì lý do gì, đã lách được qua cửa kiểm duyệt để ra mắt bạn đọc với cái tên “Chuyện ở nông trại”. Nhưng rồi nó cũng nhanh chóng bị thu hồi và bị liệt vào danh sách cấm.
Cuốn “Chính trị bình dân” của Đoan Trang thì không “may mắn” được như thế. Cô không có cách nào xuất bản được nó ở trong nước mà phải dựa vào một “thế lực nước ngoài” là gã khổng lồ công nghệ Amazon.
Đoan Trang là một kiểu nhà báo luôn đau đáu với những người… chưa biết gì. Trái ngược với những tiếng thở dài ngao ngán của nhiều người về trình độ dân trí của nước nhà, Đoan Trang luôn tìm đến với những người dân còn xa lạ với những khái niệm căn bản về chính trị và pháp luật.
“Mình còn nhớ rất rõ hồi 2009, khi bị bắt, mình hoàn toàn ngây thơ và không biết một chút gì về luật, cũng chẳng biết phải ứng xử ra sao với công an. Đến hồi biểu tình chống Trung Quốc năm 2011 cả bọn cũng chẳng biết hơn gì nhiều, toàn bị công an bắt nạt”, Đoan Trang kể.
“Mãi đến năm 2013 mình mới thực sự bắt đầu tìm hiểu về chính trị, pháp luật, dân chủ, nhân quyền, v.v. Bởi vậy nên khi viết, mình luôn thấy như mình đang viết cho cái cô Đoan Trang trước năm 2013”.
Ý tưởng viết cho giới bình dân nảy sinh khi cô đọc lời bạt của Tiến sĩ Nguyễn Đức Thành trong cuốn sách dịch “Thám tử kinh tế” của Tim Harford, rằng cần có những sứ giả truyền đạt những kiến thức hàn lâm khó hiểu cho công chúng.
Làm báo gần hai mươi năm, Đoan Trang cho rằng, “báo chí, truyền thông Việt Nam không làm được việc đó. Đừng nói dân trí thấp, người dân không chịu đọc. Đó là do chúng ta không chịu khai phá, mở mang cho người đọc”.
“Mình viết sách chẳng mong nó thành tác phẩm để đời hay sống mãi gì cả. Sống mấy năm thôi cũng được, miễn là nó giúp thoát mù về chính trị cho độc giả và hy vọng có nhiều cuốn sách chính trị hay hơn. Ta phải viết cho người dân bớt sợ”.
Nói là làm, cô viết “Chính trị bình dân”, “Phản kháng phi bạo lực”, và đang chấp bút viết thêm nhiều cuốn nữa.
Khi cuốn “Chính trị bình dân” được xuất bản, một số độc giả có ý trách Đoan Trang vội vã quá mà để sót một số lỗi không đáng có.
“Vội vã”.
Đoan Trang luôn vội vã. Luôn giục giã. Luôn thúc vào mông người khác bắt họ phải khẩn trương lên.
Cô không chờ được. Vì có một thứ cô không biết sẽ ập đến lúc nào: sắc phục xanh và chiếc còng số 8.
“Chúng ta không thể bỏ cuộc”
Ít ai biết rằng, Đoan Trang từng có cơ hội xin tị nạn và ở lại Mỹ sau khi kết thúc học bổng chín tháng ở Đại học Southern California hồi năm 2014. Có ít nhất ba cơ quan, tổ chức đề nghị hỗ trợ cô làm thủ tục vì lo ngại cho sự an toàn của cô nếu trở về Việt Nam.
Nhưng Đoan Trang chưa bao giờ có ý định ở lại nước ngoài.
“Nhiều người nhìn vào cuộc sống của chị thì chỉ thấy một kẻ đi làm những việc chẳng giống ai và rước vào thân toàn là bất hạnh. Chị có thấy bất hạnh không?”, tôi hỏi Đoan Trang.
40 tuổi, không chồng, không con, sống nay đây mai đó và tài sản lớn nhất lại là một tương lai bất định, không mấy ai hiểu rằng cô hạnh phúc chứ không bất hạnh như họ tưởng.
“Nhiều người coi trọng sự ổn định, họ muốn lập gia đình, sinh con, sống cuộc đời yên ả, không có gì sai hay đúng ở đây cả vì đó là cuộc sống của họ. Nhưng với riêng mình, nếu không hoạt động thì sẽ không thể nào được trải nghiệm sự yêu mến mà mọi người dành cho mình”, Đoan Trang nói.
Quả vậy. Thỉnh thoảng tôi lại được Đoan Trang kể về những trải nghiệm đó một cách vừa hàm ơn, vừa hãnh diện. Khi thì một ông chủ khách sạn khuyên Trang nên rời đi ngay vì có công an đến hỏi, và còn chỉ đường cho cô đi. Khi phải mổ chân thì có nhiều người giúp đỡ, trong đó có nhiều người cô chưa gặp bao giờ.
“Có khi họ vào bệnh viện thăm, dúi cho chút tiền rồi vừa khóc vừa bỏ chạy. Hoặc có những bạn bè cũ bao nhiêu năm không liên lạc gì bỗng xuất hiện giúp cái nọ cái kia”, Đoan Trang kể.
“Bạn đi đường có người nhận ra bạn. Đặc biệt vui khi có những bạn trẻ nhận ra và nói đã đọc những gì mình viết. Vào tiệm ăn ở Sài Gòn thì anh chủ quán cứ nhìn mình cười cười, lại gần hỏi có phải Đoan Trang không. Biết rồi thì anh đích thân phục vụ cho mình, ăn xong tính tiền giá rẻ lại còn dúi quà cho mình”.
Đoan Trang nói, “đó là tài sản quý giá vô cùng. Đánh đổi cái gì mới được những tình cảm đó? Chúng ta không thể bỏ cuộc được vì còn có những người như vậy”.
Một trong những bài hát Đoan Trang yêu thích nhất là bài “Fernando” của ABBA, ban nhạc gắn liền với thế hệ 7X của cô. Lời bài hát là những hoài niệm của hai người bạn già đã cùng nhau chiến đấu cho tự do ở Mexico đầu thế kỷ XX.
Bài hát kết thúc bằng một câu điệp khúc đầy cảm hứng:
…If I had to do the same againI would, my friend, Fernando…
(…Nếu phải làm lạiTôi vẫn sẽ làm, Fernando bạn ơi…)
Có thể lúc này, ở một “đầu dây” nào đó trong trụ sở Bộ Công an, có một viên sĩ quan nào đó đang nghe tiếng đàn guitar réo rắt điệp khúc “Fernando”, tựa như chẳng cần biết đêm nay bão có về…
…If I had to do the same againI would, my friend…


 
 
 

KÝ GIẢ PHẠM ĐOAN TRANG LÀ AI?

 



Image may contain: 1 person, guitar, text and outdoor


KÝ GIẢ PHẠM ĐOAN TRANG LÀ AI?
Tại sao họ sợ dân Việt đọc cuốn sách “CHÍNH TRỊ BÌNH DÂN” của Phạm Đoan Trang.
Xin mời các bạn đọc tiểu sử cuả một nhà tranh đấu hàng đầu cho đất nước!
1. Đoan Trang sinh năm 1978 ở Hà Nội trong một gia đình trí thức. Mang trong mình dòng máu Bắc Kỳ Chính Nghĩa, khác với đa số dân Bắc Kỳ khác – không ai ưa.
2. Đoan Trang là cựu học sinh trường chuyên Hanoi-Amsterdam, một trường hàng đầu của cả nước. Sau đó cô ta học trường Đại Học Ngoại Thương, cũng là một trường top trong nước. Nhưng khác với đám trí thức câm và đui kia. Đoan Trang không nhắm mắt và im lặng để sống.
3. Đoan Trang sau khi ra trường thì làm phóng viên cho nhiều tờ báo và nhà xuất bản trong nước. Trong đó có VNExpress, Vietnamnet và Pháp Luật TPCHM. Ban đầu thì cô ta bình thường, nhưng khi tiếp xúc và va chạm xã hội thì cô ta thấy những vấn đề. Với tư cách là nhà báo, cô ta không thể im lặng được và quyết định lên tiếng. Hậu quả là cô ta bị sa thải, không bớt ngờ gì.
4. Đoan Trang qua Phillipines và tham gia tổ chức VOICE và quyết định thúc đẩy sự phát triển của xã hội dân sự ở Việt Nam. Đó là công việc hiện tại của cô ta với sự trợ giúp của nhiều tổ chức phi chính phủ khác.
5. Đoan Trang qua Mỹ học năm 2014 ở Đại Học Nam California. Sau khi hoàn tất khóa học, cô ta quyết định mạo hiểm trở về để theo đuổi lý tưởng của mình. Khi được hỏi là có hối hận không thì cô ta trả lời không và tự hào về quyết định đó.
6. Đoan Trang khi về tới sân bay thì bị tạm giam nhưng được thả. Sống ở Hà Nội thì luôn bị an ninh theo dõi. Nhưng cô ta vẫn không sợ và quyết làm tới cùng.
7. Đoan Trang khi tham gia bảo vệ môi trường thì bị đánh gãy chân đứt dây chằng và phải phẫu thuật tại Sài Gòn vào năm 2016. Bây giờ vết thương vẫn chưa lành.
8. Đoan Trang luôn bị kiểm soát mỗi khi phái đoàn Phương Tây hay Mỹ đến Hà Nội để thảo luận về nhân quyền. Chính quyền không muốn cô ta lên tiếng.
9. Đoan Trang vô tình đã trở thành một biểu tượng cho quá trình đấu tranh tự do dân chủ ở Việt Nam, một trong số người hiếm được sự tin tưởng của cộng đồng.
10. Và cuối cùng, Đoan Trang vô tình trở thành một biểu tượng cho sự kiên cường của phụ nữ Việt. Cô ta sống vì lý tưởng và sẽ theo đuổi nó đến cùng – khác với đa số cô gái Việt khác.
Với thành tích học tập ưu việt của mình, Đoan Trang hoàn toàn có thể có một cuộc sống khá giả. Nhưng cô ta đã bỏ tất cả để theo đuổi lý tưởng của mình. Bạn có thể đồng ý hoặc không đồng ý với cô ta. Nhưng bạn không thể không ngưỡng mộ cô gái kiên cường này. Thả tim cho cô ấy.
Hãy như Phạm Đoan Trang.
 Ku Búa @ Cafe Ku Búa

Image may contain: 1 person, text
Image may contain: text
Image may contain: 1 person, eyeglasses and closeup

**************************************************** 
 Đọc sách “Chính trị bình dân” - cùng Phạm Đoan Trang xoá bỏ nhà nước độc tài



Có thể nói là chỉ một ổ gà tạo vũng nước đọng trước nhà bạn cũng thuộc về chính trị, tại sao vậy? Nếu bạn muốn nước không đọng thì tự bạn không thể quyết định bởi con đường là của nhà nước, bạn muốn thay đổi nó cần phải thông qua một cơ quan nhà nước có thẩm quyền về công trình công cộng. Cách đơn giản nhất là nói chuyện với Tổ trưởng dân phố, nhưng họ lại phải trình bày lên uỷ ban nhân dân phường, rồi phường cũng phải xem xét con đường ấy do sở ban ngành nào quản lý, kinh phí do ai duyệt chi và kế hoạch bảo trì sửa chữa hàng năm hàng tháng hay đột xuất như thế nào…. thật lắm chuyện. Lỡ ông tổ trưởng dân phố làm ngơ mấy tháng trời chỉ ú ớ hứa hẹn, mà thực ra ông ấy cũng chả hiểu đề nghị của mình nhắn với cấp Phường sẽ đi đến đâu… Thế rồi bạn bắt đầu tư duy, bắt đầu tự hỏi, không hiểu cái ông tổ trưởng dân phố kia ai bầu chọn vào vị trí đấy, bạn có bỏ phiếu cho ông ta không, rồi cái uỷ ban có chữ nhân dân kia từ đâu ra, ai trả lương cho họ, trụ sở to cao hoành tráng, máy lạnh chạy phà phà, đất đai của nhân dân, chi phí từ tiền thuế của nhân dân cũng do gia đình, dòng họ anh em bạn đóng góp tại sao mà chỉ có cái ổ gà cũng cứ năm này tháng nọ không ai thèm để ý… 

Biết bao câu hỏi từ đó cứ loay hoay: cái ông Tổng bí thư có học vị giáo sư tiến sỹ xây dựng Đảng mà sao dân lại bảo là Lú, rồi tại sao VN chỉ có một đảng thì bầu cử tranh cử thế nào, ai có quyền lựa chọn ai. Tại sao trạm thu phí mọc lên như nấm hàng ngày bắt bạn trả tiền vô lý, rồi báo chí nói tiền tham nhũng thất thoát hàng ngàn tỷ không thấy vụ nào thu hồi cho dân nhờ. Rồi thực phẩm bẩn tràn lan, tỷ lệ người Việt nam bị ung thư nhiều nhất thế giới; CSGT đòi mãi lộ khắp nơi trong khi người chết do tai nạn giao thông còn cao hơn những quốc gia đang có chiến tranh. Rồi Hoàng sa trường sa là của Việt nam sao lại có Công hàm chấp nhận trao cho Trung quốc chủ quyền.… 

Hàng trăm câu hỏi đều dẫn đến yêu cầu truy tìm người có trách nhiệm, người đó là ai mà sao không thấy truy cứu, trách nhiệm ấy của Đảng, của nhà nước hay của Quốc hội, của chính phủ… ôi sao rối rắm quá ! 

Những chuyện ấy là chính trị nghe có vẻ vừa gần gũi mà vẫn xa vời vì không ai lý giải để bạn nghe lọt lỗ tai, cho gãy gọn.

Chuyện chính trị ở VN là chuyện của “người lớn”, của Đảng của nhà nước lo hết, dân muốn bàn thôi cũng ngại vì coi chừng bị chụp cho cái mũ phản động, theo đuôi tư bản Âu Mỹ… sách vở thì chỉ được học theo Mác Lê, tư tưởng Hồ Chí Minh đố ai dám dạy cho bạn trệch hướng, vậy thì thế giới họ theo khoa học chính trị, quản lý nhà nước kiểu gì mà sao họ giàu có văn minh dân chủ thế, nhân quyền của họ tại sao cao thế? Ai tò mò thì vẫn tìm hiểu được từ nhiều nguồn, nhưng khó hình thành hệ thống và thuật ngữ chuyên môn ngành Luật, ngành Triết, ngành khoa học chính trị rất khó nhai, khó hiểu sâu xa ngọn ngành, trong khi chính trị Mác Lê thì ngấy đển tận óc cũng cứ bị bắt buộc phải học phải thi để có được tấm bằng đại học.

Nói ra thật dài dòng như thế để thấy rằng người dân thực sự cần muốn cuốn sách “Chính trị Bình dân”, nói chính trị theo ngôn ngữ mà người dân thường không cần chuyên môn sâu xa về học thuật cũng có thể hiểu được. Những câu chữ mà hàng ngày ai cũng quen đọc quen nói quen dùng như: chính phủ, nhà nước, dân chủ nhân quyền, bầu cử ứng cử, đại biểu, quốc hội, nghị viện, hành pháp, tư pháp, lập pháp … là gì, ít được sách vở nào soi rọi theo ngôn ngữ bình dân dễ hiểu. 

Cũng có rất nhiều sách viết theo kiểu: “Hỏi đáp về…Pháp Luật” chất đầy các kệ sách ở nhà sách nhưng thật sự thiếu một cuốn sách dám bàn về Chính trị theo ngôn ngữ bình dân và mở rộng tầm nhìn theo cách mà thế giới họ hiểu về chính trị chứ không bị bó buộc vào nhiệm vụ định hướng tuyên truyền cho Đảng Cộng sản và Ban tuyên giáo Cộng sản. Rất nhiều Học giả, Luật gia cũng từng ấp ủ viết được một cuốn sách về chính trị theo lối bình dân để mở mang dân trí nhưng vẫn chưa thấy có quyển nào phổ biến đi vào đời sống.

Cuốn sách Chính Trị Bình Dân của Phạm Đoan Trang ra đời dù muộn màng nhưng lại rất đúng lúc giải được cơn khát tìm hiểu kiến thức chính trị theo cách đời thường, nhưng rất cần cho đối tượng rộng lớn người dân và cả những sinh viên học chuyên ngành Luật, Kinh Tế, Triết, các ngành Quản lý công… 

Phải nói rằng Phạm Đoan Trang đã thành công để “hạ Chính trị thấp xuống” đúng ngay tầm với của người Bình dân bằng cách trình bày theo ngôn ngữ dễ hiểu, nhưng đã khảo sát công phu hàng loạt vấn đề chính trị rất thường gây tranh cãi, dễ hiểu nhầm bởi lối tuyên truyền một chiều áp đặt của nhà cầm quyền Cộng sản luôn khống chế quan điểm theo kiểu mị dân, ví dụ như: yêu nước như thế nào, biểu tình và mặt trái của nó, sự vô cảm chính trị, mặt trái của dân chủ…

Cách trình bày khách quan đưa ra nhiều quan điểm khác nhau thậm chí trái ngược để cho người đọc đối chiếu, nhiều bài báo, số liệu, sự kiện tiêu biểu cùng chuyên đề cũng được đưa vào cho độc giả đọc thêm để mở rộng cách nhìn từ lý thuyết qua thực tế, khiến cho sự khô khan chính trị trở nên sinh động, đời thường và thú vị

Mặc dù là bình dân nhưng cuốn sách 500 trang được trình bày theo mục lục cụ thể, chuyên đề chọn lựa hầu hết những quan niệm thường dùng nhất với bố cục chặt chẽ, phần phục lục có chú thích thuật ngữ đã khảo cứu ghi số thứ tự trang dễ tra cứu và thuật ngữ chính trị tiếng Anh đã dịch sang tiếng Việt, như một giáo trình giáo khoa hay cẩm nang chuyên ngành.

Với công phu nghiên cứu và biên soạn khá hoàn chỉnh nên sách được rao bán trên Amazon với giá 25 USD có vẻ không bình dân lắm so với người VN, tuy nhiên bản điện tử trên smashwords có giá chỉ 5 USD và thậm chí là được tặng sách nếu như các bạn là sinh viên và “dám đọc nó”.

Tác giả tâm sự: "Nếu có gì phải nói thêm về hoàn cảnh ra đời cuốn sách thì, tôi đã viết nó trong những ngày bị canh chặt ở Hà Nội, đến mức không thể đi đâu, làm gì được, và luôn cảm thấy khó thở - nghĩa đen. Có những ngày trước cửa nhà tôi luôn đầy những thanh niên bịt mặt đứng, ngồi vạ vật, ánh mắt nhìn tôi không chút thân thiện.

 Nếu bạn là sinh viên, tôi sẽ rất vui được tặng sách cho bạn. 

Nếu có anh công an, an ninh nào hỏi bạn về cuốn sách, hãy nói với họ rằng đó là sách do tôi viết, và tôi sẵn sàng trao đổi với họ trên tư cách tác giả với độc giả. Tác giả không sợ thì các bạn chẳng có gì phải ngại cả."
 
Bởi tác giả từng là phóng viên, biên tập viên ở nhiều tờ báo tiếng Việt lớn như VnExpress, VietNamNet, Tuần Việt Nam, Pháp luật TP.HCM, Luật Khoa tạp chí, và trang mạng tiếng Anh Vietnam Right Now, và sau quá trình khảo cứu chủ đề Chính trị Việt Nam thì tác giả cũng tự hiểu việc dám viết, dám xuất bản quan điểm riêng về Chính trị là một hành động nguy hiểm cho cá nhân mình khi Chính trị VN chỉ là quả bóng trên tay các nhóm lợi ích tư bản đỏ và cơ quan an ninh sẽ khó mà để yên cho cô.

Khi bài viết này đưa lên thì Đoan Trang vẫn còn bị Cơ Quan an ninh điều tra thẩm vấn và đe doạ khởi tố. Hiện nay đám tay sai an ninh của Đảng còn chịu sức ép lớn hơn khi Đoan Trang công khai lời tuyên bố chống độc tài và mong muốn đấu tranh xoá bỏ nhà nước Cộng sản độc tài tại Việt Nam. Thật đau xót nếu như Phạm Đoan Trang vì tác phẩm và tâm huyết muốn khai trí cho người bình dân Việt nam mà lại bị tù tội và những con ngáo ộp chính trị vẫn tiếp tục thao túng đất nước này mặc dù đa số người dân Việt đã dần dần chuyển hoá về nhận thức để không còn vô cảm chính trị nữa.

Chưa biết kết quả điều tra thẩm vấn và đe doạ tự do của nhóm ngáo ộp kia ra sao với Phạm Đoan Trang thì chúng ta cũng nhân dịp này để đọc và nghiên cứu một cách nghiêm túc sách Chính Trị bình dân và phổ biến thật rộng rãi đến nhiều tầng lớp bình dân được khai sáng nhận thức của họ về nền chính trị ngáo ộp độc tài của Việt Nam hiện nay.

© Tuệ Tâm

*******************************************************

LÊ HOÀNG
Hãy như Phạm Đoan Trang.
Nhà báo Phạm Đoan Trang, người đấu tranh nhân quyền là tác giả cuốn “CHÍNH TRỊ BÌNH DÂN” đang được nhà cầm quyền CSVN “vinh danh” một cách đặc biệt, gần như mọi người đều ủng hộ cách đối phó của Đoan Trang trừ DVL, lực lượng 47 và một vài cá nhân không biết là vô tình hay cố ý lại lèo lái đánh lạc hướng bằng nhiều cách từ nhẹ nhàng đến lộ liễu …
Cả ngày 25/02/2018 sau 1 ngày bị bắt cóc mãi cho đến hơn 23g Đoan Pham Doan Trang mới TẠM ĐƯỢC “THA” VỀ, NHƯNG CẢ CHUNG CƯ LÊ ĐỨC THỌ BỊ CÔNG AN BAO VÂY đồng thời điện và Internet trong nhà đều đã bị cắt hết.
Mới đây lúc 0g 15 ngày 26/02/2018 tranh thủ lúc có mạng… Đoan Trang đã vội viết tay lá thư gởi cộng đồng mạng.
(trích nguyên văn)
“Tôi không nghiện ma túy, không uống rượu, không hút thuốc, không cổ vũ bạo lực và không bao giờ làm điều gì hại người Việt Nam.
Tôi đấu tranh để chống độc tài, và vì nhà nước cộng sản ở Việt Nam hiện nay là nhà nước độc tài, nên tôi đấu tranh để xóa bỏ nó.”
(Tuy Nhiên)
Có một vài người lại đánh lạc hướng việc Đoan Trang khẳng định đấu tranh chống độc tài, xóa xóa bỏ nhà nước độc tài biến thành vụ tranh cãi “CHỐNG CỘNG với CHỐNG CÁI ÁC”, lại có người lên giọng khuyên Đoan Trang “IM LẶNG, DỪNG LẠI” …
(Cũng bởi)
Trong những người đấu tranh còn nhiều người tham lam ích kỷ quá, vừa muốn những điều tốt đẹp hơn, tự do hơn, dân chủ hơn lại vừa muốn yên lành, an toàn để hưởng các điều tốt đẹp, tự do, dân chủ đó theo kiểu núp bóng chờ người khác hoặc nằm yên há mồm chờ sung rụng,
Nhưng … không có tự do nào là miễn phí cả
FREEDOM IS NOT FREE
Nhà báo Phạm Đoan Trang: “Tôi đấu tranh để xóa bỏ chế độ độc tài”
Đó là lời khẳng định của nhà báo Phạm Đoan Trang trong bức thư viết bằng song ngữ Việt – Anh được đưa lên Facebook cá nhân vào rạng sáng 26/02/2018 trong tình trạng bị bao vây và cấm ra khỏi nơi cư trú.
Phạm Đoan Trang là tác giả của quyển sách “Chính trị bình dân” được xuất bản tại Mỹ, và cũng vì quyển sách này tác giả ở Hà Nội đã bị đưa lên đồn công an làm việc những ngày qua.
“Tôi là Phạm Đoan Trang.
Tôi là tác giả của nhiều cuốn sách trong đó có cuốn Chính trị bình dân (2017) – một sách giáo khoa về chính trị học căn bản. Đây là ấn phẩm khoảng thứ 9 hoặc thứ 10 của tôi kể từ năm 2003.
Tôi sung sướng, vui mừng vì sách được độc giả đón nhận. Tôi trân trọng tấm lòng và cảm ơn độc giả.
Tôi khinh ghét những kẻ đã và đang muốn tiêu diệt tôi vì cuốn sách này,” nhà báo này cho biết.
Nhà báo Phạm Đoan Trang khẳng định:
“Tôi không nghiện ma túy, không uống rượu, không hút thuốc, không cổ vũ bạo lực và không làm điều gì hại đến người dân Việt Nam.
Tôi đấu tranh để chống độc tài và vì nhà nước cộng sản Việt Nam hiện nay là nhà nước độc tài, nên tôi đấu tranh để xóa bỏ nó.”
Luật khoa Tạp chí hôm 25/02 ra thông cáo báo chí phản đối an ninh Việt Nam đã bắt cóc sáng lập viên kiêm biên tập viên của tạp chí là blogger Phạm Đoạn Trang vào khoảng 2 giờ chiều ngày 24/02.
Thông cáo cho biết, nhà báo Phạm Đoan Trang đã bị một toán sĩ quan an ninh bắt cóc ngay tại nhà riêng của mình ở Hà Nội, và sau đó bị cưỡng chế đưa đến trụ sở cơ quan An ninh điều tra, Bộ Công an, tại số 3 Nguyễn Gia Thiều, Hà Nội cho đến tận 23 giờ cùng ngày .
Trong suốt thời gian bị tạm giữ, cô Phạm Đoan Trang đã bị thẩm vấn liên tục về những hoạt động của mình và về tác phẩm ‘Chính trị bình dân’ mà cô đã viết và xuất bản hồi năm ngoái.
Đây không phải là lần đầu tiên blogger Phạm Đoan Trang bị an ninh Việt Nam tạm giữ và truy vấn về các hoạt động của mình.
 

**************************************************************

** Quý Vị có thể download toàn văn quyển sách 

Chính trị bình dân – của Phạm Đoan Trang – 

gồm 518 trang, theo dạng Adobe .pdf ở dưới...  


BMH
Washington,.C 


Chính trị bình dân – Phạm Đoan Trang – 

Tái bản lần thứ Nhất – PDF

        
4.8k
SHARES

Luật Khoa tạp chí trân trọng giới thiệu và đăng tải bản đầy đủ của cuốn “Chính trị bình dân”, tái bản lần thứ Nhất, có chỉnh sửa, của nhà báo Phạm Đoan Trang, do Nhà xuất bản Giấy Vụn và GreenTrees xuất bản.


















Download:
Ngày 24/2 vừa qua, tác giả Phạm Đoan Trang đã bị công an bắt cóc và ép làm việc về cuốn sách này cho đến nửa đêm. Trước đó, Hải quan Đà Nẵng cũng tịch thu một số bản in cuốn sách này vốn được gửi từ nước ngoài về Việt Nam.
Kể từ đó đến nay, chúng tôi gần như mất liên lạc với Đoan Trang vì nhà riêng của cô bị cắt Internet. Tuy không thể xin phép đăng tải cuốn sách này nhưng chúng tôi tin rằng tác giả sẽ đồng ý với việc phổ biến cuốn sách tới đông đảo bạn đọc của Luật Khoa.
Vốn dĩ, cuốn sách này được xuất bản qua trang thương mại điện tử Amazon với mức giá 20 USD (tương đương khoảng 450.000 đồng). Bản điện tử cũng được xuất bản trên Smashword với giá 5 USD (tương đương khoảng 120.000 đ).
Như tác giả đã nhiều lần thông báo trên Facebook cá nhân, toàn bộ số tiền bán sách được chuyển cho Quỹ Lương Tâm, một quỹ từ thiện được lập ra để giúp đỡ gia đình các tù nhân lương tâm ở Việt Nam.
Nếu đọc bản PDF và muốn trả tiền mua sách, bạn đọc có thể gửi tiền tới Quỹ Lương Tâm theo tài khoản ngân hàng:
Nguyễn Quang A
Số tài khoản: 0541000287869, Vietcombank Chương Dương, Hà Nội
Hoặc tài khoản Paypal: quyluongtamvn@gmail.com.
Chúng tôi đề xuất mức giá đối với bản PDF là 50.000 đồng.
Bạn đọc ở các nước khác có thể đặt mua bản in cuốn này trên Amazon hoặc liên hệ với bà Mạc Việt Hồng (Ba Lan) qua Facebook.
MỤC LỤC
Lời nói đầu của tác giả
Lời cảm ơn của tác giả
Hướng dẫn sử dụng sách
Phần I. Chính trị là gì?
Chương I. Định nghĩa chính trị
Bài đọc. Chính trị ảnh hưởng đến tất cả chúng ta
Chương II. Hoạt động chính trị
Bài đọc. Vì các vị độc tài, chúng tôi mới phải
đi vận động quốc tế cho nhân quyền
Bài đọc. Mặt trái của biểu tình
Chương III. Về môn học “Khoa học chính trị”
Phần II. Chính quyền và nhà nước
Chương I. Định nghĩa chính quyền
Chương II. Tính chính danh
Chương III. Nhà nước
Phần III. Dân chủ
Chương I. Định nghĩa dân chủ
Chương II. Các hình thức đại diện
Chương III. Dân chủ trực tiếp và dân chủ đại diện
Chương IV. Lợi ích và mặt trái của dân chủ
Phần IV. Các chủ nghĩa
Chương I. Thế nào là một chủ nghĩa?
Chương II. Chủ nghĩa tự do
Chương III. Chủ nghĩa bảo tồn
Chương IV. Chủ nghĩa xã hội và dân chủ xã hội
Chương V. Một số chủ nghĩa khác
Bài đọc. Nếu đàn ông có kinh nguyệt
Gloria Steinem
Nguyễn Trung Dũng (dịch)
Chủ nghĩa dân tộc và lòng yêu nước
Bài đọc. Tinh thần yêu nước
Nguyễn Dân
(Facebooker Ếch Ao)
Bài đọc. Yêu nước là gì?
Nguyễn Trần Quyên Quyên
Ý thức hệ có cần thiết không?
Phần V. Tương tác chính trị
Chương I. Thay đổi xã hội
Chương II. Làm truyền thông: công luận,
truyền thông chính trị, và tuyên truyền
Bài đọc. Công luận và việc làm chính sách
Bài đọc. Tự do báo chí kiểu Việt Nam
Chương III. Đảng và hệ thống đảng
Chương IV. Bầu cử
Bài đọc. ABC về bầu cử quốc hội ở Việt Nam
Bài đọc. Hội nghị cử tri – Nét quái đản
trong cơ chế bầu cử quốc hội
Bài đọc. Tại sao đảng cố “lùa” dân đi bầu cử?
Chương V. Tổ chức và nhóm lợi ích
Bài đọc. Khi có quá nhiều một thứ tốt đẹp
Bài đọc. Cái gì quyết định
sự phát triển của phe nhóm lợi ích?
Chương VI. Xã hội dân sự
Bài đọc. Xây dựng không gian cho xãhội dân sự
Bài đọc. Xã hội ảo… nhưng thật
Chương VII. Phong trào xã hội
Phần VI. Bộ máy nhà nước
Chương I. Hiến pháp và pháp luật
Bài đọc. Bản hiến pháp vang vọng tiếng dân
Bài đọc. Lược sử cuộc sửa đổi hiến pháp Việt Nam
Chương II. Lập pháp
Bài đọc. 10 đầu việc của một đại biểu quốc hội
Trịnh Hữu Long
Bài đọc. Cách đo chất lượng hoạt động của quốc hội
Chương III. Hành pháp
Bài đọc. Nhánh hành pháp ở Mỹ
Chương IV. Tư pháp
Bài đọc. Tòa án độc lập
Chương V. Chế độ đại nghị và chế độ tổng thống
Chương VI. Bộ máy hành chính
Chương VII. Hệ thống chính trị CHXHCN Việt Nam
Chương VIII. Quân đội và công an
Bài đọc. Nghề công an trong chế độ dân chủ
Bài đọc. Nguyên tắc “dân quản quân”
và vấn đề tướng lĩnh nắm quyền cơ quan dân sự Việt Nam
Nguyễn Quốc Tấn Trung
Phụ lục. Tài liệu tham khảo
Từ điển thuật ngữ
Đề mục tra cứu
Executive summary

Về tác giả
About the author

No comments:

Danh sách các Chiến Sĩ Hải Quân QLVNCH đã Hy Sinh Trong Trận Hải Chiến Hoàng Sa 1974:

Số TT Chức vụ Họ tên Đơn vị 1 Trung sĩ Cơ khí Trần Văn Ba HQ-10 2 Hạ sĩ Cơ khí Phạm Văn Ba HQ-10 3 Hải quân đại úy Vũ Văn Bang HQ-10 4 Hạ sĩ...